Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT 01 MÙA VỌNG NĂM B - 29/11/2020

BÀI ĐỌC 1 (Is 63, 16b-17.19b; 64, 2b-7)

 

"Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống"

 

Trích sách Tiên tri I-sa-i-a

 

16b Chúng con không được ông Áp-ra-ham biết đến,
không được ông Ít-ra-en nhìn nhận,
còn Ngài, lạy ĐỨC CHÚA, Ngài mới là Cha,
là Đấng cứu chuộc chúng con:
đó là danh Ngài từ muôn thuở.

17 Lạy ĐỨC CHÚA, tại sao Ngài lại để chúng con
lạc xa đường lối Ngài?
Tại sao Ngài làm cho lòng chúng con ra chai đá,
chẳng còn biết kính sợ Ngài?
Vì tình thương đối với tôi tớ
là các chi tộc thuộc gia nghiệp của Ngài,
xin Ngài mau trở lại.Ngài ngự xuống: và núi non rung chuyển trước Thánh Nhan!

19b Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống,
cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan

3 Người ta chưa nghe nói đến bao giờ,
tai chưa hề nghe, mắt chưa hề thấy
có vị thần nào, ngoài Chúa ra,
đã hành động như thế đối với ai tin cậy nơi mình.

4 Ngài đón gặp kẻ sống đời công chính mà lấy làm vui
và nhớ đến Ngài khi theo đường lối Ngài chỉ dạy.
Kìa, Ngài phẫn nộ vì tội lỗi chúng con,
nhưng khi mải đi theo các đường lối của Ngài,
chúng con sẽ được cứu thoát.

5 Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế,
mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ.
Tất cả chúng con héo tàn như lá úa,
và tội ác chúng con đã phạm, tựa cơn gió, cuốn chúng con đi.

6 Không có ai cầu khẩn danh Chúa,
cũng chẳng ai tỉnh dậy mà níu lấy Ngài,
vì Ngài đã ngoảnh mặt không nhìn đến,
và để cho tội ác chúng con phạm mặc sức hành hạ chúng con.

7 Thế nhưng, lạy ĐỨC CHÚA, Ngài là Cha chúng con;
chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài,
chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con.

 

Chúng ta thấy bài Giáo lý của em bé Do Thái và đứa trẻ Ki-tô giáo Pháp có một số điểm giống nhau: Cả hai đều quả quyết Thiên Chúa là Cha! Chương 63 sách Tiên tri I-sa-i-a có lẽ được viết 500 năm trước CN; thế nhưng, về điểm này, rõ ràng lời cầu nguyện rất giống Kinh Lạy Cha. Bài còn lặp lại hai lần Chúa là Cha: Tài liệu đề nghị cho chúng ta trong phụng vụ hôm nay, thể văn này được gọi là «thể vùi»; câu đầu và câu cuối giống nhau, và bao gồm cả bài; câu đầu là « Ngài mới là Cha, là Đấng cứu chuộc chúng con: đó là danh Ngài từ muôn thuở.» (63, 16). Câu cuối: « Ngài là Cha chúng con» (64, 7) liền sau đó là hình ảnh người thợ gốm.  « chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con»

Hình ảnh người thợ gốm rất thú vị: Điều này giúp chúng ta hiểu Chúa là Cha như thế nào. Không phải người cha thể xác như người cha trong nhân loại; người thợ gốm không phải người cha sinh lý của món đồ gốm được sáng tạo: Người là người kẻ tạo ra, điều này khác hẳn! Và đây, một lần nữa, Ít-ra-en khác biệt hẳn với các dân tộc láng giềng, họ chẳng những không chờ đến Tân Ước mới gọi Thiên Chúa là Cha, mà cũng không chờ Cựu Ước hay dân tộc Do Thái mới gọi Chúa là Cha. Các dân tộc khác, cũng gọi chúa của họ là cha: Ví dụ như, vào thế kỷ XIV, tại Ugari (Xứ Xy-ri, miền bắc Pa-lét-tin), chúa cao cả nhất của họ được gọi là «El-vua-cha»

Nhưng, danh hiệu cha nơi các dân tộc khác có hai ý nghĩa. Thứ nhất có nghĩa quyền uy; nghĩa thứ hai là cha thể lý. Thánh Kinh giữ nghĩa thứ nhất là uy quyền, luôn từ chối xem Thiên Chúa là cha thể lý như loài người. Chúa là đấng siêu việt trên cả phương diện này. Hơn nữa, cũng vì lý do chúng ta gặp trong Cựu Ước - về sau này - và rất hiếm, có ý kiến cho rằng, Thiên Chúa đại loại như «Chúa là Cha»; trong thời gian rất lâu, người ta e sợ hiểu lầm và tưởng tượng cha theo như cha loài người; giống như các dân tộc láng giềng tin như thế. Cũng như trong Tân Ước, Chúa Giê-su không vội mạc khải mình là Đấng Mê-si-a: Bởi vì từ quá lâu nay, có nhiều người hiểu lầm về từ này.

Trái lại, rất thường và rất sớm, dân tộc Ít-ra-en xưng là con. Dĩ nhiên, không thể hiểu lầm, không ai có thể nghĩ cả một dân tộc là con thể lý. Ví dụ như trong sách Sáng Thế, trong một tài liệu rất xưa, có câu: «ĐỨC CHÚA phán thế này: Con đầu lòng của Ta là Ít-ra-en» (Xh4, 22) (Đầu lòng còn có nghĩa yêu dấu, đứa con được yêu chuộng). Điều này, dĩ nhiên gợi ý Ít-ra-en được chọn lựa. Giai đoạn thứ hai, từ khi vua Đa-vít, vua được gọi là «thiên tử», bằng chứng là công thức tìm thấy trong Thánh vịnh 2, được hát vào lễ đăng vương một vua mới lên ngôi: «Người phán bảo tôi rằng: "Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con.» (Tv2, 7) Kết cuộc, dần dần dễ hiểu rằng, mỗi chúng ta có thể xem là con Thiên Chúa tức là đối tượng của lòng từ bi của Ngài…Điều này có nghĩa, là lời kinh Lạy Cha của chúng ta có từ trước lâu đời, rất lâu, đến nỗi gần như tất cả các câu kinh đã có trong lời nguyện Do Thái.

Danh hiệu thứ hai của Chúa từ Tiên tri I-sa-i-a là Đấng cứu chuộc hay Đấng Cứu Thế (mỗi lần chúng ta gặp chữ cứu thế hay Đấng Cứu chuộc, nên nghĩ là đấng Cứu độ, hay Đấng Giải thoát vì câu đầu kinh Tin Kính Do Thái, khởi đầu không phải bằng cụm chữ «tôi tin kính Đức Chúa Trời là Đấng Tạo dựng trời đất» mà là «tôi tin kính Đức Chúa Trời là Đấng Cứu Độ») Trung tâm của truyền thống Ít-ra-en, ký ức dân tộc được truyền từ thế hệ này đến thế hệ kế tiếp là, «Thiên Chúa cứu độ» và «Đấng lập Giao Ước với chúng ta». Đó là chủ yếu đức tin và lời nguyện dân tộc này, hay nói chính xác hơn, điều tạo cho Ít-ra-en trở nên một dân tộc, đó là niềm tin chung của họ. Trước khi Giao Ước với Thiên Chúa, trải nghiệm đầu tiên của họ đối với Ngài, chính là cuộc giải thoát khỏi Ai-cập. Thiên Chúa của Cựu Ước là đấng muốn họ tự do: Tự do không làm nô lệ loài người mà cũng tự do không thờ lạy bụt thần, vì đó là thứ nô lệ tồi tệ nhất.

Để nói lên điều ấy, Tiên tri I-sa-i-a dùng một từ ngữ rất chính xác, một thuật ngữ luật pháp; trong đó có chữ «Go’el» «kẻ cứu độ» hay «giải thoát». Theo tiếng Do Thái chữ Go’el đến từ gốc có nghĩa là chuộc lại, đòi lại, nhưng nhất là có nghĩa được bảo vệ. Một khi, một người Do Thái phải tự bán mình làm nô lệ để chuộc nợ, người trong gia đình hay thân nhân là người «Go’el» cho người ấy; người này đến gặp người chủ nợ để xin trả tự do cho người thân (Lv25, 47-49). Cũng tương tự như thế, nếu một người Do Thái có nhu cầu bán ruộng đất của mình, người thân cận nhất trong gia đình, người «Go-el» có quyền chuộc lại bất động sản ấy.

