Lời Chúa CN

TÌM HIỂU TÂN ƯỚC CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA NĂM B - 27/12/2020

BÀI ĐỌC 2 (Dt 11: 8.11-12.17-19)

 

Ông Áp-ra-ham nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy

 

Lời Chúa trong thư gửi tín hữu Do Thái.

 

8 Nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu.

11 Nhờ đức tin, cả bà Xa-ra vốn hiếm muộn, cũng đã có thể thụ thai và sinh con nối dòng vào lúc tuổi đã cao, vì bà tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín.

12 Vì thế, do một người duy nhất, một người kể như chết rồi mà đã sinh ra một dòng dõi nhiều như sao trời cát biển, không tài nào đếm được.

17 Nhờ đức tin, khi bị thử thách, ông Áp-ra-ham đã hiến tế I-xa-ác; dù đã nhận được lời hứa, ông vẫn hiến tế người con một.

18 Về người con này, Thiên Chúa đã phán bảo: Chính do I-xa-ác mà sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi.

19 Quả thật, ông Áp-ra-ham nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy. Rốt cuộc, ông đã nhận lại người con ấy như là một biểu tượng.

«Nhờ đức tin… » cụm chữ này trở lại như một điệp khúc trong chương 11 sách Do Thái, và đến nỗi tác giả còn nói không đủ thời gian để kê ra tất cả tên các tín hữu trong Cựu Ước, nhờ đức tin của họ dự án của Thiên Chúa được hoàn tất. Bài  đề nghị cho chúng ta hôm nay chỉ nói về ông Áp-ra-ham và bà Sa-ra, hai ông bà được xem như mẫu gương tốt nhất.

Tất cả bắt đầu nơi họ bằng một lời gọi của Thiên Chúa (St 12): «Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi». Và ông Áp-ra-ham «vâng lời» sách chép như thế; đây là ý nghĩa của chữ «vâng lời» trong Kinh Thánh: không có nghĩa lệ thuộc, nhưng là một sự tự do phục tùng đấng mình hoàn toàn tin cậy. Ông biết mệnh lệnh Thiên Chúa phát xuất từ Ngài để cho hạnh phúc của ông và để giải thoát chính ông, chính Áp-ra-ham.

Cũng phải nói, đọc giả sách này chính là những người Do Thái; có nghĩa là họ đều biết nội dung từ sách Sáng Thế. Đặc biệt họ hiểu cách chuyển ngữ, lối hành văn, chúng ta không nói rõ tính đặc thù lời Thiên Chúa phán: chúng ta chỉ đọc «hãy ra đi» lẽ ra phải hiểu «hãy ra đi cho ngươi». Ông Áp-ra-ham hiểu rằng lệnh truyền ấy là vì lợi ích cho ông. Tin, tức là hiểu Thiên Chúa chỉ muốn lợi ích cho chúng ta, cho hạnh phúc chúng ta. Sách Do Thái tiếp: «ông Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp» (c8): tin, tức là Chúa ban cho, tức là sống với những gì chúng ta có như món quà từ Thiên Chúa.

«Ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu» (c8b), nếu biết chúng ta đi đâu, thì đâu cần phải tin nữa! Tin, tức là chấp nhận phó thác không cần phải hiểu tất cả, không cần biết tất cả, chấp nhận con đường ta đi không phải con đường ta chọn, hay muốn đi, chấp nhận Chúa định đoạt cho chúng ta. «Xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha» (Lc 22 :42); sau này Chúa Giê-su cũng nói như thế, là dòng dõi Áp-ra-ham, Ngài cũng vâng lời cho đến chết trên thập giá, như Thánh Phao-lô nói (Ph 2). «Nhờ đức tin, cả bà Xa-ra vốn hiếm muộn, cũng đã có thể thụ thai và sinh con nối dòng vào lúc tuổi đã cao (90 tuổi)» (c11). Khi nghe báo chuyện khó tin như thế bà cũng cười một chút, nhưng cũng chấp nhận lời hứa và bà tín thác vào lời hứa ấy. Nghe bà cười, Chúa trả lời: «Nào có điều gì kỳ diệu vượt sức ĐỨC CHÚA? Vào độ này sang năm, Ta sẽ trở lại thăm ngươi, và Xa-ra sẽ có một con trai» (St18 :14). Nghe thế bà Sa-ra ngưng cười, bà bắt đầu tin và hy vọng. Và rồi điều gì không thể được dưới góc nhìn con người, đã xảy ra thật: «Nhờ đức tin, cả bà Xa-ra vốn hiếm muộn, cũng đã có thể thụ thai và sinh con nối dòng vào lúc tuổi đã cao, vì bà tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín.» (c11)

