BÀI ĐỌC 1 (Is 22, 19-23)
"Ta sẽ để chìa khóa nhà Đa-vít trên vai nó."
Trích sách Tiên tri I-sa-i-a.
19 Đức Chúa phán: "Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ,
Ta sẽ đuổi ngươi khỏi địa vị.
20 Ngày ấy, Ta sẽ gọi tôi tớ Ta
là En-gia-kim, con của Khin-ki-gia-hu.
21 Áo thụng của ngươi, Ta sẽ lấy mặc cho nó,
cân đai của ngươi, Ta sẽ đem thắt cho nó,
quyền bính của ngươi, Ta sẽ trao vào tay nó,
nó sẽ là cha đối với cư dân Giê-ru-sa-lem và với nhà Giu-đa.
22 Chìa khoá nhà Đa-vít, Ta sẽ đặt trên vai nó.
Nó mở ra thì không ai đóng được,
nó đóng lại thì không ai mở được.
23 Ta sẽ làm cho nó vững chắc như đinh đóng cột,
nó sẽ nên như ngai vinh hiển cho nhà cha nó."
Chúng ta biết khá rõ mối bất hòa giữa tiên tri I-sa-i-a và vua A-khát, với những sấm ngôn bất hủ tiên báo một vị vua nhỏ sắp ra đời, bất ngờ đem lại mọi ước vọng và sẽ cầm quyền. Thì đây vị vua ấy đã được sinh ra, ngài tên Khít-ki-gia, nhưng không vì thế mà ngôn sứ I-sa-i-a có thể nghỉ ngơi.
Khít-ki-gia trị vì từ năm 716 (khi vua cha băng hà) đến năm 687 trước CN. Đây là một vị vua tốt, dưới mắt các tác giả Thánh Kinh. Sách thứ hai Các Vua trao tặng ngài một lời khen tốt nhất có thể: «Vua đã làm điều ngay chính trước mắt ĐỨC CHÚA, đúng như vua Đa-vít, tổ phụ vua đã làm. Chính vua đã dẹp các tế đàn ở nơi cao, đập bể các trụ đá, bổ các cột thờ và đập tan con rắn đồng ông Mô-sê đã làm, vì cho đến thời đó, con cái Ít-ra-en vẫn đốt hương kính nó» (2V18, 3-4). Nên hiểu, ông nhất quyết tranh đấu chống mọi hình thức, phong tục ma tà và thờ lạy bụt thần; điều này đáng được khen ngợi. Hơn nữa: «Vua đã đặt niềm tin tưởng vào ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en. Sau vua, chẳng có vua Giu-đa nào được như thế, cũng như trước vua chẳng có ai được như vậy. Vua gắn bó với ĐỨC CHÚA, không bỏ Người; vua tuân giữ các mệnh lệnh ĐỨC CHÚA đã truyền cho ông Mô-sê.7 Vì thế, ĐỨC CHÚA đã ở với vua; vua tra tay làm việc gì thì cũng thành công » (2V18, 5-7)
Lúc ban đầu tốt đẹp! Thế nhưng rồi mọi chuyện trở nên tồi tệ: tuy nhiên cũng phải nói lịch sử thời ấy thường bị xáo trộn. Cha ngài, vua A-khát đã chấp nhận sự bảo trợ của quân At-sua, và suốt triều đại của mình, vua Khít-ki-gia mơ một ngày sẽ tìm lại tự do, có lúc nổi lên chống lại quân At-sua (điều này rất nguy hiểm vì sức mạnh hai bên không cân đối), hoặc nhờ vào thế của Ai-cập, giải pháp này cũng không hơn gì. Thế nhưng, mọi giao ước giữa con người thế nào rồi cũng phải trả giá, vì thế vị ngôn sứ không đồng ý nữa. Ví dụ một ngày nọ, để nộp một số tiền triều cống khổng lồ cho vua At-sua, vua Khít-ki-gia bắt buộc phải nộp: «tất cả số bạc có trong Nhà ĐỨC CHÚA và trong kho đền vua. Chính vào thời đó, vua Khít-ki-gia đập gẫy các cánh cửa của đền thờ ĐỨC CHÚA, cũng như các khung cửa mà …, vua Giu-đa, đã bọc bằng kim khí, lấy nộp cho vua Át-sua.» (2V18, 15-16). Câu truyện ông En-gia-kim và Sép-na nằm trong bối cảnh ấy: Hình như trong lúc vua bàn cãi những vấn đề chính trị tiên quyết cho sự tự do tín ngưỡng Ít-ra-en (dưới mắt vị ngôn sứ là điều chính yếu), thì Sép-na chỉ quan tâm đến tư lợi, «nhét đầy túi» như ngày nay người ta nói.
Thật lạ lùng, trong Thánh Kinh thường tìm cốt yếu là lời lẽ thần học, một mặc khải Thiên Chúa - đàng này chúng ta thấy biết bao nhiêu tường thuật lịch sử, hơn nữa đoạn lịch sử nhiều chằng chịt, và những thủ đoạn triều đình, ví dụ trong đó có truyện hai ông Sép-na và En-gia-kim. Bài học đầu tiên rút ra, không tìm Chúa nơi đâu khác hơn là những lúc tối tăm nhất trong đời chúng ta; Ngài sẽ mặc khải, ngày qua ngày trong lịch sử. Chính nơi đây, chúng ta nên học cách nhận ra sự hiện diện của Chúa, tác động của Ngài. Ví dụ trong bài này, Chúa không để vua của Ngài lâu không có người cộng tác tối cần. Ngôn sứ phơi bày những lý do thầm kín của Sép-na và loan báo sự cách chức Sép-na: «Người hùng ơi, này đây ĐỨC CHÚA sắp thẳng tay quăng ông đi, sắp túm chặt lấy ông, sắp cuốn, sắp cuộn tròn ông lại, như một quả bóng lăn vào vùng đất mênh mông. Ông sẽ chết tại đó, và chiến xa từng làm cho ông vẻ vang rạng rỡ cũng sẽ nằm tại đó. Ông ơi, ông là mối nhục cho nhà của chủ ông.» (Is22, 17-18) (những chiến xa, những điều làm mất danh dự vua Khít-ki-gia, có lẽ là ám chỉ đến giải pháp chính trị thiên Ai-cập do Sép-na đề nghị, điều gây thịnh nộ nơi ngôn sứ I-sa-i-a). Nhân đây, ta thấy lời nói nồng nhiệt của ngôn sứ (LND: I-sa-i-a) thật đáng khen ngợi, ngài chỉ quan tâm đến những quyền lợi thật sự của dân Chúa chọn. Chúng ta cũng đoán ra vua tuân theo những lời khuyên của vị ngôn sứ và để cho I-sa-i-a có thể can thiệp vào việc triều đình.
Trái với vẻ bề ngoài, và ở đây chúng ta chứng kiến một lời an ủi: vị ngôn sứ loan báo Thiên Chúa sẽ can thiệp cho dân của Ngài. Việc này sẽ qua sự truất quyền quan tể tướng xấu của triều đình (Sép-na) và thay thế bằng một vị phục vụ thật sự dân chúng (En-gia-kim). Hết rồi những lo âu, tình trạng bấp bênh, và bất ổn: Từ nay sẽ «vững chắc như đinh đóng cột» (c23)
Không lạ gì, bài này được chọn như một tiếng vang cho bài Phúc Âm, Thánh Phê-rô tuyên xưng đức tin tại Xê-da-rê (Mt16): Chúng ta đọc trong bài này sự vững chắc Chúa Giê-su hứa cho Giáo Hội Ngài, và hơn nữa, biểu tượng của «quyền lực của chìa khóa» ngay từ Cựu Ước: «Chìa khoá nhà Đa-vít, Ta sẽ đặt trên vai nó. Nó mở ra thì không ai đóng được, nó đóng lại thì không ai mở được.» (c22).
***
THÁNH VỊNH (Tv137, 1-3.6.8)
Đáp: Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa.
1 Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ,
Ngài đã nghe lời miệng con xin.
Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa,
2 hướng về đền thánh, con phủ phục tôn thờ.
Xin cảm tạ danh Chúa,
vì Ngài vẫn thành tín yêu thương,
đã đề cao danh thánh và lời hứa của Ngài
trên tất cả mọi sự.
3 Ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại,
đã gia tăng nghị lực cho tâm hồn.
6 CHÚA tuy thật cao cả, nhưng vẫn nhìn đến kẻ thấp hèn;
đứa ngạo mạn ngông nghênh, từ xa Ngài đã biết.
8 Việc CHÚA làm cho con, Ngài sẽ hoàn tất;
lạy CHÚA, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang.
Bài Thánh vịnh này rất ngắn, phụng vụ hôm nay cho chúng ta nghe gần toàn bài, nhưng mỗi câu mỗi chữ chứa cả một lịch sử. Lịch sử này, dĩ nhiên, lúc nào cũng như thế. Chúng ta nhận ra trong mọi Thánh vịnh, đó là Giao Ước giữa Thiên Chúa và Ít-ra-en. Ít-ra-en được Chúa chọn để Ngài gửi tâm tình, và làm ngôn sứ cho Ngài: Gửi tâm tình bởi nơi họ, Chúa mặc khải Chúa là Tình yêu; ngôn sứ được Chúa giao sứ mạng loan báo cho toàn thế giới. Tôi nghĩ, đó là ý nghĩa chính xác của bài Thánh vịnh 137. Một lần nữa, đây là lời của toàn dân Ít-ra-en nói: Chữ «con» ở đây là nhân vật tập thể, cũng như trong mọi Thánh vịnh. Tôi xin chỉ xem xét theo thứ tự từng câu. Các bạn sẽ thấy bài này không trong sáng như mới nghe, nhất là cách chuyển ngữ không làm đơn giản hơn.
Xin đừng quên, phụng vụ hôm nay chọn bài dịch từ tiếng Hy-lạp, trong lúc bài gốc bằng tiếng Do Thái. Thế nhưng, bài được chuyển ngữ đôi lúc có khác bản gốc Do Thái. Cũng như một vài Thánh vịnh bắt đầu bằng câuCủa vua Đa-vít, cụm từ này không được lặp lại, lý do là, chính xác không ai hiểu có nghĩa gì. Rất ít cơ may bài này do Vua Đa-vít sáng tác, mặc dù ngài đầy lòng biết ơn Thiên Chúa. Chắc như thế rồi. «Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ,» (c1): Câu này khiến chúng ta nghe như tiếng vang câu bất hủ trong sách Đệ Nhị Luật: «Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em).» (Đnl, 5). Và tại sao phải tạ ơn? Vì «Ngài đã nghe lời miệng con xin» (c1). Chúng ta hiểu ngay: Vì Ngài nhậm lời con, nhưng nên tìm hiểu sâu xa hơn. Đây là bản dịch Hy-lạp, bản này có lý khi nhấn mạnh rằng Ít-ra-en có trải nghiệm thường được Chúa nhậm lời. Nhưng trong bản Do Thái, có lẽ câu ấy được hiểu ngược lại: Đó là: «con nghe những lời từ miệng Ngài» có nghĩa là, con được Chúa chia sẻ tâm sự. Đó là mặt thứ nhất của Giao Ước tôi nói khi nãy.
«Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa» (c1): Ở đây cũng khó hiểu, hay ít nữa là có một sự khác biệt giữa hai bản Do Thái và Hy-lạp. Chữ được dịch là thiên thần trong bản Do Thái là «Elohim» có nghĩa các vị thần; trong trường hợp này không nên xem hai bản dịch đối kháng nhau: Cả hai đều được thần khởi, cả hai cũng nên linh ứng cho chúng ta: «Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa» (c1), đây là câu tín hữu trong phụng vụ trên trời, các tôi tớ Thiên Chúa hát không ngừng «Thánh, Thánh, Thánh, Chúa là Chúa cả trời đất», «Con xin ca ngợi Chúa trước các Elohim», đó là kinh Tin Kính Ít-ra-en: Chỉ có Chúa là Thiên Chúa, trong lúc các Elohim (chỉ là các bụt thần của dân ngoại) không là gì cả. Nếu các bạn hiếu kỳ muốn tiếp tục nghiên cứu, tiếng Si-ri-ắc dịch là các vua, điều này lại có nghĩa khác: «Giữa các vua xin đàn ca kính Chúa», hiểu như thế, nói lên lời cam kết truyền giáo: Ít-ra-en không quên sứ mạng chứng tá trước muôn dân. Tất cả những ý tưởng ấy bổ sung cho nhau, vì Lời Chúa hằng sống trong lòng những kẻ lắng nghe từ thế hệ này sang thế hệ khác.
«Xin cảm tạ danh Chúa, vì Ngài vẫn thành tín yêu thương» (c2) Cụm chữ thành tín yêu thương là một công thức được yêu chuộng để nhắc lại Giao Ước Thiên Chúa và công trình của Ngài làm cho dân Ngài chọn. Đó là định nghĩa, Chúa đã mặc khải về chính Ngài cho ông Mô-sê: Ta là «Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín» (Xh34, 6). Cuối bài Thánh vịnh chúng ta lại thấy đề tài tình yêu Thiên Chúa: «muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.» (c8), chúng ta nhận ra nơi đây điệp khúc bài Thánh vịnh 136 (135), bài này cũng nhắc lại cuộc giải phóng trong sách Xuất Hành.
Chữ «tay Ngài» (c8) lại là một ngụ ý khác: Chúa đã giải thoát, « đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như ĐỨC CHÚA» (Đnl4, 34). Mọi câu đều nói lên sự ngạc nhiên, thán phục của dân Ít-ra-en trước những kỳ công Thiên Chúa làm cho họ: «Anh (em) cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh (em), từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng?...Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán;…Chính anh (em) đã được cho thấy những điều đó, để biết rằng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa và ngoài Người ra không có thần nào khác nữa» (Đnl 4, 32…35)
Bài thánh vịnh kết thúc bằng một lời nguyện: «xin đừng bỏ dở dang.» (c8), có nghĩa là xin Ngài tiếp tục, mặc cho những bất trung không ngừng của chúng con (phải đọc hai câu liền nhau: «muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang.» (c8), có nghĩa là Chúa vẫn trọn tình thương, chúng con biết thế vì Ngài không bỏ dở dang.
***
BÀI ĐỌC 2 (Rm 11, 33-36)
"Mọi sự đều do Người, nhờ Người và trong Người."
Trích thư Thánh Phao-lô Tông đổ gửi tín hữu thành Rô-ma.
33 Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được!
34 Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người?
35 Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau?
36 Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! A-men.
Những dòng này kết thúc bài suy niệm của Thánh Phao-lô về một tình trạng lịch sử và tôn giáo, thật sự đáng kinh ngạc: Từ hơn nghìn năm, dân tộc It-ra-en biết và cảm nhận mình là ngôn sứ của Thiên Chúa duy nhất, và là Chúa Thật trong một thế giới thờ phượng bụt thần, là mối tương giao tự nhiên giữa con người và thần thánh. Tất cả lịch sử của dân này, là lịch sử Giao Ước được Chúa liên kết với họ qua những sự kiện thời Xuất Hành: Từ một đám dân trốn thoát khỏi đất Ai-cập, nơi bị lưu đày, Thiên Chúa làm nên một dân tộc tự do; Ngài ban cho họ quy tắc sống ở đời, và hứa trung tín không bao giờ mai một với một tương lai xán lạn: «Anh (em) cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh (em), từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất…có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế…Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh (em) đã nghe, mà vẫn còn sống không?...Chính anh (em) đã được cho thấy những điều đó, để biết rằng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa và ngoài Người ra không có thần nào khác nữa» (Đnl4, 32…35)
Các tiên tri, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, và nhất là trong những lúc tối tăm nhất. Xin nhắc lại, It-ra-en là dân được Chúa chọn và có thể tin tưởng vào lời giao ước vững chắc, Thiên Chúa đã kết nối và trông cậy vào tương lai tươi sáng, như Ngài đã hứa với họ: «này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.» (Is49, 6). Giờ đây, tất cả đảo lộn: Cộng đồng Ki-tô hữu vừa mới sinh ra, nay đối với dân tộc It-ra-en lại là sự xâu xé mọi xác tín từ trước. Trong lòng dân tộc và phát xuất từ họ, một nhóm tín đồ mới, những tín hữu của Chúa Giê-su; Thánh Phao-lô là một thành viên nhóm này: Ngài cảm nhận sâu xa sự xâu xé ấy. Chúng ta đã đọc từ hai Chúa nhật vừa qua, sự đau khổ và nỗi trăn trở của ngài: «khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý.» (Rm11, 29), và dù vậy, dân được Chúa chọn, dường như bị tách xa ra. Nhưng lòng tin Thánh Phao-lô đã thắng: Chúa biến xấu ra tốt «Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người » (Rm8, 28) (và dân tộc này vẫn tiếp tục yêu mến Chúa của họ, Thánh Phao-lô xác tín như thế)
Chuyện sẽ xảy ra như thế nào? Thánh Phao-lô không rõ, nhưng ngài tin chắc vào tương lai. Nhờ xác tín như thế, ngài cảm phục: «Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào!» (c33). Một cách khiêm nhường, thánh nhân tìm lại những câu tán tụng thời Cựu Ước:
- «Kỳ diệu thay, tri thức siêu phàm, quá cao vời, con chẳng sao vươn tới! Lạy Chúa, con thấy tư tưởng Ngài khó hiểu biết bao, tính chung lại, ôi nhiều vô kể!» (Tv139, 6.17)
- Khi ngài thốt lên: «ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người?» (c34) là ngài trích từ tiên tri I-sa-i-a: «Thần khí ĐỨC CHÚA, ai đo cho nổi? Ai làm quân sư chỉ vẽ cho Người? Người đã thỉnh ý ai để giúp Người thông hiểu, bảo cho Người biết lối công minh, dạy cho Người mở mang kiến thức, chỉ cho Người con đường trí tuệ?» (Is40, 13-14)
- «Nhưng khôn ngoan từ đâu ra, và trí hiểu ở chốn nào? Đường nẻo của khôn ngoan một mình Thiên Chúa tỏ, chính Người biết nơi ở của khôn ngoan...» (G28, 12.23).
- «Không một ý nghĩ nào Người không thấu suốt,…cũng chẳng cần ai làm cố vấn.» (Hc42, 20-21)
Thế nhưng, Thánh Phao-lô biết hơn ai hết, sự mặc khải về đức khôn ngoan Thiên Chúa, các tín hữu nhờ ở dân tộc It-ra-en. Lời nhắc nhở này rất bổ ích cho những Ki-tô hữu: Đa số văn hoá Hy-lạp, họ rất yêu chuộng triết học, đối với họ đức khôn ngoan là cao cả nhất. Cũng là cách đem đọc giả trở về một vị trí khiêm nhu lành mạnh. Kế hoạch Thiên Chúa thật sâu thẳm: Ngài có cách cứu Giao Ước của Ngài.
***
PHÚC ÂM (Mt16, 13-20)
Alleluia, alleluia!
- Chúa phán, Thầy là đường, là sự thật và là sự sống: không ai đến được với Cha mà không qua Thầy - Alleluia.
------------------
"Con là Đá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời".
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
13 Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai? "
14 Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ."
15 Đức Giê-su lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là "
16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống."1
17 Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.
18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.
19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy."
20 Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.
Chắc chắn đối với Thánh Mát-thêu, giai đoạn Xê-da-rê, khúc quanh trong đời Chúa Giê-su, vì chính sau bài tường thuật này, Ngài còn thêm: «Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.» (Mt16, 21). Thánh Kinh dùng từ ngữ «từ lúc đó» có nghĩa chắc chắn đây là một giai đoạn mới. Thế nhưng, đồng thời điều này đáng ngạc nhiên, vì đoạn này không nói lên điều gì mới lạ! Chúa Giê-su cho mình danh hiệu «Con Người» - điều này Chúa đã dùng chín lần trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu - và khi Thánh Phê-rô xưng Ngài là «Con Thiên Chúa» - ngài không phải là người đầu tiên làm như thế!
«Con Người». Đây là danh tước trích thẳng từ sách tiên tri Đa-ni-en, chương 7: «Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện. Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.» (Đn7, 13-14) Trong những câu sau, tiên tri Đa-ni-en nói rõ Con Người không phải một nhân vật lẻ loi mà là một dân tộc: «Rồi chư thánh của Đấng Tối Cao sẽ lãnh nhận vương quyền và nắm giữ vương quyền ấy mãi mãi muôn đời... Còn vương quốc với quyền thống trị cũng như địa vị cao cả của các vương quốc khắp thiên hạ sẽ được trao cho dân thánh của Đấng Tối Cao. Vương quyền của dân ấy là vương quyền vĩnh cửu, và mọi quyền thống trị sẽ phụng sự và vâng phục dân ấy.» (Đn7, 18.27)
Danh tước thứ hai dành cho Ngài, là «Con Thiên Chúa», cũng không phải là lần đầu tiên. Trong đầu bài Tin Mừng, chính quỷ cám dỗ Chúa Giê-su trong sa-mạc, cũng dùng danh hiệu này: «Nếu ông là Con Thiên Chúa» (Mt4, 6). Quỷ gọi đúng, nhưng nhầm ý của Tên này. Nó tưởng tượng một Con Thiên Chúa toàn năng và bất diệt, khai thác quyền năng của mình vì lợi ích cho cá nhân; đối với Chúa Giê-su thì trái lại, Con Thiên Chúa là hoàn toàn tin cậy vào Chúa Cha, được nuôi dưỡng bằng Lời Cha Mình. Sau đó hai bệnh nhân bị quỷ ám kêu Chúa Giê-su và nói: «Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông?» (Mt8, 29), nhưng Chúa không đối thoại với họ, sau đó là giai đoạn Chúa đi trên nước.
Thánh Mát-thêu kể rằng chiếc thuyền trôi xa bờ, bị sóng lắc mạnh vì gió ngược chiều. Chúa Giê-su đi trên mặt biển cùng đến. Họ sợ hãi tưởng là ma, nhưng Chúa nói: «Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!» (Mc6, 50). Ông Phê-rô kêu lên «Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.» (Mt14, 28). Chúng ta biết câu truyện như thế nào: Sau vài bước vì kém lòng tin, ông Phê-rô bị chìm xuống nước…Chúa Giê-su nói: «Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?» (c31). Câu chuyện kết thúc: «Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: "Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa! » (c32)
Thật lạ lùng, ở đây các môn đệ nhận ra danh tính Đức Giê-su; còn ông Phê-rô trái lại, bị gọi là «người kém lòng tin». Điều này có nghĩa lòng tin các môn đệ khác không phải là không mập mờ: Chính quyền lực Chúa Giê-su trên biển gây ấn tượng. Phải còn một hành trình dài nữa, họ mới được mặc khải thật sự về Chúa Giê-su.
Ở Xê-da-rê, điều mới lạ, ông Phê-rô không tuyên bố như thế khi đứng trước một biểu hiện quyền năng của Chúa Giê-su. Trái lại, trong mấy câu trước lời tuyên xưng đức tin của Thánh Phê-rô, Chúa vừa từ chối các người Pha-ri-sêu, và người Sa-đốc đòi hỏi Chúa cho một dấu chỉ thuyết phục. Lúc này, vừa bước qua một giai đoạn mới: Ý nghĩa danh hiệu Con Thiên Chúa không còn mập mờ nữa. Thánh Phê-rô thăng tiến trong đức tin: «Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.» (c17)
Điều mới lạ ở Xê-da-rê này không phải việc danh hiệu này hay danh hiệu kia được dùng để nói về Chúa Giê-su, nhưng sự kiện hai tước hiệu được nối liền nhau: Chúa hỏi «ai là Con Người» và Thánh Phê-rô trả lời «Ngài là Con Thiên Chúa». Sau này, Chúa Giê-su cũng nối liền hai danh hiệu ấy trong lúc Thượng Tế Cai-pha hỏi cung. Ông hỏi: «Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không?» (Mt26, 63) Và Chúa Giê-su trả lời: «Chính ngài vừa nói. Hơn nữa, tôi nói cho các ông hay: từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến.» (Mt26, 64). Dĩ nhiên ở đây, một lần nữa, không thể nào lầm lẫn được: Chúa mặc khải không như một Thiên Chúa quyền năng và oai phong, nhưng là tình yêu bị trao vào tay con người.
Thánh Phê-rô vừa được mặc khải Chúa Giê-su là ai, Ngài liền gởi ông làm nhiệm vụ cho Hội Thánh: «anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy» (c18) Chúng ta vừa thấy, Con Người không phải một cá nhân lẻ loi, mà là một dân tộc. Và dựa trên gì Chúa Ki-tô xây dựng Hội Thánh Ngài? Trên một người, mà đức tính duy nhất là nghe theo những gì Chúa Cha mặc khải. Điều này có nghĩa, cột trụ duy nhất và thuần tuý của Giáo Hội là tin vào Chúa Giê-su Ki-tô. Chúa Giê-su còn nói thêm: «dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.» (c19). Điều này không có nghĩa là Thánh Phê-rô và các đấng kế vị toàn quyền! Được hiểu rằng, Chúa hứa sẽ đồng hành cùng họ. Thật vậy, phải như thế và chỉ cần kết hiệp với Hội Thánh để chúng ta kết hiệp Thiên Chúa.
Lý do sau cùng, để an tâm. «Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy» (c18). Thì chính ra, khi Chúa Giê-su xây Hội Thánh. Chúng ta không có nhiệm vụ xây Hội Thánh, nhưng chỉ cần nghe Chúa hằng sống những gì Ngài mặc khải. Và bởi vì, chính Chúa Ki-tô phục sinh, Con Thiên Chúa hằng sống xây Giáo Hội, như thế chúng ta tin chắc rằng «quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi» (c18)
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.