Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA NĂM B - 27/12/2020

BÀI ĐỌC 1 (St 15, 1-6;21,1-3)

 

Ông Áp-ra-ham đặt tên cho đứa con sinh ra cho ông là I-xa-ác

 

Bài trich sách Sáng Thế

 

1 Sau các việc đó, có lời ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ram trong một thị kiến rằng: "Hỡi Áp-ram, đừng sợ, Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn."

2 Ông Áp-ram thưa: "Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, Chúa sẽ ban cho con cái gì? Con ra đi mà không con cái, và người thừa tự gia đình con là Ê-li-e-de, một người Đa-mát."

3 Ông Áp-ram thưa: "Chúa coi, Chúa không ban cho con một dòng dõi, và một gia nhân của con sẽ thừa kế con."

4 Và đây có lời ĐỨC CHÚA phán với ông rằng: "Kẻ đó sẽ không thừa kế ngươi, nhưng một kẻ do chính ngươi sinh ra mới thừa kế ngươi."

5 Rồi Người đưa ông ra ngoài và phán: "Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không." Người lại phán: "Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó! "

6 Ông tin ĐỨC CHÚA, và vì thế, ĐỨC CHÚA kể ông là người công chính.

1 ĐỨC CHÚA viếng thăm bà Xa-ra như Người đã phán, và Người đã làm cho bà như Người đã hứa.

2 Bà Xa-ra có thai và sinh cho ông Áp-ra-ham một con trai khi ông đã già, vào thời kỳ Thiên Chúa đã hứa.

3 Ông Áp-ra-ham đặt tên cho đứa con sinh ra cho ông là I-xa-ác, đứa con mà bà Xa-ra sinh ra cho ông

Năm nay, Giáo Hội chọn  bài đọc cho Lễ Thánh Gia có lẽ làm cho chúng ta ngạc nhiên: Thế đấy, bây giờ chúng ta quay về suốt nguồn lịch sử lâu dài của gia đình thiêng liêng thời ông Áp-ra-ham. Ông là một người sống về nghề chăn nuôi du mục, gốc dân tộc I-rắc, khoảng 1850 trước CN, thoáng nhìn như thế có vẻ không có điều gì giống chúng ta, vốn là dân thành thị sống 2000 năm sau CN! Rất tiếc chúng ta không có thời gian đọc hết thiên hùng sử của ông Áp-ra-ham trong Thánh Kinh; chúng ta chỉ có một đoạn tóm gọn ngắn. Bài chúng ta đọc hôm nay, thật ra là hai chương cách xa nhau trong Cựu Ước được đem cạnh nhau.

Giai đoạn đầu, chương 15: Ông Áp-ra-ham lúc ấy còn tên  Áp-ram, Chúa hứa cho ông một dòng dõi đông đúc như sao trên trời. Giai đoạn này kết thúc bằng câu bất hủ «Ông tin ĐỨC CHÚA, và vì thế, ĐỨC CHÚA kể ông là người công chính» (c6). Giai đoạn thứ hai, chương 21: Thiên Chúa giữ lời hứa, I-sa-ắc chào đời, mắt xích đầu tiên của dòng dõi ông Áp-ra-ham và bà Sa-ra. Giữa hai giai đoạn có nhiều chương và cuộc «hành trình  dài» của ông Áp-ra-ham… Cụm chữ hành trình dài, được hiểu nghĩa bóng cũng như nghĩa đen!

Tất cả bắt đầu bằng (chương 12 sách Sáng Thế) tiếng gọi đầu tiên của Thiên Chúa «Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi» (St 12,1). Lời gọi đầu, lời hứa đầu tiên (một xứ sở, một dòng giống), ông Áp-ra-ham cất bước ra đi chỉ sau lời gọi đơn giản của Thiên Chúa «Ông Áp-ram ra đi, như ĐỨC CHÚA đã phán với ông» (St 12,4). Vừa đi vừa cắm trại, dài suốt cuộc hành trình đưa ông từ Ai-cập sang Pa-lét-tin. Một cuộc hành trình kéo dài nhiều năm vì khi Chúa gọi lúc ban đầu ông được 75 tuổi, đến khi I-sa-ắc sinh ra ông đã 100 tuổi. Cuộc hành trình được đánh dấu bằng những lời hứa khác của Thiên Chúa. Ví dụ như ở chương 13 «Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi nhiều như bụi trên mặt đất; nếu người ta đếm được bụi trên mặt đất, thì mới đếm được dòng dõi ngươi!» (St 13,16)  

Kế đến là đoạn gồm chương 15, chúng ta đọc hôm nay, lời hứa một dòng dõi đông đúc như sao trên trời. Ông Áp-ram liền thưa đến bây giờ dòng dõi ông chưa có gì hết «Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, Chúa sẽ ban cho con cái gì? Con ra đi mà không con cái» (15,2). Giữa những lời hứa và sự việc I-sa-ắc được sinh ra, có nhiều sự kiện, tổ chức lễ Giao Ước giữa Thiên Chúa và ông Áp-ram (sau chương 15), Ít-ma-en chào đời (chương 16), đổi tên Áp-ram thành Áp-ra-ham (chương 17), Thiên Chúa hiện ra tại Mam-rê. (chương 18); đó chỉ là những sự kiện quan trọng.

Ông Áp-ra-ham không từng là nhân vật sách kỷ lục hay sách các nhà sáng chế! Thế mà với ông loài người có bước tiến vĩ đại! Ông Áp-ra-ham khám phá ba điều tóm gọn trong ba từ: Đức Tin, Giao Ước và Công Chính. «Ông tin ĐỨC CHÚA, và vì thế, ĐỨC CHÚA kể ông là người công chính» (c6)

Đầu tiên là Đức Tin. Một câu rất đơn giản: «Ông tin ĐỨC CHÚA», nói lên cho chúng ta đức tin trước tiên là sự quan hệ với nhau. Đức tin không phải là một nhân đức không đâu: không phải chỉ tin trống rỗng, nhưng tin vào ai đó, tín nhiệm nơi một người nào. Nếu nhìn vào những gì có thể nói là tình yêu sét đánh của ông Áp-ra-ham, chúng ta nhận thấy không chỉ ở phương diện tri thức. Lòng tin của ông là cả một lịch sử. Một lịch sử hướng về tương lai: Chúa hứa với ông, và ông tin. Thế nhưng, phải nhìn nhận một cách khách quan rằng ông có đủ lý do để ngờ vực. Nhưng một khi tin tưởng nơi một người thì những lý do làm cho ngờ vực không đáng kể.

Có thể nói đức tin ông Áp-ra-ham là một khám phá. Trước ông người ta tìm các thần linh; ông Áp-ra-ham khám phá chính Thiên Chúa tìm con người và đề nghị Giao Ước. Thì đây là điều khám phá thứ hai: Giao Ước.

Trước đây con người hứa với các thần linh để xứng đáng các ân huệ; đối với ông Áp-ra-ham, chính Thiên Chúa chủ động «Hỡi Áp-ram, đừng sợ, Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn.» (c1). Rồi, Chúa cho dấu hiệu cho lời cam kết của Ngài: cử hành trọng thể Giao Ước bằng một lễ tế dưới hình thức một cây đuốc cháy rực và tên ông được đổi từ Áp-ram thành Áp-ra-ham: Khi Chúa thay đổi tên là Ngài chiếm hữu từ trong lòng người ấy, Ngài cam kết không bao giờ thay đổi. Khi gọi ông là Áp-ra-ham có nghĩa là «cha một dòng dõi đông đúc», Chúa xác nhận «Ta sẽ làm cho ngươi là tổ phụ một «dòng dõi đông đúc»     

