"Đây mọi cái mới đã được tạo dựng".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
14 Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết.
15 Đức Ki-tô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình.
16 Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Ki-tô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa.
17 Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.
« 14 Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết. » Chữ thôi thúc ở đây có nghĩa rất mạnh, có thể hiểu là Tình yêu Đức Ki-tô tóm lấychúng tôi. Chúng ta không hỏi tình yêu nào : tình Chúa Ki-tô yêu chúng ta, hay tình ta yêu Chúa. Hỏi như thế là theo quan điểm loài người. Trong lô-gíc của Thiên Chúa cả hai là một, vì như thánh Gio-an nói : mọi tình yêu đến từ Thiên Chúa.
« 14 Tình yêu Đức Ki-tô tóm lấy chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người. », tức là chúng ta chiêm niệm Thánh Giá. Có lẽ cũng nên học chiêm niệm Thánh Giá vì là cách tốt nhất để lãnh nhận Mặc Khải của Thiên Chúa. Đó là giai đoạn sau cùng phương pháp sư phạm của Thiên Chúa: ngày nào chúng ta chưa gặp gỡ Đấng Ki-tô, « Người-Thiên Chúa », đấng làm Người bị đóng đinh trên thập giá, ngày ấy chúng ta không thể biết Chúa, có nghĩa là chưa hiểu Tình Yêu của Chúa bao la đến chừng nào. Mọi sự đã bắt đầu từ ngưỡng cửa Tân Ước, nhưng thiếu sự mặc khải tối cao, sự mặc khải này được ban trên Thánh Giá.
Trong Cựu Ước chúng ta luôn ở trong một trạng thái gọi là sơ đồ bù trừ : ông Ap-ra-ham đàm phán với Chúa để cứu hai thành Xơ-đôm và Gô-mô-rê bằng những lời lẽ bù trừ : « 24 Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? ( St 18,24).Chúa trả lời : « 26 ĐỨC CHÚA đáp: "Nếu Ta tìm được trong thành Xơ-đôm năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó." ( St 18) Ông A-ra-ham vững tin vì ban đầu đã thành công liền đánh bạo trả giá từng chút từng chút với Chúa : « Giả như tìm được mười người thì sao? » Và một lần nữa Chúa trả lời : « Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơ-đôm. » ( St 18) Tiên tri Giê-rê-mi-a còn đi xa hơn nữa vì ngài thấy trước được chỉ cần một người công chính là dân Chúa sẽ được cứu độ. : « Trên các quảng trường thành phố ấy,hãy tìm xem có gặp được một người, (có nghĩa là một người xứng đáng là một người) một người biết thi hành luật pháp, biết sống cho chân thật, Ta sẽ dung tha cho cả thành » (Gm 5,1) . Bài ca Người Tôi Trung Đau Khổ trong I-sa-i-a cũng nói lên cùng một lô-gíc đó :
«4 Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta,
đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,
còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt,
bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.
5 Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,
bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;
người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,
đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.
6 Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu,
lang thang mỗi người một ngả.
Nhưng ĐỨC CHÚA đã đổ trên đầu người
tội lỗi của tất cả chúng ta…
11 Nhờ nỗi thống khổ của mình,
người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện.
Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta,
sẽ làm cho muôn người nên công chính
và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ » ( Is 53,4-6 ; 11)
Dưới ánh sánh của Chúa Ki-tô trên Thánh Giá, đọc lại sách I-sa-i-a, chắc chắn chúng ta hiểu khác câu sau đây : « Chúa chịu chết cho tất cả chúng ta » là cách trước tiên thể hiện đức tin Ki-tô của chúng ta : « 45 Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người » ( Mc 10,45); « Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. » ( Mc14,24) ; « 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.( Ga 15,13)
« …một người đã chết thay cho mọi người » đó thật là trung tâm đức tin của chúng ta. Nhưng đó cũng là trung tâm của mầu nhiệm Thiên Chúa vì thế không thể nào có thể bày tỏ bằng ngôn ngữ loài người được. Chúng ta chỉ có thể tiếp cận ít nhiều mầu nhiệm ấy. Câu hỏi đầu tiên dĩ nhiên là ý nghĩa của cụm chữ « chết thay cho mọi người ». Thật ra « Thay cho » , hay « giùm cho » ? Chắc chắn là không thể thay cho khỏi chết vì khi tới phiên chúng ta, ai cũng phải chết. Ở đây chắc chắn là « giùm cho », có nghĩa là cái chết của Người có một ý nghĩa cho chúng ta ; cuộc đời chúng ta được biến đổi hẳn nhờ cái chết của Người. Một cách chính xác Chúa chết đi để chúng ta được sống (hiểu thầm là sống cuộc sống đích thực theo nghĩa của thánh Gio-an) :« 3 Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô. » ( Ga 17,3). Được cứu rỗi là « biết » Thiên Chúa. Chúa Ki-tô chịu chết đi để chúng ta biết Thiên Chúa thật, vì chính trên thập giá chúng ta mới biết rõ dung nhan thật của Ngài, tình yêu vẫn sống mãi vượt trên mọi hận thù, mọi ganh ghét, mọi khát vọng quyền lực và áp bức. Suốt cuộc đời công khai của Chúa là để chống lại mọi lệch lạc ấy của con người, và cũng chính vì những lệch lạc ấy của con người mà Ngài phải chết. Ngài chấp nhận đối đầu với cả một đại dương bạo lực để mặc khải sự dịu hiền, lòng trìu mến và tha thứ của Thiên Chúa. Trong nghĩa đó chúng ta có thể cùng nói với tiên tri I-sa-i-a :« 5 Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành ( Is 53,5). Nhưng không phải là đền bù nữa mà thật ra là một sự mặc khải. Sự chết của Chúa Ki-tô mang lại cho chúng ta sự sống, không phải Ngài đã trả gía cho những lỗi lầm chúng ta nhưng Ngài đã mặc khải cho chúng ta dung nhan thật của Thiên Chúa. Cách nhìn và đọc như thế không thể nào có được một khi chưa ngẫm nhìn Đức Ki-tô trên thập giá.
Vì thế thánh Phao-lô nói trong câu16: « 16 Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Ki-tô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa. »Sự khám phá dung nhan thật của Chúa ấy, sự mặc khải của thánh giá ấy, sự « hiểu biết » mới ấy, dĩ nhiên làm cho chúng ta hoa mắt thán phục. Tuyệt vời hơn nữa sự nhận thức này đồng nghĩa với sự kết hiệp, sâu kín, thay đổi cách sống chúng ta từ chiều sâu. Từ nay chúng ta sống theo Thần Khí của Chúa : « 14 Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi… 17 Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi ».
***