BÀI ĐỌC 1 (Is 50, 4-7 )
"Tôi đã không giấu mặt mũi tránh những lời nhạo cười,
nhưng tôi biết sẽ không phải hổ thẹn."
Trích sách tiên tri I-sa-i-a.
4 ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng
đã cho tôi nói năng như một người môn đệ,
để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức.
Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi
để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ.
5 ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi,
còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.
6 Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn,
giơ má cho người ta giật râu.
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.
7 Có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi,
vì thế, tôi đã không hổ thẹn,
vì thế, tôi trơ mặt ra như đá.
Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.
Chúng ta đã gặp, cách đây vài tuần, vào chúa nhật thứ hai thường niên, một bài trích sách tiên tri I-sa-i-a mô tả dung nhan Người Tôi Trung Thiên Chúa. Trong bài này tiên tri I-sa-i-a vạch ra mối quan hệ tuyệt vời giữa Người Tôi Trung với Thiên Chúa của Ngài. Đặc tính chính yếu hẳn là sự tín nhiệm: « lắng tai nghe như một người môn đệ » đó là thái độ hoàn toàn tin tưởng: « ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ…ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi ».
Thái độ này hoàn toàn trái ngược với thái độ của A-đam, A-đam người ngờ vực, ông ngờ ý định của Thiên Chúa và tưởng mình đã hiểu khi nghe tiếng xì xào rằng Chúa ganh với tạo vật của Ngài… Tác giả viết bài tường thuật lỗi lầm A-đam chính xác muốn cho thấy sự ngờ vực từ sâu thẳm đáy lòng là nguồn gốc dẫn chúng ta lầm đường và những đau khổ của chúng ta, đưa chúng ta đến cái chết vì nó chia cách ta với Thiên Chúa, là nguồn mạch sự sống: chúng ta được dựng nên để sống bằng hơi thở của Chúa (hẳn các bạn còn nhớ, Chúa nhào nắn con người bằng bụi đất, rồi thổi vào mũi chúng ta hơi thở hằng sống): ngờ vực, tức là cắt lìa chúng ta với mối quan hệ sống còn ấy.
« Lắng tai nghe » hiểu theo Thánh Kinh, là ngược lại với thái độ xì xào, phản đối như ở Ma-xa và Mơ-ri-va. Nới ấy dân chúng vừa mới được Thiên Chúa giải thoát - thoát khỏi nhà nô lệ, như họ nói - tức là kiếp nô lệ bên Ai Cập, dân chúng vừa mới trải nghiệm từ xương máu, hành động cứu độ của Thiên Chúa, lại nở lòng ngờ vực Chúa của họ khi phải đối đầu với những thử thách của sa mạc (ở đây là sự khát). Và từ nay chúng ta quen đặt cạnh nhau hai thái độ mẫu, đời chúng ta không ngừng dao động giữa hai thái độ ấy: trông cậy, tin tưởng vào Thiên Chúa, phó thác, bình tâm theo thánh ý Ngài vì ta biết qua trải nghiệm ý Chúa chỉ có thể tốt đẹp… hoặc nghi kỵ, ngờ vực những ý định Thiên Chúa và phản kháng trước thử thách. Một sự phản kháng có thể đưa đến tình trạng chúng ta tin rằng Chúa bỏ rơi chúng ta hay, tệ hơn, Ngài tìm thấy một sự thoả mãn nào đó khi ta đau khổ. Các ngôn sứ, lần lược hết người này đến người khác lặp lại « hỡi It-ra-en, hãy nghe đây » hay là « hãy nghe lời ĐỨC CHÚA phán. » (Is 1, 10) và từ miệng các vị « nghe » có nghĩa là « luôn luôn tin tưởng vào Thiên chúa bất cứ trong tình huống nào » Thánh Phao-lô giải thích tại sao: tại vì: « Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định » (Rm 8, 28). Từ bất cứ sự dữ nào, khó khăn nào hay thử thách nào Chúa đều làm nảy ra sự lành; từ hận thù Ngài chống đỡ lại bằng một tình thương còn mãnh liệt hơn nữa; trong mọi bách hại, Ngài ban sức mạnh để tha thứ; từ sự chết Ngài cho nảy sinh sự sống, sự Phục Sinh.
Chính nhờ lòng cậy trông ấy Người Tôi Trung chấp nhận sứ vụ được trao phó. Khi chúng ta có cơ hội thật sự phục vụ một cách thực tế tha nhân, có thể nói chúng ta nghe theo lệnh và khi ấy - chúng ta biết qua trải nghiệm - chúng ta có nghị lực, có tiềm năng cần thiết để thực hiện. Như bài này nói: « ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi, » (c7) .
