Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT 02 MÙA VỌNG NĂM B - 6/12/2020

BÀI ĐỌC 1 (Is 40, 1-5.9-11)

 

"Hãy dọn đường Chúa"

 

Trích sách Tiên tri I-sa-i-a.

 

1 Thiên Chúa anh em phán: "Hãy an ủi, an ủi dân Ta:

2 Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem, và hô lên cho Thành:
thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong,
vì Thành đã bị tay ĐỨC CHÚA giáng phạt gấp hai lần tội phạm."

3 Có tiếng hô:
"Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho ĐỨC CHÚA,
giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng
cho Thiên Chúa chúng ta.

4 Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy,
mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống,
nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng,
chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu.

5 Bấy giờ vinh quang ĐỨC CHÚA sẽ tỏ hiện,
và mọi người phàm sẽ cùng được thấy
rằng miệng ĐỨC CHÚA đã tuyên phán."

9 Hỡi kẻ loan tin mừng cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao.
Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giê-ru-sa-lem,
hãy cất tiếng lên cho thật mạnh.
Cất tiếng lên, đừng sợ, hãy bảo các thành miền Giu-đa rằng:
"Kìa Thiên Chúa các ngươi!"

10 Kìa ĐỨC CHÚA quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền.
Bên cạnh Người, này công lao lập được,
trước mặt Người, đây sự nghiệp làm nên.

11 Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa,
tập trung cả đoàn dưới cánh tay.
Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng,
bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.

Bài này là một trong những đoạn tuyệt vời nhất sách Tiên tri I-sa-i-a: được gọi là «sách an ủi Ít-ra-en» vì ngay những chữ đầu là «Hãy an ủi, an ủi dân Ta». Câu này, chỉ câu này thôi cũng đủ là một Tin Mừng, một tin mừng tuyệt vời, gần như vô vọng cho những ai biết nghe! Vì lẽ, những chữ «dân Ta; Thiên Chúa của anh em» nhắc lại Giao Ước, giống như một cặp tình nhân lúc bất đồng, nhắc lại một tên riêng tư, gọi nhau lúc yêu đương, nói lên tình cảm còn thắm thiết. Vì lúc ấy, đây là một nghi vấn lớn nhất nơi những người bị lưu đày Ba-by-lon – tức là giữa năm 587 và 538 trước CN – họ tự hỏi: Thiên Chúa có bỏ rơi họ không; Thiên Chúa không còn giữ Giao Ước nữa hay sao…? Có lẽ, Ngài cũng đã chán chường những bất trung liên tục từ các cấp bậc. Tất cả mục đích của sách an ủi Tiên tri I-sa-i-a, là để nói lên không phải như thế. Chúa còn quả quyết rằng: «Các ngươi sẽ là dân của Ta. Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi» (Ed36, 28), đó là phương châm, hay đúng hơn là lý tưởng của Giao Ước.

«Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong» (c2) Tiên tri I-sa-i-a nói. Thế có nghĩa là thời nô lệ đã mãn. Đây là lời loan báo cuộc giải phóng và ngày trở về Giê-ru-sa-lem. «Thành đã đền xong, vì Thành đã bị tay ĐỨC CHÚA giáng phạt gấp hai lần tội phạm» (c2). Theo luật Ít-ra-en, kẻ trộm phải trả gấp hai lần của đã đánh cấp (ví dụ hai con súc vật cho một đã lấy trộm). Bài viết theo thì quá khứ, đó là cách nói trừu tượng ngày giải phóng gần kề vì tội đã đền xong. Điều vị Tiên tri gọi là tội phạm, đó là những lúc không tuân giữ Giao Ước, thờ lạy bụt thần, không giữ ngày Sa-bát, hay các mục khác của Lề Luật, nhất là những lỗi với lẽ công bằng và - trầm trọng hơn thế nữa - khinh thị kẻ nghèo hèn. Dân tộc Do Thái luôn xem việc bị lưu đày là hậu quả của tất cả những điều bất trung ấy. Họ biết: một khi tách xa khỏi Lề luật Thiên Chúa, là tự gây khổ cho bản thân.