Phải có đức tin của vợ chồng này, để lời hứa được thực hiện và được sinh ra «một dòng dõi nhiều như sao trời cát biển, không tài nào đếm được» (c12). Nhiều thế kỷ về sau, một người phụ nữ, Maria, cũng nghe lời tiên báo một đứa trẻ sẽ được sinh ra từ một lời hứa và bà cũng chấp nhận tin rằng «đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được» (Lc 1:37). Và cũng nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã vượt qua thử thách đáng kinh ngạc, Thiên Chúa đòi hiến tế I-sa-ác; nhưng ở đây cũng thế, bản văn bằng tiếng Do Thái bắt đầu bằng «hãy đi vì lợi ích cho ngươi», cho dù ông Áp-ra-ham không hiểu, ông cũng biết lệnh của Thiên Chúa ban cho ông, ông biết rằng lệnh của Thiên Chúa là con đường của Lời Hứa.

Cái Lô-gích của đức tin dẫn đến tận đó. Với cách nhìn đơn giản của con người, lời hứa một dòng dõi, và đề nghị hiến tế I-sa-ác thật mâu thuẫn với nhau, nhưng cái lô-gích của ông Áp-ra-ham, kẻ có đức tin, lại khác! Chính vì ông được hứa có một dòng dõi từ I-sa-ác nên ông có thể hy sinh nó. Lòng tin cho ông biết Thiên Chúa không thể nào chối bỏ lời hứa. Để đáp lại câu hỏi: «Có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu?» (St 22 :8a) ông Áp-ra-ham an tâm trả lời: «Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ» (St 22 :8b). Con đường của đức tin mù mờ nhưng chắc chắn. 

Ông Áp-ra-ham cũng không nói dối khi trên đường ông nói với các đầy tớ «Các anh ở lại đây với con lừa, còn cha con tôi đi lên tận đàng kia; chúng tôi làm việc thờ phượng, rồi sẽ trở lại với các anh» ,(St 22:5). Ông không biết đây là bài học Chúa dạy không được tế người, ông không biết chuyện sẽ kết cuộc của sự thách đố sẽ ra sao; nhưng ông tin tưởng nơi Thiên Chúa. Nhiều thế kỷ sau đó, Chúa Giê-su, I-xa-ác Mới cũng tin Thiên Chúa sẽ sống lại từ cõi chết và lòng tin của Ngài được nhậm lời, cũng do sách Do Thái kể lại.

Đấy là tất cả những gì đức tin có thể đem lại cho chúng ta: tiếng Do Thái «tin» gọi là «aman» (từ đó có chữ «amen»), chữ này bao hàm ý nghĩa vững chắc, rắn rỏi; tin có nghĩa «giữ vững», tin tưởng đến cùng, ngay khi còn nghi ngờ, thối chí hay lo lắng. Tiếng Pháp nói «tin như sắt» … tiếng Do Thái nói lòng tin tôi «chắc như đá». Đó là ý nghĩa khi chúng ta nói lên chữ «Amen».

