Lời Chúa CN

TÌM HIỂU TÂN ƯỚC CHÚA NHẬT 02 MÙA VỌNG NĂM B - 6/12/2020

BÀI ĐỌC (2Pr 3, 8-14)

 

"Chúng ta mong đợi trời mới đất mới."

 

Trích thư thứ hai của Thánh Phê-rô Tông đồ.

 

8 Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày.

9 Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải.

10 Nhưng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu huỷ.

11 Muôn vật phải tiêu tan như thế, thì anh em phải là những người tốt dường nào, phải sống đạo đức và thánh thiện biết bao,

12 trong khi mong đợi ngày của Thiên Chúa và làm cho ngày đó mau đến, ngày mà các tầng trời sẽ bị thiêu huỷ và ngũ hành sẽ chảy tan ra trong lửa hồng.

13 Nhưng, theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi  trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị.

14 Vì thế, anh em thân mến, trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an.

 

« một điều duy nhất, xin anh em đừng quên » (c1) sở dĩ Thánh Phê-rô nói như thế, vì chúng ta có khuynh hướng hay quên điều mà ngài cho là thiết yếu! Điều ấy là: «đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày.» (c1) Không lạ gì chúng ta hay quên, vì đối với chúng ta không thể chấp nhận được! Ngàn năm hay một ngày không thể giống nhau được. Thời gian là một dấu hiệu đặc trưng của đời sống, chúng ta thừa biết như thế. Thời gian: được đo lường, tính toán, cho sự trưởng thành và sự lão hóa của chúng ta; cho đời quá ngắn ngủi; cũng là dấu chỉ đo lường những nỗ lực và sự tiến hóa chúng ta, tiến hóa tiệm tiến – quá chậm dưới mắt chúng ta - nhưng chắc chắn sẽ đến, của dự án Thiên Chúa. Trong lúc đó Thiên Chúa phi thời gian: Thiên Chúa «vĩnh cửu»; hẳn đó là ý nghĩa của danh xưng Ngài: «TA LÀ» (ngụ ý nói, Ta hiện hữu đời đời bên cạnh các con)

Dường như, chính sự hoàn tất chậm rãi, kế hoạch Thiên Chúa khiến cho những người đến nghe Thánh Phê-rô giảng nóng lòng. Họ đưa ra câu hỏi: «Chúa có chậm trễ thực hiện lời hứa của Ngài chăng?» và câu trả lời của Thánh Phê-rô không thể nào rõ ràng hơn: «Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ» (c 9). Tôi không trở lại lời hứa ấy, đó là lời hứa cứu độ hoàn vũ - điều Thánh Phao-lô gọi là kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.  Thánh Phê-rô vạch rõ bằng ngôn ngữ của ngài: «theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi  trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị.» (c13) Ngài còn gọi là: «Ngày của Thiên Chúa» (c12)

Nhân dịp này, chúng ta nhận ra Thánh Phê-rô trích lời Tiên tri I-sa-i-a: «Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới» (Is65, 17). Thánh Phê-rô còn thêm một chi tiết trích từ Tiên tri Ma-la-khi: «nơi công lý ngự trị.» (c13) (chốc nữa chúng ta sẽ trở lại lời Tiên tri Ma-la-khi). Để đối lại sự nóng lòng của những người đến nghe, ngài khẳng định, nói lên lòng nhẫn nại của Chúa; tương tự như ngài nói: Anh em tỏ ra nóng lòng với Chúa, còn Chúa, Ngài kiên trì chờ đợi anh em. Dĩ nhiên hai quan niệm con người và Thiên Chúa nhất thiết khác hẳn nhau.          

Tiên tri I-sa-i-a đã nói và chúng ta nên thường lặp lại lời này: «tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi» (Is55, 8). Sống với thời gian, thấy chờ đợi Nước Trời quá lâu, và chúng ta thường cho là thế gian chậm thăng tiến. Chúa thì nhẫn nại chờ đợi, bởi vì, như Thánh Phê-rô nói: «Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải.» (c9), đó là cách khẳng định dự án cứu độ dành cho toàn nhân loại.