«Có tiếng hô» (c3) không có chỗ nào tác giả đoạn này nói rõ có tiếng hô từ ai. «Cất tiếng lên, đừng sợ, hãy bảo các thành miền Giu-đa rằng: Kìa Thiên Chúa các ngươi!» (Is40, 9) Chúng ta gọi đó là sách «I-sa-i-a thứ hai». «Có tiếng hô: Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho ĐỨC CHÚA,» (c3). Trong lịch sử Ít-ra-en, đã có lần Thiên Chúa mở con đường trong sa mạc để dẫn dân Ngài từ nô lệ đến tự do (nên hiểu từ Ai-cập đến miền Chúa hứa); Tiên tri nói ở đây. Thế thì, bởi vì Thiên Chúa ngày xưa đã tháo gỡ dân Ngài được khỏi ách nô lệ Ai-cập, ngày nay Ngài cũng biết cách làm như thế khỏi ách nô lệ Ba-by-lon.

«…hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu.» (c3.4) Đó là một trong những điều thời ấy, kẻ chiến thắng thích thú làm,  mở ra những công trường vĩ đại, xây một con đường khải hoàn đón vua vinh thắng trở về. Có điều còn tệ hơn thế nữa, hằng năm ở Ba-by-lon, họ mừng lễ thần Mardouk; nhân dịp này, dân Ít-ra-en phải ra sức thực hiện những công trường cầu đường: lấp hố, bạt các đồi, và ngay cả núi; biến những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, thành những đại lộ rộng thênh thang…để chuẩn bị đón đoàn diễn hành, đi đầu là vua và các tượng bụt thần! Đối với người tín hữu Do Thái, đó là một sỉ nhục tột cùng và một điều xé lòng họ.

Vì thế, Tiên tri I-sa-i-a có sứ mệnh loan báo cho họ, chấm dứt thời nô lệ Ba-by-lon và việc hồi hương, ngài nói: Lần này anh em xây con đường chia cách Ba-by-lon và Giê-ru-sa-lem…Nhưng, không phải để cho bụt thần, mà để cho anh em và Chúa của anh em dẫn đầu! Sau này, ông Gio-an Tẩy Giả cũng dùng chính những từ ngữ này để minh họa một cách tượng hình, những việc chuẩn bị trước cho Đấng Mê-si-a đến: «Bấy giờ vinh quang ĐỨC CHÚA sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng ĐỨC CHÚA đã tuyên phán.» (c5) (câu này có thể được hiểu rằng, rốt cuộc mọi người rồi cũng nhận ra Thiên Chúa, và tất cả sẽ nhận thấy Ngài giữ lời hứa)

«Hỡi kẻ loan tin mừng cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao. Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giê-ru-sa-lem,» (c9) Hai câu này có một cấu trúc song song hoàn hảo, mục đích vỏn vẹn là để nhấn mạnh việc loan báo Tin Mừng ấy cho Si-on (tức là cho Giê-ru-sa-lem, dân chúng, chứ không phải cho thành Giê-ru-sa-lem). Liền sau đó là nội dung của Tin Mừng: «Kìa Thiên Chúa các ngươi!Kìa ĐỨC CHÚA quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền. Bên cạnh Người, này công lao lập được, trước mặt Người, đây sự nghiệp làm nên. Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.» (c10.11)

Hai hình ảnh kề bên nhau (một vua vinh thắng và một mục tử), thoáng qua đáng ngạc nhiên, nhưng một vị vua lý tưởng ở Ít-ra-en có hai phương diện đó: Một hiền vương là một mục tử biết quan tâm đến dân chúng, nhưng cũng là một vua vinh thắng kẻ thù, chính là để bảo vệ dân mình…Như một mục tử, dùng cây trượng đuổi thú rừng đe dọa đàn chiên.

Bài này nhìn chung, vang lên như một tin mừng tuyệt vời, qua tai những người đương thời của Tiên Tri I-sa-i-a vào thế kỷ thứ VI trước CN. Và đây, 500 hay 600 năm, sau khi ông Gio-an Tẩy Giả thấy Chúa Giê-su đến gần sông Gio-đan xin chịu phép rửa (Mc1), trong Bài Phúc âm Chúa nhật hôm nay, ông nghe vang dội trong đầu, những lời này của Tiên tri I-sa-i-a, và ông được ngập tràn một xác tín chói lòa: Đây là Đấng quy tụ đàn chiên của Chúa Cha…Đây là Đấng sẽ biến những con đường ngoằn ngoèo thành những con đường ánh sáng…Đây là Đấng mang lại dân chúng nhân phẩm…Đây là Đấng mạc khải vinh quang (tức là sự hiện diện) Thiên Chúa. Nay hết rồi thời các tiên tri, vì Chúa đã ở cùng chúng ta!

Phần thêm :

«Bên cạnh Người, này công lao lập được,» (c10) (LND: công lao trong nguyên bản là chiến thắng) Trong Thánh Kinh khi nói đến sự chiến thắng của Chúa Giê-su, người Ki-tô hữu hiểu đó là chiến thắng sự chết.

***

 

THÁNH VỊNH (Tv 84, 9-14)

 

Đáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con

(Chúng ta đã xem bài này ngày Chúa nhật XIX năm A (13/8/2017)

 

9 Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán,
điều CHÚA phán là lời chúc bình an
cho dân Người, cho kẻ trung hiếu
và những ai hướng lòng trí về Người.

10 Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa,
để vinh quang của Người hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta.

11 Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ,
hoà bình công lý đã giao duyên.

12 Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp,
công lý nhìn xuống tự trời cao.

13 Vâng, chính CHÚA sẽ tặng ban phúc lộc
và đất chúng ta trổ sinh hoa trái.

14 Công lý đi tiền phong trước mặt Người,
mở lối cho Người đặt bước chân.

 

Bài Thánh vịnh 84 (85) được sáng tác sau khi dân Ít-ra-en bị đày từ Ba-by-lon, ngày về ấy sau bao nhiêu năm chờ đợi, bao năm hằng mong ước; lẽ ra phải là một sự canh tân tuyệt vời: Trở về quê nhà, làm lại cuộc đời mới…Chúa xóa hết quá khứ…làm mới lại tất cả…Thực tế không mấy tốt đẹp như thế.

Trước hết, thường người ta lấy những quyết định tốt đẹp, ước mơ làm lại từ đầu (phải chăng tất cả chúng ta đều từng làm như thế?), rốt cục chúng ta đều luôn quay trở lại gần như ban đầu…Thật đáng thất vọng! Thoạt đầu, dĩ nhiên là  lỗi với Lề Luật, bất trung với Giao Ước. Sau đó, cũng phải nói cuộc lưu đày Ba-by-lon kéo dài gần 50 năm (từ 587 đến 538 trước CN). Thế nhưng, lúc ấy người bị đày là những người nam, người nữ mạnh giỏi, đa số đã lớn tuổi, họ sống sót sau một hành trình gian khổ: Vượt sa mạc, chia cách giữa Ít-ra-en và Ba-by-lon. Điều này có nghĩa 50 năm sau, lúc hồi hương, nhiều người trong họ đã chết; những người quay về - hoặc là người còn trẻ lúc ra đi năm 587 - dĩ nhiên trí nhớ của họ về quê hương rất mập mờ - hoặc là người từ thế hệ sanh ra trong thời bị lưu đày. Trên đường về phần lớn là thế hệ mới ấy. Điều này nói lên họ không phải là người sốt sắng lắm, cũng không có đức tin mạnh cho lắm, cũng không mấy ai được học giáo lý…Cha mẹ họ đã rất cố gắng để truyền lại đức tin của tổ tiên. Họ ao ước trở về quê hương nơi cha mẹ hằng yêu mến. Nóng lòng muốn xây lại Đền thờ và bắt đầu một cuộc sống mới. Thế nhưng, trong nước, đa số không ai biết họ, họ không được tiếp đón như hằng mơ ước. Vì vậy việc xây lại đền thờ bị phản đối kịch liệt.

 Bài Thánh vịnh hôm nay, chúng ta cảm nhận nhiều tình cảm lẫn lộn. Việc hồi hương sau kiếp lưu đày là một điều hẳn đã có: «Lạy CHÚA, Ngài đã tỏ lòng thương thánh địa, tù nhân nhà Gia-cóp, Ngài dẫn đưa về. Tội vạ dân Ngài, Ngài tha thứ, mọi lỗi lầm, cũng phủ lấp đi. Ngài dẹp trận lôi đình và nguôi cơn thịnh nộ.» (c2- 4) Nhưng, mọi việc vẫn chưa tốt đẹp, họ tự hỏi Chúa còn giận chăng: «Phải chăng Ngài giận mãi không thôi, đời lại đời cứ nuôi cơn thịnh nộ?» (c6) Rồi van xin: «Lạy CHÚA, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa, và ban ơn cứu độ cho chúng con.» (c8) Và họ xin ơn được hoán cải hoàn toàn: «Lạy Chúa Trời, Đấng cứu độ chúng con, xin dẫn chúng con về, đừng hận chúng con nữa.» (c5) 

Tất cả phần đầu của bài Thánh vịnh xoáy quanh động từ trở về, trở về theo nghĩa sau lưu đày, thì hẳn rồi; còn trở về với nghĩa quay về Thiên Chúa, «hoán cải», điều này khó hơn! Biết rằng sức mạnh, lòng mong muốn hoán cải là ân sủng, món quà nhưng không từ Thiên Chúa. Sự hoán cải đòi hỏi một cam kết của tín hữu: «Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán.» (c9) Lắng nghe, hiểu theo Thánh Kinh, đó là thái độ người tín hữu quay về Thiên Chúa, sẵn sàng tuân theo các điều răn, bởi vì đó là con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc do Thiên Chúa vạch ra: «điều CHÚA phán là lời chúc bình an cho dân Người» (c9b), nhưng tác giả bài Thánh vịnh rất thực tế, liền thêm: «mong rằng họ không trở về rồ dại như thế nữa» (LND: câu 9c này không được dịch trong Thánh Kinh VN thường dùng của chúng ta)     

Phần cuối bài Thánh vịnh là một bài ca tuyệt vời ngợi khen lòng phó thác, có thể nói «bài ca lòng phó thác trở lại», xác tín rằng dự án Thiên Chúa, một dự án hòa bình cho muôn dân, đang xúc tiến không có gì cản được; đi đến hoàn tất. «Vinh quang (tức là sự hiện diện rạng rỡ của Thiên Chúa) hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta(c10)…Công lý đi tiền phong trước mặt Người, mở lối cho Người đặt bước chân (c14) Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên.» (c11). Bài Thánh vịnh dùng động từ trong  thì hiện tại, nhưng tác giả không lầm đâu, không mơ đâu! Bài hát chỉ làm như để sống trước những điều ấy! Làm như ngày ấy đang đến, sau bao nhiêu cuộc chiến và những đau khổ vô ích, những hận thù ngu xuẩn, cuối cùng mọi người trở nên anh em!

Đối với những Ki-tô hữu, Ngày ấy đây rồi, ngày ấy đã đến, ngày Chúa Giê-su Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đến lượt họ hát bài Thánh vịnh này. Đối với họ, dưới ánh sáng Chúa Ki-tô, bài Thánh vịnh tìm lại mọi ý nghĩa của nó. Bài ca nói lên: «Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa,» (c10) và chính vì thế tên Chúa Giê-su là: «Chúa cứu độ» hay «Chúa giải thoát». Bài Thánh vịnh nói: «Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp» (c12) và chính Chúa Giê-su đã nói «Ta là sự thật » (Ga). Xin đừng quên chữ «Mầm» là một trong các tên gọi Đấng Mê-si-a trong Cựu Ước. Thánh vịnh trong (c10): «vinh quang của Người hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta »,trong Tin Mừng Thánh Gio-an: «Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.» (Ga1, 14) Bài Thánh vịnh: «Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán» (c9) Thánh Gio-an gọi Chúa Giê-su là Ngôi Lời Thiên Chúa. Bài Thánh vịnh: «CHÚA phán là lời chúc bình an cho dân Người» (c9); khi vừa gặp các môn đệ lúc Phục sinh, câu đầu tiên Chúa nói với họ là: «Bình an cho anh em!» (Ga20, 19) Chắc chắn, tất cả Thánh Kinh nói cho chúng ta, hòa bình là một thành quả có vẻ không thể nào con người đạt được, thế nhưng hòa bình là tương lai chúng ta, với điều kiện đừng quên là một ân huệ Chúa ban.

***

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân               

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com