Lời Chúa CN

Lectio Divina - Chúa nhật XI Thường Niên năm B - Mc 16,

 

“CHUYỆN NƯỚC THIÊN CHÚA"

Tin Mừng theo thánh Maccô 4,26

 

Hát 1 thánh ca ngợi khen.

Chúng ta hãy cầu nguyện để bắt đầu.

 

Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen

Lạy Chúa, Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, xin hãy nhìn đến cánh đồng đầy lúa chín,

và đoái thương sai thợ gặt đến rao giảng phúc âm cho muôn loài, để dân Chúa được Lời hằng sống qui tụ và được thần lực các bí tích thúc đẩy, biết tiến bước trên đường cứu độ và bác ái. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

(Lời nguyện Khánh nhật Truyền giáo)

 

1 - LẮNG NGHE LỜI CHÚA

Tin Mừng theo thánh Maccô, chương 4,26-34.

  • Một người công bố Lời Chúa. Mọi người đứng lắng nghe.
  • Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.

 

2 - SUY NIỆM

Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và suy nghĩ về 1 hay  3 câu hỏi gợi ý sau đây:

  • Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Chúa Giêsu ?

Tôi hiểu biết Chúa tôi rõ hơn ở chỗ nào ?

  • Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi ở chỗ nào?

Lòng tôi được thúc đẩy yêu mến Chúa Giêsu hơn ở điểm nào?

  • Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm gì để đi theo Chúa ?

(Nếu đã quen làm Lectio Divina trong Nhóm hay ở gia đình, sau khi suy niệm, có thể mời vài người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình ).

 

3 - CHIÊM NGHIỆM

Đọc lại Lời Chúa một lần nữa, sau đó suy nghĩ: Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào?

 

  1. "Chuyện Nước Thiên Chúa" (câu 26)

Nước Thiên Chúa/Nước Trời là sứ điệp Tin Mừng cốt lõi Chúa Giêsu mang đến chúng ta. Lời rao giảng đầu tiên của Ngài là "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,15). Ngài dành nhiều dụ ngôn để nói về Nước Thiên Chúa. (x. Matthêu ch.13; Luca 8,4;13,6).

Hàng ngày đọc Kinh Lạy Cha, "nguyện cho Nước Cha trị đến ", tôi có quan tâm đến Nước Chúa không? Hay chỉ lo chuyện dưới đất? Tôi có nghĩ đến mục đích của đời sống mình dưới đất hay chỉ tìm cách sống cho thoải mái hơn? Chúa Giêsu đem lại gì cho tôi?

...................................................................................................

....................................................................................................

 

  1. "Nước Thiên Chúa giống như hạt lúa vãi xuống đất tự nó mọc lên..." (câu 26-29). "Nước Thiên Chúa giống như hạt cải" (câu 31-32). Hãy đọc lại kỹ hai dụ ngôn trên đây.
  • Hình ảnh đầu tiên: Nước Thiên Chúa như một hạt giống có sức mạnh từ bên trong, tự mình lớn lên, trổ bông cho tới mùa gặt. Quyền năng của Thiên Chúa - âm thầm trong Giáo Hội, dù phải trải qua nhiều thử thách - bảo đảm vững chắc cho thành quả cuối cùng, khi Chúa sẽ lại đến.
  • Hình ảnh thứ hai nói lên sự lớn mạnh của Nước Thiên Chúa, từ hạt cải nhỏ bé trở thành một cây lớn. Quyền năng của Thiên Chúa tỏ bày trong Giáo hội, bắt đầu với 12 môn đệ tại một miền đất nhỏ bé nay đã lan rộng khắp thế giới. Tôi có sẵn sàng góp tay xây dựng giáo xứ, cộng đoàn với sức nhỏ bé của mình, ở nơi mình sống, và tin vào kết quả do Thánh Thần Chúa thực hiện không?

................................................................................................

........................................................................................................

