BÀI ĐỌC 1 CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH Năm A (Is 60, 1-6)
"Vinh quang Chúa xuất hiện trên ngươi"
Trích sách Tiên tri I-sa-i-a
1 Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi.
Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi.
2 Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân;
còn trên ngươi ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả,
vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.
3 Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi,
vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.
4 Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem,
tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi:
con trai ngươi từ phương xa tới,
con gái ngươi được ẵm bên hông.
5 Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ,
lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ,
vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả,
của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi.
6 Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha:
tất cả những người từ Sơ-va kéo đến,
đều mang theo vàng với trầm hương,
và loan truyền lời ca tụng ĐỨC CHÚA.
Có thể tin rằng dường như tiên tri I-sa-i-a đã dự trù các nhà chiêm tinh đến thăm tại Bê-lem. Đọc bài này trong dịp lễ Hiển Linh thật cám dỗ để tin như thế. Nhưng không, I-sa-i-a, như mọi khi nói cho những người đương thời. Hơn nữa ngài không nói về Bê-lem, một thị trấn nhỏ không đáng chi, nhưng về Giê-ru-sa-lem. Ngài dự trù một tương lai vinh quang. Và khi tôi nói « vinh quang », từ này không quá đáng đâu!
Có ánh sáng trong mỗi câu: các bạn có nhận xét chăng những từ ngữ biểu hiện ánh sáng và bóng tối; những từ ngữ đối chiếu với ánh sáng suốt đọan này? « Vì ánh sáng của ngươi đến rồi; Kìa bóng tối bao trùm mặt đất; ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả; Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi; vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi ». Ánh sáng của Giê-ru-sa-lem chiếu đến nỗi làm lu mờ đi những nơi khác; cạnh Giê-ru-sa-lem tất cả có vẻ tối tăm: « Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi »
Chúng ta quen cách phát biểu như thế của các ngôn sứ. Khi các ngài hứa sẽ có ánh sáng tức là lúc ấy không mấy được ánh sáng chiếu; sự thật về mặt tinh thần, mọi người còn đang trong đêm tối. Cách nói như thế không phải nói dân chúng đang sảng khóai, nhưng trái lại đang thật sự u buồn: có trong đêm tối, mới chờ dấu hiệu của bình minh. Và chính vai trò của ngôn sứ là đem lại can đảm, nhắc lại ngày sẽ đến.
Sứ điệp của I-sa-i-a hôm nay là: anh em có cảm tưởng như trong con đường hầm, nhưng ở cuối đường là ánh sáng. Hãy nhớ lại lời hứa: ngày ấy sẽ đến, mọi người sẽ nhận ra Giê-ru-sa-lem là Thành Thánh. Kết luận: đừng buông tay, hãy bắt đầu làm việc, hãy dồn hết sức lực xây lại Đền Thờ, như các bạn đã hứa.
Hẳn các bạn muốn nói với tôi, ngôn sứ I-sa-i-a đâu nói rõ như thế. Thật vậy nhưng chúng ta được thông báo rõ hơn nhờ tiên tri Khác-gai. Nhờ ngài chúng ta biết việc dân từ Ba-by-lon về không đáp ứng mọi chờ đợi. Những người bị lưu đày đã về, đúng thế nhưng đừng tưởng mọi sự tốt đẹp như mọi người nghĩ. Trước hết có những kẻ đã ở lại sống khá vất vả trong thời gian chiến tranh và lúc đất nước bị chiếm đóng. Và chắc chắn rằng của cải những kẻ lưu đày bị chiếm giữ, khó tránh được. Cuộc lưu đày kéo dài 50 năm chứ có ít gì! Kế đến, những người bị đày trở về mong tìm lại chỗ đứng của họ, tìm lại của cải trước kia. Thế nhưng cuộc lưu đày kéo dài 50 năm, có nghĩa là phần đông những người ra đi đã chết bên ấy, những người trở về là con hay cháu của họ. Cuộc hội ngộ không đơn giản chút nào… Sau cùng còn có những người xứ ngoài đến cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, và ở khắp xứ, trong bối cảnh mọi sự bị đảo lộn như thế có những tập quán, những tôn giáo khác được hội nhập. Nói tóm lại, thế giới ấy không mấy thích hợp để sống chung với nhau…
