Nguồn gốc, lịch sử của Giáo Hội (Phần 1)

 

Ðức Giêsu Và Tiến Trình Thành Lập Giáo Hội

 


 

Nhập Ðề

Giáo hội là một dữ kiện lịch sử. Như bất cứ dữ kiện nào, Giáo hội cũng có một tiến trình lịch sử với những giai đoạn: khởi đầu, phát triển và thành tựu. Như bất cứ một xã hội nào khác, xã hội tôn giáo này cũng phải có một nguồn gốc: đó là vấn đề bàn đến trong chương viết này.

Thực ra, công việc khảo cứu này rất phức tạp. Một đằng Giáo hội không chỉ đơn thuần là một xã hội – dù là xã hội tôn giáo – mà còn là một mầu nhiệm nữa. Ðiều này có nghĩa là việc nghiên cứu sẽ trở thành phiếm diện và thiếu sót nếu chỉ xét đến khía cạnh lịch-sử-xã-hội không thôi. [1] Ðằng khác,  để diễn tả bản tính của xã hội tôn giáo này, Kinh Thánh đã dùng nhiều hình ảnh khác nhau và đôi khi có vẻ như là mâu thuẫn với nhau; điều này làm cho vấn đề trở thành gai gốc thêm. Hơn nữa, Kitô giáo là do Ðức Kitô sáng lập, mà những nỗ lực khảo cứu lịch sử tính về “sự kiện Ðức Kitô” (bản thân và tiểu sử của Ngài) lại còn gặp nhiều khó khăn... ngay cả khi có thể chứng minh được tính chất lịch sử của các sách Phúc âm; và dù đã có thể rút ra được nội dung sứ điệp của Ðức Giêsu thì, khi tra cứu về sứ điệp ấy, dường như cũng chẳng tìm thấy được một dấu vết minh nhiên nào về sự việc Ðức Giêsu thiết lập Giáo hội Ngài. Bởi vì Ðức Giêsu không nhằm thiết lập những nghi thức bên ngoài, làm như Ngài muốn cho thấy rằng “tôn giáo” của Ngài có tính cách thiêng liêng, cốt ở tâm địa của mỗi cá nhân... để mỗi người có thể tự đặt mình trực diện với Thiên Chúa Cha. Hơn nữa, Ðức Giê-su thường nói rằng Nước Thiên Chúa đã gần đến, như thể là ngay trong thế hệ ấy. Vì thế, các Phúc âm cho ta có cảm tưởng là Ngài không nghĩ về một tương lai xa xôi nào cả.

Ấy chính là những khó khăn cần phải đối diện khi khảo cứu về nguồn gốc của Giáo hội.

Ðức Giêsu đã sáng lập Giáo hội

Khi nghiên cứu Tân Ước, các nhà phê bình và chú giải đã gia công đào sâu và trình bày từng cử chỉ, từng lời nói của Ðức Giêsu, cũng như tìm cách xác định “mức độ lịch sử tính” của mỗi sự việc; sau đó, họ cố phân tích để tìm hiểu những ảnh hưởng mà hoàn cảnh tôn giáo và văn hóa thời ấy đã có thể tác động trên chính Ðức Giêsu hoặc trên các tác giả viết Sách Thánh.

Chúng tôi sẽ dùng đến các kết quả ấy của những công trình nghiên cứu mà các nhà chuyên môn – có thể là thuộc nhiều tôn phái và khuynh hướng khác nhau – đã ghi lại trong các tác phẩm của họ; bởi chủ đích nhằm tới ở đây là làm sao để biết cho được sự thật lịch sử. [2]

Khi nói Ðức Giêsu là vị sáng lập Giáo hội, là có ý khẳng định rằng Ngài là nguyên nhân của những cấu tố tạo thành Giáo hội. Thế nhưng, bản tính của Giáo hội lại phức tạp, vừa ẩn chứa mầu nhiệm cứu sống vừa mang dạng thể của một tổ chức xã hội. Nói khác đi, Giáo hội vừa là “biến cố ân sủng” vừa là chế độ pháp luật. Cho nên, vị sáng lập Giáo hội cũng phải làm sao cho có được:

1. “Sinh khí” siêu nhiên, vì Giáo hội là một thân thể sống (thần học xác định sinh khí ấy là Thần Khí: nghĩa là phải xác minh Ðức Giêsu đã phái gửi Chúa Thánh Thần).

2. Những phương thế tác sinh (tức là các bí tích: nếu các bí tích có hiệu lực tác sinh, thì chính là do mầu nhiệm chết đi và sống lại của Ðức Giêsu; vì thế, mầu nhiệm ấy phải được hiểu là thuộc về nguyên nhân tạo thành Giáo hội).

3. Quyền tế tự thờ phượng, vì đời sống của Giáo hội diễn ra ở trong dòng lịch sử nhân loại.

4. Những chân lý mạc khải, dệt nên “Tin mừng,” bao gồm cả giáo lý lẫn tính chất thiết yếu của giáo lý ấy.

5. Một cơ cấu xã hội có luật lệ, để giúp thu tập những ai đã tin nhận; quyền xác định một cứu cánh chung, thiết định những phương thế để đạt tới cứu cánh ấy, và tổ chức lề lối sống chung, tức là trao phó những quyền bính pháp lý và hoạch định cách thức thi hành chúng (như chẳng hạn chế độ dân chủ, quân chủ, v.v.).

Tất cả những yếu tố ấy, một cách nào đó, phải bắt nguồn từ nơi Ðấng Sáng lập. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả mọi chi tiết đều phát nguyên từ Ðức Giêsu. Giáo hội kết tinh từ những yếu tố do Ðức Giêsu thiết định và cả từ những gì do con người đặt ra. Ở đây, chỉ xét đến các nhân tố loại thứ nhất, tức là những gì thuộc lãnh vực “thần quyền” (de jure divino) mà thôi. [3]

Nói thế không có nghĩa là phải chứng minh cho thấy hết mọi nhân tố thuộc lãnh vực thần quyền đều đã do chính Ðức Giêsu đích thân xác định rõ ràng. Thực ra, có lúc Ngài chỉ cố ý ám chỉ đến một vấn đề nào đó, nhưng cũng có khi Ngài chỉ “gieo hạt” để sau này hạt gieo sẽ khai hoa kết quả mang nhiều tiềm năng phong phú. Dù có những chi tiết Ngài đích thân quyết định, nhưng thường thì Ngài ủy quyền cho các tông đồ và để Thánh Thần gợi ý sau này.

Có thể xếp các vấn đề Giáo hội học phải đối diện thành hai loại: lịch sử và chú giải.

1. Về mặt lịch sử: những tài liệu hiện có được để sưu tầm, là các văn bản Tân Ước; thế nhưng giá trị lịch sử của mỗi văn bản lại khác nhau. Nên căn cứ trước tiên vào bốn Phúc âm, đặc biệt là ba Phúc âm nhất lãm; rồi đến thánh Phaolô và sách Công vụ Tông đồ. Nhưng vẫn phải áp dụng phương pháp phê bình lịch sử đối với các tài liệu ấy. Trước hết là vì Phúc âm không thể ghi chép được hết tất cả những gì Ðức Giêsu đã làm và đã nói; thứ đến là vì các thánh sử không nhằm soạn một cuốn “tiểu sử” của Ðức Giêsu, mà chỉ muốn nêu cao sứ mạng cứu độ của Ngài; chủ đích các vị nhằm là “truyền bá” đạo lý của Ngài (và vì thế các văn bản ấy có thể có khuynh hướng “lý tưởng hóa” hoặc “tuyên truyền”). Vì thế, trong Phúc âm có thể có những lời các vị đặt vào miệng Ðức Giêsu mà thật ra đó chỉ là lời của Giáo hội sơ khai...

2. Vì vậy, cần phải nhờ đến nỗ lực của các nhà chú giải để tìm cho ra hình ảnh lịch sử đích thật của Ðức Giêsu, cũng như những gì Ngài đã muốn, đã nói, và đã làm, v.v...

Nhưng kể ra, cũng thật may mắn, bởi khởi điểm cuộc sưu tầm nói trên không phải bắt đầu từ số không: nhiều thần học gia đã từng tiến bước trên con đường này và đã thu lượm được nhiều kết quả quả là tốt đẹp. Hơn nữa, Giáo huấn của Hội thánh đã ban bố một số tài liệu liên quan đến vấn đề nầy. [4] Ngoài ra, khi nghiên cứu về chủ đề đang bàn, các tác giả cần lưu ý để tránh một số thành kiến cố hữu có thể ảnh hưởng đến thái độ nhận định phê bình, làm cho kết quả của cuộc nghiên cứu gặp phải nguy cơ trở thành thiên lệch hoặc một chiều.

Riêng về phía công giáo, sau khi nghiên cứu kỹ càng, các nhà thần học cũng như bác học đã đi tới kết luận xác nhận là quả thật Ðức Giêsu đã sáng lập Giáo hội. Những anh em Chính thống và Tin lành, nói chung, cũng đồng ý như thế. Giữa các học giả mệnh danh là “phê bình gia,” có kẻ vẫn giữ ý kiến ngược lại, chưa đồng ý với kết quả nghiên cứu trên đây; nổi tiếng nhất là Adolf Harnack (1851-1930), Tin lành, người Ðức, và Alfred Loisy (1857-1940) Công giáo, người Pháp. Ðại khái, họ chấp nhận Giáo hội đã có từ thế kỷ thứ nhất, và cho rằng Giáo hội chỉ là kết quả của trào lưu tôn giáo do Ðức Giêsu cổ xúy, chứ không phải do chính Ngài sáng lập, bởi theo họ, không bao giờ Ngài nghĩ đến chuyện sáng lập như thế.

Từ kế hoạch cứu độ đến việc thành lập Giáo hội.

Muốn hiểu cho rõ hơn lý do tại sao có Giáo hội, thì thiết tưởng nên lưu ý tới kế hoạch cứu độ, bởi có thế mới nhận ra được chỗ đứng Thiên Chúa dành cho Giáo hội ở trong lịch sử và kế hoạch ấy. [5]

Trước tiên, không nên quan niệm Giáo hội như là một hiện tượng riêng lẻ trong không gian và thời gian. Như bất kỳ thực tại nào thuộc thế gian này, Giáo hội là một thực tại tương đối và, vì thế, chỉ có thể hiểu được khi biết đặt Giáo hội đối diện với các thực tại và các dữ kiện khác. Vậy, cần phải nhìn Giáo hội trong tương quan với Thiên Chúa và Ðức Kitô, cũng như với toàn thể nhân loại đang nằm trọn trong kế hoạch cứu độ.

Chỉ khi biết nhìn theo viễn tượng lịch sử cứu độ như thế, thì mới hiểu được tầm mức trọng yếu tiềm ẩn trong lời nói và hành động của Ðức Giêsu, tức là những sự kiện làm nên nền tảng của Giáo hội.

Trong Hiến chế về Giáo hội, công đồng Vaticanô II đã đề cập đến vấn đề này nơi chương thứ nhất: lịch sử cứu độ bắt đầu từ giây phút sáng tạo; trong địa đàng, khi con người sa ngã, Thiên Chúa đã dựa vào công cuộc cứu độ Ðức Kitô sẽ hoàn tất trong tương lai mà tha tội. Cụ thể hơn:

 “Thế nên Chúa Cha muốn quy tụ vào trong Giáo hội hết thảy những ai tin kính Ðức Kitô. Từ nguyên thủy, Giáo hội đã được tiên báo bằng hình bóng, được chuẩn bị cách kỳ diệu trong lịch sử dân Do thái và trong giao ước cũ, được thành lập trong thời cuối cùng, được biểu hiện lúc Chúa Thánh Thần ngự xuống, rồi đến hồi thế mạt, sẽ hoàn tất trong vinh quang” (LG 2).

Ðoạn văn trên đây hàm chứa sáu đề tài thần học về Giáo hội:

1. Giáo hội trong ý định vĩnh cửu của Thiên Chúa

2. Giáo hội và công trình sáng tạo (Ecclesia ab origine mundi, Ecclesia ab Abel ...)

3. Giáo hội và Ítraen

4. Ðức Giêsu sáng lập Giáo hội

5. Chúa Thánh Thần và “thời gian của Giáo hội”

6. Giáo hội cánh chung

Ở đây, xin chỉ bàn về chủ đề thứ tư mà thôi. Cần lưu ý đến hai điểm sau đây:

Một số đặc nét trong kế hoạch cứu độ

Trong Ep 1 và Cl 1: 24tt, thánh Phaolô đã có dịp viết về ý định vĩnh cửu của Thiên Chúa; nhiều nơi trong các văn bản công đồng Vaticanô II cũng đã nhắc lại những đặc nét của ý định ấy.

1. Liên đới tính: Khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa đã đặt con người trong tương quan mật thiết với nhau và với vạn vật. Con người được dựng nên là một con người xã hội, tức là mang bản chất xã hội, hợp đoàn. Con người phạm tội, thì thiên nhiên “từ chối” không chịu cung dưỡng con người nữa; con người phải làm lụng lam lũ, đổ mồ hôi nước mắt mới có mà ăn. Một người phạm tội, là cả loài người phải chịu hậu quả; nghĩa là trong thế giới tất cả đều liên đới với nhau; vậy, cũng thế chẳng có một ơn cứu độ hay một mối đọa đày nào là thuần túy cá nhân cả. Xã hội tính là đặc tính của thân phận làm người.

2. Sáng kiến của Thiên Chúa: Trong chương trình cứu độ, bao giờ Thiên Chúa cũng là Ðấng khởi xướng trong mọi sự. Không những trong chương trình sáng tạo, mà nhất là khi Người nâng con người lên mức siêu nhiên. Thiên Chúa khai mở từng giai đoạn mới ở trong lịch sử cứu độ: thí dụ, như là: khi Ađam phạm tội, Người liền hứa sẽ ban cho một vị cứu tinh (x. St 3: 15); khi Người đoái thương gọi ông Abraham; khi Người cứu sống dân Ítraen khỏi Ai cập qua trung gian của Môsê, v.v... Cuối cùng khi Chúa Cha phái gửi Con Một nhập thế làm người, và ủy thác cho Ngài sứ mạng thành lập Giáo hội. Thế mới rõ là những ai được tham dự vào trong kế hoạch cứu độ, thì không phải là do tự mình quyết định mà được, song là nhờ đã được Thiên Chúa tuyển chọn. Do đó, Giáo hội không phải là một xã hội kết thành do ý muốn của những người cùng hợp quần để sống liên hệ với nhau, mà là một dân Thiên Chúa chọn cho riêng Người.

3. Ðiên rồ của thập giá: Ðể tỏ cho con người biết uy lực và tự do của Người, Thiên Chúa thường không chọn những người dũng mạnh, nhưng lại tuyển chọn những kẻ mà thế gian coi là yếu mạt, và cho họ cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Người. Chẳng hạn: Thiên Chúa đã không chọn Cain, mà lại chọn Abel; đã tuyển lựa Giacóp thay vì anh là Esau; đã gọi Ðavít là con út trong gia đình chứ không chọn các anh lớn, v.v. Mười hai Tông đồ của Ðức Giêsu cũng chỉ là những người dân thường, ít học.

4. Tiệm tiến cách: Thiên Chúa hoàn tất chương trình cứu độ trong tiến trình lịch sử, nghĩa là Người muốn cho ý định của Người mặc lấy “thời gian tính”: có lúc bắt đầu, rồi tiến triển, và cuối cùng là thành tựu; Chúa gieo hạt giống, rồi để luật tự nhiên làm cho nó lớn lên; có thể thấy rõ đường lối hành động ấy của Thiên Chúa trong cách thức Người dẫn dắt loài người, dân Ítraen hay Giáo hội chẳng hạn. Ý nghĩa của giai đoạn đầu chỉ được biểu lộ trong các giai đoạn sau.

5. Tập thể tính : Ơn cứu độ mang tính chất cộng đoàn. Trước tiên, Thiên Chúa đặc biệt chọn riêng một dân tộc, rồi qua và trong dân tộc ấy, Người muốn cứu rỗi các cá nhân. Nghĩa là cộng đồng cứu rỗi không phải là một khí cụ có thể vứt đi sau khi đã dùng. Trong Kinh Thánh, trước hết là Ít-raen dân Chúa, và trong dân Chúa mỗi người được ơn gặp Giavê. Nói cách khác, Thiên Chúa kêu gọi mọi người để làm nên cộng đoàn. Vaticanô II cũng đã nhấn mạnh đến điểm này (x. LG 9a; AG 2; GS 32a).

6. Phổ quát tính : Kế hoạch cứu độ là một phương án phổ quát, không bị giới hạn vào một thời đại, một nơi chốn hay một dân tộc cụ thể nào. Vì vậy, phải biết dung hòa tính cách tuyển chọn riêng biệt (Thiên Chúa chọn một người, một dân tộc, v.v.) với viễn tượng phổ quát ấy (Chúa muốn cứu rỗi mọi người, mọi dân tộc thuộc mọi nền văn hóa...). Mỗi khi Người chọn ai (một cá nhân hay một dân tộc) thì chính là để phái gửi đi với sứ mạng phục vụ những người khác. Trong Cựu Ước: Thiên Chúa chọn Abraham và qua người, Thiên Chúa chọn cả dân Ítraen cùng với muôn dân (x. St 12: 1-3); trong Ítraen, Thiên Chúa gieo ơn cứu độ cho nhân loại. Trong Tân Ứớc: nơi con người Ðức Giêsu, Thiên Chúa hòa giải cả loài người; qua Giáo hội, Thiên Chúa trao ban ơn cứu độ cho tất cả (bí tích phổ quát...).

Những giai đoạn sáng lập Giáo hội

Như đã thấy, kế hoạch của Thiên Chúa hình thành dần dần, qua những giai đoạn lịch sử liên tiếp. Vì thế, tiên thiên, có thể nghĩ rằng Ðức Giêsu đã không sáng lập Giáo hội cùng một lúc, nhưng qua một quá trình tiệm tiến với nhiều giai đoạn. Một nhà chú giải đã viết: “Không phải duy nhất một lời nào hoặc một động từ nào đó của Ðức Giêsu đã làm nên hành động sáng lập Giáo hội, nhưng là chính toàn bộ hoạt động cứu độ của Ngài.” [6]

Trước khi tầm khảo riêng về mỗi giai đoạn, xin lược tóm lại đây những điểm chính: André Feuillet đã chia hoạt động của Ðức Giêsu làm bốn giai đoạn: 1) Ðức Giêsu tuyển chọn 12 sứ đồ làm thành một nhóm bạn để hợp tác với Ngài; 2) Ðức Giêsu hứa với Simon là Ngài sẽ xây dựng Giáo hội trên ông, và đổi tên ông thành Phêrô, nghĩa là “Ðá”; 3) Trong bữa Tiệc ly: Ðức Giêsu lập giao ước mới qua máu được đổ ra cho tất cả; 4) Mầu nhiệm Phục sinh và Hiện xuống.

Có người cho rằng, Ðức Giêsu đã bắt đầu sáng lập Giáo hội khi công khai rao giảng Tin mừng (đời sống công khai), khi tụ tập các môn đệ và trao “tối thượng quyền” cho Simon Phêrô, rồi tiếp đó là khi lập giao ước mới trong bữa Tiệc ly, và cuối cùng Ngài kết thúc việc sáng lập lúc chịu chết, tức là khi Ngài hòa giải loài người với Chúa Cha.

Có những người khác thì lại coi thập giá như là giai đoạn chung quyết. Phần đông chủ trương cho rằng Giáo hội hoàn thành nhờ mầu nhiệm Phục sinh. Nhưng cũng có người nghĩ là Ðức Kitô đã hoàn tất việc sáng lập trong cuộc hiện ra ở bên bờ hồ Tibêriađê (x. Ga 21); còn có kẻ khác thì lại nghĩ là với cuộc hiện xuống, Thánh Thần quả đã kết thúc tiến trình sáng lập Giáo hội. (Về Vaticanô I, x. DS 3050).

Trong thông điệp Mystici corporis , [7] Ðức Piô XII đã chia tiến trình sáng lập Giáo hội thành bốn giai đoạn như sau:

a. Ðức Giêsu sai phái các tông đồ (x. Ga 17: 18; 20: 21),

b. Lập tối thượng quyền của Phêrô (x. Mt 16: 18; Ga 20: 21),

c. Thiết lập các bí tích (hoặc trưóc khi Ngài chịu chết, như bí tích Thánh Thể, hoặc sau khi Ngài sống lại),

d. Trên thánh giá: giao ước mới, cứu chuộc, lập công.

Nhưng cũng nên lưu ý rằng Ðức Piô XII đã nhấn mạnh thái quá đến khía cạnh “cơ cấu tổ chức” của Giáo hội.

Trong vấn đề này, các Giáo phụ quan niệm theo nhiều cách khác nhau. Có vị cho rằng ngày Ðức Giêsu sinh ra là ngày sáng lập Giáo hội, vì Ngài là Ðầu của Nhiệm thể, tức Giáo hội (natalis capitis natalis est corporis: thánh Lêô Cả [8] ). Có những vị khác thì lại so sánh Giáo hội với bà Evà; thế nên đã coi thập giá như là giai đoạn chủ yếu: lúc lính đâm cạnh sườn Ðức Giêsu, lúc máu và nước chảy ra chính là lúc Giáo hội chào đời. [9]

(còn tiếp)

 

(Trích http://www.htth.org/)

 

_________________________________

 [1] Xem Mehl, R., “Ecclésiologie et sociologie,” Revue Théologique de Louvain 3 (1972) 385-401.

 [2] Aelred Gody , OSB, “The Foundation of the Church: Biblical Criticism for Ecumenical Discussion,” Theological Studies 34 (1973) 3-18. Kee, H.C., The Origins of Christianity: Sources and Documents, Englewood Cliffs, NJ: Prentice Hall 1973; Downing, F.G., The Church and Jesus: A Study in History, Philosophy and Theology, 1968; Cazelles, H., Naissamce de l’Eùglise, secte juive rejetée?, Paris 1983; Brown, S., The Origins of Christianity, Oxford 1984.

 [3] Về ý niệm này xin xem Pié-Ninot, S., trong Latourelle, R.  và Fisichella, R. , Dictionary of Fundamental Theology, N.Y.: Crossroad 1994, trg. 148-149.

[4] Xem văn kiện của Uỷ ban Thần học Quốc tế đặng trong Gregorianum 67 (1986) 413-428; Fitzmyer, J.A., “Tân Ước và Kitô học. Các vấn đề hiện nay,” Hợp Tuyển Thần Học, số 2 (1991) 3-66; Vũ Xuân Huyên, J., “Lý lịch Ðức Giêsu Kitô,” HTTH số 6 (1993) 5-53.

[5] Feuillet, A., “Le plan salvifique de Dieu dans l’épỵtre aux Romains,” Rev.Bibl. 57 (1950) 336-387; 489-529; Vagaggini, C., “Storia della salvezza” trong Nuovo Diz. Teol. Roma 1979, 1559-1583.

[6] Feuillet, A. “Les grandes étapes de la fondation de l’Église,” Science Ecclés. 11 (1957) 5-12, trg 6; xem Stanley, D.M., “From Kingdom to Church: The Structural Development of Apostolic Christianity in the New Testament,” Theological Studies 16 (1958) 1-29.

 [7] Xem AAS 37 (1945) 256-262.

 [8] Leo Magnus, Sermo 26.2; PL 54.203).

 [9] Tertullianus , “Somnus Adae mors erat Christi dormituri in mortem, ut de injuria perinde lateris eius vera mater viventium figuraretur Ecclesia, “ (PL 2.723); th. Augustino : “De illo latere effecta est Eva, quae nos peccando mortificavit; de isto autem latere facta est Ecclesia, quae nos pariendo vivificaret,” Sermo 336.5, PL 38.1475).

 

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com