Yêu thương nhau, kiến tạo thế giới mới

CN5PS05b

Trong Diễn từ Tiệc ly Thánh Gioan ghi lại cho chúng ta việc Đức Kitô mạc khải cho các môn đệ biết điều giải thích cho tất cả cuộc sống của Người: Người đến để biểu lộ cho con người tình yêu của Thiên Chúa. Đã đến giờ Người được tôn vinh là giờ mà Người biểu lộ tình yêu Thiên Chúa cho nhân loại, giờ Người bước vào cuộc thương khó, hiến tế chính mình để cứu độ nhân loại. Người đã chết vì yêu thương nhân loại. Người cũng muốn mọi môn đệ cũng phải yêu như người.

I. TÌM HIỂU LỜI CHÚA: Ga 13, 31-35

Trong diễn từ biệt ly, vào tối Thứ năm Tuần thánh, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ cách mạnh mẽ : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu anh em, đó là dấu chỉ để người ta nhận biết ai là môn đệ của Người.

a. Sau khi Giuđa rời khỏi phòng ăn có lẽ sau lúc rửa chân và trước khi thiết lập Bí tích Thánh thể, Chúa Giêsu nói bây giờ là lúc Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người. Giờ này là giờ mà Thiên Chúa đã ấn định, giờ mà vì đó Người đến thế gian, không ai có quyền cho xảy ra sớm hơn hay trễ hơn. Đây là giờ Thiên Chúa thực hiện cuộc thương khó của Người để tiêu diệt Satan và sự chết. Đó cũng là vinh quang của Người và là vinh quang của Thiên Chúa.

b. Trước khi từ giã các môn đệ, Chúa Giêsu đã cho các ông biết ý định của Người là ban cho các ông một điều răn mới : Hãy yêu nhau như Người đã yêu thương các ông. Tính chất mới mẻ ở đây được thể hiện trong cách thức yêu thương giữa con người với nhau là yêu như Người đã yêu. Lấy tình yêu của Người làm chuẩn mực, làm gương mẫu để thực hiện. Khác với điều răn yêu thương được Thiên Chúa trao ban thời Cựu ước : hãy yêu thương tha nhân như chính mình.

c. Sự mới mẻ của điều răn này còn được thể hiện ở chỗ tình yêu chính là dấu chỉ để người khác nhận ra ai là môn đệ của Chúa Giêsu. Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của thầy là các con yêu thương nhau.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. Tình yêu là căn tính Kitô hữu :

Được tạo dựng và được cứu độ trong tình yêu của Thiên Chúa, lại được mời gọi sống điều răn yêu thương, cho nên có thể nói được rằng yêu thương là căn tính, là bản chất của Kitô hữu. Điều này đòi buộc mỗi người luôn phải xét mình xem đã sống và thực thi tình yêu như thế nào. Tình yêu của Kitô hữu không hệ tại ở những cảm xúc tự nhiên, nhưng đó là sự tiếp nối tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, một tình yêu siêu nhiên vượt trên hẳn những cảm xúc tự nhiên. Tình yêu ấy luôn mang lại một khả năng biết mở rộng con tim và vòng tay để đến với mọi đối tượng ngay cả với kẻ thù của mình. Yêu vì nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa nơi chính tha nhân. Yêu vì họ cùng là con cái Chúa như mình, cùng là anh chị em với mình trong gia đình Thiên Chúa. Yêu vì cùng là chi thể của Chúa Giêsu Kitô.

Căn tính tình yêu làm nên nhân cách, làm nên cuộc đời Kitô hữu. Không yêu thương thì không còn là Kitô hữu. Càng biết yêu, dám yêu, yêu không loại trừ là càng trở nên Kitô hữu chính danh.

2. Yêu như Chúa Giêsu yêu :

Tình yêu của Chúa Giêsu thể hiện rất phong phú vì cả cuộc đời của Người là cả một trời yêu thương : yêu đến độ hy sinh quên mình, chết cho người mình yêu. Một khi đã yêu là yêu đến cùng, yêu vô vị lợi. Tình yêu của Người là tình yêu nảy sinh sự sống và điều thiện hảo cho toàn thể nhân loại. Vì thế, yêu như Người đã yêu thật là khó thực hiện đối với bản tính giới hạn, yếu đuối, mỏng dòn của thân phận con người. Mỗi hoàn cảnh, mỗi môi trường, mỗi con người đều có thể noi gương và sống tình yêu Chúa Giêsu cách khác nhau. Tuy nhiên, chiêm ngưỡng tình yêu của Chúa Giêsu chúng ta dễ dàng nhận ra hai đặc tính của một tình yêu chân thành mà mọi người đều có thể thực hiện được. Đó là, hy sinh cho người mình yêu và gần gũi với người mình yêu. Hy sinh đến độ chết cho người mình yêu. Càng hy sinh càng chứng tỏ tình yêu. Càng hy sinh càng cảm nhận hạnh phúc cho mình và càng mang lại hạnh phúc cho người yêu. Khi yêu nhau người ta luôn muốn gần gũi với nhau, gắn bó với nhau. Sự gần gũi gắn bó mật thiết đi vào tận sâu thẳm lòng người, để rồi luôn nhớ về nhau, luôn quan tâm đến nhau và luôn cầu nguyện cũng như ước mong những điều tốt đẹp cho nhau. Chúa Giêsu vì yêu chúng ta, Người đã đến làm người ở giữa nhân loại. Vì yêu mà Người đã trở nên lương thực để đi vào từng con người, để kết hợp mọi người nên một với Người. Không còn có sự gần gũi nào sâu xa, bền chặt hơn thế nữa. Người yêu và chính mình được trở nên một.

Yêu như Chúa yêu đòi mỗi người chúng ta phải biết hy sinh và sống gần gũi, quan tâm đến những nhu cầu, những hoàn cảnh của những người chung quanh. Ngày nay, tình yêu của chúng ta, những Kitô hữu như thế nào ? Có phải chỉ là những cảm xúc tự nhiên?

3. Tình yêu là dấu chỉ của niềm tin:

Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy là anh em yêu thương nhau. Tình yêu thương hiệp nhất mọi người trong Hội thánh là dấu chỉ loan báo Tin mừng hữu hiệu nhất, giá trị nhất. Mọi người cố gắng xây dựng sự yêu thương, hiệp nhất trong Hội thánh qua việc cộng tác vào các công việc của Hội thánh, cụ thể là tích cực tham gia các hội đoàn, các công việc giáo xứ, xây dựng giáo xứ mỗi ngày một hiệp nhất hơn. Chúng ta cố gắng xây dựng gia đình mình thành cộng đoàn yêu thương, hạnh phúc. Yêu hy sinh như Người đã yêu ; yêu thủy chung như Người đã thủy chung gắn bó nên một với Giáo hội. Làm sao có thể nói cho người khác biết về Thiên Chúa là tình yêu nếu như lòng chúng ta còn hận thù, đố kỵ và ganh ghét. Làm sao nói cho mọi người biết Chúa Giêsu yêu thương đến độ hy sinh chết để cho nhân loại được sống và sống dồi dào nếu người ta chỉ thấy nơi đời sống Kitô hữu sự ích kỷ, thủ lợi và khép kín.

Một thế giới chiến tranh và hận thù, đầy bạo lực và khủng bố trong đó lòng tham, tính ích kỷ ngự trị, chỉ biết đến quyền lợi cá nhân, vật chất hẹp hòi đang biến con người trở nên lạnh lùng chai cứng với nhau, thì Kitô hữu phải làm sáng lên mạnh mẽ ngọn lửa mến của Chúa Giêsu Kitô. Đời sống của Kitô hữu phải vang lên niềm tin của mình.

Trích: HTMV Khoá 10 ĐCV Thánh Giuse

Nguồn: giaophanphucuong.org


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com