Lời Chúa CN

TÌM HIỂU TÂN ƯỚC CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY B - 21/02/2021

Bài đọc 2 (1Pr 3,18-22)

 

Nước đó là phép rửa nay cứu thoát anh em.


Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phê-rô tông đồ.

 

18 Chính Đức Ki-tô đã chịu chết một lần vì tội lỗi -Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương- hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh.

19 Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm,

20 tức là những người xưa đã không vâng phục Thiên Chúa, trong thời Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi, nghĩa là thời ông Nô-ê đóng tàu. Trong con tàu ấy, một số ít, cả thảy là tám người, được cứu thoát nhờ nước.

21 Nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em. Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô,

22 Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã lên trời, đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền.

Không biết thư Thánh Phê-rô này được viết trong bối cảnh nào. Có giả thuyết cho rằng lúc bị bách hại, vì có nhiều đoạn khích lệ được thánh nhân cỗ vũ. Ví dụ như :                              " Mà nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc! Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến.15 Đức Ki-tô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em "( Ngụ ý là trước phiên toà)  ( 1Pr 3,14-15). Ngoài ra bài đọc chúng ta bắt đầu bằng câu :Chính Đức Ki-tô đã chịu chết một lần vì tội lỗi . Câu này nên hiểu : lòng cậy trông của bạn nên dựa vào cái chết và sự phục sinh của Đấng Ki-tô, chính sự kiện phục sinh mới giúp bạn mạnh dạn.

Sau đó Thánh Phê-rô ứng dụng thêm một lần nữa hình ảnh Người Tôi Trung Đau Khổ trong sách I-sa-i-a :

" 5 Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm " ( Is 53,5b)

Thánh Phê rô không cần nói tiếp vì ở đoạn trên ngài đã triển khai rất dài đề tài này :

" 21 Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người.22 Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối.23 Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình.24 Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.25 Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em. " ( 1Pr 2,21-25).                                                                             Các đọc giả của thư Thánh Phê-rô và quen với Cựu Ước nhìn ra ngay gần như nguyên văn dung nhan của Người Tôi Trung trong sách I-sa-i-a. Đoạn kế tiếp là sự vinh thắng của Người Tôi Trung : " Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh " ( Is 53,1) Ở đây cũng thế , Thánh Phê-rô ứng dụng cho Chúa Giê-su Ki-tô Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh…22 Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã lên trời, đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền.

Tất cả cũng để cho chúng ta " hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa " (1Pr, 3,18b), Thánh Phê-rô nói. Cụm chữ dẫn đưa chúng ta ở đây phải hiểu trong nghĩa thật rộng có thể. Có nghĩa là chúng ta hết thảy, dù ai đi nữa, cũng có thể hưởng được công trình của đấng Ki-tô. Chính Đức Ki-tô đã chịu chết một lần vì tội lỗi -Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương- hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Ngay cả thời ông Nô-ê, những người không xứng đáng lên tàu tránh lụt Hồng Thuỷ, ngày nay có thể nghe sứ điệp cứu độ sau đây : " 19 Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm,20 tức là những người xưa đã không vâng phục Thiên Chúa, trong thời Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi, nghĩa là thời ông Nô-ê đóng tàu. "

Nói tóm lại phần đầu của đoạn này, có thể nói : Đấng Ki-tô đã chịu chết dứt khoát một lần cho chúng ta. Thế nhưng làm sao chúng ta lãnh nhận được ơn cứu độ đó : Thánh Phê-rô trả lời là bằng phép Rửa Tội. Ngài rút từ gương ông Nô-ê :  " thời ông Nô-ê đóng tàu. Trong con tàu ấy, một số ít, cả thảy là tám người, được cứu thoát nhờ nước. Nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em. " Thánh nhân nói những người được rửa tội bước ra khỏi tàu sau cơn lụt như ông Nô-ê, vì ông có lòng công chính, biết nghe và chấp nhận đề nghị Giao Ước với Thiên Chúa : "Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này " ( St 9,9) . Tới phiên chúng ta, khi ra khỏi nước của Phép Rửa, chúng ta đi vào Giao Ước : Chỉ cần biết sẵn sàng cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô,… Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô,

