Alleluia, alleluia!
Chúa phán: " Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy,
thì Thầy đã cho các con biết". - Alleluia.
-----------------
"Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
37 "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy."
38 Ông Gio-an nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta."
39 Đức Giê-su bảo: "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.
40 Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.
41 "Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.
42 "Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn
43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt.
44 [ ]45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục.
46 [ ]47 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục,
48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.
Bài giảng của Chúa Giê-su tại Ca-phác-na-um hôm nay sẽ kết thúc trong vài câu sau với lời dặn dò: « Anh em hãy…sống hoà thuận với nhau.» (9, 50b). Hình như những lời khuyên bảo này tóm tắt tất cả các bài giảng, có vẻ rải rác của Ngài.
Tất cả Nhóm Mười Hai đều có mặt ở đấy. Thánh Mác-cô nói rõ đối tượng chính của bài giảng này nhắm vào các ông. Câu hỏi trong bài của Gio-an- «concủa thiên lôi »- (Mc 3, 17) như Chúa gọi hai anh em ông- được tìm giải đáp trong đoạn kể về Chúa thành lập Nhóm Mười Hai : (Mc 3, 13-19) «13 Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người.14 Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng,15 với quyền trừ quỷ.16 Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô,17 rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-,18 rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích,19 và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người » (Mc 3, 13-19)
Nhóm này có số thành viên rất giới hạn và tất cả ý thức được có ơn trừ quỷ, lý do là nhờ được kết hợp chặt chẽ với Chúa Giê-su. Không ngạc nhiên gì khi họ phản ứng mạnh đối với những kẻ không thuộc về nhóm nhỏ ưu tú của họ, dám có ý trừ quỷ nhân danh Chúa. Gio-an phản ứng hoàn toàn giống như ngôn sứ Giô-suê trong Bài đọc Một, phản ứng loại trừ.
Phần Giô-suê, ông phục vụ Mô-sê từ ngày còn thơ và khi Mô-sê chọn bảy mươi người trợ tá, trong ấy có hai người, En-đát và Mê-đát, vắng mặt khi điểm tên, Giô-suê không chấp nhận hai người này đã được tuyển chọn phục vụ dưới tác động của Chúa Thánh Thần mà không nghe lời gọi của Mô-sê. Sự kiện này làm cho Mô-sê thích thú nhưng quở trách sự ghen tuông này của Giô-suê. Cũng như thế Chúa Giê-su cấm Nhóm Mười Hai có tinh thần cố chấp như thế. Khi Gio-an nói với Chúa : « Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta ». Chúa can thiệp ngay một cách cứng rắn : « Đừng ngăn cản người ta ».
Chúng ta chứng kiến nơi đây một sự bình an nội tâm tuyệt vời nơi Chúa. Ngài quả quyết mình không kiểm soát mọi sự. Ngài nhận thức có thể có người làm sự lành, và chấp nhận kẻ ấy hành động nhân danh Ngài, mặc dù không thuộc về Nhóm do Ngài sáng lập. Điều này làm cho ta có thể nghĩ rằng sứ vụ thoát khỏi tầm tay của Chúa, vì Ngài giao một phần sứ vụ của mình cho những người Ngài không quen biết. Nhân dịp này Chúa mời gọi các môn đệ mở lòng mình ra : ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta,đó là cách nói có những người thuộc về chúng ta nhưng không nằm trong hàng ngũ của anh em ! Đây có lẽ là một cách phát biểu khác của một Lời của Chúa Giê-su trong Thánh Kinh: «20 Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai » (Mt 7, 20) ; «33 Cây mà tốt thì quả cũng tốt; cây mà sâu thì quả cũng sâu, vì xem quả thì biết cây » (Mt 12, 33). Từ đó Chúa rút ra kết luận : « 19 Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa » (Mt 7, 19).
Điều rất lạ là sự so sánh này không có trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, nhưng bài chúng ta đọc hôm nay nói lên chính những điều này. Vì những lẽ ấy chúng ta hiểu sự liên hệ giữa câu chuyện có vẻ rải rác lúc đầu bài này. Có những hoa trái ngoài cộng đồng, tức là có những cây tốt ngay ngoài cộng đồng. «41 Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu ».Ngược lại, có những trái sâu ở trong, cũng như ở ngoài cộng đồng, tức là có những cây xấu ở trong cũng như ở ngoài cộng đồng, và Chúa Giê-su rút ra kết luận : Cũng như phải chặt cây có sâu, phải loại ra những gì là tai hoạ cho đời sống cộng đồng. « 43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt.
44 [ ]45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục.
46 [ ]47 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục ».
(Lời người dịch : Trong bản gốc trong Thánh Kinh không dùng chữ hoả ngục mà dùng chữ Gehenne). Chữ Gehenne có nghĩa là một vực sâu đào sâu quanh thành Giê-ru-sa-lem về phía tây và phía nam, dưới ấy người ta đốt rác, cái hố này cũng từng nỗi danh một cách thảm hoạ, vì nơi đây người ta tế lễ toàn thiêu trẻ em (thời các vua A-khát và Mơ-na-xê). Cách thức sùng đạo này bị các tiên tri cực lực không tán thành. Từ đấy Géhenne tượng trưng cho sự tàn bạo, gây hãi hùng tuyệt đối. Các ngôn sứ cho đó là nơi dành cho hình phạt kẻ dữ sau ngày Phán Xét của Thiên Chúa.
Dĩ nhiên Chúa Giê-su không khuyên ai tự huỷ hoại thân thể mình, nhưng với những câu dữ tợn ấy Chúa muốn chúng ta nhận ra tính nghiêm trọng của những điều này, đó là sự hiệp nhất trong cộng đồng. Nhân dịp này, Chúa Giê-su dẫn các môn đệ thật xa nội dung phần đầu của bài giảng tại Ca-phác-na-um, điều quan tâm hàng đầu của các ông khi ấy là ai sẽ đứng đầu trong Nhóm ! (9, 34). Chúa đem họ quay về điều làm cho sống bình an với nhau, là chia sẻ một tình yêu Nước Trời nồng cháy .
***