Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CN XXVII TNB ( Dt 2,9-11) 04/10/2015

"Đấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

 

9 Nhưng con người đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, thì chúng ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì đã cam chịu tử hình. Con người đó, chính là Đức Giê-su. Thật vậy, Đức Giê-su đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa.

10 Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giê-su trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ.

11 Thật vậy, Đấng thánh hoá là Đức Giê-su, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em,

 

« 9 Nhưng con người đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, thì chúng ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên… ».Ở đây, tác giả dẫn ra một câu của Thánh Vịnh và áp dụng cho Chúa Giê-su, đó là (Tv 8 ) một thánh vịnh cảm tạ công trình Thiên Chúa :

 «  2 Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!
Uy phong Ngài vượt quá trời cao.

3 Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.

4 Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
muôn trăng sao Chúa đã an bài,

5 thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?

6 Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,

7 cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân »

Người tín hữu viết bài Thánh Vịnh này chưa nghĩ đến Giê-su thành Na-da-rét. Đọc lại Sách Sáng Thế chỉ kinh ngạc thán phục trước ơn gọi của con người được Chúa gọi để chế ngự mọi loài tạo vật. Ơn ấy chưa được chu toàn, còn xa lắm vì thế nhân loại đang ngóng chờ.

Dĩ nhiên sau khi Chúa Ki-tô phục sinh, tác giả Sách Do Thái, sau khi đọc (Tv8) lại một lần kinh ngạc thán phục vì khám phá ra Chúa Giê-su là đấng toàn vẹn ấy, bá chủ các tạo vật và sự sống. Điều tác giả thêm – và thánh vịnh không nói tới - là sự quan trọng của cuộc tử nạn và cái chết của Chúa Ki-tô trên con đường vinh quang. « Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì đã cam chịu tử hình ». Đây là một điều được toàn Tân Ước nhấn mạnh : Không những thánh giá Chúa Ki-tô không tách rời với vinh quang của Ngài, mà hơn thế nữa, con đường vinh quang, tức là tất cả mạc khải của Chúa  đều qua thánh giá.

Sự liên đới giữa Chúa Ki-tô và loài người khắng khít đến nỗi Ngài đi cùng một con đường với loài người : « 10 Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giê-su trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ ». Chúa Ki-tô liên đới với con người trên đường gian khổ và sự chết để dẫn tất cả đến vinh quang và sự sống. Cụm chữ  «  trở thành vị lãnh đạo thập toàn » làm cho chúng ta ngạc nhiên : trước đó Chúa không hoàn hảo sao ? Thật ra đây là một từ ngữ kỹ thuật trong lời nguyện của vị trưởng tế, có nghĩa là « tôn lập chức Thượng Tế ». Chúng ta sẽ có dịp trở lại vì đây là một đề tài cốt lõi của sách Do Thái, bây giờ chúng ta hãy trở lại sự liên đới của Chúa Ki-tô với anh em Ngài. Sự hoàn hảo, hoàn thiện của Chúa Ki-tô không ở trong đau khổ, nhưng là sự liên đới của Ngài với toàn thể nhân loại trong sự đau khổ. Nếu Ngài chết đi, chính là để cứu độ mọi người, vì Ngài là một thành viên thực sự của nhân loại. Chắc hẳn đó là một ý nghĩa của câu 11 : « Đấng thánh hoá là Đức Giê-su, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc ». Đức Giê-su là người, cùng một chủng tộc với con người, ai cũng đồng ý như thế, nhưng khởi đầu câu bằng : « Đấng thánh hoá là Đức Giê-su » là một điều hoàn toàn mới lạ đối với những tín đồ mới, từ trước đã quen với Cựu Ước. Đối với một người của Cựu Ước, chỉ có Thiên Chúa là Thánh, chỉ có Ngài mới có thể thánh hoá. Con người thì được Thiên Chúa thánh hoá, dĩ nhiên là không tự thánh hoá mình và cũng không thể thánh hoá ai khác. Đối với người am hiểu Thánh Kinh, giữa con người và Thiên Chúa hẳn có một vực thẳm xa cách nhau.

