BÀI ĐỌC 2 (1Cr 10, 31-11, 1)
"Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô "
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
10 31 Thưa anh em, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa.
32 Anh em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai, dù là cho người Do-thái hay người ngoại, hoặc cho Hội Thánh của Thiên Chúa ;
33 cũng như tôi đây, trong mọi hoàn cảnh, tôi cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm ích lợi cho riêng tôi, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ.
11 1 Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô.
Có ít nữa hai bài học từ Bài đọc 2 này : Trước hết là một xác tín thần học giúp chúng ta xem lại đời sống thường nhật của chúng ta ; bài thứ hai về thái độ cư xử của chúng ta.
Xác tín về thần học : Chúa đã không màng nhận lấy thân phận làm người thì không có một phương diện nào trong cuộc sống chúng ta là đáng khinh chê. Chúa giống chúng ta toàn diện thì ngược lại chúng ta cũng có thể như thế. Vì hành động để tôn vinh Thiên Chúa, bằng bất cứ một cử chỉ gì dù thông thường đến đâu cũng làm chúng ta giống phần nào Thiên Chúa. Từ nay chúng ta không thể nói một hành động nào dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, là « tầm thường ». ! Không có gì là đáng khinh hay bất xứng ; mỗi việc làm của chúng ta đều có giá trị trước mặt Chúa. Từ ngày thánh Gio-an mặc khải cho chúng ta Ngôi Lời nhập thể, chúng ta ý thức rằng tất cả đời sống thể xác của chúng ta cũng có thể là một mặc khải về Thiên Chúa. Lẽ ra không nên nói là « Mầu-nhiệm Nhập Thể» mà nên nói là « Kỳ Công Nhập Thể ». Đây là một thông tin thật mới lạ : Tất cả những cử chỉ thông thường nhất cũng có thể là một hành động thánh đức, làm ta sống với Chúa. Tuy nhiên nếu chúng ta tin nơi thánh Phao-lô thì những hành động đó có thể là một cản trở cho người khác :
« Anh em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai, dù là cho người Do-thái hay người ngoại, hoặc cho Hội Thánh của Thiên Chúa » (c32)
Ở đây được đặt ra một vấn đề cho lương tâm của những người Ki-tô mới vô đạo về tục lệ người ngoại, cúng bái thịt thà cho các thần lương. Các thứ thịt này một phần được đem ra chợ bán : câu hỏi đặt ra cho người Ki-tô hữu có quyền ăn các thứ thịt cúng đó không ? Đoạn này xin xem lại bài về (1Cr 9,22). Câu hỏi này bao gồm vấn đề rộng lớn hơn về sự tự do : Chương 6 tới 11 thư thứ nhất gửi dân thành Cô-rin-tô triển khai về cách cư xử của Ki-tô hữu. Thánh Phao-lô lập lại hai lần ( 6 : 12 và 10 : 23)
« Tôi được phép làm mọi sự"; nhưng không phải mọi sự đều có ích » ; « Được phép làm mọi sự"; nhưng không phải mọi sự đều có ích »
Điều này có nghĩa là người tin vào Đức Giê-su Ki-tô không sống với một chế độ bó buộc và cấm đoán. Ngay đối với thánh Phao-lô dù được giáo dục phải tuân theo và yêu quý Luật Do Thái, cũng là một khám phá chủ yếu. Tất cả những luật lệ phức tạp, chính xác, tỉ mỉ về cắt bì, nghi lễ tắm gội, ngày sa-bát, tất cả đều được bãi bỏ. Chúa không đòi hỏi hay bó buộc những điều đó. Không ai có thể áp đặt chúng ta phải tuân theo những điều bó buộc đó nhân danh Thiên Chúa chỉ trừ luật tình yêu. Khi thánh Phao-lô còn sống luật Do-thái, ngài tưởng làm vui lòng Thiên Chúa khi trung thành tuân giữ 613 điều luật của các kinh sư ; nhưng khi thánh nhân trở nên Ki-tô hữu, ngài khám phá ra ta « không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng. »( Rm 6 : 14)
Dĩ nhiên sự tự do không phải một chứng chỉ cho phép làm bất cứ điều gì !.
« Được phép làm mọi sự"; nhưng không phải mọi sự đều có ích » . ( 1Cr 10 : 23)
Trước hết không phải thoát ra luật Do Thái để rơi vào một lề luật khác. Trong thư Ga-lát ngài nhấn mạnh rằng:
« Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa » ( Gl 5 : 1)
Điều thứ hai là còn một điều răn, điều duy nhất để dẫn dắt cả cuộc đời chúng ta đó là điều răn yêu thương. Thánh Au-gút-ti-nô đã tóm lược cả luận thuyết của thánh Phao-lô trong một phương châm « Hãy yêu thương rồi làm gì cũng được ». Có nghĩa là chúng ta tự do lấy sáng kiến, tự do sáng tạo một cách ứng xử thế nào trong mỗi tình huống trong đời, nhưng một điều quan tâm duy nhất phải là kim chỉ nam của mọi chọn lựa của chúng ta, đó là phải chú ý đến kẻ khác « Anh em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai, dù là cho người Do-thái hay người ngoại, hoặc cho Hội Thánh của Thiên Chúa » (c32)
Có thể hiểu là không xúc phạm đến kẻ khác. Câu trước của bài hôm nay thánh Phao-lô nói :
« Được phép làm mọi sự; nhưng không phải mọi sự đều có ích. Được phép làm mọi sự; nhưng không phải mọi sự đều có tính cách xây dựng. »( 1Cr 10 : 23)
Chúng ta cũng nhớ lại trong thư Cô-rin-tô này về tiêu chuẩn xử dụng các ơn sủng nhận được « tất cả những điều ấy đều phải nhằm xây dựng Hội Thánh. »( 1Cr 14 : 26).
