Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN NĂM B - 22/8/2021

BÀI ĐỌC 1 (Gs 24, 1-2a.15-18)

 

"Chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa, vì chính Người là Thiên Chúa chúng tôi".

 

Trích sách ông Giosuê.

 
1 Ông Giô-suê quy tụ ở Si-khem mọi chi tộc Ít-ra-en và triệu tập các kỳ mục Ít-ra-en, các thủ lãnh, thẩm phán và ký lục. Họ đứng trước nhan Thiên Chúa.

2 Ông Giô-suê nói với toàn dân: "ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en, phán thế này:

15 Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ ĐỨC CHÚA, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người E-mô-ri mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA."

16 Dân đáp lại: "Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ ĐỨC CHÚA để phụng thờ các thần khác!

17 Vì chính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai-cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao đó, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi dân tộc chúng tôi đã đi ngang qua.

18 …. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi.

Nếu phải trả về Xê-da những gì thuộc về Xê-da, như Chúa nói thì chúng ta rất bất công với  Giô-su-ê. Chúng ta gần như không bao giờ đọc câu truyện trong tác phẩm của ông. Thế mà Sách Thánh có một quyển mang tên ông, không phải là không có lý do !

Tên ông xuất hiện rất sớm trong cuộc phiêu lưu vĩ đại trong cuộc Xuất Hành (Xh 17), hình như ông rất thân với Mô-sê, gần như là con thiêng liêng của Mô-sê. Ông luôn tỏ ra trung thành không bao giờ rạn nứt đối với Thiên Chúa và Mô-sê. Ngay trước khi chết Mô-sê công khai chỉ định ông là người kế nghiệp : «7 Rồi ông Mô-sê gọi ông Giô-suê lại, và nói với ông trước mặt toàn thể Ít-ra-en: "Mạnh bạo lên, can đảm lên! Chính anh sẽ cùng với dân này vào đất ĐỨC CHÚA đã thề với cha ông họ rằng Người sẽ ban cho họ; chính anh sẽ cho họ hưởng đất ấy làm gia nghiệp.8 Chính ĐỨC CHÚA đi phía trước anh, chính Người sẽ ở với anh; Người sẽ không để mặc, không bỏ rơi anh. Đừng sợ, đừng hãi! »  (Đnl 31,7-8). Như thế Giô-suê kế nghiệp Mô-sê và là người có vinh dự và trách nhiệm dẫn dắt con cái It-ra-en vào Đất Hứa.

Sách mang tên ông kể lại những biến cố đánh dấu sự kiện các chi tộc It-ra-en tiến vào vùng Ca-na-an. Bài đọc hôm nay là một thời điểm trọng đại cuối cùng của sự nghiệp của ông. Trước khi qua đời ông triệu tập mười hai chi tộc và thắt chặt họ với nhau hiệp nhất và gắn bó giữa họ chung quanh Giao Ước xưa kia dưới núi Si-na-i.

Cái địa danh quan trọng và đáng nhớ nữa trong bài là Si-khem. Chúng ta thường biết nó trong Tân Ước : khi thánh Gio-an nêu lên trong bài tường thuật Chúa Giê-su gặp người phụ nữ Sa-ma-ri (Ga 4), ngài xét thấy cần nói rõ sự việc xảy ra « không xa »  địa danh lịch sử Si-khem (Nay là Naplouse). Sở dĩ thánh Gio-an nói như thế vì trong Cựu Ước, chỗ này đã đóng một vai trò quan trọng. Phải nói chính chỗ ấy ông Áp-ra-ham đã dựng lên một bàn thờ; ông Gia-cóp cũng làm thế ; nơi ấy là nơi Giu-se được chôn cất. Sau này, sự chia rẽ cắt đôi vương quốc làm hai miền, sau khi vua Sa-lô-mon băng hà, Si-khem trở nên kinh đô thứ nhất của Miền Bắc. Nhưng sự vĩ đại của Si-khem là ở chỗ khác : nó là biểu tượng của sự lựa chọn. Trong cuộc du hành trên những vùng đất xa xôi của Gia-cóp, ông đã lấy một quyết định quan trọng ở đấy. Trong một cử chỉ phô trương lòng trung tín với Thiên Chúa, mà ông vừa khám phá tại Bê-ten, ông buộc tất cả gia đình từ bỏ các bụt thần, và ông cho đem chôn tất cả những ngẫu tượng và các bùa hộ mệnh dưới một gốc cây. (St 35,4). Và đây, với bài đọc của chúng ta trong sách Giô-suê, thời điểm vĩ đại của Si-khem : « 1 Ông Giô-suê quy tụ ở Si-khem mọi chi tộc Ít-ra-en »

Ai có thể viết bài này ? Khi nào ? Và để cho ai ? Không ai có thể trả lời, vì thật khó tái hiện lại cảnh lịch sử thực sự, lúc các chi tộc It-ra-en tiến vào vùng đất Ca-na-an. Các bài Thánh Kinh về điểm này ít khi trùng hợp với nhau, vì mục đích của các bài ấy không phải để viết lại lịch sử theo nghĩa hiện đại : mục đích lúc nào cũng là thần học.