Lý do chính yếu để chia rẽ là việc xây lại Đền thờ. Vì ngay lúc những người đi đày trở về - vua Ky-rô cho phép năm 538 - những người đầu tiên lập lại bàn thờ cũ trong Đền Giê-ru-sa-lem và khởi sự cử hành phụng tự như xưa. Đồng thời chính họ khởi sự xây lại Đền thờ. Bầu khí sốt sắng và xúc động cao độ, tiếng cười và nước mắt lẫn lộn. Sách Ét-ra kể rằng: « Không ai có thể phân biệt được tiếng reo hò vui sướng với tiếng khóc của dân, vì dân lớn tiếng reo hò và tiếng họ vọng đi xa » (Er 3, 13)
Thì lại xảy đến, những người bị xem như lạc giáo muốn xen vào. Làm cho cộng đồng siết chặt lại với nhau và từ chối sự giúp đỡ ấy, nguy hiểm cho đức tin. Đền thờ của Chúa Duy Nhất không thể để cho những người khác xây, sau này họ lại muốn cử hành các phụng tự khác! Như dự đoán, sự từ chối này gây bất bình trầm trọng, và từ nay những người bị đuổi khéo, làm tất cả để phá rối. Hết, không còn công trường, không còn mộng xây lại Đền Thánh! Năm này đến năm khác trải qua, mọi người nản lòng: ngày trở về xứ bao nhiêu năm chờ đợi, nay đáng thất vọng.
Nhưng nản lòng, thối chí là không xứng đáng với dân tộc mang lấy lời hứa của Thiên Chúa. Vì thế, vào năm 520 trước CN, khoảng giữa mùa thu, ngày chót của Lễ Lá có một ngôn sứ - được ít người nói tới, chỉ rao giảng trong 6 tháng, sách của ông rất ngắn (3 trang trong Thánh Kinh chúng ta) - tiên tri Khác-gai quyết định lay tỉnh dậy các đồng hương của ông. Đề tài của ngài là: hết rồi, đừng than vãn nữa, hãy bắt tay vào việc, xây lại Đền Giê-ru-sa-lem. Và ngài nói tương tự như những gì chúng ta nghe từ ngôn sứ I-sa-i-a, và chính ngài cho chúng ta có thể tưởng tượng bối cảnh nào ngôn sứ I-sa-i-a nói với chúng ta trong bài.
Để lên tinh thần quân ta, hai vị ngôn sứ chỉ có một lập luận, nhưng thật vững chắc: Giê-ru-sa-lem là Thành Thánh, thành được Chúa chọn, và để dấu chỉ sự Hiện Diện của Ngài hiện hữu. Vì lẽ chính Thiên Chúa đã cam kết với vua Sa-lô-môn, lấy quyết định: « … xây một ngôi nhà kính danh ĐỨC CHÚA » (1Sb 22, 7), mà ngày nay, nhiều thế kỷ đã qua, ngôn sứ I-sa-i-a dám nói với những người đồng hương: « 1 Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi. » Và ở cuối bài các dân tộc tập hợp nhau lại không lầm; họ hát lên bài ca tán tụng, bài ca không dành cho thành phố hay dân chúng mà tán tụng Thiên Chúa: « tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng ĐỨC CHÚA. » Năm này đến năm khác, cử hành lễ Hiển Linh nhắc lại chúng ta dự án vĩ đại của Thiên Chúa cho tất cả nhân loại. Phần chúng ta hãy biết nhận định, như tiên tri I-sa-i-a, những tia sáng đầu tiên của bình minh giữa đêm của chúng ta.
***
THÁNH VỊNH CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH Năm A (Tv71, 2.7-8.10-11a.12-13)
"Lạy Chúa, mọi dân tộc trên địa cầu đều thờ lạy Chúa."
1 Của vua Sa-lô-môn.
Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,
2 để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.
3 Núi đem lại cảnh hoà bình trăm họ,
đồi rước về nền công lý vạn dân.
4 Người sẽ bảo toàn quyền lợi dân cùng khổ,
ra tay cứu độ kẻ khó nghèo,
đập tan lũ cường hào ác bá.
5 Nguyện chúc Người tuổi thọ sánh vầng ô,
như bóng nguyệt đến muôn đời muôn kiếp!
6 Mong Người xuống tựa mưa sa nội cỏ,
ơn vũ lộ thấm nhuần cả đất đai.
7 Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.
8 Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.
9 Dân vùng sa mạc khúm núm quy hàng,
tất cả đối phương nhục nhằn cắn cỏ.
10 Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống.
Cả những vua Ả-rập, Xơ-va,
cũng đều tới tiến dâng lễ vật.
11 Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,
muôn dân nước thảy đều phụng sự.
12 Người giải thoát bần dân kêu khổ
và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,
13 chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ,
14 giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn,
từng giọt máu họ, Người đều coi là quý.
15 Tân Vương vạn vạn tuế!
Thiên hạ sẽ đem vàng Ả-rập tiến dâng lên,
và cầu xin cho Người luôn mãi,
ngày lại ngày chúc phúc cho Người.
16 Mong cho xứ sở đầy dư gạo thóc,
đỉnh non cao sóng lúa rì rào,
trổ bông vàng đẹp tựa núi Li-băng,
thâu lượm được nhiều như cỏ dại.
17 Danh thơm Người sẽ trường tồn vạn kỷ,
nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời.
Ước gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành,
và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc.
18 Chúc tụng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa Ít-ra-en,
chỉ có Ngài làm nên những công trình kỳ diệu.
19 Muôn muôn đời xin chúc tụng danh Chúa hiển vinh,
ước gì vinh quang Chúa chiếu toả khắp hoàn cầu!
A-men. A-men.
Cho ngày Lễ Hiển Linh, phụng vụ đề nghị chúng ta chỉ đọc một ít câu của bài Thánh vịnh 71 (72) này; tuy nhiên muốn hiểu rõ hơn, nên đọc toàn cả bài. Vì thế tôi chép trọn bài ở đây.
Trước hết, hãy tưởng tượng chúng ta đang tham dự lễ tấn phong cho một tân vương. Các vị tư tế dâng lên những lới cầu nguyện, tất cả là những lời chúc mà thần dân các xứ dâng lên mỗi lần mở đầu một triều đại: Tất cả các đoạn (trừ đoạn chót) nói rõ các chi tiết các lời chúc ngày lễ tôn vương: những lời chúc cho một thời chính trị vĩ đại cho vua, nhưng nhất là những lời chúc hoà bình và công lý cho toàn dân. Có thể nói, những « ngày đầu phấn chấn »! Đó là một đề tài không còn nghe ở thời nay... Từ muôn thuở người ta vẫn mơ như thế! Của cải, phồn vinh cho mọi người, công lý và hòa bình… và như thế cho toàn dân và cho đến tận cùng trái đất…
Đoạn sau cùng thay đổi hẳn: không còn là vấn đề vua dưới trái đất này nhưng chỉ là Chúa: « 18Chúc tụng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa Ít-ra-en, chỉ có Ngài làm nên những công trình kỳ diệu. 19 Muôn muôn đời xin chúc tụng danh Chúa hiển vinh, ước gì vinh quang Chúa chiếu toả khắp hoàn cầu! A-men. A-men. » Chính đoạn này cho chúng ta chìa khóa của bài Thánh Vịnh. Sự thật, bài này được sáng tác và hát sau thời lưu đày Ba-by-lon - vậy là giữa năm 500 và 100 trước CN - tức là thời kỳ không còn vua ở Ít-ra-en, có nghĩa là những lời chúc, những lời nguyện không dành cho vị vua thế gian nào bằng da bằng thịt… Nhưng đây là vị Vua mà mọi người mong đợi, chính Chúa đã hứa, Vua-Mê-si-a. Và vì lẽ đó lời hứa của Chúa, thì thế nào cũng sẽ được thực hiện.
Suốt tất cả Thánh Kinh đều miêu tả niềm cậy trông bất diệt đó: Lịch sử loài người có một chủ đích, một ý nghĩa, một hướng đi. Chúa có một chương trình, chương trình của Ngài linh ứng suốt Thánh Kinh. Cựu Ước cũng như Tân ước: chương trình này có nhiều tên gọi tuỳ mỗi tác giả. Ví dụ như « Ngày của Chúa » nơi các tiên tri; « Nước Trời » của Thánh Mát-Thêu; « kế hoạch yêu thương » theo Thánh Phao-lô, nhưng tất cả đều chỉ định chương trình ấy của Thiên Chúa. Cũng như một tình nhân cứ lập đi lập lại không nhàm chán lời tỏ tình của mình, Chúa luôn luôn đề nghị một chương trình hạnh phúc cho nhân loại. Chương trình đó sẽ được thực hiện bởi Đấng Mê-si-a, mà Đấng ấy là Đấng mọi tín hữu dâng mọi lời chúc trong các Thánh Vịnh trong đền thờ Giê-ru-sa-lem.
Đặc biệt Tv 72 này là cách miêu tả vị vua lý tưởng, vị vua mà dân Ít-ra-en chờ đợi từ hằng bao thế kỷ. Trong bài hát Giáng Sinh « Trời hân hoan » bằng tiếng Pháp có nói các tiên tri đã hứa từ 4000 năm... điều này không hẳn đúng sự thật. Tôi nghĩ con số bốn nghìn năm được viết ra cho đúng âm điệu… Khi Chúa Giê-su sinh ra là khoảng 1000 năm sau khi tiên tri Na-than tới loan báo cho vua Đa-vít lời hứa sau đây: « 12 Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. 13 Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. 14Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Khi nó phạm lỗi, Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của người phàm, bằng đòn của con người. 15 Tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó, như Ta đã cho rời khỏi Sa-un, kẻ Ta đã bắt rời khỏi mặt ngươi. 16 Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi. » (2Sm 7, 12-16)
Từ thế kỷ này sang thế kỷ khác lời hứa đó được lập đi lập lại, loan đi và xác định lại. Sự xác tín về lòng trung tín vào lời hứa của Chúa làm cho mọi người khám phá ra sự phong phú và những hậu quả của những lời hứa đó; sở dĩ vị vua đó xứng đáng được danh hiệu Con Thiên Chúa, là vì Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa, một vị vua của công lý và hoà bình.
Mỗi lần tuyên dương một tân vương, lời hứa đó được dâng lên cho vua và mọi người lại mơ. Từ thời vua Đa-vít, người ta chờ mong và dân Do Thái vẫn luôn chờ. Nhưng cũng phải công nhận rằng một triều đại lý tưởng ấy chưa hề thấy trên trái đất này. Cuối cùng có thể chỉ là một ảo tưởng… Nhưng người có đức tin không cho là ảo tưởng: Đây là một lời hứa của Chúa, tức là một xác tín. Và suốt Thánh Kinh niềm xác tín đó được nêu ra, đây là một niềm cậy trông bất diệt: chương trình của Chúa sẽ được thực hiện, chúng ta tiến tới từ từ nhưng, chắc chắn nó sẽ đến. Đó là phép mầu của đức tin: đứng trước lời hứa, mỗi lần thất vọng, có hai thái độ có thể có: Người không có đức tin nói « Đấy, tôi đã nói, chuyện không bao giờ có » nhưng người có đức tin sẽ nói « hãy kiên nhẫn, vì Chúa đã hứa, Ngài không bao giờ nói dối » như Thánh Phao-lô trong (1Tm 2, 13).
Thánh vịnh này nói lên vài khía cạnh những gì đáng chờ đợi nơi một vị vua lý tưởng: ví dụ như « quyền bính » và « công lý », rồi sẽ đồng nghĩa với nhau. Đó là cả một chương trình: thật vậy, không ai có thể kể ra một vị vua loài người nào chỉ phục vụ lẽ công chính; than ôi rất thường, quyền lực đi đôi với lợi nhuận dưới mọi hình thức và những lạm dụng quyền thế khác. Chính bởi vì chúng ta chỉ là con người mà thôi!
Chỉ có nơi Chúa, quyền lực là ở tình yêu: Thánh vịnh chúng ta xác định như thế, nên có câu: « Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương, trao công lý Ngài vào tay Thái Tử ». Và bởi vì vị vua chúng ta được trang bị mãnh lực của chính Thiên Chúa - một mãnh lực chỉ là tình yêu và công lý - sẽ không còn người khốn khổ trong vương quốc của Ngài. « 7 Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nào tuế nguyệt chẳng còn... 12 Người giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương »
Vị vua ấy, ai cũng muốn ngài ngự trị khắp địa cầu! Vì thế ai cũng chúc cho vương quốc thế ấy không giới hạn không gian và thời gian. « 5 Nguyện chúc... 7 Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn »
Lúc bấy giờ, mỗi khi hát Tv này, những « tận cùng trái đất » được biết là xứ A Rập và Ai cập; vì thế ở đây nói tới các vua Saba và Sơ-va: Saba là phía Nam A rập và Sơ-va là phía nam của Ai cập… Còn Tác-sít là một xứ trong tưởng tượng, có nghĩa là « tận cùng trái đất ».
