Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong lịch sử thần học (Phần 3 - Kết thúc)

 

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH TÍN ĐIỀU
THIÊN CHÚA BA NGÔI

 

 

III. Mầu nhiệm Ba Ngôi được xác định:

Trước sự đối kháng của Do thái giáo, ngộ đạo và triết học Hy lạp với một quan niệm chật hẹp về Đấng Tuyệt đối phù hợp với lý trí con người, đức tin Kitô giáo đã phản ứng lại bằng cách cố gắng diễn tả kinh nghiệm mình đã sống và cử hành trong phụng vụ bằng một lời tuyên xưng rõ rệt có tính cách tín điều.

A. LÝ DO CỨU ĐỘ HỌC:

Lý do sâu xa nhất thúc đẩy Giáo Hội giải thích và bảo vệ chính truyền, mang tính cách cứu độ học. Các Giám mục và các nhà thần học đã không bàn cãi về nguồn gốc và địa vị làm Con của Đức Giêsu chỉ để thỏa mãn sự tò mò của lý trí. Họ khởi hành từ kinh nghiệm về phúc cứu độ trong Giáo Hội như các Tông đồ đã rao giảng: Chính nhờ sự chết và sự sống lại của Con mình mà Thiên Chúa đã ban Thần Khí để chúng ta được trở thành con cái của Người. Nếu Đức Giêsu Kitô không phải là người Con theo nghĩa chính xác, thì Người không phải là Thiên Chúa thật; lúc ấy sự chết và sự sống lại của Người chỉ là những biến cố nhân loại như bao nhiêu biến cố khác, và Người không thể làm cho chúng ta trở thành Con Thiên Chúa. Nếu Thánh Thần không phải là Thiên Chúa, thì Người không thể thánh hóa chúng ta và vực thẳm giữa lịch sử con người và vinh quang Thiên Chúa vẫn mở rộng ra đó. Như vậy trong việc bảo vệ đức tin chân chính, vấn đề được, thua không phải là một lý thuyết trừu tượng về Thiên Chúa, nhưng là "việc giải phóng những kẻ bị giam cầm" và "Tin Mừng cho người nghèo mà Đấng có tràn đầy Thần Khí đã loan báo" (x. Lc 4,18). Mầu nhiệm Ba Ngôi trước hết là "mầu nhiệm cứu độ" đưa con người tới thái độ tri ân và cảm tạ, chứ không phải chỉ là mầu nhiệm để cho lý trí con người tìm hiểu. Vì thế chẳng phải là điều vô lý khi kết quả của công trình soạn thảo tín điều được đưa vào trong phụng vụ dưới hình thức một lời tuyên xưng đức tin.

Hai cuộc can thiệp quan trọng nhằm xác định tín điều Ba Ngôi trước những hình thức phá hủy kinh nghiệm phục sinh, là công đồng Nixêa (325) và công đồng Constantinốp (381).

B. CÔNG ĐỒNG NIXÊA: (325)

Công đồng Nixêa được hoàng đế Constantinô triệu tập, dưới thời Giáo hoàng Synvêtê I, nhằm đối phó với lạc thuyết của Ariô. Công đồng nổ lực soạn thảo một bản Tuyên ngôn tóm tắt được đức tin mà một tân tòng phải có khi chịu phép Thánh Tẩy; đồng thời loại bỏ những sai lạc của Ariô. Theo Eusêbiô (+340), bản văn gốc là kinh tuyên xưng đức tin của giáo đoàn Kaisaria được đọc trong nghi lễ Thánh tẩy. Công đồng đã sửa đổi một số chi tiết ở cuối  và thêm vào một lời kết án rõ ràng về những lầm lạc của Ariô. Sau đây là bản văn:

-  "Chúng tôi tin một Thiên Chúa duy nhất là Cha toàn năng. Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình;

-  và một Chúa duy nhất là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng duy nhất sinh bởi Chúa Cha, nghĩa là từ bản thể của Chúa Cha; Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên  Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Chúa Cha, nhờ Người muôn vật được tạo thành trên trời dưới đất. Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã xuống thế, nhập thể, làm người, chịu khổ hình, ngày thứ ba sống lại, lên trời và sẽ trở lại phán xét kẻ sống và kẻ chết.

-  Chúng tôi tin Thánh Thần.

- Ai nói rằng: “Đã có một thời Người không có" và "Trước khi sinh ra, Người đã không có" và "Người đã được dựng nên từ hư không" hoặc ai tuyên bố rằng Con Thiên Chúa phát xuất từ một bản thể (hypostasis) hay là một bản tính khác, hoặc Người có thể thay đổi (ousia) hoặc bị biến hóa, thì Hội thánh Công giáo và Tông truyền khai trừ người ấy". (x.D.S. 125; Foi Catholique số 2-3).

Đoạn thứ nhất làm nổi bật "ưu quyền" của Chúa Cha. Đoạn này làm chúng ta nhớ tới phần một trong 1Cr 8,6: “Chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng Tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta". Đoạn thứ hai liên hệ đến Đức Kitô tóm tắt tất cả nội dung của vấn đề: làm sao liên kết niềm tin độc thần với niềm tin vào thần tính của Người Con đã chết và đã sống lại? Đoạn này tương ứng với phần thứ hai trong 1Cr 8,6: “Chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành và nhờ Người mà chúng ta tiến về Chúa Cha".

Bản văn nêu lên tước hiệu của Đức Giêsu nằm trong truyền thống Tân ước: “Con Thiên Chúa" cùng với đặc tính là "duy nhất" (x "Con Một" Ga 1,18), có nghĩa tương đương với "Con yêu dấu" (x. Mc 1,11). Tước hiệu "Lời", có trong bản văn của Eusêbiô, nhưng không được nhắc tới, vì đã bị giải thích lệch lạc, dưới ảnh hưởng của triết học Hy lạp. Phẩm chất làm Con của Đức Kitô dựa trên sự sinh ra: Đức Giêsu Kitô là "Con Thiên Chúa", vì Người được "Chúa Cha sinh ra". Bản văn nhắm loại bỏ sai lạc của Ariô: ông này quan niệm "Lời" (Logos) đã được Thiên Chúa tạo dựng từ hư không, sau đó được nhận làm Con. Chắc chắn theo ý của công đồng, sự sinh ra bởi Cha không giống bất cứ sự sinh ra nào trong trật tự sinh lý tự nhiên, cũng không phải là một sự đảm nhận theo pháp lý. Đức Giêsu không phải là Con theo lẽ "tự nhiên", cũng không phải là dưỡng tử, nhưng Người luôn hiệp nhất với Cha trên bình diện hiện hữu và hoạt động, một sự hiệp nhất rất đặc biệt có tự đời đời. Bởi vậy, Công đồng dùng theo nghĩa loại suy tước hiệu "Con" có trong Tân ước, và dành ưu tiên cho tước hiệu này hơn bất cứ tước hiệu khác như "Con Người", "Ngôn sứ" hay là "Mêsia"v.v..

Để làm sáng tỏ tư tưởng, công đồng đã dùng một từ trừu tượng của triết học: “đồng bản thể" (homoousios). Để chống lại với Ariô, từ này muốn diễn tả một cách rõ ràng và dứt khoát là ngôi Con không thuộc hàng tạo vật nhưng "đứng ở cùng một cấp bậc hiện hữu như Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt" (F. Ricken, Das Homoousios von Nikaia als Krisis des Altchristlichen Platonismus, do B. Forte trích dẫn trong "La Trinité comme Histoire, p.71). Chúng ta hãy lưu ý tới những tiếng "nghĩa là" trong bản văn của Công đồng: “Đấng duy nhất sinh bởi Chúa Cha, nghĩa là từ bản thể của Chúa Cha". Đây là một sự sinh ra đích thực, giống như một người sinh ra một người khác, chứ không phải là một sự tạo dựng. Vậy "được sinh ra" là đồng bản thể với Cha. Những từ "nghĩa là" ("toutestin", hoc est) biểu lộ hai thứ ngôn ngữ được dùng: ngôn ngữ Kinh Thánh (Con, Con Một) và ngôn ngữ triết học (homoousios): ngôn ngữ triết học chỉ có mục đích giải thích ngôn ngữ Kinh Thánh. Như vậy nội dung đức tin không có gì mới mẻ. Chỉ có ngôn ngữ là mới mẻ. Tuy nhiên ngôn ngữ mới này không phải chỉ là lặp lại nội dung cổ truyền, mà còn biểu lộ một sự tái khám phá sứ điệp phúc âm trên bình diện ý thức, sau một thời gian lâu dài phải đối phó với các chướng ngại vật. Cuộc tái khám này cũng có thể được xem là một cuộc khám phá đích thực làm cho đức tin bén nhạy hơn.

Đoạn thứ ba trong bản Tuyên tín liên hệ đến Thánh Thần, còn rất thô sơ. Thần tính của Pneuma chỉ được xác định hơn nửa thế kỷ sau, tại công đồng Constantinốp I.

C. CÔNG ĐỒNG CONSTANTINỐPI (381):

1. Bầu khí thần học sau Công đồng Nixêa:

Thời gian chừng 50 năm sau Công đồng Nixêa là một thời gian khá lộn xộn, đầy những cuộc tranh cãi gay gắt. Lạc thuyết Ariô chẳng những không chấm dứt mà còn thấm nhập vào guồng máy chính trị. Với một quan niệm độc thần gay gắt, nó yểm trợ cho chính thể độc quyền của hoàng đế hơn là đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Và khi chính sách của hoàng đế nâng đỡ quan niệm của Ariô, thì những người bảo vệ đạo lý của Công đồng Nixêa lắm lúc cảm thấy thua cuộc.

