PT Cursillo Sài Gòn Hành hương Năm Thánh Nhà thờ Tân Lập 16/07/2016

HHTanlap 5

PHẦN 1: HÀNH HƯƠNG NĂM THÁNH

I. KHAI MẠC.

Lời dẫn:

Kính thưa cộng đòan,

Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đám đông dân chúng theo Ngài, nhận ra rằng họ đã quá mệt mỏi và kiệt sức, lầm lạc và không ai chăn dắt, đã chạnh lòng thương cảm sâu xa đối với họ (x.Mt 9,36). Trên cơ sở của tình yêu từ bi này, Ngài chữa lành những kẻ đau yếu được mang đến với Ngài (x.Mt 14,14), và chỉ với một vài cái bánh và một ít cá, Chúa đã làm hài lòng đám đông khổng lồ (x.Mt 15,37). Điều làm Chúa Giêsu chạnh lòng trong tất cả các tình huống này không gì khác hơn là lòng thương xót, nhờ đó Ngài đọc được trái tim của những người Ngài gặp gỡ và đáp ứng nhu cầu sâu xa nhất của họ.

Chiêm ngắm Chúa Giê-su, chúng ta thấy Ngài là một Thầy dạy đúng nghĩa trọn vẹn, nên lời giảng của Chúa Giê-su luôn đi đôi với đời sống của Ngài. Lời và đời sống là một, nơi Chúa Giê-su. Ngài đã sống tinh thần lòng thương xót của Thiên Chúa cách sống động.

Xót thương như Thầy Chí Thánh Giê-su nói về những tinh thần: “cảm thông”, “cùng chia sẻ những đau khổ”, “từ bỏ việc kết án người khác”. Xót thương là một thái độ căn bản trong tương quan với anh chị em, với tha nhân bên cạnh. Xót thương cần được biểu lộ rõ ràng trong cách hành xử của người với người, ngay trong ngày thường, đặc biệt thái độ và hành động cần có với anh chị em rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Chúng ta được mời gọi hãy sống và thực thi lòng thương xót Chúa trong môi trường sống của mình. Noi gương Đức Giêsu, chúng ta thực thi lòng thương xót đối với tha nhân bằng thái độ tôn trọng kẻ khác, biết cảm thương và chia sẻ những nỗi đau của tha nhân, sống hiền hòa, bao dung và hành xử theo đức ái Kitô giáo đối với những người xung quanh.

Với tinh thần đó, kính mời anh chị em, chúng ta cùng tiến bước vào cuộc hành hương để gặp gỡ Đức Ki-tô trong anh em mình.

Cộng đoàn rước tiến vào nhà thờ.

HÁT: THEO LÒNG THƯƠNG XÓT .

II.  SUY NIỆM VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT

LỜI CHÚA: Lc 10, 25-37

25 Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp.

26 Người đáp: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? "

27 Ông ấy thưa: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình."

28 Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống."

29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: "Nhưng ai là người thân cận của tôi? "

30 Đức Giê-su đáp: "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.

31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi.

32 Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.

33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương.

34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.

35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác."

36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? "

37 Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."

Đó là Lời Chúa.

Cộng đoàn ngồi.

SUY NIỆM

ANH EM HÃY CÓ LÒNG NHÂN TỪ,
NHƯ CHA ANH EM LÀ ĐẤNG NHÂN TỪ

“Đó là một chương trình sống vừa đòi hỏi vừa phong phú với niềm vui và bình an. Lệnh truyền của Chúa Giêsu hướng đến bất cứ ai sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của Ngài” (ĐTC. Phanxicô, Tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, số 13).

Qua lời mời gọi này của Chúa Giê-su trong Phúc Âm của thánh Lu-ca, chúng ta thấy rằng, lòng nhân từ hay lòng thương xót chính là nền tảng cho đời sống của người Ki-tô hữu. Thật vậy, Người Ki-tô hữu cần “xót thương như Chúa Cha”, vì vậy, là ‘phương châm’ của Năm Thánh này. Nơi lòng thương xót, chúng ta tìm thấy bằng chứng về cách thức Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Ngài trao ban toàn bộ chính Ngài cho chúng ta, luôn luôn, tự nguyện, không yêu cầu hồi đáp. Ngài đến giúp chúng ta bất cứ khi nào chúng ta cầu khẩn Ngài” (ĐTC. Phanxicô, Tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, số 13).

Lòng thương xót là nền tảng của Ki-tô hữu. Điều này được diễn tả rất sống động trong Tân Ước. Dụ ngôn về người Samaritanô (x.Lc 10, 37) được nhắc ở phần trên là một thí dụ điển hình, nêu bật được lòng thương cảm đối với người gặp nạn. Hình ảnh sống động về ngày phán xét trong Phúc Âm thánh Mát-thêu (x.Mt 25, 31-46), diễn tỏ rõ ràng rằng, lòng thương xót và nhân từ là điều kiện cần có để được ơn cứu rỗi. Điều răn mới của Chúa Giê-su ban cho các môn đệ là điều răn của lòng thương xót, của tình yêu thương lẫn nhau: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 34-35). Thánh Gia-cô-bê tông đồ, đã nối kết tinh thần sống Đức Tin với lòng thương xót. (x.Gc 2, 13-15). Thật vậy, Người môn đệ của Chúa không thể làm ngơ và nhắm mắt trước nỗi khổ của anh em mình: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được? Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3, 17-18). Trong thời đầu tiên của Giáo Hội tiên khởi, lòng thương xót và nhân từ được nhấn mạnh qua việc tha thứ cho nhau (x.Cl 3, 13), qua việc chia sẻ cho nhau tài sản và của cải (x.Cv 4, 34-35), qua việc bố thí hay cứu trợ người nghèo khó (x.Cv 9, 36; 10, 2.4.31), qua lòng hiếu khách (x.1Tm 5, 10), qua việc chôn tang người chết (x.Cv 8, 2). Thánh Phê-rô đã đưa ra một lời khuyên sống tinh thần thương xót: “ Sau hết, tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc” (1P 3, 8-9). Thánh Phao-lô khuyên nhủ giáo đoàn Rô-ma sống tinh thần bác ái và xót thương: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà. Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa: vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi người. Anh em thân mến, đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó, vì có lời chép: Đức Chúa phán: Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả. Trái lại, kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống; làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó. Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12, 9-21).

Tất cả những lời khuyên và hướng dẫn trong Lời Chúa làm nổi bật tầm quan trọng của thái độ cảm thông và lòng thương xót mà tín hữu của Chúa Ki-tô cần thấm nhuần và thực thi. Như thế, Giáo Hội của Chúa Ki-tô được xây dựng qua chính những cử chỉ tràn đầy tình thương xót này, mà mọi tín hữu cần ý thức và cố gắng sống qua nhiều hình thức khác nhau.

Ngoài ra, các Giáo Phụ cũng chú ý tới lòng thương xót là nền tảng cho đời sống Đức Tin. Giáo Phụ Hermas thành Roma (giữa thế kỷ thứ 2) trong tác phẩm Người Mục Tử (Le Pasteur) đã nêu ra một bảng hướng dẫn tín hữu thực thi những việc tốt, để qua đó họ sống cho Thiên Chúa: “Nâng đỡ các quả phụ, thăm viếng các trẻ mồi côi và những người bất hạnh, chuộc những kẻ nô lệ là đầy tớ của Thiên Chúa, sẵn sàng đón tiếp khách tìm chỗ trọ, không gây thù hận, bình tĩnh và tự hạ mình trước mọi người, kính trọng những người già cả, thi hành công lý, gìn giữ tình huynh đệ, tương trợ những người bị bách hại, kiên nhẫn, không tức giận, an ủi những tâm hồn bị tổn thương, không bỏ rơi những người bị khủng hoảng về Đức Tin mà giúp đỡ họ, đưa họ về lại con đường chính lộ, đón nhận người tội lỗi trở lại, không chèn ép những người thiếu nợ và những người nghèo khổ…” Một thế kỷ sau đó, Cyprien de Carthade (+258) cũng đã giảng dạy về “Lòng thương xót và việc bố thí”. Lactance (Lactantius, + ca. 325) cũng đã viết một số tác phẩm về lòng thương xót, nhấn mạnh đến việc giúp đỡ người nghèo khổ. Grégoire de Naziane (+ 390) cũng đã nhấn mạnh: “Với tất cả con người, chúng ta hướng về người nghèo khổ và tất cả những ai đau yếu, cũng như tất cả những ai đang chịu đựng khổ đau: …các quả phụ, những em bé mồ côi, những người bị đi đày, những nạn nhân của những ông chủ bất nhân, các nạn nhân của những người chủ vô liêm sỉ, những nạn nhân của những kẻ du côn, của những tên cướp bóc, những nạn nhân của những kẻ thu thuế bất nhân…Tất cả những người bất ngờ rơi vào trong khổ đau, đối với tôi họ cần được đón nhận lòng thương cảm nhiều hơn nữa. Đặc biệt tôi nghĩ đến những nạn nhân của sự dữ thật dễ sợ, thân xác đau khổ của họ đụng tới chúng ta”.