Tôi cố tình nói « sứ vụ được trao phó ». Không phải để chơi chữ nhưng để thể hiện một sự tin tưởng lẫn nhau. Chúa tin tưởng nơi người tôi trung của Mình, Ngài trao một sứ vụ; để đáp lại người tôi trung tin tưởng chấp nhận. Và chính vì chính lòng tin tưởng như thế mới mang lại nghị lực cần thiết để chịu đựng những đối kháng phải gặp tất nhiên trên đường. Trong bài này là sứ vụ của người ngôn sứ: « để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. » (c4). Nhân dịp này , tôi xin lưu ý một lần nữa, mọi sứ vụ đều để phục vụ người khác. Một khi trao sứ vụ ấy, Chúa ban nghị lực cần thiết. Ngài cho lời cần thiết: « ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, » (c4). Chính Ngài nuôi dưỡng lòng tin tưởng ấy, là suối nguồn mọi khả năng táo bạo phục vụ tha nhân: « ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi, » (c5), có nghĩa là khả năng « nghe » (theo Thánh Kinh là tin tưởng, cậy trông ) đều là ơn ban nhưng không từ Thiên Chúa. Tất cà là quà tặng của Ngài: sứ vụ, và cả sức mạnh và cả lòng tin tưởng, giúp không lay chuyển. Đặc điểm người tín hữu là nhìn nhận đó là quà từ Thiên Chúa trao ban.
Và kẻ sống trong ơn thường xuyên sức mạnh từ Thiên Chúa, có thể đương đầu dũng cảm với mọi sự: « tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. » (c5). Trung thành với sứ vụ đòi hỏi bắt buộc phải bị bách hại: những ngôn sứ thật sự, tức là những người thật sự nói nhân danh Thiên Chúa ít khi chết trên giường bệnh… Vì trung thành với Lời của Chúa tất nhiên đưa đến Người Tôi Trung phải làm điều cá biệt, làm mất lòng. Nếu thật sự « nghe » Lời Chúa - tức là đem ra thực hành - thì sẽ nhanh chóng làm xáo trộn. Sự hoán cải của người Tôi Trung mời gọi người khác hoán cải. Có người nghe theo, có người bác bỏ, và nhân danh lý lẽ của họ quay ra bách hại Người Tôi Trung (Đó là chính xác những gì xảy ra cho Chúa Giê-su thành Na-da-rét)
Vì thế mỗi buổi sáng, người Tôi Trung phải múc lấy nghị lực từ nơi Đấng ban cho khả năng đối đầu dũng cảm với mọi sự: « Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ… vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng. » (c4…7). Ở đây tiên tri I-sa-ia dùng một ngôn từ có vẻ lạ lùng trong tiếng Pháp nhưng rất thông thường trong Do Thái ngữ: « tôi trơ mặt ra như đá ». Đây là cách phát biểu sự quả quyết và lòng dũng cảm. Tiếng Pháp đôi khi người ta nói « mặt rã rời », thế thì ở đây Người Tôi Trung quả quyết « không có gì có thể đè bẹp tôi, tôi sẽ đứng vững dù gì đi nữa, các bạn sẽ không thấy mặt tôi rã rời ». Đây không phải lòng tự kiêu hay tự tin thái quá; chỉ vỏn vẹn là lòng tin, vì người Tôi Trung biết nghị lực của mình từ đâu đến : « Có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi…Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng. »
***
THÁNH VỊNH (Tv 21, 8-9. 17-20.23-24)
"Ôi Thiên Chúa! Ôi Thiên Chúa ! sao Chúa đã bỏ con?"
8 Thấy con ai cũng chê cười,
lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai:
9 "Nó cậy CHÚA, mặc Người cứu nó!
Người có thương, giải gỡ đi nào! "
17 quanh con bầy chó đã bao chặt rồi.
Bọn ác đó trong ngoài vây bủa,
chúng đâm con thủng cả chân tay,
18 xương con đếm được vắn dài;
chúng đưa cặp mắt cứ hoài ngó xem.
19 Áo mặc ngoài chúng đem chia chác,
còn áo trong cũng bắt thăm luôn.
20 Chúa là sức mạnh con nương,
cứu mau, lạy CHÚA, xin đừng đứng xa.
23 Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa
cho anh em tất cả được hay,
và trong đại hội dân Ngài,
con xin dâng tiến một bài tán dương.
24 Hỡi những ai kính sợ ĐỨC CHÚA,
hãy ca tụng Người đi!
Hỡi toàn thể giống nòi Gia-cóp,
nào hãy tôn vinh Người!
Dòng dõi Ít-ra-en tất cả,
nào một dạ khiếp oai!
Thoáng đọc qua, thật tình tưởng như bài ThánhVịnh 21(22 ) này được viết đặc biệt cho Chúa Giê-su, ví dụ như câu 17-18: "Bọn ác đó trong ngoài vây bủa, chúng đâm con thủng cả chân tay, 18 xương con đếm được vắn dài", đúng là bài miêu tả cảnh hành quyết bằng thập giá, dưới ánh mắt tàn nhẫn - có thể có ít nhiều tính tò mò bệnh hoạn - của các đao phủ và đám đông: « quanh con bầy chó đã bao chặt rồi. Bọn ác đó trong ngoài vây bủa; 19 Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn. »
Thật vậy, Chúa Giê-su đã sống những cảnh tương tự. Tuy nhiên, bài Thánh Vịnh này không viết cho Ngài, hơn nữa truyện kể về việc đóng đinh trên thập gíá không phải là trung tâm của đề tài.
Bài Thánh Vịnh không viết cho Chúa Giêsu, lý do dễ hiểu là bài này được viết sau khi được giải thoát khỏi cảnh lưu đày Ba-by-lon. Sở dĩ tôi nói nhiều về Ba-by-lon vì đó là một giai đoạn quyết định trong đời sống và đức tin của dân Chúa chọn: một giai đoạn ghê gớm, khủng khiếp… và đồng thời cũng là một thời điểm của lòng tin và cầu nguyện liên lỉ, thời gian của tái khám phá Lời Chúa, và lòng cậy trông.
Để trở về với Thánh Vịnh này, bài được viết và được hát như một thánh ca lúc thoát cảnh lưu đày Ba-by-lon. Ngày trở về này được ví như một tử tù được sống lại: It-ra-en được ví như một tử tù suýt chết trên thập giá (Xin đừng quên thời ấy cách xử tử bằng thập giá rất thông thường). Người tử tù này bị lăng nhục nặng nề, phỉ nhổ, đóng đinh, thí mạng vào tay những đao phủ… và rốt cuộc được thoát nạn như một phép lạ, không chết. Và từ nay, người tử tù này sống trong niềm hân hoan reo mừng cho khắp mọi người nghe, còn to tiếng hơn lời than thở lúc tuyệt vọng. Như thế việc đóng đinh trên thập giá đâu phải cốt lõi của câu truyện, mà chỉ để minh họa rõ hơn lời tạ ơn của kẻ (It-ra-en) vừa được thoát một sự kinh hoàng.
Giữa lúc khốn cùng, người bị nhục hình không ngưng kêu cầu cứu và không một giây phút nào ngờ vực rằng Thiên Chúa sẽ lắng nghe. Lời kêu van mà chúng ta biết rõ "2 Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?" đúng là một lời van xin trước sự im lặng của Thiên Chúa, nhưng không phải một lời tuyệt vọng. Trái hẳn lại! Đây là lời cầu nguyện của một kẻ đau khổ, mà dám kêu lên sự đau khổ của mình. Thì đây chúng ta cũng được soi sáng về lời cầu nguyện của chúng ta những lúc đau khổ, bất cứ sự đau khổ ấy từ đâu đến: Chúng ta có quyền kêu van, Thánh Kinh mời gọi chúng ta làm như thế.
Bây giờ chúng ta nên xét kỹ câu "2 Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa", câu này nói lên trải nghiệm bị bỏ rơi, trong lúc hoàn toàn khốn cùng. Một trải nghiệm không thể chối cãi mà dân It-ra-en đã gánh chịu trong suốt lịch sử… Thế nhưng chỉ riêng cụm chữ: "Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa" chứng tỏ cho chúng ta rằng không bao giờ họ mất lòng tin, Chúa sẽ cứu và giải thoát họ. Câu này không phải ngẫu nhiên với ý nghĩa tầm thường: chỉ câu này thôi đủ nhắc lại Giao Ước với Thiên Chúa: "22 Các ngươi sẽ là dân Ta chọn, và Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi" (Gr 30, 22), câu này luôn được nói lên, mỗi khi đề cập đến Giao Ước. Trong Thánh Kinh mỗi lần chúng ta đọc "Dân ta" hay "Chúa của các ngươi" ... là chúng ta phải hiểu, đây là nói tới Giao Ước với Thiên Chúa.
Vì thế, bài Thánh Vịnh này thật ra là bài thánh ca lúc trở về, sau bao nhiêu năm lưu đày. It-ra-en tạ ơn Chúa. Họ nhớ đến những đau khổ đã qua, những lúc lo lắng trước Thiên Chúa có vẻ thinh lặng. Họ có cảm tưởng bị bỏ rơi trong tay địch thù, nhưng… cứ tiếp tục cầu nguyện. Lời cầu nguyện, và chỉ lời cầu nguyện này thôi là cũng chứng tỏ họ không hoàn toàn mất hy vọng. Nếu không phải thế thì họ cũng chẳng cầu nguyện nữa! It-ra-en tiếp tục nhắc nhở nhau Giao Ứớc và những hồng ân từ Thiên Chúa.
Xét cho cùng, bài Thánh Vịnh này giống như một lời nguyện hứa của chúng ta: Trước cảnh ngặt nghèo, chúng ta cầu nguyện và dâng một lời khấn (đại loại như nếu con thoát qua, con sẽ dựng một bia cho thánh… nào đó) và sau đó nếu được toại nguyện thì giữ lời hứa ấy. Ví dụ như dưới miền Nam xứ Pháp trên các bức tường những nhà thờ có đầy dãy những bức tranh miêu tả những cảnh khó nguy được thoát nạn trong quá khứ. Trong đầu tôi còn nhớ rõ một bức tranh thật thảm thương của một cuộc đắm thuyền dưới sông Rhône, trong ấy cho thấy những cha mẹ bất lựcnhìncác con của mình dưới nước: Chính những người đã khấn thuê vẽ những bức tranh này khi các con của họ thoát chết. Bức tranh ấy có ý nói lên: đấy chuyện suýt nữa đã xảy ra như thế này.
Thánh Vịnh 21 của chúng ta giống như thế. Bài nói lên lòng tuyệt vọng, tình cảm bất lực trước sự thử thách; và sự thử thách ở đây là lòng hận thù của loài người " 2 Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?", chúng ta có thể hiểu, sao Ngài "bỏ mặc chúng con cho sự hận thù của kẻ dữ ?" Chúa biết dân It-ra-en đã chạm trán rất nhiều lần với sự hận thù của con người… nhưng bài Thánh Vịnh này còn nói hơn thế nữa. Cũng như những lời khấn của chúng ta, bài này nói lên tất cả lòng tạ ơn của kẻ đã nhờ ơn Thiên Chúa, và chỉ từ Thiên Chúa mà thôi, mới có sự tự do của họngày nay.
« 23 Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa, cho anh em tất cả được hay »
Theo cách nói của Thánh Kinh, đó là cách nhìn nhận Chúa luôn luôn can thiệp để giải thoát. Và lời tạ ơn tiếp tục:
« và trong đại hội dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương. 24 Hỡi những ai kính sợ Đức Chúa, hãy ca tụng Người đi! »
Những câu sau của bài Thánh Vịnh chỉ là những lời tạ ơn và tán dương. Rất tiếc chúng ta không đọc hết trong Lễ Lá hôm nay. Có lẽ tại vì lẽ ra chúng ta phải thuộc lòng ?
27 Kẻ nghèo hèn được ăn uống thoả thuê, người tìm Chúa sẽ dâng lời ca tụng. Cầu chúc họ vui sống ngàn đời.
28 Toàn thế giới, muôn người nhớ lại và trở về cùng Chúa. Mọi dân tộc dưới trần phủ phục trước Tôn Nhan.
29 Bởi vì Chúa nắm quyền vương đế, Người thống trị chư dân.
30 Mọi kẻ ngủ yên trong lòng đất sẽ đều bái lạy một mình Người, phàm những ai trở về cát bụi sẽ cùng phủ phục trước Thánh Nhan. Phần tôi, nguyện sẽ sống cho Chúa,
31 con cháu tôi sẽ phụng sự Người. Thiên hạ sẽ nói về Đức Chúa cho thế hệ tương lai,
32 truyền tụng cho hậu sinh đức công chính của Người, rằng: "Đức Chúa đã làm như vậy! "
***
BÀI ĐỌC 2 (Pl 2, 6-11)
"Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh người."
Trích thư Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu thành Phi-líp-phê
6 Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
8 Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.
9 Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu
trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
10 Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su,
cả trên trời dưới đất
và trong nơi âm phủ,
muôn vật phải bái quỳ;
11 và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,
mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:
"Đức Giê-su Ki-tô là Chúa".
Đoạn này rất nổi tiếng. Người ta thường gọi là « Bài Ca Thánh Thư gửi Tín Hữu Phi-líp-phê », bởi vì nghe bài này, người ta có cảm tưởng như Thánh Phao-lô không tự mình sáng tác, nhưng ngài trích từ một bài thánh ca thường hát trong phụng vụ.
Hình như một trong những cái bẫy của bài này là khi chúng ta đọc chúng ta bị cám dỗ nghĩ rằng nội dung bài có liên quan đến sự xứng đáng và phần thưởng. Như sơ đồ ấy là: Chúa Giê-su xử sự một cách tuyệt vời và vì thế Ngài nhận được một phần thưởng đáng khâm phục! Sở dĩ tôi dám nói « cám dỗ », tất cả cách trình bày chương trình của Thiên Chúa có quan hệ với tính toán, phần thưởng, xứng đáng - mà tôi gọi là quan hệ toán số - là trái ngược với « ân sủng »Thiên Chúa. Ấn sủng, theo định nghĩa là những gì ban cho nhưng không! Và, thật lạ lùng, chúng ta khó lý luận theo quan hệ cho nhưng không. Chúng ta luôn bị cám dỗ suy luận theo quan hệ xứng đáng = phần thưởng. Nhưng nếu Thiên Chúa chờ đợi chúng ta xứng đáng, thì trong trường hợp này chúng có thể đáng lo lắng… Điều tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa là Ngài không chờ chúng ta xứng đáng mới tràn ơn cho chúng ta; ít nữa đó là điều gì Thánh Kinh nói cho chúng ta biết bằng mọi cách. Vì thế, tôi thiết tưởng để trung thành với bài này, nên đọc với một quan hệ cho nhưng không. Nếu không chúng ta có nguy cơ hiểu trái nghĩa nếu quên rằng là quà tặng nhưng không từ Thiên Chúa, « tất cả là hồng ân » như Thánh Bernanos nói.
Hồng ân Thiên Chúa là quà nhưng không, đối với Thánh Phao-lô, đó là điều hiển nhiên. Điều hiển nhiên này tiềm ẩn trong mọi bài thánh thư, quá hiển nhiên đến độ ngài thấy không cần nói rõ lại. Nếu tôi thử tóm lược tư tưởng Thánh Phao-lô, tôi có thể nói: hồng ân Thiên Chúa là quà nhưng không nhưng chúng ta tự loại chúng ta khỏi món quà nhưng không ấy, nếu chúng ta chọn thái độ đòi hỏi, như một yêu sách, nếu chúng ta cư xử như người phụ nữ vườn Địa Đàng: bà lấy trái cấm, bà chiếm hữu nó như đứa trẻ « cuỗm lấy » trên giang hàng trái cây… Trái lại, Chúa Giê-su Ki-tô chỉ có tiếp nhận (điều Thánh Phao-lô gọ là « vâng lời »), và bởi vì Ngài chỉ tiếp nhận hồng ân từ Thiên Chúa và không đòi hỏi, Ngài được toại nguyện.
Có cách khác để thể hện điều này: chương trình Thiên Chúa (« Kế hoạch yêu thương » của Ngài), đó là đưa chúng ta vào vòng mật thiết với Chúa, vào hạnh phúc của Ngài, vào tình yêu tuyệt hảo của Ngài. Chương trình ấy hoàn toàn nhưng không, điều này dĩ nhiên không có chi đáng kinh ngạc, bởi vì đây là là một chương trình yêu thương. Hồng ân ấy từ Thiên Chúa, việc đưa chúng ta vào đời sống thiêng liêng của Ngài, chúng ta chỉ cần tiếp nhận, tôi có khuynh hướng muốn nói, tiếp nhận với một niềm vui kinh ngạc thán phục tuyệt vời. Không có vấn đề xứng đág hay không, đây là món quà . Với Thiên Chúa tất cả là quà tặng. Thế nhưng chúng ta biết cũng có cách này cách nọ nhận một món quà: hoặc chúng ta nhận như một cách tử tế, có nghĩa là đơn sơ và với lòng biết ơn…. hoặc tìm cách chiếm hữu, như một sở hữu, gần như cướp lấy nó… Khi ấy món quà không còn ý nghĩa món quà nữa, mọi quan hệ bị hỏng mất. Và nếu món quà ấy tuyệt vời (tình bạn, tình yêu…) thì tất cả bị hỏng bởi vì tình bạn, tình yêu thì không thể cướp lấy được. Tình bạn, tình yêu được lãnh nhận, có thể nói, trong tư thế quỳ gối trong niềm vui ngạc nhiên thán phục và lòng biết ơn. Nơi đây món quà Thánh Phao-lô nói là tình yêu vô tận của Chúa, đó là sự sống của Ngài.
« Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa » mà không nghĩ phải nhất quyết đòi hỏi địa vị ngang hàng với Thiên Chúa (c6). Qua đoạn này tôi xin lưu ý, đây là một lời xác quyết rất quan trọng về thiên chức của Chúa Ki-tô. Thánh Phao-lô bắt đầu rao giảng đạo Ki-tô và sáng lập cộng đồng Ki-tô hữu tại Phi-líp-phê vào năm 49 hay 50; ít người biết chính xác bài thánh thư này được viết vào năm nào: nhưng điều chắc chắn là trước khi có các Phúc Âm! Vì thế vào thời ấy đây là cách xác quyết minh bạch về tính hằng hữu và thiên tính của Đức Giê-su.
Bây giờ chúng ta trở về câu: « Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa ». Chính vì Ngài có địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, Ngài mới biết là tình yêu nhưng không… Ngài biết là không nên đòi hỏi, Ngài suy luận rằng đòi hỏi duy trì ngang hàng với Thiên Chúa là không phải lẽ… Thế nhưng chính điều ấy Thiên Chúa muốn trao tặng cho chúng ta! Cho chúng ta như món quà. Rốt cuộc, chính xác Thiên Chúa đã ban điều ấy. Vấn đề giống như giai đoạn Cám Dỗ trong sa mạc: quỷ đề nghị những điều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa! Nhưng Ngài từ chối chiếm hữu, Ngài trông chờ nơi Chúa Cha ban cho Ngài.
Chúa nhận: « danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. » (c9): đó chính là Tên Thiên Chúa! Gọi Chúa Giê-su là Chúa, có nghĩa Ngài là Thiên Chúa. Trong Cựu Ước chữ Chúa chỉ dành cho Thiên Chúa, cũng như cử chỉ bái gối, điều này ám chỉ đến tiên tri I-sa-i-a: « Ta lấy chính danh Ta mà thề, lời chân thật này thốt ra khỏi miệng Ta, Ta quyết chẳng bao giờ rút lại: Trước mặt Ta, mọi người sẽ quỳ gối, và mở miệng thề » (Is 45, 23).
Chúa Giê-su đã sống cuộc đời trần thế của Ngài trong khiêm nhu và cậy trông ngay trong những lúc tồi tệ nhất, tức là lòng hận thù của con người và sự chết. Tôi dùng chữ « cậy trông » còn Thánh Phao-lô dùng chữ « vâng phục ». Tiếng Pháp là Obeir, trong đó có gốc La-tinh ob-audire , theo nghĩa đen là để tai trước lời nói: đó là tư thế đàm thoại hoàn hảo, không tì bóng; tức là hoàn toàn tin tưởng. Sở dĩ để tai nghe trước lời nói bởi vì ta biết lời nói ấy là tình yêu, có thể nghe không phải lo lắng sợ.
Bà thánh thư kết thúc bằng câu: « mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa" » (c11): vinh quang là thể hiện là mặc khải tình yêu vô tận, tình yêu hiện thân. Nói cách khác, khi thấy Chúa Giê-su đem tình yêu lên tột đỉnh, chúng ta có thể nói như người sĩ quan La-mã: «Quả thật, người này là Con Thiên Chúa » (Mc 15, 39)
***
PHÚC ÂM (Mt 26, 14-27, 66)
Câu xướng trước Phúc Âm: Chúa Ki-tô vì chúng ta, đã vâng lời đến chết, và chết trên thập giá.
Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh người, và ban cho Người một danh hiệu vươt trên mọi danh hiệu. ( Pl2, 8-9)
------------------
Bài thương khó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Matthêu.
- Khi ấy, Chúa Giêsu đứng trước quan tổng trấn và quan hỏi Người rằng:
- “Ông có phải là vua dân Do Thái không ?”
- Chúa Giêsu đáp :
X “Ông nói đúng”.
- Nhưng khi các thượng tế và kỳ lão tố cáo Người thì Người không trả lời chi cả. Bấy giờ Phi-la-tô bảo Người :
- “Ông không nghe thấy tất cả những điều họ tố cáo ông sao ?”
- Chúa Giêsu cũng không đáp lại về một điều nào, khiến quan tổng trấn hết sức ngạc nhiên. Vào mỗi dịp lễ trọng, quan tổng trấn có thói quen phóng thích cho dân một người tù tùy ý họ xin. Lúc ấy có một phạm nhân nổi tiếng tên là Ba-ra-ba. Vậy Phi-la-tô nói với dân chúng đã tụ tập lại đó rằng :
- “Các người muốn ta phóng thích ai, Ba-ra-ba hay Giêsu mà người ta vẫn gọi là Kitô ?”
- Quan biết rõ chỉ vì ghen ghét mà chúng đã nộp Người. Vậy trong khi quan ngồi xét xử, bà vợ sai người nói cùng quan rằng :
- “Xin ông đừng can thiệp gì đến vụ người công chính ấy, vì hôm nay trong một giấc chiêm bao, tôi đã phải đau khổ rất nhiều vì người ấy”.
- Nhưng các thượng tế và kỳ lão xúi giục dân xin tha Ba-ra-ba và giết Chúa Giêsu. Quan lại lên tiếng hỏi họ :
- “Trong hai người đó, các ngươi muốn ta phóng thích ai?”
- Họ thưa :
- “Ba-ra-ba !”
- Phi-la-tô hỏi :
- “Vậy đối với Giêsu gọi là Kitô ta phải làm gì ?”
- Họ đồng thanh đáp :
- “Đóng đinh nó đi !”
- Bấy giờ Phi-la-tô thấy mất công lại thêm náo động, nên ông lấy nước rửa tay trước mặt dân chúng và nói:
- “Ta vô can về máu người công chính này, mặc kệ các ngươi”.
- Toàn dân đáp:
- “Hãy để cho máu nó đổ trên chúng tôi và trên con cái chúng tôi”.
- Bấy giờ quan phóng thích Ba-ra-ba cho họ, còn Chúa Giêsu thì trao cho họ đánh đòn, rồi đem đi đóng đinh vào thập giá. Bấy giờ lính tổng trấn liền điệu Chúa Giêsu vào trong công đường và tập họp cả cơ đội lại chung quanh Người. Họ lột áo Người ra, khoác cho Người một áo choàng đỏ, rồi quấn một vòng gai đặt trên đầu Người và trao vào tay mặt Người một cây sậy, họ quỳ gối trước mặt Người mà nhạo báng rằng:
- “Tâu vua dân Do Thái !”
- Đoạn họ khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy đập trên đầu Người. Khi đã chế nhạo Người xong, họ lột áo choàng đỏ ra, mặc y phục cũ lại cho Người và điệu Người đi đóng đinh vào thập giá. Lúc đi ra, họ gặp một người thành Sy-rê-nê tên là Si-mon, liền bắt ông vác đỡ thánh giá cho Người. Họ đi đến một nơi gọi là Gol-gotha, nghĩa là Núi Sọ. Họ cho Người uống rượu hoà với mật đắng, Người chỉ nếm qua nhưng không muốn uống. Khi đã đóng đinh Người trên thập giá rồi, họ rút thăm chia nhau áo Người, để ứng nghiệm lời tiên tri rằng : “Chúng đã chia nhau áo Ta, còn áo ngoài của Ta, chúng đã bắt thăm”. Rồi họ ngồi lại canh Người. Họ cũng đặt trên đầu Người bản án viết như sau : “Người này là Giêsu, vua dân Do Thái”. Lúc ấy, cùng với Người, họ đóng đinh hai tên trộm cướp, một tên bên hữu, một tên bên tả. Những người đi ngang qua, lắc đầu chế giễu Người và nói :
- “Kìa, ngươi là kẻ phá đền thờ và xây cất lại trong ba ngày, hãy tự cứu mình đi, nếu là con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá đi !”
- Các thượng tế cùng luật sĩ và kỳ lão cũng chế nhạo Người rằng :
- “Nó đã cứu được kẻ khác mà không cứu nổi chính mình! Nếu nó là vua Do Thái, thì bây giờ hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta sẽ tin nó. Nó đã trông cậy Thiên Chúa, nếu Ngài thương nó thì bây giờ Ngài hãy cứu nó, vì nó nói: “Ta là Con Thiên Chúa!”.
- Cả những tên cướp bị đóng đinh trên thập giá với Người cũng nhục mạ Người như thế. Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt. Vào khoảng giờ thứ chín thì Chúa Giêsu kêu lớn tiếng :
X “Ê-li, Ê-li, La-ma sa-bac-tha-ni !”
- Nghĩa là :
X “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi ! Sao Chúa bỏ tôi !”
- Có mấy người đứng đó nghe vậy nói rằng :
- “Nó gọi tiên tri Ê-li-a”.
- Lập tức một người trong bọn chạy đi lấy một miếng bọt biển, nhúng đầy giấm và cuốn vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống. Nhưng có kẻ lại bảo :
- “Hãy chờ xem Ê-li-a có đến cứu nó không?”.
- Đoạn Chúa Giêsu lại kêu lên lớn tiếng và trút hơi thở.
(Quỳ gối thinh lặng trong giây lát)
- Bỗng nhiên màn trong đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới, đất chuyển động, đá nứt ra. Các mồ mả mở tung và xác của nhiều vị thánh đã qua đời được sống lại. Và sau khi Chúa sống lại, họ ra khỏi mồ, vào thành thánh và hiện ra cùng nhiều người. Còn viên sĩ quan và những kẻ cùng ông canh giữ Chúa Giêsu, sợ hãi và nói :
- “Đúng người này là Con Thiên Chúa”.
Một trong các đặc điểm của bài này là sự phong phú các danh hiệu dành cho Chúa Giê-su, trong chỉ mấy hàng nói lên những giờ phút cuối cùng của cuộc đời trần thế của Ngài. Một người hoàn toàn bị phá huỷ, bị tổn thương từ thân xác đến phẩm giá, bị phỉ nhổ, bị kết án là phạm thượng - một tội nặng nhất dưới mắt đồng bào Người - nhưng đồng thời vô tình được những người nước ngoài tôn vinh và ban cho Ngài những danh chức cao trọng nhất của Do Thái giáo. Chúng ta hãy nhìn lại toàn bộ những gì chúng ta vừa nghe: « vua dân Do-thái, Đấng Mê-si-a, Đấng công chính, và sau cùng là Con Thiên Chúa ».
Vua dân Do-thái. Tổng trấn Phi-la-tô hỏi Chúa: « Ông có phải là Vua dân Do-thái không? »Bằng câu trả lời « Ông nói đúng! » Chúa có vẻ chấp nhận. Trong Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mác-thêu, đó là gần như những lời cuối cùng của Chúa trước khi chết: trong giai đoạn cuối của phiên xử Ngài, đến lúc hành quyết, Chúa không nói gì khác, ngoại trừ một lời cầu nguyện của dân tộc Ngài, bài thánh vịnh 21: «Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao? », lời cảm tạ dân It-ra-en nhìn nhận Thiên Chúa luôn luôn cứu độ, ngay trong những lúc nguy khốn nhất.
Danh hiệu vua dân Do Thái được nêu lên ba lần nhưng lúc nào cũng mỉa mai để nguyền rủa Ngài, để nhạo báng tham vọng lố lăng của Ngài. Trước tiên là các binh lính La mã thích thú đùa cợt: họ ngụy trang Chúa thành vua. Vừa đánh đòn Ngài xong, chúng khoác một áo choàng màu đỏ, ứng biến một cái mão gai, một cây gậy làm vương trượng, họ quỳ trước mặt Ngài, tỏ vẻ sùng kính trước đấng bề trên… Chúng ta dễ tưởng tượng não trạng sau Phục sinh của những Ki-tô hữu khi nhớ lại cái vở bi kịch độc ác này: vở kịch dựng lên để hạ nhục Chúa, nhưng nó không thể nào xoá đi sự rực rỡ tính vương giả thật sự của Ngài. Cũng chính thánh sử Mát-thêu này viết: « quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.» (Mt 16, 18)
Sau đó tấm biển treo trên thập giá quả quyét « Đây là Giê-su, vua Do Thái », Thánh Mát-thêu đã có dịp nói cho các đọc giả, ý nghĩa tên Giê-su; khi báo tin cho Thánh Cả Giu-se thiên thần nói: « Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ. » (Mt 1, 21). Chúng ta có ở đây trên tấm biển đơn sơ này tất cả mầu nhiệm Chúa Giê-su: vua và đấng cứu độ dân Ngài; đó là Đấng Mê-si-a mọi người hằng momg đợi. Cuối cùng giáo quyền, các trưởng tế, các kinh sư và bô lão cũng quả quyết: « Ông là vua dân Do-thái » (Mt 27, 11) , trong bài này, mặc dù để chế nhạo Chúa, nhưng Thánh Mát-thêu cũng nhấn mạnh để cho chúng ta hiểu rằng « chúng không biết những đìều chúng nói ».
Danh hiệu « Mê-si-a » được Phi-la-tô nêu lên hai lần trong dịp quả quyết danh tánh Chúa Giê-su, điều này được thốt lên từ miệng vợ của Phi-la-tô, tức là một người ngoại. Bà nhận được một mặc khải, bà nói thấy trong mộng (mọi người biết tầm quan trọng các giấc mộng theo Thánh Mát-thêu). Thì đây chính bà trao tặng cho Chúa Giê-su một danh hiệu cao trọng nhất trong Cựu Ước, đó là một người công chính. Chính bà cũng không ý thức tầm quan trọng các lời bà nói ra, nhưng các Ki-tô hữu, vài năm sau và ngay cả bây giờ, mỗi khi tưởng niệm sự kiện cái chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô, đều phải công nhận rằng các người ngọai đạo, xuất thân từ quân chiếm đóng là những người đầu tiên nói sự thật về Chúa Giê-su, trong lúc vẻ bên ngoài đấng Giê-su dường như bị xoá bỏ khỏi lịch sử nhân loại.
Sau rốt, danh hiệu « Con Thiên Chúa » cũng được gán cho Ngài cũng để nhạo báng. Một đàng là trước mắt người qua lại nhận xét một cách nhẫn tâm sự tương phản giữa cái danh chức to lớn treo trên thập gía và sự bất lực vĩnh viễn của Ngài. Sau đó lại đến phiên các thượng tế, kinh sư và các bô lão thách đố Chúa: nếu người thật là Con Thiên Chúa thì đâu phải nên nỗi này. Và thật vậy, trong vài trang sách Cựu Ước cũng được viết trong ý nghĩa ấy. Nhưng danh hiệu ấy rốt cuộc sẽ được người sĩ quan La- mã nêu lên và khi ấy nó vang lên như một lời tuyên xưng đức tin « Đúng người này là Con Thiên Chúa ».
Đến đây tôi có cảm tưởng danh hiệu dâng cho Chúa Giê-su như kết thúc bài tường thuật. Câu này tiên báo sự hoán cải các người ngoại và chúng ta hiểu sứ điệp Thánh Mát-thêu: đối với Ngài, cái chết Chúa Ki-tô không phải một thất bại mà là một sự vinh thắng.
Sở dĩ Thánh Mát-thêu làm rõ nét sự tương phản giữa sự yếu đuối của người tử tù và sự vĩ đại của một vài người ngoại, mặc cho vẻ bên ngoài đã nhận ra Chúa, là để cho chúng ta hiểu một điều, nếu nhìn thoáng qua không thể tưởng tượng được: chính trong sự yếu đuối Chúa Giê-su biểu dương uy thế thật sự của Ngài, uy thế của Thiên Chúa, đó là tình yêu vô tận. Không phải vinh quang mặc dù có thánh giá hay vinh quang nhờ thánh giá như thể để bù trừ lại; nhưng vinh quang trong thánh giá và bởi thánh giá; vì đây là một mặc khải tình yêu tột đỉnh, nghĩa là mặc khải Thiên Chúa tình yêu.
Chúa Giê-su đã cho ý nghĩa của cái chết của Ngài: « Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. » (Ga 15, 13). Nếu câu ấy đúng như vậy, Ngài nên chết đi! Và chúng ta hiểu rõ hơn câu sau đây được nói lên ba ngày sau cho mấy môn đệ trên đường Em-mau « Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? » (Lc 24, 26)
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.