Chúng ta hãy nhớ lại bài tường thuật Thiên Chúa kêu gọi tiên tri I-sa-i-a ( Is6). Trong lúc ông đang cầu nguyện trong Đền Giê-ru-sa-lem, ông thấy một thị kiến : Chúa hiện ra cho ông, ngồi trên ngai thật cao. Chung quanh Ngài có nhiều thần với Xê-ra-phim đứng đầu, hô lớn : «"Thánh! Thánh! Chí Thánh! » Tiếng tung hô đó làm cho các trụ cửa rung chuyển; khắp Đền Thờ khói toả mịt mù. Đứng trước sự biểu lộ sự thánh thiện của Thiên Chúa, I-sa-i-a chỉ còn biết nhìn nhận sự nhỏ bé của mình : « Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là ĐỨC CHÚA các đạo binh! » ( Is 6,4). I-sa-i-a chỉ nói lên một điều hiển nhiên thời ấy : Thiên Chúa cao vời, không ai có thể với tới được, nhìn thấy cũng không xứng.

Tại sao nhấn mạnh tính cách xa vời không với tới được ? Có lẽ nên nhớ lại một lần nữa, phương pháp sư phạm dài hạn được áp dụng suốt lịch sử It-ra-en : Trước hết phải cho Dân của Giao Ước từ bỏ những quan niệm quá thế gian, xuất phát từ họ về Thiên Chúa, để khám phá ra một Thiên Chúa khác hẳn với óc tưởng tượng của họ trước kia. Một Thiên Chúa « rất khác » nhưng « rất gần » chỉ được mạc khải sau này mà thôi. Nhưng sự kiện này cũng thế, phải trải qua nhiều giai đoạn. Trước hết Chúa chỉ mạc khải về Ngài cho vài nhân vật của Cựu Ước mà thôi, vì dĩ nhiên Ngài là chủ nhân của cái hố sâu xa cách với con người, chỉ có Ngài là đấng nhân từ cho phép vượt qua khoảng cách ấy.  Chính Ngài chọn cho gần gũi vài người, ví dụ như : Áp-ra-ham, Gia-cóp, Mô-sê, Ê-li-a… ( Chúng ta để ý ở đây, tất cả những người Chúa chọn là để gởi đi phục vụ anh em mình) .

Sau đó các ngôn sứ biết phát biểu về điều nghịch lý ấy, một Thiên Chúa vừa « rất xa » mà cũng « rất gần ». Ví dụ như I-sa-i-a - người tán tụng sự thánh thiện Thiên Chúa - cũng thường nói về tình nghĩa Cha con của Chúa. Các thánh vịnh cũng ca ngợi Thiên Chúa bênh vực kẻ yếu hèn, nhỏ bé, nhất là câu bất hủ trong (Hc 35,15)  «  15 Nước mắt quả phụ … giàn giụa trên gò má ( của Chúa ) ». Sụ gần gũi của Chúa đã được biết, không thể nào phủ nhận, ngay từ trong Cựu Ước.

Với Chúa Giê-su, những tín hữu bước qua một giai đoạn mới : Thiên Chúa gần gũi con người đến mức xuống thế làm người, nơi Đức Giê-su. Trong bài, khi nói  « Đấng thánh hoá là Đức Giê-su » tức là muốn nói Ngài là Thiên Chúa. Nhờ đó, câu sau đây thật vĩ đại : «  Đấng thánh hoá là Đức Giê-su, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc ». Đó là cách nói theo Cựu Ước, điều khám phá của Tân Ước. Chúa Giê-su vừa là Thiên Chúa, Ngài thánh hoá, và cũng là người cùng nguồn gốc ( dòng giống) với chúng ta. Cùng một huyết thống chảy trong mạch của chúng ta. Cái vực thẩm từ nay được lấp lại vĩnh viễn, đó là sự cứu độ.

***

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com