Lời Chúa CN

TÌM HIỂU TÂN ƯỚC CHÚA NHẬT 04 MÙA VỌNG NĂM B - 20/12/2020

BÀI ĐỌC 2 (Rm 16, 25-27)

 

“Mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời, nay được tỏ bày.”

 

Bài trích thơ Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Rô-ma.

 

25 Vinh danh Thiên Chúa, Đấng có quyền năng làm cho anh em được vững mạnh theo Tin Mừng tôi loan báo, khi rao giảng Đức Giê-su Ki-tô. Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa

26 nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh. Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa.

27 Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí. Kính dâng Người mọi vinh quang đến muôn thuở muôn đời, nhờ Đức Giê-su Ki-tô. A-men.

 

Đây là những câu cuối của thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu thành Rô-ma, kết luận của một thánh thư dài. Vì thế ta không lạ gì nhận ra nơi đây một vinh tụng ca (công thức ngợi khen) thật trịnh trọng. Trong bản tiếng Hy-lạp, thật sự chỉ có một câu, vạch lại những nét chính của bích họa lịch sử loài người, trong ấy hiện ra dự án Thiên Chúa. Đây là cốt lõi, đề tài trung tâm của bức thánh thư, và cũng là tất cà thần học của Thánh Phao-lô. Dự án bất hủ Thiên Chúa ấy, được thiết lập từ muôn thuở, được tiệm tiến mạc khải cho loài người, cho toàn nhân loại được hạnh phúc: «Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa, nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh. Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa.» (25b,26)

Cụm chữ «thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa.» có lẽ cũng làm cho chúng ta ngạc nhiên. Thật ra cụm chữ «tin để mà vâng phục» rất được dùng trong Thánh Kinh, nội dung cũng như hình thức. Trong hình thức dùng hai từ trùng nghĩa: Tin đồng nghĩa với vâng lời, nhưng trong Thánh Kinh mang một ý nghĩa tuyệt vờivâng phục, có nghĩa là tin tưởng. Trong động từ tiếng La-tinh «ob-audire» có chữ «audire» (lắng nghe); trong Thánh Kinh, vâng lời, có nghĩa là yêu thương lắng nghe, vì sống tin cậy lẫn nhau; đơn giản, đó là đức tin. «Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!» (Tv94, 7) có nghĩa là ngày nay anh em còn tin tưởng nơi Chúa không? Và hơn nữa, tiếng Hy-lạp dịch đoạn này: «vâng lời của đức tin» thật ra có nghĩa «đức tin là vâng phục». Đây là một đề tài không đổi thay trong Thánh Kinh, ngay trong kinh Tin Kính Do Thái «Shema it-ra-en» (Đnl6, 4): «nghe» tức là tin tưởng, đừng bao giờ quên Thiên Chúa đã giải thoát ngươi và luôn muốn ngươi tự do; vì thế ngươi có thể tin tưởng nơi Ngài. Cả hai điều đều như nhau.

Vấn đề dẫn những dân ngọai đến đức tin vâng phục (có nghĩa là đến đức tin theo nghĩa đen, đến lòng tin cậy). Đây cũng là một đề tài của Thánh Kinh: Dự án Thiên Chúa có tính cách hoàn vũ. Người ta thường nói Thánh Phao-lô là Tông đồ các dân ngọai, nhưng trước ngài thật lâu, Cựu Ước xác định rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa gồm toàn nhân loại. Chúng ta hãy nhớ lại Lời Chúa phán cho Ap-ra-ham «Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta.» (St12) Đây là một mạc khải xuyên suốt Thánh Kinh, đề tài này được lặp đi lặp lại, nhất là thời kỳ sau lưu đày Ba-by-lon. Ví dụ như trong sách Tiên tri I-sa-i-a: «những ai giữ ngày sa-bát mà không vi phạm, cùng những ai tuân thủ giao ước của Ta, đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta.» (Is56, 6,7); hay trước thời lưu đày, trong sách Tiên tri Giê-rê-mi-a: «Này chính Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của mọi phàm nhân» (Gr32, 27), và trong sách Tiên tri Giô-en «Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm.» (Ge3, 1). Sở dĩ Thánh Kinh phải nhấn mạnh và  nhắc lại nhiều lần, có lẽ vì chúng ta có khuynh hướng quên đi. Ngày nay cũng không phải thừa khi lặp lại cho những Ki-tô hữu như chúng ta.

