THÁNH VỊNH ( Tv91, 2-3.13-16)
Lạy Chúa, thiện hảo thay việc khen ngợi Chúa.
2 Thú vị thay được tạ ơn CHÚA,
được mừng hát danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao,
3 được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm,
và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya,
13 Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt,
lớn mạnh như hương bá Li-băng
14 được trồng nơi nhà CHÚA,
mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta;
15 già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả,
tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn,
16 để loan truyền rằng: CHÚA thực là ngay thẳng,
là núi đá cho tôi ẩn náu,
nơi Người chẳng có chút bất công.
« …nơi Người chẳng có chút bất công » Dân It-ra-en biết rằng trong quá khứ, thỉnh thoảng họ cũng đã cho Chúa là bất công. Trong sa mạc Si-na-i chẳng hạn, một ngày nọ thiếu nước, thú vật và người sắp chết khát, họ kết tội ông Mô-sê và Chúa : Các vị đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập, hứa cho chúng tôi tự do nhưng chính thật là đem chúng tôi chết ở đây. Đó là giai đoạn được nói tới nhiều, suối nước Ma-xa và Mơ-ri-va ( Xh 17,1-7). Mặc cho những lời thì thầm trách móc, phẫn nộ, Thiên Chúa thì cao cả hơn sự nổi cơn giận của dân Ngài. Chúa cho nước phun ra từ tảng đá. Kể từ đó Thiên Chúa được gọi là « núi đá » , là một cách nói để nhắc lại lòng trung tín của Thiên Chúa, cao cả hơn lòng ngờ vực của dân Ngài.
Từ núi đá đó dân It-ra-en múc ra nước để tồn tại…nhưng nhất là qua bao nhiêu thế kỷ, là nguồn của đức tin và lòng cậy trông…Cuối bài nói rằng « CHÚA thực là ngay thẳng, là núi đá cho tôi ẩn náu », ý nghĩa không khác gì ở đầu bài « tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm, và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya ». Nhắc lại về núi đá là nhắc lại trải nghiệm trong sa mạc, và lòng tín trung của Thiên Chúa cao cả hơn sự phản nghịch… Các cụm chữ « tình thương của Ngài từ buổi sớm, và lòng thành tín » cũng để nhắc lại trải nghiệm trong sa mạc. Đó cũng là cách chính Thiên chúa mặc khải về mình cho dân Ngài : « 6 ĐỨC CHÚA đi qua trước mặt ông và xướng:"ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín » ( Xh 34,6).
Giai đoạn Ma-xa và Mê-ri-vơ đó (thử thách trong sa mạc, ngờ vực của dân chúng, tác động của Chúa) được diễn đi diễn lại, khi đói khát hoặc khi gặp nước đắng (chúng ta còn nhớ về bánh Ma-na, các chim cúc, nước đắng tại Mara) ( Xh 15, 22-25). Các chuyện ấy xảy ra quá thường làm cho chúng ta có thể nghĩ không thể tránh được, nếu không cẩn thận…con người thường hay gán cho Thiên Chúa trách nhiệm mưu mẹo, lừa gạt chúng ta mỗi khi có điều chi không ổn, theo đòi hỏi của chúng ta. Vì thế để ghi nhớ bài học chủ yếu đó câu chuyện về Địa Đàng được viết ra : con rắn đặc biệt xảo quyệt, gieo vào đầu người đàn bà và đàn ông rằng Chúa lừa đảo họ. Nó nói xa gần rằng : Chúa cấm ông bà ăn các trái cấm đó, viện lý là trái độc, để tránh nguy hại cho ông bà, nhưng sự thật là trái ngược lại. Thế là con người và bà vợ bị rơi vào bẫy của nó. Và cứ như thế từ đời này sang đời khác.
