Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN NĂM B - 10/10/2021

BÀI ĐỌC 1 (Kn 7, 7-11)

 

"Đem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không".

 

Trích sách Khôn Ngoan.

 

7 Vậy tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết.
Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi.

8 Đức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng
còn hơn cả vương trượng, ngai vàng.
Tôi không coi của cải là gì so với Đức Khôn Ngoan.

9 Đối với tôi, trân châu bảo ngọc
chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan,
vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan,
cũng chỉ là cát bụi,
và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất.

10 Tôi đã ham chuộng Đức Khôn Ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp,
đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng,
vì vẻ rực rỡ của Đức Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi.

11 Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi.
Nhờ tay Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể.

Nhân loại không  chờ đến Thánh Kinh và đạo của Thiên Chúa Ít-ra-en mới khám phá rằng những của cải từ đức khôn ngoan, sự thông minh và nhất là tấm lòng còn quý hơn vàng bạc trân châu bảo ngọc trên đời. Gần như tất cả bài chúng ta vừa đọc, có thể từ một nhà hiền triết Hy-lạp không có đạo Ki-tô viết ra. « 8 Đức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng còn hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi không coi của cải là gì so với Đức Khôn Ngoan. 9 Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi ». Thế nhưng nói là một điều, còn thực hiện lại là một điều khác nữa. Chúng ta phải còn nhiều điều để học hỏi từ chương này của bài đọc !

Nhưng điều lợi ích của bài này ở chỗ khác. Không phải để cho chúng ta một bài học sống tử tế, mặc dù không phải bằng thừa khi lặp lại những điều hiển nhiên này cho chúng ta. Nội dung thật sự quan trọng hơn nhiều, vì người thốt lên những lời này là từ một vị vua, Vua Sa-lô-mon. Sách Khôn Ngoan được viết khoảng năm 50 trước công nguyên. Rất lâu sau thời vua Sa-lô-mon, bởi vì ngài trị vì vào năm 950 trước CN. Nhưng sách này suy ngẫm về vua Sa-lô-mon và đề nghị như một mẫu gương cho người thời đại. Đây là một giai đoạn đời sống vua Sa-lo-mon mà chúng ta đang đọc trong bài này :

Chúng ta đang ở những năm đầu tiên của triều đại. Sau những  mánh khoé chính trị ghê tởm, những thanh toán bằng bạo lực, Sa-lô-mon lên ngôi, tất cả những kẻ thù chính trị bị loại trừ. Sau này ông sẽ xây lại đền thờ, nhưng lúc ấy ông tổ chức một buổi lễ vĩ đại đầu tiên khởi đầu triều đại tại Ga-ba-on, cách Giê-ru-sa-lem về phía bắc mười hai Km. Trong lễ toàn thiêu, Sa-lô-mon dự định dâng một ngàn súc vật, vì thế phải mất một thời gian. Có lẽ ông ngủ đêm lại đó vì ban đêm trong giấc ngủ ông thấy một cơn mộng bất hủ. Chúa hiện ra và nói với ông : «Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho. »( 1V 3,5) Sa-lô-mon trả lời : «  mặc dầu con chỉ là một thanh niên bé nhỏ, không biết cầm quyền trị nước.8 Con lại ở giữa dân mà Chúa đã chọn, một dân đông đúc, đông không kể xiết, cũng không đếm nổi.9 Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế?( 1V 3,7-9)

Câu trả lời ấy làm Chúa vui lòng, Ngài phán : « Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử,12 thì này, Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp.13 Cả điều ngươi không xin, Ta cũng sẽ ban cho ngươi: giàu có, vinh quang, đến nỗi suốt đời ngươi không có ai trong các vua được như ngươi » ( 1V 3, 11-13) .

900 năm sau, Sách Khôn Ngoan nhắc lại câu chuyện ấy cho người đương thời. Sách triển khai đề tài này trong nhiều chương. Khi sách nhắc lại lời vua Sa-lô-mon : « 7 Vậy tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi », có lẽ là muốn ám chỉ thẳng vào những người uy quyền thời ấy. Các nhà chính trị mọi thời đều có khuynh hướng cho rằng họ có sự khôn ngoan bẩm sinh … và độc quyền nữa!  Bài này đến với họ để nói, ngay cả một vị vua vĩ đại như Sa-lô-mon, có tiếng là khôn ngoan, ngài cũng còn biết rằng đó là ơn lãnh nhận từ Thiên Chúa, với lòng khiêm nhường ngài đã cầu xin từ Thiên Chúa.

 Chúng ta có thể hiểu xa hơn lời châm biếm các nhà chính trị để dẫn tới một mạc khải thật sự. Một lần nữa chúng ta nhận ra Thánh Kinh, một đàng giống các sách văn chương cùng đề tài như thế nào, nhưng mặt khác cũng hoàn toàn khác biệt với các loại sách ấy. Chính trong sự khác biệt chúng ta nhận ra điều Chúa Mạc Khải. Trong các dân tộc khác, đặc biệt bên Ai-cập, mọi người tin rằng vua là một nhân vật đặc biệt, từ bẩm sinh có sự khôn ngoan thiêng liêng. (Dĩ nhiên các nghi lễ đều để làm chứng cho lòng tin ấy !). Trái hẳn lại, Thánh Kinh trình bày ở đây một vị vua thế lực, lừng danh, không ai chối cãi từ sự cao quý, những thành tích và của cải châu báu của nhân vật này, nhưng ông nhìn nhận rằng mình chỉ là một con người : « 21 Nhưng tôi vẫn hiểu rằng : Đức Khôn Ngoan, tôi không thể có được, nếu Thiên Chúa chẳng ban cho tôi » ( Kn 8,21)

Và cũng vua Sa-lô-mon ấy khẳng định rằng :

   « 1 Phần tôi, tôi cũng chỉ là một con người phải chết, giống như mọi con người. Tôi thuộc dòng dõi của con người đầu tiên đã được nắn ra từ bụi đất.2 Suốt chín tháng trời nơi dạ mẫu thân, thân xác tôi đã thành hình trong máu huyết, kết tụ bởi tinh khí nam nhân, và khoái lạc đi liền với giấc ngủ. 3Ngày tôi chào đời, tôi hít thở chung một bầu khí. Tôi rơi trên đất, chịu chung thân phận với mọi người. Tôi cất tiếng khóc, tiếng đầu đời của bất cứ một ai. 4 Tôi được quấn tã và dưỡng nuôi chăm sóc.5 Không vị vua nào không khởi sự cuộc đời như thế : 6 Ai cũng như ai khi sinh ra và lúc lìa đời. Vua Sa-lô-môn ca ngợi Đức Khôn Ngoan » (7,1-6).

Và ông nói tiếp :

« 7 Vậy tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết », kế tiếp là bài chúng ta vừa đọc hôm nay.

Bài học thứ hai của bài đọc hôm nay là các vua cũng là con người sẽ phải chết, không khác gì mọi người. Chỉ có Thiên Chúa là Chúa, vua không phải chúa mà cũng không phải là thần linh gì. Bài học thứ hai là tất cả những hiểu biết đến từ Thiên Chúa, là món quà của Ngài. Không ai trên đời có thể khẳng định rằng tự mình có sự hiểu biết. Sách Khôn Ngoan còn đào sâu hơn, và đó là nội dung không nói thẳng ra trong bài đọc của chúng ta. Các câu sau quả quyết rằng kho tàng của sự Khôn Ngoan cũng có thể được trao ban cho bất cứ người nào, giống như sự hiểu biết đã được ban cho các vua, vì  các vị cũng chỉ là người phàm như mọi người. Chỉ cần xin qua cầu nguyện. Như đoạn sau trong chương này : « Đức Khôn Ngoan ngự vào những tâm hồn thánh thiện, biến họ nên bạn hữu của Thiên Chúa, nên ngôn sứ của Người »( 7,27). Có nghĩa là toàn nhân loại có thể chia sẻ sự khôn ngoan của vua Sa-lô-mon.

***

 

THÁNH VỊNH (Tv89-90, 12-17)

 

"Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan

 

12 Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.

13 Lạy CHÚA, xin trở lại! Ngài đợi đến bao giờ?
Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây.

14 Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa,
để ngày ngày được hớn hở vui ca.

15 Xin ban tặng chúng con niềm hoan hỷ,
bù lại những tháng năm
Ngài đã bắt nếm nhục nuốt sầu.

16 Ước gì chúng con là tôi tớ Chúa
được thấy công trình Ngài thực hiện,
và con cháu chúng con được thấy vinh hiển Ngài.

17 Xin cho chúng con được vui hưởng
lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con.
Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố,
xin củng cố việc tay chúng con làm.

 

Rất có thể chúng ta đang ở trong khuông khổ của nghi lễ sám hối trong Đền Giê-ru-sa-lem, sau cuộc lưu đày Ba-by-lon. Lời nguyện: « 13 Lạy CHÚA, xin trở lại! Ngài đợi đến bao giờ, Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây.? », là đặc trưng của nghi lễ phụng vụ sám hối. Câu « đợi đến bao giờ » được dịch rất sát nghĩa, ngụ ý nói rằng, bây giờ chúng con thật đau khổ, bị trừng phạt vì những lỗi lầm của chúng con ; xin Ngài tha thứ và cất đi hình phạt này. Dấu hiệu thứ hai cũng đi cùng hướng ấy, câu : « 15 Xin ban tặng chúng con niềm hoan hỷ, bù lại những tháng năm Ngài đã bắt nếm nhục nuốt sầu ». Trong Thánh Kinh  cụm chữ  « những tháng năm Ngài đã bắt nếm nhục nuốt sầu »  là ám chỉ năm mươi năm lưu đày Ba-by-lon. Đó là cách hiểu Thánh Kinh như sự trừng phạt lỗi phạm Ít-ra-en đối với Giao Ước.

Cho nên bài thánh vịnh này là lời nguyện xin ơn trở lại : « 12 Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan ». Ơn trở lại tức là sống theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, để cuối cùng biết « đếm tháng ngày mình sống». Không phải ngẫu nhiên mà bài thánh vịnh này được đề nghị cho chúng ta đọc như một tiếng vang của Bài Đọc 1 chúa nhật hôm nay, trích từ sách Khôn Ngoan. Bài TV đến để cho chúng ta một định nghĩa tuyệt vời của sự khôn ngoan : biết đếm tháng ngày mình sống.

Trong bài này người viết thánh vịnh cho chúng ta suy niệm về sự khác biệt giữa A-đam và Sa-lô-mon. Cả hai được sinh ra để làm vua : Sách Sáng Thế nói rằng A-đam được gọi làm bá chủ các tạo vật ; còn Sa-lô-mon được gọi trị vì dân Chúa. Một đàng thì phồng căng tính kiêu ngạo, trong lúc Sa-lô-mon không bao giờ quên mình là một tạo vật nhỏ bé. Những tín hữu biết rằng chỉ có Thiên Chúa mới biết điều thiện điều ác, trong lúc sự kiêu ngạo làm cho A-đam trong vườn địa đàng khẳng định rằng mình có thể tự cho mình sự hiểu biết ấy. « ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác » ( St3,4), con rắn hứa như thế.

Sa-lô-mon thì biết sự khôn ngoan không thể tự nhiên mà có nơi con người và ông cầu nguyện để xin điều đó. Sách Sáng Thế có ghi lời nguyện ấy của vua Sa-lô-mon :

 
« 1 "Lạy Thượng Đế của bậc tổ tiên, lạy Đức Chúa từ bi lân tuất, Chúa dùng lời Chúa mà tác thành vạn vật,

2 dùng sự khôn ngoan Chúa mà cấu tạo con người, để con người làm chủ mọi loài Chúa dựng nên,

3 và sống sao cho thánh thiện công chính mà chỉ huy cả vũ trụ này, cùng được một tâm hồn ngay thẳng mà phân biệt phải trái.

4 Xin rộng ban cho con Đức Khôn Ngoan hằng ngự bên toà Chúa. Xin đừng đuổi con đi mà chẳng nhận làm con.

5 Vì thân này là tôi tớ, con của nữ tỳ Ngài, số phận mỏng manh, cuộc đời vắn vỏi, việc pháp đình lề luật, con bé bỏng hiểu chi !

6 Quả thế, con người ta dẫu thập toàn đi nữa mà chẳng có Đức Khôn Ngoan của Ngài, thì cũng kể bằng không vậy » ( St 9,1-6)  

Đấy là một người biết đếm tháng ngày mình sống ! Một người biết nhìn ra vẻ huy hoàng công trình của Thiên Chúa : « 16 Ước gì chúng con là tôi tớ Chúa được thấy công trình Ngài thực hiện, và con cháu chúng con được thấy vinh hiển Ngài ». Đó cũng là bí quyết của niềm hạnh phúc của Sa-lô-mon. Sự khôn ngoan thật sự là ở vị trí của mình, nhỏ bé đối với Thiên Chúa ; trước mặt Ngài chúng ta chẳng là gì … chỉ là hạt bụi trong tay Ngài. Khi con người nhận ra mình là thế nào, lúc ấy mới có thể hạnh phúc, có thể no đầy tình yêu Thiên Chúa mỗi buổi sáng, có thể có cuộc sống trong niềm vui và « 14 Từ buổi mai, … no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca ».Trong Thánh Kinh, con người ý thức mình nhỏ bé, không phải là điều nhục nhã, vì ở trong tay Chúa : đó là một sự nhỏ bé, đầy lòng tin tưởng như con đối với cha. Tình Cha con đậm đà đến nổi có thể vững tin xin Ngài :  «  17 Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con. Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm. »

Tác giả thánh vịnh viết bài này lúc từ Ba-by-lon trở về và để dâng tặng cho Mô-sê. Nếu chúng ta lật Thánh Kinh ra sẽ thấy câu đầu bài thánh vịnh «  1 Lời cầu nguyện của ông Mô-sê, người của Thiên Chúa ». Thật vậy, chúng ta có thể tưởng tượng ông Mô-sê cũng không thiếu gì cơ hội để suy ngẫm về những cơ hội thiếu khôn ngoan của dân này, trên đường Si-na-i. Một ngày, chán nản ông nói : « 7 Anh (em) phải nhớ, đừng quên rằng anh (em) đã chọc giận ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), trong sa mạc. Từ ngày anh (em) ra khỏi đất Ai-cập cho đến khi tới đây, anh em đã phản nghịch chống lại ĐỨC CHÚA » ( Đnl 9,7)  Chúng ta nên biết rằng có một nguyên do chung giữa ba trường hợp : lỗi phạm của A-đam trong vườn địa đàng, trải nghiệm dân Ít-ra-en trong sa mạc và sự cám dỗ luôn luôn rình rập chúng ta là quên sự vĩ đại của Thiên Chúa và không biết nhận ra sự nhỏ bé của chúng ta.

Câu chót của bài thánh vịnh thật tuyệt vời : « xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm ». Có lẽ công trình Ít-ra-en vừa mới khởi sự đầy khó khăn khi lưu đày mới trở về, tức là việc xây lại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem giữa những phản đối tứ bề. Nhưng một cách tổng quát hơn, bài này nói về công trình của Chúa và loài người : Con người hành động thật sự, cộng tác vào công trình tạo dựng, nhưng chính Chúa ban cho sự vững chắc và hiệu quả. Ngược lại, hệ quả của tội lỗi A-đam  làm cho  công việc vừa nặng nhọc vừa bạc bẽo  …Vì thế chúng ta có thể tự hỏi : mỗi lần chúng ta cố gắng làm cho Nước Trời tiến lên có vẻ quá vất vả, phải chăng vì chúng ta quên  không « biết đếm những ngày mình sống » như trong bài thánh vịnh này, có nghĩa là chúng ta quên không đặt sự bé nhỏ của chúng ta trong bàn tay Thiên Chúa.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân              

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com