Khám phá thứ ba, sự Công Chính. «ĐỨC CHÚA kể ông là người công chính» (c6): chữ «công chính» trong Thánh kinh, trước tiên có nghĩa là «đúng»; như một nhạc cụ vang lên đúng cung điệu, ông Áp-ra-ham đã được «làm cho tương hợp» cùng cung điệu với Thiên Chúa. Người công chính là kẻ trả lời khi Chúa gọi «lạy Chúa con đây», không đưa ra điều kiện gì. «Ông tin ĐỨC CHÚA, và vì thế, ĐỨC CHÚA kể ông là người công chính». Để kêu đúng, chỉ cần cây sáo có đó, người nghệ sĩ mới thổi đúng. Thế nhưng, người nhạc sĩ cần  cái nhạc cụ…Vì thế Thiên Chúa cần có con người  Những con người để Chúa làm cho tương hợp với bản nhạc trường cửu tình yêu Thiên Chúa.

«Tổ phụ của một dòng dõi đông đúc» như cát biển…hay sao trên trời, theo lời hứa của Thiên Chúa, ông Áp-ra-ham đã thật sự như thế. Dòng dõi đông đúc, có số mệnh - hay có thể hiểu có ơn gọi - giữa hai hình ảnh: từ bụi đất… chúng ta được gọi trở nên sao trên trời. Người đứng đầu dòng dõi ấy tên I-sa-ắc: người gợi lên tiếng cười ông Áp-ra-ham và bà Sa-ra khi Thiên Chúa báo tin ông bà sẽ sinh con mặc dù đã cao tuổi. Nhưng chủ yếu điều này nói lên niềm vui Thiên Chúa. Từ nguyên của chữ này có nghĩa «Chúa mỉm cười». Thật chắc chắn, lịch sử ông Áp-ra-ham được đặt đúng chỗ cho ngày lễ Thánh Gia: niềm vui Thiên Chúa là khả năng sinh sản gia đình nhân loại.

***

 

THÁNH VỊNH (Tv 104, 1-6,8-9 )

 

Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người

 

1 Ha-lê-lui-a. Hãy tạ ơn CHÚA, cầu khẩn danh Người, vĩ nghiệp của Người, loan báo giữa muôn dân.

2 Hát lên đi, đàn ca mừng Chúa, và suy gẫm mọi kỳ công của Người.

3 Hãy tự hào vì danh thánh Chúa, tâm hồn những ai tìm kiếm CHÚA, nào hoan hỷ.

4 Hãy tìm CHÚA và sức mạnh của Người, chẳng khi ngừng tìm kiếm Thánh Nhan.

5 Hãy nhớ lại những kỳ công Người thực hiện, những dấu lạ và những quyết định Người phán ra,

6 hỡi anh em, dòng dõi Áp-ra-ham tôi tớ Chúa, con cháu Gia-cóp được Người tuyển chọn!

8 Giao ước lập ra, muôn đời Người nhớ mãi, nhớ lời đã cam kết đến ngàn thế hệ!

9 Đó là điều đã giao ước cùng Áp-ra-ham, đã đoan thề cùng I-xa-ác,

Rất hiếm khi Thánh Kinh tường thuật một nghi lễ phụng vụ, thế nhưng, chính trong sách Sử Biên kể cho chúng ta trong một buổi Lễ bài này, hay đúng ra một phần bài này được hát lên.

Sự kiện này xảy ra lúc Vua Đa-vít chọn Giê-ru-sa-lem làm kinh đô, tức khoảng năm 1000 trước CN. Vua Đa-vít ý thức nhận mọi hồng ân từ Thiên Chúa… Vì thế, việc đầu tiên ông quan tâm là xây một đền thờ để đặt Hòm Bia Thiên Chúa một nơi xứng đáng. Ông chọn ngọn đồi cao nhất, ngọn đồi che phía bắc dinh thự của ông, để trang trọng đưa Hòm Bia Giao Ước lên. Ngày ấy là một ngày lễ trọng đại cho mọi người, và để ghi nhớ ngày ấy, vua Đa-vít phát cho mỗi gia đình một khoanh bánh mì tròn to, một bánh chà là và một bánh nho khô. 

Sau đó vua tổ chức một bộ phận phụng vụ chung quanh Hòm Bia Giao Ước: các tư tế có nhiệm vụ dâng lễ vât, có cả những người Lêvi nhạc sĩ và ca sĩ (1Sb:16,5) (ND:các tư tế Bơ-na-gia-hu và Gia-kha-di-ên không ngưng tiếng kèn trước Hòm Bia Giao Ước của Thiên Chúa). Trong những người Lê-vi nhạc sĩ và ca sĩ ấy có người tên A-xáp, tên ông này chúng ta sẽ có dịp thấy bắt đầu một vài bài Thánh Vịnh.

Mười lăm câu đầu bài Thánh Vịnh 104 (105) này được chép nguyên văn trong sách Sử Biên về việc đặt Hòm Bia Giao Ước trong thành Giê-ru-sa-lem. Điều này có nghĩa là bài Thánh Vịnh được hát, thời vua Đa-vít, tức là trước khi vua Sa-lo-môn cho xây lại Đền thờ. 300 năm sau - khoảng năm 700 trước CN – vua Khít-đi-gia, vị vua rất thánh thiện, muốn thực hiện cuộc canh tân tôn giáo, tái lập phụng vụ tinh tuyền như thời vua Đa-vít. Sách ghi lại cho rằng ông cho hát lại bài ca của Lê-vi A-xáp, tức là rất có thể là bài Thánh Vịnh chúng ta đọc hôm nay là một trong nhiều bài khác. (2Sb 29,18-36). Điều này có nghĩa là bài thánh vịnh 104 (105) được xem như tiêu biểu cho lòng tín trung với Giao Ước cùng Thiên Chúa. Rất quan trọng cho chúng ta, để xem bài thánh vịnh này có gì đặc biệt.

Thế nhưng, điều đặc biệt xem ra rất đơn giản: Đây là một bài thánh vịnh ca ngợi, kể lại mọi ơn lành Chúa ban. Bài bắt đầu trịnh trọng mời gọi tất cả tín hữu, đại loại như «Hãy ngợi khen Thiên Chúa» (Halleluia!). Chính những câu đó được đề nghị chúng ta đọc hôm nay. Trong đoạn này có nhiều mệnh lệnh: «Hãy tạ ơn CHÚA; Hát lên đi, đàn ca mừng Chúa; Hãy tìm CHÚA và sức mạnh của Người; Hãy nhớ lại những kỳ công Người thực hiện…»  

Những kỳ công Chúa làm có thể ngắn gọn trong vài chữ: đó là sự tín trung với Giao Ước khi xưa Ngài đề nghị với ông Áp-ra-ham, cùng các thế hệ sau đó. «Hãy nhớ lại những kỳ công Người thực hiện, những dấu lạ và những quyết định Người phán ra,

13 hỡi anh em, dòng dõi Ít-ra-en tôi tớ Chúa, con cháu Gia-cóp được Người tuyển chọn!

14 Chính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa chúng ta, những điều Người quyết định là luật chung cho cả địa cầu

15 giao ước của Người, muôn đời nên nhớ kỹ, nhớ lời đã cam kết đến ngàn thế hệ:

16 Đó là điều đã giao ước cùng Áp-ra-ham, đã đoan thệ cùng I-xa-ác»
(1Sb 16: 12-16)  

Thành thật mà nói, giữa ông Áp-ra-ham và vua Đa-vít đâu có đến ngàn thế hệ! Nhiều lắm là 850 năm. Tính ra chỉ có tối đa hai mươi hay ba mươi thế hệ. Nhưng sự thi cảm trữ tình không biết đếm, chúng ta đều biết thế! Trong Kinh Thánh số ngàn là trừu tượng, nghĩa là Giao Ước đời đời.

