PT Cursillo Sài Gòn Hành hương Năm Thánh Nhà thờ Thủ Đức 21/05/2016

ChurchThuDuc05

PHẦN 1: HÀNH HƯƠNG NĂM THÁNH

I. NGHI THỨC KHAI MẠC.

Cộng đoàn tụ họp lại cuối nhà thờ cử hành nghi thức khai mạc.

HÁT: LÊN ĐỀN THÁNH 

LM: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

: Amen.

LM: Xin Thiên Chúa là Đấng cứu độ và là niềm an ủi của chúng ta, ở cùng tất cả anh chị em.

: Và ở cùng cha.

Chủ sự dùng những lời sau đây hoặc tương tự để dọn lòng những người hiện diện bước vào cuộc hành hương.

LM: Anh chị em rất thân mến, lên đường tham dự cuộc hành hương thánh, chúng ta hãy hồi tưởng lại xem tư tưởng nào đã làm cho chúng ta có quyết định thánh thiện này.

Những nơi chúng ta mong được thăm viếng cho chúng thấy lòng sùng mộ của dân Thiên Chúa, dân đã đến viếng những nơi ấy, để lúc trở về được mạnh mẽ trong quyết tâm thăng tiến đời sống Kitô giáo và sẵn sàng hăng hái thi hành những việc bác ái từ thiện.

Nhưng, là những khách hành hương, chúng ta cũng phải mang lại gì cho các tín hữu đang sống tại nơi hành hương: đó chính là gương sáng về đức tin, đức cậy và đức mến của chúng ta, như vậy, mọi người, cả dân địa phương, lẫn khách hành hương đều được nên phong phú nhờ việc xây dựng lẫn cho nhau.

LỜI CHÚA - (Is 2, 2-5)

Bài trích sách tiên tri Isaia

Vào thời sau hết, núi nhà Chúa được thiết lập trên đỉnh các núi,
và cao vượt hơn các ngọn đồi. Mọi dân tộc sẽ đổ về đó.

Đoàn người đông đảo sẽ lên đường và nói rằng:

Nào, chúng ta hãy đi lên núi Chúa, đến tận nhà Thiên Chúa của Giacob, để Ngài dạy chúng ta biết đường của Ngài, và để chúng ta bước đi trong lối của Ngài. Vì luật pháp sẽ ban ra từ Sion, và lời Chúa sẽ phán truyền từ Giêrusalem.

Ngài sẽ phân xử các nước
và đưa ra phán quyết trên nhiều dân tộc.
Họ sẽ rèn gươm thành lưỡi cày,
rèn giáo thành lưỡi liềm.
Nước này không còn tuốt gươm ra đánh nước kia nữa;
người ta cũng sẽ không còn thao luyện để chiến đấu nữa.

Hỡi nhà Giacob,
nào, chúng
ta hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa.

Tùy nghi, chủ sự có thể nói ít lời với những người hiện diện, giải thích bài đọc Kinh Thánh để họ có thể hiểu được ý nghĩa của việc cử hành

LỜI CẦU

LM:Chúng ta hãy tin tưởng nguyện cầu Thiên Chúa là nơi xuất phát và là đích điểm cho cuộc lữ hành của loài người chúng ta và nguyện rằng:

: Lạy Chúa, xin thương đồng hành với chúng con.

NHD: Lạy Cha chí thánh, xưa chính Cha đã tự nguyện làm người hướng dẫn và là đường đi cho dân Cha lữ hành trong sa mạc: xin thương tình nên nơi nương tựa của chúng con khi chúng con khởi sự lên đường, để, sau khi vượt qua mọi hiểm nguy, chúng con được hân hoan trở về nhà. - CĐ.

NHD: Cha đã ban Con Một Cha làm đường dẫn chúng con về với Cha, xin cho chúng con trung thành và kiên nhẫn đi theo Người. CĐ.

NHD: Cha đã ban Đức Maria trọn đời đồng trinh cho chúng con như hình ảnh và mẫu gương cuộc đời theo Chúa Kitô, xin cho chúng con biết luôn nhìn ngắm Đức Mẹ mà bước đi cách xứng đáng trong cuộc sống mới. - CĐ.

NHD: Nhờ Chúa Thánh Thần, Cha đưa dẫn Hội Thánh lữ hành trần thế đi về với Cha, xin ban ơn để khi tìm kiếm Cha trên hết mọi sự, chúng con biết chạy theo đường mệnh lệnh của Cha. - CĐ.

NHD: Cha kêu gọi chúng con đến với Cha qua nẻo đường công lý và bình an, xin ban ơn, để, ngày kia, chúng con được chiêm ngắm Cha trên quê hương muôn đời. - CĐ.

LỜI NGUYỆN CHÚC LÀNH

LM: Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa luôn tỏ lòng thương xót những ai yêu mến Chúa và, bất cứ nơi đâu, Chúa vẫn gần gũi những người tìm kiếm Chúa, xin hiện diện kề bên các tôi tớ Chúa đang hành hương với tâm hồn đạo đức và dẫn đường cho họ đi theo thánh ý Chúa, để ban ngày họ được Chúa phủ bóng chở che cho an toàn và ban đêm được ánh sáng ơn thánh Chúa soi đường, hầu, có Chúa đồng hành, họ có thể hân hoan đạt tới nơi họ muốn tới. Chúng cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

CĐ: Amen

Cộng đoàn xếp hàng rước tiến vào nhà thờ hành hương

HÁT: THEO LÒNG THƯƠNG XÓT

II. SUY NIỆM MẦU NHIỆM KINH MÂN CÔI

Đọc kinh Tin-Cậy-Mến.

NĂM SỰ VUI, Mầu Nhiệm Thứ Nhất

THIÊN THẦN TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ

LỜI CHÚA - Lc 1,28.31.38

Cộng đoàn đứng.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

(Ngày ấy), sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà… Này bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu.” Bấy giờ Đức Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ Thần truyền”.

Đó là lời Chúa.

Cộng đoàn ngồi.

SUY NIỆM

Khi vào nhà trinh nữ Maria, sứ thần đã gọi Mẹ bằng tên gọi thần thiêng: ‘Đấng đầy ân sủng’; ‘Ân sủng’ ở đây có nghĩa là ‘tình yêu của Thiên Chúa’. Vì thế, ‘Đấng đầy ơn phúc’ cũng có nghĩa là ‘Đấng được Thiên Chúa yêu thương’. Một người được yêu, nhất là được chính Thiên Chúa yêu thương, phải là người hạnh phúc. Mẹ là Đấng được Thiên Chúa yêu thương, được Thiên Chúa ở cùng là vì Mẹ đã luôn đáp lại tiếng mời gọi của Chúa bằng tiếng “xin vâng”. Mẹ hoàn toàn tin tưởng phó trọn đời mình cho Chúa dẫn dắt

Thinh lặng một chút.

Trong cuộc sống, Thiên Chúa cũng không ngừng mời gọi chúng ta. Chúa mời chúng ta sống thành thật, công bình, bao dung và yêu thương. Chúa mời chúng ta cầu nguyện, dự lễ, đọc kinh tại gia. Chúa mời gọi chúng ta quý trọng hạnh phúc gia đình, trọng tấm lòng, nhân đức hơn của cải vật chất, chuyên cần giáo dục đức tin cho con cái… Những lời mời gọi tuy nhỏ bé, âm thầm nhưng rất quan trọng. Từng tiếng thưa “vâng” với Chúa mỗi ngày kết thành con đường dẫn chúng ta đến với Chúa. Đó là đường dẫn tới sự sống, tới tình yêu và hạnh phúc. Đó là lúc chúng ta trở nên người anh em, người bạn, người yêu của Chúa. Đó là lúc cuộc đời chúng ta được “đầy ơn sủng”, được Chúa ở cùng, được tràn đầy sự sống và niềm vui như Mẹ.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, Chúa đã không ngừng mời gọi chúng con nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Xin cho chúng con luôn biết khiêm nhường thưa “vâng” với Chúa trong từng biến cố mỗi ngày, nhất là khi gặp thử thách khổ đau, để đời chúng con luôn có Chúa ở cùng. Amen.

Kinh Lạy Cha, Mười kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh,

Lạy Chúa Giêsu…

Cộng đoàn đứng.

