BÀI ĐỌC 2 (1Cr 1, 3-9)
"Chúng ta mong chờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta tỏ mình ra."
Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô
3 Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.
4 Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Ki-tô Giê-su.
5 Quả vậy, trong Đức Ki-tô Giê-su, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người.
6 Thật thế, lời chứng về Đức Ki-tô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em,
7 khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người.
8 Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô.
9 Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
Thử tìm một hình ảnh để dẫn nhập vào Bài của Thánh Phao-lô, tôi nghĩ đến cái la bàn. Dù gì đi nữa, một la bàn xứng danh với tên gọi la bàn, lúc nào cũng chỉ cho ta đúng hướng bắc: Nó luôn luôn trở về hướng bắc. Đối với Thánh Phao-lô, một Ki-tô hữu là một la bàn: Luôn hướng về tương lai…và phải viết Tương Lai bằng hai từ. Sở dĩ Thánh Phao-lô chịu khó viết cho các tín hữu thành Cô-rin-tô, chính vì họ đánh mất phương bắc trong vài điểm. Vì thế, ngài nhắc lại cho họ điều, dưới mắt ngài là điều đặc thù của người Ki-tô hữu, đó là chờ đợi: «anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người.» (c7) Người Ki-tô hữu không quay về quá khứ mà hướng về tương lai.
Dĩ nhiên, Bài này được phụng vụ đề nghị chúng ta đọc cho Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, chính bởi vì Mùa Vọng là thời gian chúng ta tái khám phá tất cả chiều kích sự chờ đợi của Ki-tô hữu, thời gian hướng về viễn ảnh Tương Lai mà Chúa đã hứa cho chúng ta.
Dễ hiểu nhất trước hết, là lúc chuẩn bị lễ Giáng Sinh; chúng ta được mời gọi tưởng nhớ đến một sự kiện lịch sử: Chúa Ki-tô đến trong lịch sử loài người. Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị cho lễ sinh nhật ấy. Và vì thế hằng năm, vào lúc này, chúng ta đọc lại trong Thánh Kinh những lời loan báo các Tiên tri, những lời hứa của Chúa: Lời hứa cứu độ, tức là lời hứa hạnh phúc. Một nội dung hoán cải không ngừng, dưới nhiều hình thức khác nhau: «Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa (Pl4, 4) Chính Người sẽ đến cứu anh em…» (Is35, 4) Có lúc các lời hứa được nói rõ: «Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai» (Is7, 14);
và trong sách Tiên tri Giê-rê-mi-a: «Ta sẽ cho mọc lên một mầm non,
một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít;» (Gr34, 15)
Nhưng lịch sử cứu độ không ngừng ở Bê-lem. Sự chờ đợi ấy, cũng đang chờ cho chính chúng ta. Chúng ta vừa mừng lễ Chúa Ki-tô Vua, và hữu lý lắm: Vâng, Chúa Ki-tô là Vua…từ cái chết và sự phục sinh của Ngài, từ sự sống đã thắng cái chết, từ tình yêu đã thắng hận thù và dửng dưng. Nhưng Nước Trời chưa hẳn hoàn tất; chỉ cần đọc báo chí, nghe đài, xem truyền hình hay quan sát nơi và xung quanh chúng ta; và để được thuyết phục! Chúa Ki-tô sẽ hoàn toàn là Vua, một khi trong mỗi anh em của Ngài, tình yêu là vua. Đấy là điều chúng ta chờ mong, đồng thời với Chúa Ki-tô trở lại. Chúng ta chờ đợi những biểu hiện chiến thắng vĩnh viễn của Chúa dẫn đầu toàn nhân loại: một nhân loại nay hoàn toàn giải phóng mọi ách nô lệ, khỏi tội lỗi và sự chết. Chúng ta là dân tộc mang lòng cậy trông ấy. Ngay khi sự dữ, hận thù, bạo lực, kỳ thị chủng tộc, có vẻ hướng dẫn lịch sử thế gian; chúng ta tin, chúng ta xác tín rằng sự dữ không có tiếng nói cuối cùng. Như lời cha Giu-se Templier nói: «sự bại trận của sự dữ đã được lên kế hoạch và sẽ vĩnh viễn»
Vì thế, nên đọc các bài Chúa nhật Mùa Vọng trên ba cấp bậc. Bậc thứ nhất, sự chờ đợi Đấng Mê-si-a nơi dân tộc Do Thái, từ thời vua Đa-vít cho đến ngày Chúa Giê-su sinh ra. Bậc thứ hai: Ơn cứu độ đã hoàn tất nơi Chúa Giê-su Ki-tô, khởi đầu bằng việc Ngài sáng thế và phục sinh; nghĩa là nhân loại qua trải nghiệm một thành viên (Chúa Giê-su) có thể hiệp nhất với Tình yêu và Thánh ý Chúa Cha; tức là sống hoàn toàn và trọn vẹn những giá trị của tình yêu, chia sẻ, liên đới, dịu dàng, tha thứ. Bậc thứ ba: sự chờ đợi Ngày của Chúa chúng ta, ngày chiến thắng Đức Ki-tô, Nước Trời được triển khai vĩnh viễn khắp hoàn vũ. Ngày ấy, chính toàn nhân loại sẽ sống những giá trị thể hiện nơi Chúa Giê-su Ki-tô. Và chúng ta biết rằng đó không là một giấc mơ đẹp vì Chúa Giê-su đã chứng tỏ có thể được.