Làm sao vĩnh viễn chống lại sự nguy hại đó ? Bài Thánh Vịnh này bày cho chúng ta một phương thế để bảo vệ : chỉ cần trồng trong Đền như môt cây thông Bá Hương (Ghi chú người dịch : Bản gốc là Thông Bá Hương bài dịch là cây dừa) và hát cho Thiên Chúa : « 2 Thú vị thay được tạ ơn CHÚA, được mừng hát danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao ».Có lẽ nên hiểu rằng « Lạy Đấng Tối Cao, thú vị thay cho chúng con được tạ ơn CHÚA, được mừng hát danh Ngài ». Dân It-ra-en không đợi đến thời chúng ta mới hiểu rằng ngợi khen Thiên Chúa, trước tiên là làm cho chúng ta hạnh phúc ! Thánh Au-gút-ti-nô nói : « Tất cả những gì con người làm cho Chúa là có ích lợi cho con người chứ không cho Chúa ». Hát cho Chúa, kiên quyết mở mắt nhìn tình yêu và lòng trung tín của Chúa « từ buổi sớm tới suốt canh khuya », đó là cách tự bảo vệ mình tránh những lời lừa đảo của con rắn.
Để nói lên điều này tác giả dùng cách nói « thú vị thay », ở đây chữ « thú vị »( tiếng Do Thái là « tov ») , có nghĩa như trong ăn ngon. Thế nhưng phải nếm thử mới biết. Vài câu sau trong cùng bài Thánh vịnh, một đoạn sau đoạn chúng ta đọc trong Chúa nhật hôm nay : « 7 Người khờ dại nào đâu có biết, kẻ ngu si chẳng hiểu điều này… » Người có đức tin thì hiểu, rất thú vị hát lên tình thương và lòng thành tín của Chúa, đó là sự thật và chính lòng tin vào tình yêu của Chúa, không có gì thắng được, tin vào kế hoạch nhân từ của Ngài mới làm chiếu sáng đời ta trong mọi tình huống…Trong lúc ấy, không tin, ngờ vực làm méo mó cách nhìn của chúng ta. Nghi ngờ Chúa mưu mẹo, đó là một cạm bẫy không bao giờ nên rơi vào, đó là một cái bẫy đưa đến cõi chết.
Kẻ nào đề phòng như thế, bài thánh vịnh nói kẻ ấy như một cây cổ thụ « tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn ». Ở vùng Đất Thánh đây là một hình ảnh gợi cảm : sở dĩ những cây bá hương ở Li-băng, những cây chà là trong các ốc đảo gợi lên những giấc mơ vì trong những vùng này vấn đề nước là trọng yếu ; nước là sự sống, có những nơi rất hiếm có. Mùa xuân đến mọi người chờ mưa xuống để cây cỏ khô héo được xanh tươi chung quanh Giê-ru-sa-lem. Đối với người có đức tin, nước đem lại sinh khí đó là sự hiện diện của Thiên Chúa. Vì thế sau này khi Chúa Giê-su nói về nước hằng sống, Ngài chỉ dùng những hình ảnh mọi người đều biết.
« Thú vị » cho chúng ta khi ý thức và ngợi khen Chúa là Tình Yêu…nhưng cũng « thú vị » cho kẻ khác khi chúng ta nói cho họ biết như thế…. Đó là ý nghĩa của chữ « tuyên xưng » và « loan truyền » được lập lại ở đầu và cuối bài. Đây là một thể văn « bao gồm » : Phần đầu là « 2 Thú vị thay được tạ ơn CHÚA, được mừng hát danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao, 3 được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm, và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya »
Phần sau là : « 13 Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Li-băng…15 già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn,…16 để loan truyền rằng: CHÚA thực là ngay thẳng ». Ở đây chữ loan truyền có nghĩa là loan truyền cho những người không có đức tin. Dân It-ra-en không bao giờ quên sứ vụ làm chứng nhân Tình Yêu của Thiên Chúa cho mọi người.
Xin cũng lưu ý, bài thánh vịnh này còn có một đề tựa, đây là bài thánh vịnh để hát ngày Sa- bát, đây là ngày tốt nhất để ca ngợi tình yêu và sự tín trung của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, đây là ngày tốt nhất để làm như thế. Ngày Chúa nhật Ki-tô chúng ta không làm gì khác hơn : Ca ngợi tình yêu và lòng tín trung của Chúa được thể hiện một cách toàn diện và vĩnh viễn nơi Chúa Giê-su Ki-tô.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng