BÀI ĐỌC 1 (Kn 6, 12-16)
"Những ai tìm kiếm sự khôn ngoan sẽ gặp được nó"
Bài trích sách Khôn ngoan.
12 Đức Khôn Ngoan sáng chói, và không hề tàn tạ.
Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan,
thì Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng.
Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan,
thì Đức Khôn Ngoan cho gặp.
13 Ai khao khát Đức Khôn Ngoan,
thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết.
14 Ai từ sáng sớm đã tìm Đức Khôn Ngoan,
thì không phải nhọc nhằn vất vả.
Họ sẽ thấy Đức Khôn Ngoan ngồi ngay trước cửa nhà.
15 Để tâm suy niệm về Đức Khôn Ngoan
là đạt được sự minh mẫn toàn hảo.
Ai vì Đức Khôn Ngoan mà thức khuya dậy sớm,
sẽ mau trút được mọi lo âu.
16 Vì những ai xứng đáng với Đức Khôn Ngoan,
thì Đức Khôn Ngoan rảo quanh tìm kiếm.
Trên các nẻo đường họ đi,
Đức Khôn Ngoan niềm nở xuất hiện.
Mỗi khi họ suy tưởng điều gì,
Đức Khôn Ngoan đều đến với họ.
Với Aragon (LND: Thi sĩ trữ tình Pháp đầu thế kỷ XX) các tình nhân hát: «Ta sẽ ra sao đây nếu người không còn đến gặp ta?»; các tín hữu còn hát mạnh hơn thế nữa. Đức tin hẳn là một câu truyện gặp gỡ. Trong bài sách Khôn Ngoan này, cũng như trong toàn Thánh Kinh, đây là đức tin Ít-ra-en, Giao Ước Thiên Chúa với dân tộc Ngài chọn. Tác giả sách Khôn Ngoan là một tín hữu! Tôi nói “tác giả” vì không thể chính xác hơn! Không ai biết tác giả là ai, chỉ có một điều chắc chắn: dù sách này có tựa đề: «Sách khôn ngoan của vua Sa-lô-môn» nhưng không phải vua Sa-lô-môn, con vua Đa-vít, trị vì vào năm 950 trước CN. Sách được viết bằng tiếng Hy-lạp (không bằng tiếng Do Thái), do một người Do Thái ẩn danh, tại thành A-lê-xan-ri-a xứ Ai-cập, chỉ khoảng chừng 50 năm thôi – còn có thể gần hơn nữa - trước Chúa Giê-su sinh ra. Đoạn chúng ta được nghe trong phụng vụ hôm nay, nằm trong cả một tổng thể các lời khuyên các vua. Dĩ nhiên việc gán tên tác giả cho một vua điển hình là vua khôn ngoan nhất, để có đủ cương vị ban bố những lời khuyên trong sách.
Chương 6 bắt đầu bằng những câu sau đây: «Vậy, hãy lắng nghe, hãy cố hiểu, hỡi các bậc quân vương; hãy học cho biết, hỡi những vị đang nắm quyền trên khắp cõi trần gian…Vậy, hỡi các bậc vua chúa quan quyền, những lời tôi nói đây, xin gửi tới chư vị để chư vị học biết lẽ khôn ngoan, mà khỏi phải sẩy chân trật bước.» (Kn6,1.9) Bài giảng gồm ba điểm.
Điểm thứ nhất, sách Khôn ngoan là điều quý giá nhất trên đời, và nơi đây sách có đề tựa quá nghiêm túc lại toát ra những đoạn văn bay bổng, không ai ngờ: «Đức Khôn Ngoan sáng chói, và không hề tàn tạ.» (c12) hay câu sau đây: «Vì chuyển động của Đức Khôn Ngoan thì mau lẹ hơn tất cả các chuyển động. Do tính thuần khiết, Đức Khôn Ngoan thâm nhập và xuyên thấu mọi vật mọi loài. Đức Khôn Ngoan toả ra từ quyền năng Thiên Chúa và rực lên trong ngôn từ vinh hiển Đấng Toàn Năng, nên không thể vương một tì ố.» (Kn7, 25-26) Sự khôn ngoan quý vô cùng, đến nỗi được ví như một phụ nữ hết sức quyến rũ: «Đức Khôn Ngoan rực rỡ hơn mặt trời, trổi vượt muôn tinh tú. So với Đức Khôn Ngoan, ánh sáng còn kém xa. Bởi trước màn đêm, ánh sáng đành phải lui bước. Còn Đức Khôn Ngoan, chẳng gian tà nào thắng nổi.» (Kn7, 29-30). «Từ thời trai trẻ, tôi đã yêu quý và kiếm tìm Đức Khôn Ngoan, tôi tìm cách cưới Đức Khôn Ngoan làm bạn đời; và vẻ đẹp của Đức Khôn Ngoan làm tôi say đắm.» (Kn8, 2) Điểm thứ hai, sự Khôn Ngoan nằm trong tầm tay, đúng hơn Ngài tự đặt trong tầm tay chúng ta «Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng. Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan cho gặp.» (c2) Nhân đây, xin lưu ý thể văn có tính đong đưa bên này rồi bên kia, thường dùng trong Thánh Kinh, đặc biệt nơi các Tiên Tri hay các Thánh vịnh. Nhưng, nhất là giữa hai câu song song có một câu nền tảng để xác nhận: Đó là để nói lên không có điều kiện nào được đặt ra để gặp gỡ Thiên Chúa; không có điều kiện để được đức khôn ngoan, không có công trạng nào cần phải có hay một giá trị cá nhân nào mới xứng đáng…Chúa Giê-su sau này cũng nói như thế nhưng Ngài phát biểu cách khác: «Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho» (Mt7, 7-9) Chỉ cần chúng ta ao ước; dĩ nhiên với một điều kiện: Phải tìm kiếm, ao ước hết lòng «Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa» (câu 2 trong bài thánh vịnh hôm nay) «Ai từ sáng sớm đã tìm Đức Khôn Ngoan, thì không phải nhọc nhằn vất vả. Họ sẽ thấy Đức Khôn Ngoan ngồi ngay trước cửa nhà.» (c14); lời xác quyết ấy luôn nhấn mạnh Đức Khôn Ngoan lúc nào cũng ở cạnh bên ta, chỉ cần ta tìm kiếm…đó cũng là cách nói chúng ta có tự do; Chúa không bao giờ ép buộc chúng ta.
Điểm thứ ba, chẳng những Đức Khôn Ngoan đáp ứng mọi chờ đợi chúng ta, nhưng còn tìm kiếm đến chúng ta nữa, Đức Khôn Ngoan đi trước một bước ! Và đây, còn táo bạo hơn…thế mà được viết rõ ràng trong bài: «Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết…Đức Khôn Ngoan rảo quanh tìm kiếm. Trên các nẻo đường họ đi, Đức Khôn Ngoan niềm nở xuất hiện. Mỗi khi họ suy tưởng điều gì, Đức Khôn Ngoan đều đến với họ.» (c13.16). Vì, đến đây mọi người đã đoán ra Đức Khôn Ngoan chính là Thiên Chúa, Ngài linh ứng mọi hành động chúng ta.
Về sau, Thánh Phao-lô nói Chúa Giê-su là Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa: «Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa…» (1Cr1, 24-30) «Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết…Đức Khôn Ngoan rảo quanh tìm kiếm. Trên các nẻo đường họ đi, Đức Khôn Ngoan niềm nở xuất hiện. Mỗi khi họ suy tưởng điều gì, Đức Khôn Ngoan đều đến với họ.» (c13.16). Tự sức mình, chúng ta không thể với tới Thiên Chúa. Sự xứng đáng nói ở đây, chỉ là lòng ao ước Thiên Chúa: Một công đức duy nhất đòi hỏi nơi chúng ta, đó là lòng ao ước tìm kiếm Thiên Chúa.
Đây mới có sự gặp gỡ, giao ước: Biết rằng muốn có sự gặp gỡ thân tình giữa hai đối tượng, cả hai phải mong muốn. Đoạn này, Thánh Kinh muốn nói lên là Thiên Chúa tìm kiếm chúng ta. Chỉ cần và đủ, con người tìm kiếm Thiên Chúa: «Đức Khôn Ngoan rảo quanh tìm kiếm. Trên các nẻo đường họ đi, Đức Khôn Ngoan niềm nở xuất hiện. Mỗi khi họ suy tưởng điều gì, Đức Khôn Ngoan đều đến với họ.» (c16).
Chúng ta có thể tự đặt câu hỏi, dựa vào tiêu chuẩn nào có thể nói một ông vua (hay bất cứ ai) khôn ngoan hay không? Đây Tiên tri Giê-rê-mi-a nói về điều này: « ĐỨC CHÚA phán thế này: "Kẻ khôn ngoan, đừng tự hào mình khôn ngoan; kẻ hùng mạnh, đừng tự hào mình hùng mạnh; kẻ giàu có, đừng tự hào mình giàu có. Ai tự hào thì hãy tự hào về điều này, là hiểu biết Ta. Vì Ta là ĐỨC CHÚA, Đấng thực thi nhân nghĩa, công bình và chính trực trên mặt đất. Phải, Ta ưa thích những điều này. - Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA."» (Gr9, 22-23) Đây là tiêu chuẩn về đức khôn ngoan, Khôn Ngoan thật thể hiện bằng lòng nhân ái, công minh, chính trực.
