Một số tóm lược về Chúa Thánh Thần

 

7 ƠN CHÚA THÁNH THẦN

ctt05

1. Ơn Khôn Ngoan - Giúp ta phân biết điều phải, điều trái.

2. Ơn Hiểu Biết - Giúp ta hiểu biết sâu xa hơn những điều Chúa và Giáo Hội dậy.

3. Ơn Biết Lo Liệu - Giúp ta phải giải quyết mọi khó khăn trong đời sống.

4. Ơn Sức Mạnh - Giúp ta chu toàn việc bổn phận và vượt qua mọi khó khăn.

5. Ơn Thông Minh - Giúp ta nhận ra thánh ý Chúa.

6. Ơn Ðạo Ðức - Giúp ta tin yêu Chúa và giúp đỡ anh em.

7. Ơn Kính Sợ Thiên Chúa - Giúp ta tôn kính sự công bằng và quyền phép Chúa và sợ làm phiền lòng Ngài.

12 HOA QUẢ CHÚA THÁNH THẦN

Kết quả hình ảnh cho 12 hoa trái chúa thánh thần

1. Bác Ái: Giúp ta làm mọi việc vì mến Chúa.

2. Vui Vẻ: Giúp ta nhận biết lòng nhân từ của Chúa.

3. Bình An: Kết quả của niềm vui, làm cho ta được thư thái.

4. Kiên Nhẫn: Giúp ta chịu đựng những nghịch cảnh ở đời và những đau khổ do sự chết gây nên.

5. Nhân Từ: Thôi thúc ta làm sự lành cho mọi người.

6. Hòa Nhã: Phát sinh do lòng nhân từ trong lời nói và trong việc làm.

7. Nhẫn Nại: Làm ta kiên nhẫn chịu đựng lâu dài dù không có những khích lệ bên ngoài.

8. Hiền Lành: Kìm hãm nóng giận.

9. Tin Tưởng: Giúp ta trung thành, thẳng thắn trong những giao tế với mọi người.

10. Nhã Nhặn: Làm phát sinh điều độ, chừng mực trong hành động bên ngoài.

11. Tiết Ðộ: Chế ngự những dục vọng.

12. Trong Sạch: Giúp canh phòng ngũ quan để chúng không trở nên dịp tội cho ta; giúp ta coi thân xác mình và thân xác người khác như đền thờ Chúa Thánh Thần.

 

10 DẤU CHỈ CHÚA THÁNH THẦN

Kết quả hình ảnh cho dấu chỉ chúa thánh thần

1.   Chim bồ câu: (tiếng Hipri là Yonah), đây cũng là tên của vị ngôn sứ kêu gọi sám hối và loan báo ơn tha thứ. Hình ảnh chim bồ câu biểu tượng Thánh Thần xuống trên Đức Giêsu khi chịu phép Rửa sám hối ở sông Joocđan, nói lên sứ mạng của Đức Giêsu.

2.   Dầu: nói lên sức mạnh đặc biệt Thiên Chúa ban, cách riêng cho những kẻ Người chọn. Việc xức dầu rất có ý nghĩa đối với Chúa Thánh Thần, người “được xức dầu” đồng nghĩa với được “Thánh Thần ngự đến” (Is 61:1tt; Lc 4:16tt)

3.   Nước: có ý nghĩa về hoạt động của Chúa Thánh Thần để thanh tẩy. Chúa Thánh Thần là nước nguồn vọt ra từ Chúa Kitô bị đóng đinh trên thập giá rửa ta sạch mọi tội lỗi và sinh ra lại làm con Chúa; trong bí tích Thánh Tẩy, nước (= Chúa Thánh Thần) thanh tẩy tội lỗi và sinh ta lại làm con Thiên Chúa (Ga 3:5)

4.   Lửa: nếu như nước nói đến việc sinh ra và sự sống được ban trong Thánh Thần, thì lửa chính là năng lực biến đổi do tác động của Thánh Thần. Ngôn sứ Êlia xuất hiện như lửa hồng và lời ông như ngọn đuốc; bằng lời cầu nguyện, ông kéo lửa từ trời xuống thiêu cháy hy tế trên núi Cát-minh(1V 18, 38-39). Đức Giêsu Ngài cũng dùng hình ảnh lửa khi nói về Chúa Thánh Thần: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa ấy bùng cháy lên” (Lc 12,49). Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông đồ nhận được ơn của Thánh linh dưới hình những lưỡi lửa (CV 2,3). Trong thư thứ nhất, gởi cho Giáo đòan Thessalônica, Thánh Phaolô đã nhắn nhủ: “Anh em đừng dập tắt Thánh Thần”(1 Th 5,19).

5.   Ánh sáng: (cùng với biểu tượng mây sáng), hai biểu tượng này nói lên sự tỏ hiện của Chúa Thánh Thần mặc khải về sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa hằng sống và cứu độ (Ds 11:24–25; Lc 9:28–36)

6.   Bàn tay: Thánh Thần được thông ban nhờ việc đặt tay của Đức Giêsu (Mc 6:5; 8:23; 10:16; 16:18) và của các Tông đồ (Cv 5:12; 8:17-19; 13:3; 14:5; 19:6). Giáo Hội cũng đặt tay khẩn cầu Thánh Thần trong các bí tích.

7.  Mây sáng:  trong suốt quãng đường đi trong sa mạc, cũng như lúc trên núi Sinai, trong Lều hội ngộ, hai biểu tượng này luôn đi đôi với nhau trong các cuộc Thần hiện: “Mây phủ cả núi, vinh quang Yavê đậu xuống núi Sinai và mây phủ núi sáu ngày, ngày thứ bảy, từ giữa đám mây, Người gọi Môsê” (Xh 24, 15-16). Hay lúc vua Salômon cung thánh Đền Thờ: ” Khi các tư tế ra khỏi Thánh điện, thì mây xuống đầy nhà Yavê. Vì có mây nên các tư tế đã không thể đứng lại phụng sự; vì vinh quang Yavê xuống đầy nhà Yavê”( 1V 8, 10-11). Đến thời Chúa Giêsu, hình ảnh này lại được nhắc đến một cách rõ ràng hơn, như trong việc thụ thai của Đức Maria. Chính Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Trinh Nữ Maria và “rợp bóng” trên Người, để thụ thai và hạ sinh Đức Giêsu (Lc 1,35). Trên núi Tabor, Chúa Thánh Thần cũng đến trong “đám mây bao phủ” Đức Giêsu, Môsê, Êlia, Phêrô, Giacôbê và Gioan, và “từ trong đám mây có tiếng phán rằng:” Đây là con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9, 34-35).

8.    Gió ngàn: Thần Khí (tiếng Hy bá ruah), là hơi thở và trước tiên là hơi gió. Gió có một mầu nhiệm: khi thì pha đổ nhà cửa, cây cối, tàu bè ngoài khơi một cách dữ dội không thể chống cự (Ez 13,13; 27,26), khi thì len lỏi thì thầm (1V 19,12); khi thì biến đất cằn cỗi thành khô ráo bằng luồng khí nóng bức (Xh 14, 21; x. Is 30,27-33), khi thì đổ xuống trên mặt đất nước làm nảy sinh sự sống (1V 18,45). Gió là sinh khí, sức sống mà Thiên Chúa ban để con người tham dự vào sự sống của Người (Ds 16:22; Cv 2:2; Ga 3:8).

9.    Không khí: Không khí cần cho sự sống. Từ buổi ban đầu, khi vũ trụ còn trong hỗn mang, Thần Khí Chúa bay lượn trên mặt nước (St 1,2)

10. Hơi thở: Cũng như gió thổi trên đất này dày đặc và bất động, hơi thở mong manh và yếu ớt, là sức mạnh nâng đỡ và sinh động thân xác cùng khối thịt nặng nề của nó. Con người không thể làm chủ hơi thở này, cho dù không thể không cần đến và nó sẽ chết khi hơi thở tắt lịm. Cũng như gió nhưng theo một cách thức trực tiếp hơn, hơi thở, đặc biệt là của con người, đến từ Thiên Chúa. (St 2,7; 6,3; G 33,4) và trở về với Ngài khi chết (G 34,14t; Gv 12,7; Kh 15,11).

 

DANH XƯNG CHÚA THÁNH THẦN

GLGHCG#692: Khi Đức Giê-su loan báo và hứa Chúa Thánh Thần sẽ đến, Người gọi Thánh Thần là Đấng “Bảo trợ”, theo nguyên ngữ là “Đấng được gọi đến kề bên” (Ga 14, 16-26; 15,26; 16,7). “Đấng Bào chữa” thường được dịch là “Đấng An ủi”, vì Đức Giê-su là Đấng An ủi trước nhất (x 1Ga 2,1). Chính Chúa Giê-su còn gọi Thánh Thần là “Thần Chân lý” (Ga 16,13). Và GLGHCG#693: Ngoài danh xưng “Chúa Thánh Thần”, được dùng nhiều nhất trong sáng Công vụ Tông đồ và các Thánh thư, ta còn thấy những cách gọi khác nơi Thánh Phao-lô: Thần Khí của Lời hứa (x Gl 3,14; Ep 1,13), Thần Khí làm cho chúng ta nên nghĩa tử (x Rm 8,15; Gl 4,6), Thần Khí của Đức Ki-tô (x Rm 8,11), Thần Khí của Đức Chúa (x 2Cr 3,17), Thần Khí của Thiên Chúa (x Rm 8,9-14; 15,19; 1Cr 6,11; 7,40); và nơi Thánh Phê-rô: Thần Khí Vinh hiển (1Pr 4,14)

 

 

1.   Thánh Thần: “Thánh Thần” là danh xưng của Đấng chúng ta phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Thánh Thần là tên gọi của Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha và Chúa Con. Chính Chúa Kitô mạc khải và ban Thánh Thần cho Giáo Hội (Ga 14:17.26; 15:26; 16:13 …) và Giáo Hội tuyên xưng Danh ấy trong bí tích Thánh Tẩy, khi làm dấu Thánh giá. Đức Giêsu dùng hình ảnh khả giác “gió” để gợi ý cho Ni-cô-đê-mô sự mới mẻ siêu việt của Đấng là Hơi Thở của Thiên Chúa, là Chúa Thánh Thần (Ga 3,5-8). Hội Thánh đã nhận danh xưng này từ Chúa Giêsu và tuyên xưng danh này trong bí tích rửa tội (Sách GLCG số 691).

Thuật ngữ “ Thần” dịch từ Rual của tiếng Hip-ri, là hơi thở, không khí, gió. Rồi Holy Spirit,Saint Esprit cũng được dịch là Thánh Thần tại vì Ngài làm cho chúng ta nên thánh. Mà thánh là gì ? Tĩnh từ thánh là holy (tiếng Anh) và saint (tiếng Pháp). Từ gốc Hipri là Qadosh, có nghĩa là siêu việt. Thiên Chúa là đấng siêu việt duy nhất khiến chúng ta phải kính sợ, khiến chúng ta phải tôn thờ một mình Ngài mà thôi.

2.   Đấng Phù trợ - Parakletos: Thần Khí được Chúa Giê-su gọi là Parakleton hoặc Parakletos (theo bản gốc Hy Lạp), được dịch ra Advocatus (Latinh), Advocate hay Paraclete (Anh văn), và Avocat hay Paraclet (Pháp văn)

Nên dịchParakletos sang Việt ngữ như thế nào ? Nên dịch Parakletos ra Đấng Phù trợ (hoặc Phò trợ) vì PARA có nghĩa Ở Bên Cạnh;KLETOSĐược Kêu Đến (Được cầu xin đến). Mà Phù (hay Phò) theo Hán Việt là đi theo bên cạnh để giúp đỡ, lột được nghĩa của tiếp đầu ngữ PARA, như trong chuyện Quan Công phò Nhị Tẩu, nghĩa là Quan Công đi theo bên cạnh hai chị dâu để bảo vệ

Và đó cũng là ý cuốn GLGHCG#692 : Khi Đức Giê-su loan báo và hứa Thánh Thần sẽ đến, Người gọi Thánh Thần là Đấng Parakleton, theo nguyên ngữ là: “Đấng được gọi đến kề bên”, Ad-vocatus (Ga 14,126; 15,26; 16,7) … (Theo ban Latinh của GLGHCG)

Theo thuật ngữ dùng ở tòa án, Thánh ThầnĐấng được cầu xin tới ở gần bên để giúp mình về pháp luật, để nói dùm, để biện hộ cho mình.

Khi còn ở trần gian Chúa Giê-su là Đấng Phù trợ: Ngài đã ở bên cạnh các môn đệ. Khi sắp về trời và sẽ không còn ở trần gian bằng thể xác để chúng ta thấy nữa, Ngài bào trước Ngài sẽ chết, sống lại, và lên trời để rồi sai phái Thánh Thần từ Chúa Cha xuống giúp các môn đệ; Ngài khẳng định như được nghi ở Phúc âm theo thánh Gio-an (Ga 14,16): “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Phù trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.

Và hiện giờ Chúa Giê-su trên thiên đàng đóng vai Đấng Phù trợ của các môn đệ mình, của Giáo hội trước mặt Thiên Chúa Cha, như thư 1 của Thánh Gio-an (1Ga 2,1) đã quả quyết: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Phù trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đứ Giê-su Ki-tô, Đấng Công chính.

Vậy, về vai trò Đấng Phù trợ, chúng ta thấy: khi còn ở trần gian, Chúa Giê-su Ki-tôĐấng Bảo trợ Hữu hình bên cạnh các môn đệ; và hiện giờ, Ngài là Đấng Phù trợ Vô hình cho Giáo hội trước mặt Chúa Cha, đang khi ở trần gian này, khởi đầu với biến cố Hiện xuống, Thánh Thần đóng vai Đấng Phù trợ Vô hình nhưng lại rất hữu hiệu cho Giáo hội và cho mỗi người chúng ta.

Parakletos là biệt danh Chúa Giê-su đã dùng để chỉ rõ về Chúa Thánh Thần mà Thánh Gio-an đã ghi nhận lại trong Phúc âm. Nhiều bản dịch đã dịch Parakletos (Đấng Phù trợ) ra một chữ khác như Đấng An ủi, Đấng Bảo vệ, Trạng Sư, … Nhưng nghĩa chính xác của Parakletos là Đấng đã được cầu xin tới luôn ở bên cạnh để giúp chúng ta theo nhu cầu. Vì thế nếu chúng ta có nhu cầu được an ủi thì Đấng Phù trợ (Parakletos) sẽ là Đấng An ủi; Ngài sẽ là Đấng Phù trợ, Đấng Bảo vệ, Đấng Bênh vực, … nếu nhu cầu của chúng ta là cần được phù trợ, bảo vệ, bênh vực, … Nghĩa là Đấng Phù trợ là sự tiếp tục hiện diện của Chúa Giê-su trên trần gian bên cạnh chúng ta, sau khi Ngài trở về với Chúa Cha để chúng ta được luôn an tâm: qua nhiệm vụ của Chúa Thánh Thần, Chúa Giê-su mới giữ được lời hứa luôn ở với chúng ta. Emmanuel của chúng ta …(Mt 28,20)

Theo Thánh Gio-an, Đấng Phù trợ cũng là thầy dạy cho chúng ta, là chứng nhân cho Chúa Giê-su, và là vị đứng ra công tố thế gian như được trình bày ở GLGHCG#729: “Chỉ khi đến giờ sắp được tôn vinh, Đức Giê-su mới hứa ban Thánh Thần, vì lời Thiên Chúa hứa với tổ phụ sẽ được thực hiện nhờ cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Người (x Ga 14,16-17,26; 15,26; 16,7-15; 17,26). Đáp lời cầu xin của Đức Giê-su, Chúa Cha sẽ ban cho các môn đệ Thánh Thần Chân lý, Đấng Phù trợ khác; Thánh Thần sẽ được Chúa Cha gửi đến nhân danh Đức Giê-su; Đức Giê-su sẽ từ Chúa Cha phái Chúa Thánh Thần đến vì Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha. Thánh Thần sẽ đến, chúng ta sẽ nhận biết Người, Người sẽ ở cùng chúng ta mãi mãi. Người sẽ lưu lại với chúng ta, dạy dỗ chúng ta mọi sự và nhắc cho chúng ta tất cả những gì Đức Ki-tô đã nói với chúng ta, và Người sẽ làm chứng về Đức Ki-tô. Người sẽ dẫn chúng ta đến chân lý trọn vẹn và sẽ tôn vinh Đức Ki-tô. Người sẽ chứng minh cho thế gian thấy sai lầm của họ về tội lỗi, về công chính và về xét xử.