Các Giáo Phụ nhắc đến nhiều thái độ và hành động bác ái được bắt nguồn từ lòng thương xót. Không dừng ở đó, mà Origene và Jean Chrysostome cùng các Giáo Phụ khác còn hướng đến cách sống bác ái trong chiều kích thiêng liêng. Cụ thể qua sự chú ý, thăm viếng, chia sẻ, ủi an những người đau khổ và bất hạnh. Đó là sự bác ái và nâng đỡ tinh thần rất cần thiết cho nhiều anh chị em bất hạnh.

Như thế, Lời Chúa và lời các Giáo Phụ luôn mời gọi các tín hữu chú ý đến lòng thương xót trong cuộc sống, cụ thể qua việc sống tinh thần bác ái, yêu thương nâng đỡ những người nghèo khổ, bất hạnh và bị bỏ rơi. Trong những anh chị em bất hạnh này, Chúa Giê-su đang hiện diện cách sống động. Khi nâng đỡ họ, là nâng đỡ Chúa Giê-su. Đó là con đường để đạt được ơn cứu độ.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ

HÁT: ĐỪNG SỢ, THẦY LUÔN XÓT THƯƠNG .

Cộng đoàn tĩnh lặng trong giây lát, bước vào giờ chầu Thánh Thể

III.  CHẦU THÁNH THỂ :

GẶP GỠ ĐỨC KI-TÔ TRONG ANH EM.

(x. Gl 2, 15-21; Lc 10, 25-37)

Chủ sự đặt Mình Thánh Chúa.

HÁT:CON MẾN YÊU.

Chủ sự xông hương Thánh Thể, thinh lặng giây lát rồi về ghế chủ tọa.

LỜI DẪN NHẬP

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tôn thờ, chúc tụng, cảm tạ Chúa. Vì giờ phút này Chúa đang hiện diện trước mặt chúng con, nơi tấm bánh nhỏ bé đơn sơ. Chúa đang cho chúng con được chiêm ngưỡng một mầu nhiệm thật cao siêu, một hiện diện linh thánh vượt quá sức mong ước của chúng con. Xin Chúa giúp sức và nâng đỡ chúng con, mở cho chúng con con mắt đức tin và lòng mến, để trong những giây phút ngắn ngủi này, chúng con được xứng đáng chầu Chúa, thờ lạy và chiêm ngắm Chúa.

Cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa.

LỜI CHÚA: Gl 2,15-21

15 Chúng ta bẩm sinh là người Do-thái chứ không phải hạng người tội lỗi xuất thân từ dân ngoại. 16 Tuy nhiên, vì biết rằng con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Ki-tô Giê-su, để được nên công chính, nhờ tin vào Đức Ki-tô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy. Quả thế, không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy. 17 Nhưng nếu khi tìm cách nên công chính trong Đức Ki-tô mà chúng ta vẫn bị liệt vào hàng tội lỗi, thì chẳng hoá ra Đức Ki-tô là người phục vụ tội lỗi sao? Không phải thế! 18 Thật vậy, nếu tôi xây lại những gì tôi đã phá, thì tôi tỏ ra mình là kẻ phạm pháp. 19 Quả thế, tại vì Lề Luật mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá. 20 Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. 21 Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Ki-tô đã chết vô ích.

SUY NIỆM:

Đoạn thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho tín hữu ở Galát mà chúng ta vừa nghe, một lần nữa, muốn khuyên nhủ chúng ta là những người Kitô hữu, những người “có Chúa Kitô trong mình”, hãy ý thức lại phẩm giá và ơn gọi của mình, xem coi chúng ta đã sống như thế nào trước mặt Chúa ? Hãy tự vấn lương tâm xem giờ này đối với tôi Đức Kitô là ai rồi ? Và điều tôi mong muốn nhất, phải chăng là nên một với Đức Kitô hay là điều gì khác.

1. Đức Kitô là ai đối với tôi ?

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta được tiếp xúc, gặp gỡ nhiều tình cảnh, nhiều hạng người khác nhau, và không thiếu những con người, những trường hợp, cần đến bàn tay, tấm lòng của chúng ta. Vậy chúng ta thường làm gì trước những tình cảnh đó ? Theo sự thường, chúng ta hay giải quyết mọi chuyện làm sao cho mình được rảnh rang, dễ dàng, hoặc ít nhất là không phương hại chi đến mình. Ngay cả làm việc từ thiện, chúng ta nghĩ đến đồng tiền mình cho đi, hơn là chính những con người cần được yêu thương, giúp đỡ.

Nhưng, lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con được mệnh danh là những Kitô hữu, những người được kêu gọi nên đồng hình đồng dạng với Chúa, thì liệu cách giải quyết mọi chuyện cho qua, cho có, cho xong bổn phận… có phải là cách sống mà Chúa mong muốn không ? Hẳn Chúa sẽ nói với chúng con rằng “không đâu ! con vẫn còn xa với con đường của lòng mến đích thực”.

Lạy Chúa Giêsu, hằng ngày Chúa vẫn hiện diện, vẫn đến với chúng con dưới nhiều cách thức, Chúa đến với chúng con nơi những người hành khất nghèo khổ, nơi những người bất hạnh bị bỏ rơi, nơi những người tàn tật đui mù, nơi những em bé cô nhi, những kẻ cô thân cô thế… Vậy mà chúng con lại không nhận ra Chúa. Ngược lại, chúng con lại chú tâm, lo lắng cho những nhu cầu riêng tư ích kỷ của chúng con. Chúng con thích đến với những người giàu, có đủ tiện nghi, đến với những nơi sang trọng, đến với những hạnh phúc phù phiếm mau qua…

Giờ này trước Thánh Thể Chúa, chúng con nhận biết mình còn rất xa với Chúa và với những gì Chúa mong muốn… Xin tha thứ cho chúng con và cho những cách sống của chúng con. Xin Chúa mở mắt tâm hồn chúng con, cho chúng con có đủ nhạy bén và lòng nhiệt tâm quảng đại, để nhận ra Chúa đang hiện diện nơi tha nhân, nơi những người thấp kém nhất trong xã hội, và biết mở rộng đôi tay đón tiếp họ. Xin cho chúng con có được tâm hồn phục vụ như một Têrêsa Calcutta, âm thầm phục vụ Chúa nơi tha nhân, hầu làm cho Chúa được lớn lên trong anh em, nơi những người chúng con gặp gỡ.

2. Đức Kitô sống trong tôi

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể ! chúng con đang cảm nghiệm thấm thía câu nói của Thánh Phaolô : “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Hai vế song đối “không còn là tôi” và “Đức Kitô sống trong tôi” như là một lời thôi thúc và động viên chúng con tiến bước theo Chúa, mỗi ngày một quên mình đi để Chúa được ngày càng lớn lên trong tâm hồn chúng con.

Xin cho chúng con biết thành tâm sống theo lời Thánh Phaolô khuyên nhủ, nên một với Chúa và theo gương Chúa mà sống quảng đại yêu thương, yêu mà không mong được yêu lại, biết vui vẻ phục vụ quên mình, thực thi đức bác ái theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, sẵn sàng nói tiếng “xin vâng”, lên đường với Chúa mà phục vụ anh em. Để cuối cùng, chúng con có thể nói như Thánh Phaolô “tôi sống nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2,20).

HÁT: XIN BAN CHO CON.

Cộng đoàn quỳ đọc một chục Kinh Lòng Thương Xót:

Lạy Cha Hằng Hữu, con xin dâng lên Cha Mình và Máu,Linh hồn và Thần tính của Con rất yêu dấu Cha là Đức GiêsuKitô, Chúa chúng con.

- Để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới.

Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô,

- Xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới. (10 lần)

Lạy Đấng Chí Thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,

- Xin thương xót chúng con và toàn thế giới.