Tác giả bài cũng nói tương tự: «Chính Đấng Tối Cao đã ban quyền thống trị. Cũng chính Người sẽ kiểm tra các việc chư vị làm và dò xét những điều chư vị toan tính...nếu như chư vị không xét xử công minh, không tuân giữ lề luật, không theo ý Thiên Chúa,» (Kn6, 3-4). Quả thật, trong Thánh Kinh lúc nào cũng thế: Điều duy nhất đòi hỏi nơi chúng ta, là hành động theo thánh ý Chúa. Chúa Giê-su phán: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha» (Mt7, 21) và Tiên tri Mi-kha cũng nói rõ: «Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào ĐỨC CHÚA đòi hỏi bạn: Đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn» (Mk6, 8) (có nhiều nơi dịch «chăm chỉ theo dõi bước đi với Chúa»). Tất cả các bài đọc Chúa nhật thứ XXXII đều nói lên sự cảnh giác ấy.
***
THÁNH VỊNH (Tv62, 2-8)
Đáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khao khát Chúa.
2 Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.
3 Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện, để thấy uy lực và vinh quang của Ngài.
4 Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống, miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương.
5 Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng, và giơ tay cầu khẩn danh Ngài.
6 Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc, môi miệng con rộn rã khúc hoan ca.
7 Con tưởng nhớ Chúa trên giường ngủ, suốt năm canh thầm thỉ với Ngài.
8 Quả thật Ngài đã thương trợ giúp, nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui.
«Nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui» tuyệt vời, nhưng cũng không kém lạ lùng! Thật ra phải tưởng tượng mình đang ở bên trong Đền Giê-ru-sa-lem (dĩ nhiên trước khi Đền bị tiêu diệt năm 587 trước CN do quân của Na-bu-cô-đô-nô-so)…và chúng ta là tư tế hay người Lê-vi. Đây là nơi rất thánh thiêng, nơi «Cực Thánh», nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa. (LND: Hòm Bia Thiên Chúa tiếng Pháp là Arche, đồng nghĩa với cửa thành). Xin chú ý, ngày nay chúng ta gọi là arche, và có thể nghĩ đến một công trình kiến trúc đồ sộ: Những người ở Paris có thể nghĩ đến Khải Hoàn Môn xóm Défense. (Grande Arche de la Défense)…Đối với Ít-ra-en, không phải thế! Đây là điều gì rất thánh thiêng: Một cái hòm nhỏ bằng gỗ quý, được bọc vàng từ bên trong lẫn bên ngoài, đựng những tấm bia Lề Luật. Trên nắp hòm có tượng hai thiên thần Hộ Giá.
Thiên thần Hộ Giá không do Ít-ra-en nghĩ ra: Thiên thần Hộ Giá này đến từ Mê-sô-pô-ta-mi-a. Đây là những nhân vật thánh thiêng mặt người, mình sư tử, và nhất là có hai cánh thật lớn. Ở Mê-sô-pô-ta-mi-a được thờ như những bậc thần thánh…Trái lại, tại Ít-ra-en các tượng này được cẩn thận giải thích là những tạo vật: Chỉ tượng trưng những đấng bảo vệ Hòm Bia, nhưng đôi cánh được xem là bậc thang Chúa bước lên. Bài này nói về một tư tế đang cầu nguyện trong Đền thánh, dưới hai cánh thiên thần, cảm thấy được ấp ủ lòng trìu mến yêu thương của Thiên Chúa, từ rạng đông cho đến khi đêm đến.
Tất cả những biểu tượng khác của bài Thánh vịnh hôm nay, đều được rút từngữ vựng các Lê-vi: «con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện» (c3) (chỉ người Lê-vi mới có quyền vào vùng thánh trong Đền)…«Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng» (c5) (suốt cuộc đời, họ dành cho việc tán tụng Thiên Chúa)…«giơ tay cầu khẩn danh Ngài» (c5b) (các người Lê-vi cầu nguyện hai tay giơ lên trời)…«Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc, môi miệng con rộn rã khúc hoan ca.» ( c6) (ngụ ý nói đến các lễ tế, sau đó có buổi tiệc hiệp nhất cùng với tất cả cử toạ; mặt khác các người Lê-vi nhận một phần thịt trong các lễ tế)…«Con tưởng nhớ Chúa trên giường ngủ, suốt năm canh thầm thỉ với Ngài.» (c7) (suốt đời họ sống trong vòng Đền thánh).
Thật ra bài Thánh vịnh này như một bài dụ ngôn. Người Lê-vi là toàn dân Ít-ra-en, từ rạng đông của lịch sử dân tộc cho đến ngày cánh chung, họ ngạc nhiên thán phục được Thiên Chúa đề nghị gần gũi thân tình: «Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa…» (c2a). Cụm chữ «ngay từ rạng đông» có nghĩa từ khởi đầu lịch sử của dân tộc họ; từ nguyên thủy dân Ít-ra-en tìm kiếm Thiên Chúa. «Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.» (c2b) Tại Ít-ra-en những từ ngữ này rất thực tế: Đất hoang, khô cằn, chỉ chờ mưa xuống để hồi sinh, đây là một trải nghiệm trong đời thường, rất gợi ý.