Thánh Phao-lô cũng trong chiều hướng ấy: «trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.» (Ep3, 6) Đã đành dân ngoại được thừa hưởng cùng gia nghiệp, một lần nữa như Cựu Ước lặp lại, nhưng điều mới lạ ở đây, tất nhiên đó là sự kiện Thánh nhân dựa vào Đức Giê-su Ki-tô. «trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái»

Thánh nhân gọi đó là mầu nhiệm được mạc khải, và ngài dùng một từ ngữ chúng ta quen thuộc: «khải hoàn», có nghĩa là «vén màn che». Một mạc khải vô cùng quan trọng của Cựu Ước là Thiên Chúa Siêu Việt trở thành Thiên Chúa Thật Gần Gũi: Chính vì Ngài là Đấng Siêu Việt, dự án Ngài không trong khả năng của trí khôn con người; nhưng bởi vì Ngài là Đấng Thật Gần Gũi, Ngài mạc khải cho chúng ta, Ngài vén màn lên cho chúng ta, hay nóì đúng hơn, Ngài mời chúng ta vào cùng tham gia.

Thánh Phao-lô thật sự là người thừa kế của mọi chiêm niệm Thánh Kinh; ngài ngạc nhiên thán phục trước Thiên Chúa Siêu Việt. Trong thư cho tín hữu thành Rô-ma ngài kêu lên: «Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được!34 Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người?35 Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau?36 Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! A-men.» (Rm11, 33-36) Ngài cũng ngạc nhiên thán phục trước Thiên Chúa Thật gần gũi: «Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh. Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa.» (c25b,26) Hay còn nữa, trong thư gửi tín hữu thành Cô-rin-tô: «chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển» (1Co2, 7) Sau đó một thời gian, trong thư gửi tín hữu thành Cô-lô-xê có một công thức ngắn gọn: «mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa» (Cl1, 26)

Khi Thánh Phao-lô nói «mầu nhiệm đã được giữ kín…nhưng nay đã được tỏ ra» ngài có ý nói đến thời đại mới do Chúa Ki-tô khởi đầu. Ngài chia lịch sử loài người làm hai giai đoạn, trước và sau khi Chúa Ki-tô đến. Mầu nhiệm Thiên Chúa được mạc khải suốt lịch sử, nhưng trước kia không toàn diện và một cách tiệm tiến. Kể từ nay, mầu nhiệm ấy được hoàn toàn mạc khải nơi Chúa Giê-su Ki-tô; chúng ta chỉ cần mở mắt ra, chúng ta sẽ nhận ra thiên tài cấu trúc của Thánh Phao-lô: Ngài kết thúc bức thư như đầu thư (nơi đây chúng ta có lối văn theo thể vùi hay có thể nói song song). Chúng ta còn nhớ những hàng đầu bức thư: «Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Đức Ki-tô Giê-su; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.2 Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh.3 Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.» (Rm1, 1-3)

***

 

PHÚC ÂM (Lc 1, 26-38)

 

"Này Trinh Nữ sẽ thụ thai và sẽ sinh một con trai."

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca

 

26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,

27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà."

29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.

31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.

32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.

33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! "

35 Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.

36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.

37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

 

Từ lâu không nghe ai nói đến Na-da-rét, một thị trấn không quan trọng của một tỉnh, không mấy được lòng chính quyền Giê-ru-sa-lem. Thế mà, chính nơi đây, Thiên thần Gáp-ri-en đến ban cho một thiếu nữ trẻ, một lời khen tặng không bao giờ có một phụ nữ nào xứng đáng nhận được: «Đấng đầy ân sủng» tức là đầy tràn ơn Chúa, không một tì vết. Sau này, Thánh Gio-an còn nói: «hướng về Thiên Chúa». Không lạ gì, cuối cuộc gặp gỡ, Đấng vô cùng tương hợp với dự án Thiên Chúa, buộc miệng trả lời: «Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.» (c38). Giữa hai câu, lịch sử nhân loại đã ngả sang hướng mới: Thời của Thiên Chúa Nhập Thể đã điểm. Kể từ nay, không có gì như trước nữa. Tất cả các lời hứa của Cựu Ước được hoàn tất. Mỗi lời của Thiên thần, gợi lên những lời hứa ấy và nói lên từng chi tiết mọi phương diện của sự chờ mong Đấng Mê-si-a, như đã được triển khai từ muôn thuở.

