Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong lịch sử thần học (Phần 1)

 

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH TÍN ĐIỀU
THIÊN CHÚA BA NGÔI.

 

 

 

I. Mầu nhiệm Ba Ngôi được tuyên xưng:

Vào thời đầu, đức tin của các Tông Đồ đặt trọng tâm vào biến cố phục sinh: Đức Giêsu đã chịu đóng đinh, nhưng đã sống lại. Tên Giêsu Kitô trở thành nòng cốt của những lời vinh tụng ca (Pl 2,6-11; 1Cr 15,3-5; Ga 1,1-18), đồng thời là chủ đề của lời chứng công khai, ví dụ: “Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này tất cả chúng tôi xin làm chứng" (Cv 2,32).

Nhưng tuyên xưng Đức Giêsu đã sống lại, đã được đặt làm "Chúa và Kitô",  tức cũng là kể lại hoạt động của Ba Ngôi. Biến cố phục sinh chẳng những là câu chuyện về người Con đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, nhưng cũng là câu chuyện về người Cha "đã siêu tôn Người" (Pl 2,8-9; Cv 2,36), đồng thời là câu chuyện về Thần Khí, đã được Con trao phó cho Cha (Ga 19,30) rồi được Cha đổ xuống chan chứa trên người Con Phục sinh và trên các tín hữu (Cv 2,33). Một lời tuyên xưng như thế dẫn đưa người tín hữu vào đời sống thần linh, tức là vào phúc cứu độ: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ" (Rm 10,9). Đó là "lời đức tin" mà Phaolô và ác Tông Đồ rao giảng (Rm 10,8).

"Chuyện kể" về Thiên Chúa Ba Ngôi được trình bày chủ yếu trong huấn giáo và trong phụng vụ

A. TRONG PHỤNG VỤ THÁNH TẨY

Mặc dầu vào thời các Tông Đồ và thời kế tiếp, người ta không thể khẳng định một cách chắc chắn về công thức rửa tội nhân danh Ba Ngôi (có thể vài cộng đoàn lúc đầu đã rửa tội "nhân danh Đức Giêsu Kitô"), nhưng chắc chắn là trong huấn giáo chuẩn bị bí tích Thánh Tẩy, người tân tòng đã được học để sống hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi. Lập trường này chẳng những dựa trên công thức rửa tội nhân danh Ba Ngôi trong Mt 28,19, được ghi nhận lại vào cuối thế kỷ I trong sách Didachè (7,1), mà còn dựa trên chứng tá rất lâu đời của Mc 1,10.11 về phép rửa mà Đức Giêsu chịu tại sông Giođan. Tiếng từ trời: “Con là Con yêu dấu của Cha" phán ra khi Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Đức Giêsu. Tương quan giữa phép Thánh Tẩy với Thần Khí cũng đã được nhắc tới trong Kinh Thánh (1Cr 12,13; Ga 3,5; 1Ga 5,8).

Thánh Hippolitô (215) đã để lại cho chúng ta một nghi thức Thánh Tẩy trong đó lời tuyên xưng đức tin được trình bày dưới hình ba câu hỏi-thưa:          

- "Con có tin vào Thiên Chúa là Cha toàn năng không?

- Con có tin vào Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Sinh bởi Thánh Thần do Đức Trinh Nữ Maria, chịu đóng đinh thời quan Phongxiô Philatô, chịu chết và táng xác, ngày thứ ba đã sống lại từ cõi chết, đã lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha, và sẽ trở lại phán xét kẻ sống và kẻ chết không?

- Con có tin vào Đức Chúa Thánh Thần, vào Hội thánh và thân xác sẽ được sống lại hay không? (x. dịch từ Dezinger - Schonmetzer, Enchiridion ... số 10. x. thêm: L.Scheffczyk, Histoire du dogue de la Trinité, trong Mysterium Salutis, số 5, p 218).

Như vậy mầu nhiệm được tuyên xưng trở thành mầu nhiệm được cử hành để rồi được thể hiện trong đời sống. Những người được chịu phép Thánh Tẩy sẽ diễn ra bằng đời sống điều họ đã tuyên xưng bằng miệng lưỡi trong nghi lễ. Họ đã lãnh nhận đời sống mới, đã được tái sinh bởi Thánh Khí do Đức Giêsu Kitô ban, họ trở thành con cái của Chúa Cha, và làm thành một giáo hội, duy nhất và thánh thiện. Thánh Cypriano đã nói: “Họ là một dân tộc, được hiệp nhất với nhau nhờ sự hiệp nhất giữa Cha, Con và Thánh Khí" (x. De Oratione Dominica: PL 4,553).

B. TRONG PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

Đối với thánh Phaolô, dân Israel trong thời kỳ xuất hành đã “chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển” “cùng ăn một thức ăn linh thiêng” (1Cr10,1-5). Trong tâm trí của thánh Tông đồ hai bí tích này liên kết với nhau và được tiên báo nơi dân tộc cũ của Thiên Chúa.