Từ rạng đông của lịch sử, Ít-ra-en đã khao khát Thiên Chúa, sự khao khát thật sự vì họ đã trải nghiệm sự hiện diện và gần gũi thân tình mà Chúa đã đề nghị. Và vì thế, nếu hiểu ở bậc cao hơn, đây là trải nghiệm của dân Ít-ra-en được lộ ra trong bài Thánh vịnh này. Ví dụ như câu: «Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.» (c2) Rõ ràng câu này ngụ ý nói đến những ngày vừa ra khỏi Ai-cập, gặp phải trải nghiệm kinh khủng lúc sắp chết khát tại Ma-xa và Mơ-re-va (Xh17). Lời nguyện phát xuất từ ý nghĩa thiêng liêng bài Thánh vịnh, tựa như lời người sắp chết vì mất nước: «Ta khát».
«Con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện» (c3) Câu này ngụ ý nói đến những biểu hiện Thiên Chúa tại Si-nai, chốn thiêng liêng, nơi ấy dân chúng ngắm nhìn Thiên Chúa ban cho họ Giao Ước…«để thấy uy lực và vinh quang của Ngài.» (c3b) Trong ký ức Ít-ra-en, điều này gợi lên những kỳ công trong thời Xuất Hành, để giải thoát khỏi nô lệ Ai cập, cũng như câu: Ngài đã thương trợ giúp» (c8). Trong ký ức Ít-ra-en, không bao giờ ai có thể quên câu Chúa nói cho ông Mô-sê: «Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng, Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập» (Xh3, 7-8a)
Khi suy niệm về sự giải thoát ấy của Thiên Chúa, ta không khỏi so sánh với chim Bằng tập bầy con bay nhảy: «Tựa chim Bằng trên tổ lượn quanh, giục bầy con bay nhảy, xoè cánh ra đỡ lấy rồi cõng con trên mình.» (Đnl32, 11) Như tiếng vang, trong sách Xuất Hành, lúc nghi thức Giao Ước, có câu: «Ngươi sẽ nói với nhà Gia-cóp Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai-cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta» (Xh19, 3b. 4). Và đây, cánh các thiên thần Hộ Giá trong Đền thánh lại mang một ý nghĩa khác. Đó là cánh bảo hộ của Đấng tập cho Ít-ra-en biết con đường của tự do.
Tất cả những gợi ý một đời sống trong Giao Ước, với sự gần gũi mật thiết, có thể là những bằng chứng bài Thánh vịnh này được sáng tác trong một giai đoạn không mấy sáng sủa, khi mọi người cần bám vào những kỷ niệm trong quá khứ. Tất cả không mấy tốt đẹp, những câu sau cùng (không được đọc trong phụng vụ hôm nay) nói rõ lên điều ấy; có thể nói bài Thánh vịnh phát biểu một cách mạnh bạo, lòng nôn nóng chờ sự dữ biến đi khỏi trái đất, ví dụ như: «Còn những kẻ tìm hại mạng sống con, ước gì chúng phải xuống vực sâu lòng đất,» (c10). Ít-ra-en chờ đợi mọi lời hứa của Thiên Chúa hoàn tất, trời mới, đất mới, giải thoát khỏi mọi sự dữ và bách hại.
Câu: «ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa…Linh hồn con đã khát khao Ngài» (c2) nói lên sự tìm kiếm ấy vẫn chưa thỏa lòng: Ít-ra-en là dân tộc chờ đợi, cậy trông. «Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông. Hơn lính canh mong đợi hừng đông,» (Tv130, 6) Khi Chúa Giê-su nói canh thức trong bài dụ ngôn các trinh nữ khôn ngoan và trinh nữ dại khờ (trong bài Phúc âm hôm nay) đó là Ngài muốn nói đến điều này: Sự tìm kiếm Chúa liên lỉ.
Ngày nay dân Thiên Chúa nối gót dân tộc Ít-ra-en, nhận lấy lời nguyện này, sự khao khát, mong chờ: Bài Thánh vịnh 62 thuộc về Kinh Phụng Vụ sáng Chúa nhật (tuần 1): vì trong phụng vụ Ki-tô, đó là ngày Chúa Ki-tô Phục Sinh, là ngày đặc biệt, chúng ta cử hành toàn diện mầu nhiệm Giao Ước Thiên Chúa với dân Ngài, từ rạng đông lịch sử, trong lúc chờ đợi ngày cánh chung của Nước Trời.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng