DẪN NHẬP
Một câu nói rất thời danh của Thánh Giáo Phụ Grégoire de Nazianze trong tác phẩm "Orationnes" (Discours théologiques) có thể giúp cho ta tìm hiểu về từng Ngôi Vị Thiên Chúa trong Kinh Thánh:
"Có lẽ không được khôn ngoan sáng suốt, khi mà Thiên Chúa Cha chưa được tin nhận như là Thiên Chúa Duy Nhất, mà đã loan báo minh nhiên về Chúa Con rồi. Và khi thần tính của Chúa Con chưa được đón nhận mà đã nói về Chúa Thánh Thần" (Orat. 31, 26s : PG 36, 161c-164c).
Câu nói này ứng dụng cho lịch sử tín điều rất phù hợp. Nhưng cũng có thể ứng dụng một phần nào trong việc tìm hiểu Kinh Thánh. Theo nhiều Thánh Giáo phụ, thì chỉ có Chúa Cha mới được mạc khải minh nhiên trong Cựu Ước, Chúa Con được mạc khải minh nhiên trong Tân Ước, còn Chúa Thánh Thần cũng được mạc khải, nhưng chỉ tiềm tàng kín đáo, nhất là trước khi Chúa Kitô Phục Sinh. Sau khi Chúa Kitô đã được tôn vinh, Chúa Thánh Thần mới được ban cách đầy đủ và hoạt động mạnh mẽ.
Đàng khác, là người kitô-hữu, chúng ta cũng có quyền tìm hiểu về các Ngôi Vị Thiên Chúa, về Chúa Thánh Thần, dưới ánh sáng đức tin Ba Ngôi là đức tin phép rửa của chúng ta.
Chúng ta dung hoà cả hai phương pháp, để việc tìm hiểu không trở thành gượng ép, nhưng cũng không quá nghèo nàn, thiếu nền tảng Kinh Thánh cho việc xây dựng khoa Thánh-Linh-học.
I. CHÚA THÁNH THẦN TRONG CỰU ƯỚC.
A. TÁC ĐỘNG CỦA THÁNH THẦN TRONG CÔNG TRÌNH SÁNG TẠO.
Theo mạc khải Cựu Ước, Thánh Thần là một trong những Tác Giả của vũ trụ vật chất.
1. Thánh Thần tích cực lôi kéo vũ trụ ra khỏi tình trạng hỗn mang lúc ban đầu. "Đất trời trông không mông quạnh, và tối tăm trên mặt uông mang, và Thần Khí là là trên mặt nước" (St 1, 2).
2. Thánh Thần trong mầu nhiệm tạo dựng con người. Thánh Thần là Đấng ban sự sống thể lý cho con người : "Chính hơi thở của Thiên Chúa đã làm ra tôi, khí Shadday đã cho tôi sự sống" (G 33, 4).
3. Thánh Thần phục sinh kẻ chết về thể lý cũng như tinh thần. Người phục hồi sự sống cho những bộ xương khô, biểu tượng của sự chết : "Ta sẽ ban Thần Khí của Ta xuống trong các ngươi. Và các ngươi sẽ được sống" (Ed 37, l4).
4. Thánh Thần, Đấng bảo tồn toàn thể sự sống trên trái đất. Khi Giavê Thiên Chúa rút hơi thở Người lại, thì không tạo vật nào còn sống : "Nếu Người chỉ nghĩ đến Người, nếu Người rút về làn khí hơi thở của Người, thì mọi xác phàm sẽ chết cùng một lúc, và con người sẽ trở về với cát bụi" (G 34, 14-15).
B. THÁNH THẦN VÀ VIỆC MẠC KHẢI SIÊU NHIÊN.
Thánh Thần là Tác Giả sách Cựu Ước :
1. Thánh Thần linh hứng các tác giả Cựu Ước : "Chúng để lòng chai đá như kim cương, không nghe thánh chỉ và lời lẽ Giavê các cơ binh đã sai đến nhờ Thần Khí của Người, nhờ trung gian các tiên tri thuở đầu" (Dcr 7, 12).
"Phần tôi, trái lại, tôi đầy sức mạnh - Thần Khí Giavê" (Mk 3, 8).
Các tác giả Cựu Ước, dù là ngôn sứ, tư tế hay vua chúa đều tự coi mình là dụng cụ dưới sự chi phối trực tiếp của Thánh Thần. Nhưng các ngôn sứ là những người ý thức rõ ràng hơn cả : "Bao năm, Người đã nhẫn nại ; Ngưới đã dùng Thần Khí Người ngang qua các tiên tri của Người ... phán quyết nhờ đó ai làm thì được sống" (Nkm 9, 30.29).
2. Đối với chính Đức Giêsu, Đavít, Môsê, các ngôn sứ hay các tác giả Kinh Thánh khác đều là dụng cụ của Thánh Thần, họ nói trong Thánh Thần : "Làm sao Đavít được Thánh Thần ứng cho thì lại gọi Ngài là Chúa mà rằng : Chúa nói cùng tôi : Hãy ngự bên hữu Ta, chờ Ta đặt quân thù ngươi dưới chân ngươi" (Mt 22, 43-44 ; Tv 110).
Trong thời gian đầu tiên của Hội Thánh, Phêrô coi lời Kinh Thánh Cựu Ước như lời Thánh Thần : "Kinh Thánh phải được ứng nghiệm, lời Thánh Thần đã dùng miệng Đavít để tiên báo về Giuđa" (Cv 1, 16)
"Về ơn cứu thoát ấy, các tiên tri đã tra tâm chiêm nghiệm, những vị đã tuyên sấm về ân sủng dành cho anh em, chiêm nghiệm xem cho ai, cho thời nào. Thần Khí của Đức Kitô hoạt động trong họ đã muốn mặc thị ; quả Thần Khí đã đoan chứng từ trước về những thống khổ Đức Kitô phải chịu và về vinh quang kế theo đó" (1Pr 1, 10-11).
Phaolô, Tông Đồ dân ngoại, cũng có một xác tín tuyệt đối như Phêrô : "Đúng thay lời Thánh Thần đã dùng tiên tri Isaia mà nói cùng cha ông các người" (Cv 28, 15).
"Kinh Thánh tất cả đã được thần hứng, và có ích cho việc dạy dỗ, bác ái, cải thiện và đào tạo trong đàng công chính" (2Tm 3, 16).
Tác giả thư Do Thái, khi trích dẫn Kinh Thánh Cựu Ước đồng hoá lời Kinh Thánh với lời Thánh Thần : "Như Thánh Thần phán : Hôm nay nếu các ngươi nghe tiếng Người, thì chớ cứng lòng như buổi gây gỗ ..." (Dt 3, 7).
Các tác giả Tân Ước còn lưu ý rằng không được giải thích Kinh Thánh theo tư kiến, vì tác giả Kinh Thánh được Thánh Thần linh hứng : "Vì không bao giờ lời Tiên Tri đã do ý người phàm nào đem ra, nhưng có những người do tự Thiên Chúa và được Thánh Thần thúc đẩy đã nói ra" (2Pr 1, 20-21).
C. TÁC ĐỘNG CỦA THÁNH THẦN TRÊN MỘT SỐ NGƯỜI ĐẶC BIỆT.
Trong Cựu Ước, chúng ta thấy Thánh Thần đến trên một số nhân vật đặc biệt để họ thực hiện sứ vụ mà Thiên Chúa giao phó : dịch vụ của họ có thể có những đặc điểm khác nhau, nhưng tất cả đều lãnh nhận một sự trợ giúp thể lý, tinh thần và thiêng liêng của Thánh Thần.
1. Ơn khôn ngoan cho những người lãnh đạo.
Thánh Thần được Giavê Thiên Chúa ban cho những người được Ngài đặt lên để cai trị Dân của Ngài.
- Trường hợp Môsê với 70 trưởng lão (Ds 11, 16-17. 25-26).
- Trường hợp Giôsua được Thiên Chúa chọn kế vị Môsê (Ds 27, 28-33).
"Giôsua con của Nun, đã được đầy Thần Khí Khôn Ngoan, vì Môsê đã đặt tay trên ông" (Đnl 34, 9).
- Việc xức dầu cho các vua là dấu hiệu sự hiện diện của Thánh Thần trong việc cai trị của họ : "Samuel cầm lấy sừng dầu mà xức dầu cho cậu giữa các anh và Thần Khí đã đáp xuống trên Đavít từ ngày ấy về sau" (1Sm 16, 13).
2. Sức mạnh và lòng can đảm cho một số trường hợp đặc biệt.
Trong thời kỳ các Quan Án là một trong những thời kỳ đen tối nhất của dân Israel, Thánh Thần đã được phú ban cho các vị, nhờ đó các vị có một sức mạnh hay uy quyền đặc biệt : "Thần Khí Giavê đến trên ông (Otniel) và ông đã làm thẩm phán trên Isrel. Ông đã xuất chinh và Giavê đã phó nộp Cushan-Rishơataim, vua Aram trong tay ông..." (Tl 3, 10).
"Thần Khí Giavê xuống phủ trùm người Ghêđêôn, và ông thổi tù và" (Tl 6, 34).
"Thần Khí Chúa đến trên Giéptê và ông đã qua Galaađ và Manassê" (Tl 11, 29).
"Thần Khí Giavê xuống trên ông (Samson) và ông đã xé mảnh con sư tử như thể người ta xé mảnh con dê ... Bấy giờ Thần Khí giáng xuống trên ông, và ông đã xuống Asqalon và giết 30 người ... Khi ông đến gần Lêkhi, Thần Khí Giavê giáng xuống trên ông : các chão trên tay ông đã ra ngay như sợi dây gai cháy xèo trong lửa ..." (Tl 14, 6. 19 ; 15, 14).
3. Hiểu biết và sáng kiến trong khoa học và nghệ thuật.
- Hai người thợ (Bơxalêel và Oholiab) đã nhận được ơn thông minh và tài khéo để thực hiện "Trướng Tao Phùng" :
"Người đã ban cho nó (Bơxalêel) đầy Thần Khí Thiên Chúa về khôn ngoan, minh mẫn, hiểu biết và bách nghệ ... Người đã ban cho chúng đầy tài khôn khéo..." (Xh 35, 30-35).
Việc xây dựng đền thờ cũng do Thần Khí hướng dẫn Đavít vẽ mẫu và trao lại cho Salômon : "Bấy giờ Đavít trao cho Salômon con ông, mẫu của tiền đường và mẫu của chính điện... ; và mẫu của tất cả những gì ông đã được Thần Khí hứng cho về các Tiền đình của Nhà Giavê và các phòng xung quanh" (1Sbn 28, 11-12).
Tóm lại, mọi thành phần Dân Chúa Trong Cựu Ước đều tin tưởng cách đơn sơ và thực tế vào hoạt động của Thánh Thần Giavê trong đời sống cũng như lịch sử.
D. THÁNH THẦN VÀ CÁC SẤM NGÔN VỀ ĐẤNG MESSIA.
1. Thánh Thần và Đấng Messia sắp đến.
Sấm ngôn về Đấng Messia rải rác trong toàn thể Cựu Ước, nhưng sách Isaia là nguồn phong phú nhất. Ngôn sứ Isaia nói nhiều hơn cả về quan hệ giữa Thánh Thần và Đấng Messia : Đấng Messia được đổ đầy Thần Khí để thi hành sứ vụ.
"Trên Ngài, Thần Khí Giavê sẽ đậu xuống, Thần Khí khôn ngoan và trí tuệ, Thần Khí mưu lược và anh dũng, Thần Khí hiểu biết và kính sợ Giavê" (Is 11, 2-3).
"Này đây Tôi Tớ của Ta, kẻ Ta nâng đỡ ... Ta đã ban Thần Khí của Ta trên Người" (Is 42, 1-2 ; Mt 12, 18-21).
"Thần Khí của Đức Chúa Giavê ở trên tôi, vì Giavê đã xức dầu trên tôi ; Người đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó" (Is 61, 1-2 ; Lc 4, 16-21).
2. Việc đổ tràn Thần Khí trong những ngày của Đấng Messia.
Đấng Messia không những được đầy tràn Thánh Thần mà chính Ngài, với tư cách là Chúa con đổ Thánh Thần xuống trên tất cả những ai thuộc về Người. Tiên tri Giôel đã đề cập tới việc Giavê đổ tràn Thần Khí vào ngày cánh chung : "Sẽ xảy ra là sau đó Ta sẽ đổ Thần Khí của Ta trên mọi xác phàm. Con trai con gái các ngươi sẽ tuyên sấm..." (Ge 3, 1-5).
Trong bài giảng đầu tiên, Thánh Phêrô đã trích sấm ngôn của Giôel để giải thích biến cố Hiện Xuống (Cv 2, 1-4).
