Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật XIV Thường Niên Năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 (Dcr 9, 9-10)

 

"Này vua người khiêm tốn đến với ngươi"

Trích sách tiên tri Da-ca-ri-a

 

9 Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ!
Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò!
Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi:
Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng,
khiêm tốn ngồi trên lưng lừa,
một con lừa con vẫn còn theo mẹ.

10 Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Ép-ra-im
và chiến mã khỏi Giê-ru-sa-lem;
cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy,
và Người sẽ công bố hoà
bình cho muôn dân.
Người thống trị từ biển này qua biển nọ,
từ sông Cả đến tận cùng cõi đất.

 

Chúng ta đang trong thời gian khoảng năm 300 trước CN. Thời ấy có nhiều văn kiện được lưu truyền nơi người Do Thái vừa mới hồi hương trên đất Ít-ra-en. Trong những tài liệu này có một nhóm được chọn, nói về Đấng Mê-si-a sắp đến. Đấng Mê-si-a được giới thiệu, lúc như một vị vua vinh thắng, lúc như một hoàng tử khiêm nhu, hiền hậu và giản dị. Hơn thế nữa, trong các bản văn ấy có những ẩn ý cho rằng Ngài sẽ đau khổ vì chính tay những kẻ Ngài muốn cứu độ. Những bài viết ấy đều nặc danh. Để tránh thất lạc, sau này các bài ấy được sáp nhập vào sách Da-ca-ri-a, gồm 8 chương, sách này đã có trước đó 200 năm. Phần được thêm vào được gọi là chương 9 đến 14.

Phần sau của sách Da-ca-ri-a ấy rất được phổ biến trong thời những Ki-tô hữu tiên khởi; bằng chứng là các Phúc Âm - đặc biệt trong những tường thuật buổi Tiệc Ly - được trích dẫn từ những chương ấy. Riêng bốn bài tường thuật Chúa Giê-su vinh thắng tiến lên Đền Giê-ru-sa-lem rất giống như một vị vua ngự đến, cưỡi trên lưng con lừa. Hai thánh sử Mát-thêu (Mt 21, 5) và Gio-an (Ga 12, 15) cũng trích đoạn ấy. Có lẽ chính Chúa Giê-su đã nhắc đến tài liệu này cho các môn đệ Em-mau, vì lẽ đó Thánh Lu-ca nói cho chúng ta Ngài đọc lại tất cả những gì Sách Thánh nói về Ngài (Lc 24, 27). Mà rõ ràng, bài này nói về Đấng Mê-si-a, thế nhưng bài nói một cách mới mẻ so với thời ấy.

Nói chung giọng điệu các câu trong bài rất có vẻ vinh thắng, điều này giả thiết đây là một thời kỳ rất khó khăn. Rất có thể đây là một lời sấm an ủi trong thời chiến: « Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Ép-ra-im và chiến mã khỏi Giê-ru-sa-lem » (c10). Thông thường bài này được cho 1à xuất xứ từ thời ban đầu của cuộc quân Hy-lạp chiếm giữ (tức khoảng năm 330), sau cuộc xâm lược chớp nhoáng của vua A-lê-xan-đê; hơn bao giờ hết, phải bám vào hy vọng một sự can thiệp của Chúa. Trong một thời kỳ đen tối khác (vào khoảng thứ thế kỷ VII hay đầu thế kỷ VI), tiên tri Xô-phô-ni-a cũng tuyên bố một bài sấm tương tự: «Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi. Án lệnh phạt ngươi, ĐỨC CHÚA đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa. Đức Vua của Ít-ra-en đang ngự giữa ngươi, chính là ĐỨC CHÚA. Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ. Ngày ấy, người ta sẽ bảo Giê-ru-sa-lem: "Này Xi-on, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời." ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội. Những kẻ tản lạc được hồi hương Ta đã cất khỏi ngươi tai họa khiến ngươi không còn phải ô nhục nữa. » (Xp 3, 14-18).

Sự giống nhau của hai bài tiên tri này rất rõ ràng, nhưng Da-ca-ri-a đã đưa vào nhiều thay đổi quan trọng. Điều khác biệt đầu tiên nơi tiên tri Xô-phô-ni-a là công trình cứu độ dân Chúa do chính Thiên Chúa chu toàn; chính Ngài là vua Ít-ra-en « Đức Vua của Ít-ra-en đang ngự giữa ngươi, chính là ĐỨC CHÚA »; hay là « Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng ». Trong Da-ca-ri-a vua không phải chính Thiên Chúa mà là Đấng Mê-si-a. Nhiều câu trong bài sấm ngôn được trích từ thánh vịnh 71 (72) nói lên lòng cậy trông vào Đấng Mê-si-a. Ví dụ như câu: « Người thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất. » (c10) là tiếng vang của câu 8 trong thánh vịnh: « Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ, từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất. » (Tv 71, 8); và hay là: « kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, » đó là câu 9 bài sấm, là tiếng vang trong thánh vịnh (Tv71, 1,2) « Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương, trao công lý Ngài vào tay Thái Tử, để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý, và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn ». Biết rằng công lý là một trong những biểu hiệu chính yếu của Đấng Mê-si-a (xem suy niệm bài (Is 11, 1-10) chúa nhật thứ hai Mùa Vọng năm A). Một ân huệ khác của Đấng Mê-si-a, Ngài mang lại hòa bình: « Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Ép-ra-im và chiến mã khỏi Giê-ru-sa-lem; cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy, và Người sẽ công bố hoà bình cho muôn dân. » (c10), bài này cũng loan báo sự canh tân và thống nhất vương quốc cổ đại Đa-vít; lúc bấy giờ lúc tiên tri Da-ca-ri-a viết bài này, vương quốc ấy không còn gì: Miền Bắc (Ep-ra-him) cũng như Miền Nam (Giê-ru-sa-lem) đã từ lâu mất thống nhất, mất cả vương quyền.

Điều thay đổi thứ hai đối với tiên tri Xô-phô-ni-a: vua ấy khiêm nhường « khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ. » (c9), tiên tri nói rõ như thế, cưỡi lừa là cách di chuyển giản dị. Các kẻ đi chinh phục của đại đế A-lê-xan-đê cưỡi thứ khác. Và trong Giê-ru-sa-lem vua Sa-lô-môn đã đưa vào chiến tranh và các cuộc duyệt binh việc sử dụng chiến mã. Một Đấng Mê-si-a khiêm nhường, tiên tri I-sa-i-a đã cho thấy trong những bài ca Người Tôi Trung (Is 50, 6; 53,7) nhưng điều mới lạ trong bài của tiên tri Da-ca-ri-a, đó là kết hợp sự mong đợi cổ điển Đấng Mê-si-a Vua và sự khiêm nhường của Người Tôi Trung, đã được miêu tả nơi I-sa-i-a. Đứng trước mầu nhiệm tính khiêm nhường của Chúa Giê-su thành Na-da-rét, các Tông đồ, vốn đã được xác tín Chúa Giê-su lả Đấng Mê-si-a, nhờ sự phục sinh, các ngài cũng đọc lại lời sấm tiên tri Da-ca-ri-a để đi vào sự « khôn ngoan của Lời Chúa »

***

 

THÁNH VỊNH (Tv144, 1-2.8-11.13-14)

 

"Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời."

 

Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
con nguyện tán dương Chúa
và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

2 Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa
và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.

9 CHÚA nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.

10 Lạy CHÚA, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,

11 nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển,
xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng,

13 Triều đại Ngài: thiên niên vĩnh cửu,
vương quyền Ngài vạn đại trường tồn.
Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.

14 Ai quỵ ngã, CHÚA đều nâng dậy,
kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên.

 

Bài thánh vịnh này là một tiếng vang hoàn hảo cho sách tiên tri I-sa-i-a chương 55. Tiên tri I-sa-i-a tóm tắt trong vài câu tất cả đức tin It-ra-en: mặc khải một Thiên Chúa từ bi nhân hậu, giàu tha thứ và gọi dân Ngài: « Hãy trở lại cùng Ta » (Is 44, 22). Bài thánh vịnh hôm nay là lời đáp của dân Ngài trở lại: « Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời. » (c2). Đúng là bài ca của lòng tin trở lại.

Không lạ gì bài thánh vịnh này mỗi ngày được đọc trong Kinh Sáng Do Thái. Đối với tín hữu Do Thái, buổi sáng (bình minh của ngày mới) gợi lên tự nhiên buổi bình minh của ngày cánh chung, ngày của thế giới sắp đến, ngày của tái tạo dựng… nếu chúng ta đi sâu vào linh đạo Do Thái, sách Talmud (giáo huấn của các pháp sư Do Thái những thế kỷ trước CN) quả quyết rằng ai đọc bài thánh vịnh này ba lần trong ngày, « chắc chắn sẽ được là con của thế giới sắp đến ».

Chúng ta đã gặp bài thánh vịnh này và chiêm ngưỡng cấu trúc của nó. Nếu anh em vào Thánh Kinh đọc trọn bài, anh em sẽ thấy đây là bài thánh kinh theo vần « a-b-c ». Vì vậy chúng ta biết trước ngay đây là bài thánh vịnh tạ ơn Giao Ước: là cách nói, suốt đời ta, từ A đến Z (Tiếng Do Thái là từ Aleph đến Tav) được dìm đắm trong Giao Ước, trong lòng nhân hậu Thiên Chúa. Điểm nhận xét thứ hai về hình thức: sự đối chữ song song, hàng này so với hàng khác được đặc biệt rõ nét. Vì thế bài đáng được đọc với hai giọng hoặc hai bè xen kẽ nhau.

Nếu chúng ta nhìn kỹ sáu câu được chọn hôm nay chúng ta nhận xét hai điều: trước tiên đây là lời tóm xúc tích của sự Mặc Khải vừa trọn vẹn, vừa chính xác, điều thứ hai là bài này vang âm tuyệt vời với các bài khác trong phụng vụ chúa nhật hôm nay. (LND: chúa nhật XXV năm Acùng thánh vịnh này)

I-sa-i-a trong Bài đọc 1 nói: «Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy. » (Is 55, 9). Bài thánh vịnh đáp lại như tiếng vang: « Triều đại Ngài: thiên niên vĩnh cửu, vương quyền Ngài vạn đại trường tồn. » (c13). Chữ « cao » trong ngôn ngữ thánh vịnh là ngôn ngữ vương giả; hơn nữa câu đầu (không được đọc trong phụng vụ) cũng có nói: « Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con »… cũng như thế, trong câu 13: «Triều đại Ngài: thiên niên vĩnh cửu, vương quyền Ngài vạn đại trường tồn ». Nhưng không phải vị vua như chúng ta biết trong thế gian. Một vị vua vừa toàn năng vừa nhân hậu: Ngài chỉ muốn chúng ta hạnh phúc… đấy là sự mặc khải cho dân tộc It-ra-en suốt chiều dài lịch sử của họ. Khi ta nói quyền năng của Ngài không như quyền năng các vua khác, ta biết rằng quyền năng của Ngài chỉ là tình yêu: « CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương ». Đấy là câu tóm lược tuyệt vời nhất trong tất cả mặc khải của Thánh Kinh. Trong chương 55 tiên tri I-sa-i-a nói với chúng ta: « Người sẽ rộng lòng tha thứ. » (Is 55, 7), ngụ ý nói tất cả các tư tưởng khác là « bất lương » ( Is55, 7)… Và đây It-ra-en nói bằng trải nghiệm: biết bao lần, đặc biệt thời lưu đày ở Ba-by-lon, họ đã kêu cầu Thiên Chúa của họ và van nài để được tha thứ và xin Ngài quay lại ?... Từ nay, cả dân tộc quy tụ về trong Đền mới xây lại, hát vang lên: vâng, thật vậy: « CHÚA gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa, mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người. » (c18)  

Sứ vụ của họ, họ biết là phải hát to lên để mọi người nhận biết: Thiên Chúa từ bi nhân hậu và giàu lòng tha thứ đối với mọi người! « CHÚA nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên. » (c9). Tính hoàn vũ của chương trình Thiên Chúa, đó là đề tài xuyên suốt Cựu Ước: Chúa yêu thương tất cả nhân loại và kế hoạch tình yêu, « kế hoạch yêu thương » của Ngài dành cho tất cả nhân loại và mọi tạo vật.

Còn một câu trong Phúc Âm chúa nhật hôm nay, sẽ mang lại một tiếng vang đặc biệt, chúng ta gọi đó là bài dụ ngôn những người thợ giờ thứ mười một: « CHÚA nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên. » (Tv 144, 9). Còn bài dụ ngôn, bài này kể cho chúng ta câu truyện một người chủ xí nghiệp trả cho tất cả những người giúp việc đồng lương đều nhau, dù là người cũ hay người mới trong xí nghiệp hay số giờ làm việc, dĩ nhiên trước sự công phẫn của những người làm nhiều giờ, nhưng đó là cách nói, « xin đừng nhầm »: điều công minh nhất thế gian, không phải so bằng cán cân, mà bằng tình thương; nếu bạn yêu thương anh em như chính mình, bạn sẽ vui mừng thấy tôi quảng đại đối với họ.

Để kết thúc, nếu đọc trọn bài thánh vịnh, chúng ta sẽ khám phá ra sự tương đồng lớn với Kinh Lạy Cha. Ví dụ như trong Kinh Lạy Cha, chúng ta nói với Ngài vừa như một người Cha vừa như với Vua: người Cha từ bi nhân hậu như trong bài thánh vịnh, còn với vua, lúc nào mục đích cũng là cho toàn dân hạnh phúc. « Lạy Cha… cho chúng con… tha nợ cho chúng con… xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ…. Nước Cha trị đến, ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời » bởi vì ý của Ngài, như Thánh Phao-lô nói: « Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý » (1Tm 2, 4). Bây giờ chúng ta hiểu dễ dàng tại sao bài thánh vịnh 144 này trở nên bài Kinh Sáng của dân tộc đầu tiên được dạy nói chuyện với Thiên Chúa như Người Cha.

***

 

BÀI ĐỌC 2 (Rm 8, 9.11-13)

 

"Nếu nhờ Thần Trí mà anh em giết được xác thịt, thì anh em sẽ được sống."

Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu thành Rô-ma.
 

9 Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô.

10 Nhưng nếu Đức Ki-tô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính.

11 Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.

13 Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống.

 

Điều khó nhất trong bài này nằm trong chữ « tính xác thịt », đối với Thánh Phao-lô chữ này không có nghĩa của thế kỷ XXI chúng ta. Chúng ta có khuynh hướng đối chiếu hai thành phần của nhân loại, chúng ta gọi là hồn và xác, làm như thế chúng ta có nguy cơ hiểu hoàn toàn trái nghĩa. Khi Thánh Phao-lô nói tính xác thịt và Thần Khí, hoàn toàn không phải ngài nghĩ như chúng ta hiểu ngày nay. Điều Thánh Phao-lô nói tính xác thịt không phải điều chúng ta gọi thể xác, điều Thánh Phao-lô nói Thần khí không phải điều chúng ta gọi linh hồn. Hơn nữa Thánh Phao-lô đã nhiều lần nói rõ Thần Khí Thiên Chúa, hay nữa ngài gọi Thần Khí Chúa Ki-tô. Thêm nữa, nếu chúng ta nhìn kỹ, ngài không đối chiếu hai chữ tính xác thịt và Thần khí, nhưng ngài dùng hai cụm chữ « sống theo tính xác thịt » và « sống theo Thần khí ». Đối với thánh nhân, phải chọn giữa hai lối sống, hay nói khác hơn phải chọn ai là thầy chúng ta, hay đúng hơn hãy chọn cách xử thế của chúng ta.

Sống theo tính xác thịt, theo Thánh Phao-lô là sống xa Chúa, bị giam hãm trong giới hạn trí khôn và sức mạnh con người. Chữ « xác thịt », đối với ngài, thường trở nên đồng nghĩa với tội lỗi, nghĩa là đối kháng lại với Chúa, hay nữa ngờ vực Ngài, không tin tưởng nơi Ngài. Trước những thử thách thường nhật, trong hoang địa, và đặc biệt trước nạn khát, dân chúng nghi ngờ Chúa đã bỏ rơi và đứng lên kết án Chúa và ông Mô-sê; quý bạn còn nhớ giai đoạn Ma-xa và Mơ-rê-va trong sách Xuất Hành. Trước giới hạn của những ham muốn, A-đam nghi kỵ Thiên Chúa và bất tuân với Ngài. Đó là giai đoạn sa ngã trong Vườn Địa Đàng và lần này tôi dùng thì hiện tại, vì chúng ta đều là A-đam trong vài giờ trong ngày. Đời đời đó là « vấn đề tín nhiệm », vấn đề nền tảng, đến nỗi còn được gọi là tổ tông.

Trái lại, sống theo Thần khí, tức là để cho Ngài hướng dẫn. Thánh Phao-lô nói: « Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em » (c9). Chữ « ngự » trở lại ba lần trong bài hôm nay, để nói thánh nhân quý chữ ấy dường nào. Người ở trong nhà là chủ; chính ông điều khiển. « Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ » (Ed 36, 27), tiên tri Ê-dê-ki-en đã loan báo. Kể từ nay, từ lúc chúng ta nhận phép Thanh Tẩy, Thánh Phao-lô nói đó là việc đã rồi: « Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em » (c9). Chúng ta trở nên nhà của Chúa Thánh Thần, chính Ngài chỉ huy.

Nói rằng Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta, tức là quả quyết Ngài chiếm hữu người tín hữu để thực hiện quyền lực của Ngài trên người ấy, đó là điều Ngài đã thực hiện trên Chúa Giê-su Ki-tô « nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới. » (c11). Lời hứa phục sinh ấy thuộc về tương lai, nhưng bởi vì Thánh Phao-lô đang nói về chúng ta thuộc về Chúa Thánh Thần, hẳn ngài cũng nghĩ đến đời sống thiêng liêng mới, ấy cũng là hoa trái của sự Phục Sinh của Chúa Giê-su Ki-tô, điều mà ngay từ bây giờ chúng ta đã được kết hiệp: « Anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết. Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã, và vì thân xác anh em không được cắt bì, nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Ki-tô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta. » (Cl2, 12-13). Dù tất cả còn ở trong thân xác có thể chết của chúng ta, chúng ta vẫn có thể sống với Thần Khí Chúa Ki-tô. Và chúng ta thấy điều này nói lên gì, chỉ cần thay chữ Thần Khí bằng tình yêu thương.Vài chương trước đó Thánh Phao-lô viết cho tín hữu Rô-ma: « Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. » (Rm 5, 5). Trong thư gửi tín hữu Ga-la-ta Thánh Phao-lô giải thích thế nào là hoa trái của Thần Khí « Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín » (Gl 5, 22), tóm lại thành một chữ là tình yêu, đã biến cách theo tất cả những tình huống trong đời sống chúng ta. Về điểm này, Thánh Phao-lô là người thừa tự của truyền thống các tiên tri: tất cả khẳng định rằng mối quan hệ của chúng ta đối với Chúa được trắc nghiệm qua quan hệ của chúng ta đối với tha nhân; và trong các bài ca người tôi trung, đặc biệt tiên tri I-sa-i-a quả quyết rằng sống theo Thần Khí Thiên Chúa là yêu thương và phục vụ anh em mình.

***

 

PHÚC ÂM (Mt 11, 25, 30)

 

Alleluia, alleluia!

Chúa phán: « Con chien Ta thì nghe tiếng Ta ; Ta biết chúng và chúng theo Ta. - Alleluia.

------------------

"Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

25 Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.

26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

27 "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.

28 "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.

29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.

30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng."

 

Thánh Mát-thêu đặt những Lời này của Chúa Giê-su ngay sau những lời cứng rắn khiển trách những thị trấn dọc bờ biển Hồ, các nơi này dù được ưu đãi với sự hiện diện của Ngài và những phép lạ Ngài ban, song cũng không vì thế mà họ chịu hoán cải. Chắc chắn dân ở đây rất bị ảnh hưởng của một nhóm đạo hữu ưu tú, Phúc Âm thường nêu lên, họ hay tranh luận về những hành động và những lời của Chúa Giê-su. Trái lại với những kẻ tự cho mình « khôn ngoan và thông thái », có cả một đám đông người bình dân bao quanh Chúa Giê-su, đó là những người nghèo, mang trên vai sức nặng của cuộc sống, sự nặng nề của những luật lệ quá tỉ mỉ do những người đại diện tôn giáo, những kinh sư và Pha-ri-sêu áp đặt. Chúa Giê-su nói cho đám đông về những kẻ ấy: « Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. » (Mt 23, 2-4)   

Thế nhưng những người « vất vả mang gánh nặng nề » lại đến với Chúa Giê-su. Họ nắm bắt sứ điệp của Chúa với một chiều sâu, chỉ có thể đến từ Chúa Cha: « Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. » (c25-26). Sau này Chúa Giê-su cũng nói như thế, khi Thánh Phê-rô, một nhân vật đơn sơ, ông cũng thế, ông tuyên xưng Ngài là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống: « Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. » (Mt 16, 17)

Mỗi lần Chúa Giê-su đứng trước một biểu hiện hiển nhiên của đức tin, Ngài biểu lộ niềm vui và lòng biết ơn của Ngài đối với Chúa Cha. Một đoạn tương tự trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca bắt đầu như sau: « Ngay giờ ấy, (lúc 72 môn đệ trở về sau khi hoàn tất sứ vụ) được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha » (Lc10, 21). Phúc Âm mặc khải cho chúng ta thế nào là một lời cầu nguyện tạ ơn thật sự: nói lên hạnh phúc đứa con, thán phục trước sáng kiến của Cha là Thiên Chúa, mặc khải cho con người. Điều làm Chúa Giê-su vui mừng nữa là sự gần gũi thân tình Chúa Cha ban cho Ngài. Ngài chiêm ngắm sự hiệp nhất kỳ diệu kết hiệp Chúa Cha và Ngài: « Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho » (c27). Nhưng Ngài quay ngay về hướng đám dân nghèo ấy. Lòng từ bi nhân hậu, Ngài chiêm ngắm trong lòng Chúa Cha, Ngài truyền ban cho họ: « hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng… Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường… Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng. » (c28…30). Lời này của thánh sử nghe hẳn như tiếng vang của Tiên tri Da-ca-ri-a (Dcr 9, 9-10 x Bài đọc 1)

« Mang lấy ách » là cách nói thường dùng trong Cựu Ước và trong Do Thái giáo; đề tài này được thấy nhiều lần trong những lời mời gọi trong Sách Khôn Ngoan. Sách Huấn ca cũng như Chúa Giê-su dùng hình ảnh của ách và sự ngơi nghỉ: « Vì cuối cùng, khôn ngoan sẽ cho con được nghỉ ngơi yên hàn, và sẽ trở thành niềm hoan lạc của con. 29 Xiềng xích của khôn ngoan sẽ là nơi nương tựa vững chắc, và dây cương của khôn ngoan sẽ như trang phục huy hoàng của con. 30 Ách của khôn ngoan là đồ trang sức bằng vàng, và dây buộc của khôn ngoan là dải điều quý giá. » (Hc 6, 28-30). Chúng ta biết cái ách là gì: một thỏi bằng gỗ, thật nặng, rất chắc, thắt vào hai con vật để kéo cày. Mang ách có nghĩa là luôn luôn thắt chặt vào với một ai để đi đồng bước, cùng làm một công việc. Một khi việc này sinh lợi ích, cả hai tìm thấy hạnh phúc. Vì thế không ngạc nhiên gì hai từ ách và nghỉ ngơi dính liền, phát xuất từ Chúa Giê-su.

Cựu Ước trình bày việc tiến vào Đất Hứa như sự nghỉ ngơi trong Chúa để thưởng sự tín trung của dân Ngài. Vì thế, như một cách đối âm, bài thánh vịnh 94 (95): Chúa buồn lòng trước những phiêu bạt trái với đạo lý của dân Ít-ra-en: « Ta đã nói: Đây là dân tâm hồn lầm lạc, chúng nào biết đến đường lối của Ta, nên Ta mới thịnh nộ thề rằng: Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta. » (c10,11). Sách Do Thái cũng lấy lại hình ảnh này trong bài thánh vịnh, loan báo một ngày mới, ngày ấy với Chúa Ki-tô chúng ta, đầy tự tin đi vào nơi an nghỉ của Chúa: « Vậy, chúng ta hãy cố gắng vào chốn yên nghỉ này » (Dt 4, 11).

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com