Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT XVIII TN-B ( Ep 4,17 ;20-24) 02/ 08 /2015

 

"Hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa".

 
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

 

 

17 Vậy đây là điều tôi nói với anh em, và có Chúa chứng giám, tôi khuyên anh em: đừng ăn ở như dân ngoại nữa, vì họ sống theo những tư tưởng phù phiếm của họ.

20 Còn anh em, anh em đã chẳng học biết về Đức Ki-tô như vậy đâu;

21 ấy là nếu anh em đã được nghe nói về Đức Giê-su và được dạy dỗ theo tinh thần của Người, đúng như sự thật ở nơi Đức Giê-su.

22 Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối,

23 anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em,

24 và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.

Thánh Phao-lô dành ba chương đầu của ngài để suy niệm về mầu nhiệm vĩ đại kế hoạch của Thiên Chúa. Sau đó rất hữu lý ngài mới sắp các chương dùng để khuyên bảo. Bắt đầu bằng : « tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em » ( 4,1). Điều này ngụ ý nói về sự hiệp nhất, vì kế hoạch của Thiên Chúa là quy tụ tất cả gia đình nhân loại chung quanh Chúa Ki-tô. Bây giờ đến phiên chúng ta tự do chọn lựa đi trên con đường của sự hiệp nhất. Con đường ấy được thực hiện chung quanh sự thật. Chữ này được lập lại hai lần chỉ trong mấy câu, và trong những câu của chương này, thánh Phao-lô nhắc lại sự thật duy nhất ấy : « 4 Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng.5 Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa.6 Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người » ( 4,4-6).

Nhưng một lần nữa chúng ta là những người tự do và chúng ta phải chọn lựa vì đứng trước sự thật có những sai lầm. Vài câu ở trên thánh Phao-lô nói rõ những điều phải chọn lựa :

 « 14 Như vậy, chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường.15 Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì Người là Đầu » ( 4,14-15).

Chúng ta nhận ra ở đây đề tài « hai con đường » rất quen thuộc của những ai quen với Cựu Ước, đề tài này nhiều lần được thánh Phao-lô triển khai. Hai con đường mở ra cho chúng ta : đời sống ngoại đạo và đời sống Ki-tô, sự dối trá và sự thật, sự hư không của tư tưởng và sự khôn ngoan, bóng tối và ánh sáng. Tóm lại thật rõ ràng, hoặc đời sống cũ hoặc đời sống mới với Chúa Ki-tô. Sự đối kháng đó cấu trúc suốt bài hôm nay : « 17 Vậy đây là điều tôi nói với anh em, và có Chúa chứng giám, tôi khuyên anh em: đừng ăn ở như dân ngoại nữa, vì họ sống theo những tư tưởng phù phiếm của họ.18 Tâm trí họ đã ra tối tăm, họ xa lạ với sự sống Thiên Chúa ban, vì lòng chai dạ đá khiến họ trở nên dốt nát.19 Họ đã mất ý thức nên đã buông thả, sống phóng đãng đến mức làm mọi thứ ô uế cách vô độ.20 Còn anh em, anh em đã chẳng học biết về Đức Ki-tô như vậy đâu » ( 4,17-20)

Chúng ta có thể ngạc nhiên trước lập trường quá triệt để, nhất là trong những câu không được đọc hôm nay (C 18-19) thánh Phao-lô khiển trách thật khắt khe thái độ của người ngoại : « 18 Tâm trí họ đã ra tối tăm, họ xa lạ với sự sống Thiên Chúa ban, vì lòng chai dạ đá khiến họ trở nên dốt nát.19 Họ đã mất ý thức nên đã buông thả, sống phóng đãng đến mức làm mọi thứ ô uế cách vô độ » Nhưng xin đừng quên rằng loại bài giảng ấy không chống lại những cá nhân, hay tệ hơn một loại người nào mà chỉ nhằm những thái độ, cách sống. Và chúng ta đã quen tài hùng biện của thánh Phao-lô, diễn lại tài hùng biện của các tiên tri (và có lúc của Chúa Giê-su) : lời hùng biện vang như một lời cảnh báo. Lý do là hai con đường ấy có cái tên rất xứng : khi chúng ta đi trên một hướng, dù hướng ấy đúng hay sai, mỗi bước đưa chúng ta đến bước kế tiếp : nếu hướng ấy đúng thì dĩ nhiên chúng ta sẽ được đưa đến gần mục đích, trong trường hợp ngược lại, chúng ta tất nhiên xa dần mục đích.

Trong thư Rô-ma thánh Phao-lô kể rất dài về đường xoắn ốc của sự xa cách (Rm 1,18-32) : đến nỗi chúng ta không khỏi buộc miệng nói « tội nghiệp nhân loại ». Trong bài này tác giả dùng những chữ rất nặng như « tối tăm, lòng chai dạ đá, dốt nát, mất ý thức, buông thả, sống phóng đãng, ô uế » và theo ngài, điều này dẫn đến điều kia, những người thánh Phao-lô gọi là dân ngoại cứng lòng, họ nhất định ở lại trong sự dốt nát. Vì thế họ xa lạ với đời sống của Chúa, tức là đời sống trong tình yêu thật sự. Điều không thể nào tránh được là lòng khao khát hạnh phúc thúc đẩy họ đi đến đồi truỵ và ô uế. Nhưng nếu nhìn kỹ nguồn gốc của cái chuỗi ấy không phải gì khác hơn là sự dốt nát, và vì thế không có gì hoàn toàn mất đi. Ở đây chúng ta dường như nghe vang câu nói sáng ngời của Chúa Ki-tô : « "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm." ( Lc 23,34).  Cho đến đời đời ánh sáng của lời tuyên bố tha thứ ấy sẽ còn rực chiếu trong bóng tối và không bao giờ ngưng, như thánh Gio-an nói trong ( Ga1,5).

Các môn đệ là những người được thu hút bởi ánh sáng của Chúa Ki-tô. Họ tìm đi trong hướng đi kia, họ cố gắng tiến tới trong đời sống Ki-tô. Họ không còn trong ngu dốt vì họ tập từ từ nhìn ra mầu nhiệm đấng Ki-tô : trí thông minh của họ được thay đổi, được đổi mới. Không còn trong bóng tối. Vài câu sau đó thánh Phao-lô lặp lại : « 8 Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng;9 mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật »         ( 5,8-9). Nhưng đó là một sự chọn lựa của mỗi ngày : « 22 Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối,23 anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em,24 và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện »( 4,22-24)

Chúng ta thấy hiện ra sự đối kháng giữa con người mới và con người cũ, đề tài thánh nhân rất yêu chuộng. Con người cũ là A-đam và những người có những thái độ như thế, Con Người mới là đấng Ki-tô. Thật trớ trêu, ngay chính trong sự nhục nhã của cuộc Thương Xót mà người ta khám phá ra « Đức Giê-su bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ. Ông Phi-la-tô nói với họ: "Đây là người » ( Ga 19,5) Kỳ lạ hơn nữa đó là một người ngoại ( Phi-la-tô) là người đầu tiên đã nhìn ra Người. Thật vậy, không có gì đã hoàn toàn mất đi.

***

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com