Ngay Môsê cũng đã ước mong cho toàn thể Dân Chúa nhận lãnh Thánh Thần vào những ngày sau cùng để trở nên một dân Tiên Tri (Ds 11, 29).
3. Tác động tái sinh của Thánh Thần.
Sấm ngôn Giêrêmia (31, 31-34) mà nội dung là Giao Ước Mới được hoàn tất trong thời đại Tân Ước (Dt 8, 8-12).
Sấm ngôn Eâdêkiel cũng thế : "Ta sẽ ban cho các ngươi Thần Khí của Ta, và các ngươi sẽ được sống" (Ed 37, 11).
E. NGÔN NGỮ THÁNH-LINH-HỌC CỦA CỰU ƯỚC.
1. Cách thức Thánh Thần đến trên con người.
Cựu Ước có rất nhiều cách diễn tả tác động của Thánh thần hay việc con người tiếp nhận Thánh Thần:
- Do việc đặt tay : Môsê ấn tay trên Giôsua (Đnl 34,9).
- Do việc xức dầu (1Sm 10, 1-6 ; 16, 13).
- Thánh Thần được Giavê sai đến (Tv 103, 30).
- Thánh Thần được ban cho (Xh 31, 3 ; Ed 37, 14 ; 36, 27).
- Thần Khí đậu đến trên (bảy mươi vị kỳ mục) (Ds 11, 25).
- Thần Khí bổ xuống trên tôi (Ed 11, 5).
- Thần Khí đổ xuống (Ge 2, 28 ; Is 32, 15 ; 44, 3).
- Thánh Thần giáng xuống (Tl 14, 6-19).
Cựu Ước tuy dùng rất nhiều từ ngữ khác nhau để mô tả tác động và hồng ân Thánh Thần, nhưng không bao gìơ đồng hoá Thánh Thần với sức riêng của con người. Thánh Thần là tác nhân thần linh hành động trong con người.
2. Thánh Thần cư ngụ nơi con người.
Khi chia sẻ trách nhiệm thì Thánh Thần cũng được phân chia (Ds 11, 17-25).
- Khi sứ vụ của một người kết thúc, Thánh Thần được chuyển giao sang người kế vị (2V 2, 9. 15-16).
- Thần Khí rời bỏ một con người bất trung (1Sm 16, 14 ; 18, 12).
Phải nhận rằng, theo ngôn ngữ Cựu Ước thì "chủ vị tính" của Thánh Thần chưa rõ nét, nhưng không hoàn toàn vắng bóng. Sự gắn liền của Thánh Thần với Thiên Chúa Giavê và thần tính của Thánh Thần rõ nét hơn. Cựu Ước chuẩn bị cho mạc khải Tân Ước và trở thành nguồn cung cấp chất liệu phong phú cho Thánh-Linh-học của Tân Ước.
II. THÁNH THẦN TRONG CÁC TIN MỪNG
A. THÁNH THẦN VÀ BIẾN CỐ NHẬP THỂ CỦA ĐỨC KITÔ.
Có hai điều nổi bật trong các bài tường thuật biến cố Nhập Thể của Đức Kitô :
- Các Tin Mừng Nhất Lãm, đặc biệt là Matthêu và Luca khẳng định Đức Maria là một Trinh Nữ, khi thiên thần truyền tin. Matthêu ứng dụng cho Maria sấm ngôn của Is 7, 14 (bản LXX) về một người nữ sẽ sinh con được đặt tên là Emmanuel.
- Cả Matthêu lẫn Luca đều nhấn mạnh tác động siêu nhiên của Thánh Thần trong lúc Đức Maria chịu thai Đức Giêsu :
"Xảy ra là Bà dã có thai do tự Thánh Thần" (Mt 1, 18. 21).
"Thánh Thần sẽ đến trên người và quyền năng Đấng Tối Cao trên người rợp bóng" (Lc 1, 35).
Luca : Tác động của Thánh Thần rộng rãi hơn.
B. CÁC TÁC ĐỘNG CỦA THÁNH THẦN NƠI ĐỨC KITÔ.
1. Đức Kitô được xức dầu Thánh Thần khi chịu phép rửa.
Cả bốn Phúc Âm đều nói tới sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa và đều mô tả sự kiện ấy như một biến cố đặc biệt mở đầu thời gian rao giảng của Đức Kitô (Mt 3, 16-17 ; Mc 1, 10 ; Lc 3, 22 ; Ga 1, 32-34).