Ở đây chúng ta nhận thấy vài điều được nhấn mạnh đặc biệt. Trước hết là vai trò của Giô-suê. Rõ ràng có vài tác giả muốn làm nổi bật lên điều này : ví dụ như sách Dân Số (13,16) ghi lại rằng, trước kia ông không phải tên Hô-suê mà Hô-sê-a ( ban đầu tên ông có nghĩa là « cứu độ », tên thứ hai của ông rõ ràng hơn, có nghĩa là « Chúa cứu độ ») . Và đây chúng ta nhìn ra Giô-suê trong vai trò người cứu độ : ông thực hiện sự thống nhất toàn dân chung quanh Thiên Chúa. Ông đứng lên cầm đầu và làm gương sáng cho dân Chúa : « 18 …. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi ». Và dĩ nhiên ông mời gọi cử toạ, làm như ông, dấn thân phục vụ Thiên Chúa It-ra-en.

Muốn như thế  (trong những câu 3-14 thiếu trong bài đọc của chúng ta) ông kể lại tất cả công trình của Thiên Chúa, từ khi ông Áp-ra-ham được chọn « bên kia sông Cả » (Hs 24,3) đến khi tiến vào vùng đất lành này (Đất Hứa), qua phép lạ thoát khỏi Ai-cập. Sau đó, có thể nói ông đặt họ dưới chân tường : «  15 Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ ĐỨC CHÚA, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người E-mô-ri mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA. ».

Điều thứ hai được nhấn mạnh trong bài này là sự cần thiết và cấp bách phải chọn lựa. Sở dĩ bài đọc của chúng ta nhấn mạnh trên sự cần thiết chọn lựa dứt khoát của toàn dân, qui tụ tại Si-khem là vì các con cháu xa xôi của họ sau này (bài này chủ ý là viết cho họ) cần phải lấy đó làm gương. Chúng ta nhận ra ở đây cách nói ấy trong sách Đệ Nhị Luật : « 16 Anh em hãy ý tứ kẻo lòng anh em bị quyến rũ mà bỏ đi phụng thờ những thần khác và sụp xuống lạy chúng »  (Đnl 11,16). Nhưng chúng ta cũng thừa biết sự cám dỗ quay về thờ phượng bụt thần luôn luôn thường trực, ví dụ như từ thời Các Vua, hay sau này trong lúc bị lưu đày sang Ba-by-lon (bài này nói về quá khứ bên kia sông Cả không phải là sự ngẫu nhiên).  Bài đọc của chúng ta là một mẫu gương : dĩ nhiên dân chúng ý thức sự hệ trọng của vấn đề : « Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ ĐỨC CHÚA để phụng thờ các thần khác! » và họ có sự chọn lực đứng đắn : « 18 …. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi »

***

 

THÁNH VỊNH (Tv33, 2-3.10-15)

 

"Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao."  

 

2 Tôi sẽ không ngừng chúc tụng CHÚA,
câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.

3 Linh hồn tôi hãnh diện vì CHÚA
xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.

10 Kính sợ CHÚA đi, đoàn dân thánh hỡi,
vì ai kính sợ Người chẳng thiếu thốn chi.

11 Kẻ giàu sang phải bần cùng đói khổ,
còn ai tìm kiếm CHÚA chẳng thiếu của gì.

12 Các con ơi, hãy đến mà nghe,
ta sẽ dạy cho biết đường kính sợ CHÚA.

13 Ai là người thiết tha được sống,
ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc chứa chan?

14 Phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa;

15 hãy làm lành lánh dữ, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hoà.

Một lần nữa, chúng ta chứng kiến trong bài thánh vịnh này sự đối chiếu giữa từng hai câu một. Mỗi câu được viết bằng hai hàng đối với nhau. Lý tưởng là nên đọc thành hai bè, mỗi hàng chen kẽ nhau. Chẳng những bài gồm 22 câu (Số 22 là số chữ cái trong từ vựng Do Thái), mà hơn thế nữa, bài được gọi theo thể thơ tiếng Pháp gọi là acrostiche, tức 22 chữ đầu của mỗi câu là một chữ viết bên lề bài thơ, theo thứ tự của từ vựng a-b-c Do Thái. Thể thơ này được gặp khá thường trong các thánh vịnh tạ ơn Giao Ước. Hơn nữa các danh từ dùng cho sự tạ ơn hiện diện rất phong phú trong bài thánh vịnh hôm nay, nhất là trong những câu đầu.! 