Nhiều lần trong Cựu Ước, Thiên Chúa được gọi là «Đấng Cứu độ», Người «chuộc» lại dân Ngài. Dĩ nhiên khi dùng chữ «chuộc» của Thiên Chúa, đây không phải một cuộc thương mại, nhưng để xác định hai điều: Điều thứ nhất, Thiên Chúa là người thân nhất đối với dân Ngài; điều thứ hai Chúa muốn dân Ngài sống tự do. Và bởi vì trải nghiệm đầu tiên dân tộc Ít-ra-en về Thiên Chúa là cuộc giải phóng, Tiên tri I-sa-en nói: «Ngài mới là Cha, là Đấng cứu chuộc chúng con: đó là danh Ngài từ muôn thuở.» (c16)

Giữa hai lời xác quyết Thiên Chúa là Cha chúng ta, Tiên tri I-sa-i-a triển khai cả một lời kinh nguyện lên Thiên Chúa, bởi vì chính Ngài là Cha: Xin Ngài hãy đến «Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan» (c19). Vài thế kỷ sau, lúc Chúa Giê-su chịu phép Rửa, màn trời xé ra, và trên núi Sọ, màn trong Đền cũng xé ra (biểu tượng cho bầu trời). Thiên Chúa đã nhậm lời Tiên tri I-sa-i-a; Ngài tác động nơi Con Ngài để đến với chúng ta.

 ***

 

THÁNH VỊNH (Tv 79, 2-3.15-16.18-19)

 

 Đáp ca: « Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, 
xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con dược cứu sống »

 

2 Lạy Mục Tử nhà Ít-ra-en,
Ngài là Đấng chăn giữ nhà Giu-se
như chăn giữ chiên cừu, xin hãy lắng tai nghe!
Ngài là Đấng ngự trên các thần hộ giá,

3 xin giãi sáng hiển linh cho dòng dõi Ép-ra-im,
Ben-gia-min và Mơ-na-se được thấy.
Xin khơi dậy uy dũng của Ngài,
đến cùng chúng con và thương cứu độ.

15 Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại,
tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem,
xin Ngài thăm nom vườn nho cũ,

16 bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng,
và chồi non được Ngài ban sức mạnh.

18 Xin giơ tay bênh vực Đấng đang ngồi bên hữu
là con người được Chúa ban sức mạnh.

19 Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu,
cúi xin Ngài ban cho được sống,
để chúng con xưng tụng danh Ngài.

Bài Thánh vịnh này tuy rất ngắn nhưng thật phong phú. Chỉ trong hai mươi câu đã tóm lược cả lịch sử Ít-ra-en: Những giây phút vinh quang cũng như những lúc đau khổ. Vinh quang, dĩ nhiên là lúc ban đầu khi thoát khỏi Ai-cập, Xuất Hành, tiến vào Đất Hứa, Giao Ước Thiên Chúa với mười hai chi tộc, chiếm dần phần Đất…và nhất là sự trưởng thành không có gì cản được của dân tộc này, phát xuất từ gần như không có gì (ban đầu chỉ là một nắm tay nô lệ thoát nạn). Thật vậy, có những lúc khó khăn, rồi thời gian tô đẹp cho những kỷ niệm, và dù sao cũng quá đẹp đối với thực tại…và nhất là cuộc phiêu lưu phi thường ấy, cái dân tộc nhỏ bé này biết rằng họ được như thế là nhờ Thiên Chúa, nhờ sự hiện diện thường trực của Ngài bên họ: Chính Chúa thực sự cho sinh ra và lớn lên dân của Ngài, hằng bảo vệ và ân cần chăm sóc: «Lạy Mục Tử nhà Ít-ra-en, Ngài là Đấng chăn giữ nhà Giu-se như chăn giữ chiên cừu…xin ngó xuống mà xem, xin Ngài thăm nom vườn nho cũ…bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng, và chồi non được Ngài ban sức mạnh.» (c12,15,16).

