Alleluia, alleluia!
-" Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.
"Họ như đàn chiên không người chăn".
30 Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy.
31 Người bảo các ông: "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút." Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.
32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.
33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài.
34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều
Chúa nhật vừa qua chúng ta đã chứng kiến Chúa gửi Mười Hai Tông đồ ra đi rao giảng lần đầu, và thánh Mác-cô đã mô tả nhanh cách thức các ông đã thực hành như thế nào : ( 6,12-13) « 12 Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối.13 Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh. » Các ông làm giống y như những gì các ông thấy Đức Giê-su làm từ khi mới gặp Ngài : chữa bệnh, trừ quỷ và giảng dạy. Có lẽ thánh sử Mác-cô hẳn muốn cho đọc giả hiểu sứ vụ của các Tông đồ chắc chắn là tiếp tục những gì Chúa làm, vì thế ngài mới kể hai việc song song như thế. Chúng ta có thể lưu ý cuộc bắt đầu rao giảng của Chúa cũng giống lúc ban đầu của Nhóm Mười Hai cai : Cùng một nơi ( xứ Ga-li-lê) và nhất là cùng một bối cảnh : Chúa bắt đầu : « 14 Sau khi ông Gio-an bị nộp » ( 1,14), đến phiên các Tông Đồ là lúc ông Gio-an vừa chết : Thánh Mác-cô tả ông Gio-an bị bắt và bị hành quyết giữa lúc các ông được gởi đi rao giảng và lúc trở về. (6, 17-29). Nội dung việc rao giảng, không được ngài nói rõ, chắc chắn là giống với Thầy, thánh Mác-cô có nói đầu bài Tin Mừng : « 14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.15 Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. » (1,14-15)
Và đây là lúc Nhóm Mười Hai trở về « 30 Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. » Đây là lần đầu tiên thánh Mác-cô gọi là Tông đồ ( có nghĩa là được gởi đi một sứ vụ), trước kia ngài gọi là môn đệ (được dạy bảo), từ đây các ông chia sẻ cùng một sứ vụ với Chúa Giê-su. Điều lạ lùng là lần đầu tiên Chúa đề nghị là hãy giữ một khoảng cách : « Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút. ». Lại một lần nữa thánh Mác-cô lại trình bày hai sự việc song song : sau một ngày rao giảng thật nhiều tại Ca-phác-na-um, chữa bệnh nhân, trừ quỷ, thánh Mác-cô ghi rằng : « 35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó » (1,35) Ngài tránh được hoan hô, thành công, tách ra tìm lại sức trong cầu nguyện. Những « người được gởi đi » thời nào cũng vậy chắc chắn cũng được mời gọi hãy làm như thế : Thánh Mác-cô lập lại hai lần việc cấm phòng của Chúa Giê-su và các Tông Đồ của Ngài. « lánh riêng ra một nơi hoang vắng » (c 31 ;32) . Giữa hai lời giải thích rõ ràng ấy, gọi là thể văn « bao gồm » thánh Mác-cô nói về sự hiện diện của đám đông. Tất cả có ý nói không phải là một cuộc chạy trốn mà nghỉ lấy lại sức để phục vụ đám đông tốt hơn. Ở Ca-phác-na-um chính trong một lúc nghỉ lấy lại sức đó mà Chúa có thể thoát được cơn cám dỗ không ở lại cư ngụ thoải mái tại thành này.
Thế nhưng đám đông lại theo Ngài và làm Chúa thấy bắt buộc với họ, như việc khẩn của sứ vụ. Trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, đám đông theo Chúa Giê-su này, thường được nhấn mạnh đến. Ví dụ như đoạn kể về ông Mát-thêu được Chúa gọi. ( 2,13) « 13 Đức Giê-su lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. » Hay khi Ngài bắt đầu rao giảng bằng dụ ngôn « 1 Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi dưới biển, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ » ( 4,1) hay ở Ghen-nê-xa-rét cũng thế : « .56 Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi » (6,56). Thánh Mác-cô còn nhấn mạnh, đám đông đó không những từ Ga-li-lê đến mà từ khắp nơi. « 7 Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê,8 từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm.9 Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn.10 Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người » (3,7-10). Đám đông đó có khi ở lại nhiều ngày để nghe Ngài giảng. Vì lẽ đó mà Chúa Giê-su phải làm phép lạ hoá bánh lần thứ hai. « 1 Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông, và họ không có gì ăn, nên Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói:2 "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn!3 Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến » (8,1-3). Chúa Giê-su được người đương thời rất ngưỡng mộ, nhưng sự được hoan nghênh ấy lại gây ra khắc khoải nơi các cấp giáo quyền. Ngay chương thứ 3 chúng ta đã thấy « các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống » (3,22)
Chúng ta hãy trở về bài hôm nay. Vừa xuống thuyền Chúa Giê-su thấy đám đông (năm ngàn người) « 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều » (6,34). Trước hết Ngài giảng dạy cho họ, sau đó làm hoá bánh lần thứ nhất (6,35-44). Đó là hai cách nuôi dưỡng họ. Khi thánh Mác-cô nói Chúa chạnh lòng thương đám đông, ngài dùng một chữ Hy-lạp chỉ nơi sâu kín, trung tâm tình cảm ; đó là chữ tương đương tiếng Do Thái thường được dịch là lòng thương xót. Không có gì ngạc nhiên khi Chúa Giê-su lấy làm thương xót con người như Thiên Chúa, đến nỗi gởi Con mình xuống thế. Khác với thánh Gio-an, thánh Mc-cô không triển khai trực tiếp đề tài người chủ chiên nhân lành, nhưng chúng ta cũng cảm nhận qua câu : « Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt » (6,34)
***