"Của cải các ngươi bị mục nát".
1 Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các người hãy than van rên rỉ về những tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các người.
2 Tài sản của các người đã hư nát, quần áo của các người đã bị mối ăn.
3 Vàng bạc của các người đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người; nó sẽ như lửa thiêu huỷ xác thịt các người. Các người đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này.
4 Các người đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các người. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các người, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh.
5 Trên cõi đất này, các người đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các người đã được no đầy thoả mãn trong ngày sát hại.
6 Các người đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các người.
Sự khôn ngoan dân gian nói rằng « tiền bạc không đem lại hạnh phúc nhưng cũng giúp phần nào… ». Trái với điều chúng ta có thể tưởng, thánh Gia-cô-bê không nói gì khác hơn. Ngài không chống lại người giàu có và cũng không chống lại của cải. Ngài chống lại việc tiêu xài không đúng chỗ hay dùng của cải làm điều sai trái. Ngài chỉ đặt người giàu trước trách nhiệm của họ, hai điều rất khác biệt nhau. Không nên gán cho thánh Gia-cô-bê những điều ngài không nói. Thật ra ngài nói ba điều :
Điều thứ nhất là một mạc khải về Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng Công Minh, Ngài thấu nghe tiếng kêu than của người khốn khổ ; Điều thứ hai là có những cách xấu xa để trở nên giàu có ; Điều thứ ba có kẻ giàu là để phục vụ mọi người: Tiền của, có thể đem lại hạnh phúc cho mọi người, đó là điều Chúa chờ đợi.
Thật vậy, điều thứ nhất không phải là một bài học luân lý mà là một mạc khải về Thiên Chúa : một Thiên Chúa Công Minh, bảo vệ người yếu kém và nghèo khó. Thánh Kinh còn vang dội mạc khải của Thiên Chúa cho Mô-sê trong bụi gai rực cháy : « 9 Giờ đây, tiếng rên siết của con cái Ít-ra-en đã thấu tới Ta » ( Xh3,9). Cũng như xưa kia Ngài đã nghe thấy tiếng kêu than của con cái It-ra-en dưới ách nô lệ Ai-cập, nay Ngài cũng nghe trên khắp mặt đất tiếng kêu than của mọi người bị áp bức và những kẻ nghèo hèn : « tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh » ( c4). Chúng ta dường như nghe tiếng vang từ Sách Sáng Thế : «Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta! » ( 4,10)Vì lẽ ấy, Ngài sẽ yêu cầu chúng ta giải trình thế nào chúng ta làm giàu và chúng ta dùng tiền của như thế nào. Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa thì chúng ta cũng sẽ như Ngài biết nghe tiếng kêu than của kẻ nghèo và những người đau khổ.
Điều thứ hai là có những cách xấu xa để làm giàu. Thánh Gia-cô bê cho chúng ta một ví dụ : « 4 Các người đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các người » dĩ nhiên làm như thế thì làm giàu nhanh lắm ! Cựu Ước thường triển khai đề tài này. Ví dụ như trong Đệ Nhị Luật : « 14 Anh (em) không được bóc lột người làm thuê nghèo khó bần cùng, dù người ấy là một người anh em của anh (em) hay là một ngoại kiều ở trong đất nước của anh (em), trong các thành của anh (em).15 Chính ngày hôm ấy, anh (em) phải trả công cho họ, đừng để mặt trời lặn mà không trả công, vì họ nghèo khổ và nóng lòng mong đợi được trả công; như vậy họ sẽ không kêu lên ĐỨC CHÚA tố cáo anh (em), và anh (em) sẽ không mang tội ». ( Đnl 24,14-15).
Một cách làm giàu bất công nữa là gian lận trong cách buôn bán. Lề Luật nhấn mạnh về điểm này : « 13 Anh (em) không được có trong bao bị của anh (em) hai quả cân khác nhau, một nặng một nhẹ;14 anh (em) không được có trong nhà của anh (em) hai thùng khác nhau, một lớn một nhỏ.15 Anh (em) phải có một quả cân nguyên vẹn và chính xác, một thùng nguyên vẹn và chính xác, để anh (em) được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em).16 Thật vậy, hễ ai làm những điều ấy, hễ ai làm điều bất công, thì là điều ghê tởm đối với ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em) ». ( Đnl25, 13-16)
Tiên tri Giê-rê-mi-a so sánh hành động bất lương như cuộc đi săn : « 26 Vì trong dân Ta có những kẻ gian ác luôn rình rập như thể đánh chim, chúng gài bẫy bắt người. 27 Tựa chiếc lồng đầy chim, nhà chúng đầy lừa đảo. Nhờ đó, chúng đã thành kẻ cả giàu sang. 28 Chúng phương phi đẫy đà. Tội ác của chúng không sao lường nổi. Chúng không tôn trọng công lý, coi thường quyền lợi kẻ mồ côi, miễn sao chúng được lợi. Chúng không xử công minh cho kẻ khó nghèo » ( Gr 5,26-28). Thế nhưng Chúa lại chờ đợi chúng ta đứng về phe người nghèo. Điều này dẫn chúng ta đến điểm thứ ba.
Điểm thứ ba là của cải dùng để phục vụ mọi người ; chính Chúa chờ đợi nơi người giàu có ở điểm này. Của cải làm cho chúng ta có trách nhiệm với tha nhân; làm cho ta trở nên những người quản lý. Chúa rất tin cậy chúng ta ở điểm ấy. Của cải là phương tiện không phải là cứu cánh trên đời. Về điểm này chúng ta nhìn ra cách nói của Cựu Ước. Khi thánh Gia-cô-bê nói : « rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người »là ngài ám chỉ một hình ảnh trong sách Cách Ngôn « 10 Hãy bỏ tiền ra giúp người anh em bạn hữu, đừng đem chôn dưới đá kẻo nó hư đi. » ( Cn29,10). Và khi ngài nói : « 2 Tài sản của các người đã hư nát » ( C2) là có ý ám chỉ man-na trong sa mạc : mỗi người chỉ được nhặt đem về lượng cần đủ cho gia đình mình, phần man-na dư thừa sẽ hư nát, bị đầy dòi ngày hôm sau. Điều này làm cho chúng ta nghĩ đến câu sau đây của Chúa Giê-su : « 19 "Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi.20 Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi » ( Mt6,19-20). Về điểm này cũng như những điều khác, cuộc sống trong sa mạc là một thời gian tập luyện : không cần tích lũy cho mình.
Không phải của cải nơi nó là xấu, tất cả tùy thuộc chúng ta dùng nó như thế nào. Phải chấp nhận trực nhìn thẳng bổn phận mỗi người chúng ta. Trong câu trước bài đọc hôm nay của chúng ta, thánh Gia-cô-bê nói một cách cương quyết : « 17 Vậy kẻ nào biết làm điều tốt mà không chịu làm thì mắc tội » ( Gc4,17)
***