Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CÁC BÀI ĐỌC KINH THÁNH LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI - 15/8/2021

BÀI ĐỌC 1 (Kh 11,19a ;12,1-6a,10ab)

 

"Một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng".

 

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

 

11,19 Đền Thờ Thiên Chúa ở trên trời mở ra, và Hòm Bia Giao Ước xuất hiện trong Đền Thờ.

12,1 Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.

2 Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con.

3 Lại có điềm khác xuất hiện trên trời: đó là một Con Mãng Xà, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện.

4 Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi Con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà.

5 Bà đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người.

6a Còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc; tại đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở,

10ab Và tôi nghe có tiếng hô to trên trời: "Thiên Chúa chúng ta thời giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức Ki-tô của Người.

Như chúng ta biết sách Khải Huyền hướng tới những Ki-tô hữu bị bách hại để nâng đỡ họ trong khi bị thử thách : nội dung từ đầu đến cuối là một sứ điệp vinh thắng. Nhưng tất cả là một điệp văn mã hoá, chúng ta phải giải mã. Trong thị kiến người phụ nữ và con mãng xà, cuộc chiến đang diễn ra, các thế lực của sự dữ được thể hiện bằng « con mãng xà lửa đỏ » được buông thả, hung dữ đến tận trời cao.

Nhưng ngay những chữ đầu, tác giả xác định ngay là nó sẽ không đánh bại được sự cứu độ của Thiên Chúa. Lý do là Hòm Bia Giao ước hiện ra trên trời. «11,19 Đền Thờ Thiên Chúa ở trên trời mở ra, và Hòm Bia Giao Ước xuất hiện trong Đền Thờ » Đối với dân Do Thái hòm bia Giao Uớc là một dấu chỉ thấy được của Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Thế nhưng nó đã biến mất không ai biết vì sao, từ lúc lưu đày sang Ba-by-lon. Người ta nghĩ rằng tiên tri Giê-rê-mi-a đã giữ kỹ nó bằng cách đem đi giấu đâu đó trên núi Nê-bo (2Mcb 2,8). Mọi người thường tin rằng nó sẽ xuất hiện khi đấng Mê-si-a đến, thế nhưng hôm nay nó xuất hiện trên bầu trời, điều này ám chỉ cho chúng ta ngày cùng tận đã đến.

Thế rồi - vẫn luôn luôn trên trời hiện ra -  « một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. 2 Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con ». Chúng ta tự hỏi người phụ nữ ấy là ai. Một lần nữa Cựu Ước cho chúng ta giải đáp, vì thông thường quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Ngài chọn được miêu tả bằng một biểu tượng là một hôn lễ. Ví dụ như trong Hô-sê : « 21 Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; 22 Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết ĐỨC CHÚA » ( Hs 2, 21-22). I-sa-i-a triển khai đề tài hôn ước này đến nỗi giới thiệu đấng Mê-si-a đến như một cuộc sinh nở, vì It-ra-en phải sinh ra đấng Mê-si-a. «7 Trước thời chuyển dạ, nó đã sinh con, trước cơn đau, nó đã cho con trai chào đời. 8 Ai đã nghe một chuyện như thế? Ai đã thấy một điều như vậy? Có nước nào sinh ra nội một ngày? Có dân nào chào đời trong một lúc? Thế mà Xi-on vừa mới chuyển dạ đã sinh được đàn con » ( Is 66,7-8). Trong những câu này, người phụ nữ trong sách Khải Huyền chỉ dân Chúa chọn, sinh ra đấng Mê-si-a. Sự sinh nở, ôi biết bao là đau khổ, của các môn đệ Chúa Ki-tô bị bách hại, nhưng chính tác giả vừa nói : một nhân loại mới vừa được sinh ra.

Trong lúc này cuộc chiến vẫn tiếp diễn và vô cùng hung bạo đến nỗi cái đuôi con mãng xà : « quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất », có nghĩa là có phần nào chiến thắng. Nhưng nó không thể đi xa hơn. Nó toan làm hỏng kế hoạch của Thiên Chúa, vì thế, nó « đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà ». Cuộc sinh nở được xảy ra, đứa bé trai ấy chính là đấng Mê-si-a đã hứa, vì tác giả viết ra nguyên văn câu Thánh Vịnh 2 nói về đấng Mê-si-a :

 «7 Tân vương lên tiếng: Tôi xin đọc sắc phong của CHÚA, Người phán bảo tôi rằng: "Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con.

8 Con cứ xin, rồi Cha ban tặng muôn dân nước làm sản nghiệp riêng, toàn cõi đất làm phần lãnh địa.

9 Con sẽ dùng trượng sắt đập chúng tan tành, nghiền nát chúng như đồ sành đồ gốm. » ( Tv2,7-9)

Danh từ mục tử cũng là một danh từ cổ điển để chỉ đấng mê-si-a.

Hình ảnh kế tiếp là cảnh đứa bé bị bắt đi khỏi « Thiên Chúa và triều thiên của Ngài »  điều này tượng trưng sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô. Đối với những Ki-tô hữu thời ban đầu, đấng Mê-si-a được gọi là kẻ sơ sinh, là điều rõ ràng dễ hiểu đối với họ. Thế nhưng dân Ngài còn ở lại thế gian ; như Chúa Giê-su nói qua Tin Mừng theo thánh Gio-an «11Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha » (Ga 17,11). Sa mạc là một thế giới khó ở nhưng trong đó họ được Thiên Chúa che chở. Hỡi những kẻ có đức tin hãy vững tin vào sự che chở của Chúa. Con mãng xà đã thất bại trên trời thì không thể thành công dưới thế.

 Sách Khải Huyền vừa loan báo sự chiến thắng vinh hiển cho những tín hữu sơ khai vừa mới sinh ra nhân loại mới trong đau khổ của các cuộc bách hại « Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức Ki-tô của Người »

Phần bổ sung :

Về sau người Ki-tô có lúc áp dụng sự thị kiến này cho Đấng Trinh Nữ Maria, nhưng đó chắc chắn không phải ý định của tác giả. Phụng vụ đề nghị chúng ta đọc bài này ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời, vì Đức Mẹ được xem như người đầu tiên được hưởng chiến thắng của Đấng Ki-tô.

Dĩ nhiên chúng ta có thể so sánh cuộc chiến giữa con mãng xà với người phụ nữ trong sách sáng thế : «15 Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó » ( St 3,15)  

***

 

THÁNH VỊNH (Tv 44 (45) 11-16)

 

"Hoàng Hậu đứng bên hữu Đức Vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng

 

11 Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào,
đưa mắt nhìn và hãy lắng tai,
quên dân tộc, quên đi nhà thân phụ.

12 Sắc nước hương trời, Quân Vương sủng ái,
hãy vào phục lạy: "Người là Chúa của bà."

13 Thiếu nữ thành Tia mang lễ tới,
phú hào trong xứ đến cầu ân.

14 Đẹp lộng lẫy, này đây công chúa,
mặc xiêm y dệt gấm thêu vàng,

15 phục sức huy hoàng, được dẫn tới Quân Vương,
cùng các trinh nữ theo sau hầu cận.

16 Lòng hoan hỷ, đoàn người tiến bước,
vẻ tưng bừng, vào tận hoàng cung.

Đọc ở mức độ nghĩa đen, bài thánh vịnh này có vẻ miêu tả hôn lễ các quân vương: Vua It-ra-en kết hôn cùng một công chúa nước ngoài để thắt chặt giao ước giữa hai dân tộc. Chính thật,  vị hoàng tử chàng rể của bài thánh vịnh này không ai khác là chính Thiên Chúa và «… này đây công chúa, mặc xiêm y dệt gấm thêu vàng » là dân tộc It-ra-en được nhận vào vòng mật thiết với Thiên Chúa.

Chính tiên tri Hô-sê là người đầu tiên so sánh dân tộc It-ra-en là cô dâu trong hôn lễ : «16 Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình.17 Từ nơi đó, Ta sẽ trả lại vườn nho của nó, biến thung lũng A-kho thành cửa khẩu hy vọng. Ở đó, nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân, như ngày nó đi lên từ Ai-cập.18 Vào ngày đó - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA - ngươi sẽ gọi Ta: "Mình ơi", chứ không còn gọi "Ông chủ ơi" nữa »            ( Hs 2,16…18).  Kế tiếp Giê-rê-mi-a vè Ê-dê-ki-en là « I-sa-i-a thứ hai và thứ ba » cũng triển khai đề tài hôn lễ giữa Thiên Chúa và dân Ngài chọn.  Chúng ta nhận ra nơi đây các ngôn từ của các nghi lễ đính hôn và lễ cưới : các danh từ dịu dàng trìu mến, y phục ngày cưới, vòng hoa nàng dâu, sự chung thuỷ. Ví dụ như trong (Gr 2,2) : « ĐỨC CHÚA phán thế này: Ta nhớ lại lòng trung nghĩa của ngươi lúc ngươi còn trẻ, tình yêu của ngươi khi ngươi mới thành hôn, lúc ngươi theo Ta trong sa mạc, trên vùng đất chẳng ai gieo trồng » ;hay trong (Is 62,5) : « 5 Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ ».

Còn sách Diễm ca là một đàm thoại dài giữa hai tình nhân, viết thành bảy bài thơ. Không đâu xác định ai là hai tình nhân trong cuộc đối thoại ấy nhưng người Do Thái nhận ra đó là cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Bằng chứng là họ chọn để đọc đặc biệt trong nghi lễ ngày tưởng niệm cuộc Vượt Qua, ngày đại lễ của Giao ước giữa Thiên Chúa và It-ra-en.

Điều này nói lên cô dâu quá có tính thế gian thường hay bất trung (Thờ bụt thần) và các tiên tri kể trên xem như tội ngoại tình những bất trung của dân chúng, tức là khi quay về thờ phượng bụt thần. Lúc bấy giờ lại có những từ ngữ : ghen tương, ngoại tình, trở lại và tha thứ, vì Thiên Chúa lúc nào cũng trung tín. Ví dụ như I-sa-i-a nói về những cuộc đi lang thang khi thất tình. Đó là bài ca bất hủ gọi là « Bài ca vườn nho » ( Is 5,1…7) «1 Tôi xin hát tặng bạn thân tôi, bài ca của bạn tôi về vườn nho của mình. Bạn thân tôi có một vườn nho trên sườn đồi mầu mỡ. 2 Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho. Anh những mong nó sinh trái tốt, nó lại sinh nho dại.  7 Vườn nho của ĐỨC CHÚA các đạo binh, chính là nhà Ít-ra-en đó; cây nho Chúa mến yêu quý chuộng, ấy chính là người xứ Giu-đa. Người những mong họ sống công bình, mà chỉ thấy toàn là đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than » Còn tiên tri Hô-sê, nói tới việc tôn thờ bụt thần gọi It-ra-en là đàng đĩ điếm. Tuy nhiên dù sao đi nữa Thiên Chúa luôn hứa hoà giải : « 4 Đừng sợ chi: ngươi sẽ không phải xấu hổ, chớ e thẹn: ngươi sẽ không phải nhục nhằn. Thật vậy, ngươi sẽ quên hết nỗi hổ thẹn tuổi thanh xuân và không còn nhớ bao nhục nhằn thời goá bụa…10 Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, ĐỨC CHÚA là Đấng thương xót ngươi phán như vậy. (Is 54, 4 ;10)

Bài thánh vịnh của chúng ta hôm nay cũng nói về ngày hôn lễ ấy, cô dâu nước ngoài (đến từ thành Tia) được đưa đến vương triều It-ra-en, và phải từ chối mọi bụt thần để xứng đáng với dân tộc mới này cùng vị vua bản xứ. «11 Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào, đưa mắt nhìn và hãy lắng tai, quên dân tộc, quên đi nhà thân phụ ». Chúng ta biết đó là vấn đề thiết yếu của thời vua Sa-lô-mon, ông đã cưới những người nước ngoài, tức là ngoại đạo, về sau hoàng hậu Giê-da-ben thời tiên tri Ê-li-a cũng thế. Dĩ nhiên khi đọc kỹ những lời khuyên cho công chúa thành Tia, đó chính thật hàm ý hướng về dân It-ra-en luôn bị cám dỗ rơi vào nạn thờ phượng bụt thần. Tại sao thờ phượng bụt thần lại chen vào những viễn tượng điền viên êm ả ? Vì đây không phải hôn lễ thế gian, vì chính vì thế điều được hay mất rất quan trọng, It-ra-en biết rằng dân tộc họ được chọn không phải là duy nhất. Chỉ trong sự trung tín với Thiên Chúa thì dân tộc họ mới thật sự làm chứng tá cho muôn dân. Cuối cùng, thật vậy Thánh Kinh cho phép chúng ta dám nghĩ rằng Chúa đề nghị kết hôn với cả nhân loại. Nhưng làm sao nhân loại biết nếu không ai thông báo ?

Khi Giáo Hội Ki-tô mừng Lễ Đức Mẹ Lên Trời và tôn ngài vào vinh quang của Thiên Chúa, là đã thấy trước viễn ảnh tất cả nhân loại được đưa vào vòng thân mật với Thiên Chúa.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân              

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                

 

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com