Nhưng điều quan trọng nên chú ý: Thánh Phê-rô không nói ra «chính bởi vì họ (những người cứng lòng, những người ngoại) Chúa mới nhẫn nại chờ đợi, bởi vì Chúa không muốn ai phải diệt vong» Thánh nhân nói «Người kiên nhẫn đối với anh em». Đấy, có lẽ là câu quan trọng nhất của đoạn này: Không, Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa của Ngài, nhưng Chúa nhẫn nại chờ đợi chúng ta tham gia vào dự án của Ngài, điều này có hai ý nghĩa. Thứ nhất, Chúa quá quan tâm đến sự tự do, đến nỗi, Ngài không áp đặt chúng ta bằng quyền lực vào Nước Trời; vì thế, Ngài nhẫn nại chờ đợi. Điều thứ hai – và đây là một lời tuyên bố khó tin – Chúa đề nghị chúng ta dự phần vào công nghiệp thực hiện dự án cứu độ con người. Và hơn nữa, nếu xét rõ câu trong bài này, được dịch là: «trong khi mong đợi ngày của Thiên Chúa» (c12), chúng ta thấy có một bản dịch khác gần với bản gốc hơn, nói rằng: «anh em chờ đợi  và làm cho ngày Chúa đến sớm hơn» (ông Andre Chouraqui còn dịch: «Anh em chờ đợi và còn hành động cho Ngày của Chúa đến sớm hơn». Chúng ta có được khả năng trong tầm tay, và như ông Chouraqui nói, chúng  ta có thể làm cho Ngày Chúa đến sớm hơn.

Bây giờ xin đề nghị trở về với bài sách Tiên tri I-sa-i-a (65): Thật tuyệt vời hơn chúng ta nghĩ. «Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa. Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính Ta sáng tạo. Phải, này đây Ta sẽ tạo Giê-ru-sa-lem nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng.» (Is65, 17-18) Điều Chúa đề nghị cho chúng ta, làm cho anh em chúng ta vui mừng, luôn mãi hỷ hoan! Đây là ý nghĩa cho đời sống và điều đáng mang lại sức sống sung mãn chúng ta! Nhiều người cho rằng câu sau đây xuất phát từ Thánh nữ trẻ tuổi Ê-li-sa-bét thành Thuringe: «Tôi đã nói với các bạn là chúng ta phải làm cho con người tràn niềm vui». Không rõ nữ Thánh Ê-li-sa-bét có đọc hay không, chương 65 sách Tiên tri I-sa-i-a? Nhưng dù sao ngài cũng đã hiểu. Và Tiên tri I-sa-i-a triển khai thêm đời sống mới của Nước Trời: «Nơi đây, sẽ không còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la….Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta." ĐỨC CHÚA phán như vậy.» (Is65, 19. 25) Khi Thánh Phê-rô nói: «anh em thân mến, trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an.» (c14) là ngài muốn nói: «anh em hãy sống theo những giá trị của Nước Trời đã, như thế anh em làm cho Nước Trời sớm đến rồi»    

Giữa đoạn chúng ta đọc hôm nay, Thánh Phê-rô miêu tả một cách rất ấn tượng Ngày Chúa đến. Trong đoạn này, chúng ta nhận ra lời phán bất hủ của Tiên tri Ma-la-khi: «Vì này Ngày ấy đến, đốt cháy như hoả lò. Mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy đến sẽ thiêu rụi chúng - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán - không còn chừa lại cho chúng một rễ hay cành nào.20 Nhưng đối với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh. Các ngươi sẽ đi ra và nhảy chồm lên như bê xổng chuồng» (Mk3, 19-20). Mặt trời công chính được mô tả như thế, không nên làm cho chúng ta sợ, trái lại.

Lúc nào cũng như thế, sự phán xét được miêu tả không phải chia nhân loại ra làm hai bên – như thể, có người hoàn toàn tốt và những kẻ khác hoàn toàn xấu. Không thể nào có kẻ hoàn toàn hung dữ hay hoàn toàn kiêu căng; nhưng trong mỗi chúng ta, có một chút kiêu căng, một chút hung dữ: Chính những điều xấu ấy sẽ biến đi trong nháy mắt. Chỉ còn lại những mầm móng của Nước Trời: Mặt trời công chính sẽ làm cho nảy mầm. Đó là lý do Thánh Phê-rô thêm vào lời trích Tiên tri I-sa-i-a: «theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi  trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị.» (c13) Chúng ta không có gì phải sợ mặt trời, mang lại giải pháp lành bệnh trong tia nắng của nó.

***

 

PHÚC ÂM (Mc 1, 1-8)

 

"Hãy dọn đường Chúa cho thẳng."

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

 

1 Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa:

2 Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con.

3 Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.

4 Đúng theo lời đó, ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.

5 Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.

6 Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng.

7 Ông rao giảng rằng: "Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.

8 Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần."