Trước tiên, mọi người chờ đợi một vị vua, hậu duệ của Đa-vít, theo lời Tiên tri Na-than, như chúng ta vừa đọc trong Bài đọc 1( 2Sm7). Từ lời hứa ấy, mọi ước mong Đấng Mê-si-a được triển khai trong Cựu Ước. Thế nhưng, đây là trung tâm của lời Thiên thần Gáp-ri-en: «Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận» (c32,33). Một danh hiệu khác: «Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao» (c32): Theo nghĩa Thánh Kinh đó là «vua»; vì, đây nữa, chúng ta nghe vang lên lời Tiên tri Na-than nói với vua Đa-vít: «Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con» (2Sm7, 14). Lời hứa này được nêu lên mỗi khi một vua mới lên ngôi, ngày lễ phong vương qua công thức này: «Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con.» (Tv2, 7)

Câu: «triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.» (c33) cũng gợi lên những lời của Tiên tri Đa-ni-en về «Con Người» sẽ lãnh nhận một vương triều đời đời. Và cho dù không nói ra, tên đứa bé sinh ra (Giê-su tức là Chúa Cứu Độ) nói rõ sứ vụ của Ngài.

Đức Ma-ri-a đã hiểu. Thế nhưng, ngài mạn phép nhắc Thiên thần, ngài chỉ là một thiếu nữ, theo lẽ thường ngài không thể có con. Câu trả lời của Thiên thần chúng ta đều biết, nhưng còn gợi lên những lời hứa về Đấng Thiên Sai khác nữa, vượt vô tận những điều đã biết: «Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.» (c35). Theo lời Thiên thần, Đấng Mê-si-a được trang bị quyền năng của Thần Khí,  để chu toàn sứ mạng cứu độ. Ví dụ như Tiên tri I-sa-i-a từng nói: «Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí ĐỨC CHÚA sẽ ngự trên vị này» (Is11, 1.2). Nhưng lời tiên báo của Thiên thần còn đi xa hơn nữa, bởi vì trẻ được sinh ra thật sự là Con Thiên Chúa: «Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.» (c35)

Trẻ này không có cha loài người, nhưng trẻ là «Con Thiên Chúa». Có hai minh chứng trong bài này. Thứ nhất, nhận xét của Đức Trinh nữ: «vì tôi không biết đến việc vợ chồng!» (c34). Điều thứ hai, trong câu: «đặt tên là Giê-su.»( c31) - câu này Thiên thần nói cho người mẹ, đây là điều ngọai lệ, và chỉ giải nghĩa được, chỉ vì không có người cha trần thế (theo lẽ thường, người cha đặt tên cho con. Cũng tương tự như trường hợp ông Gio-an Tẩy Giả, người thân hỏi ông Da-ca-ri-a, mặc dù ông câm, chứ không hỏi bà Ê-li-sa-bét, quyết định của ông đặt tên cho con là gì.)

Thế nhưng, sự ra đời này là một tạo dựng mới. Chúng ta nhớ lại câu sau đây trong sách Sáng Thế: «Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất…và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.» (St1, 1,2) và tiếng vang trong Tv 104: «Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này.» (Tv104, 30)  

Chúa Ki-tô được đặc quyền có sự hiện diện của Thiên Chúa, điều này cũng được nêu lên qua cụm chữ: «Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà» (c35); khi xưa bóng Đấng Tối Cao cũng đã ngự trên Lều Gặp Gỡ, trong cuộc diễu hành nơi sa mạc thời Xuất Hành. Ngày Chúa Biến Hình, cũng đám mây ấy ám chỉ Con Thiên Chúa: «và có tiếng từ đám mây phán rằng: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người» (Mt16, 5)

Trước những loan báo của Thiên Thần, lời đáp của Đức Trinh Nữ thật đơn sơ lạ lùng! Có thể nói như Thánh Phao-lô, chúng ta có một mẫu gương «tin mà vâng phục Thiên Chúa» (Rm16, 26), tức là hoàn toàn phó thác. Ngài lặp lại từ ngữ của những tín hữu vĩ đại từ ông Ap-ra-ham: «Lạy Chúa con đây». Như Tiên tri Sa-mu-en biết nói: «Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.» (1Sm3, 10) Đức Maria đơn giản  trả lời «Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.» (c38). Chữ nữ tỳ không có nghĩa là lệ thuộc như nô lệ, nhưng nói lên trạng thái sẵn sàng vâng theo dự án Thiên Chúa. Chỉ cần nói «xin vâng», bởi vì «đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được» (c37)  

Nhờ lời «Xin Vâng» ấy của người thiếu nữ thành Na-da-rét: «Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.» (Ga1,14). Nơi đây, chúng ta như nghe vang lại lời hứa chứa chan ánh sáng của Tiên tri Sô-phô-ni-a«Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi. Án lệnh phạt ngươi, ĐỨC CHÚA đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa. Đức Vua của Ít-ra-en đang ngự giữa ngươi, chính là ĐỨC CHÚA. Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ.» (Xp3, 14-15). Nhưng tất cả còn tuyệt vời hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Chắc chắn suốt đời Đức Mẹ cũng không đủ để «ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.» (Lc2, 19)

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân              
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com