Phần sau bài thánh vịnh khai triển tỉ mỉ các kỳ công Thiên Chúa dành cho dân Ngài, từ các ông Áp-ra-ham, I-sa-ắc, Gia-cóp, Giu-se, Mô-sê… Đúng là một bài học lịch sử! Thiên Chúa kết Giao Ước với ông Áp-ra-ham và hứa cho ông một vùng đất: «Ta sẽ cho ngươi đất Ca-na-an làm kỷ phần gia nghiệp» (c11). Chúa chỉ ban lời hứa ấy cho một nắm người du mục, nhưng Ngài luôn luôn bảo vệ họ. Bài thánh vịnh tiếp: «Nhưng Chúa vẫn không để cho ai ức hiếp họ…» (c14). Sau đó là câu chuyện ông Giu-se: «17 Chúa đã phái một người đi trước họ là Giu-se, kẻ bị bán làm tôi. Chân ông phải mang xiềng khổ sở, cổ đeo gông nặng nề,… Nhà vua, vị thủ lãnh các dân thời đó, truyền tháo cởi gông xiềng và phóng thích ông… Bấy giờ Ít-ra-en trẩy sang Ai-cập… Chúa cho Dân Người tăng thêm gấp bội» (c17-18,20,23,24a) và v.v... Bài thánh vịnh thật ra là một kinh cầu những công trình dành cho dân Ngài… Ông Mô-sê, cuộc giải thoát khỏi Ai-cập, Xuất Hành…

Sau đây là chìa khóa để hiểu tất cả câu chuyện: «Hãy nhớ lại những kỳ công Người thực hiện, những dấu lạ và những quyết định Người phán ra… Đó là điều đã giao ước cùng Áp-ra-ham, đã đoan thề cùng I-xa-ác» (c5,9). Nơi đây chúng ta ghi nhận lối hành văn đặc biệt về công trình giải thoát của Thiên Chúa: những công trình lớn lao, những kỳ quan, hiện tượng kỳ diệu. Dĩ nhiên, nhìn lại dĩ vãng không phải một bài học lịch sử! Đây là một cuộc tuyên xưng đức tin của dân Chúa chọn, như vua Đa-vít ý thức đã lãnh nhận tất cả từ Thiên Chúa, nay loan báo cho toàn thế giới: «Thiên Chúa làm chủ lịch sử chúng ta, Ngài che chở chúng ta là dân Ngài chọn, mặc cho bao giông tố bão bùng». Dân Ngài chính Ngài chọn:  «dòng dõi Áp-ra-ham tôi tớ Chúa, con cháu Gia-cóp được Người tuyển chọn… đã đoan thệ cùng I-xa-ác!» (c6. 9)

Thế nhưng những điều này phải có hệ quả: «Ấy là vì Chúa nhớ lại lời thiêng đã hứa… (thế thì đến phiên các ngươi) Hãy nhớ lại những kỳ công Người thực hiện» (c42…5). Đấy là tất cả bài học từ câu chuyện này: gìn giữ đặc biệt cẩn thận trong ký ức những điều ấy là cốt tử cho dân đã được Thiên Chúa nâng niu chăm sóc. Vì Chúa đã giữ lời hứa trong quá khứ, dân Ngài múc lấy nghị lực, suốt bao thế kỷ, nuôi dưỡng niềm tin vào những lời hứa của Ngài chưa thực hiện. Bởi vậy họ có thể lặp lại cho con cái: «Thiên Chúa thực hiện những gì Ngài đã nói», đến lượt các con tin và truyền lại niềm tin cho thế hệ sau.

Đây là một bài học tuyệt đẹp cho ngày Lễ Thánh Gia: gia đình nhân loại chỉ thánh đức khi còn giữ từ thế hệ này đến thế hệ khác, những kỳ công của Thiên Chúa. Họ nhớ lại rằng… Thế rồi, đến phiên các con cũng hãy nhớ… Bài Magnificat là một chứng từ hoàn hảo từ Đức Mẹ Maria: «Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!  Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người…  Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời

***  

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                        
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân               

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com