25/04 - Thánh Marcô, tác giả Tin Mừng thứ hai

Marc03Nếu làm một cuộc so sánh với các Thánh sử khác, thì Phúc âm của Thánh Marcô là ngắn nhất (16 chương). Trong khi Matthêu có đến 28 chương, Luca 24 chương, và Gioan 21 chương. Lối trình bày của Ngài đơn sơ, mộc mạc, mang tính kể chuyện về cuộc đời của Chúa Giêsu, thích hợp cho mọi độc giả, đặc biệt cho những anh chị em bình dân.

Marcô là học trò của Thánh Phêrô, điều này được nhắc đến trong lá thư thứ nhất của thánh nhân: “Hội Thánh ở Babylon cũng được chọn như anh em, và Marcô con tôi, gởi lời chào anh em” (1Pr 5,13). Marcô cũng còn được gọi là Gioan-Marcô: “Ý thức được như vậy, ông đi đến nhà bà Maria, mẹ của ông Gioan, cũng gọi là Marcô; ở đó có khá đông người đang tụ họp và cầu nguyện” (Cv 12,12). Mẹ của thánh nhân là bà Maria, một góa phụ giàu có, nơi ngôi nhà này, các tín hữu hay đến để tụ họp. Phêrô, sau khi ra khỏi tù đã về đây trú ẩn: “Mở cổng ra, thấy ông, họ kinh ngạc. Ông giơ tay làm hiệu cho họ im lặng, rồi kể cho họ nghe Chúa đã đưa ông ra khỏi tù thế nào” (Cv 12, 16-17).

Nhiều lần Marcô cùng với Phaolô và Barnabê đồng hành bên nhau trong các hành trình truyền giáo. Marcô dù không thuộc nhóm mười hai, nhưng đã trở nên rất thân quen với cộng đòan các kitô hữu tiên khởi, một người bạn đồng hành với Phaolô và một người con của thánh Phêrô (Col 4,10; II Tim 4,11).

Văn là người. Lối văn của Marcô sống động, uyển chuyển, trung thực. Một tuyển tập các lời Chúa dạy, các việc Chúa làm, kết thành một sách bỏ túi cần thiết cho mọi người, cụ thể là những anh chị em giáo lý viên. Marcô viết Phúc âm một cách chân thành, không như một nghệ sỹ hay một nhà tư tưởng. Là thính giả của Phêrô, Marcô đã ghi lại một cách trung thực cho hậu thế những điều Phêrô đã giảng và như lời Giám mục Papias: “Marcô chỉ có một lo lắng này là không bỏ sót một điều nào đã nghe và không thêm điều gì mới.” Đọc phúc âm Marcô, chúng ta chắc chắn được nghe tiếng của vị đã nói với Hội Đồng tối cao Do Thái: “chúng tôi không thể không nói những điều mắt thấy tai nghe” (Cv 4,20).

Các tín hữu thuộc các Giáo hội cổ Ai Cập, Syrie và Byzantin đều mừng kính Ngài vào ngày 25 tháng 4. Ở Tây phương, kể từ thế kỷ thứ IX, người ta cũng mừng lễ thánh Marcô vào ngày này. Một truyền tụng từ thế kỷ thứ III cho rằng thánh nhân đã thiết lập giáo đòan Alexandrie (Ai cập), và qua đời tại nơi đây.

Biểu hiện của Marcô là con sư tử, con vật của vùng sa mạc thảo nguyên. Đọc Tin mừng của ngài, chúng ta càng xác tín vào một Đức Giêsu con Thiên Chúa đã nhập thể trong dòng chảy của lịch sử cứu độ của con người và nhân loại hôm nay và mãi mãi.

Lm Giacôbê Tạ Chúc - 2009


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com