 

  1. "Khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết" (c.34)

Lời rao giảng của Chúa cho mọi người cần được đào sâu cho các người môn đệ, trong yên tĩnh, tập trung. Chúa Giêsu đã hứa ban Chúa Thánh Thần Chân Lý cho chúng ta để nhắc nhớ lại, soi sáng đầy đủ hơn các lời của Ngài (xem Gioan 14,26). Vì thế, chúng ta cần dành thêm thời gian yên tĩnh, xin Chúa Thánh Thần dạy dỗ mình hiểu thêm Lời Chúa mà thi hành. Tôi có dành giờ lắng nghe Chúa Thánh Thần dạy trong lòng mình không? Tại sao?

..................................................................................................

.........................................................................................................

 

4 - CẦU NGUYỆN

Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa.

Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình hay chuyển cầu cho người khác, tùy theo sự thúc đẩy của Lời Chúa.

* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.

 

Lời nguyện kết Thánh vịnh 91

Thú vị thay được tạ ơn Chúa,

được mừng hát danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao,

được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm,

và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya.

Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt,

lớn mạnh như hương bá Li-băng

được trồng nơi nhà Chúa,

mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta.

Già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả,

tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn,

để loan truyền rằng: Chúa thật là ngay thẳng,

là núi đá cho tôi ẩn náu,

nơi Người chẳng có chút bất công.

Sáng danh

 

5 - HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN

  • Tôi chọn 1 câu Tin Mừng để đọc đi đọc lại và suy ngẫm.

........................................................................................................

  • Tự hỏi : Cuộc sống tôi hôm nay có mục đích nào? Có phải để góp phần xây dựng Nước Tình yêu của Thiên Chúa và để sống với Chúa Giêsu, với Mẹ Maria trên trời không? Hay vì mục đích nào khác?

……………………………………………………………………

……………………………………………………………………..

 

CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA

Thánh Phanxicô chỉ đơn giản truyền bá tình yêu của Thiên Chúa. Ngài hiểu rằng “Thiên Chúa là tình yêu và những ai ở trong tình yêu thì cũng ở trong Thiên Chúa” (1Ga 4,16). Bằng cách này, ngài đã trở thành một người cha của mọi người và truyền cảm hứng cho viễn kiến về một xã hội huynh đệ. Thật vậy, “chỉ người nào tiếp cận người khác, không vì mục đích lôi kéo họ vào cuộc sống của mình, nhưng để giúp họ trở nên hoàn toàn là chính họ hơn, mới thực sự được gọi là người cha”

… Đại dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát, phơi trần các an toàn giả mạo của chúng ta. Bỏ qua các cách khác nhau được các quốc gia khác nhau dùng để đáp ứng cuộc khủng hoảng, việc họ không có khả năng làm việc với nhau đã trở nên khá hiển nhiên. Bất chấp sự kiện các quốc gia vốn nối kết chặt chẽ với nhau, chúng ta chứng kiến một sự phân mảnh khiến việc giải quyết các vấn đề đang ảnh hưởng đến tất cả chúng ta trở nên khó khăn hơn. Bất cứ ai nghĩ rằng bài học duy nhất cần phải học là việc cần phải cải thiện những gì chúng ta đã làm, hoặc tinh chỉnh các hệ thống và quy định hiện có, thì điều này đang phủ nhận thực tại.

Tôi mong muốn rằng, nhờ thừa nhận phẩm giá của mỗi con người nhân bản, chúng ta có thể góp phần vào việc tái sinh khát vọng phổ quát về tình huynh đệ. “Ở đây … Chúng ta cần một cộng đồng hỗ trợ và giúp đỡ chúng ta, trong đó, chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau để tiếp tục nhìn về phía trước… Tự chúng ta, chúng ta có nguy cơ chỉ nhìn thấy các ảo ảnh…”. Vậy, chúng ta hãy mơ ước như một gia đình nhân loại đơn nhất, như những người bạn cùng du hành, cùng có chung một xương thịt, như những người con của cùng một trái đất, vốn là ngôi nhà chung của chúng ta, mỗi người chúng ta mang theo sự phong phú trong các niềm tin và xác tín của mình, mỗi chúng ta với tiếng nói riêng của mình, tất cả đều là anh chị em.

(trích Thông điệp "Tất cả là anh em", số 4-8)

 

website : giadinhctc.com


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com