 

«Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa» chỉ vài chữ này, cũng đủ nói lên tất cả mầu nhiệm Chúa Giê-su thành Na-da-rét. Người này, vốn là người. Là Chúa Ki-tô, Con Thiên Chúa, có nghĩa vừa là vua, vừa là Đấng Mê-si-a, Đấng sẽ hoàn tất lòng chờ mong của dân Ngài; nhưng thật sự cũng là Con Thiên Chúa và chính Ngài cũng là Thiên Chúa…Và những gì dân chúng chờ đợi, không chỉ được thực hiện mà còn vượt hẳn những gì ước mong. Kể từ đây, Tin Mừng theo Thánh Mác-cô sẽ triển khai câu đầu này.

«Tin Mừng», phải hiểu chữ này với tất cả sức mạnh của nó! Nghĩa là một «Tin vĩ đại», tin tuyệt vời. Theo từ nguyên học đó là «Phúc Âm». Thời ấy, một tin mừng lớn lao - như một vị vua được sinh ra hoặc một tin chiến thắng lớn - được gọi là phúc âm, Không phải các Thánh sử Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an chỉ vỏn vẹn viết tiểu sử Đấng Giê-su thành Na-da-rét. Đối với các ngài, đây là một Tin Mừng tuyệt vời, và tin ấy là Tin Mừng. Tin Mừng này các ngài không thể và cũng không muốn giữ riêng cho mình. Vì thế, các Thánh sử viết lại để nói cho toàn thế giới, cho các thế hệ tương lai: Đấng dân chúng chờ đợi đã đến, để cho đời sống và sự chết có một ý nghĩa, mở rộng chân trời, đem ánh sáng cho đôi mắt mù lòa, làm cho tai ta nghe được, cho tứ chi bại liệt chúng ta khởi động, và thách đố ngay cả sự chết. Đấy là một Tin Mừng!

Thánh Mác-cô, khác với Thánh Mát-thêu và Lu-ca, Tin Mừng không bắt đầu bằng tường thuật Chúa Giáng Sinh hay thời thơ ấu Chúa Giê-su. Ngài bắt đầu ngay bằng những lời rao giảng của ông Gio-an Tẩy Giả «…ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa.» (Mc1, 4) Thánh Mác-cô trích ngay lời Tiên tri I-sa-i-a: «Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.» (c2,3) Các bạn hẳn còn nhớ câu này được trích từ sách Tiên tri I-sa-i-a thứ hai, sách bắt đầu bằng những lời tuyệt vời sau đây: «Thiên Chúa anh em phán: Hãy an ủi, an ủi dân Ta» (Is40, 1) Trái lại câu: «Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con» không phải từ Tiên tri I-sa-i-a, nhưng Thánh Mác-cô ngụ ý nhắc đến một điều rất thú vị, từ lời Tiên tri Ma-la-khi và một câu từ sách Xuất hành. Chúng ta sẽ trở lại chốc nữa.

Rất hiếm khi Thánh Kinh miêu tả y phục và thức ăn của một nhân vật nào! Sở dĩ Thánh Mác-cô nói đến ở đây hẳn phải có ý nghĩa gì. «Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng.» (c6) Châu chấu và mật ong rừng là những thức ăn trong sa mạc, để nói lên đời tu khổ hạnh và nhắc lại những lời hứa; bởi vì từ trong sa mạc, khởi đầu cuộc phiêu lưu vĩ đại của Giao Ước với Thiên Chúa, đó là cách nói: «ông Gio-an Tẩy-giả đến là một cơ may cho anh em trở về sa mạc với những cuộc gặp gỡ Thiên Chúa. của anh em». Tôi thiết tưởng đấy là  lý do tại sao Thánh Mác-cô trích những lời chúng ta vừa đọc ấy.

