BÀI ĐỌC 1 (St2, 18-24)
"Cả hai nên một thân thể".
Trích sách Sáng Thế.
« 1 Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất …
18 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán: "Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.
19 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế
.20 Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng.
21 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào.
22 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người.
23 Con người nói:
"Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!
Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra."
24 Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.
« 1 Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất », câu đầu tiên của Sách Sáng Thế này có thể làm cho chúng ta hiểu lầm, và cũng có thể đây là một điều khó hiểu, một cạm bẫy không nên vấp ngã. Thật vậy, cái cạm bẫy làm cho chúng ta tin như đây là phóng sự của một cuốn phim chiếu lại một câu chuyện. Nếu chúng ta đọc theo não trạng duy chính thống, hiểu theo nghĩa đen, thì câu truyện gồm có ba màn : Màn 1, Chúa tạo dựng trời đất và con người ; Màn 2 Ngài thấy con người lẻ loi một mình Ngài quyết định tạo ra những gì có thể giúp con người; Ngài tạo ra các súc vật nhưng điều này không giải quyết vấn đề ; Màn 3, Chúa gây mê con người rút ra từ thân con người một xương sườn, để từ đấy tạo ra người đàn bà. Theo mô hình ấy, điều lô-gíc là A-đam chỉ có 23 xương sườn !
Dĩ nhiên đọc cách như thế ấy không thể không làm cho chúng ta suy nghĩ. Trước tiên chúng ta không thể khờ dại gì để tin thời ấy có một phóng viên đã chứng kiến cuộc tạo dựng của Thiên Chúa, trong những ngày đầu tiên của thế giới. Hơn nữa có điều gì không đúng đắn cho lắm, nghĩ rằng Chúa phải làm đi làm lại nhiều lần mới thành công tạo dựng. Sau cùng chúng ta biết rằng muốn đọc một tác phẩm cho có hiệu quả phải biết phân định loại thể của văn phẩm ấy. Một quyển tiểu thuyết không phải là một chuyện thật, còn một cuốn phim phóng sự là ghi lại một chuyện có thật, và khi chúng ta đọc một chuyện dụ ngôn của văn hào Pháp La Fontaine chúng ta không bao giờ hiểu theo nghĩa đen. Ví dụ như chuyện con sư tử và con chuột. Ít khi thấy con sư tử mắc bẫy trong cái lưới ! Càng ít thấy con chuột cắn lưới giải thoát con sư tử ! Nhưng ý nghĩa luân lý của bài là một sự thật vĩ đại : « Lúc nào ta cũng có thể cần một kẻ bé nhỏ hơn ta ».
Khi hội đồng Toà Thánh khuyên chúng ta không nên đọc Thánh Kinh một cách duy chính thống, theo nghĩa đen, ở đây chính là điều ấy. Chúng ta đang ở trong những chương đầu của sách Sáng Thế, còn gọi là bài viết về sự « khôn ngoan », tức là không phải những câu chuyện mà những suy tưởng. Hồi thế kỷ thứ II trước Chúa Giê-su - có lẽ thời vua Sa-lô-mon - có một nhà thần học phải trả lời rất nhiều câu hỏi vây lấy ông : Tại sao có sự chết ? có đau khổ ? có những khó khăn trong đời sống vợ chồng ? Và tất cả những « tại sao » mà chúng ta thường đặt trong cuộc sống… Để trả lời những câu hỏi ấy, ông kể một câu chuyện giống như Chúa Giê-su thường kể những dụ ngôn. Tác giả không phải một nhà khoa học mà là một tín hữu : ông không có tham vọng giải thích cho chúng ta, lúc nào và làm sao. Ông chỉ nói ý nghĩa của sự tạo dựng, dự án của Thiên Chúa. Một cách đặc biệt câu truyện - hay đúng hơn bài dụ ngôn - hôm nay của chúng ta cố gắng đặt quan hệ vợ chồng trong kế hoạch của Chúa. Cũng như mọi câu truyện mọi dụ ngôn của Chúa Giê-su, vị thần học ấy cũng đã dùng những hình ảnh : vườn địa đàng, giấc ngủ, cái xương sườn. Dưới hình ảnh ấy ta đoán ra một sứ điệp.
Sứ điệp ấy gồm bốn điểm :
Thứ nhất, người đàn bà có từ thời đầu tiên cuộc tạo dựng. Điều này đối với chúng ta là hiển nhiên, nhưng thời ấy quả quyết như thế là rất độc đáo. Ví dụ như ở xứ Mê-dô-pô-ta-mi-a - quê hương ông Áp-ra-ham - người ta cũng suy nghĩ về tạo dựng và cũng tìm kiếm những giải thích qua những câu truyện, không kém hùng vĩ và thơ mộng. Họ cho rằng tiên khởi người đàn bà chưa được tạo dựng và người đàn ông không cần đàn bà. Thánh Kinh, trái lại, quả quyết rằng đàn bà được tạo dựng ngay từ ban đầu của thế giới, và điều quan trọng đó là một món quà của Thiên Chúa, không có thì người đàn ông không thể hạnh phúc và nhân loại sẽ bất toàn.
Điểm thứ hai của sứ điệp là hạnh phúc nằm trong dự án của Thiên Chúa. Cũng ở Mê-dô-pô-ta-mi-a có nhiều thần, tất cả là địch thù với nhau, và khi họ quyết định tạo dựng nhân loại là vì họ cần nô lệ để phục vụ họ. Trong lúc ấy, trong Thánh Kinh chỉ có một Thiên Chúa, và khi Ngài quyết định tạo dựng con người, Ngài đặt ngay vào Thiên Đàng, một thửa vườn tuyệt vời dành cho con người. Và câu : « Con người ở một mình thì không tốt » có nghĩa là Thiên Chúa tìm hạnh phúc cho con người.
Điểm thứ ba : đây là một khẳng định hết sức quan trọng và canh tân của Thánh Kinh. Giới tính là một điều tốt đẹp và được đánh giá cao, vì thuộc về đề án của Thiên Chúa. Đó là một dữ kiện quan trọng cho hạnh phúc người đàn ông và người đàn bà. « , người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt »
Điểm thứ tư : lý tưởng đề nghị cho đời sống lứa đôi không phải sự thống chế của người này trên người kia, nhưng sự bình đẳng trong đối thoại với nhau và khi nói « đối thoại » có nghĩa vừa xa cách vừa thân tình. Ở đây tiếng Pháp tỏ ra có một yếu điểm : cách chơi chữ trong ngôn ngữ Do Thái, thú vị nhưng rất tiếc cách chuyển ngữ không thể hiện được. Tiếng Do Thái gọi đàn ông đọc là « Ish » và đàn bà là « Ishash », hai chữ rất gần với nhau, cùng một nguồn gốc, nhưng không giống nhau. Khi con người đặt cho thú vật cái tên, thì không bao giờ tên súc vật gần giống tên con người, cũng không cùng gốc chữ với con người, vì con người cảm thấy có sự xa cách với thú vật và Thiên Chúa cho quyền chế ngự trên loài vật. Nhưng đứng trước người đàn bà, con người thốt lên một tiếng đầy cảm xúc, đầy ý nghĩa biết ơn. Con người nhìn nhận « Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! » Hơn nữa khi Chúa nói dự án của Ngài, Thánh Kinh nói « Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó » có thể dịch ra là « một người đối diện với nó »
Thế nhưng người đàn ông nhìn nhận người đàn bà là người gần gũi nhất, nó không có can dự gì cả : nó nhận món quà nhưng không ấy từ Thiên Chúa. Điều tế nhị tuyệt vời của bài này là ở đây : « 21 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi ». Trong lúc Chúa hành động thì con người ngủ, chúng ta nhận thấy trong Thánh Kinh hình ảnh giấc ngủ trong những thời điểm rất quan trọng của loài người. Ví dụ như với Áp-ra-ham, khi Thiên Chúa thực hiện Giao Ước, Thánh Kinh dùng cùng một chữ được dịch là « một giấc ngủ lạ kỳ », trong Thánh Kinh chữ Hy-lạp dùng cụm từ « xuất thần ». Đây là một cách khiêm nhường để nói lên hành động của Thiên Chúa quá vĩ đại, long trọng, vượt khỏi con người, vì thế không thể chứng kiến được.
Sau cùng, hình ảnh của giấc ngủ, dĩ nhiên cũng gợi lên đêm tối, khi con người tỉnh giấc, một buổi bình minh mới bắt đầu cho nhân loại, vì người đàn bà được sinh ra.
***
THÁNH VỊNH (Tv127, 1-6)
"Nguyện Chúa chúc phúc cho chúng con hết mọi ngày trong đời sống chúng con!"
Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA,
ăn ở theo đường lối của Người.
2 Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng,
bạn quả là lắm phúc nhiều may.
3 Hiền thê bạn trong cửa trong nhà
khác nào cây nho đầy hoa trái;
và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn,
xúm xít tại bàn ăn.
4 Đó chính là phúc lộc CHÚA dành cho kẻ kính sợ Người.
5 Xin CHÚA từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.
Ước chi trong suốt cả cuộc đời
bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh,
6 được sống lâu bên đàn con cháu.
Nguyện chúc Ít-ra-en vui hưởng thái bình.
Nếu các bạn tò mò đọc thánh vịnh này trong Thánh Kinh, các bạn sẽ thấy bài này được gọi là « Ca khúc lên Đền » có nghĩa là bài được viết cho các dịp hành hương, lên Đền Giê-ru-sa-lem. Qua nội dung có thể cho chúng ta nghĩ rằng bài được ca phần cuối cuộc hành hương, khi bước đến những bậc thang cuối cùng vào Đền.
Trong phần đầu, ngay cửa vào các kinh sư tiếp đón đoàn hành hương và ban cho những huấn giáo cuối cùng :
« Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA, ăn ở theo đường lối của Người.
2 Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may.
3 Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn »
Ca đoàn ( hay cả cộng đồng người hành hương) đáp lại : « 4 Đó chính là phúc lộc CHÚA dành cho kẻ kính sợ Người ».Kế tiếp, các kinh sư đọc lời ban phép lành :
« 5 Xin CHÚA từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời
bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh ». Nhân đây tôi xin lưu ý một câu có thể làm nhiều người phẫn nộ : « 2 Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may ». Phải tin rằng vấn đề thất nghiệp không có thời ấy !
Nội dung của lời chúc phúc, đối với chúng ta có vẻ tầm thường, thực tế. Thế nhưng tất cả Thánh Kinh đều nhấn mạnh về hạnh phúc và thành công, điều này lẽ ra phải làm cho chúng ta an lòng. Ước ao hạnh phúc là điều thuộc về bản chất con người và hi vọng thành công trong cuộc sống gia đình cũng nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta…nếu không Ngài không biến hôn phối thành một Bí Tích !!! Chúa lập nên chúng ta để sống hạnh phúc, chứ không để làm chi khác. Chúng ta hãy vui mừng lên ! Chữ « hạnh phúc » được lặp lại nhiều lần trong Thánh Kinh. Thường đến nỗi khiến cho ta có thể trách rằng điều này có vẻ xa với thực tế hằng ngày. Nói như thế phải chăng tỏ ra trơ trẽn trước bao nhiêu là thất bại và đau khổ chúng ta hằng chứng kiến hoặc là nạn nhân mỗi ngày ? Chắc bạn cũng nhận thấy thánh vịnh này cũng dùng rất nhiều lần chữ « Phúc lộc ; Vui Hưởng ; An hưởng ; Lắm phúc » - « Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA, ăn ở theo đường lối của Người.
2 Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may…
6 được sống lâu bên đàn con cháu. Nguyện chúc Ít-ra-en vui hưởng thái bình.
Thực ra chữ « hạnh phúc » không có tham vọng là một phân tích khảo sát có vẻ dễ dàng, như thể người công chính là đương nhiên hạnh phúc. Chỉ cần mở mắt ra là thấy người làm việc lành thường lãnh nhận điều khốn khổ. Ở đây chỉ có một thứ « hạnh phúc » đáng kể, đó là được gần Thiên Chúa.
Trên thực tế chữ « hạnh phúc » có hai mặt : vừa là lời khen vừa là lời khích lệ. Bản dịch của ông André Chouraqui, lúc nào cũng gần bản gốc tiếng Do Thái dịch chữ « hạnh phúc » bằng « đúng đường » ( ngụ ý nói : bạn đi đúng đường, hoan hô, hãy can đảm lên tiếp tục). Nét đặc thù của dân tộc Ít-ra-en là sớm ý thức rằng Thiên Chúa đồng hành với lòng ao ước hạnh phúc của họ và Ngài mở đường cho họ nhắm đến.