Ở đây ngài có câu tương đương như thế nhưng với hình thức khác « Đừng ai tìm ích lợi cho riêng mình, nhưng hãy tìm ích lợi cho người khác » ( 1Cr 10 : 24)
Sau đó có một lời khuyên đáng ngạc nhiên 33 cũng như tôi đây, và hãy bắt chước tôi
Dĩ nhiên không phải thánh Phao-lô kiêu ngạo nhưng đó là lời khuyên của một người đã trải nghiệm qua bao nhiêu khó khăn. Thánh nhân là người Do-thái, có văn hoá Hy-lạp đã đi từ đạo Do-thái đến đạo Ki-tô, nên hiểu rõ « Rao giảng Tin Mừng » phải tôn trong sự khác biệt của mọi người.
« cũng như tôi đây, trong mọi hoàn cảnh, tôi cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm ích lợi cho riêng tôi, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ » (c33)
« Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô » (11, 1)
Chúng ta nhìn thấy Đức Ki-tô đón tiếp mọi người, ngay cả những người bị cách ly như những người phong hủi ( Trong Tin Mừng hôm nay)
Tôn trọng tiếp đón người , hoà mình với người nhưng không mất cá tính, đó là hai lời khuyên cho cách hành xử của chúng ta trong thường nhật. Tuy nhiên phải từ từ học hỏi để nhận định thế nào là tự do một cách thực tế : Có Chúa Thánh Thần để chúng ta được như thế.
***
PHÚC ÂM (Mc 1, 40-45)
"Chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch."
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
40 Khi ấy, có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giê-su, anh ta quỳ xuống van xin rằng : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”
41 Đức Giê-su chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo : “Tôi muốn, anh hãy được sạch !”
42 Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh, và anh được sạch.
43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay,
44 và bảo anh : “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế ; và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”
45 Nhưng vừa đi khỏi, anh đã bắt đầu rao truyền và loan tin ấy khắp nơi, đến nỗi Đức Giê-su không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.\
Đây là chuyến đi truyền giáo đầu tiên của Chúa Giê-su, cho đến nay Ngài rao giảng tại Ca-phác-na-um, các thánh sử giới thiệu là thành phố được Chúa chọn để bắt đầu đời sống công khai của Ngài. Nơi đây Chúa làm nhiều phép lạ đến nỗi Ngài phải lánh đi và nói :
« Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa » (Mc 1 : 38) Thánh Mác-cô còn viết thêm :
« Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ »( Mc 1, 39)
Qua đó chúng ta biết Ngài đang ở Ga-li-lê, rất xa Ca-phác-na-um khi người phong hủi đến gần Ngài.
Thật ra truyện chúng ta vừa đọc kể lại hai cốt chuyện chứ không phải chỉ một mà thôi. Chuyện đầu tiên hiển nhiên là kể phép lạ người phong hủi được chữa lành. Da anh được lành hẳn và như thế anh được quay về sống với cộng đồng xã hội. Nhưng đồng thời câu chuyện người hủi được chữa lành bắt đầu một câu chuyện khác dài hơn nhiều, quan trọng hơn nhiều, đó là cuộc chiến không ngừng của Chúa Giê-su để mặc khải dung nhan thật sự của Chúa. Vì lẽ khi Ngài lấy quyết định chạm vào người phong hủi là Ngài đã bắt đầu một hành động táo bạo, có thể nói là gây tai tiếng.
Chắc chắn là thế, vì thánh Mác-cô dùng chữ sạch và lành sạch tới bốn lần trong mấy dòng. Đó là để nói đến sự quan tâm thời đó. Trong sạch là điều kiện thiết yếu để đi vào tương quan với Chúa Chí Thánh. Các thành viên của Dân Chúa rất chú ý về điều này. Sách Lê-vi mà chúng ta được trích nghe trong bài Đọc Một hôm nay có nhiều chương nói về sự trong sạch. Thánh Mác-cô cũng nhắc lại vài chương sau bài Tin Mừng hôm nay:
« Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng » ( Mc 7 :3-4)
Việc tìm sự trong sạch như thế dĩ nhiên đem tới tình trạng loại trừ những người bị cho là ô uế. Chẳng may thời đó người ta tin rằng cơ thể là hình ảnh của linh hồn, của bệnh hoạn, là chứng cứ của tội lỗi. Vì thế mọi người để gìn giữ trong sạch phải tránh đụng chạm đến những bệnh nhân. Đó là điều chúng ta thấy trong Bài đọc Một :
« Bao lâu còn mắc bệnh, người ấy sẽ còn là ô uế. Người ấy phải ở riêng ra, chỗ ở của họ là một nơi bên ngoài trại »( Lv 13 : 46)
Điều này muốn nói là khi người hủi và Chúa Giê-su vô tình đến gần nhau là nhất định phải tránh nhau. Đó là muốn nói một điều kinh khủng thời bấy giờ là có thể bị loại trừ vì nhân danh Chúa.