HÁT: BAO LA TÌNH CHÚA

KINH NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT

Lạy Chúa Giêsu Kitô,/ Chúa dạy chúng con phải có lòng thương xót như Cha trên trời, /và ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha.

Xin tỏ cho chúng con thấy dung nhan của Chúa và chúng con sẽ được cứu độ./ Ánh mắt đầy yêu thương của Chúa / đã giải thoát ông Zakêu và thánh Matthêu / khỏi ách nô lệ bạc tiền;/ làm cho người đàn bà ngoại tình và thánh Mađalêna / không còn tìm hạnh phúc nơi loài thụ tạo;/ cho thánh Phêrô khóc lóc ăn năn sau khi chối Chúa,/ và hứa ban thiên đàng cho kẻ trộm có lòng hối cải.

Xin cho chúng con được nghe những lời Chúa đã nói với người phụ nữ Samaria,/ như thể Chúa đang nói với mỗi người chúng con: / “Nếu con nhận ra hồng ân của Thiên Chúa!”/ Chúa chính là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình,/ Đấng biểu lộ quyền năng của Ngài trước hết bằng sự tha thứ và lòng thương xót: / Xin làm cho Hội Thánh phản chiếu gương mặt hữu hình của Chúa trên trái đất này./ Chúa là Đấng phục sinh vinh hiển,/ Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng mặc lấy sự yếu đuối / để có thể cảm thông với những người mê muội lầm lạc./ Xin làm cho tất cả những ai tiếp cận với các ngài / đều cảm thấy họ đang được Thiên Chúa quan tâm, yêu mến và thứ tha.

Xin sai Thần Khí Chúa đến xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con,/ để Năm Thánh Lòng Thương Xót này/ trở thành năm hồng ân của Chúa cho chúng con;/ và để Hội Thánh Chúa, với lòng hăng say mới,/ có thể mang Tin Mừng đến cho người nghèo,/ công bố sự tự do cho các tù nhân và những người bị áp bức,/ trả lại ánh sáng cho kẻ mù lòa.

Lạy Chúa Giêsu,/ nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót,/ xin ban cho chúng con những ơn chúng con đang cầu xin./ Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn đời./ Amen.

HÁT: LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

III.  SUY NIỆM VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT

LỜI CHÚA: Lc 10,25-37

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Một hôm, có người thông luật kia muốn thử Đức Giêsu mới đứng lên hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và người thân cận như chính mình”. Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”. Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giêsu rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” Đức Giêsu đáp: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”. Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”. Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM

Lời mở

Trong một thế giới văn minh và dư đầy của cải, xem ra con người vẫn chưa được thỏa nguyện. Lòng mỗi người vẫn khao khát sống an bình, hạnh phúc khi mang trong lòng nỗi trăn trở của người Thông luật: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Chúa Giêsu đã trả lời: “Hãy yêu thương thì ngươi sẽ được sống”.

1. “Một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương”.

Dụ ngôn mang tính ẩn dụ mô tả tuyệt vời về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người. Con đường từ Giêrusalem đến Giêrikhô được xem là hình ảnh của lịch sử thế giới. Nạn nhân nửa sống nửa chết nằm bên vệ đường là hình ảnh nhân loại rơi vào tay bọn cướp là sự dữ đã cướp đi vẻ đẹp của ân sủng và làm bản chất con người bị tổn thương trầm trọng. “Tư tế và Lêvi” đi qua nói lên văn hóa và tôn giáo đã không mang lại ơn cứu sống.

Người Samaritanô nhân hậu được các giáo phụ coi là hình ảnh của Đức Kitô. Thiên Chúa là Đấng mà con người khước từ, coi là xa lạ lại không bỏ rơi thụ tạo bị đánh bầm dập. Lòng Ngài mở ra trong nỗi xót thương khôn tả, nên đã trở nên Người Thân Cận của con người trong Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đã làm người để đi vào lịch sử nhân loại. Người đổ dầu và rượu trên vết thương tội lỗi của chúng ta là hình ảnh hồng ân chữa lành của các Bí tích. Người đưa chúng ta về nhà trọ là Hội Thánh, nơi đó Người để chúng ta được chăm sóc và chịu phí tổn cho những chăm sóc đó.