Chúng ta tìm thấy nơi đây một bài học tuyệt vời về hy vọng cho các gia đình nhân loại! Trong cách nói bình dân ta thường nói: «chính lòng hy vọng sẽ cứu vớt»; tác giả sách Do Thái nói cho chúng ta: dự án cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất do các bạn…hãy để dự án của Ngài thực hiện nơi các bạn, trong các bạn, và với các bạn.  

***

 

PHÚC ÂM (Lc 2, 22-40)

 

«Con trẻ lớn lên đầy khôn ngoan»

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca. 

 

22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa,

23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa",

24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.

25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.

26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa.

27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người,

28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

29 "Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi.

30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ

31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:

32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài."

33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người.

34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng;

35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà."

36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm,

37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.

38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê.

40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa. 

Một lần nữa, đây là một bài tường thuật được sáng tác một cách tỉ mỉ. Đầu tiên Thánh Lu-ca xác định như hai điều hiển nhiên đi đôi với nhau ắt phải có; trước hết là Lề Luật, kế đó là Thần Khí. Trong những câu đầu từ câu 22 đến 24, ngài lặp lại ba lần chữ Luật Chúa. Có thể nói cuộc đời của hài nhi bắt đầu dưới dấu hiệu của Luật Chúa.

Cũng phải nói rõ ngay: Khi Thánh Lu-ca nói đến Luật Ít-ra-en, trước tiên ngài không nghĩ đến một loạt điều răn được viết trong Thánh Kinh hay truyền khẩu, những gì phải làm hay không được làm… Có thể thay thế chữ Luật Chúa bằng Đức Tin Ít-ra-en. Cuộc đời của Thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a và dĩ nhiên của hài nhi - được hoàn toàn dìm đắm trong đức tin, sự chờ đợi của toàn dân tộc, và khi Thánh Gia lên trình diện Đền Giê-ru-sa-lem để tuân theo tập quán Ít-ra-en, đó cũng là một hành động sốt sắng sùng đạo.

Rồi đến phiên ông Si-mê-ôn nhập cuộc, dưới sự thôi thúc của Thần Khí (điều này cũng được lặp lại ba lần). Và chính Thần Khí linh ứng cho ông Si-mê-ôn mạc khải huyền nhiệm của hài nhi này «chính mắt con được thấy ơn cứu độ» (c30)

Vì thế sứ điệp đầu tiên của Thánh Lu-ca là: Sự cứu độ nhân loại phát sinh từ phạm vi Luật Ít-ra-en, cũng trong phạm vi ấy Ngôi Lời nhập thể; tóm lại đó là kế hoạch yêu thương được hoàn tất.

 Ông Si-mê-ôn «mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en» (c25, còn bà An-na), (và tôi tưởng còn nhiều người như thế nữa) «mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem» (c38). Rõ ràng, cả hai ông bà tỏ ra toại nguyện. Thế nhưng, những từ ngữ «an ủi Ít-ra-en» và «cứu chuộc Ít-ra-en» trong Cựu Ước chỉ định Đấng Mê-si-a. Chính xác vai trò của Đấng Mê-si-a là cứu độ, mang lại sự giải thoát và an ủi vĩnh viễn. Thánh Lu-ca đang dùng cách úp mở nói cho chúng ta - có thể úp mở đối với chúng ta, nhưng rất rõ ràng cho những người quen thuộc Cựu Ước - hài nhi là Đấng Mê-si-a mọi người chờ mong. Lời ông Si-mê-ôn nói lên điều ấy: «Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.» (c29-32). Thánh Lu-ca ghi lại nữ Tiên tri An-na xác định điều này: «bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.» (c38).

Những lời ông Si-mê-ôn đều nhắc lại kế hoạch Thiên Chúa: «chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân» (c30,31). Tất cả Cựu Ước là lịch sử của sự chuẩn bị lâu dài, kiên nhẫn của Thiên Chúa để cứu độ nhân loại. Và đây là sự cứu độ cả nhân loại chứ không chỉ riêng dân tộc Ít-ra-en. Ông Si-mê-ôn xác định rõ ràng: «Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.» (c32). Vinh quang cho Ít-ra-en là được chọn không chỉ cho dân tộc họ mà còn cho toàn nhân loại. Theo đà tiến hoá của lịch sử, Cựu Ước tiệm tiến mạc khải dự án cứu độ của Thiên Chúa gồm toàn nhân loại.     

