CHÚNG CON TIN VÀ NHẬN BIẾT
CHÍNH THẦY LÀ ĐẤNG THÁNH CỦA THIÊN CHÚA
Tin Mừng theo thánh Gioan 6, 69
Mở đầu với một thánh ca ngợi khen Chúa
Chúng ta hãy cầu nguyện.
Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen
Lạy Chúa, xin cho lời hằng sống soi dẫn trí lòng, và bánh bởi trời dưỡng nuôi hồn xác chúng con, hầu chuẩn bị chúng con sẵn sàng nhận lãnh muôn hồng ân Thánh Thần ban tặng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa cbúng con. Amen
(Sách lễ Rôma, Lời nguyện hiệp lễ Thứ Năm sau CN 7PS)
1 - LẮNG NGHE LỜI CHÚA
Tin Mừng theo thánh Gioan, chương 6,54a.60-69.
- Một người công bố Lời Chúa. Mọi người đứng lắng nghe.
- Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.
2 - SUY NIỆM
Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và suy nghĩ về 1 hay 3 câu hỏi gợi ý sau đây:
- Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Chúa Giêsu ?
Tôi hiểu biết Chúa tôi rõ hơn ở chỗ nào ?
- Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi ở chỗ nào?
Lòng tôi được thúc đẩy yêu mến Chúa Giêsu hơn ở điểm nào?
- Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm gì để đi theo Chúa ?
(Nếu đã quen làm Lectio Divina trong Nhóm hay ở gia đình, sau khi suy niệm, có thể mời vài người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình).
3 - CHIÊM NGHIỆM
Đọc lại Lời Chúa một lần nữa, sau đó suy nghĩ : Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào?
1. Đức Giêsu tuyên bố : "Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời" (câu 54a)
Phép lạ bánh hóa nhiều Chúa Giêsu đã làm để nuôi 5.000 người đang đói khi đi theo Ngài dọn đường cho bài giảng về bí tích Thánh Thể trong chương 6 Tin Mừng theo Thánh Gioan.
- Đây là "bánh từ trời xuống" (c.41).
- "Thịt Máu tôi": chính là Con Người Chúa Giêsu, "Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến" (c.46),
- "Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy" (c.56).
- "Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy" (c.57).
- Thịt Máu này trở thành của ăn nuôi sống muôn đời sau khi Chúa Giêsu hiến tế mình trên thập giá .
- Trong bữa Tiệc ly, trước khi chịu chết, Chúa đã dùng bánh rượu để lập ra bí tích "Mình Máu Chúa" cho chúng ta (xMt.26,26-28).
Đây là tóm lược về Mầu Nhiệm Thánh Thể. Hãy chiêm nghiệm để thấm sâu niềm tin vào bí tích Thánh Thể, là hồng ân cao cả và quí báu nhất cho Hội Thánh và đời sống của môn đệ. Và hãy tạ ơn Chúa!
…………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………
2 "Ông Phêrô nói: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (c 68).
Ông Phêrô đã trả lời Đức Giêsu khi Ngài thử lòng Nhóm Mười Hai: "Anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?" sau khi nhiều môn đệ rút lui.
Lời này diễn tả một lòng tin gắn bó với Thầy Giêsu, nhưng cũng tỏ bày một lòng yêu mến sâu xa, sau khi được sống bên Thầy (xem Ga 21,16).
Chúa Giêsu có phải là người duy nhất tôi chọn theo vì tin cậy không? Hay vẫn còn là một niềm tin "thuộc lòng"? hay một niềm tin "ăn theo"? hay một niềm tin do khiếp sợ? Tôi tin theo vì lý do gì?
…………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………
3 “Chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,69).
Đây là hồng ân Thiên Chúa ban, vì "Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi không lôi kéo người ấy" (Ga 6,44), và cũng là sự chọn lựa của các môn đệ. Họ nhận ra được Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa.
Tôi nhớ lại kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu qua Tin Mừng và các bí tích, qua Mẹ Maria và các thánh để nhận biết Chúa hơn và gắn bó với Chúa hơn. Ngài có phải là Đấng Thánh của Thiên Chúa, và Đấng làm cho tôi nên thánh không ?
…………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………
4 - CẦU NGUYỆN
Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa.
Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình hay chuyển cầu cho người khác, tùy theo sự thúc đẩy của Lời Chúa.
* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.
Lời nguyện kết (theo Bài đọc 2, Thư Êphêsô 5)
Lạy Cha là Thiên Chúa đã dựng nên con người là nam và nữ để thành một gia đình. Xin Thánh Thần giúp chúng con sống theo lời T. Phaolô :
"Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau.
Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa,
vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người.
Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào,
thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy.
Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô
Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình.
Yêu vợ là yêu chính mình.
Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ;
trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình,
cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh. Tạ ơn Chúa.
5 - HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN
- Tôi chọn 1 câu Tin Mừng để đọc đi đọc lại và suy ngẫm.
.....................................................................................................
- Tôi cảm nghiệm thế nào khi không thể rước Mình Máu Chúa trong thời gian đại dịch? Tôi thiếu điều gì? Hiệp lễ thiêng liêng thì sao?
...........................................................................................................
CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Ông Menkixêđê nói: “Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho tổ phụ Abraham! Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao” (St 14:19-20). Ông Menkixêđê, nói là để chúc lành. Ông chúc lành cho tổ phụ Abraham và như thế là chúc lành cho tất cả gia đình nhân loại trên trái đất (x. St 12:3; Gl 3:8).
Tất cả bắt đầu từ những lời chúc lành: những lời tốt lành tạo nên một lịch sử những điều tốt đẹp. Điều tương tự cũng xảy ra trong Tin Mừng: trước khi hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu làm phép những chiếc bánh: “Người cầm lấy 5 chiếc bánh, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, rồi bẻ ra và trao cho các môn đệ” (Lc 9:16). Lời chúc lành biến 5 chiếc bánh thành lương thực cho một đám đông dân chúng, nghĩa là lời chúc lành làm tuôn trào một dòng thác những thiện ích.
Tại sao chúc lành là điều tốt đẹp? Bởi vì nó biến đổi lời nói thành quà tặng. Khi chúc lành, ta không làm điều đó vì chính mình, nhưng vì tha nhân. Chúc lành không phải là nói những lời hoa mỹ hay những thành ngữ sáo rỗng; nhưng là nói điều tốt, nói với tình yêu.
Chúa Giêsu đã làm như thế, và Ngài chỉ cho chúng ta thấy ý nghĩa của việc chúc lành qua việc phân phát nhưng không những chiếc bánh. Bao nhiêu lần chúng ta đã được chúc lành, trong nhà thờ hay trong nhà của chúng ta, bao nhiêu lần chúng ta đã nhận được những lời khích lệ, hay một dấu thánh giá trên trán? Chúng ta được chúc lành vào ngày được nhận bí tích rửa tội, và chúng ta được chúc lành vào cuối mỗi Thánh lễ. Thánh Thể là trường dạy chúc lành. Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta, là các con yêu dấu của Ngài, và như thế Ngài khuyến khích chúng ta tiến bước. Và đến lượt chúng ta, chúng ta chúc tụng Chúa trong cộng đoàn của chúng ta (x. Tv 68:27), trong khi tái khám phá ra rằng niềm vui tạ ơn giải thoát và chữa lành con tim chúng ta. Chúng ta đến với Thánh lễ với xác tín rằng chúng ta được Chúa chúc lành, và đến lượt chúng ta, ra về để chúc lành, để là máng thông truyền điều thiện hảo cho thế giới.
(trích Bài giảng Mình Máu Thánh Chúa - 24.6.2019)