ANH EM HÃY TỈNH THỨC và CẦU NGUYỆN LUÔN!
Tin Mừng theo Thánh Luca 21, 36
Thánh ca Mùa Vọng khai mạc.
Chúng ta hãy cầu nguyện để bắt đầu.
Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen
Lạy Chúa Cha toàn năng, xin cho đoàn tín hữu chúng con hằng quyết tâm làm việc thiện, để đón chào Con Chúa đang ngự đến xét xử trần gian. Nhờ đó, chúng con sẽ được Người cho ở bên hữu, và gọi vào hưởng phúc Nước Trời. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen
(Sách lễ Rôma, Lời nguyện CN.1 VỌNG)
1 - LẮNG NGHE LỜI CHÚA
Tin Mừng theo thánh Luca 21,25-28.34-36.
- Một người công bố Lời Chúa. Mọi người đứng lắng nghe.
- Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.
2 - NHỚ LẠI LỜI CHÚA ĐỂ GHI NHẬN
Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và ghi nhận 1 lời chạm đến tôi, dựa theo các câu hỏi gợi ý sau đây:
- Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Chúa Giêsu?
Tôi hiểu biết Chúa tôi rõ hơn ở chỗ nào?
- Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi ở chỗ nào?
Lòng tôi được thúc đẩy yêu mến Chúa Giêsu hơn ở điểm nào?
- Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm gì để đi theo Chúa?
..........................................................................................................
(Nếu đã quen làm Lectio Divina trong Nhóm hay ở gia đình, sau khi suy niệm, có thể mời vài người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình ).
3 - CHIÊM NGHIỆM ĐỂ NHẬN RA CHÚA ĐẾN VỚI TÔI
Đọc lại Lời Chúa một lần nữa, sau đó suy nghĩ: Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào?
Bắt đầu Mùa Vọng với CN 1, Giáo Hội kêu gọi chúng ta ý thức về Ngày Chúa đến. Đó là lúc tận thế, mà cũng có thể là ngày Chúa gọi mỗi người chúng ta ra đi. Lời Chúa hôm nay nhắc đến 3 thái độ.
- Chúa Giêsu nói: "Muôn dân sẽ lo lắng hoang mang… Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc.." (c. 25-26).
Có khi nào cảm xúc này ám ảnh tôi không? Trong thời gian Đại dịch Covid 19 ? Hoặc lúc cái chết đang rình rập tôi? Hay khi nào khác…
Chúa nói đến ngày tận cùng của trái đất, ngày kết thúc lịch sử loài người. Tôi có tin sẽ xảy ra một ngày như thế không? Tôi biết trước cuộc đời mình sẽ chấm dứt như thế nào không? Thái độ của tôi như thế nào? Hoang mang hay lo sợ ? Hay …? Tại sao?
.................................................................................................
.................................................................................................
- Chúa Giêsu nói: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời.”(câu 34).
Thái độ Chúa khuyên bảo chúng ta là như thế. Hãy cảnh giác và đề phòng! Đừng để lòng ra nặng nề vì chỉ biết hưởng thụ, vui chơi, mà bỏ bê công việc ông Chủ giao cho mình; lo lắng sự đời này mà quên mất sự sống đời sau! Trong xã hội hiện nay, người ta vẫn thấy nhan nhản những con người sống như vậy! Còn tôi thì sao? Phải đề phòng những chuyện gì? Tôi ham mê thứ gì?lo lắng những việc nào?...
.................................................................................................
.................................................................................................
- “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức… và đứng vững trước mặt Con Người” (câu 36).
Người tín hữu khôn ngoan và vững niềm trông cậy vào Chúa Giêsu Kitô - họp mừng Chúa Phục Sinh mỗi Chúa Nhật - luôn tỉnh thức và cầu nguyện, sẽ có đủ sức chiến đấu với ba thủ, và vững mạnh đứng vững đón chờ Vua Vinh Quang. Cho tới bây giờ, việc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật đã đem lại cho tôi những ơn nào trong đời?
.................................................................................................
.................................................................................................
4 - CẦU NGUYỆN
Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa.
Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình hay chuyển cầu cho người khác, theo sự thúc đẩy của Lời Chúa tôi đã nghe.
* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.
Lời nguyện kết Thánh vịnh đáp ca 24
Lạy Chúa, con nâng tâm hồn lên cùng Chúa.
Đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.
Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,
dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.
Tất cả đường lối Chúa đều là yêu thương và thành tín,
đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa.
Chúa xử thân tình với những ai kính sợ Chúa
và cho họ biết giao ước của Người.
Sáng danh…
5 - NHÌN TỚI HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN
- Tôi chọn 1 câu Tin Mừng để đọc đi đọc lại và suy ngẫm.
...............................................................................................
- Mùa Vọng nhắc chúng ta Nhớ Lại CHÚA ĐÃ ĐẾN, Nhận Ra CHÚA ĐANG ĐẾN, và Nhìn Tới CHÚA SẼ ĐẾN. Tôi cần quan tâm học hỏi giáo lý thêm về mầu nhiệm Chúa Giêsu làm người, cứu độ con người và canh tân thế giới, để sống như môn đệ-thừa sai của Ngài. Tôi quyết tâm thế nào trong việc cần làm này?
..............................................................................................................
..............................................................................................................
CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Nhận biết Chúa Giêsu: đó là sự chiêm ngắm, cầu nguyện để xin nhận biết Chúa Giêsu. Có một kinh nguyện rất hay của một vị thánh: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con”: biết chính mình và biết Chúa Giêsu.
Ở đây thánh nhân nói về một mối tương quan cứu độ. Đừng hài lòng với việc mình nói 3 hay 5 điều đúng về Chúa Giêsu, bởi vì biết Chúa Giêsu là một cuộc phiêu lưu khám phá, một cuộc phiêu lưu nghiêm chỉnh, chứ không cuộc phiêu lưu của một thiếu niên, bởi vì tình yêu của Chúa Giêsu thì không giới hạn.
Chính thánh Phaolô nói: “Người có toàn quyền để làm nhiều hơn những gì chúng ta có thể cầu xin hay nghĩ tới. Người có quyền năng để làm điều đó. Nhưng chúng ta phải xin Người. “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa; xin cho khi con nói với Chúa, con không nói những lời như con vẹt, nhưng nói những lời xuất phát từ kinh nghiệm của con”, và như Phaolô nói: “Ngài đã yêu tôi và phó mình vì tôi” và nói với sự xác tín và thuyết phục. Đây là sức mạnh của chúng ta, đây là chứng tá của chúng ta.
Các Kitô hữu của lời nói thì chúng ta có rất nhiều; cả chúng ta cũng thể, nhiều lần chúng ta cũng là Kitô hữu chỉ bằng lời nói như thế.
Điều này không phải là sự thánh thiện; sự thánh thiện là trở nên Kitô hữu, những người thực hành trong đời sống điều mà Chúa Giêsu đã dạy và điều mà Chúa Giêsu đã gieo trong tâm hồn họ.
(trích bài Giảng 25.10.2018)
Ý cầu nguyện chung trong PT: Xin Chúa cho đại dịch chóng qua. Xin Chúa thương xót toàn thể nhân loại, thương xót VN, cách riêng đến TP.HCM
|
Ý cầu nguyện riêng:
|
Ý kiến bạn đọc