Cũng như Thánh Phao-lô nói với anh em tín hữu thành Cô-rin-tô: «Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an» (c3), đây không phải là một công thức lễ phép hay một lời chúc thân thiện. Ngài luôn luôn nói trong một triển vọng của kế hoạch Thiên Chúa «ân sủng và bình an» là cách nói kế hoạch Thiên Chúa: Ân sủng luôn được gán cho Thiên Chúa, chúng ta có thể hiểu là tình yêu, quà nhưng không, sự hiện diện âu yếm của Chúa. Sống ân sủng Chúa, có nghĩa là sống hiệp nhất với Ngài; bình an là hệ quả trong bình diện con người chúng ta. Thế mà kế hoạch Thiên Chúa, chính là điều ấy: đem nhân loại hoàn toàn và vĩnh viễn hiệp nhất trong tình yêu Chúa Ba Ngôi. Thánh Phao-lô ở trong ba cấp bậc tôi vừa kể.
Cấp bậc thứ nhất: Kế hoạch của Chúa ấy – ân sủng và bình an – đã được tiền định từ muôn thuở, và suốt lịch sử Thánh Kinh dân được Chúa chọn càng ngày càng ý thức hơn.
Cấp bậc thứ hai: Ân sủng ấy đã được trao ban, kế hoạch Thiên Chúa đã bắt đầu khỏi động nơi Chúa Giê-su Ki-tô. Thánh Phao-lô nói với tín đoàn Cô-rin-tô: «Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Ki-tô Giê-su. Quả vậy, trong Đức Ki-tô Giê-su, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người.» (c4,5).
Cấp bậc thứ ba: «Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an…. anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người. Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng…» (c4. 7. 8). Nói cách khác, Ngài giúp anh em không mất hướng Bắc, tìm lại được sau khi tạm thời đánh mất. Để nung nấu lòng can đảm những tín hữu Cô-rin-tô của ngài (và chúng ta), Thánh Phao-lô nói thêm: «Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.» (c9)
Mùa Vọng là lúc tuyệt vời để nhắc lại không ngừng sự tín trung của Thiên Chúa đối với kế hoạch của Ngài, hầu mỗi chúng ta múc lấy sức mạnh hầu tiến lên tùy theo sức của mỗi người.
***
PHÚC ÂM (Mc 13, 33-37)
Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
33 "Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.
34 Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức.
35 Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.
36 Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ.
37 Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!
Trong đoạn Tin Mừng ngay trước Bài đọc hôm nay, Chúa Giê-su nói với các môn đệ về điều Ngài gọi là «Con Người đã đến gần» (c29), Ngài lại nói thêm «Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.» (23, 32) Ngài luận ra điều Ngài nói cho các môn đệ, như chúng ta vừa nghe: Sở dĩ như vậy, Ngài là Người Con còn không biết huống chi chúng ta, vì thế Chúa nói thêm: «Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến» (c33). Chúng ta có cảm tưởng như điều này muốn nói, anh em sẽ đột ngột bị bắt gặp. Đoạn sau cũng có ý đó «Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng» (c35) «gà gáy sáng» có lẽ ngụ ý nhắc đến Thánh Phê-rô chối Chúa (chúng ta biết Thánh Mác-cô rất thân thiết với Thánh Phê-rô); câu này là một lời cảnh báo: Nếu anh em không canh thức, anh em có thể chối Ta, nếu không coi chừng.
Trong Bài đọc 2 trích từ thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô, Thánh Phao-lô nói lên sự chờ đợi ngày Chúa đến. Trong Bài này, Thánh Mác-cô nói chờ đợi chứ không phải là «ngủ». Có cả ngàn cách chờ đợi: Dĩ nhiên, có thể bình thản ngủ chờ thời gian trôi qua; có thể tỉnh thức nhưng thụ động chờ đợi, kiên nhẫn, ví dụ như trên sân ga chờ chuyến tàu hỏa đến không chút ngạc nhiên; thành thật mà nói, điều tốt nhất là dùng thời gian vào việc khác, thay vì nóng lòng chờ đợi, không làm cho sự việc sớm đến hơn…
Trái ngược lại, có một cách chờ đợi, đó là như người mẹ chờ đứa con mình sắp sinh ra: không phải nóng lòng chờ đợi, nhưng người mẹ có trăm ngàn cách để cho đứa con mình cưu mang phát triển. Chăm sóc cách ăn uống, sức khỏe; để làm như thế, bà có thể cố gắng nhiều kiêng cử, theo chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hay những động tác chuẩn bị sinh sản…và cả những điều còn thiếu sót. Tại sai lấy thí dụ ấy? Sở dĩ như vậy, vì chính Thánh Phao-lô cũng thấy đó là hình ảnh của lịch sử nhân loại: «Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở» (Rm8, 22). Dự án Thiên Chúa đang trong thời kỳ thai nghén, và mỗi chúng ta đều có thể tham gia vào việc sinh nở nó.
Đây là Tin Mừng tuyệt vời được nhắc đi nhắc lại suốt Mùa Vọng: Đời sống chúng ta cho dù khiêm nhường mấy đi nữa, cũng có thể tham gia vào thời kỳ thai nghén của nhân loại mới; điều này làm cho chúng ta được cao quý; có lẽ đó là một trong lý do không ai, kể cả Con Người có thể biết được, (khi Ngài còn ở giữa chúng ta) ngày giờ giáng lâm của Nước Trời: Vì chúng ta dự phần vào công trình xây dựng Nó.
Theo tôi, có lẽ đây là sứ điệp cấp bách nhất phải chuyển cho thế hệ trẻ chúng ta. Dĩ nhiên với điều kiện chúng ta chờ đợi Nước Trời đến, như chờ chuyến tàu hỏa, mà chờ đợi một cách tích cực! Thế nhưng, vấn đề chính thường là thụ động, hay có khi tệ hơn, chúng ta quên đi đang chờ đợi gì, hay hơn thế một Đấng nào đó. Và vì thế, chúng ta dùng thời gian làm việc khác. Nhưng làm việc khác trong lúc chúng ta chờ đợi Nước Trời, dĩ nhiên là trầm trọng. Vì thế Chúa Giê-su cảnh báo các môn đệ, và Thánh Phê-rô đã thú nhận với Thánh Mác-cô mình đã chối Chúa, ngài dư biết…
Vài giờ trước khi Thánh Phê-rô sơ suất, Chúa Giê-su, trong vườn Ghét-xê-ma-ni đã nói ba lần cho các Tông đồ đi theo Ngài: «Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ.» (Mc14, 38) Và Ngài lại thêm: «Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối»…Đó là cách nói, chúng ta luôn bị trì kéo giữa những giá trị của Nước Trời với trở lại sự ích kỷ, vô tâm và hèn nhát.
Điều này mang lại ánh sáng cho Bài hôm nay: «canh thức» có nghĩa là «cầu nguyện»; không phải cầu xin Chúa Cha thực hiện Nước Trời một mình Ngài, không có chúng ta. Dự án của Ngài không phải thế. Nhưng cầu nguyện để được tràn đầy Thần Khí, kể từ nay, nhìn thế gian là nguyên liệu của Nước Trời, có thể nói với cặp mắt Thiên Chúa. Và như thế, hành động cùng hướng với Nước Trời. Điều này thực hiện giống bài học Thánh Lu-ca: «Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.11 Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó?12 Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp?13 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?» (Lc11, 10-13) Thật vậy, ngày giờ thuộc về bí mật của Thiên Chúa…«chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.» (Mc13, 32) như Chúa Giê-su nói. Nhưng không phải lý do để chúng ta lo sợ, Thần Khí ở với chúng ta. Nhưng cũng phải cầu nguyện, nghĩa là thật ao ước; Chúa không xâm chiếm chống lại chúng ta đâu.
Tới đây, điều này soi sáng cho chúng ta ý nghĩa của cám dỗ: «Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ» (Mc14, 38) Chúa Giê-su nói. Trong bài hôm nay, Chúa so sánh với một người chủ nhà đi xa «Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức» (Mc13, 34). Cám dỗ, đại để như ngủ, tức là bê tha việc nhà; thế nhưng, Thánh Mác-cô nói rõ, hôm nay là hai ngày trước Lễ Vượt Qua, tức là đoạn cuối Tin Mừng theo Thánh Mác-cô, ngay trước cuộc Thương Khó. Cũng như bài dụ ngôn ngày cánh chung trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, chúng ta đã đọc trong ngày lễ Đức Ki-tô Vua. Hình như cả hai đều nêu lên cùng một bài học: Sứ mạng chúng ta là «canh giữ nhà» như Thánh Mác-cô nói, hay như Thánh Mát-thêu nói, làm cho Vương Quốc lớn lên, trong đó mọi người là vua! Không phải lúc ngủ!
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng