Sức khỏe

Một phương pháp điều trị « Lo âu »

(Tây y gọi là bệnh « Rối loạn lo âu »)

Xin nói rõ, bài này không có tham vọng triển khai tổng quát đề tài Rối loạn lo âu, chỉ nêu một phương pháp điều trị giữa những phương pháp khác cho một « chứng bệnh » thường gặp.

 

Khái niệm về Rối loạn lo âu

Mỗi người đều có ít nhiều, trong một thời gian nào đó, chứng lo âu. Điều này hết sức tự nhiên và không nên cho đó là bệnh. Trái lại, Rối loạn lo âu phải xem là bệnh một khi nó có ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, đến sức khoẻ (mất ngủ thường xuyên), nhất là khi kéo dài dai dẳng, có thể dẫn đến rối loạn đời sống cá nhân, có khi ảnh hưởng đến thân nhân hay xã hội.

 

Khác với hội chứng Trầm cảm

Rối loạn lo âu là sự lo âu quá mức và dài lâu với những lý do nêu ra không tương xứng với bệnh, nhưng thường là không có nguyên nhân, chỉ do chủ quan người bệnh.

- Chứng mất ngủ rất thường xuyên. Đó thường là loại mất ngủ, tạm gọi là mất ngủ đầu hôm. Bệnh nhân khó đi vào giấc ngủ, nhưng một khi đã ngủ, sáng thức dậy cảm thấy khoẻ. Với bệnh Trầm cảm thì buổi tối bệnh nhân mệt nhoài, lăn ra ngủ, nhưng một ít lâu sau lại thức giấc, sau đó chỉ ngủ lại chập chờn, khi thức dậy có cảm tưởng không khoẻ. Triệu chứng mệt buổi sáng, khoẻ buổi chiều rất thường nơi bệnh nhân Trầm cảm, khác với Rối loạn lo âu.

- Chứng Rối loạn lo âu không có những triệu chứng của bệnh Trầm cảm:

  1. a) Các triệu chứng thường do thân nhân nhận xét nơi bệnh Trầm cảm:

- Mất mọi quan tâm, thích thú trong sinh hoạt, công việc hoặc giải trí. Các sở thích trước đây của bệnh nhân đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

- Cảm giác buồn rầu, nét mặt bệnh nhân luôn rầu rĩ, không có cách nào làm bệnh nhân vui lên được. 

  1. b) Các triệu chứng do chính bệnh nhân cảm nhận:

- Một triệu chứng khó diễn tả là tình cảm đau khổ nội tâm, và có cảm tưởng không ai có thể hiểu mình, thông cảm với mình, dẫn tới thái độ ít nói, không còn muốn chia sẻ với ai vì không ai có thể cảm thông với mình được.

- Bệnh nhân thường cảm thấy rất mệt mỏi, uể oải, đặc biệt là về buổi sáng. Chính mệt mỏi là nguyên nhân gây giảm sút khả năng cầu nguyện, khác với Rối loạn lo âu. 

- Ý nghĩ chán nản, buông xuôi mọi thứ, bệnh nhân hay cho mình là vô dụng, bất xứng: mình là một người mẹ bất xứng, là một người cha bất xứng, là một người con bất xứng…

- Có thể có ý nghĩ tự sát, khác với Rối loạn lo âu.

 

Một phương pháp điều trị:

Có nhiều phương pháp điều trị. Hình như không có đồng thuận trong giới y học về một phương pháp duy nhất nào. Phương pháp điều trị này dựa vào một đặc tính của bệnh là bệnh nhân thường xuyên không ý thức lý do gây bệnh. Bệnh nhân lo âu nhưng khi hỏi, họ thường chỉ ý thức một hay những lý do không tương xứng với bệnh, nhất là với diễn biến lâu dài của bệnh. Thực tế chứng minh, một khi các lý do được nêu lên ý thức, mặc dù tất cả chưa có giải pháp để xử lý, cường độ lo âu giảm đi rất nhiều và giúp bệnh nhân, một khi sức khoẻ hồi phục, sẽ tìm cách giải quyết dần dần.

 

Nguyên tắc điều trị:

Có thể kết hợp hay không kết hợp với thuốc đặc trị bệnh Rối loạn lo âu, nhưng phương pháp dựa vào tâm lý sau đây là chủ yếu:

Xin mở ngoặc thuốc trị rối loạn lo âu không phải thuốc an thần nhưng chủ yếu là thuốc trị trầm cảm thế hệ mới. Các thứ thuốc này đem lại ít nhiều kết quả nhưng cần bác sĩ theo dõi, nhưng dù sao chủ yếu là phương pháp tâm lý. Có thể dùng thuốc an thần loại « đưa vào giấc ngủ », thỉnh thoảng 1 đêm để lấy lại sức hầu có thể đảm nhiệm hôm sau có những ngày sinh hoạt quan trọng. Nhất quyết tránh dùng « thuốc  ngủ »quá thường, hay liên tục, có nguy cơ gây ghiền thuốc, mất trí nhớ …

Xin trở lại phương pháp của bài này: mời gọi bệnh nhân cố gắng đem về ý thức những nguyên do thường còn trong tiềm thức, nhưng lại mù mờ trong ý thức. Cố gắng tận dụng những tiềm năng cá nhân (như đức tin, linh hướng, trình độ văn hoá v.v…) đưa ra những giải pháp cho từng lý do. Nếu không có giải pháp cũng nêu ra rõ ràng.

 

Thực hiện như thế nào?

Phương pháp tuy đơn giản nhưng kỹ thuật thi hành cần nhiều chăm sóc tỉ mỉ. Chính vì nguyên tắc đơn giản nên bệnh nhân có khuynh hướng tuỳ tiện thay đổi, bớt đi nhiều chi tiết quan trọng ảnh hưởng đến kết quả.

1/- Bệnh nhân phải được giải thích và thuyết phục vì kết quả chờ đợi khó tin, nhất là lâu nay đã cố gắng bằng các phương pháp khác, với nhiều chuyên gia, dùng lâu dài thuốc Đông – Tây y.

2/- Mời gọi suy nghĩ tương đương như việc xét mình trong bí tích Hoà Giải: Trong bầu khí trang nghiêm, một mình ghi ra trên giấy, tránh không ghi chép mà chỉ nhớ, nếu cần xin một người đồng hành giúp thêm những lúc đã xét một mình.

a-  Ghi rõ từng lý do có thể khiến mình lo âu, trong quá khứ gần hay xa; đến từ người khác hay đến từ mình; nếu liên quan đến tiền bạc: nợ ai bao nhiêu, tiền lời phải chịu mỗi tháng, chừng nào đáo hạn; nếu là bổn phận phải chi tiền, ví dụ, tiền học cho con, tiền nhà hưu dưỡng cho cha mẹ…: mỗi tháng bao nhiêu, mục gì, đến khi nào…; những lý do tình cảm, liên quan đến tình yêu vợ chồng, tình cha mẹ - con cái; công ăn việc làm, bạn bè, cộng đồng sinh hoạt, ghi rõ việc gì với ai, từ bao giờ, đến bao giờ nếu biết…; sức khoẻ của mình, của người thân v.v…

b- Thử tìm những giải pháp cho từng nguyên do. Ghi rõ giải pháp khả thi bên cạnh danh sách các nguyên do.

Nguyên tắc là không ngần ngại nghĩ đến những giải pháp triệt để, ví dụ như hiện nay số tiền chi ra quá lớn so với số thu nhập lâu dài rõ ràng kém hơn. Nghĩ đến bán nhà, bán xe, huỷ sổ tiết kiệm, chấp nhận xuống hẳn cấp bậc xã hội, ví dụ như bán nhà đi thuê, tạm ở và sinh hoạt trong xóm nghèo, vay số tiền lớn từ ngân hàng hay người thân để trang trải hết các món nợ, thương thuyết thời gian nợ dài lâu để mỗi tháng có thể trả v.v…

Dần dần có những nguyên do tìm được giải pháp tích cực, có những nguyên do chưa tìm ra, ngay cả với những giả thuyết triệt để nhất, có những nguyên do đi đến ngõ cụt, ví dụ như sự chết hay tạm cắt đứt quan hệ tình cảm mình tha thiết, nhận lỗi về mình, xin tha thứ v.v …!

Thực ra, không có trường hợp nào mà không có giải pháp, ví dụ như mang bệnh ung thư, rốt cùng là chết chứ có sao đâu, bây giờ cứ tích cực chữa trị… Đây là dịp để nhìn trực diện sự chết, cái chết của mình, của người mình thương yêu. Nếu đề cập vấn đề này, phải nói là một ơn lớn: ai cũng phải có lúc suy nghĩ đến và thường là lúc ta gặp gỡ Chúa một cách đặc biệt, chỉ có Chúa Giê-su Ki-tô mới thắng sự chết và nhờ Ngài ta cũng sẽ chiến thắng nó, và sẽ được phục sinh như Ngài.

 

Kết quả:

Tôi may mắn có nhiều cơ hội thấy được sự thành công của những bệnh nhân chịu khó theo phương pháp này. Đa số đều sớm trở lại đời sống tương đối bình thường, mặc dù các lý do làm lo âu chưa khắc phục được. Trong trường hợp này, người có đức tin có dịp tạ ơn Chúa, và nhờ các chứng lo âu giảm đi, giải quyết những lý do lo âu trước kia có phần dễ hơn, giúp cho sự bình phục được toàn diện.

BS DC (De Colores)


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com