"Hãy tán tạ Chúa, bởi đức từ bi Người còn muôn thuở"
21 Ước chi họ dâng lời cảm tạ vì tình thương của Chúa,
và vì những kỳ công Chúa đã thực hiện cho người trần.
22 Ước chi họ dâng lễ tế tạ ơn Chúa,
cất tiếng hò reo, tường thuật việc Chúa làm.
23 Họ vượt biển ngược xuôi nghề thương mãi,
giữa trùng dương lèo lái con tàu,
24 mắt đã tường việc CHÚA làm nên
và kỳ công Người thực hiện giữa dòng nước lũ.
25 Chúa truyền lệnh khiến bùng lên bão táp,
lớp sóng xô cuồn cuộn dập dồn.
26 Họ nhô lên tận trời, nhào xuống vực sâu,
lúc nguy hiểm, hồn xiêu phách lạc,
27 bị quay cuồng, lảo đảo như say,
khéo cùng khôn đã chìm đâu mất.
28 Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng CHÚA,
Người đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân.
29 Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng,
sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng,
30 họ vui sướng, vì trời yên bể lặng
và Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ.
31 Ước chi họ dâng lời cảm tạ vì tình thương của Chúa,
và vì những kỳ công Chúa đã thực hiện cho người trần.
Có người trong chúng ta đã thấy những bia nguyện, dưới hình thức những bức tranh, thường ở Âu Châu trong các nhà thờ, đặc biệt ở miền Nam xứ Pháp : Các bức tranh vẽ những cảnh rất ấn tượng với những chi tiết bi đát của những tình huống tuyệt vọng. Ví dụ những thuỷ thủ đang lặn hụp giữa biển động, chiếc tàu giữa những làn sóng khổng lồ, các thuỷ thủ khiếp đảm, thân nhân cầu nguyện trên bờ…Nếu bức tranh ấy được treo trong nhà thờ, giả thuyết có thể nhất là mọi chuyện đã kết thúc tốt đẹp ! Và một ngày nọ, tất cả các gia đình, mắt ráo lệ nhưng hôm nay vì quá vui, đem bức tranh đến nhà thờ, để cảm tạ tác động của Chúa đã cứu được thân nhân của mình.
Thánh vịnh 106 (107) mà chúng ta đọc hôm nay như bức tường nhà thờ được treo những bức tranh ấy : nó gợi lại bốn tình huống bi đát, bốn hiểm họa chết người. Con số bốn không phải ngẫu nhiên, theo Thánh Kinh có nghĩa là tất cả. Nó biểu trưng cho tất cả những hiểm nguy đe dọa nhân loại và đặc biệt là dân của Chúa.
Bức tranh đầu tiên gợi lại dân chúng trong sa mạc sách Xuất Hành, dũng cảm đương đầu với đói khát trên đường tiến đến tự do, sau khi ra khỏi Ai Cập. :
« 4 Họ lạc bước trong vùng sa mạc, nơi cằn cỗi,
không thấy đường về chốn thành thị để định cư,
5 vừa đói vừa khát, mạng sống đã hầu tàn.
Khi gặp bước ngặt nghèo …»( Tv 107, 4-5)
Bức tranh thứ hai đưa chúng ta đến những người bị lưu đày sang Ba-by-lon :
« 10 Họ phải sống trong cảnh tối tăm mù mịt,
kiếp lầm than xiềng xích gông cùm;
12 Người bắt họ nếm mùi gian khổ,
phải lao đao mà không kẻ đỡ nâng. ( Tv 107, 10 ;12)
Bức tranh thứ ba gợi lại nỗi tuyệt vọng tâm lý khốn cùng, nỗi thất vọng, ngày nay gọi là « trầm cảm » :
« 17 Họ hoá điên trong cuộc đời lầm lỗi,
gánh tội tình đè nặng tấm thân,
18 mọi thức ăn, họ đều chê chán,
và tiến gần tới cửa âm ty » ( Tv 107, 17-18)
Và sau cùng là những thủ thuỷ đang đắm tàu giữa giông bão :
« 23 Họ vượt biển ngược xuôi nghề thương mãi,
giữa trùng dương lèo lái con tàu,
24 mắt đã tường việc CHÚA làm nên
và kỳ công Người thực hiện giữa dòng nước lũ.
25 Chúa truyền lệnh khiến bùng lên bão táp,
lớp sóng xô cuồn cuộn dập dồn.
26 Họ nhô lên tận trời, nhào xuống vực sâu,
lúc nguy hiểm, hồn xiêu phách lạc,
27 bị quay cuồng, lảo đảo như say,
khéo cùng khôn đã chìm đâu mất » ( Tv 107,23-27).
Tất cả những người ấy đều là những người có đức tin, họ có phản ứng đúng đắn, là kêu đến Chúa để cứu nguy. Bốn lần bài thánh vịnh lập lại như một điệp khúc : « 28 Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng CHÚA,Người đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân » và bài thánh vịnh kể ra những lúc Chúa can thiệp để cứu dân Ngài trong mỗi tình huống. Cho những kẻ trong trường hợp đầu :
« Người đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân,
7 dắt họ đi thẳng đường ngay lối
về chốn thành thị để định cư …
9 Họng ráo khô, Chúa cho uống phỉ tình,
bụng đói lả, Người cho ăn thoả thích.»
Cho những kẻ bị đày sang Ba-by-lon:
«14 đưa ra khỏi cảnh tối tăm mù mịt
và đập tan xiềng xích gông cùm.
…
16 Cửa đồng kia, Chúa đã phá tung,
then sắt nọ, tay Người bẻ gãy »
Những kẻ suy sút tinh thần Chúa
« 20 Sai lời Người đến, chữa cho lành mạnh,
cứu họ khỏi sa vào hố sâu »
Còn những người đang trong cơn nguy :
29 « Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng,
sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng,
30 họ vui sướng, vì trời yên bể lặng
và Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ »
Kết luận lô-gíc nhất của các tín hữu ấy là tạ ơn Chúa thật xứng đáng. Vì thế một lần nữa bài thánh vịnh lập lại như một điệp khúc :
« 22 Ước chi họ dâng lễ tế tạ ơn Chúa,
cất tiếng hò reo, tường thuật việc Chúa làm »
Các bạn hẳn đã hiểu, những tín hữu ấy là dân It-ra-en, họ đã gặp lần lượt bốn tình cảnh bi đát đó và bao nhiêu thứ khác nữa…họ có thể nói lên những trải nghiệm của họ ( đó là ý nghĩa câu đầu bài TV) :
« Hãy tạ ơn CHÚA vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương »
Và theo suốt giòng lịch sử họ càng tạ ơn Chúa. Đúng là một bài kinh cầu nguyện lập đi lập lại những kỳ công Chúa làm cho dân It-ra-en.
« 33 Chúa khiến sông ngòi cạn đi thành sa mạc,
đổi suối nguồn ra hoang địa khô khan,
34 đất mầu mỡ hoá đồng chua nước mặn,
vì dân cư độc ác gian tà.
35 Người lại biến sa mạc thành hồ ao
và hoang địa khô khan nên nguồn suối.
36 Kẻ nghèo đói, Người cho đến ở,
họ lập nên thành thị để định cư.
37 Gieo lúa ngoài ruộng, trồng nho trong vườn,
họ thu hoạch hoa màu lợi tức.
38 Chúa chúc lành, họ sinh sôi nảy nở,
bầy gia súc, Người không để giảm đi.
39 Nhưng rồi họ phải tiêu hao lụn bại,
điêu đứng vì tai hoạ với khổ đau.
40 Chúa đổ nhuốc nhơ xuống hàng quyền thế,
bắt phiêu bạt giữa chốn hoang vu,
không đường ra lối vào.
41 Nhưng Chúa lại cất nhắc
kẻ nghèo hèn thoát cảnh lầm than,
ban cho cả giống dòng
như chiên cừu sinh năm đẻ bảy.
42 Người chính trực thấy thế mà mừng rỡ,
bọn gian tà chẳng dám hé môi »
Nhiều thế kỷ về sau một người phụ nữ It-ra-en, đúng là một người « chính trực » bậc nhất, tìm lại những giọng điệu này : thật vậy, không thể chối cãi bài thánh vịnh hôm nay của chúng ta giống kỳ lạ bài Magnificat : Mẹ Maria như mọi tín hữu đích thực trải nghiệm các hành động của Thiên Chúa, nhìn lại tất cả lịch sử loài người dưới ánh sáng này :
« Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54 Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời." ( Lc1, 50-55)
Câu chót của bài thánh vịnh rút bài học cho tất cả : « 43 Ai kẻ hiền nhân, hãy để tâm suy nghĩ,thì sẽ am tường lòng CHÚA thương yêu » Có lẽ đây chính là chìa khoá của những « hiền nhân » : Bất cứ lúc nào gặp bão tố trong đời phải biết rằng Chúa đang hiện diện và làm chủ mọi sóng gió. Thường một cách tự động khi chúng ta phải đương đầu với đau khổ, bất cứ đau khổ nào, chúng ta như ông Gióp, bị cám dỗ kêu rằng Chúa bất công, tại sao Ngài lại bỏ chúng ta. Không hơn gì ông Gióp, chúng ta không thể thấy lý do giải thích chính đáng các đau khổ đang trải qua trong đời nhưng chúng ta được mời gọi sống với lòng cậy trông. Nên nhớ luôn lời của Tiên Tri Khác-gai : « Thần khí Ta ở giữa các ngươi; các ngươi đừng sợ » (kg 2,5)
***