Lạc thuyết Ariô lại phân ra nhiều khuynh hướng:

* Khuynh hướng cực đoan, theo đó Đức Kitô hoàn toàn khác với Chúa Cha ("anhomoios", những người theo khuynh hướng này được gọi là "anoméens ")

* Khuynh hướng ôn hòa" ( semi-arien ) ", theo đó Đức Kitô giống với Chúa Cha ("homoios"; những người theo khuynh hướng này được gọi là "homéens"). Nhóm này đề nghị một thỏa hiệp: thay vì dùng từ "homoousios" (đồng bản thể) của Công đồng Nixêa, thì dùng từ "homoiousios": nghĩa là Đức Kitô có bản thể nhân loại, nhưng rất giống với bản thể thần linh.

Trong thời gian sau công đồng Nixêa, còn xuất hiện một lạc thuyết khác liên hệ đến Chúa Thánh Thần, thường được gọi là lạc thuyết của Maxêđôniô. Ông này làm Giám mục tại Constantinôp, bị cách chức năm 350, vì lời dạy sai lạc của ông. Ông phủ nhận thần tính của Thần Khí (do đó có từ "pneumatomaques": những người bác bỏ Thần Khí) và cho rằng Thần Khí chỉ là một tạo vật. Thực ra lạc thuyết này cũng nằm trong chiều hướng của lạc thuyết của Ariô, vì đã không áp dụng từ "homoosios" (đồng bản thể với Thiên Chúa) cho Thần Khí.

2. Atanasiô và các giáo phụ miền Cappađôkia.

Trong cuộc tranh luận với lạc thuyết ariô và các biến thái của nó, nổi bật nhất là thánh Atanasiô thành Alexandria và các thánh giáo phụ xứ Cappađôkia (Grêgoriô thành Nadian, Grêgoriô thành Nyxa và Basiliô).

Đối với thánh Atanasiô, cuộc tranh luận với lạc thuyết Ariô là một vấn đề tôn giáo hơn là một vấn đề lý luận triết học. Người xem lạc thuyết ấy như một mối nguy cho niềm tin vào ơn Cứu độ. Tên bình diện thần học người nhấn mạnh tới sự "đồng bản tính" giữa Cha và Con. Nhưng người chưa giải thích sự khác biệt và liên hệ giữa Ba Ngôi vị. Lý do là vấn đề ngôn ngữ còn bị giới hạn. Cũng như Công đồng Nixêa, Atanasiô còn dùng các từ "ousia" và "hypostasia" đồng nghĩa với nhau, theo nghĩa "bản thể", lại ngần ngại dùng từ "prosopon" (mà Sabellius hay dùng) theo nghĩa "persona" (ngôi vị), nên người gặp khó khăn khi phải định nghĩa đặc tính của ngôi vị.

Các giáo phụ miền Cappađôkia đã có một đóng góp dứt khoát trong việc khai triển đạo lý về Ba Ngôi và trong việc giải thích lời tuyên tín của Công đồng Nixêa. Khác với Atanasiô, các vị này khởi hành suy nghĩ từ sự khác biệt giữa Ba Ngôi, rồi tiến tới sự đồng nhất trong bản thể. Các ngài, nhất là Basiliô, đã có công khai sáng các ý niệm. Các ngài phân biệt rõ ràng các từ dùng: “hypostasis" (ngôi vị) và "ousia" (bản thể). "Bản thể" là cái có chung giữa các hữu thể của một loài. "Ngôi vị" biểu lộ tính cách cụ thể, riêng biệt của mỗi chủ nhân. Vậy đặc điểm cụ thể của các ngôi vị thần linh được tóm tắt như sau: Cha là "nguyên lý không do ai sinh ra cả" (Principe non-engendré; kiểu nói này cũng phù hợp với quan niệm Hy lạp về Thiên Chúa là "Archè", khởi điểm, là "nguyên lý vô nguyên lý"); Con là Đấng "được sinh ra" (Engendré) và Thánh Thần là Đấng "phát xuất" từ Cha và Con. Sự khác biệt ấy được diễn tả qua công thức: một bản thể, ba ngôi vị (mia ousia, treis hypostaseis). Công thức này có thể làm người ta nghĩ tới một sự khác biệt tầm thường giữa cái phổ quát và cái riêng biệt, kiểu như ba con người có chung một nhân tính. Bởi vậy các giáo phụ Cappađôkia nhấn mạnh tới tính cách độc đáo và huyền bí của sự "đồng nhất trong bản thể". Bản thể thần linh này, mặc dầu không hiện hữu độc lập, nhưng chung cho Ba Ngôi, tuy nhiên bản thể ấy cũng là cá biệt và duy nhất về số lượng, cho nên Cha, Con và Thần Khí cũng chỉ là một Thiên Chúa: đó là ý nghĩa sâu xa của điều mà Đức Giêsu đã nói: “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha ..." (Ga 17,21). Giữa loài người, chúng ta chỉ ở bên cạnh nhau, chứ không thể "ở trong nhau" và "nên một" như thế.

Các thánh giáo phụ Cappađôkia và thánh Atanasiô tiêu biểu cho hai đường lối suy luận, hai quan niệm về Thiên Chúa, thường được gọi là quan niệm Hy lạp và quan niệm Alexandria-Latinh. Quan niệm thứ nhất dựa trên lịch sử cứu độ, cho nên cụ thể hơn; quan niệm thứ hai dựa trên lý luận siêu hình, cho nên trừu tượng hơn. Lẽ dĩ nhiên chúng ta đừng phóng đại sự khác biệt, tuy nhiên nó cũng tiêu biểu cho hai cách tiếp cận mầu nhiệm Thiên Chúa.

Theo quan niệm thứ nhất mà những người đại diện là các giáo phụ Cappađôkia tại Đông phương và thánh Ambrôsiô tại Tây phương, thì các ngôi vị, đặc biệt là ngôi Cha, là đối tượng chính yếu của suy tư. Theo quan niệm Alexandria-Latinh mà những người đại diện là hai thánh Atanasiô và Augustinô với các môn sinh về sau, thì bản thể duy nhất lại là đối tượng của sự chú ý. "Chước cám dỗ" rình rập quan niệm Hy lạp là thuyết "hạ phục" (Subordinationisme). Còn "chước cám dỗ" của phía kia là thuyết hình thái của Sabelliô. Bình thường đó cũng chỉ là những "chước cám dỗ" thôi!

Trong khoa thần học hệ thống tại Tây phương, nói chung quan niệm của Atanasiô và Augustinô chiếm ưu thế. Hậu quả là niềm tin vào Ba Ngôi ít có ảnh hưởng trên toàn bộ tư tưởng thần học. Trong cách thể hiện niềm tin, đặc biệt trong phụng vụ La mã, thì quan niệm Hy lạp vì chủ yếu dựa trên Kinh Thánh, có tác dụng thực tế hơn: người ta có thể thấy được điều đó qua công thức "nhờ Đức Kitô, trong Thánh Thần, tiến về Cha" (x.M. Schmaus, Dogma: God and His Chris, p. 143-144).

3. Bản tuyên tín Nixêa - Constantinôp.

Năm 381 một cuộc Thượng hội đồng các Giám mục được nhóm họp tại Constantinôp, về sau (thế kỷ V) được nhìn nhận như là Công đồng chung thứ hai. Bản văn của Công đồng này lấy lại nhiều yếu tố của Công đồng Nixêa, vì thế từ thế kỷ XVII được gọi là "bản tuyên tín Nixêa - Constantinôp" (x. F.C. 8/1). Đó là Kinh Tin Kính mà ngày nay các giáo hữu đọc trong thánh lễ Chúa nhật.

Trước hết Công đồng Constantinộp đã loại ra khỏi bản tuyên tín Nixêa câu: Con sinh "từ bản thể của Cha", vì câu này có thể làm lu mờ tương quan liên chủ thể. Chính tương quan này, theo chứng tá của Tân ước, tạo nên địa vị làm Con của Đức Kitô.

Bản tuyên tín của Constantinộp khai triển đoạn văn của Nixêa nói về Đức Kitô với những chi tiết sau đây:

- (sinh bởi Chúa Cha) từ trước muôn đời.

- Người đã từ trời (xuống thế).

- Bởi  Đức Chúa Thánh Thần và  Đức Trinh Nữ Maria (Người đã nhập thể).

- Vì chúng ta Người chịu đóng đinh vào thập giá dưới thời Phongxiô Philatô;

- (Người chịu khổ hình) và mai táng,

- (Ngày thứ ba Người sống lại) đúng như lời Thánh kinh;

- ... ngự bên hữu Đức Chúa Cha

- (Người sẽ trở lại) trong vinh quang

- Triều đại Người sẽ vô cùng tận.

Những đoạn bổ túc này nhằm mở rộng tầm nhìn về mầu nhiệm Đức Kitô theo Kinh Thánh và thần học. Đáng lưu ý hơn cả là lời bổ túc: Người đã nhập thể "bởi Thánh Thần và bởi Đức Trinh nữ Maria". Câu này nói lên thần tính trọn vẹn của Đức Kitô ("nhập thể bởi Thánh Thần") đồng thời nhân tính trọn vẹn của Người ("bởi Đức Trinh Nữ", nghĩa là từ thân xác của một người phụ nữ). Đàng khác ngôi vị Đức Kitô phải được hiểu không những trong tương quan với Cha (như Công đồng Nixêa đã khẳng định) mà còn trong tương quan với Thánh Thần (x. A. Amato, Gesu il Signore, p. 190).

Tuy nhiên phần bổ túc quan trọng nhất trên bình diện đạo lý là phần liên hệ đến Thánh Thần. Bản Tuyên tín Nixêa chỉ nói: “Chúng tôi tin Thánh Thần", Công đồng Constantinôp thêm:

 "Người là Chúa (kyrios) và là Đấng ban sự sống, Người phát xuất từ Chúa Cha (..), Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Người đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy".

Để chống lại lạc thuyết của Maceđôniô xem Thần Khí chỉ là một tạo vật, một tôi tớ, Công đồng Constantinôp đã khẳng định Người là "Đức Chúa", "phát xuất từ Chúa Cha" (ek tou patros ekporeuomenon) và phải được tôn thờ như Cha và Con.

Sau đó là những đoạn được thêm vào liên hệ đến Hội thánh, bí tích Thánh Tẩy, những thực tại cánh chung: tất cả đều là công trình của Chúa Thánh Thần.

Bản văn của Công đồng Constantinôp đã đưa lại sự hiệp nhất giữa Đông và Tây. Chẳng bao lâu sau, nó được đưa vào trong phụng vụ. Nó đã ấn định được một cách dứt khóat niềm tin của toàn Giáo Hội vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Công đồng Nixêa đã khẳng định sự đồng nhất trong bản thể giữa Chúa Cha với Chúa Con; còn Công đồng Constantinôp sự đồng nhất trong bản thể giữa Cha và  Con với Thánh Thần. Mặc dầu ý niệm này không còn được nhắc tới.

Tuy nhiên chúng ta cũng phải nói thêm giới hạn của bản tuyên tín Nixêa - Constantinôp. Bản văn này nhấn mạnh tới sự duy hất bản thể, nhưng chưa diễn tả tương quan giữa bản thể duy nhất ấy với Ba Ngôi, cũng như tương quan giữa các ngôi với nhau. Những thiếu sót ấy, lúc đầu không ai để ý, dần dần sẽ trở thành những điểm cọ xát giữa Đông phương và Tây phương. Nhưng đó cũng là dịp mở đường cho những suy tư sâu xa hơn về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

D. VẤN ĐỀ ' FILIOQUE '

Kinh Tin kính bằng La-ngữ của Giáo Hội Tây-phương có thêm các tiếng "Filioque" (và Con) trong đoạn liên hệ đến Chúa Thánh-Thần: Người bởi Đức Chúa Cha "và Đức Chúa Con" mà ra. Bản Tuyên-tín Nicea-Constantinôp bằng Hy-ngữ không có các từ ấy.

Từ nhiều thế kỷ nay, vấn đề "Filioque" là một trong những khúc mắt chính chia rẽ Giáo Hội Chính thống phương Đông và Giáo Hội Công giáo phương Tây. Giáo Hội phương Đông không chấp nhận  lời thêm ấy vì hai lý do:

-       Lời thêm này do Giáo Hội Công giáo La-mã đưa vào một cách đơn phương, không hỏi ý kiến của Giáo Hội phương Đông trước và như thế đã thay đổi một bản Tuyên-tín được công đồng chung ngày xưa chấp nhận;

-       Lời thêm này làm tổn hại đến ưu quyền của Chúa Cha, vì chỉ một mình Chúa Cha là nguồn mạch của thần tính. Đây mới thật là lý do thần học quan trọng.

Công đồng Ferrara-Fiorentina (1439) đã cố gắng đưa lại sự hiệp nhất giữa hai Giáo Hội (đoạn giao với nhau từ năm 1054), nhưng sự thành công đã không kéo dài lâu.

Năm 1965, trong thời gian Công đồng Vaticanô II, hai Giáo hội đã rút lại lời kết án tuyệt thông nhau. Nhưng vấn đề " Filioque " vẫn là một chướng ngại thần học không nhỏ.

Mới đây theo lời yêu cầu của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, Ủy-ban giáo hoàng đặc trách sự hiệp nhất các kitô-hữu đã cho ra mắt một tài liệu để làm sáng tỏ đạo lý cổ truyền về "Filioque", cũng như hoàn cảnh văn hóa và lịch sử đã làm phát sinh lời thêm này trong kinh Tin kính bằng la-ngữ. Chúng tôi dựa trên tài liệu ấy mang đầu đề là "Các truyền thống hy-lạp và latinh liên hệ đến sự nhiệm xuất của Chúa Thánh Thần", ra ngày 8-9-1995 ( x.Dc.cath. số 2125 (5 nov.1995),tr.941-945), để trình bày các điểm chính yếu sau đây.

1.   Nền tảng đạo lý chung cho hai truyền thống:

Giáo-hội Công giáo nhìn nhận bản Tuyên tín bằng tiếng Hy lạp của công đồng Constantinop năm 381, tức là công đồng chung II, là một lời tuyên xưng đức tin của toàn Giáo hội, có tính cách chuẩn mực và không thể sửa đổi. Dựa trên  Ga 15,26 bản văn ấy tuyên xưng  “Thánh Thần phát xuất từ  Chúa Cha" (ek tou Patros ekporeuomenon ). Một mình Chúa Cha là nguyên lý vô-nguyên-lý của hai ngôi vị kia, là nguồn mạch duy nhất của Con và của  Thánh-Thần. Như vậy Thánh-Thần phát xuất từ Cha mà thôi như là nguồn gốc tiên khởi, một cách trực tiếp. Các giáo phụ Hy lạp gọi đó là "ưu quyền của Chúa Cha" (la monarchie du Père ). Còn truyền thống  phương Tây đi theo lời dạy của thánh Augustinô, tuyên xưng rằng Thánh Thần phát xuất "chủ yếu" (principaliter) từ Chúa Cha, theo nghĩa Chúa Cha là "nguyên lý".

Để diễn tả việc Chúa Thánh Thần phát xuất từ  Chúa Cha như là nguồn gốc, truyền thống Hy lạp dùng từ "ekporeusis": từ này được phân biệt với "to proienai", đi ra, theo nghĩa thông thường, tương ứng với " processio" trong la-ngữ. Người ta không bao giờ dùng "ekporeusis" để nói về tương quan giữa Chúa Thánh Thần với Chúa Con. Vì thế, truyền thống Đông phương luôn luôn từ chối công thức "ek tou Patros kai tou Huiou ekporeumenon" (phát xuất từ Cha và Con) và Giáo Hội Công giáo cũng không chấp nhận thêm "kai tou Huiou" (và Con) vào bản văn Hy lạp của Kinh tin kính Nixêa-Constantinop.

Để diễn tả tương quan giữa Chúa Thánh Thần với Chúa Cha và Chúa Con, Giáo Hội Chính Thống Đông phương dùng kiểu nói: phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Con (ek tou Patros dia tou Huiou ekporeumenon).

Trên đây là đức tin cơ bản mà Giáo Hội phương Đông và phương Tây đều cùng nhau tuyên xưng vào thời các thánh giáo phụ. Cuộc đối thoại hôm nay giữa Giáo Hội Công giáo và Giáo Hội Chính thống phải dựa trên nền tảng ấy. Đạo lý về "Filioque" cũng phải được hiểu và trình bày trên cơ sở ấy, nghĩa là đừng đi ngược với "ưu quyền của Chúa Cha": Chúa Cha là nguồn gốc tiên khởi (archè, aitia) của Thánh Thần.

2.   Hoàn cảnh lịch sử về ngữ học và thần học của "Filioque".

a. "Ekporeusis" và "precessio":

Giáo Hội Công giáo luôn giải thích "Filioque" dựa theo đạo lý về nguồn gốc của Chúa Thánh Thần như Công đồng chung Constantinop năm 381 đã khẳng định. Giáo Hội bên Tây phương chỉ được biết và nhìn nhận bản Tuyên tín của công đồng Constantinop nhân dịp công đồng chung Canxêđônia năm 451. Trong khoảng thời gian ấy, dựa trên truyền thống thần học đã có trước, các Giáo phụ tại phương Tây như thánh Hilariô, thánh Ambrôsiô, thánh Augusinô và thánh Lêô Cả đều đã dạy rằng Chúa Thánh Thần phát xuất (procedit) từ Cha và Con.

Vì bản Kinh Thánh bằng La ngữ (bản Vulgata và các bản bằng La ngữ trước đó) đã dịch Ga 15,26 (para tou Patros ekporeutai) là "qui a Patre procedit", nên các văn sĩ nói tiếng La tinh đã dịch câu "ek tou Patros ekponeuomenon" của bản tuyên tín Nixêa-Constantinop là "ex Patre procedentem" (x.Mansi VII, 112B). Như vậy vô tình một sự nhm lẫn đã xẩy ra: người ta đã xem từ "processio" trong thần học Latinh tương ứng với từ "ekporeusis" trong thần học Hy lạp.

Từ "ekporeusis" chỉ diễn tả tương quan với nguồn gốc và ngụ ý chỉ một mình Chúa Cha là nguyên lý vô nguyên lý trong Ba Ngôi. Còn từ "processio" tương ứng với "to proienai" có nghĩa tổng quát hơn và diễn tả sự chuyển thông thần tính đồng bản thể từ Chúa Cha cho Chúa Con, và từ Chúa Cha qua Chúa Con và cùng với Chúa Con cho Chúa Thánh Thần. Khi tuyên xưng Chúa Thánh Thần "ex Patre procdentem", các văn sĩ Latinh đã ngầm hiểu là có "Filioque" nữa: điều này về sau sẽ được nói rõ ra trong bản văn phụng vụ của Kinh Tin Kính.

b. Lời thêm "Filioque" nhắm chống lạc thuyết Ariô tại Phương Tây:

Tiếng "Filioque" đã được tuyên xưng bên phương Tây trong lời tuyên tín "Quicumque" (thường được xem là của Thánh Atanasio: x. DS 75) và do các Công đồng địa phương nhóm họp tại Tolêđô, Tây Ban Nha, trong thời gian từ năm 589 tới 693 (x. DS 470, 485, 490, 527, 568). Để chống lại với lạc thuyết của Ariô, lời thêm này nhằm làm nổi bật ý tưởng Chúa Thánh Thần đồng bản thể với Chúa Con và như vậy là khẳng định Ba Ngôi cùng đồng bản thể.

Vào thế kỷ IX, trái với ý của hoàng đế Charlemagne, ĐGH Lêô III, tuy vẫn bảo vệ đạo lý củaFilioque, nhưng đã không chấp nhận đưa các từ này vào Kinh Tin Kính, vì muốn giữ sự hiệp nhất với phương Đông trong lời tuyên xưng đức tin, Tuy nhiên, tại các địa phương, các từ ấy cứ tự động  được phổ biến, nhất là khi Kinh Tin Kính được đưa vào Phụng vụ (từ thế kỷ VIII tới XI). Cuối cùng Roma cũng đã đưa vào Kinh Tin Kính dùng trong phụng vụ năm 1014.

c. Truyền thống phương Tây tương đồng với truyền thống Alexanđria:

Một nền thần học tương tự cũng đã được triển khai tại Alexandria. Cũng như trong truyền thống Latinh, nền thần học này dùng ngôn ngữ bình thường là phát xuất (proienai) để chỉ việc Chúa Cha và Chúa Con chuyển thông thần tính cho Chúa Thánh Thần, khi Ba Ngôi cùng hiệp thông với nhau trong cùng một bản tính. Thánh Cyrilô thành Alexandria đã viết: “Thánh Thần khi phát xuất (proeisi) từ Cha và Con; rõ ràng là Người có bản thể thần linh, vì theo bản thể thì Người lưu hành trong bản thể thần linh và phát xuất từ đó" (x. Thesaurus, P.G 75, 585). Thánh Cyrilô tiêu biểu cho nền thần học tại Alexandria đã có từ thời thánh Atanasiô. Vị này đã viết:

" Cũng như Chúa Con đã nói: Mọi sự Chúa Cha có, đều là của Thầy (Ga 16,15). Cũng vậy, chúng ta thấy là bởi Chúa Con, mọi sự ấy cũng ở nơi Chúa Thánh Thần" (Thư gởi Serapion, III, 1,33; PG 26,625B).

d. Một nhà thần học phương Đông biện hộ cho phương Tây:

Vào thế kỷ VII, các tín hữu Constantinop đã tỏ ra bất bình về tiếng "Filioque" trong lời tuyên tín của Đức Giáo Hoàng liên hệ đến sự xuất phát của Chúa Thánh Thần: sự xuất phát này được dịch lại sang Hy ngữ bằng tiếng "ekporeusis", đó là điều không đúng. Thánh Maximô Hiển tu, thuộc Giáo Hội phương Đông lúc ấy có mặt tại Roma. Người có viết một lá thư trong đó người phối hợp hai cách tiếp cận nguồn gốc vĩnh cửu của Chúa Thánh Thần: chỉ một mình Chúa Cha là nguyên lý vô nguyên lý (tiếng Hylạp là "aitia") của Chúa Con và Chúa Thánh Thần; Chúa Cha và Chúa Con là nguồn mạch đồng bản thể từ đó phát xuất (proienai) Chúa Thánh Thần. Thánh nhân viết: “Về sự nhiệm xuất, người La mã đã nêu ra chứng tá của các giáo phụ Latinh, ngoài chứng tá của Thánh Cyrilô thành Alexandria trong bài nghiên cứu của người về Tin Mừng của Gioan. Từ các Giáo phụ ấy, chính họ đã khẳng định rằng: Chúa Con không phải là nguồn gốc (aitia) của Chúa Thánh Thần. Thực vậy họ biết rằng Chúa Cha là nguồn gốc duy nhất của Chúa Con và Chúa Thánh Thần: của Chúa Con do sự sinh ra và của Chúa Thánh Thần do sự xuất phát (ekporeusis), nhưng họ giải thích rằng: Chúa Thánh Thần tiến ra (proienai) qua Chúa Con và như vậy họ diễn tả tính duy nhất và bất biến của bản thể" (Thư gởi Marin de Chypre. PG 91,136 A.B). Ở đây thánh Maximô đã trình bày lập trường của Giáo Hội Roma: “Filioque" không liên hệ đến "ekporeusis" của Thánh Thần, vì Thánh Thần phát xuất chính yếu từ Cha như là nguồn gốc của Ba ngôi. Nhưng "Filioque" biểu lộ sự chuyển động (proienai, processio) của Thánh Thần trong sự hiệp thông đồng bản tính với Cha và Con.

3. Xác định thêm ý nghĩa Thần học.

Truyền thống Latinh và Alexandria khẳng định rằng Thánh Thần phát xuất (proeisi) từ Cha và Con trong sự hiệp thông đồng bản thể, điều đó không có nghĩa là bản tính hay bản thể thần linh phát xuất nơi Người, nhưng bản tính được thông truyền từ Cha và Con là những ngôi vị có chung bản tính ấy. Điểm này đã được Công đồng Latêranô IV năm 1215 tuyên bố:

“Bản thể không sinh ra, không được sinh ra và không xuất phát, nhưng Chúa Cha sinh ra, Chúa Con được sinh ra, Chúa Thánh Thần xuất phát: vì thế có sự phân biệt về ngôi vị và sự duy nhất trong bản tính ... Như vậy theo đức tin Chính thống và Công giáo, chúng tôi tin rằng các ngôi vị là đồng bản tính ... Từ đời đời, khi sinh ra Chúa Con, Chúa Cha thông truyền bản tính của mình cho Chúa Con ... Chúa Con khi được sinh ra, thì đã nhận lãnh bản tính từ Cha và bản tinh ấy không bị giảm thiểu. Như thế Chúa Cha và Chúa Con có cùng một bản tính. Bởi vậy vì Chúa Thánh Thần phát xuất từ hai vị kia, nên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đều cùng một bản thể: (x. FC 224.225)

Năm 1274 Công đồng Lyon II dạy rằng: “Thánh Thần phát xuất đời đời từ Chúa Cha và Chúa Con, không phải như từ hai nguyên lý, nhưng như một nguyên lý duy nhất" (FC số 226). Dưới ánh sáng Công đồng Latêranô IV, thì "nguyên lý duy nhất" ở đây không phải là bản thể thần linh. Quyển "Giáo lý Hội Thánh Công giáo", số 248 giải thích kiểu nói trên như sau: “Trật tự vĩnh cửu của các ngôi vị thần linh trong sự hiệp thông đồng bản tính là thế này: Chúa Cha là nguồn gốc đầu tiên của Thánh Thần, vì Người là nguyên lý vô nguyên lý; với tư cách là Cha của Người Con Một, thì cùng với Người Con ấy, Người cũng là "nguyên lý duy nhất" từ đó xuất phát Thánh Thần".

Đối với Giáo Hội Công giáo "truyền thống phương Đông nhấn mạnh Chúa Cha là nguồn gốc đầu tiên của Thánh Thần. Khi tuyên xưng Thánh Thần có nguồn gốc là Chúa Cha (ek tou Patros ekporeuomeno) (x. Ga 15,26), truyền thống ấy khẳng định Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Con. Truyền thống phương Tây lại nhấn mạnh tới sự hiệp thông đồng bản thể giữa Chúa Cha và Chúa Con khi nói rằng Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con (Filioque) .... Sự bổ túc hợp lý này, nếu không bị giải thích một cách cứng nhắc, thì không làm tổn hại đến sự đồng nhất đức tin vào chân lý của cùng một mầu nhiệm mà hai bên tuyên xưng" (x. Catéchisme de l'Egl. cath. số 248).

 

(Nguồn: Giáo trình ĐCV Sao Biển)

_________________________________

THƯ MỤC (chọn lọc)

COLLECTIF,    Article "Tinité" hoặc "Trinity" trong các bộ tự điển:

1- "Dictionnaire de Théologie" sous la direction de Peter Eicher, Cerf, Paris 1988.

2- "The New Dictionary of Theology". Editors: A.Komonchak - M.Collins - D.Lane, Minnesota 1991.

3- Sacramentum Mundi. Editors: K.Rahner - C.Eurst - K.Smyth. London 1970.

COLLECTIF:

1- Dieu et la révélation de la Trinité, Coll. "Mysterium Salutis", 5, Cerf, Paris 1970.

2- La Trinité et la création, Coll "Mysterium Salutis", 6, Cerf, Paris 1970.

CONGAR,  Yves: Je crois en l'Esprit-Saint,

1- tome I: "L'Epérience de l'Esprit", Paris 1979.

2- tome II: "Il donne la vie", Paris 1980.

3- tome III: "Le Fleuve de Vie coule en Orient et en Occident, Paris 1980.

DURRWELL, Francois Xavier:

1- Le Père. Dieu en son mystère, Cerf, Paris 1987.

2- L'Esprit du Père et du Fils, Médiaspaul, Paris 1989.

ĐỌC, Bùi Văn  Chỉ có một Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần.

FORTE, Bruno  La Trinité comme histoire, Paris 1989.

GANOCZY, Alexandre,           Dieu, Grâce pour le monde, Paris 1986.

MANARANCHE, André,Dieu vivant et vrai, Paris 1972.

NICOLAS, Jean-Hervé,            Synthèse dogmatique: De la Trinité à la Trinité, Fribourg 1985.

REY, Bernard,  A la découverte de Dieu, Coll. Lire la Bible 31, Paris 1972.

SCHMAUS, Michael,   Dogma 3: God and His Christ, New York, 1971.

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com