Bí tích Thánh Thể là bí tích đức tin vì nó hàm chứa và hiện tại hoá màu nhiệm cứu độ. Trong bài trình thuật việc thiết lập bí tích Thánh Thể (1Cr11,23-27), thánh Phaolô khẳng định tính cách tông truyền của nghi lễ: “điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em…”.

Thánh Giutinô đã nhắc tới phụngvụ Thánh Thể (Apologia I,67), nhưng chính thánh Hippolitô đã để lại cho chúng ta một mẫu kinh nguyện Thánh Thể lâu đời nhất:

“Lạy Thiên Chúa, chúng con cảm tạ Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô người Tôi Tớ (pais) yêu dấu của Chúa mà trong những ngày cuối cùng này Chúa đã sai đến làm Đấng cứu độ, chuộc tội và sứ giả thực hiện ý định của Chúa…

Chúng con xin Chúa sai Thánh Khí ngự xuống trên lễ vật của Hội Thánh, hiệp nhất tất cả những ai đang tham dự, đổ xuống cho họ tràn đầy Thánh Khí, để củng cố niềm tin của họ vào chân lý. Chúng con xin chúc tụng và tạ ơn Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô Tôi tớ (pais) của Chúa. Nhờ Người vinh quang và danh dự được dâng lên Chúa, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, trong Hội Thánh, bây giờ và cho đến muôn đời. Amen” (Traditio apostolica).

Như ta thấy lời kinh nguyện Thánh Thể đã xây dựng theo cơ cấu Ba Ngôi. Lời kinh được dâng lên Chúa Cha là nguồn mạch mọi ân huệ. Người đã sai phái Chúa Con, trung gian của ơn cứu độ đồng thời là trung gian của lời tạ ơn. Chúa Thánh Thần mà những người tham dự đón nhận, thực hiện sự hiệp nhất của tòan Hội thánh. Kinh nguyện Thánh Thể kết thúc bằng một lời vinh tụng ca dâng lên Ba Ngôi.

Các Kinh Nguyện Thánh Thể tại Phương Đông, cũng như Phương Tây, nếu có khác nhau trong vài chi tiết, thì cũng đều giống nhau trong cơ cấu cơ bản ấy. Tại Phương Đông các Kinh Nguyện Thánh Thể nhấn mạnh rõ ràng hơn tới hoạt động của Ba Ngôi trong lịch sử cứu độ; còn tại Phương Tây lại nhấn mạnh tới sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi.

C. TỪ PHỤNG VỤ TỚI VIỆC TUYÊN XƯNG BẰNG MÁU.

Lời tuyên xưng Ba Ngôi được thể hiện không những trong cộng đoàn phụng vụ, mà còn trước mặt thế giới, trong cuộc sống hằng ngày và nhất là trong cuộc tử đạo. Đời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu. Đó cũng chính là cuộc đời của Đức Kitô. Tertiliano viết: “miệng lưỡi đã thưa amen trong lời kinh Thánh, Thánh, Thánh của phụng vụ, thì vào giờ tử vì đạo, không được phép tuyên xưng và tôn thờ một ai khác ngoài Thiên Chúa và Đấng Kitô của Người”.

Bởi lẽ đó tử vì đạo được xem là một phép thánh tẩy chân thực hơn, vẻ vang hơn và cao trọng hơn là phép thánh tẩy bằng nước.

Nói chung những lời nói và những lời kinh của các thánh tử đạo phản ánh những lời kinh trong phụng vụ. Các lá thư của thánh Ignatio và các truyện ký về các thánh tử đạo làm chứng điều đó. Đối với các ngài, mọi ơn lành phát xuất từ Chúa Cha nhờ Đức Kitô mà họ đang noi gương trong cuộc khổ nạn của Người: chính Người là con đường dẫn tới Cha. Linh hồn của lời tuyên xưng đức tin là Chúa Thánh Thần: trong Chúa Thánh Thần họ dâng đời mình làm của lễ.

Như vậy màu nhiệm Ba Ngôi được tuyên xưng trở thành màu nhiệm được cử hành để rồi được thể hiện trong đời sống. Những người được chịu phép Thánh Tẩy sẽ diễn ra bằng đời sống điều họ đã tuyên xưng bằng miệng lưỡi trong nghi lễ. Họ đã lãnh nhận đời sống mới, đã được tái sinh bởi Thánh Khí do Đức Giêsu ban, họ trở thành con cái của Chúa Cha, và làm thành một Giáo Hội, duy nhất và thánh thiện. Thánh Cyprianô đã nói: “họ là một dân tộc, được hiệp nhất với nhau nhờ sự hiệp nhất giữa Cha, Con và Thánh Khí” (x. De Orratione Dominica PL 4,553).

 

(Nguồn: Giáo trình ĐCV Sao Biển)

(Xem tiếp phần 2: Mầu nhiệm Ba Ngôi bị chống đối)



Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com