Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XV TN Năm C (Lc 10, 25-37) 10/07/2016

Alleluia, alleluia! -

Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến,
bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.

-----------------

"Ai là anh em của tôi?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

 

25 Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp.

26 Người đáp: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? "

27 Ông ấy thưa: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình."

28 Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống."

29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: "Nhưng ai là người thân cận của tôi? "

30 Đức Giê-su đáp: "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.

31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi.

32 Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.

33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương.

34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.

35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác."

36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? "

37 Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."

 

« Cười người chớ vội cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười ». Một thông Luật muốn làm cho Chúa Giêsu lúng túng nhưng rốt cuộc chính anh ta mới thật bối rối!

Người thông Luật này đặt câu hỏi cho chính Đấng là Tình yêu câu hỏi: « Phải yêu thương đến như thế nào ? », anh ta sẽ nhận được một câu trả lời hết sức khắc khe! Thật vậy, muốn yên thân không nên đặt quá nhiều câu hỏi! Nhất là loại câu hỏi đầu tiên anh đặt cho Chúa Giêsu: « Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp » hay còn đánh bạo hơn nữa, anh hỏi: « Nhưng ai là người thân cận của tôi? ». Trước những lời hạch hỏi như thế, Chúa Giêsu chỉ còn cách dẫn người này vào tận thâm sâu trong đáy lòng chính Thiên Chúa.

Cuộc hành trình này, Chúa Giêsu sẽ đặt trong bối cảnh con đường, đọc giả bài này quen biết, đó là ba mươi cây số cách Giêrusalem và Giêricô, con đường giữa sa mạc, có những khúc quanh đầy trộm cướp. Câu truyện cướp trên đường ấy và việc cứu nạn nhân rất thật. Một người bị cướp đánh nhừ tử và lột hết của cải. Thêm vào cái khổ thể lý lại còn khổ vì bị loại trừ vì lý do tín ngưỡng: ai cũng tin vì ông bị người « ô uế » chạm vào nên ông cũng trở nên ô uế. Có lẽ đó là một trong những lý do mà mọi người làm ngơ, hay còn có thể thấy ghê tởm như thầy tư tế hay thầy Lêvi muốn giữ cho mình tinh tuyền. Người Samari thì không có nề hà chi những điều ấy.

Cảnh tượng trên vệ đường gợi lên hình ảnh Chúa Giêsu thường thể hiện khi Ngài chữa bệnh ngày Sabát, ví dụ như khi Chúa chạm vào các người mắc bệnh hủi, hay tiếp đón người tội lỗi, và nhắc lại nhiều lần lời tiên tri Hôsê: « 6 Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu »  (Hs 6, 6)

Nhận biết Thiên Chúa. Khi người thông Luật trả lời câu hỏi của Chúa: « Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? » Anh hăm hở trả lời như trả bài: « Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình ». Chúa nói với anh ta: « Ông trả lời đúng lắm ». Vì điều quan trọng nhất là trung thành với hai tình yêu ấy, sau này thánh Gioan viết: « 7 Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa » (1Ga 4, 7)

Chữ tinh tế nhất nói về hiểu biết Thiên Chúa trong Thánh Kinh, Cựu Ước cũng như Tân Ước, đó là « Từ bi nhân hậu » (tiếng Do Thái có nghĩa đen là « ruột gan đều rung động ») trong lúc ấy trong bài tường thuật, người Samari khi thấy nạn nhân thì  « chạnh lòng thương » (bản tiếng Hi lạp nói: « rung động đến ruột gan »). Không phải ngẫu nhiên thánh Luca cũng dùng cụm chữ này để miêu tả tình cảm Chúa Giêsu trước cổng thành Naim, người goá phụ tiễn đứa con duy nhất của mình ra nghĩa địa (Lc 7). Thánh Luca cũng dùng cụm chữ này để nói lên tình cảm người Cha nhân hậu khi thấy đứa con hoang đàng trở về (Lc 15). Người hành khất nhân hậu trong bài dụ ngôn này, dưới mắt người Do Thái chỉ là một người Samari, tức là một người không mấy tử tế.

Lý do là Samari và Do Thái thường là hai kẻ thù: người Do Thái khinh miệt người Samari, và xem họ như những người theo tà giáo và về phía người Samari, họ không quên người Do Thái đã thiêu huỷ thánh địa của họ trên núi Garidim (129 trước CN). Thật ra sự khinh miệt này có từ thời tổ tiên: trong sách Huấn ca trong những dân tộc đáng ghét có dân Samari « 26 Đó là bọn người sống trên núi Xê-ia, rồi người Phi-li-tinh, và đám dân ngu xuẩn ở vùng Si-khem » (Hc 50, 26). Thế mà người bị khinh bỉ ấy lại được Chúa Giêsu xem như gần Thiên Chúa hơn những người có quyền cao chức trọng, những người phục vụ trong Đền Thánh.

Chính thức ra qua chân dung người Samari Chúa Giêsu muốn giới thiệu cho chúng ta chính hình ảnh của Ngài, đấng quảng đại ban phát lòng trắc ẩn và ơn chữa lành. Vì thế nếu ai hỏi Chúa « ai là kẻ thân cận của tôi ? » Ngài sẽ trả lời « chính anh quyết định anh chấp nhận gần kẻ khác đến mức nào ». Và nếu tại sao người Samari được đề nghị như một mẫu người cho cúng ta ? Câu trả lời rất đơn giản: « Vì ông biết chạnh lòng thương xót ». Với chúng ta Chúa Giêsu cũng nói: « … hãy đi, và cũng hãy làm như vậy ». Không phải làm hay không làm cũng được: « Cứ làm như vậy là sẽ được sống », như Chúa vừa nói lúc ban đầu.

Thánh Luca thường lặp lại sự đòi hỏi tương xứng giữa lời nói và việc làm: nói thì hay lắm như trong sách vở (trường hợp người thông Luật ở đây), nhưng như thế không đủ: « Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành » (Lc 8, 21). Từ đó cần đến sự sáng tạo của bạn: nếu kích thước của vòng người thân cận của bạn chỉ hệ tại nơi thiện chí chúng ta mà thôi, nếu những đòi hỏi về giai cấp xã hội, và tiêu chuẩn xứng đáng nhường chỗ cho lòng thương hại (như bài học của dụ ngôn hôm nay) thì chúng ta chỉ còn cách nên sáng tạo tình yêu không biên giới.

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com