Suốt câu truyện này xảy ra trong Đền Giê-ru-sa-lem. Điều này chủ yếu dưới mắt Thánh Lu-ca là: Đây rồi, chúng ta đang chứng kiến Chúa Giê-su, Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ vinh hiển tiến vào Đền Giê-ru-sa-lem. Đấng Mê-si-a rõ ràng phát xuất từ dân Ngài chọn, Ngài đảm nhận hai quy chế chủ yếu, Lề Luật và Đền Thánh. Ngược lại, không đoạn nào Thánh Lu-ca nói về Thần Khí ngự trên Ngài, dù rằng đó là tính đặc trưng của Đấng Mê-si-a - nhưng Thánh nhân nói rất rõ ràng trong bài tường thuật Truyền Tin. Trong bài, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trên Hài Nhi được ngụ ý trong những ám chỉ về Người Tôi Trung.

Điều đáng ngạc nhiên khác, không một lần nào trong đoạn này Thánh Lu-ca giới thiệu Chúa Giê-su cho chúng ta như vua dòng dõi Đa-vít, chẳng hạn như trong bài Truyền Tin và Giáng Sinh. Những chi tiết nói rõ về Bê-lem, ngai vua cha Ngài, vương triều vô tận… là những điều ám chỉ tính vương giả của Đấng Mê-si-a. Trong bài này, Thánh Lu-ca chọn mạc khải cho chúng ta một phương diện khác của mầu nhiệm Đấng Mê-si-a: Đấng Mê-si-a - Tôi Trung; và rõ ràng khi viết những dòng chữ này, Thánh Sử được dìm đắm trong bầu khí những bài ca Người Tôi Trung trong sách Tiên tri I-sa-i-a.

Chúng ta nên đọc lại cùng với bốn bài ca Người Tôi Trung, song song với bài này của Thánh Lu-ca. Ví dụ như: «Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng» (Is 42,1) hay là «ĐỨC CHÚA đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ,» (Is 49,1) và thêm nữa, trong «Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ.» (Is 50,4). Như một tiếng vang, Thánh Lu-ca kết thúc bài tường thuật: «Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.» (c40)

Đây là một tiếng vang khác với sách Tiên tri I-sa-i-a: «Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn» (Is 49,2), và với Thánh Lu-ca thì «Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.» (c34b,35) Dĩ nhiên, chúng ta nhận ra đây những nét của định mệnh Người Tôi Trung đau khổ.   

Sau cùng, vẫn trong sách Tiên tri I-sa-i-a: «Ta là ĐỨC CHÚA, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân» (Is 42,) hay là: «…này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.» (Is 49,6). Và Thánh Lu-ca thì nói: «Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.» (c30,31,32) 

Phần thứ hai của lời tuyên bố ông Si-mê-ôn, làm nổi bật lên một đặc tính của Đấng Mê-si-a: «Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng» (c34). Đây là ám chỉ đến hòn đá góc tường của người tín hữu được nói lên trong sách Tiên tri I-sa-i-a, được trở thành nền móng. (Is 28,16)

An ủi Ít-ra-en, cứu độ Ít-ra-en, đá góc tường… Hài nhi này chính là Đấng Mê-si-a, mọi người chờ mong, nghĩa là Đấng mang lại sự Cứu Độ. Như sách I-sa-i-a cũng nói: «nhờ người, ý muốn của ĐỨC CHÚA sẽ thành tựu» (Is 53,10). Thế nhưng, từ ông Áp-ra-ham, ý muốn của Thiên Chúa là mọi gia đình trên cõi đất được cứu độ.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân              

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com