3.   Thần Chân lý: Chúa Giê-su Ki-tô là Chân lý như Ngài đã tuyên bố: “Chính Thầy là con Đường, là sự Thật và là sự Sống, không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14,6)

Vì là của Chúa Ki-tô Chân Lý, Thần Khí phải được mênh danh là Thần Chân Lý và chỉ nói lại những gì đã nghe từ Chúa Ki-tô, với nhiệm vụ duy nhất là dẫn chúng ta đến Chúa Ki-tô Chân Lý, như chính Chúa Ki-tô đã nói rõ ở Ga 16,13: “Khi nào Thần Chân Lý đến, Người sẽ dẫn anh em tới chân lý toàn vẹn (= Chúa Ki-tô), Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng nghe gì, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ đến.

Vì là của Chúa Ki-tô Emmanuel (luôn ở với chúng ta), nên Thần Chân Lý cũng luôn, cùng với Chúa Ki-tô ở với chúng ta: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Chân Lý …Người luôn ở giữ anh em và ở trong anh em.” (Ga 14,16-17)

Vì Chúa Ki-tô được sinh ra và được sai phái bởi Chúa Cha, Thần Chân Lý cũng xuất phát từ Chúa Cha và sẽ làm chứng về Chúa Ki-tô để hỗ trợ Đấng Thiên sai trong nhiệm vụ làm chứng về Chúa Cha: “Khi Đấng Phù trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh  em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Chân Lý xuất phát từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.” (Ga 15,26)

4.   Thần Khí Nghĩa tử - Spirit of Adoption, Thần Khí làm cho chúng ta nên Nghĩa tử: nhờ Ngài, chúng ta đã được trở nên những nghĩa tử của Thiên Chúa Cha. Cùng Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa Thánh Thần lôi kéo chúng ta tới Chúa Giê-su Ki-tô để chúng ta được nên giống Chúa Giê-su Ki-tô. Chúa Giê-su Ki-tô là Con của Thiên Chúa Cha; vậy, trong Chúa Giê-su Ki-tô, qua tác động thánh hóa của Thần Khí Nghĩa tử, chúng ta là con của Thiên Chúa Cha. Vậy đó ! Vì Chúa Giê-su Ki-tô là Con Duy Nhất được Thiên Chúa Cha sinh ra (như trong từ ngữ được Thánh Gio-an dùng) còn chúng ta được nhận trong Chúa Giê-su Ki-tô cho nên chúng ta, trong Ngài, là nghĩa tử của Thiên Chúa Cha.

Thư Thánh Phao-lô gửi cho tín hữu Rô-ma (Rm 8, 14-17): “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Áp-ba! Cha ơi! " Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.

Nhờ Ngài mà chúng ta được trở nên những nghĩa tử của Thiên Chúa Cha. Chúng ta được gọithật sự là con cái của Thiên Chúa Cha, như Thánh Gio-an đã được linh hứng để khẳng định (1Ga 3,1): “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu thương chúng ta dường nào, đến nỗi chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.

Cũng nhờ hồng ân đầy vinh dự này mà Thánh Gio-an đã áp dụng thành ngữ “Được Thiên Chúa sinh ra cho đàn con nghĩa tử”, là ki-tô hữu chúng ta, như ở thư thánh Gio-an (1 Ga 4,7; 5,1): “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa.// Phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra. Và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra.

Làm sao được vậy ? Chúa Thánh Thần đưa ta đến với Chúa Giê-su Ki-tô; Chúa Giê-su Ki-tô truyền sự sống của Ngài để biến chúng ta thành những người con của Thiên Chúa Cha. Vì chúng ta vốn từ ngoài gia đình của Thiên Chúa Cha mà được Ngài ưu ái nhận vào, nhờ tác động “nghĩa tử hóa” của Thánh Thần của Chúa Giê-su Ki-tô, cho chúng ta là nghĩa tử mà thôi. Kỳ thật, chúng ta có cả sự sống của Chúa Giê-su Ki-tô trong mình: có máu mủ thần linh, có sự hiện diện đầy tác động của Chúa Thánh Thần!

Ở đây, cũng nên nhắc lại kiểu nói tiêu biểu của Thánh Gio-an Tông đồ áp dụng 5 lần vào Chúa Giê-su Ki-tô mà thôi: (Ga 1,14) “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.