Những lúc ưu phiền, chỉ có Chúa mới biết hết trong lịch sử Ít-ra-en. Không ai rõ trong bối cảnh lịch sử nào, bài Thánh vịnh này được sáng tác; dù sao, rõ ràng đây là thời gian của thử thách và đau khổ. «5 Lạy CHÚA là Chúa Tể càn khôn, đến khi nao Chúa còn nóng giận, chẳng màng chi lời dân Chúa nguyện cầu? 6 Cơm Ngài cho ăn chỉ là châu luỵ, nước Ngài cho uống là suối lệ chứa chan.» (c5,6) Sự thử thách ấy là đất nước bị ngoại bang xâm chiếm; bài rất rõ khi nói đến thú dữ «phá phách, dã thú gặm tan hoang» (c14), tường rào phá đổ (c13) (ngụ ý nói biên giới). Đây là vài câu không được đọc trong phụng vụ hôm nay: «Ngài đã khiến chúng con thành cớ cho lân bang cãi cọ tranh giành, cho thù địch nhạo cười chế giễu» (c7) Gốc nho này, Chúa bứng từ Ai-cập,(c9) Tường rào nó, vậy sao Ngài phá đổ? Khách qua đường mặc sức hái mà ăn! Heo rừng vào phá phách, dã thú gặm tan hoang.(c13.14)…Những người đã hoả thiêu chặt phá (c17)». Đây là ngụ ý nói đến các sự việc ghê tởm lúc Giê-ru-sa-lem bị quân của Na-bu-cô-đô-nô-so, vua Ba-by-lon vây hãm, vào năm 587.

 Đúng là tiếng kêu cầu cứu: Có lẽ, trong một buổi lễ sám hối, dân Ít-ra-en dâng lên Thiên Chúa một lời nguyện tha thiết nài xin «Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu, cúi xin Ngài ban cho được sống, để chúng con xưng tụng danh Ngài» (c19). Hẳn đây là một thánh ca, bài gồm năm phiên khúc, cách nhau bằng nhiều điệp khúc. Các phiên khúc theo một cấu trúc xen kẽ: Lúc thì nhắc lại quá khứ, lúc thì kêu cầu cứu cho hiện tại. Còn điệp khúc là những lời xin tạ tội, vì thế, bài Thánh vịnh này được hát lên trong một nghi thức sám hối: «Lạy CHÚA là Chúa Tể càn khôn, xin phục hồi chúng con, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ.» (c20) Nhưng toàn bài nói lên lòng tin tưởng cậy trông, lòng cậy trông dựa trên những kỷ niệm của quá khứ. Thiên Chúa đã chứng minh không biết bao nhiêu lần tình yêu Chúa dành cho dân Ngài chọn…vì thế, một lần nữa, Ngài lại cứu độ họ. «Xin khơi dậy uy dũng của Ngài, đến cùng chúng con và thương cứu độ.» (c3) Tất cả bài Thánh vịnh, đặc biệt điệp khúc nói lên sự nóng lòng chờ đợi, các lời hứa của Chúa được hoàn tất vĩnh viễn.

 Hai hình ảnh ưu tiên trong Thánh Kinh, diễn tả tình yêu Thiên Chúa dành cho dân Ngài và sự quan tâm của Ngài, đó là người mục tử và vườn nho. Nói lên sự chăm sóc, chắt chiu của Chúa cho dân Ngài: như người chủ vườn nho lo cho vườn nho (làm vườn nho đòi hỏi rất nhiều việc, phải chăm sóc liên tục); như người mục tử lo cho đàn chiên của mình để không mất con nào.

«Lạy Mục Tử nhà Ít-ra-en, Ngài là Đấng chăn giữ nhà Giu-se như chăn giữ chiên cừu, xin hãy lắng tai nghe! Ngài là Đấng ngự trên các thần hộ giá,  xin giãi sáng hiển linh cho dòng dõi Ép-ra-im, Ben-gia-min và Mơ-na-se» (c2.3) Ép-ra-im, Ben-gia-min và Mơ-na-se là tên ba chi tộc Ít-ra-en…ba trên mười hai chi tộc; chúng ta tự hỏi tại sao ba chi tộc này? Và tại sao là Giu-se, tại sao không phải một vị tổ tiên nào khác của dân tộc, Áp-ra-ham hay I-sa-ắc chẳng hạn? Bài này không nói gì khác hơn. Nhìn lại một chút về phả hệ chúng ta sẽ hiểu.

