“CHÚA GIÊSU ĐƯỢC ĐƯA LÊN TRỜI
VÀ NGỰ BÊN HỮU THIÊN CHÚA"
Tin Mừng theo Thánh Máccô 16,19
Hát 1 thánh ca mùa Phục Sinh.
Chúng ta hãy cầu nguyện để bắt đầu.
Nhân Danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen.
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho cộng đoàn chúng con biết hoan hỷ vui mừng mà dâng lời cảm tạ, vì hôm nay, Con Một Chúa đã lên trời vinh hiển. Là Thủ Lãnh, Người đã đi trước mở đường dẫn chúng con vào Nước Chúa, khiến chúng con, là những chi thể của Người, nắm chắc phần hy vọng sẽ cùng Người hưởng phúc vinh quang. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen
(Sách Lễ, Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên B)
1 - LẮNG NGHE LỜI CHÚA
Một người công bố Tin Mừng theo Thánh Máccô, chương 16,15-20.
Mọi người đứng lắng nghe.Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.
2 - SUY NIỆM
Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và suy nghĩ về 1 trong 3 câu hỏi gợi ý sau đây:
- Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Chúa Giêsu ?
Tôi hiểu biết Chúa tôi rõ hơn ở chỗ nào ?
- Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi ở chỗ nào?
Lòng tôi được thúc đẩy yêu mến Chúa Giêsu hơn ở điểm nào?
- Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm gì để đi theo Chúa ?
(Nếu đã quen làm Lectio Divina trong Nhóm hay ở gia đình, sau khi suy niệm, có thể mời vài người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình).
3 - CHIÊM NGHIỆM
Đọc lại Lời Chúa một lần nữa, sau đó suy nghĩ: Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào?
- Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa (c.19)
Mầu nhiệm Chúa Giêsu phục sinh lên trời, - với thân xác vinh hiển và ở bên hữu Chúa Cha - biểu dương hồng ân cứu độ Ngài thực hiện cho loài người, như Chúa đã nói: "Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi" (Ga 12,32). Đây là niềm hy vọng của Kitô hữu chúng ta. Chúa không còn hiện diện giữa chúng ta bằng thân xác, Ngài hiển trị bên hữu Chúa Cha, để chuyển cầu cho chúng ta và phái Đấng Bảo Trợ khác là Chúa Thánh Thần xuống ở với chúng ta luôn mãi (x. Ga 14,16 và Ga 15,26). Niềm tin vào Chúa Giêsu vinh hiển được củng cố khi chúng ta nhìn vào lịch sử Giáo Hội 2.000 năm qua, cũng như nhờ các hồng ân cứu độ Ngài ban cho mình. Chúng ta cần hiểu biết lịch sử Giáo hội Việt Nam. Hãy Nhớ Lại và Nhận Ra vài ân huệ Chúa đã ban cho Giáo Hội chúng ta và cho chính mình.
...................................................................................................
...................................................................................................
- “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ,
loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (câu 15b)
Đây là lệnh Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ trước khi lên Trời, cũng là cho toàn thể Giáo Hội sau này. Ngài muốn ơn cứu độ được mang đến cho mọi loài thụ tạo và trước hết các dân tộc sống trên trái đất (xem Tin Mừng Matthêu 28,19). ĐTC Phanxicô nhắc nhở chúng ta hãy sống và chia sẻ Niềm Vui Giêsu cho mọi người và mọi tạo vật qua các tông huấn Laudato Si và Fratelli Tutti. Tôi sẽ thi hành lệnh Chúa truyền cho ai, và làm gì cho họ trong những ngày tới ?
...................................................................................................
...................................................................................................
- “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ" (câu 16)
Để được cứu độ, Chúa Giêsu nói đến 2 yêu cầu: TIN và CHỊU PHÉP RỬA. Muốn tin thì phải được nghe nói (x. Rôma 10,14), và để chịu phép Rửa thì cần hoán cải hầu được ơn tha tội và lãnh nhận CHÚA THÁNH THẦN (x. Công vụ 2,38). Tôi thường xuyên lắng nghe và hoán cải nhờ các lời Chúa được nghe trong Thánh Lễ như thế nào? Việc thường xuyên thực hiện Lectio Divina này giúp tôi gặp, nghe Chúa Giêsu, và cảm nghiệm được ơn Chúa cứu độ tôi ở chỗ nào?
...................................................................................................
...................................................................................................
4 - CẦU NGUYỆN
Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa.
Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình hay chuyển cầu cho người khác, tùy theo sự thúc đẩy của Lời Chúa.
* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.
Lời nguyện kết.
Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót,
xin giúp chúng con sống cho xứng với
ơn kêu gọi Chúa đã ban cho chúng con.
Xin cho chúng con ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại,
biết lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau.
Xin giúp chúng con thiết tha duy trì sự hiệp nhất
Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau.
Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như chúng con đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng.
Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa.
Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.
(Theo Bài đọc 2, Thư Êphêsô 4, 1-6)
5 - HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN
* Tôi chọn 1 câu Tin Mừng để suy ngẫm trong ngày.
...................................................................................................
* Trước khi lên trời, Chúa Phục Sinh truyền cho các môn đệ RA ĐI loan báo Tin Mừng cho toàn thể tạo vật. Chúng ta không mừng lễ Chúa Lên Trời rồi vẫn sống như cũ. Chúa Giêsu cũng sai chúng ta đến với mọi người chưa nghe biết Tin Mừng. Trong tuần này, hãy làm cho những người ở gần mình nhận thấy Niềm Vui Giêsu đang có trong lòng Bạn và diễn tả bằng việc làm cụ thể.
...................................................................................................
...................................................................................................
CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Thiên Chúa không mơ hồ, không che dấu ý định của Người bằng những điều bí ẩn; Người không hoạch định tương lai của thế giới theo cách không thể giải mã được. Thiên Chúa thì rõ ràng. Nếu chúng ta không hiểu điều này, thì có nguy cơ là chúng ta không hiểu được ý nghĩa của lời cầu nguyện thứ ba trong Kinh Lạy Cha.
Thật ra, trong Kinh Thánh có đầy những thành ngữ nói cho chúng ta về ý muốn tích cực của Thiên Chúa đối với thế giới.
Trong sách Giáo lý Công giáo chúng ta tìm thấy một sưu tập những trích dẫn minh chứng về ý muốn trung thành và kiên trì của Thiên Chúa (x. các số 2821-2827).
Và thánh Phaolô viết trong thư thứ nhất gửi cho ông Timôthê như sau: “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (2,4). Điều này, không chút nghi ngờ, chính là ý muốn của Thiên Chúa: ơn cứu độ của con người, mỗi người chúng ta. Thiên Chúa với tình yêu đến gõ cánh cửa trái tim chúng ta. Vì sao?
Để lôi kéo chúng ta, để kéo chúng ta đến với Người và để đưa chúng ta tiến bước trên hành trình cứu độ. Thiên Chúa gần gũi với mỗi người chúng ta bằng tình yêu của người, để cầm tay dẫn đưa chúng ta đến ơn cứu độ.
Biết bao yêu thương Người dành cho chúng ta.
(trích bài Huấn dụ 20.3.2019)
website : giadinhctc.com
Ý kiến bạn đọc