2 không ngừng chúc tụng CHÚA;  hát mừng Người ; hãnh diện vì CHÚA;
xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên ; ngợi khen ĐỨC CHÚA ; tán tụng danh Người ; giải thoát ;  vui tươi hớn hở ; CHÚA đã nhận lời ; giải thoát ;  hạnh phúc thay… »

Hãy để lòng chúng ta được vang dội bởi vô số các cụm chữ tuyệt vời này

« 3 Linh hồn tôi hãnh diện ; Vui lên, ngợi khen ĐỨC CHÚA; Tán tụng danh Người; Giải thoát; Vui tươi hớn hở ; Cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn; Giải thoát những ai kính sợ Người; Hạnh phúc thay… »

Có  một đặc điểm trong từ vựng Thánh Kinh: « 6 Ai nhìn lên CHÚA sẽ vui tươi hớn hở » Cụm chữ « nhìn lên Chúa », hay thỉnh thoảng « ngước mắt lên Chúa » là cách diễn tả chiêm ngắm đấng chúng ta nhận ra là Thiên Chúa. Đây là tất cả trải nghiệm dân It-ra-en, làm chứng tá cho công trình của Thiên Chúa, một Thiên Chúa biết đáp lại, giải thoát, quan tâm và cứu độ… « 5 Tôi đã tìm kiếm CHÚA, và Người đáp lại, giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng 7Kẻ nghèo này kêu lên và CHÚA đã nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn » (C 5 ;7). Sự quan tâm của Thiên Chúa đối với những người đau khổ đã được tường thuật trong đoạn nói về bụi cây bốc cháy. "Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng “ (Xh 3,7).

Trong lịch sử, It-ra-en là « kẻ nghèo » đã trải nghiệm lòng thương xót của Chúa, được nhận ra khi họ hát bài thánh vịnh 33 (34) này : «7 Kẻ nghèo này kêu lên và CHÚA đã nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn » .Trước tiên họ cầu xin riêng cho họ, nhưng bài thánh vịnh mời gọi mở rộng chân trời, nên có câu : « Kẻ nghèo này kêu lên », có nghĩa là bất cứ kẻ nghèo nào, dù bất cứ ở đâu trên trái đất. Chừng một lúc It-ra-en khám phá ra sứ vụ của họ. Sứ vụ gồm hai hướng.

Trước tiên đó là một dân tộc dạy cho những kẻ khiêm nhu trên thế giới biết sống cậy trông. Đức tin hiện ra như một đối thoại giữa Thiên Chúa và con người. Đó là câu trả lời của Thiên Chúa khi họ hỏi : Con người kêu cầu đến Thiên Chúa, Ngài nghe, giải thoát và đến cứu họ…Con người bấy giờ cất tiếng tạ ơn. Nếu nghĩ cho thật kỹ, lời cầu nguyện luôn gồm cả hai vế, cầu xin và ngợi khen, cảm tạ. Trước hết là lời cầu xin và câu trả lời của Chúa : « 5 Tôi đã tìm kiếm CHÚA, và Người đáp lại, giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng (C 5)Kế tiếp đó là lời cảm tạ : "Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em » (Lc 6,20). Trong bài này ở câu 3 : « xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên. (Điều này chứng tỏ Đấng Giê-su hội nhập ngôn từ của các cha ông It-ra-en trong ngôn từ của Ngài để rao giảng)

Chúng ta có thể học hỏi trong bài này hai điều. Đầu tiên là « Hãy vui lên, Thiên Chúa không làm ngơ giả điếc và sẽ hành động ». Điều thứ hai là « Chúa chọn những khí cụ trên thế gian này để giải cứu các ngươi ». Sứ vụ của It-ra-en trong suốt nhiều thế kỷ phải làm vang dội lời kêu xin ấy- phải hát lên bài ca nhiều bè này- hoà lẫn đau khổ, ngợi khen và hi vọng. Hơn nữa phải nâng đỡ tất cả mọi hình thức của sự nghèo khổ. Có một loại đau khổ không bao giờ nên ruồng bỏ, khước từ đó là : « tâm hồn nghèo khó » (Mt 5,3). Thực tế của những kẻ chấp nhận mình là kẻ bé mọn mà dám khẩn cầu Chúa cứu mình. Như thánh Mát-thêu nói :  "3Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ “ (Mt 5,3)

Còn sự ân cần của Chúa không phải là cây đũa thần có thể làm tan biến mọi buồn phiền khó chịu, mọi đau khổ trong đời chúng ta…Trong sa mạc, đi sau lưng ông Mô-sê hay trong Ca-na-an đi sau lưng ông Giô-su-ê, mọi lo lắng của dân chúng, không được tránh đi trong mọi tình huống như một phép lạ ! Nhưng sự hiện diện của Thiên Chúa đồng hành với họ trong mọi lúc, để giúp họ vượt qua những trở ngại. Trong bài học về cầu nguyện, thánh Lu-ca nói không gì khác hơn :  "9Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.10 Vì hể ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.11Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó?12Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp?13 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao? » (Lc11,9-13). Chúng ta hãy trở lại bài hôm nay với hai câu (16,18)  : «16 nhưng để mắt nhìn người chính trực và lắng tai nghe tiếng họ kêu.18 Họ kêu xin, và CHÚA đã nhận lời, giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn ». Trong cơn thử thách, trong đau khổ chẳng những ta được phép mà còn nên kêu gào xin Chúa thương xót.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân              

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com