Hãy nghe tiên tri Giê-rê-mi-a : «11 Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA -, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng » ( Gr 29,11) . Tất cả Thánh Kinh xác tín đến mức phải có lưỡi loài rắn độc mới thốt ra những lời ngờ vực ý định của Thiên Chúa dành cho người nam và người nữ, Ngài tạo dựng ra để sống hạnh phúc. Đó là ý nghĩa của lời tường thuật về Địa Đàng. Thánh Phao-lô một chuyên gia về Cựu Ước, đã tóm tắt trong vài chữ ý định của Thiên Chúa : « Kế hoạch yêu thương » (9 Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô ) (Ep 1,9)
Như thế có hai mặt trong chữ « hạnh phúc » trong Thánh Kinh : trước nhất là kế hoạch yêu thương, trong ấy ý định của Thiên Chúa là hạnh phúc con người nhưng cũng là sự chọn lựa của con người, có nghĩa là phải xây dựng hạnh phúc đó. Con đường đã vạch sẵn, cứ thẳng tiến : chỉ cần trung tín với giới luật của Chúa, được tóm lược trong giới răn mến Chúa yêu người. Chúa Giê-su cũng đã chỉ theo con đường đó thôi : « Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng » ( Ga 13,1). Và Ngài cũng mời gọi các môn đệ theo Ngài để được hạnh phúc. « ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm » ( Gc 1,25). Nhưng trong bài chúng ta câu đầu làm cho phức tạp một chút : « Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA » Cách trình bày như thế cũng có vẻ nghịch lý khác thường : có ai vừa sợ vừa hạnh phúc ? Một lần nữa ông Chouraqui dịch câu ấy như sau : « Bạn run rẩy xúc động trên đường đến với Ngài ». Đấy chính là sự run rẩy vì xúc động chứ không phải vì sợ. Mỗi chúng ta đều có trải nghiệm như thế, có lúc trước một niềm hạnh phúc lớn lao chúng ta cảm thấy nhỏ bé.
Người đọc Thánh Kinh mất rất nhiều thời gian để khám phá Chúa là tình yêu. Nhưng đến khi đã biết Chúa là tình yêu thì không còn sợ nữa. Dân Ít-ra-en có đặc huệ hiểu ra Thiên Chúa là đấng vĩ đại cao cả hơn chúng ta vô cùng nhưng, cũng một Thiên Chúa ấy, Ngài là Đấng rất gần gũi với chúng ta đầy lòng dịu dàng âu yếm. Từ đó « kính sợ Chúa » theo Thánh Kinh không còn là nỗi sợ của người sơ khai (không ai sợ một Người mà tự bản chất là nhân từ ). Không ! « Kính sợ » là thái độ một đứa trẻ đứng trước người cha vừa phép tắc vô cùng vừa nhân từ. Hơn nữa sách Lê-vi dùng cùng cụm chữ này để nói : «3 Mỗi người trong các ngươi phải kính sợ cha mẹ » ( Lv19,3), rốt cuộc đó là cách nói trong Thánh Kinh, đồng nghĩa với thái độ của đứa con đối với cha. Đứa Bé hang Bê-lem đến để cho chúng ta mẫu gương đó.
Đức tin, trước hết là niềm xác tín căn bản Chúa muốn con người hạnh phúc, chỉ cần nghe và làm theo với lòng cậy trông và đơn sơ. Nghe theo tức là chỉ cần trung thành giữ lề luật. Câu « Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA » và « ăn ở theo đường lối của Người » là một sự trùng lập, đối với người đọc Thánh Kinh. Thật vậy « kính sợ Thiên Chúa » và « theo đường lối của Người » là đồng nghĩa.
Ngày nào tất cả dân thành Giê-ru-sa-lem trung thành với chương trình ấy, thì họ mới chu toàn sứ mạng của họ, được mang trong tên « Thành phố hoà bình ». Vì lẽ đó trước ngưỡng cửa thành, bài thánh vịnh chúng ta, bài ca khúc lên Đền xác định trước hạn một chút : « bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh ( hạnh phúc ) »
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng