"Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một".
13 Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần.
14 Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét;
15 Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người.
16 Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét.
17 Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần.
18 Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.
« …nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha » Ở đây, thánh Phao-lô dựa vào hai loại người. Một bên là những tín hữu gốc Do Thái, bên kia là những tín hữu gốc ngoại đạo Do Thái. Khi thánh Phao-lô đến Ê-phê-sô thì trước đó A-pô-lô đã tựu tập mười hai tín hữu gốc Do Thái ( Cv 19,1). Thánh Phao-lô tiếp tục công trình và, như thường lệ, ngài bắt đầu rao giảng Tin Mừng ngay trong đền thờ. Tuy nhiên, sau ba tháng, có vài thành viên của đền thờ tỏ ra chống đối với cách rao giảng của ngài, vì thế phải tìm một nơi tập họp khác. Thế nhưng cộng đồng Ki-tô càng ngày càng lớn lên : cạnh mười hai thành viên ban đầu nay vừa có những tín hữu gốc ngoại, vừa có những người gốc Do-Thái. Kể từ nay, thánh Phao-lô có thể nói : « Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một »
Trong bài đọc Chúa nhật tuần vừa qua (Ep1,13-14) ngài đã ghi nhận tính đa dạng của nguồn gốc các tín hữu. Ngài xưng « chúng ta » khi nói với những người gốc Do Thái (như ngài) và gọi là « anh em » khi nói với những người « ngoại » cũ. « Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần.14 Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét;…18 Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha » Nói cách khác, It-ra-en là những người thừa hưởng đầu tiên sự loan báo kế hoạch của Thiên Chúa, nhưng kể từ đây, trong đấng Ki-tô, những người ngoại cũng được nghe Ngài, trở nên những tín hữu, và lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Chính tại An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a thánh Phao-lô đã hiểu được khúc quanh lớn lao ấy của lịch sử Mặc Khải của Chúa. Ngài tuyên bố sau khi gặp sự đối kháng kịch liệt của những người Do Thái : « Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại » (Cv 13,46)
Thánh Phao-lô hướng về phía các dân ngoại đã quay về đạo Ki-tô và tuyên bố : « 13 Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần » và sau đó ngài triển khai đề tài hoà giải giữa bên này và bên kia. Sở dĩ ngài phải dài dòng như thế vì sự thông cảm nhau, trước mắt nhiều người có vẻ không thể thực hiện. Rõ ràng lúc thánh nhân viết bức thư này, sự hiệp nhất theo Chúa Ki-tô bị đe dọa. Thật ra không chỉ là vấn đề cư xử với nhau mà thôi, nhưng là từ nội dung của đức tin Ki-tô. Cả hai bên đều được Rửa Tội, tức là được dìm vào đời sống mới của Đấng Phục Sinh, từ nay chỉ có thực tế này mới đáng kể. Chúng ta không còn dưới chế độ Giao Ước Ban Đầu. Thật vậy, cho đến lúc bấy giờ chỉ có người Do Thái mới có quyền nhận sự Mặc Khải của Chúa Cha, và chỉ có họ mới có quyền tiến vào Đền Thờ Giê-ru-sa-lem ( trên ngưỡng cửa vào Đền có bảng cấm những người không phải đạo Do Thái, nếu trái lệnh sẽ bị tử hình). Dân thành Ê-phê-sô hẳn biết điều đó hơn ai hết, vì có một Ki-tô hữu gốc ngoại đã thuật lại điều đó (Cv 21, 27-31) . Các tiên tri đã thấy trước sự cứu độ các dân ngoại, nhưng sự tranh luận giữa Chúa Giê-su và giới giáo quyền của thời ấy đủ chứng mình rằng đạo của Thiên Chúa « Cha chung của mọi người » có thể đôi khi rất cố chấp. Lề Luật ban cho It-ra-en như con đường dẫn đến Thiên Chúa có thể nảy sinh ra một chủ nghĩa đặc thù và có tính cách khai trừ. Những người Do Thái, trung thành với Luật ấy, có khi khinh bỉ những người khác họ gọi là dân « không cắt bì », và ngược lại họ cũng bị trả đũa như thế. Đến nỗi thánh Phao-lô còn gọi là « bức tường ngăn cách là sự thù ghét » Trước bài đọc chúng ta vài câu, thánh Phao-lô có nhắc lại sự khai trừ ấy thường đè nặng trên những người ngoại. « 11 Vậy thưa anh em, trước kia anh em là dân ngoại trong thân xác, bị kẻ mệnh danh là "giới cắt bì" -nhưng cắt bì trong thân xác, do tay người phàm- gọi là "giới không cắt bì", anh em hãy nhớ lại12 rằng thuở ấy anh em không có Đấng Ki-tô, không được hưởng quyền công dân Ít-ra-en, xa lạ với các giao ước dựa trên lời hứa của Thiên Chúa, không có niềm hy vọng, không có Thiên Chúa ở trần gian này » ( 2,11-12)
Thế nhưng kế hoạch của Thiên Chúa, được thánh nhân mô tả trong chương (1,9-10) là một kế hoạch yêu thương và hoà giải trên tầm cỡ toàn nhân loại, và ngay đến tất cả sự tạo dựng. Thế nhưng Đấng Ki-tô sinh ra và chết đi vô ích à ? Thưa không phải thế, thánh Phao-lô nói, kể từ nay kế hoạch đó được hoàn tất. Chúng ta đang ở trong Giao Ước Mới với Đức Chúa Giê-su-Ki-tô cho « muôn dân » như Ngài đã phán buổi chiều trong buổi Tiệc Ly « 4 Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng » và thánh Phao-lô lập lại trong vài câu sau ( 4,4) « 5 Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa.6 Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người » vì« 17 Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần »
Loan báo bằng lời nói, hành động và sự thật. Ba lần thánh Phao-lô dựa vào cuộc Thương Khó của Chúa Ki-tô : « trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần ; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét » Kể từ đây không một người Do Thái nào, không một người ngoại nào phải thi hành các điều răn của Lề Luật, mỗi người phải có niềm tin vào Đấng Ki-tô. « Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét;15 Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật » ( 2,14 ;15).Kể từ nay, mọi người khi ngước mắt nhìn Chúa Ki-tô bị đóng đinh có thể đi vào mầu nhiệm tình yêu của Chúa Ba Ngôi. « 32 Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi. » (Ga 12,32)
***