Gia-cóp có mười hai đứa con trai từ bốn người vợ. Các người mẹ là hai chị em Lê-a và Ra-khen, con gái của La-ban – hai người kia là hai nữ tì. Các bạn hẳn còn nhớ cái bẫy gạt Gia-cóp ngày đám cưới. Gia-cóp xin cưới Ra-khen, người phụ nữ chàng yêu tha thiết…và người bố vợ giả vờ chấp nhận. Thế nhưng, cô dâu phải che mặt đến đêm ngày cưới. Thừa dịp ấy, người bố vợ muốn gả trước đứa con gái đầu lòng Lê-a, chứ không phải Ra-khen. Thất vọng tràn trề khi vào phòng khám phá sự việc…và Gia-cóp chỉ được Ra-khen là vợ thứ! May thay, chế độ đa thê hiện hữu thời ấy đã làm cho sự việc này một ý nghĩa nào đó! Ra-khen sau này có hai người con trai là Giu-se và Ben-gia-min, còn Giu-se, con của Ra-khen cũng có hai người con trai là Ép-ra-im và Mơ-na-se. Bốn người tên là Giu-se, Ben-gia-min, Ép-ra-im và Mơ-na-se đó là hậu duệ được sinh ra từ tình yêu của Gia-cóp và Ra-khen. Họ là con cháu của tình yêu.

Có một cái tên khá lạ kỳ là Kê-ru-bim, đó là Thần Hộ Giá. Đây cũng là cách gợi lại thời hạnh phúc. Hòm Bia Thiên Chúa là một cái hòm bằng gỗ quý, làm từ cây Mi-mô-da, được mạ vàng dài 125cm, ngang 75cm. Hòm chứa các Bia Lề Luật, Chúa trao cho ông Mô-sê trên núi Si-nai. Trên mặt thùng có một tấm bảng bằng vàng và hai tượng thần hộ giá, điêu khắc từ gỗ cây dầu mạ vàng. Thần hộ giá là những thú tứ chi có cánh, đầu là người. Vai trò của những thần này là bảo vệ Hòm Bia bằng đôi cánh thật rộng, người ta tin rằng đó là những bệ để Chúa bước chân lên ngai vàng vô hình. Suốt thời Xuất Hành, Hòm Bia được đặt dưới một cái lều, và luôn đồng hành với dân chúng; sau này vua Sa-lô-mon đặt trong Đền Giê-ru-sa-lem. Dĩ nhiên không ai nghĩ là giam Thiên Chúa dưới cái lều hay trong đền, nhưng Hòm Bia tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa vô hình, biểu tượng của sự hiện diện ấy. «Ngài là Đấng ngự trên các thần hộ giá» (c2)…điều này nhắc lại chẳng những thời vinh quang của Đền thờ tuyệt vời (nay không còn nữa nếu bài Thánh vịnh này được sáng tác lúc lưu đày Ba-by-lon), mà còn là biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa tín trung không bao giờ bỏ dân của Ngài.

Phần thêm 

Theo sách Septane (bản dịch Thánh Kinh bằng tiếng Hy-lạp vào thế kỷ thứ II trước CN, có thêm trong câu đầu một chữ nói rõ tên kẻ thù: Đó là quân Át-sua. Sự kiện này cho chúng ta một mốc lịch sử, rất lâu trước Ba-by-lon giữa thế kỷ thứ 9 và thứ 7 trước CN, thời ấy Át-sua là một cường quốc xâm chiếm khắp nơi. Chính họ đã tiêu diệt Vương quốc Miền Bắc (Sa-ma-ri) năm 721…trước khi chính họ bị quân Ba-by-lon tiêu diệt. Nhưng các nhà nghiên cứu Do Thái cho rằng bài Thánh vịnh này được sáng tác về sau thời ấy rất lâu.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân              

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com