Ngày nay dân Do Thái hát Tv này để chờ đợi Vua-Mê-si-a; chúng ta là người Ki-tô hữu, chúng ta cho rằng vua ấy là Đức Giê-su Ki-tô, và hình như ba Vua đến từ Phương Đông đã thể hiện lời hứa năm nao:
« 10 Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống. Cả những vua Ả-rập, Xơ-va, (và saba) cũng đều tới tiến dâng lễ vật. 11 Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng, muôn dân nước thảy đều phụng sự »
***
BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH Năm A (Ep 3, 2-3a.5-6)
"Bây giờ được tỏ ra rằng các dân ngọai được đồng thừa bởi lời hứa."
Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-sô.
2 Hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em.
3 Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Ki-tô như tôi vừa trình bày vắn tắt trên đây.
5 Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người.
6 Mầu nhiệm đó là: trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.
Đoạn này được trích từ thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Ê-phê-sô, chương 3. Thế nhưng trong chương thứ nhất của thư này, Thánh Phao-lô có một phát biểu bất hủ về kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Ở đây chúng ta cũng có cùng một sứ điệp. Tôi xin nhắc lại một đoạn của chương 1: « 9 Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. 10 Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. Cũng trong Đức Ki-tô ».
Trong đoạn được đọc hôm nay, chúng ta tìm lại hoàn toàn quan điểm này. Hơn nữa, câu đầu ngài nói: « Hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi ». Cụm chữ « thực hiện kế hoạch của Ngài » không có trong sách bài đọc, nhưng có trong Thánh Kinh. « Kế họach Thiên Chúa » hay « kế họach yêu thương » đều như nhau.
Chúng ta tìm thấy chữ « mầu nhiệm » ba lần trong bài hôm nay. Mầu nhiệm, đối với Thánh Phao-lô không phải là một bí mật Chúa giữ riêng lấy cho mình; trái lại Ngài muốn cho chúng ta vào chia sẻ những gì thâm sâu trong Ngài. Thánh Phao-lô nói ở đây: « 3 Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Ki-tô ». Mầu nhiệm ấy là kế hoạch yêu thương của Ngài, dần dần Chúa mặc khải cho chúng ta. Suốt lịch sử Thánh Kinh, chúng ta khám phá ra Chúa triển khai một phương pháp sư phạm phong phú, chậm rãi, nhẫn nại để đem dân Ngài chọn vào mầu nhiệm của Ngài. Chúng ta có trải nghiệm ấy khi chúng ta không thể cùng một lúc dạy tất cả cho một đứa trẻ con: ngày qua ngày chúng ta nhẫn nại dạy tuỳ tình huống. Chúng ta không thể dạy trước cho một đứa trẻ những bài học lý thuyết về sự sống, sự chết, hôn phối, gia đình… cũng như các mùa trong năm, những giống hoa: đứa trẻ sẽ khám phá ra gia đình trong những ngày vui ngày buồn thật sự; từng loại hoa, nó cũng cùng trải qua các mùa như chúng ta… khi gia đình có đám cưới, có một đứa trẻ được sinh ra, một đám tang. Khi ấy đứa trẻ sống cùng với chúng ta những sự kiện ấy và dần dần chúng ta đồng hành với nó để khám phá ra cuộc sống.
Thiên Chúa cũng triển khai một thứ sư phạm đồng hành ấy với dân Ngài và mặc khải dần dần về Ngài. Đối với Thánh Phao-lô rõ ràng sự mặc khải ấy đã bước qua một giai đoạn quyết định với Chúa Ki-tô. Lịch sử nhân loại được chia ra làm hai giai đoạn: trước và khởi đầu từ Chúa Ki-tô: « Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người. » Điều này có thể làm cho chúng ta hân hoan nhận thấy dương lịch chúng ta đếm năm thành hai giai đoạn, trước và sau Công Nguyên. (Công Nguyêntrong tiếng La-tinh là Anno Domini, viết tắt AD hay A.D, nghĩa là Năm của Chúa hay Kỉ nguyênKitô, theo Wikipedia).
Mầu nhiệm ấy, ở đây, Thánh Phao-lô gọi đơn sơ là « mầu nhiệm Chúa Ki-tô », nhưng đây là chúng ta biết ngài muốn nói gì, đó là Chúa Ki-tô là trung tâm của thế giới và của lịch sử, một ngày cả vũ trụ sẽ qui tụ về chung quanh Ngài, như các chi gắn với thân thể. Hơn thế nữa, trong câu: «quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. Cũng trong Đức Ki-tô, » (Ep 1, 10), chữ thủ lãnh theo tiếng Hy-lạp là đầu. Đây là ngài muốn nói cả nhân loại hoàn vũ, ở đây thánh nhân xác định: « Mầu nhiệm đó là: trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa ».(c5)
Có thể nói cách khác: gia nghiệp là Chúa Giê-su Ki-tô… lời hứa là Chúa Giê-su Ki-tô, Thân thể là Chúa Giê-su Ki-tô, kế hoạch yêu thương là Chúa Giê-su Ki-tô, vì Chúa Giê-su Ki-tô là trung tâm của thế giới, toàn vũ trụ qui tụ nơi Ngài. Trong Kinh Lạy Cha, khi chúng ta đọc, ý Cha thể hiện, đó là chúng ta nói đến kế hoạch của Thiên Chúa, và dần dần cứ lặp đi lặp lại câu ấy chúng ta thấm nhuần lòng ao ước một ngày kia kế hoạch ấy sẽ hoàn toàn được thực hiện.
Thì đây kế hoạch của Thiên Chúa là cho toàn nhân loại, không chỉ cho dân Do Thái. Đó là khi chúng ta nói tính cách hoàn vũ của dự án Thiên Chúa. Đó là một xác tín của dân Ít-ra-en vì điều này đuợc biết từ lời hứa chúc phúc toàn thể nhân loại cho tổ phụ Áp-ra-ham: « Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc » (St 12, 3). Và các tiên tri không ngừng lặp lại: đoạn sách I-sa-i-a trong Bài Đọc1 hôm nay cũng trong chiều hướng ấy. Và sở dĩ các Tiên tri thường nhấn mạnh, là vì chúng ta có khuynh hướng quên đi.
Cũng như thế, trong thời Chúa Ki-tô sở dĩ Thánh Phao-lô xác định: « trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa » vì điều này không phải tự nhiên mọi người nghĩ như thế. Thì đây, chúng ta phải có một chút cố gắng tưởng tượng để hiểu. Chúng ta không ở trong các tình huống của những người đương thời với Thánh Phao-lô: đa số chúng ta không có gốc Do Thái, và cũng không ngạc nhiên được dự phần cứu độ từ Đấng Mê-si-a. Còn có khi, sau hơn 2000 năm Ki-tô giáo, chúng ta có khuynh hướng quên rằng Ít-ra-en là dân Chúa chọn, vì, hơn nữa, Thánh Phao-lô nói: « Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình » (2Tm 2, 13). Ngày nay chúng ta có khuynh hướng tin rằng chúng ta là những chứng nhân duy nhất của Thiên Chúa trên thế gian. Nhưng trong thời Chúa Ki-tô thì trái lại. Dân Do Thái là những kẻ đầu tiên được mặc khải về Đấng Mê-si-a: Chúa Giê-su sinh ra là người Do-thái. Đó là điều lô-gíc với chương trình của Thiên Chúa và việc tuyển chọn dân Ít-ra-en. Dân Do Thái là dân Chúa chọn, họ được Chúa chọn làm tông đồ, những chứng nhân, và là công cụ của sự cứu độ cả nhân loại. Và chúng ta cũng biết người Do-thái có khi không chấp nhận những người trước kia trong dân ngoại vào cộng đồng của họ. Thánh Phao-lô đến nói với họ: hãy chú ý… « kể từ đây dân ngoại cũng có thể là tông đồ, và chứng nhân của sự cứu độ ». Nhân dịp này tôi cũng xin lưu ý, Thánh Mát-thêu trong bài Phúc Âm về cuộc thăm viếng của các nhà chiêm tinh - được đọc trong Lễ Hiển Linh - cũng nói cho chúng ta hoàn toàn giống như thế.
Những chữ sau cùng của bài này nhắc lại: « trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa ». Nếu tôi hiểu không lầm, kế hoạch yêu thương của Chúa cũng dành cho chúng ta. Thiên Chúa kết hợp chúng ta vào kế hoạch yêu thương của Ngài: các nhà chiêm tinh thấy xuất hiện một ngôi sao lạ, họ lên đường ra đi; đối với những người đương thời với chúng ta, không có ngôi sao lạ, nhưng phải có những chứng nhân của Tin Mừng.
***
PHÚC ÂM CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH Năm A (Mt 2, 1-12)
Alleluia, alleluia !
– Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương,
và chúng tôi đã đến triều bái Người.- Alleluia.
-----------------
"Chúng tôi từ phương Đông đến thờ lạy Đức Vua".
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu
1 Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem,
2 và hỏi: "Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người."
3 Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao.
4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu.
5 Họ trả lời: "Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng:
6 "Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời."
7 Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện.
8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: "Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người."
9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại.
10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng.
11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến.
12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.
Tất cả chúng ta thiết tưởng đều biết truyện « Ba Vua », nhưng nếu chúng ta phải kể lại cho trẻ em, thì nên đọc lại bài này trước. Chúng ta sẽ thấy không phải là vua, có lẽ không phải có ba người, mà cũng không ai biết họ thuộc dân tộc màu da nào. Tất cả những chi tiết rõ ràng về sự kiện này được tưởng tượng thêm vào về sau, vì dần dần các nghệ sĩ muốn biểu tượng hình ảnh này.
Vì thế, chúng ta nên theo Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu chứ không theo huyền thọai về sự kiện này. Đọc lại bài Phúc Âm, tôi thầm nói câu truyện hình như không mấy lạ kỳ như trước kia! Hay đúng hơn điều lạ kỳ không ở chúng ta tưởng; thật ra, các nhà chiêm tinh lên đường theo một ngôi sao lạ mới xuất hiện, thì đâu có gì đáng ngạc nhiên: chiêm tinh và đoán số thời nào cũng có. Điều kỳ quặc không ở đấy. Và hơn nữa, vua Hê-rô-đê Cả, là người có tính đặc biệt lo lắng, rất quan tâm đến câu truyện ngôi sao này… Hơn nữa trong xứ Pa-lét-tin, từ lời tiên tri Bi-lơ-am (Ds 24, 17) mọi người chờ đợi vương triều của Đấng Mê-si-a sẽ được một ngôi sao xuất hiện báo hiệu. Bi-lơ-am đã tuyên bố rất long trọng: «17 Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên; một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp » Nói với Hê-rô-đê về một vì sao sẽ xuất hiện… điều này chỉ làm ông hoãng sợ!
Tình thế không mấy tầm thường, đáng làm cho Hê-rô-đê lắng tai nghe. Thử đặt vào địa vị của Hê-rô-đe xem. Ông ta là người Do Thái, là vua Do Thái, nhưng chỉ làm vua nhờ quyền thế của vương triều La-mã, và chỉ do quân La-mã mà thôi… Ông ta rất hãnh diện về danh hiệu của mình và hết sức ganh ghét những ai che bóng ông: cũng đừng quên ông từng ám sát vợ, anh em vợ và gia đình vợ mình. Ông còn cho tàn sát chính những đứa con trai của mình, đứa nào được một chút lòng dân. Hê-rô-đê giết vì ganh tị. Thế mà có tiếng đồn trong thành: những chiêm tinh xứ ngoài đến từ xa và hình như họ nói: chúng tôi thấy xuất hiện một ngôi sao phi thường, chúng tôi biết rằng đây là một điềm báo hiệu một hài nhi- vua mới được sinh ra… chắc chắn là vua Do Thái thật sự vừa mới sinh. Thử tưởng tượng xem cơn thịnh nộ và sự lo lắng của Hê-rô-đê như thế nào!
Hơn nữa rất có thể Thánh Mát-thêu cho chúng ta một tóm lược cả một đời Chúa Giê-su, vì suốt đời Ngài gặp sự đối kháng và những cơn giận của chính quyền và giáo quyền. Và khi Thánh sử nói: « vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao », tôi nghĩ đây là một cách nói cho nhẹ đi những điều ấy! Dĩ nhiên Hê-rô-đê không tỏ ra giận dữ; phải dùng thủ đoạn: thế nào ông cũng cần phải có những thông tin về hài nhi này, một kẻ địch tiềm năng… Vì thế ông tìm hiểu.
Đầu tiên ông muốn biết chỗ nào. Thánh Mát-thêu nói ông ta cho triệu tập các thượng tế và kinh sư và hỏi xem Đấng Mê-si-a sinh ra ở đâu. Câu trả lời rất rõ ràng. Trong Thánh Kinh. Tiên tri Mi-kha đã nói Đấng Mê-si-a sẽ sinh ra ở Bê-lem… Nơi này biết rồi. Kế tiếp ông tìm hiểu tuổi của hài nhi, vì ông đã có thâm ý muốn loại trừ. Ông triệu tập các nhà chiêm tinh để hỏi xem ngôi sao xuất hiện khi nào. Không được biết câu trả lời nhưng đoạn sau giúp chúng ta đóan ra được: Hê-rô-đê loại tất cả những trẻ dưới hai tuổi, trừ hao rộng như thế để chắc chắn không sai. Ông đã lấy quyết định như thế. Bấy giờ ông tỏ ra ngọt ngào tiễn các nhà chiêm tinh đi Bê-lem, họ sẽ trở lại nói xem có điều chi đáng ngại không.
Nhân dịp này, các bạn biết rằng đây là một trong những dấu hiệu hiếm có về ngày sanh của Chúa Giê-su! Ngày chết vua Cả Hê-rô-đê là năm -4 trước CN ( ông sống từ 73 đến 4 trước CN). Chính vì ông ta cho giết tất cả hài nhi dưới hai tuổi: tức là các trẻ sinh giữa năm 6 và 4 trước CN, có lẽ giữa năm 6 và năm 5….
Chỉ từ thế kỷ thứ VI, khi người ta muốn tính đếm lịch - thật là chính đáng - từ ngày sinh Chúa Giê-su (Không từ lịch do đế quốc La-mã), mới có sự nhầm lẫn!
Tôi xin trở lại lời Tiên tri Mi-kha. Điều Thánh Mát-thêu trích Lời Chúa không làm chúng ta ngạc nhiên; ngài thường làm như thế. Ngược lại điều đáng ngạc nhiên là khi trích câu ấy, thánh nhân lại biến đổi. Biết rằng người Do Thái kính trọng Thánh Kinh như thế nào, luôn chú ý không bao giờ thể hiện lại một cách không chính xác, thì đây hẳn ngài cố tình như thế. Tiên tri Mi-kha nói: « 1 Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en. » (Mk 5, 1) (Có nhiều sách chép: « ngươi nhỏ bé bé quá không xứng được gọi là thị tộc ») và Thánh Mát-thêu lại nói ngược lại: « Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời. » Điều này để nhấn mạnh sự kiện hài nhi-vua được sinh ra mang lại một vương miện mới cho Bê-lem.
Tôi xin trở về với Bê-lem: thế gian bị đảo ngược. Thì đây là điều kỳ quặc của bài chúng ta đang đọc. Thứ nhất vua Do-thái không phải người chúng ta nghĩ: có một vị vua ở Giê-ru-sa-lem nhưng các nhà chiêm tinh không quỳ bái lạy trước vua này. Kế đến, chúng ta chứng kiến một sự chạm mặt quá thật kỳ lạ: một bên là các nhà chiêm tinh, là những người dân ngọai; phía bên kia là những đại diện giáo quyền Do Thái, những người am hiểu việc Chúa, biết những lời hứa của Thiên Chúa, có thể đọc lên không sai những lời tiên tri… Thế mà chính những người ngoại đầu tiên biết nhận ra Đấng Mê-si-a đến, và biết lên đường đến với Ngài. Thánh Mát-thêu nhấn mạnh: lời hứa Đấng Mê-si-a là cho dân Do Thái, và tất cả những lời tiên tri là để chuẩn bị, nhưng khi Đấng Mê-si-a đến, họ không nhận ra. Thực ra bài tường thuật các chiêm tinh này để minh họa câu trong Lời Tựa Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an: « 11 Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. » (Ga 1, 11)
Hơn thế nữa, qua các món quà của các chiêm tinh, mầu nhiệm Đấng Mê-si-a được mặc khải.
Thật vậy, vàng nói lên Ngài là vua. Vàng là kim khí quý biếu cho các vua. Nhũ hương nói lên Ngài là Thiên Chúa. Trước đền thờ người ta thấp nhũ hương. Sau cùng mộc dược, thường để ướp xác nói lên Ngài là người, cũng phải chết. Chúng ta thường nói, « sự thật xuất phát từ miệng trẻ thơ »… Còn Thánh Mát-thêu thì nói với chúng ta: có khi sự thật xuất phát từ miệng người ngoại!
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.