Nhà thờ Tân Lập

Lược sử Giáo xứ Tân Lập

Giáo xứ Tân Lập toạ lạc ở phía Đông Tp. HCM, thuộc giáo hạt Thủ Thiêm.

  • Tôn chỉ: Cộng đoàn hiệp nhất – Yêu thương
  • Mục đích: Sống tốt đạo đẹp đời

1. Khởi đầu & Cơ sở vật chất.

-       Năm 1954, theo làn sóng di cư vào Nam, một đoàn người đã chuyển đến định cư tại Tân Lập. Song song với việc dựng nhà cửa của các gia đình để an trú, 3 căn nhà đơn sơ dùng làm nơi thờ phụng cũng được dựng lên.

-       Đầu năm 1955, cha Vinh Sơn Phạm Chí Thiện quy tụ khoảng 60 gia đình Công giáo di cư thuộc các xứ Tràng Lũ, Thọ Cách, Trung Đồng, và các dì Phước Trung Đồng - Đông Thành vào khu nhà thờ hiện nay, cùng nhau phá rừng chồi, khai hoang để định cư.

-       Ngày 22/8/1955, ngôi nhà thờ đầu tiên được hình thành bằng những vật liệu thô sơ có tính cách tạm thời, cột bằng cây và mái bằng lều bạt, sau đổi thành mái tranh. Đức Mẹ Trinh Nữ Vương được chọn là Bổn mạng giáo xứ.

-       Năm 1957 giáo xứ được chia thành 4 giáo khu: Thánh Liêm, Thánh Tịnh, Thánh Khang, và Thánh Đa Minh. Cũng trong thời gian này, nhà thờ được chỉnh trang lại thay thế mái tranh vách đất bằng tường xây, cột gỗ, mái tôn.

-       Năm 1958, nhà xứ được xây dựng với cấu trúc tường xây, mái tôn.

-       Năm 1983, nhà thờ được trùng tu quy mô hơn, tường cột được bê tông hoá, với dàn kèo sắt, mái tôn.

-       Năm 1985, xứ đường được trùng tu.

-       Năm 1994, nhà thờ được đại tu: gian cung thánh, tiền sảnh, hành lang và tháp chuông đã hoàn chỉnh như hiện nay. Cũng trong năm này, GX xây dựng hội trường, phòng giáo lý và công viên Đức Mẹ.

-       1999 mái tôn nhà thờ được thay thế bằng tôn màu giả ngói.

-       Năm 2001, mở rộng hội trường, xây thêm phòng giáo lý.

-       Năm 2005, xây dựng đài Đức Mẹ và làm mô hình địa bàn GX tại công viên đài Đức Mẹ.

2. Giáo dục.

-       Năm 1960, để thăng tiến việc giáo dục, cha Vinh Sơn đã mở trường tư thục mang tên Nguyễn Trường Tộ, gồm cấp Tiểu học và hai lớp đầu của Trung học đệ I cấp (lớp Đệ Thất và Đệ Lục).

-       Năm 1965, trường mở thêm hai lớp cuối của Trung học Đệ Nhất cấp (lớp Đệ Ngũ và Đệ Tứ). Việc điều hành trường do các cha Phó đảm trách. Đa số thầy cô đều là giáo dân và các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá trong GX.

Trường sinh hoạt cho đến năm 1975 thì được chuyển giao cho nhà nước sử dụng.

3. Các vị chủ chăn của giáo xứ.

Cha Chánh xứ: Vinh Sơn Phạm Chí Thiện, (1955-1978)

Các cha Phó

  • Cha Đaminh Dặng Duy Hoà (1955-1962)
  • Cha Luca Nguyễn Thanh Bình (1962-1968)
  • Cha Vinh Sơn Ngô Minh Tân (1968-1972)
  • Cha Gioan B. Nguyễn Quang Hoà (1972-1973)
  • Cha Cha Gioan B. Nguyễn Văn Thục (1973-1976)
  • Cha Gioan B. Phạm Văn Hợp (1976-1978)

Sau khi Vinh Sơn Phạm Chí Thiện qua đời (18.7.1978), cha GB. Phạm Văn Hợp được bổ nhiệm làm cha xứ cho đến nay. Hiện nay, cha còn thêm nhiệm vụ Hạt trưởng giáo hạt Thủ Thiêm.

4. Sinh hoạt trong giáo xứ

Giáo dục đức tin: có các lớp giáo lý, bồi dưỡng học hỏi, tìm hiểu và chia sẻ Lời Chúa.

Đời sống thiêng liêng: Thánh lễ sáng chiều, chầu Thánh Thể suốt ngày, duy trì giờ kinh tối trong gia đình và trong khu xóm.

Bác ái xã hội: Cộng đoàn góp phần tương trợ trong cơn hoạn nạn; thường xuyên tổ chức thăm hỏi và chia sẻ tinh thần, vật chất cho những gia đình khó khăn, những người già yếu trong và ngoài giáo xứ; hàng tháng và vào các dịp lễ lớn, tổ chức bữa cơm thân mật cho người neo đơn hoặc có những phần quà thăm hỏi.

Lễ hội: Hằng năm, GX tổ chức lễ Đức Mẹ Trinh Nữ Vương là bổn mạng và ngày Truyền thống của GX rất trọng thể. Vào năm 2005, GX đã mừng kỷ niệm 50 năm thành lập GX. Đây là điểm dừng quan trọng để GX nhìn lại quá trình 50 năm qua, đồng thời có một định hướng cho những ngáy sắp tới.

5. Vườn ươm ơn gọi Linh mục Tu sĩ

Giáo xứ Tân lập đã được hình thành và lớn lên như thế nơi mảnh đất phèn chua, khô cằn. Tuy nhiên, trên mảnh đất này có biết bao hoa thơm cỏ lạ đã được trổ sinh.

Theo thống kê đến năm 2014, giáo xứ Tân Lập có gần 900 gia đình với khoảng 3.200 giáo dân. Giáo xứ đã đóng góp cho Giáo Hội 42 linh mục, trong đó có 14 linh mục trong 7 gia đình có 2 anh em làm linh mục và 28 nữ tu trong các Dòng tu.

Ngoài ra, trong GX còn có Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập, một Hội Dòng đã cùng đồng hành với GX ngay từ buổi đầu gian khổ để rồi cùng hình thành, cùng phát triển bên nhau cho đến hôm nay.

Đôi nét về thành lập và phát triển giáo xứ Tân Lập

50 năm trước, dải đất Tân Lập này là rừng chồi hoang vu, với tên gọi làng Tân Lập, Tổng An Bình. Rồi một ngày, một số gia đình giáo dân Giáo xứ Tràng Lũ, Thọ Cách và Trung Đồng cùng mấy dì phước theo Cha Cố Vinh sơn Phạm Chí Thiện vào khu nhà thờ hiện nay, dựng liều tạm trú. Còn giáo dân Giáo xứ Ninh Cù với Cha Đaminh Đỗ Vạn Toàn, Giáo xứ Xá Thị với Cha Đaminh Mai Khắc Mưu ở lại dải đất, nay là giáo khu Đaminh.

Quý Cha và giáo dân đến nay định cư với mục đích là được sống Đức Tin thong dong và xây dựng nơi thờ phượng kính mến Chúa. Tuy mọi khó khăn thiếu thốn về chỗ ăn, chốn ở nhưng mọi người cố gắng vượt qua, miễn là được sống gần gũi bên nhau, sớm tối cầu nguyện. Rồi quay quần bên nhau nơi lều tạm và tiến hành dựng căn nhà tranh sinh sống cho gia đình mình.

Thế rồi đời sống thực tế, cũng như nhu cầu công ăn việc làm, giáo dân Ninh Cù, Xá Thị lại phải ra đi một lần nữa sau hơn một năm định cư. Nơi ở mới được phát cấp đấi đai rộng rãi, thuận lợi công việc trồng trọt cấy cày hơn. Số giáo dân còn lại của Giáo xứ Ninh Cù, Xá Thị cùng với giáo dân Giáo xứ Tràng Lũ, Thọ Cách, Trung Đồng hợp thành cộng đoàn Giáo xứ Tân Lập ngày nay.

Tất cả mọi người với một ý chung là phó thác nơi Trái Tim Đức Mẹ và cậy nhờ lòng thương xót của Mẹ để cùng nhau xây dựng ngôi Thánh Đường thờ phượng kính mến Chúa. Bắt đầu từ lều vải đến mái tranh, từ vách đất đến tường xây. Từ cột tròn, cột vuông, đến cấu trúc bê tông cốt thép, đã năm bảy lần tu sữa nay là ngôi Thánh Đường khang trang, rộng rãi. Đó là quá trình phát triển và hình thành Giáo xứ Tân Lập.

Cộng đoàn Giáo xứ Tân Lập từ 60 gia đình với gần 300 người, nay đã phát triển đến gần 900 gia đình với khoảng 3.200 nhân danh.

Với sáu dì phước ban đầu, đã phát triển thành một Hội Dòng, nay là Hôi Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập.

Nhà cửa từ mái tranh vách đất, đã trở thành tường gạch mái ngói, mái tôn, hai ba tầng lầu.

Công việc làm ăn từ chân lắm tay bùn một nắng hai sương, đi làm thuê làm mướn, đi xuồng, bè đến vài cây số mới tới ruộng cày. Nay là những công nhân viên chức các công sở, xí nghiệp hoặc đã tạo được một cửa hàng làm ăn buôn bán cho riêng mình, bên cạnh đó còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người từ nơi khác đến tạm cư.

Trình độ học vấn từ chưa hết tiểu học nay đã có những thạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, cử nhân …

Đặc biệt, từ nguồn nước này Giáo xứ đã ươm tưới cho vườn cây ơn gọi của Giáo Hội được 42 linh mục (đến năm 2014), hơn 30 tu sĩ.

Cùng hiệp thông với cộng đoàn Giáo xứ đã hơn 50 năm xây dựng, Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Giáo Phận đã đến Tòa Thánh xin Đức Thánh Cha cho Giáo xứ được mở Năm Thánh và ban phép lành Năm Thánh đến toàn thể cộng đoàn trong Giáo xứ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Giáo xứ (22/08/1955 – 22/08/2005).

Đôi nét sơ lược phát triển và hình thành Giáo xứ Tân Lập giúp cộng đoàn chúng ta cảm nhận được: hồng ân của Chúa và Mẹ Maria đã tuôn muôn ơn lành xuống con cái của Ngài với truyền thống Đức Tin thờ phượng kính mến Chúa, phục vụ anh em cộng đoàn tâm niệm cùng nhau sống hiệp nhất yêu thương như tôn chỉ hằng noi theo.

Ngoài ra, việc tôn vương Chúa là Vua và Mẹ Maria là Nữ Vương gia đình trong năm hồng phúc cùng giờ kinh tối trong các gia đình đã giúp chúng ta phó thác đơi sống xác hồn trong tay Chúa và Mẹ. Xứng đáng hưởng phúc Chúa ban.

Đã đón nhận những ân huệ trên cộng đoàn chúng ta luôn cảm tạ hồng ân của Chúa, Mẹ và ghi nhớ công ơn quý Cha sáng lập, cùng quý chức tiền nhiệm đã vun đắp xây dựng cho cộng đoàn Tân Lập ngày nay.

Tổng hợp.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com