QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH TÍN ĐIỀU
THIÊN CHÚA BA NGÔI
II. Mầu nhiệm Ba Ngôi bị chống đối:
Nội dung thần học và cứu độ của lời tuyên xưng đức tin về Ba Ngôi sẽ bị chống đối bởi những quan niệm cổ truyền hoặc ngoại lai về Thiên Chúa không biết đến sứ điệp phục sinh. Nói cách tổng quát, những lực lượng chống đối phát xuất từ ba phía: Do thái giáo, ngộ đạo và tư tưởng Hy-lạp. Vì phải đối phó với các nghịch cảnh, niềm tin Kitô giáo dần dần sẽ được xác định chẳng những bằng thứ ngôn ngữ "kể chuyện", mà còn bằng thứ ngôn ngữ của triết học Hylạp.
A. DO THÁI GIÁO:
Nghịch cảnh đầu tiên mà Kitô giáo gặp phải là đạo độc thần của Do thái. Do thái giáo đón nhận dễ dàng ý tưởng Thiên Chúa của cha ông hiện diện trong lịch sử của dân Người, nhưng không thể chấp nhận đồng hóa sự hiện ấy với vị ngôn sứ xứ Galilê mà giới bảo vệ Lề luật đã kết án như một kẻ phạm thượng. Họ cho rằng tính siêu việt của Giavê bị xúc phạm khi Đức Giêsu đối đãi với Người một cách quá thân mật và gọi Người là "Abba" và khi các môn đệ tuyên bố thời gian đã đạt tới hồi viên mãn nơi sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu.
Đức tin của người Do thái khẳng định mạnh mẽ rằng Thiên Chúa là Đấng khác biệt, chứ không thể tự đồng hóa với một người phàm và lời hứa của Thiên Chúa không thể được thực hiện trong hiện tại, nhưng chỉ trong ngày tận thế và trong một thế giới khác.
Lập trường của Do thái giáo đã ảnh hưởng trên một số Kitô hữu và đưa tới lạc thuyết "nhất chủ" (Monarchianisme). Theo thuyết này, thì chỉ có một Thiên Chúa mà thôi, nghĩa là chỉ một mình Giavê là chủ vị mà thôi; Đức Giêsu chỉ đơn giản là một con người, một ngôn sứ được Thiên Chúa nhận làm con (nhất chủ và dưỡng tử thuyết của Théođorê, người thuộc gia và Phaolô thành Samosata), hoặc thần tính của Đức Giêsu chỉ là một hình thái của Chúa Cha: Chúa Cha và Chúa Con cũng chỉ là một thực tại (x. K. Rahner và H. Vergrimler, Petit dictionnaire de Théologie Cathlique. art. Monarchianisme).
Lạc thuyết này lôi kéo nhiều giáo hữu bình dân, vì đặc tính đơn sơ của nó. Đối với họ chỉ cần có một Thiên Chúa thôi, một chủ vị thôi. Họ không muốn điều gì phức tạp hơn nữa.
B. NGỘ ĐẠO:
(x. A. Dartigues, La Révélation: du sens au salut, Paris 1985, p.36-39; Art. "Gnosticism, trong "The New Dictionary of Theology).
1. Những nét chính yếu về ngộ đạo:
Thuyết ngộ đạo là một trào lưu tôn giáo hỗn tạp gồm những yếu tố ngoại giáo (ví dụ: chủ đề linh hồn thăng thiên, vượt qua các tầng trời, thuyết nhị nguyên ... phát xuất từ đạo thờ các ngôi sao của Babylon), những yếu tố do thái (tôn thờ các thiên thần, Con Người chốn thiên thai ...) và cả những yếu tố Kitô giáo. Trào lưu tôn giáo này thịnh hành trong thế kỷ II và III sau công nguyên, nhưng là một trào lưu rộng rãi đã có từ nhiều thế kỷ trước.
Ngộ đạo thuyết chủ trương chỉ có sự hiểu biết ("gnosis") mới là con đường cứu độ. Những "người giác ngộ" cho mình là những người được ưu đãi, khác với những người bình dân chỉ biết những kinh điển "công khai" bình thường như là Luật của Môsê, các sách phúc âm chính lục hay là lời dạy của các triết gia Hy-lạp. Những Kitô hữu "giác ngộ" cho rằng họ đã nhận được những mạc khải bí nhiệm do Đức Giêsu đã truyền lại cho một số cá nhân, sau khi Người sống lại, chứ các giám mục chỉ có những kiến thức "công khai" dành cho giới ít hiểu biết.
Một vài Kitô hữu theo ngộ đạo đã nổi tiếng như: Valentinô, Ptolemy, Heracleon, Basilide, Marcion ... Khuynh hướng của Marcion là đối lập Thiên Chúa của Cựu ước, vị thần hung dữ đã dựng nên vũ trụ vật chất, và Thiên Chúa của Đức Giêsu, vị tốt lành. Nhưng Thiên Chúa của Đức Giêsu là một Thiên Chúa "thiêng liêng", xa lạ với vật chất và với lịch sử. Vì thế chẳng có chuyện nhập thể hay là thể xác sống lại, vì vật chất là xấu xa.
Những người theo ngộ đạo không những quan niệm Thiên Chúa như là Tinh thần, nhưng còn như là nguồn mạch của những sự "giáng xuất" (émanations) khác nhau: mọi sự đều phát xuất từ bản chất thần linh, như một dòng nước, nhưng càng đi xuống, càng xa nguồn gốc, các sự vật càng bị suy giảm và càng bị ô uế. "Logos" (Lời) là cuộc giáng xuất đầu tiên, sau đó là "Pneuma" (thần khí): vì thế Thần Khí thua kém Lời. Sau đó là các thực thể trung cấp như các thiên thần, và sau hết là loài người chìm đắm trong thế giới vật chất. Bởi thế, linh hồn con người được mời gọi hãy nâng mình lên càng cao càng tốt, hãy thoát tục, bằng những cuộc xuất thần và phạt xác. "Logos" được đồng hóa với Đức Kitô thiên thai (khác với Đức Giêsu ở trần thế) và "Pneuma" sẽ trợ giúp "người am hiểu" trong cuộc siêu thăng về với nguồn gốc thần linh của mình.
2. Những nhà thần học chống ngộ đạo:
Trong số những nhà thần học đã có công phi bác ngộ đạo, ta phải đặc biệt nhớ tới thánh Irênê, Tertulian và Origen
a. Thánh Irênê:(+ 208)
Trong cuộc chiến đấu với ngộ đạo, Thánh Irênê chiếm vị trí hàng đầu. Tác phẩm nổi tiếng của Người là "Adversus Haereres" ("Chống các lạc thuyết", được dịch sang tiếng Pháp trong bộ "Sources chrétiennes" số 100: Contre les héréses). Chính là trong cuộc đối chất với ngộ đạo, nhất là về vấn đề "giáng xuất", mà đạo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi dần dần được khai triển. Tư tưởng của Thánh Irênê hoàn toàn dựa trên Kinh Thánh và lịch sử cứu độ, và làm nổi bật những điểm sau đây:
- Con người đạt tới "kiến thức đích thực", sự hiểu biết đúng đắn về Thiên Chúa không phải nhờ những cuộc mạc khải riêng tư và bí truyền, nhưng duy nhất bằng truyền thống các Tông đồ. Đó là đạo lý có giá trị "cho tất cả mọi người", chứ không riêng gì cho một nhóm (x. Contre les hérésies IV, 33,8).
- Kinh Thánh không bao giờ nói tới một thứ thần minh biến thành tạo vật do một sự phân tán tất yếu của bản thân mình, nhưng một Thiên Chúa Tạo hóa, Cứu độ và hoàn tất công việc của mình một cách rất tự do.
Chính Thiên Chúa tốt lành đã dựng nên trời, đất và vạn vật. Thánh Irênê không chấp nhận nhị nguyên hay là một Thiên Chúa của Cựu Ước và một Thiên Chúa của Tân Ước theo kiểu Marcion. Thế giới và lịch sử của loài người không xa lạ đối với Thiên Chúa. Lập trường cơ bản của thánh Irênê có thể tóm tắt như sau:
- Chỉ có một Thiên Chúa và cũng chính Đấng ấy đã hoạt động trong trật tự tạo thành và trong trật tự cứu chuộc. Như vậy Người vừa bảo vệ tính cao cả của tạo thành (ngược với quan điểm của ngộ đạo), vừa bảo vệ ý nghĩa của sự cứu chuộc. Cả hai công trình đều phát xuất từ một Thiên Chúa Tình Yêu.
- Con người có thể xa lìa Đấng dựng nên mình, nhưng Thiên Chúa không bao giờ xa lìa con người. Người luôn luôn giơ "hai tay" mình ra: đó là Con và Thần Khí. Thánh Irênê rất thích kiểu nói "hai tay của Thiên Chúa", dựa trên câu thánh vịnh: “tay Chúa đã nắn con nên hình nên dạng" (Tv 119,73; x. G 10,8), vì kiểu nói này diễn tả liên hệ mật thiết giữa Thiên Chúa với Lời và Thần Khí. Từ thuở đời đời, Thiên Chúa đã giơ hai tay về con người, vì Lời và Thần Khí cũng có từ đời đời như Cha (x. Contre les hérésies, III 8,3).
- Ngôi Con đã nhập thể để cứu chuộc nhân loại và làm cho nhân loại trở nên dưỡng tử của Thiên Chúa. Người là Đầu của vạn vật (x. Cl 1,15-20). “Thực vậy, Lời của Thiên Chúa đã làm người và Con của Thiên Chúa đã trở nên con của loài người, để loài người nhận lãnh Ngôi Lời trong hàng ngũ của mình, và một khi được nhận làm con thì trở thành con cái Thiên Chúa” (Adv. Haer. III,19,2; S.C.211, p374-375). Ngôi Con là đầu của vạn vật (x Cl1,15-20). Trong Người, vạn vật sẽ được "quy hồi" (Ep 1,10).
Trong quá trình lịch sử ấy - lịch sử chứ không phải thần thoại - Thần Khí hợp tác cùng với Chúa Con. Thần Khí liên kết với vật chất, thăng hoa vật chất qua mầu nhiệm Nhập thể và Phục sinh của Ngôi Con. Như vậy giữa Thiên Chúa và thế giới này không có vực thẳm nào mà ân sủng không lấp đầy được.
Trong mọi công trình cơ cấu Ba Ngôi luôn luôn hiện diện: “Thiên Chúa Cha luôn luôn là Đấng có sáng kiến và ra lệnh; Chúa Con thi hành và Chúa Thánh Thần hoàn tất. Nhờ vậy con người được sinh ra, lớn lên và dần dần trở nên hoàn hảo" (Contre les hérésies, IV, 38,3; xem thêm L. ScheffczyK, Histoire du dogme de la Trinité, in Mysterium Salutis số 5, p. 230-231).
b. Tertullianô (+220):
Trái hẳn với tính cách u tối của ngộ đạo, Tertullianô đưa ra những ý niệm rất rõ ràng. Nội dung tư tưởng của ông khác xa với tư tưởng các thần học gia hộ giáo thế kỷ trước, như Giuttinô (+ 165), Tatien (+170) v.v., nhưng ông là thần học gia Tây phương đầu tiên đã sáng tác những từ ngữ mới mẻ bằng tiếng Latinh để trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa. Để diễn tả tương quan giữa tính đơn nhất và đa diện trong Thiên Chúa, ông đưa ra những kiểu nói "unitas substantiae" (duy nhất về bản tính) và "Trinitas personarum" (tam diện về ngôi vị; x. Adversus Praxean 12,6). Ba Ngôi không khác nhau về bản chất và quyền năng, vì chỉ có "một bản chất thần linh", nhưng về hình thái, cách biểu hiện và cấp bậc ("gradu"). Kiểu nói "cấp bậc" có thể làm người ta nghĩ rằng Tertullianô ngã theo thuyết lệ thuộc (Subordinationiste). Thực ra đó chỉ là một kiểu nói thôi chứ không phải tư tưởng sâu xa của ông. Dẫu sao ông cũng không bao giờ chấp nhận thuyết biến thái (modalisme) xem bản chất thần linh như một ngôi vị duy nhất xuất hiện dưới ba hình thái. Ông khẳng định một cách mãnh mẽ: “Ba vị hiệp nhất nên một, chứ không phải một vị" (Tres unum sunt, non unus: Adv. Praxean 25,1 in Pl 2,18).
Trong các thế kỷ về sau, người ta ít chú ý tới đạo lý chưa hoàn toàn gãy gọn của ông, cho bằng những công thức rất rõ ràng mà ông đưa ra để tiếp cận một vấn đề khó nói bằng ngôn ngữ của loài người. Những công thức như là "Ba Ngôi của một thần tính" ("tres personcee unius divinitatis") dần dần trở thành chuẩn mực và ông được xem như là một người tiên phong dọn đường cho đạo lý của Công đồng Nixêa về sự "đồng bản thể" (homousios).
c. Origen (+254):
Origen là người đã vận dụng triệt để triết học của Plato để bảo vệ tính cách thiêng liêng tuyệt đối của Thiên Chúa, ngược lại với quan niệm giáng xuất của ngộ đạo. Ông nói rõ trong tác phẩm "Peri archôn" ("về các nguyên lý", được dịch sang Pháp ngữ trong Sources Chrétiennes, 252: Traité des principes): quan niệm giáng xuất là một thứ thuyết duy vật tinh vi. Thiên Chúa với tư cách là Đấng thiêng liêng đã dùng lời của Người để dựng nên vật chất và đã tiếp xúc với vật chất. Nhưng tự thân, Người vẫn là Một: Người vượt lên trên mọi biểu hiện trong lịch sử và không hề bị phân tán. Bởi thế mọi sự ở trong thế giới đa dạng và đa thể này được kêu gọi trở về với Đấng Đơn thể siêu việt. Khác với Irênê, Origen cho rằng việc "quy hồi" vạn vật vào ngày tận thế là do tính Duy nhất tuyệt đối của Thiên Chúa hơn là do Đức Kitô.
Chúng ta lưu ý là Origen đã dùng chính ngôn ngữ của ngộ đạo như "bực thang của các thực thể", "sự suy thoái trong đa thể" (multiplicité), "cuộc đi lên trở về với Thần tính". Nhưng giữa Thiên Chúa và thế giới có khoảng cách của sự tự do: đó là mộ điều trái ngược với ngộ đạo. Tạo hóa dựng nên vạn vật một cách rất tự do và con người có thể quyết định tuân phục hoặc chống lại Người. Bởi thế nhân loại không phiêu dạt giữa những sức mạnh vô danh của vật chất và của thần minh, nhưng tiến về một điểm rõ rệt nơi đó sẽ có phán xét cuối cùng của Thiên Chúa.
Sự tự do của Thiên Chúa chủ yếu là sự tự do của tình yêu. Mặc dầu Người là độc nhất, nhưng Người tốt lành, nên yêu mến vạn vật. Nhưng không có gì có thể cưỡng bách Người trong các hoạt động. Người chọn lựa các đối tượng và cho chúng được tham dự vào sự tốt lành của Người. Sự chọn lựa tự do ấy là đặc điểm của tinh yêu vĩnh cửu. Trong tình yêu hoàn toàn tự do ấy, Cha sinh ra Con và tạo dựng vũ trụ. Origen gọi Thánh Thần là "tặng phẩm" mà Cha ban cho Con.
Nhờ Thánh Thần chúng ta biết được Con mà các giác quan con người từ nay không thể đạt tới; nhờ Con chúng ta biết được Cha- Tuy đóng vai trò trung gian, nhưng Con và Thánh Thần không phải là những thực thể trung cấp. Các Ngài ngang hàng với Cha trong bản chất và đó là điều kiện không thể thiếu được để đưa lại cho ta phúc cứu độ. Tình yêu cứu độ là tình yêu giữa những ngôi vị đồng hàng, chứ không phải giữa chủ và tôi tớ.
C. TRIẾT HỌC HY-LẠP:
Thế giới văn hóa Hy-lạp cũng sẽ phản đối niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi của Kitô giáo. Có người cho rằng: “Kitô giáo đã bị hy-lạp hóa" và tín điều chỉ là "hậu quả của trí não Hy-lạp đạt tới mức chín muồi trên thửa đất phúc âm" (Harnack). Thực ra Tin Mừng đã dùng ngôn ngữ Hy lạp để rao giảng và xác định niềm tin, nhưng nội dung của Tin Mừng khác xa với triết học Hy-lạp. Biến cố phục sinh liên hệ đến Ba Ngôi, được công bố trong lời rao giảng, được cử hành trong phụng vụ, được sống trong cuộc đời thường nhật của tín hữu, là nòng cốt kitô hữu hoàn toàn có tính cách khuynh đảo đối với quan niệm Hy-lạp về lịch sử và về thần tính.
Tư tưởng Hy lạp quan niệm thời gian vần xoay theo vòng tròn. Vũ trụ có thay đổi thì cũng giống như bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Theo nhịp vòng tròn đó mọi sự sẽ trở về như cũ. Còn niềm tin phục sinh nêu ra ý tưởng về một tiến trình lịch sử có khởi điểm, có hướng đi và có điểm tới. Con người không phải chỉ là một yếu tố của thiên nhiên, sống theo nhịp của thiên nhiên, chịu đựng định mạng. Hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử cho thấy con người mang một giá trị cao quý, trung tâm của những tương quan riêng biệt và độc đáo. Con người không chỉ là "cá thể" mà là "ngôi vị", chủ thể của lịch sử.
Tư tưởng Hy lạp quan niệm thần minh hoàn toàn là Đơn nhất (Un), trái nghịch với thế giớ này, là một thực tại hỗn tạp (multiple). Kitô giáo lại giới thiệu một Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện và hoạt động trong thế giới hỗn tạp này. Nói chung quan niệm của Hy lạp có tính cách tĩnh lặng và siêu hình, còn Kitô giáo lại có một quan niệm năng động và lịch sử.
Một số Kitô hữu vì thấm nhuần tư tưởng Hy lạp về thần minh Độc nhất, nên đã hiểu sai đạo lý của Tin Mừng về Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta hãy xem hai trường hợp điển hình là Ariô và Sabelliô.
1. Ariô (+336):
Ariô là một linh mục tại Alxandria. Vấn đề chính của ông là giải thích trong bối cảnh văn hóa Hy lạp những dữ kiện của Tin Mừng liên hệ đến Đức Giêsu. Chúng ta phải lưu ý: không phải thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi đã châm ngòi lửa ở đây cho các cuộc tranh cãi, nhưng là Kitô học, nghĩa là những tương quan giữa Cha và Con, giữa Đức Kitô và loài người. Tất nhiên thần học về Ba Ngôi sẽ chịu ảnh hưởng.
Đối tượng của vấn đề chính là Đức Giêsu, Đấng đã tỏ mình ra như một con người, đã chịu khổ nạn, chịu chết và đã được các chứng nhân tuyên bố là đã sống lại. Đức tin Kitô giáo khẳng định Người là Con Thiên Chúa, cùng tiền hữu với Thiên Chúa. Nhưng Người là Con theo nghĩa nào? Con đến mức độ nào? Có thể xem địa vị làm Con ấy là đời đời không? Đối với loài người chúng ta, Người thuộc về thiên giới, nhưng Người có thể là Con Thiên Chúa, và là Thiên Chúa theo nghĩa mạnh không?
Ariô, do nền học vấn Hy lạp của ông, có một ý thức rất sâu xa về tính độc nhất tuyệt đối của Thiên Chúa. Nhiều triết thuyết, đặc biệt là thuyết Khắc kỷ và thuyết Tân Platô, còn nêu ra một Logos (Lời) tạo hóa, một nguyên lý siêu việt phát xuất từ Thiên Chúa, nhưng ở một địa vị thấp kém hơn Thiên Chúa. Thiên Chúa duy nhất là Đấng tự mình mà có, không do ai sinh ra (inengendré). Còn Đấng được sinh ra không thể là Thiên Chúa theo nghĩa mạnh, không thể là đời đời. Đàng khác không thể có hai vị mà "không do ai sinh ra" (inengendré); nếu vậy thì sẽ có hai Thiên Chúa.
Ariô áp dụng những ý tưởng đó cho Đức Giêsu được tuyên xưng là Con Thiên Chúa, nghĩa là đã được sinh ra, và đã được Tin Mừng IV gọi là Lời. Ông cắt nghĩa: “được sinh ra" ở đây có một nghĩa tổng quát vì mọi sự đều phát sinh từ Thiên Chúa . "Lời" đã được Thiên Chúa dựng nên từ hư vô trước khi dựng nên vũ trụ, nhưng Lời vẫn là một tạo vật của Thiên Chúa, thấp kém hơn Thiên Chúa: Lời không có một mức độ hiện hữu như Thiên Chúa, không hiện hữu từ trước đời đời như Thiên Chúa. Đức Kitô- Lời là Con Thiên Chúa vì "đã được nhận" là như thế mà thôi (dưỡng tử thuyết).
Một điều quan trọng khác là Ariô, cũng như các nhà thần học trường phái Alexandria, dựa theo lược đồ Lời-Xác (Logos - sarx trong Ga 1,14: “Lời đã thành xác phàm") để giải thích con người Đức Giêsu. Theo quan niệm này, trong Đức Kitô Giêsu không có linh hồn nhân loại: Lời thế vào chỗ của linh hồn. Nếu vậy Lời cũng đã phải chịu những nhục nhã và những đau khổ trong cuộc sống của ông Giêsu. Lời cũng phải chịu những biến đổi! Điều này lại càng cho thấy Lời không thể là Thiên Chúa, vì theo quan niệm Hy lạp, đặc điểm của Thiên Chúa là bất động (immuable) và hông thể đau khổ (impassible). Cuối cùng Đức Kitô của Ariô chẳng còn là một trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, mà chỉ là một tạo vật trung cấp, chẳng phải là Thiên Chúa thật, mà cũng chẳng phải là người thật!
Còn Thần Khí (Pneuma) thì giáng xuất từ Lời, thua kém Lời: đó là sức mạnh mà Thiên Chúa dùng để hoạt động trong vũ trụ, nhưng cũng như Lời, Thần Khí không thể đồng bản tính với Thiên Chúa.
Như ta thấy đạo lý của Kinh Thánh về Cha, Con và Thánh Thần được hiểu như một chòm sao gồm hai "siêu tạo vật", chóp đỉnh của kim tự tháp vũ trụ, nhưng hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa Tạo Hóa (hạ phục thuyết). Đó là ảnh hưởng của một thứ độc thần tinh ròng. Chỉ có một thần minh là độc chủ, hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới hỗn tạp bên dưới. Lời và Thần Khí là những hữu thể trung cấp giữa hai thế giới. Lời có thể được gọi là "Thiên Chúa thứ hai" và Thần Khí "Thiên Chúa thứ ba", theo kiểu nói của Philo; nhưng không có thần tính đầy đủ như Chúa Cha, nên không thể ngang hàng với Người.
2. Sabelliô:
Con người Sabelliô ít được biết tới. Ông cũng không để lại bút tích nào. Người ta chỉ biết ông sống tại Rôma vào khoảng năm 217 và phổ biến một thứ giáo thuyết theo chiều hướng nhất chủ thuyết, nhưng tinh vi hơn: đó là hình thái thuyết (modalisme). Cũng như Noêtô và Praxêa, ông chấp nhận hoàn toàn nơi Thiên Chúa chỉ có một ngôi vị độc nhất. Đàng khác ông cũng nhìn nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa thật đã nhập thể và đã chịu khổ nạn. Từ đó ông đi đến chỗ nhìn Đức Kitô như một biểu hiện của Thiên Chúa duy nhất: Cha và Con cũng là một! Và như vậy cũng có thể nói Chúa Cha đã nhập thể dưới hình thái Chúa Con và đã chịu đau khổ. Thuyết này còn được gọi là "Khổ phụ thuyết", thuyết về Chúa Cha đau khổ.
Để bảo vệ lý thuyết này, Sabelliô dựa trên một vài yếu tố của triết học khắc kỷ, theo đó một thực thể có thể có nhiều tương quan, nhiều cách biểu lộ mình ra. Từ đó Sabelliô quan niệm Cha, Con và Thần Khí chỉ là ba cách xuất hiện, ba hình thái của một ngôi vị Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ: trước hết Thiên Chúa tự mạc khi như là Tạo hóa, dưới khuôn mặt (prosôpon) là Cha; sau đó, qua việc Nhập thể, cũng một ngôi vị Thiên Chúa ấy đã lấy khuôn mặt Người Con; cuối cùng Thiên Chúa xuất hiện dưới khuôn mặt Thần Khí để ban sự sống và ơn Thánh hóa.
Theo cách suy nghĩ của Sabelliô, vũ trụ và con người chỉ có quan hệ với một ngôi vị Thần linh mà thôi.
Đức Giáo Hoàng Điônisiô vào khoảng năm 260 đã kết án lý thuyết của Sabelliô. Người nói: “Sabelliô đã "phạm thượng khi tuyên bố Con là Cha và ngược lại" (x.Foi Catholique,số 206). Đây là can thiệp chính thức đầu tiên của huấn quyền về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Các công đồng Nixêa và Constantinôp sẽ xác định long trọng hơn và rõ ràng hơn đạo lý này.
Do thái giáo, ngộ đạo và nền văn hóa ngoại đạo là những mặt trận đối nghịch với niềm tin Kitô giáo vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Dưới những hình thức khác nhau, các mặt trận ấy đều muốn bảo vệ Đấng Siêu Việt độc nhất. Họ không thể chấp nhận thần minh bị phân chia và rồi lại du nhập vào trong lịch sử hỗn tạp và đầy biến động của loài người. Cho dẫu họ đề xướng một đạo "độc thần nhất chủ" theo chiều hướng Do thái giáo, hay một "Kitô giáo độc thần", như Ariô quan niệm (nghĩa là chỉ có một Thiên Chúa và Đức Kitô chỉ là một tạo vật được nhận làm con), hay đơn giản là một thứ độc thần mang nước sơn Kitô giáo như Sabelliô quan niệm, (Ba Ngôi chỉ là hình thái bên ngoài của một ngôi vị duy nhất), thì "logich" trong chiều sâu vẫn như nhau. Hình ảnh Thiên Chúa không bị chi phối bởi biến cố phục sinh và bởi lịch sử cụ thể của mạc khải, nhưng bởi một tiên kiến về Đấng Tuyệt Đối, phù hợp với não trạng của thời đại. Cuộc mạc khải về một Thiên Chúa vừa gần gũi (nội tại tính) lại vừa xa cách (siêu việt tính) trong biến cố chết và sống lại của Đức Giêsu trở thành gai chướng, mặc dầu hoàn toàn khả thi trong viễn ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Như vậy, Đấng tuyệt đối hoàn toàn xa cách với lịch sử. Thế giới hỗn tạp này vẫn bị giam hãm trong cảnh hư vô. Vậy là vẫn không có ơn cứu chuộc đích thực. Hình ảnh một trung gian được tạo dựng vẫn thuộc về thế giới các tạo vật, nên không thể bắc cầu giữa hai bờ của vực thẳm phân cách trần thế này với Thiên Chúa. Từ chối mầu nhiệm Ba Ngôi sẽ đưa tới giải pháp đau đớn là phủ nhận con đường cứu độ mà Thiên Chúa đã giới thiệu cho những kẻ ở xa, còn bị giam cầm trong tội lỗi và sự chết, "Không có niềm hy vọng và không có Thiên Chúa ở trần gian này" (Ep 2,12).
(Nguồn: Giáo trình ĐCV Sao Biển)
(Xem tiếp phần 3: Mầu nhiệm Ba Ngôi được xác định)