Đằng sau phần nỗi này có một đề tài mà Thánh Phê-rô ưa chuộng đó là hòn đá góc tường. Đối với người có đức tin, Chúa Giê-su Ki-tô là một tảng đá để có thể dựa vào ; đối với những người không tin, Chúa Giê-su Ki-tô là hòn đá góc tường, hòn đá làm vấp ngã.  Nước cũng có nhiệm vụ giống như thế : Là nguyên nhân làm cho kẻ từ chối không tin chết đi ; nguyên nhân ban sự sống cho những người nhận Phép Rửa. Nước đã chôn vùi những người đương thời với ông Nô-ê…nước đã làm đắm chìm quân Ai-cập thời Mô-sê ; cũng nước ấy đã nâng con tàu ông Nô-ê, và đã bảo vệ dân Do-thái khi được đi giữa nước biển chẻ ra làm hai bức tường che cho dân Ngài vượt biển. Vì thế cũng thứ nước đó có thể làm cho chúng ta trở nên anh em với Chúa Giê-su Ki-tô, qua phép Rửa. Chỉ cần tin với lương tâm trong trắng.

Kể từ nay chúng ta cũng như ông Nô-ê : được cứu vớt, được tách riêng ra để có thể là dấu chỉ, là một chứng ta cho ý Chúa  muốn nối kết Giao Ước với cả nhân loại. Nay đến phiên chúng ta là dấu chỉ và là chứng nhân cho bản Giao Ước hoàn vũ đó. Thánh Phê-rô nhấn mạnh đến tính cách hoàn vũ của đề nghị Giao Ước của Thiên Chúa bằng cách đưa ra con số Tám : "Trong con tàu ấy, một số ít, cả thảy là tám người, được cứu thoát nhờ nước . "Trong Cựu ước, con số Tám nói lên những tạo vật mới sau Bảy ngày tạo dựng ( St 1). Tám người ấy ( Vợ chồng ông Nô-ê, và vợ chồng ba đứa con ) là những người Chúa chọn để tiếp tục công trình tạo dựng của Ngài. Đó chỉ là một hình ảnh : Sự tái-tạo-dựng thật sự chỉ bắt đầu bằng sự phục sinh của Đấng Ki-tô. Nhân loại mới được sinh ra từ nước của phép Rửa.. Cũng vì lẽ đó có nhiều bồn dùng làm phép Rửa được xây theo hình bát nhật.

***


Phúc Âm (Mc 1,12-15)

 

Đức Giê-su chịu Xa-tan cám dỗ, và có các thiên sứ hầu hạ Người.

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.


12 Sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa, Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa.

 13 Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.


14
 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.

 15 Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

Mỗi ngày chúa nhật thứ nhất Mùa Chay được đọc bài Chúa bị cám dỗ của một trong ba Thánh Sử nhất lãm. Năm nay chúng ta đọc Tin Mừng Thánh Mác-cô, tức là văn bản tế nhị, kín đáo nhất
12 Sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa, Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa.

 13 Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.

Thánh Mác-cô không nói rõ những cám dỗ gì nhưng sau đó ngài cho phép chúng ta cũng đoán ra. Tức là mỗi lần chúng ta nói không. Vì ý tưởng của Chúa không phải ý tưởng của con người. Ngài là con người ở với con người, nên Chúa Giê-su  phải luôn chọn trung thành với ý Đức Chúa Cha. Đọc nhanh Tin Mừng theo thánh Mác-cô chúng ta cũng khám phá ra được vài thánh ý của Chúa.

Vì là rất độc đáo nên chúng ta nghĩ ngay đến giai đoạn xảy ra gần thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, khi Chúa gọi Thánh Phê-rô là Sa-tan.

"27 Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai? "28 Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó."29 Người lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Phê-rô trả lời: "Thầy là Đấng Ki-tô."30 Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. ( Mc 8,27-30).

Chính sự khắt khe đó thể hiện một cuộc đấu tranh bên trong. Liền sau đó thánh Mác-cô tiếp :

 " Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại " ( Mc 8,31)

( Dĩ nhiên điều này không xứng với danh hiệu vẻ vang mà Thánh Phê-rô vừa tuyên xưng cho Ngài). Và chúng ta biết chuyện gì xảy ra :

 " Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.33 Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: "Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người "          ( Mc 8,32-33)

Nơi đây, chính từ miệng Chúa Giê-su, nói lên lời thú nhận bị một cơn cám dỗ thật mạnh : đó là thoát khỏi hậu quả bi đát của việc tuyên xưng Tin Mừng. Một sự cám dỗ thật tinh vi vì nó rất thích hợp với một bài giảng thật hay. Chính lúc thánh Phê-rô vừa có một lời tuyên bố tuyệt vời- một cuộc khảo sát thần học cao siêu, là chính lúc đức Ki-tô có dịp bị cám dỗ.