KINH NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT

Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Chúa dạy chúng con phải có lòng thương xót như Cha trêntrời,
và ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha.
Xin tỏ cho chúng con thấy dung nhan của Chúa
và chúng con sẽ được cứu độ.
Ánh mắt đầy yêu thương của Chúa
đã giải thoát ông Zakêuvà thánh Matthêu khỏi ách nô lệ bạc tiền; 
làm cho người đàn bà ngoại tình và thánh Mađalêna
không còn tìm hạnh phúc nơi loài thụ tạo; 
cho thánh Phêrô khóc lóc ăn năn sau khi chối Chúa, 
và hứa ban thiên đàng cho kẻ trộm có lòng hối cải.
Xin cho chúng con được nghe
những lời Chúa đã nói với người phụ nữ Samaria,
như thể Chúa đang nói với mỗi người chúng con:
“Nếu con nhận ra hồng ân của Thiên Chúa!”

Chúa chính là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình, 
Đấng biểu lộ quyền năng của Ngài 
trước hết bằng sự tha thứ và lòng thương xót:
Xin làm cho Hội Thánh 
phản chiếu gương mặt hữu hình của Chúa trên trái đất này. 
Chúa là Đấng phục sinh vinh hiển.

Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa 
cũng mặc lấy sự yếu đuối 
để có thể cảm thông với những người mê muội lầm lạc,
xin làm cho tất cả những ai tiếp cận với các ngài 
đều cảm thấy họ đang được Thiên Chúa quan tâm,
yêu mến và thứ tha.

Xin sai Thần Khí Chúa đến 
xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con, 
để Năm Thánh Lòng Thương Xót này 
trở thành năm hồng ân của Chúa cho chúng con; 
và để Hội Thánh Chúa, với lòng hăng say mới, 
có thể mang Tin Mừng đến cho người nghèo, 
công bố sự tự do cho các tù nhân và những người bị áp bức,
trả lại ánh sáng cho kẻ mù lòa.

Lạy Chúa Giêsu, 
nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót,
xin ban cho chúng con những ơn chúng con đang cầu xin.
Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha 
và Chúa Thánh Thần đến muôn đời.
Amen.

HÁT: LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA.

LỜI NGUYỆN TÍN HỮU.

LM: Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng con tin thật Chúa đang hiện diện nơi đây cho chúng con và với chúng con, trong tấm bánh bé nhỏ trên bàn thờ. Chúng con xin hợp với toàn thể Hội Thánh cùng muôn loài muôn vật cung kính thờ lạy Chúa, vì tình yêu cao cả và tuyệt đối của Chúa đã dành cho chúng con.

X1. Bí tích Thánh Thể là Bí tích Tình Yêu / dấu chỉ hiệp nhất / mối dây bác ái / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phần dân Chúa / khi tham dự bàn tiệc Thánh Thể / được đức tin duy nhất chiếu soi / và được liên kết trong cùng một đức ái vững bền.

:Xin Chúa nhậm lời chúng con.

X2. Chính Chúa Giêsu đón nhận người Kitô hữu khi họ rước Chúa vào lòng / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa dạy các tín hữu / biết niềm nở đón tiếp những ai đang tìm gặp Người. (CĐ)

X3. Chính Chúa Giêsu tự hiến làm của ăn của uống cho loài người trong Bí tích Thánh Thể / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho sức mạnh người Kitô hữu đã tìm được nơi bàn thánh / tồn tại mãi trong cuộc sống chứng nhân thường ngày. (CĐ)

X4. Việc rước lễ thường xuyên sẽ giúp ta tránh xa tội lỗi / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mỗi người và cả cộng đoàn giáo xứ chúng ta hiểu được điều này / và biết chuẩn bị thật tốt tâm hồn / để mỗi khi tham dự thánh lễ / đều có thể rước Chúa một cách xứng đáng và hữu hiệu. (CĐ)

LM: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho chúng con nhận ra rằng chỉ một mình Chúa mới là tình yêu đích thực và tuyệt đối, chỉ tình yêu Chúa mới là lẽ sống và là hạnh phúc đích thực cho cuộc đời chúng con. Chúng con nguyện xin, ...

PHÉP LÀNH - KẾT THÚC.

Chủ sự tiến ra trước bàn thờ.

HÁT và đọc Lời Cầu Nguyện cho Đức Giáo Hoàng.

HÁT: TANTUM ERGO.

Chủ sự xông hương.

Lời nguyện và Phép lành Mình Thánh Chúa.

HÁT: CÙNG MẸ XIN VÂNG.

-------o0o-------

Phụ trách chương trình:       Nhóm Cursillista Hạt Thủ Thiêm

                                           

Chương trình hành hương lần tới: Vào lúc 9 giờ sáng thứ Bảy ngày 06/08/2016 tại nhà thờ Phú Nhuận, hạt Phú Nhuận.

 

PHẦN 2: TƯỜNG THUẬT BUỔI HÀNH HƯƠNG.

HHTanlap 0

“Chiêm ngắm Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài là một Thầy dạy đúng nghĩa trọn vẹn vì lời giảng và đời sống của Ngài là một. Ngài đã sống tinh thần lòng thương xót của Thiên Chúa một cách sống động. Chúng ta được mời gọi hãy sống và thực thi lòng thương xót trong môi trường sống của mình: tôn trọng kẻ khác, cảm thương và chia sẻ những nỗi đau của tha nhân, sống hiền hòa, bao dung và hành xử theo đức ái Kitô giáo…”

Đó là lời mời gọi của cha Phêrô Nguyễn Văn Giáo, linh hướng Phong trào Cursillo Tổng giáo phận Saigon, khai mạc cho buổi hành hương năm thánh Lòng Thương xót của 50 cursillista tại nhà thờ Tân Lập hạt Thủ Thiêm vào lúc 9g sáng thứ Bảy 16/7/2016. Được biết trong năm thánh Lòng Thương Xót, Phong trào sẽ tổ chức hành hương 14 nhà thờ thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn và đây là lần hành hương thứ 8.

Từ sáng sớm, anh chị em đã khẩn trương dùng mọi phương tiện di chuyển, cá nhân có, công cộng có, để có mặt đúng 9 giờ tại nhà thờ Tân Lập, nơi được chỉ định hành hương của Hạt Thủ Thiêm. Cha Sở giáo xứ Tân Lập GB Phạm Văn Hợp cũng là một Cursillista trước năm 1975, ân cần tiếp đón anh chị em, trao đổi về các sinh hoạt tại giáo xứ nổi tiếng là “vườn ươm ơn gọi’ này.

HHTanlap 5

Lần đầu tiên đến giáo xứ Tân Lập, khách hành hương ngỡ ngàng trước vẻ uy nghi của ngôi thánh đường được khởi công xây cất lại vào ngày 01/5/2011 và khánh thành vào ngày 14/11/2015.

HHTanlap 2

Cách bài trí bên ngoài lẫn bên trong nhà thờ thu hút sự chú ý của khách hành hương ngay từ giây phút đầu. Ngay mặt tiền nhà thờ, dưới sân bên tay trái, là tấm biển kỷ niệm 60 năm thành lập giáo xứ (22/8/1955 - 22/8/2015) với hàng chữ “Trung tâm lần chuỗi Mân Côi” kêu gọi giáo dân lần hạt Mân Côi hằng ngày. Sừng sững trước cửa nhà thờ, ngay giữa các bậc tam cấp là bức tranh Bữa Tiệc ly, bên dưới ghi dòng chữ đáng yêu: “Xin kính mời ông bà anh chị em dự bữa tiệc của Chúa”. Cánh cửa nhà thờ được chạm trổ công phu với hàng chữ chạm theo hình vòng tròn: “Chúa Giêsu cho dân Ngài được sống dồi dào”. Khung cảnh bên ngoài toát lên tinh thần cầu nguyện đã chuẩn bị cho khách hành hương bước vào nhà thờ với lòng sốt mến tri ân.

HHTanlap 1

Trong tâm tình đó, cha mời anh chị em tiến lên các bậc thềm thánh đường, đi qua cửa thánh để gặp gỡ Đức Kitô nơi anh em mình. Đoàn hành hương trang nghiêm tiến vào nhà thờ với bài hát năm thánh “Theo Lòng Thương Xót”.

HHTanlap 6

HHTanlap 3

Anh em hãy có lòng nhân từ như cha anh em là Đấng nhân từ

Giờ hành hương mở đầu bằng phần nghe công bố và suy niệm Lời Chúa (Lc 10,25-37), dụ ngôn người Samari nhân hậu. Một giọng nam, một giọng nữ, trầm ấm vang lên giúp cộng đoàn suy niệm về lòng thương xót là nền tảng của đời sống Kitô hữu. Dụ ngôn đã nêu bật được lòng thương cảm đối với người gặp nạn. Lòng thương xót được diễn tả rất sống động trong Tân Ước. Trong ngày phán xét, lòng thương xót và nhân từ là điều kiện để được hưởng ơn cứu độ (Mt 25,31-46). Điều răn mới Chúa Giêsu ban cho các môn đệ cũng là điều răn của lòng thương xót: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,34). Thư của thánh Giacôbê cho thấy người môn đệ của Chúa không thể làm ngơ và nhắm mắt trước nỗi khổ của anh em mình. Chúng ta đừng yêu thương bằng đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. Lời Chúa làm nổi bật tầm quan trọng của thái độ cảm thông và lòng thương xót mà người môn đệ của Chúa Kitô phải thấm nhuần và đem ra thực hành. Sống tinh thần bác ái yêu thương, nâng đỡ những người nghèo khổ, bất hạnh và bị bỏ rơi cũng đồng nghĩa với việc nhận diện được Chúa Giêsu đang hiện diện cách sống động nơi họ. Đó là con đường để đạt được ơn cứu độ.

HHTanlap 9

Phần suy niệm kết thúc với bài hát “Đừng sợ, Thầy luôn xót thương” với là ca da diết: “Giêsu Ngài đến tìm con. Ngài cứu lấy con kịp lúc hiểm nguy, ngỡ như ngã quỵ, hoài nghi bất an. Giêsu, con đã gọi Giêsu, và trỗi dậy hân hoan, hát vang trong đời một lời tạ ơn lòng Chúa xót thương.”

HHTanlap 10

Gặp gỡ Đức Kitô trong bí tích hòa giải và Thánh Thể

Sau phần suy niệm, cha Phêrô đặt Mình Thánh Chúa. Một lần nữa cộng đoàn được nghe Lời Chúa và suy niệm về sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi tấm bánh bé nhỏ đơn sơ. Trong khi đó, ai có nhu cầu thì tới tòa giải tội.

HHTanlap 4

Bài suy niệm trước Thánh Thể như một lời nguyện tha thiết dâng lên Chúa với lòng yêu mến kính tin, cảm tạ cũng như xin lỗi Chúa vì “ …ngay cả khi làm việc từ thiện thì thường nghĩ đến đồng tiền mình cho đi hơn là nghĩ tới chính những con người cần được yêu thương giúp đỡ; vì cách giải quyết mọi chuyện cho qua, cho có, cho xong bổn phận… rất xa với con đường của lòng mến đích thực; vì thích đến với những người giàu có, đến những nơi sang trọng đủ tiện nghi mà quên đi bao người nghèo khó chung quanh mình; vì mải mê chăm sóc bản thân, chạy theo những hạnh phúc ảo chóng qua…”

Lời cầu tiếp tục vang lên: “Giờ đây, trước Thánh Thể Chúa, chúng con nhận biết mình còn rất xa với Chúa và với những gì Chúa mong muốn. Xin tha thứ cho chúng con và những lối sống hời hợt của chúng con. Xin mở mắt tâm hồn chúng con, để chúng con có được tinh thần phục vụ Chúa nơi tha nhân, hầu làm cho Chúa được lớn lên trong những người chúng con gặp gỡ.”

Cuối giờ chầu Thánh Thể, cha Phêrô ban phép lành toàn xá cho cộng đoàn. Cha Phêrô và cộng đoàn đã nắm tay nhau hát vang bài Chúc bình an quen thuộc của Phong trào Cursillo, kết thúc giờ hành hương ghi đậm dấu ấn trong lòng người tham dự.

HHTanlap 7

Đại diện Phong trào, anh Đaminh Vũ Đức Thịnh cám ơn cha Sở GB Phạm Văn Hợp cũng là Hạt trưởng Hạt Thủ Thiêm, đã nồng nhiệt đón tiếp anh chị em vượt quá mọi mong đợi trong lần hành hương thứ 8 của Phong trào Cursillo Saigon trong năm thánh Lòng Thương Xót này.

Con xin cảm tạ, cảm tạ lòng thương xót Chúa!

HHTanlap 8

Bài: Maria Trần Thị Nhan   - Ảnh: Tôma Aquinô Đỗ Minh Sơn


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com