Tiên tri Ma-la-khi viết: «Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta.» (Ml3, 1) Chúng ta đang trong viễn ảnh Ngày của Chúa, Và trong sách Xuất Hành có câu: «Này Ta sai thiên sứ đi trước ngươi, để giữ gìn ngươi khi đi đường, và đưa ngươi vào nơi Ta đã dọn sẵn» (Xh23, 20), điều này nhắc đến lúc thoát khỏi Ai-cập. Điều Thánh Mác-cô gợi lên chỉ trong vài chữ trong bài nàlà để ngụ ý nói, ông Gio-an Tẩy Giả đưa chúng ta từ Giao Ước lịch sử được kết với Thiên Chúa trong sa mạc của Xuất Hành, đến Giao Ước vĩnh viễn với Chúa Giê-su Ki-tô. Còn về áo lông lạc đà, đó là y phục Tiên tri cả Ê-li-a (2V1, 8); nhờ thế, từ xa có thể nhận ra ông. Qua việc này Gio-an Tẩy-Giả được xem như kế vì Tiên tri Ê-li-a. Phải chăng chúng ta thường nghe chính Tiên tri Ê-li-a sẽ đích thân xuất hiện để tiên báo Đấng Mê-si-a? Vì có câu trong sách Tiên tri Ma-la-khi: «Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi Ngày của ĐỨC CHÚA đến, ngày trọng đại và kinh hoàng.» (Ml3, 23) Vì thế không lạ gì, có một sự sôi động chung quanh ông Gio-an Tẩy Giả. Ai biết được? Có thể Tiên tri Ê-li-a đến; điều này có nghĩa là Đấng Mê-si-a đã rất gần. (sự sôi động này chứng minh thời điểm ấy mọi người háo hức chờ đợi Đấng Mê-si-a). Dân chúng đông đảo chạy đến ông Gio-an Tẩy-giả, Thánh Mác-cô nói như thế, nhưng ông Gio-an không nao núng vì được ngưỡng mộ: Ông biết mình chỉ là một tiếng vang, một dấu chỉ tiên báo vị lớn hơn  mình sắp đến. Ông mạnh dạn đính chính với những ai cho ông là tiên tri Ê-li-a và ngài rút ra kết luận đơn giản: Đấng đến sau mà tôi thường rao giảng, lớn lao hơn tôi, đến nỗi tôi không xứng đáng cúi xuống mở giày cho Ngài.

Như Tiên tri Ê-li-a, như mọi ngôn sứ, ông Gio-an Tẩy giả kêu gọi hoán cải; cho những ai muốn thay đổi cuộc sống, ông để nghị chịu phép Rửa. Rửa tội theo tiếng Hy-lạp có nghĩa là dầm mình xuống nước. Không những chỉ rửa tay, như đạo Do Thái đòi hỏi trước mỗi bữa ăn, mà còn dìm cả thân xuống nước  để thể hiện lòng quyết tâm thanh tẩy cuộc sống (nên hiểu là quay lưng lại với mọi hình thức thờ phượng bụt thần). Trong vài tu viện thời ông Gio-an Tẩy Giả, người ta còn tắm dìm cả người, thanh tẩy mỗi ngày để thể hiện và duy trì ý nguyện hoán cải.

Nhưng ông Gio-an Tẩy Giả xác định rõ ràng, giữa phép rửa của ông và phép Rửa của Đấng Ngài loan báo là Đấng Ki-tô, có sự khác biệt lớn: «Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước» (c8) Đó là dấu hiệu anh em muốn có một đời sống mới. Cử chỉ của người làm phép rửa và động tác người nhận là những cử chỉ của con người. Trong lúc cử chỉ của Đấng Ki-tô là cử chỉ của Thiên Chúa: «Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần». (c8) Chính Thiên Chúa thay đổi dân Ngài.

Ở đây, chính quan niệm về thanh tẩy của chúng ta nên được hoán cải. Trước tiên, sự tinh tuyền không như chúng ta tưởng. Chúng ta nghĩ ngay lập tức đến trường hợp vô tội, đại loại như tinh tuyền thiêng liêng, và thanh tẩy là như làm cho sạch sẽ. Như có thể tắm rửa linh hồn. Trong thực tế, thanh tẩy trong ý nghĩa tôn giáo, có nghĩa giống như trong hóa học: Thân xác tinh tuyền là trong trạng thái không pha trộn. Trái tim (tấm lòng) tinh tuyền là chỉ biết hướng về Thiên Chúa. Một cách tự động, chúng ta nghĩ sự tinh tuyền là không lỗi phạm, sạch tội, một cách nào đó như trong sạch về mặt thiêng liêng. Làm như chúng ta có thể tắm rửa linh hồn. Thực ra, sự tinh tuyền theo ý nghĩa tôn giáo giống như trong hóa học: Một vật thể tinh tuyền là không có pha trộn. Một trái tim tinh tuyền, hoàn toàn hướng về Chúa, quay lưng lại với bụt thần [Như cách Thánh Gio-an nói về Chúa Giê-su trong phần Mở đầu Tin Mừng: «Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,» (Ga1, 1)] Điều thứ hai, việc chúng ta được trở nên tinh tuyền không do từ ta, vì nó không thể ở trong tầm tay chúng ta, đó là công trình của Chúa. Để làm cho chúng ta tinh tuyền, ông Gio-an Tẩy Giả nói, Thiên Chúa sẽ cho chúng ta đầy Thần Khí Chúa. Chúng ta cứ để cho Thánh Thần Chúa tác động và nhận lấy ân sủng của Ngài.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân               

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                  


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com