Qua câu này, cũng như ở các nơi khác trong các bản văn của Thánh Gio-an (Ga 1,18; 3,16; 18,1; 1Ga 4,9), thánh sử dùng thuật ngữ Mono genés, có nghĩa, theo tiếng Hy lạp phổ thông của Tân Ước: Con được sinh ra duy nhất, đang khi ở nhiều nơi khác như trong thư 1 của mình (1Ga 2,29; 3,9; 4,7; 5,1,4,18) thánh nhân cũng nói về ki-tô hữu được sinh ra: mỗi người ki-tô hữu là Con trong đàn nghĩa tử của Chúa Cha, là em của cả một Đàm em nuôi của Chúa Ki-tô, qua tác động tình yêu của Chúa Thánh Thần. Sự vừa giống vừa khác này trong cách gọi Thiên Chúa Cha là Cha bởi Chúa Giê-su và bởi chúng ta đã được Chúa Giê-su Phục sinh minh định khi lệnh cho Ma-ri-a Ma-đa-len-na cấp báo cho các môn đệ (Ga 20,17): “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.

5.   Thần Khí của Đức Ki-tô – Spirit of Christ. Thư gửi tín hữu Ro-ma (Rm 8,9) Thánh Phao-lô quả quyết: “Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô thì không thuộc về Đức Ki-tô.”

Vì sao ? Vì nhờ công đức của Chúa Ki-tô chúng ta mới nhận được Thánh Thần, như Thánh Gio-an đã trang trọng ghi lại (Ga 19, 34-35): “Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin.

Về điểm này, Vaticano II, trong hai Hiến chế tín lý về Giáo hội (LG) và về Phụng vụ (SC), đã tóm gọn thành quả chú giải và suy gẫm của các thánh Giáo phụ như chúng ta đọc thấy ở cuốn GLGHCG#694,766: “… Chính Thánh Thần là nước trường sinh chảy ra từ cạnh sườn Đức Ki-tô chịu đóng đinh Thập giá (x Ga 19,34; 1Ga 5,8), và chảy thành sự sống đời đời trong lòng chúng ta (x Ga4,10,14; 7,38; Xh 17,1-6; Is 55,1; Dcr 14,8; 1Cr 10,4; Kh 21,6; 22,17).// …”Sự khai nguyên và phát triển của Hội Thánh được biểu thị bằng máu và nước trào ra từ cạnh sườn bị đâm thấu của Đức Giê-su bị đóng đinh” (x. LG 3). “Chính từ cạnh sườn của Đức Ki-tô chịu chết trên Thập giá đã phát sinh bí tích kỳ diệu cho toàn thể Hội Thánh” (SC 5). Cũng như E-va được tạo ra từ cạnh sườn của A-đam khi ông ngủ, thì Hội Thánh cũng đã sinh từ trái tim bị đâm thủng của Đức Giê-su trên Thậ Giá.

Sự mật thiết và khắng khít bất khả phân ly giữa Chúa Ki-tô và Thần Khí không những được Kinh Thánh khẳng định qua danh hiệu Thần Khí của Đức Ki-tô, mà còn được Thánh Phao-lô, nhờ ánh sáng của linh hứng đã ghi thêm trong thư 2 gửi cộng đoàn Cô-rin-tô 92Cor 3,17): “ Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa thì ở đó có tự do”. Đức Bê-nê-đít-tô đã trưng câu này trong tông huấn Lời Chúa để bênh vực và khuyến khích lối chú giải Kinh Thánh của Giáo hội luôn giúp đi theo Thần Chân Lý của Chúa Ki-tô và tránh được gò bó của những từ hoặc khép kín của Cựu Ước: nhờ Thần Khí tự do của Chúa Ki-tô, khi đọc hoặc gẫm Kinh Thánh, chúng ta có thể thanh thản vươn lên khỏi trang giấy để gặp được Chúa Ki-tô, ý nghĩa đích điểm của mỗi từ, mỗi chữ và của toàn thể Cựu Ước.

 

Tổng hợp:

·     Conggiaovietnam.net

·     Giaophanvinhlong.net

·     Tonggiaophanhue.net

·     Lsvn.info

·     Điển ngữ Thần học

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com