Người hủi lẽ ra không được đến gần đấng Giê-su và Chúa Giê-su lẽ ra không được sờ vào người phong hủi. Người này lẫn người kia đều vi phạm luật truyền thống, và nhờ hai sự táo bạo đó, phép lạ mới được thực hiện ( Hay chính phép lạ thực hiện hai sự táo bạo ấy ?)
Người bị phong hủi có lẽ đã nghe phong thanh về thanh danh càng ngày càng lớn của đức Giê-su, vì thế thánh Mác-cô quả quyết rằng 28 « Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê ».( Mc 1 : 28) Anh ta nói với Chúa Giê-su như với đấng Mê-si-a. anh ta quỳ xuống van xin rằng : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Trước hết người ta chỉ quỳ gối trước mặt Thiên Chúa, kế đến , thời Chúa Giê-su mọi người chờ đợi một cách đầy nhiệt tâm đấng Mê-si-a xuất hiện, mọi người đều biết Ngài sẽ khởi đầu một kỷ nguyên hạnh phúc phổ quát. Trong « Trời mới và đất mới » như Isa-i-a đã hứa « không còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la »( Is 65 :19) 3 tặng cho những kẻ khóc than ở Xi-on tấm khăn đại lễ thay tro bụi,dầu thơm hoan lạc thay tang chế » (Is 61 : 3). Chính những thứ ấy người hủi cầu xin nơi Chúa : sự lành bệnh của thời Mê-si-a. Và Chúa Giê-su đã đáp lại sự chờ đợi đó : : “Tôi muốn, anh hãy được sạch !”
Chúa Giê-su xác định ngay tức khắc chính Ngài là đấng mọi người trông đợi. Một ít lâu sau Ngài nói với các môn đệ ông Gioan Tẩy Giả :
« Đức Giê-su trả lời: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe:5 Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng » ( Mt 11 :4-5)
Là kẻ nghèo hèn, người bệnh hủi nghèo thật, nghèo vì bệnh ngặt nghèo của anh ta, nghèo cũng vì thái độ khiêm nhu của anh : « Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch. » Chỉ cần lòng tin nhiệt tình như thế để làm cho Chúa hành động.
Phép lạ ấy của Chúa Giê-su đánh dấu giai đoạn đầu tiên của cuộc đấu tranh dài chống mọi sự loại trừ, vì Tin Mừng Ngài muốn loan báo mà người phong hủi truyền đi khắp nơi, là kể từ đây không ai sẽ bị tuyên án là ô uế và bị loại trừ nhân danh Thiên Chúa. Miêu tả một thế giới mới, trong đó người hủi được rửa sạch, thật là một « Tin Mừng »cho kẻ nghèo hèn : Chẳng các bệnh nhân và những người cùi hủi được chữa lành mà còn được rửa sạch, trong nghĩa là « Bạn của Chúa ».
Nếu muốn giống Thiên Chúa, muốn như Chúa « … nghe kẻ tù đày rên siết thở than
và phóng thích những người mang án tử » (Tv 102 :21) thì không nên loại trừ một ai mà phải trái lại, đến gần mọi người. Giống Chúa Chí Thánh, không phải tránh chung đụng với kẻ khác, nhưng phải phát triển khả năng yêu thương. Đó chính là thái độ của Chúa Giê-su đối với người phong hủi( Mc 1 :40). Và thánh Phao-lô ( Trong Bài đọc 2 ngày CN hôm nay) mời gọi chúng ta chỉ cần bắt chước Chúa Giê-su
« Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô » ( 1 Cr 11: 1)
Để đi đến tận cùng điều răn yêu thương ( Yêu người thân cận như chính mình ) Chúa Giê-su đã bỏ qua hình thức của Lề Luật : Ngài vừa có một hành động hoàn toàn tự do, nhưng mọi người sẽ không hiểu, vì thế Ngài bảo người hủi được chữa lành phải im lặng.
Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay,
44 và bảo anh : “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế ; và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”
Ngay từ đầu cuộc đời công khai của Chúa, cuộc đấu tranh đưa Ngài đến cái chết đã bắt đầu.
Cuộc Thương Khó đã bắt đầu bằng mấy hàng của bài này : Chúa Giê-su bị hạ xuống thấp hơn người phong hủi, thân thể bị ô uế bằng máu và nước miếng, bị loại trừ hơn ai hết, bị hành quyết ngoài thành thánh, là Con Mến Yêu của Đức Chúa Cha, chính là hình ảnh của Thiên Chúa : Đấng « Sạch »tuyệt vời nhất.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng