"THIÊN CHÚA ĐÃ LÀM NÊN CON NGƯỜI
CÓ NAM CÓ NỮ
VÀ CẢ HAI SẼ THÀNH MỘT XƯƠNG MỘT THỊT"
Tin Mừng theo thánh Máccô 10,6.8
Hát một thánh ca ngợi khen để bắt đầu.
Chúng ta hãy cầu nguyện.
Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen
Lạy Chúa, chính Cháu đã tạo lập gia đình để trở thành tổ ấm cho tình thương và sự sống phát triển. Xin ban cho hết mọi gia đình biết noi gương Thánh Gia Thất để lại, mà ăn ở theo lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình bác ái, hầu được chung hưởng niềm vui vĩnh cửu trong Nhà Chúa trên trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen
(Sách lễ Rôma, Lời nguyện Thánh lễ cầu cho gia đình)
1 - LẮNG NGHE LỜI CHÚA
Tin Mừng theo thánh Máccô 10, 2-16
- Một người công bố Lời Chúa. Mọi người đứng lắng nghe.
- Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.
2 - SUY NIỆM
Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và suy nghĩ về 1 hay 3 câu hỏi gợi ý sau đây:
- Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Chúa Giêsu ?
Tôi hiểu biết Chúa tôi rõ hơn ở chỗ nào ?
- Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi ở chỗ nào?
Lòng tôi được thúc đẩy yêu mến Chúa Giêsu hơn ở điểm nào?
- Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm gì để đi theo Chúa ?
..........................................................................................................
(Nếu đã quen làm Lectio Divina trong Nhóm hay ở gia đình, sau khi suy niệm, có thể mời vài người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình ).
3 - CHIÊM NGHIỆM
Đọc lại Lời Chúa một lần nữa, sau đó suy nghĩ : Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào?
1.“Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ…và cả hai sẽ thành một xương một thịt" (c.6.8)
Chúa Giêsu đã trả lời như thế cho người Pharisêu hỏi Ngài: chồng có được phép ly dị không. Chúa mời gọi chúng ta nhớ lại cội nguồn của gia đình : Khi tạo dựng trời đất "Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ… và cả hai sẽ trở thành một xương một thịt". Ngài "sáng tạo con người theo hình ảnh mình."(St 1,27). Họ là quà tặng Thiên Chúa trao cho nhau. Họ bình đẳng trong phẩm giá và sứ mạng "sinh con và thống trị trái đất" (St 1,28). Mối giây kết hợp họ lại với nhau là sự sống và tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Bí tích Hôn Phối hai người nam nữ trao cho nhau trong Thánh Lễ thành hôn là ân sủng gia tăng và củng cố tình nghĩa vợ chồng.
Lời Chúa soi chiếu cuộc sống tôi và các gia đình, giúp nhớ lại những điều gì, và giúp vượt qua khó khăn nhờ đâu? Hãy tạ ơn và cầu xin.
........................................................................................................
..........................................................................................................
2. “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng." (câu 14).
Chúa Giêsu yêu quí các trẻ em. Ngài muốn chúng đến gần, "ôm lấy chúng và đặt tay chúc lành" (c. 16). Tại sao? Xưa nay, chúng ta có thói quen và thành kiến trong cách đối xử với trẻ em như thế nào? Nhất là khi con cháu mới sinh đã được mang đến Giáo Hội, dâng cho Thiên Chúa, được thánh tẩy và trở nên con Thiên Chúa, thì chúng ta phải "để trẻ em đến với Thầy".
Hằng ngày, chúng ta có quên đưa trẻ em đến với Chúa Giêsu không? Hay lo đưa chúng đến với ai hay những thứ gì khác?Tại sao?
........................................................................................................
..........................................................................................................
3. "Thầy bảo thật anh em : Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào"." (câu 15)
"Đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em", nghĩa là như thế nào? Tôi có đón nhận những gì Giáo Hội mang đến cho tôi : Tin Mừng Chúa Kitô, Lời Chúa, các bí tích và nhiều điều khác… như thế nào? Có phải với một tâm hồn trẻ thơ không? Nghĩa là như quà tặng của tình yêu cha mẹ ông bà cho mình, chứ không do công sức, do sự khôn ngoan hay tài cán của mình… Có phải với lòng biết ơn và niềm vui không?
........................................................................................................
..........................................................................................................
4 - CẦU NGUYỆN
Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa.
Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình hay chuyển cầu cho người khác, tùy theo sự thúc đẩy của Lời Chúa.
* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.
Lời nguyện kết (Thánh vịnh 127)
Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
ăn ở theo đường lối của Người.
Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng,
bạn quả là lắm phúc nhiều may.
Hiền thê bạn trong cửa trong nhà
khác nào cây nho đầy hoa trái;
và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn,
xúm xít tại bàn ăn.
Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.
Xin Chúa từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.
Ước chi trong suốt cả cuộc đời
bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh,
được sống lâu bên đàn con cháu.
Nguyện chúc Ítraen vui hưởng thái bình. Sáng danh…
5 - HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN
- Tôi chọn 1 câu Tin Mừng để đọc đi đọc lại và suy ngẫm.
..........................................................................................................
- Tuần này là cơ hội để tôi nhớ lại các phúc lành Chúa ban cho gia đình mình, cho cha mẹ, con cháu..., mình có đón nhận và đối xử với nhau trong tình thương và sự quí trong nhau như Chúa muốn không?
........................................................................................................
..........................................................................................................
CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Đức Maria ghi nhớ tất cả, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Tất cả điều này là gì? Đó là những niềm vui và nỗi buồn. Một bên là sự chào đời của Chúa Giêsu, tình yêu của thánh Giuse, cuộc viếng thăm của những người chăn cừu… Nhưng bên kia là một tương lai bất định, vô gia cư “vì không có chỗ cho họ trong nhà trọ” (Lc 2,7), sự cô đơn vì bị từ chối, sự thất vọng khi phải sinh Chúa Giêsu trong một chuồng gia súc. Niềm hy vọng, và những âu lo, ánh sáng và bóng tối: tất cả những điều này đều nằm trong trái tim của Đức Maria. Và Mẹ đã làm gì? Mẹ suy đi nghĩ lại trong lòng, nghĩa là Mẹ sống với những điều đó, cùng với Thiên Chúa, trong trái tim Mẹ. Mẹ không ngăn lại điều gì; Mẹ không khóa bất cứ điều gì trong lòng vì tự thương hại mình hoặc oán giận ai đó. Thay vào đó, Mẹ dâng mọi thứ cho Thiên Chúa. Đó là cách Mẹ “giữ” những điều này. Chúng ta “giữ” mọi thứ khi chúng ta trao ra không để cho cuộc sống của chúng ta trở thành miếng mồi ngon của sự sợ hãi, đau khổ hay mê tín, không đóng kín con tim chúng ta hoặc cố quên đi, nhưng bằng cách biến mọi thứ thành một cuộc đối thoại với Chúa. Thiên Chúa là Đấng nhớ đến chúng ta trong lòng, khi đó sẽ ngự đến trong đời sống chúng ta.
Bí quyết của Mẹ Thiên Chúa là ghi nhớ mọi thứ trong thinh lặng và dâng lên cùng Thiên Chúa. Và Tin Mừng kết luận rằng điều này đã xảy ra trong lòng Mẹ. Con tim là chỗ cho chúng ta thấy cốt lõi của con người, tình cảm và cuộc sống của mình. Vào ngày đầu năm, chúng ta như các Kitô hữu trên con đường hành hương của mình, cũng cảm thấy cần phải khởi động lại từ trung tâm, bỏ lại sau lưng những gánh nặng của quá khứ và bắt đầu lại từ những điều thực sự quan trọng.
Chúng ta đã có trước mặt điểm khởi hành: đó là Mẹ Thiên Chúa, vì Đức Maria là điều Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành, là điều Người muốn Giáo Hội của Người trở thành: đó là trở nên một người Mẹ dịu dàng và khiêm cung, nghèo nàn vật chất và giàu có tình yêu, sạch tội và hiệp nhất cùng Chúa Giêsu, giữ Chúa trong lòng chúng ta và nhớ đến người láng giềng trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta hãy nhìn lên Mẹ của chúng ta. Nơi con tim Mẹ, trái tim của Giáo Hội đang đập. Nếu chúng ta muốn tiến lên phía trước, chúng ta cần phải quay lại: và bắt đầu lại từ chiếc nôi của Chúa Hài Nhi, từ Mẹ là Đấng đang bồng Chúa trong vòng tay.
(trích Giảng Lễ Mẹ Thiên Chúa, 1.1.2018)
website : giadinhctc.com
Ý cầu nguyện chung trong PT: Xin Chúa cho đại dịch chóng qua. Xin Chúa thương xót toàn thể nhân loại, thương xót VN, cách riêng đến TP.HCM
|
Ý cầu nguyện riêng:
|