“ANH EM HÃY CẦM LẤY
ĐÂY LÀ MÌNH THẦY…ĐÂY LÀ MÁU THẦY"
Tin Mừng theo T.Máccô 14, 22.24
Hát 1 thánh ca ngợi khen..
Chúng ta hãy cầu nguyện để bắt đầu.
Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình và Máu Thánh Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này, để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
(Lời nguyện CN Mình Máu Thánh Chúa Kitô)
1 - LẮNG NGHE LỜI CHÚA
Một người công bố Tin Mừng theo T.Maccô,14, 22-26
Mọi người đứng lắng nghe. Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.
2 - SUY NIỆM
Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và suy nghĩ về 1 hay 3 câu hỏi gợi ý sau đây:
- Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Chúa Giêsu ?
Tôi hiểu biết Chúa tôi rõ hơn ở chỗ nào ?
- Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi ở chỗ nào?
Lòng tôi được thúc đẩy yêu mến Chúa Giêsu hơn ở điểm nào?
- Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm gì để đi theo Chúa ?
(Nếu đã quen làm Lectio Divina trong Nhóm hay ở gia đình, sau khi suy niệm, có thể mời vài người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình ).
3 - CHIÊM NGHIỆM
Đọc lại Lời Chúa một lần nữa, sau đó suy nghĩ : Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào?
1. “Đức Giêsu trao cho các ông và nói: Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy… đây là máu Thầy." (câu 22. 24).
Trong bữa tiệc Vượt Qua tưởng nhớ hồng ân giải cứu khỏi nô lệ Ai cập nhờ máu chiên, Chúa Giêsu trao cho môn đệ Mình Máu Ngài, là chính sự sống Chúa, làm của ăn để sống và nên một với chúng ta.
Mỗi lần đón nhận Thánh Thể, tôi ý thức thế nào về hồng ân Chúa Giêsu và tình yêu Chúa dành cho tôi? Có phải để được sống với Chúa và có Chúa ở trong mình không ? Hay vì điều gì khác?
....................................................................................................
....................................................................................................
2. “Đây là máu Giao ước” (câu 24)
Chúa Giêsu đổ máu ra trên thập giá như là lễ hy tế giao hòa/tha tội và Thiên Chúa đích thân kết ước với nhân loại, thiết lập một tương giao hiệp thông vĩnh cửu. Dấu tích kỳ diệu tình yêu vô biên Thiên Chúa có đối với chúng ta. Tôi đón nhận và đáp lại giao ước này từ ngày được thánh tẩy, thêm sức,và khi kết hôn như thế nào? Tôi có quan tâm vun đắp mối tương giao thiêng thánh với Thiên Chúa của mình không? Hay chỉ lo chu toàn bổn phận, giữ luật ?
...........................................................................................................
...........................................................................................................
3. “ Đây là máu đổ ra vì muôn người "(câu 24)
Bí tích Thánh Thể tưởng nhớ Chúa Giêsu hiến tế trên thập giá "vì muôn người". Chúa xuống thế để cứu độ mọi dân tộc trên trái đất. Ngài nói: "Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi" (Gioan 12,32). Vì thế, mỗi lần đến với Chúa Thánh Thể, tôi cần nhớ điều trên, để tiếp tục công trình Chúa giao cho Giáo Hội tiếp tục. "Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." (Gioan 20, 21). Được nên một với Chúa mình, tôi xin Ngài thêm sức cho tôi sống và hành động theo ý Chúa.
............................................................................................................
............................................................................................................
4 - CẦU NGUYỆN
Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa.
Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình hay chuyển cầu cho người khác, tùy theo sự thúc đẩy của Lời Chúa.
* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.
Lời nguyện kết (Thánh vịnh Đáp ca 115)
Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ
vì mọi ơn lành Người đã ban cho?
Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ
và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.
Đối với Chúa thật là đắt giá
cái chết của những ai trung hiếu với Người
Vâng lạy Chúa, thân này là tôi tớ,
tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài,
xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi.
Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn, và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.
Lời khấn nguyền với Chúa, tôi xin giữ trọn,
trước toàn thể dân Người. Sáng danh
5 - HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN
- Tôi chọn 1 câu Tin Mừng để đọc đi đọc lại và suy ngẫm.
...........................................................................................................
- Lễ Mình Thánh Máu Thánh Chúa Kitô nhắc tôi nhớ lại và suy ngẫm ân huệ cao quý này: "Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể như là việc nhớ đến cái chết và sự Phục Sinh của Người, (1) để lưu lại cho những kẻ thuộc về mình bảo chứng tình yêu của Người, (2) để không bao giờ lìa xa họ, và (3) để họ được tham dự vào cuộc Vượt Qua của Người”. (Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 1337) Tôi sẽ cố gắng thực hiện điều thứ 3 này như thế nào trong hoàn cảnh "đại dịch" hiện nay?
...................................................................................................
..................................................................................................
CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn trong các thế kỷ đầu tiên. Chúng ta hãy tỏ sự gần gũi với những anh chị em này: chúng ta là một thân thể, và những Kitô hữu này là những chi thể đang bị thương tích đổ máu trong thân thể của Chúa Kitô là Giáo hội.
… Thật ra, không phải sự khinh miệt của con người lúc nào cũng đồng nghĩa với sự bách hại: không lâu sau khi nói về các Mối phúc, Chúa Giêsu nói rằng các Kitô hữu là “muối của trái đất”, và ngài cảnh giác chống lại nguy cơ "đánh mất hương vị", khi đó muối "đã thành vô dụng và chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp" (Mt 5,13). Do đó, cũng có sự khinh miệt do lỗi của chúng ta, khi chúng ta đánh mất hương vị của Chúa Kitô và Tin Mừng.
… Cần phải trung thành với con đường khiêm hạ của các Mối phúc, bởi vì đó là con đường để thuộc về Chúa Kitô chứ không phải thuộc về thế gian.
… Nếu Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng, làm cho chúng ta giống với Chúa Kitô bị đóng đinh và, liên kết chúng ta với cuộc thương khó của Người, thì việc bị loại trừ và bách hại là biểu hiện của cuộc sống mới. Cuộc sống này giống như của Chúa Kitô, Đấng vì loài người chúng ta và vì ơn cứu độ của chúng ta đã "bị con người khinh miệt và khước từ" (x. Is 53,3; Cv 8,30-35). Được đón nhận Chúa Thánh Thần của Người có thể giúp trái tim chúng ta tràn đầy tình yêu để hiến dâng sự sống cho thế giới mà không cần thỏa hiệp với những lừa dối của nó và chấp nhận sự chối từ của nó.
Thỏa hiệp với thế gian là điều nguy hiểm: Kitô hữu luôn bị cám dỗ thỏa hiệp với thế gian, với tinh thần của thế gian. Từ chối sự thỏa hiệp và đi theo con đường của Chúa Giêsu Kitô là cuộc sống của Nước Trời, niềm vui lớn nhất, niềm vui đích thực.
Và rồi, trong những cuộc bách hại, luôn có sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng đồng hành với chúng ta; sự hiện diện của Chúa Giêsu an ủi chúng ta và sức mạnh của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta tiến bước. Chúng ta đừng nản lòng khi một cuộc sống theo Tin Mừng đưa đến những cuộc bách hại: có Chúa Thánh Thần nâng đỡ chúng ta trên con đường này.
(trích bài Huấn Dụ Thứ Tư 29.4.2020)
website: giadinhctc.com
Ý kiến bạn đọc