Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC LỄ CHÚA KI-TÔ VUA NĂM A - 22/11/2020

BÀI ĐỌC 1 (Ed 34, 11-12.15-17)

 

"Phần các ngươi là những đoàn chiên của Ta, Ta xét xử chiên với chiên."

 

Trích sách Tiên tri Ê-dê-ki-en

 

11 Quả thật, ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm.

12 Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt.

15 Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng.

16 Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh ; con nào béo mập, con nào khỏe mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.

17 Phần các ngươi, hỡi chiên của Ta, ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán. Này Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên, giữa cừu với dê

 

Hãy tưởng tượng một đàn chiên du mục và một đám mây mù dày đặc phủ lên đàn chiên trong cánh đồng. Nếu người chăn chiên không chăm chỉ, chẳng bao lâu bày chiên không còn nữa: Chiên không được giữ cẩn thận sẽ lần lượt đi lạc và phân tán khắp quả núi. Đấy là hình ảnh gợi lên trong trí tưởng tượng Tiên tri Ê-dê-ki-en về dân Ít-ra-en khi lưu đày Ba-by-lon. Trong những lúc nản lòng, có nguy cơ nghĩ rằng dân của Chúa không phải dân Chúa chọn nữa; tệ hơn thế, không phải một dân tộc nữa. Họ sẽ bị xóa khỏi bản đồ chăng? Các con chiên đều đi lạc «chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt.» (c12)…Và ngày đen tối ấy, dường như không bao giờ kết thúc. Dân này còn có tương lai không đây?

Thế nhưng, vị ngôn sứ chúng ta chính thật là đấng tiên tri. Và ngài biết Thiên Chúa luôn trung tín với Giao Ước, Chúa không bao giờ bỏ dân Ngài, đàn chiên của Ngài. «Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ» (c15) Lời loan báo quan trọng đầu tiên của bài này, Tin Mừng ấy là: Anh em vẫn thuộc về đàn chiên của Chúa…Đừng lo, Ngài sẽ qui tụ anh em lại, và dẫn anh em đến đồng cỏ xanh tươi. Chừng nào sẽ thực hiện lời hứa ấy? Tiên tri Ê-dê-ki-en không nói, vì ngài không biết nói chính xác lúc nào, nhưng biết chắc ngày ấy sẽ đến. Ngài không nhắm đến lúc Đấng Mê-si-a xuất hiện. Ngày quá xa vời, gợi đến ngày tận thế, thì không có tác động khích lệ một ai. Tiên tri Ê-dê-ki-en nghĩ đến một tương lai gần hơn, loan báo việc được trở về quê hương. «Đồng cỏ xanh tươi» dĩ nhiên đó là Giê-ru-sa-lem, và đất hứa. Vì thế, đây là lời loan báo hết lưu đày Ba-by-lon và về nước: «Chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm…Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. (tản mác sang Ba-by-lon, xa đồng cỏ xanh tươi)» (c11.12)

Kế đến, là đoạn tuyệt vời, nhắc lại sự ân cần chăm sóc người mục tử: «Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy…Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.» (c12. 16) Tin Mừng thứ hai của bài, là sự chăm sóc ân cần của Chúa cho dân Ngài. Nhưng người mục tử nghiêm chỉnh xứng với danh mình, có lúc phải biết tỏ ra kiên quyết: Cũng cùng một cây gậy, gậy để đi bộ, ngài dùng để hướng dẫn và gom lại những con chiên không theo kịp, cũng như đuổi xa những con không thuộc về đàn chiên, phân ra với dê…và đuổi thú rừng đe dọa đàn chiên. Ví dụ, hãy nghe Đa-vít thuật lại trải nghiệm lúc là mục tử cho vua Sao-un: «Đa-vít thưa với vua Sa-un: "Tôi tớ ngài là người chăn chiên dê cho cha. Khi sư tử hay gấu đến tha đi một con chiên trong bầy gia súc,  thì con ra đuổi theo nó, đánh nó và giật con chiên khỏi mõm nó. Nó mà chồm lên con, thì con nắm lấy râu nó, đánh cho nó chết» (1Sm, 34-35) và ông tiếp: «ĐỨC CHÚA là Đấng đã giật con khỏi vuốt sư tử và vuốt gấu, chính Người sẽ giật con khỏi tay tên Phi-li-tinh này». Trong tư tưởng vị Tiên tri, một tướng lãnh phải có những đức tính của người mục tử (và các bạn hẳn biết, ngày xưa vương trượng là cây gậy mục tử). Năm 1750 trước CN, vị vua nổi tiếng Hamourabi cũng đã từng so sánh mình với một mục tử: «Ta là mục tử, trượng ta công minh» .

Ở Ít-ra-en, người ta tin rằng chỉ có Thiên Chúa mới công minh mà thôi, và qua kinh nghiệm các vua dưới thế này, mặc dù hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp, không bao giờ công minh. Thời gian lưu đày Ba-by-lon, họ có thời gian suy gẫm thỏa thích về quá khứ và về những lỗi lầm các vua, lần lượt vua này đến vua khác, như những người mục tử xấu xa, nếu không chẳng nổi như thế này. Thay vì chăm sóc đàn chiên của mình, họ chỉ lo cho bản thân, cho của cải riêng mình, cho hạnh phúc riêng tư, cho danh tiếng mình; và thay vì trị vì công minh cho xứ sở, họ để cho bất công tràn lan, làm giàu cho người này, gây bần cùng cho kẻ khác.

Hy vọng trên trời cao, Tiên tri Sa-mu-en có được một vinh dự khiêm tốn! Khi xưa ngài có nói mấy đi nữa «ta đã nói trước mà»; khi các kỳ lão Ít-ra-en đến xin ngài chỉ định cho một vua Ít-ra-en – để làm giống như các dân tộc láng giềng – Tiên tri Sa-mu-en đã từng cảnh báo họ: A ha! anh em muốn có một vua ư, để tôi nói cho anh em những gì chờ đợi anh em. Và ngài phác họa cho họ một dung nhan, một vị vua không mấy đáng có: «Ông nói: "Đây là quyền hành của nhà vua sẽ cai trị anh em. Các con trai anh em, ông sẽ bắt mà cắt đặt vào việc trông coi xe và ngựa của ông, và chúng sẽ chạy đàng trước xe của ông. Ông sẽ đặt chúng làm người chỉ huy một ngàn và chỉ huy năm mươi, sẽ bắt chúng cày đất cho ông, gặt lúa cho ông, chế tạo vũ khí cho ông và dụng cụ cho xe của ông. Các con gái anh em, ông sẽ bắt vào làm thợ chế nước hoa, nấu ăn và làm bánh. Đồng ruộng, vườn nho, vườn cây ô-liu tốt nhất của anh em, ông sẽ lấy mà cho bề tôi của ông. Lúa thóc và vườn nho của anh em, ông sẽ đánh thuế thập phân mà cho các thái giám và bề tôi của ông. Các tôi tớ nam nữ, các người trai tráng khá nhất của anh em, các con lừa của anh em, ông sẽ bắt mà dùng vào việc của ông. Chiên dê của anh em, ông sẽ đánh thuế thập phân. Còn chính anh em sẽ làm nô lệ cho ông. Ngày ấy, anh em sẽ kêu than vì vua của anh em mà anh em đã chọn cho mình, nhưng ngày ấy ĐỨC CHÚA sẽ không đáp lời anh em» (1Sm8, 11-18) Vua như thế, thì rất xa với lý tưởng mục tử nhân lành, nhưng rất gần thực tế.

Tiên Tri Sa-mu-en không mấy vội vã có vua cho dân tộc Ít-ra-en. (và tương lai, chứng minh ngài có lý!) Bởi vì, có một mối quan hệ ưu tiên, kết nối dân tộc này với Chúa của họ, qua Giao Ước chính Thiên Chúa là vua của dân Ngài. Những người cầm quyền, chỉ là những quản gia của Thiên Chúa (theo tiếng Pháp, quản gia còn có nghĩa gốc người là thay mặt chủ). Nhưng các vua đã lầm về sứ vụ của mình, họ quên rằng họ chỉ là những quản gia của Chúa, và họ tìm tư lợi thay vì tìm lợi ích cho dân. Lúc ngôn sứ Ê-dê-ki-en viết bài này, không còn vua ở Ít-ra-en; Chúa đã xét xử các vua xấu, và tước lấy quyền chăm sóc đàn chiên của họ. Kể từ đó, Ngài lấy lại quyền lãnh đạo mọi việc: «Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta,» (c15). Dĩ nhiên, dân chúng cần có những người cai trị, nhưng Thiên Chúa sẽ cẩn thận chọn những chủ chăn tốt. Đồng thời, chờ đợi vị vua lý tưởng, được gọi là Đấng Mê-si-a, đấng sẽ trị vì trên ngai vua Đa-vít. Không ai quên lời hứa ấy, nhưng từ nay, về sau mỗi khi nói đến Đấng Mê-si-a, mọi người tưởng tượng trong đầu  hình ảnh của một người mục tử nhân lành vác trên vai con chiên bệnh tật.

***

 

THÁNH VỊNH (Tv 22, 1-6)

 

"Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi. Trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ."

(Xem Chúa nhật XXVIII thường niên năm A cùng bài)

 

1 Thánh vịnh. Của vua Đa-vít
CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

2 Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành

3 và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.

4 Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.

5 Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.

6 Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên. 

 

Bài Thánh vịnh 22 này (chúng ta rất quen thuộc vì đã từng hát «Chúa là mục tử tôi, tôi không còn thiếu gì») bài này nghe như một bài thơ điền viên, có thể làm cho chúng ta lầm! Thật ra, chỉ trong vài câu - chúng ta vừa nghe toàn bài - tất cả các phương diện cuộc sống đều được đề cập. Trái hẳn với vẻ bên ngoài, đây không phải miêu tả một cuộc du ngoạn đồng ngoại. Vấn đề là sự sống chết, khiếp sợ trước kẻ thù và lòng tin vào Thiên Chúa mãnh liệt hơn mọi mối đe dọa. Nghe bài Thánh vịnh này như một tiếng vang rất gợi ý cho Bài đọc 1 Chúa nhật thứ XXVIII hôm nay, trích từ sách Tiên tri I-sa-i-a. Ngài chỉ nói đời sống trong Giao Ước với Thiên Chúa, và chúng ta thấy đối với Tiên tri I-sa-i-a, chỉ có đời sống ấy mới đáng gọi là sống; tất cả các tình trạng cắt đứt với Thiên Chúa gọi là chết, một khi ta là tín hữu.

Một trong những mẫu gương đời sống kết hiệp với Thiên Chúa trong Cựu Ước, là các Người Lê-vi. Chúng ta biết thể chế người Lê-vi. Theo sách Sáng Thế, Lê-vi là một trong mười hai người con ông Gia-cóp, mười hai chi tộc Ít-ra-en mang tên mười hai người con ấy. Nhưng từ ban đầu, chi tộc Lê-vi có một chỗ đứng riêng biệt, để hoàn toàn tận hiến cho việc phụng tự. Mọi người cho rằng chính Chúa là gia nghiệp của họ. (hình ảnh này chúng ta rất quen thuộc, vì được lặp lại trong một bài Thánh vịnh khác: «Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ. Phần tuyệt hảo may mắn đã về con, vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn.» (Tv15, 16). Các người Lê-vi sinh sống rải rác trong các chi tộc khác, nhờ các bổng lộc được dâng hiến. Tại Giê-ru-sa-lem, họ được giao nhiệm vụ phụng tự trong Đền Thánh và gìn giữ Đền.

Mỗi khi dân chúng Ít-ra-en lên Đền Thánh, họ có cảm tưởng nhận được ơn Thánh nhờ người Lê-vi. Còn người Lê-vi, họ rất sung sướng được ở gần gũi Thiên Chúa, họ tin và có thể nói: «Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên.» (c6) Như người Lê-vi, dân tộc Ít-ra-en nhận thấy mình có được một chỗ đứng đặc biệt, đó là mầu nhiệm Thiên Chúa chọn riêng dân tộc này, không ngoài lý do nào khác, là sự tự do tối cao của Ngài. Mỗi thế hệ ngạc nhiên thán phục về sự chọn lựa này, và về Giao Ước Ngài đề nghị: «Anh (em) cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh (em), từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng? Có dân nào đã được» (Đn l4, 32) Thiên Chúa hoàn toàn tự quyết cho dân tộc này vào vòng mật thiết với Thiên Chúa, dĩ nhiên là không phải để họ được ích kỷ tận hưởng, nhưng để mở cửa cho các dân tộc khác. Rút cục, như Tiên tri I-sa-i-a nhắc lại, chính toàn nhân loại sẽ được vào vòng mật thiết với Thiên Chúa: Buổi tiệc được Thiên Chúa dọn trên núi mời gọi mọi dân tộc. (xem Bài đọc 1)

Buổi tiệc do Tiên tri I-sa-i-a miêu tả, có thể nói họ đã nếm vị ấy trước trong các buổi tiệc hiệp lễ sau lễ tạ ơn trong Đền Giê-ru-sa-lem. Các buổi ăn ấy là những buổi dạ lễ giữa bạn bè với «ly rượu con đầy tràn chan chứa.»: «Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa.» (c5) Thế nhưng, theo lịch sử, mỗi lần hát bài Thánh vịnh này trong Đền Giê-ru-sa-lem, mới chỉ là vị hương trước của hạnh phúc hứa cho thời cánh chung. Còn phải gặp bao nhiêu thử thách nữa. Trong những thử thách ấy, không có chỗ nào nương náu ngoài lòng cậy trông.

Trong khi ấy, Ít-ra-en được ví như con chiên: Người chăn chiên là Thiên Chúa. Đây là một đề tài quen thuộc trong Thánh Kinh: Trong cách nói trong cung điện vùng Trung Đông, các vua được xem là những mục tử cho dân chúng. Tiên tri Ê-dê-ki-en cũng lấy lại những hình ảnh ấy. Từ thời vua Sa-un và Đa-vít, dân chúng có rất nhiều mục tử, nhưng không mấy ai là mục tử nhân lành trước mặt Thiên Chúa. Chắc chắn, ngoài Ngài ra không ai có thể nói là mục tử quan tâm đến những nhu cầu thật sự của đàn chiên mình. «CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành» (c1,2). Nơi ấy chẳng thiếu thốn gì.

Ngay khi phải: «qua thung lũng âm u của sự chết», dân Ít-ra-en biết rằng, như người mục tử sẽ «đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.» (c2,3) Vì còn có nhiều hiểm nguy trên suốt hành trình lịch sử, đó là biết bao kẻ thù …nhưng dù sao đi nữa, họ chẳng sợ chi. Thiên Chúa ở với họ: «con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,» (c4,5). Sự an tâm, thanh thản của người tín hữu dựa vào tất cả trải nghiệm của sự quan tâm của Thiên Chúa cho dân Ngài từ bao thế kỷ. Những ngày nản lòng, họ lặp lại lời Tiên tri I-sa-i-a: «Ngày ấy, (ngụ ý nói ngày cánh chung) người ta sẽ nói: "Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là ĐỨC CHÚA chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ.” (Is25, 9).

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân               

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com