Liền sau đó Chúa Giê-su rút ra một hậu quả cho các đối tác : "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy " ( Mc 834-35)

Cho đến phút chót, trong vườn Ghết-sê-ma-ni Chúa sẽ còn bị cám dỗ lùi bước trước sự đau khổ :

" 34 Người nói với các ông: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức."35 Người đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được.36 Người nói: "Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn."            ( Mc 14,34-36)

Rõ ràng ở đây ý chí của Ngài phải cố gắng lắm để trùng hợp với thánh ý đức Chúa Cha. Chúng ta vừa thấy, đức Giê-su bị cám dỗ tránh đau khổ. Ngài còn bị cám dỗ được thành công. Điều này là do chính những người lân cận của Ngài. Sự được hoan nghênh cũng có thể là một cạm bẫy. " Mọi người đang tìm Thầy đấy! " ( Mc 1,37), các môn đệ nói với Ngài như thế. Thánh Mác-cô thuật lại chuyện gì xảy ra ngày hôm đó.

Buổi sáng ngày Sa-bát, trước tiên là giải thoát một người bị quỷ ám, sau một ngày yên tĩnh tại nhà ông Si-mon và An-rê Ngài chữa cho mẹ vợ ông Phê-rô. Chiều lại mọi người lân cận đều tới, dẫn theo, người thị bệnh, người thì bị quỷ ám, và Chúa chữa lành vô số người. Đêm lại, trước hừng đông, Ngài ra xa để cầu nguyện. Vì thế sáng trời mọi người thất vọng : sợ rằng Chúa đã bỏ đi chăng ? . Mới có câu  Mọi người đang tìm Thầy đấy!

Và Chúa phải lẩn tránh :

  "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó " ( Mc 1,38) Thật vậy, Thầy phải làm việc này, không phải việc gì khác. : Bị cám dỗ tránh sứ vụ của mình.

Việc này đã  bắt đầu từ lâu,  thật sớm, khi Ngài phải đương đầu với những người gần mình chế giễu Ngài. Mọi ơn gọi phục vụ đòi hỏi những từ bõ. Chính gia đình của đức Giê-su cũng có lúc là những cản trở cho sứ vụ của Ngài. :

 " Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí. "     ( Mc 3,21).

Sau đó ít lâu, Ngài còn phải đương đầu với các thân nhân tại Na-da-rét, đến nỗi buộc Ngài buồn rầu thốt lên :

 "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi " (Mc 3,21)

Đau khổ vì không được thông cảm thể hiện một sự cám dỗ khác, đó là lòng muốn thuyết phục. :"11 Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người.12 Người thở dài não nuột và nói: "Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả 13 Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia." ( Mc 8,11-13)

Chắc chắn rằng khi Chúa Giê-su thình lình quyết định tránh những đám đông - dù rằng là những người bạn hay kẻ nghịch - đó là lúc Ngài phải chọn lựa, chọn trung thành với sứ vụ của mình.

Là Đấng Mê-si-a đã đành, mọi người đều nghĩ như thế từ đầu. Nhưng vấn đề là tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của chúng ta. Ví dụ người ta chờ đợi một đấng Mê-si-a quyền thế chính trị, đánh đuổi quân xâm lược Rô-ma, và tái lập tự do chính trị cho It-ra-en. Chúa Giê-su, trái lại không ngưng rao giảng điều cao cả nhất là tình yêu và mỗi lần Ngài bắt buộc phải giấu kín không được nói ra cho những người đã đoán nhận mầu nhiệm của Ngài       ( về Hiển Linh hay những sự kiện khác). Chúa không muốn người thân cân dấn sâu vào con đường sai lầm. Thật ra chỉ có những cám dỗ ấy : dân chúng trong sa mạc trong bốn mươi năm và Ê-li-a tại Hô-rép trong bốn mươi ngày, đã phải tập khám phá Thiên Chúa như Thiên Chúa chứ không phải như người ta hình dung ra.  Nhất là học biết trông cậy vào Người.

Thế nhưng lòng cậy trông đó là con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc cho con người. Khi Thánh sử Mác-cô nói :  Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.Là Ngài muốn cho chúng ta một ấn tượng đầu tiên của một thế giới hoàn vũ được gọi một ngày trở nên hài hoà đồng điệu. Thánh Phao-lô nói về chương trình này của Chúa để :

 Trong Đức Ki-tô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần " ( Êp 1,3)

Trong khi đó I-sa-i-a miêu tả bằng hình ảnh :

" Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng

.7Bò cái kết thân cùng gấu cái,con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò.

8 Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.

9 Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết ĐỨC CHÚA sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển 
" ( Is 11,6-9)

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân               
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com