Chúng ta đều là những kẻ bị tổn thương bởi tội, nô lệ cho bao dục vọng trần gian, nên đều cần đến tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Một khi được Chúa xót thương, chúng ta hãy trở nên hiện thân tình thương của Chúa giữa mọi người khi thực hiện lời Ngài:

2. “Hãy đi và cũng hãy làm như vậy!”

Lòng thương xót là nền tảng cho đời sống đức tin. Hãy để lòng thương xót của Chúa chạm đến ta, để con đường mà Chúa đã đi trở nên lối bước của mỗi người chúng ta. “Như Cha đầy lòng thương xót, chúng ta cũng được mời gọi để xót thương nhau.”

a/ “Hãy đi và làm như vậy!” là mang lấy lòng chạnh thương của Chúa với tha nhân, đặc biệt những người bệnh tật, nghèo đói, khổ đau, bị loại trừ… Không ai toàn vẹn. Ai cũng có khiếm khuyết, gánh nặng, khổ đau riêng cần được đỡ nâng. Người khổ đau có khi đang ở bên ta: là vợ ta đang mang bao gánh nặng gia đình và chịu đựng bao tật xấu của ta. Cũng có thể là chồng ta mà ngày nào cũng chịu sự càm ràm, đay nghiến. Đó là cha mẹ già bị bỏ rơi cô độc trong góc nhà hay đứa con chỉ nhận được tiền mà không được chăm sóc yêu thương. Hãy mở đôi mắt để thấy và mở trái tim để thương! Hãy đón nhận người bạn đời và tha nhân như họ “là” với tất cả cái hay cái dở. Đừng đòi họ phải giống ta hoặc như ta muốn. Khi biết vui tươi đón nhận những khác biệt nơi tha nhân thì những khác biệt không còn là gánh nặng mà là điều làm ta thêm phong phú. Hãy sống bao dung và tha thứ vì nhớ rằng chính ta cũng đầy khiếm khuyết, cũng cần đến lòng thương xót của Chúa và mọi người.

b. “Hãy đi và làm như vậy!” là xoa dịu tha nhân bằng thứ dầu của lòng thương xót, dầu của niềm vui. Đó là niềm vui của Tin Mừng, niềm vui của người được Chúa yêu thương và cứu độ. Nhớ rằng “Thiên Chúa đã hành động hết mình vì niềm vui của chúng ta. Ngài làm hết sức để cứu chúng ta khỏi nỗi buồn. Ngài lãnh nhận hết những buồn sầu, khổ cực của ta và đưa nó lên Thập giá”. Tình yêu Thập giá là an ủi và sức mạnh của đời ta.

Hãy luôn mỉm cười với bạn đời, con cái và tha nhân bất chấp cuộc đời vẫn đầy thử thách. Người vợ sẽ thật an vui khi người chồng luôn quả cảm trong mọi khó khăn và luôn sẵn sàng chia sẻ công việc của vợ. Đối lại, người chồng sẽ thật hạnh phúc khi có người vợ dịu hiền bên cạnh đỡ nâng. Cha mẹ yêu thương và tươi vui là một kho tàng vô giá đối với con cái. Đó chắc chắn là gia đình ấm áp yêu thương vì luôn có Chúa ở cùng. Cuộc sống tự nó đã nhiều khó khăn, đừng chất thêm khổ đau lên nhau, nhưng hãy đỡ lấy gánh nặng của nhau và mang ủi an cho nhau. Đừng để vài trái ý nhỏ bé gây nên nóng nảy, xung đột đốt cháy hạnh phúc của những khoảnh khắc ngắn ngủi bên nhau. Mỗi ngày hãy quyết tâm mang niềm vui cho người ta gặp gỡ.

c. “Hãy đi và làm như vậy!” là biết cúi xuống để ân cần phục vụ tha nhân. Những việc nhỏ bé hằng ngày trở nên dấu chứng bác ái tuyệt vời nếu được làm với tình yêu lớn. Hãy bắt đầu với gia đình rồi lan rộng đến tha nhân. Bắt đầu trao tặng cái bé nhỏ như nụ cười, sự cảm thông, một lời dịu dàng, một ân cần với người khổ đau, miếng ăn nho nhỏ rồi đến cho thời giờ, sức khỏe… Những điều bé nhỏ làm nên niềm vui, xây đắp tương quan cuộc sống chứ không phải chỉ những cái lớn lao. Không ai giầu đến độ không cần đến tha nhân, không ai nghèo đến độ không có gì để chia sẻ.

Mẹ Têrêsa nói: “Kitô hữu là người trao ban chính bản thân mình”. Bản thân là quà tặng quý giá nhất. Càng sống thánh thiện, càng nên giống Chúa, chúng ta càng trở nên quà tặng quý giá cho người thân và tha nhân.

Một người mẹ trẻ tâm sự: “Tôi làm dâu đến nay đã mười năm. Tôi vẫn còn nhớ như in những ngày mới về làm dâu. Mẹ chồng đạo đức nhưng rất khó, rất kỹ tính: bà luôn để ý đến từng lời ăn tiếng nói của tôi, nói thẳng thắn mỗi khi bà không bằng lòng về điều gì đó. Tôi tâm sự với chồng rồi dần dần tôi nhận ra mẹ chỉ muốn tốt cho tôi. Thế là tôi không bao giờ nề hà chuyện gì nhưng làm hết mọi việc trong gia đình chồng. Tôi hết lòng yêu kính và hay chia sẻ với bà. Giờ mẹ thương vợ chồng tôi lắm! Có mẹ chồng, gia đình chồng hậu thuẫn có gì hạnh phúc cho bằng. Mỗi lần chúng tôi có chuyện là tôi đến nhỏ to với mẹ chồng và luôn nhận được sự nâng đỡ quý báu của bà.”

Con đường lòng thương xót đưa ta đến với anh em cũng đưa ta đến với Chúa, đến ơn cứu độ, đến sự sống đời. Đó cũng là đường dẫn chúng ta và gia đình ta đến hạnh phúc chân thật và bền vững.

Lời kết

“Tất cả những gì tôi trao ban cho người khác, ấy là những điều tôi trao ban cho chính mình”. Nếu chúng ta chỉ lo cho hạnh phúc của tha nhân, thì chắc chắn hạnh phúc sẽ đến với đời ta. Cuộc đời chỉ có một lần. Đừng vì những cái tạm bợ mà quên điều vĩnh cửu. Đừng vì vài hy sinh bé nhỏ mà không dám tìm kiếm giá trị lớn lao.

Mỗi sáng thức dậy, hãy quyết sống một ngày tốt nhất bằng cách trao tặng niềm vui và yêu thương cho mọi người ta gặp, nhất là người thân bên ta. Hãy bắt đầu ngay hôm nay, vì biết đâu ngày mai chúng ta sẽ không còn cơ hội nữa. Nhớ rằng: “Mọi sự đều qua đi trong thế gian. Trong cõi đời đời, chỉ có Tình Yêu tồn tại.”

Một phút thinh lặng

NGHE NHẠC: TÔN NHAN THƯƠNG XÓT

IV.  CHẦU THÁNH THỂ

HÃY THƯƠNG XÓT NHƯ CHA TRÊN TRỜI!

(x. Lc 5,36)

Cộng đoàn quỳ.

HÁT: PHÚT LINH THIÊNG

Cha LH đặt Mình Thánh Chúa

Cha LH xông hương Thánh Thể, một phút thinh lặng.

LỜI DẪN NHẬP

Kính thưa Cộng đoàn,

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cảm nghiệm và trải qua những thảm kịch kinh hoàng của thế kỷ XX. Trong một thời gian dài, người đã tự hỏi liệu điều gì có thể kềm hãm được sức gia tăng của điều độc dữ. Câu trả lời chỉ có thể tìm thấy được trong tình yêu của Thiên Chúa. Vì chưng, chỉ có lòng Chúa thương xót mới có khả năng giới hạn được điều dữ, chỉ có tình yêu toàn năng của Thiên Chúa mới có thể vượt thắng được vũ lực của những người hung ác và sức mạnh hủy hoại của lòng ích kỷ và hận thù. Vì thế, trong thời gian thăm quê hương Balan lần cuối, người đã nói: “Không có nguồn mạch hy vọng nào cho con người ngoài Lòng Chúa Thương Xót”

Không phải chỉ thế giới, mà chính gia đình và bản thân chúng ta cũng đang bị sự dữ đe dọa, trói buộc, đang cần đến sức mạnh của lòng thương xót Chúa giải thoát và cứu độ.

Vì vậy, chúng ta tha thiết đến gặp Chúa Giêsu trong giờ Chầu Thánh Thể này, để xin Ngài đến và ở lại với chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi sự dữ và dạy ta bài học tuyệt đối cần thiết và quan trọng là lòng mến Chúa yêu người.

Thinh lặng giây lát rồi đọc tâm tình thờ lạy.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, trong ngày hành hương này, chúng con khao khát bước qua ngưỡng Cửa Lòng Thương Xót, được mở ra từ chính Trái Tim hiền hậu và khiêm hạ của Chúa, để có thể cảm nếm sâu xa tình yêu Chúa dành cho chúng con, nhờ đó chúng con biết cách mến Chúa và yêu người đích thực.

Chúa đang hiện diện với chúng con nơi Bánh Thánh nhỏ bé này. Một sự hiện diện trong tột cùng của khiêm hạ và thinh lặng, nhưng đầy quyền năng chân lý và tình thương có thể chạm đến tâm hồn chúng con, để tha thứ, cứu độ và đổi mới cuộc đời chúng con.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng con nên tinh tuyền và dẫn chúng con vào cuộc gặp gỡ sâu xa, thân tình với Chúa, để chúng con được đón nhận dồi dào ơn sủng, có sức đổi mới và làm phong phú cuộc sống thường ngày của chúng con từ cuộc hành hương này.

Thinh lặng một phút. Mời cộng đoàn đứng. Chủ sự đọc Tin Mừng.

LỜI CHÚA: Lc 6,27.28.36-38

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Thầy nói với anh em những người đang nghe Thầy đây: Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em… Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán thì anh em sẽ không bị xét đoán. Anh em đừng lên án thì sẽ không bị lên án. Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đã dằn, đã lắc và đầy tràn đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại bằng đấu ấy.

Đó là Lời Chúa.

Cộng đoàn ngồi.

SUY NIỆM

Đây là một trong những đoạn văn hay nhất và căn bản nhất của Tin Mừng dạy chúng ta thái độ phải có đối với tha nhân. Những lời Chúa Giêsu dạy xem ra thật đòi hỏi, nhưng nó là một đòi hỏi đến từ tình yêu lạ lùng mà Chúa dành cho ta vì hàm chứa một lời hứa: Chúa muốn biến đổi tâm hồn chúng ta đến mức nó có thể yêu mến tha nhân như chính tình yêu của Chúa. Chúa ban cho ta món quà tha thứ như chỉ mình Người mới có thể làm và như thế, biến chúng ta nên giống Người.

“Toàn bộ mầu nhiệm cứu chuộc nhân loại trong Đức Kitô bao gồm cuộc trao đổi kỳ diệu này. Trong tâm hồn Đức Kitô, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta cách rất người để làm cho tâm hồn con người có thể yêu thương như Thiên Chúa… một tình yêu tinh tuyền, mãnh liệt, trìu mến và nhẫn nại khôn cùng vốn chỉ Thiên Chúa mới có.” Đó là một ân huệ tuyệt vời cho chúng ta!

Trong cuộc đối thoại với anh thanh niên giàu có trong Tin Mừng, Chúa Giêsu cho thấy sự giàu sang quan trọng và lớn lao nhất trong đời là tình yêu: yêu Chúa và yêu người. ‘Tình yêu’ được cắt nghĩa và mặc nhiều ý nghĩa khác nhau, nên chúng ta cần một bậc Thầy là Đức Kitô để chỉ cho chúng ta ý nghĩa đích thực và sâu xa nhất của tình yêu, một ý nghĩa hướng dẫn chúng ta về với suối nguồn của tình yêu và sự sống vì “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Khi gặp được Đức Kitô và sống yêu thương nhau, chúng ta sẽ trải nghiệm trong bản thân mình sự sống của Thiên Chúa, Đấng cư ngụ trong chúng ta với tình yêu tuyệt hảo, trọn vẹn và vĩnh cửu. Như thế, không có gì lớn lao hơn đối với con người, một hữu thể có sinh có tử, là được tham dự vào đời sống tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu cũng là điều duy nhất Chúa hỏi chúng ta trong ngày Phán Xét.

Thinh lặng 1 phút.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con hai điều tuyệt đối quan trọng là yêu mến Thiên Chúa và thương mến tha nhân. “Tình yêu” là con đường dẫn cuộc đời chúng con đến hoàn thiện, dẫn gia đình chúng con đến hạnh phúc và thế giới đến bình an. Thế nhưng, trong bối cảnh văn hóa ngày nay, những tương giao giữa người với người, ngay tại gia đình chúng con, không dễ dàng trở nên sâu xa và vô vị lợi, mà rất thường khép kín trong ích kỷ, gây nên bao đổ vỡ, thương đau.

Tạ ơn Chúa đã đến dạy dỗ chúng con bài học yêu thương này, dạy chúng con “yêu thương đến cùng” như Chúa. Chúa đã biểu lộ tình yêu đến cùng cách đặc biệt qua mầu nhiệm Nhập Thể, Thập Giá và Thánh Thể:

1. Nơi Máng Cỏ, Chúa ôm lấy trọn vẹn phận người của chúng con. Chúa yêu chúng con với tất cả mỏng manh, yếu hèn của kiếp người. Chúa muốn trở nên người bạn, người anh, người thầy chỉ đường chúng con đến hạnh phúc chân thật. Nếu hiểu được phần nào sự thật của ân phúc này, lòng chúng con hẳn phải choáng ngợp và khao khát đáp trả tình Chúa, bằng trọn cả cuộc sống mến Chúa yêu người.

Trời có mưa có nắng, có nóng có lạnh. Mưa với nắng đều cần cho sự sống. Cũng vậy, cuộc đời chúng con cũng có những khác biệt. Sự khác biệt này cần để giúp nhân cách chúng con trưởng thành, tình yêu gia đình thêm sâu đậm. Hiểu như vậy để chúng con luôn sẵn sàng đón nhận những khác biệt và trái ý cách vui lòng, luôn nhìn tha nhân bằng con mắt khoan dung, để không than phiền về những trái ý, phê phán về các khiếm khuyết, nhưng luôn biết khích lệ và nâng đỡ những gánh nặng của nhau. Biết yêu thương để biến đổi chứ không chê bai, đè bẹp. Sống theo gương của Chúa như vậy sẽ đem đến sự thanh thản cho chúng con, niềm vui cho gia đình và an hòa cho mọi người.

2. Nơi Thập giá, một trong những bài học cao cả Chúa dạy là tình yêu thứ tha: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Nếu “mắt cứ đền mắt, răng lại đền răng” thì còn gia đình nào tồn tại và có ai được cứu độ?

Biết bao gia đình ngày nay đi tới ly tán, bất hòa chỉ vì vợ chồng cố chấp, thiếu bao dung. Xin kéo chúng con lên Thập giá với Chúa, để với sức mạnh Chúa ban, chúng con vượt thắng được mọi cảm xúc nóng nảy, hận thù, biết lấy điều lành mà thắng vượt sự dữ, biết tha thứ và ngay cả học cách chấp nhận những rắc rối do con cái hay bạn đời gây ra như những ân sủng và phúc lành. Mỗi lần có điều bất hòa, xin giúp chúng con nhẫn nại đừng nói hay hành động lúc nóng giận, biết đợi chờ rồi ngồi lại lắng nghe nhau, biết giải quyết mọi khúc mắc bằng đối thoại và bao dung. Xin cho chúng con đừng để vài trái ý cỏn con gây nên xung đột đốt cháy hạnh phúc gia đình.

Thinh lặng 1 phút.

HÁT: ĐÂU CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG

Cộng đoàn quỳ.

3. Lạy Chúa Giêsu, nơi Thánh Thể, Chúa tiếp tục hiến tặng chính mình cho hạnh phúc của nhân loại để dạy chúng con cũng biết trở nên tấm bánh bẻ ra cho sự sống của tha nhân cùng với Chúa. Đó là ơn gọi của chúng con. Đón nhận Chúa trong Thánh Thể, xin cho chúng con biết ra khỏi chính mình để sống vì Chúa và cho tha nhân. Xin cho chúng con luôn biết quên bản thân để nghĩ đến bạn đời và con cái. Xin cho gia đình chúng con không chỉ nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình mà mau mắn đem lòng thương xót của Chúa đến những người bệnh tật, khổ đau, những gia đình bất hạnh, nghèo đói. Sống quên mình phục vụ chắc chắn sẽ làm cuộc đời chúng con phong phú ý nghĩa và tràn đầy niềm vui.

Xin cho chúng con biết bắt đầu bằng những điều nho nhỏ như nói một lời an ủi, khích lệ, bày tỏ một cử chỉ ân cần, thực hiện một lần thăm viếng, nhất là luôn biết trao tặng nhau những nụ cười tươi vui mỗi ngày bất chấp bao khó nhọc của cuộc sống. Những điều bé nhỏ đang xây nên tương quan hạnh phúc của chúng con chứ không phải ở những điều lớn lao.

Xin cho chúng con nhớ rằng quà tặng lớn nhất trao tặng gia đình và tha nhân là chính bản thân chúng con. Nếu càng kết hợp với Chúa để được ướp thắm bằng “tình Chúa”, chúng con càng có khả năng mang lại cho gia đình và mọi người niềm vui và hy vọng; cuộc đời chúng con càng trở nên tấm bánh Giêsu thơm ngon được bẻ trao cho tha nhân, tiếp tục phép lạ “Tấm Bánh bẻ ra” của Chúa khi xưa trong hoang địa và hôm nay trên Bàn thờ.

Thinh lặng 1 phút. Cộng đoàn đứng.

LỜI NGUYỆN CHUNG

LM: Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu đã biểu tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Nhập Thể, trong suốt cuộc đời, đặc biệt trong ba năm rao giảng Tin Mừng với tột đỉnh là cái chết trên Thập giá. Chúng ta hết lòng cảm tạ Chúa và dâng lên Ngài những lời nguyện xin:

NHD: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đấng cứu độ quyền năng, xin giải thoát chúng con khỏi mọi trói buộc của tội lỗi và thất vọng, để cuộc đời chúng con luôn tìm được niềm vui và bình an trên đường tiến về Quê Trời.

: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con.

NHD: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đấng Chữa Lành, xin an ủi những người đau khổ, cứu chữa những kẻ bệnh hoạn tật nguyền và nâng đỡ những tâm hồn cô đơn, sầu khổ vì bị bỏ rơi hoặc đang phải gánh chịu bao bất công nặng nề. - CĐ.

NHD: Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, xin thương đến những người chưa bao giờ được ăn uống no đủ, những người luôn bị sự đói khát của thể xác ám ảnh, đến nỗi không còn cảm thấy sự đói khát của tâm hồn.- CĐ.

NHD: Lạy Chúa là Thiên Chúa Tình Yêu, xin thương hàn gắn những gia đình đang ly tán, chữa lành những gia đình đang thiếu vắng tình thương và gìn giữ các gia đình luôn trung tín với Chúa và với nhau, để họ tìm gặp hạnh phúc dưới đất và trên trời.-

LM: Lạy Chúa Giêsu là Đấng giàu lòng thương xót, chỉ nhờ ơn Chúa giúp chúng con mới biết yêu Chúa và thương mến anh em cách đích thực. Xin giúp chúng con luôn vững mạnh trong đức tin, nồng nàn trong lòng mến và kiên vững trong niềm cậy trông, để chúng con luôn trung thành bước theo Chúa mà đạt tới hạnh phúc Nước Trời. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

: Amen.

Cộng đoàn quỳ.

HÁT và đọc Lời Cầu Nguyện cho Đức Giáo Hoàng.

HÁT: TANTUM ERGO (trang 27)

Lời Nguyện - Phép Lành Thánh Thể.

HÁT: LỜI MẸ NHẮN NHỦ (Năm xưa trên cây sồi …)

------- o0o -------

Phụ trách chương trình:   1. Nhóm Vinh Sơn

                                             2. Nhóm Thánh Gia

Chương trình hành hương lần tới: Vào lúc 9 giờ sáng thứ Bảy ngày 04/06/2016 tại nhà thờ Tân Phú, hạt Tân Sơn Nhì.

PHẦN 2: TƯỜNG THUẬT BUỔI HÀNH HƯƠNG.

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com