Biến cố Đức Giêsu chịu phép rứa có giá trị mạc khải sứ vụ và chân tính của Ngài. Trong biến cố ấy, Thánh Thần đáp xuống và lưu lại nơi Đức Giêsu, Người làm chứng cho sứ vụ cứu thế của Đức Giêsu là sứ vụ thanh tẩy trong Thánh Thần. Thánh Thần không thể đến trên Đức Giêsu cách nhất thời nhưng lưu lại trong Ngài, và vì thế tất cả sứ vụ của Ngài đếu thể hiện trong quyền năng của Thánh Thần.
2. Thánh Thần và việc Đức Giêsu chịu cám dỗ.
Các Tin Mừng Nhất Lãm đều tường thuật sự kiện Đức Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ, và khẳng định Ngài được Thánh Thần đưa vào sa mạc để chịu thử thách (Lc 4, 1 ; Mt 4, 1 ; Mc 1, 12).
Satan tìm cách lung lạc tinh thần Đức Giêsu, mong Ngài thay đổi quan điểm về sứ vụ. Nhưng Đức Giêsu vẫn giữ vững tinh thần và lập trường, vì Ngài được đầy Thần Khí (trong biến cố phép rửa).
3. Thánh Thần và dấu lạ Đức Kitô thực hiện.
Tin mừng Luca ứng dụng sấm ngôn Messia của Is 61, 1-2 cho sứ vụ của Đức Giêsu (4,18-22). Tất cả các việc làm, đặc biệt là những phép lạ, đều là dấu chỉ sứ mạng Thiên Sai của Ngài.
Nhờ Thần Khí mà Ngài làm những điềm thiêng dấu lạ : chữa bệnh tật, xua trừ ma quỷ, cho kẻ chết sống lại (x. Mt 11, 5)
Và đó là bằng chứng Nước Thiên Chúa đang đến (Mt 12, 28 ; Lc 11, 20 ...).
4. Thánh Thần và cái chết của Đức Giêsu Kitô.
Cuộc chiến khốc liệt nhất mà Đức Giêsu phải đương đầu chống lại Satan, đầu mục của thế gian, là cuộc Khổ Nạn và cái chết bi thảm của Ngài. Danh tánh của Thánh Thần không được minh nhiên đề cập đến trong các bài tường thuật cuộc Khổ Nạn, nhưng hoạt động của Thánh Thần vẫn tiềm tàng và mạnh mẽ nơi Đức Giêsu, trong những giờ phút cam go nhất như trong vườn Cây Dầu và trên thập giá. Chính nhờ Thánh Thần và trong Thánh Thần mà Đức Kitô hiến thân làm của lễ hy sinh vô tì tích dâng lên Thiên Chúa, như Chiên Con "hiến tế" để xoá tội trần gian (Dt 9, 14).
5. Thánh Thần và sự phục sinh của Đức Kitô.
Rất nhiều đoạn trong các thư khẳng định Đức Kitô sống lại từ trong cõi chết nhờ tác động của Thánh Thần. Phục sinh là chứng từ vững chắc nhất về sứ vụ và chân tính của Đức Giêsu Kitô. Thánh Thần, vì thông phần vào sự phục sinh thân xác Đức Giêsu, cũng là tác giả của chứng từ Phục Sinh.
Phaolô minh nhiên gán sự phục sinh Đức Giêsu Kitô cho tác động của Thánh Thần : "...được đặt làm Con Thiên Chúa quyền năng, theo Thánh Khí, do tự phục sinh từ cõi chết, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta" (Rm 1, 4).
Thư Phêrô cũng rõ ràng không kém : "Người đã bị giết chết về xác thịt, nhưng đã được tác sinh về Thần Khí" (1Pr 3, 18). Tóm lại, cả cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu đều diễn tiến trong Thánh Thần ; Thánh Thần làm chứng về Ngài và loan báo mầu nhiệm của Ngài.
C. GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC KITÔ VỀ CHÚA THÁNH THẦN.
1. Những điểm cốt yếu.
a. Thánh Thần là Hồng Ân mà Thiên Chúa Cha ban cho nhân loại vì Người yêu thương họ như con cái:
"Nếu các ngươi, tuy là ác, còn biết lấy của lành làm quà cho con, huống hồ là Cha các ngươi, tự trời Người sẽ ban Thánh Thần cho những ai xin Người" (Lc 11, 13).
b. Chính Đức Kitô sẽ cầu xin Cha ban Thánh Thần cho các môn đệ, và Thánh Thần sẽ được Cha sai đến do lời cầu xin của Đức Kitô hay nhân danh Đức Kitô :
"Đấng Bầu Chữa, Thánh Thần Cha sẽ sai đến nhân danh Ta" (Ga 14, 26).
c. Thánh Thần có sứ mạng tiếp nối công việc của Đức Giêsu, khi Ngài về cùng Cha :
"Người sẽ dạy các ngươi mọi sự và sẽ nhắc cho các ngươi nhớ lại mọi điều Ta đã nói với các ngươi" (Ga 14, 26).
d. Trong lịch sử cứu độ, Thánh Thần tùy thuộc vào Đức Kitô như Đức Kitô tuỳ thuộc Chúa Cha. Chỉ khi nào Đức Kitô đã phục sinh, Ngài mới gửi Thánh Thần đến từ nơi Cha :
"Khi Đấng Bầu Chữa đến, Đấng Ta sẽ gửi đến từ nơi Cha" (Ga 15, 26 ; x. 7, 39).
e. Vai trò của Thánh Thần là làm chứng cho Đức Kitô, chứ không cho chính mình :
"Thần Khí sự thật, từ Cha xuất ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta" (Ga 15, 26).
f. Người sẽ làm cho Đức Kitô được vinh hiển và thông báo cho các môn đệ tất cả những gì thuộc về Đức Kitô :
"Ngài sẽ làm Ta được vinh hiển, vì Ngài sẽ lấy của Ta, mà thông báo cho các ngươi" (Ga 16, 14).
2. Quan hệ giữa Thánh Thần với những người chưa được cứu rỗi.
a. Chúa Thánh Thần làm cho con người được tái sinh : mọi người kể cả những người được coi là công chính, đều cần có sự sống mới, sự sống thần linh. Sự sống do Ađam không đủ, vì đó là sự sống cũ đưa tới cái chết. Sự đổi thay trên bình diện tự nhiên không đủ để mang lại ơn cứu độ. Con người cần phải tái sinh và đó là công việc của Thánh Thần. Đức Giêsu khẳng định với Nicôđêmô : "Ai không sinh bởi nước và Thần Khí, thì không thể vào được Nước Thiên Chúa" (Ga 3, 5-6).
b. Chúa Thánh Thần là nguồn suối sự sống thần linh nơi con người : Chúa Thánh Thần là Thần Khí ban sự sống, xác thịt không mang lại lợi ích gì (Ga 6, 63).
Sự sống thần linh tức là Nước Thần Khí chảy ra từ Đức Kitô Tử Nạn - Phục Sinh, như dòng nước chảy ra từ Tảng Đá (Ga 7, 37 ; 19, 34).
c. Thánh Thần là Đấng lên án thế gian : Chúa Thánh Thần thay mặt cho Đức Kitô không còn tại thế, nên sứ vụ của Người luôn có hai mặt, một mặt là hướng dẫn và ban phúc, một mặt là đoán phạt. Ngài là Đấng phán xét :"Và Ngài đến, Ngài sẽ bắt lỗi thế gian" (Ga 16, 8-11).
3. Quan hệ giữa Thánh Thần và những người đã được tái sinh.
a. "Ngài lưu lại nơi các ngươi" (Ga 14, 17).
Chúa Thánh Thần lưu lại cách bền bỉ, lâu dài. Ngài không rời bỏ môn đệ của Đức Kitô ... Cũng như Đức Kitô, môn đệ không bao giờ cô đơn một mình, nhưng có Chúa Thánh Thần ở với họ.
b. "Và (Ngài) ở trong các ngươi" (Ga 14, 17).
Chúa Thánh Thần là vị Thầy nội tâm mà Chúa Cha ban cho các môn đệ, thay cho sự vắng mặt của Đức Kitô. Ngài sẽ dạy dỗ, soi sáng cho họ từ bên trong. Ngài nhắc lại cho các môn đệ giáo huấn của Đức Giêsu Kitô và nội tâm hoá giáo huấn ấy, làm cho giáo huấn ấy thấm nhập vào tâm hồn họ :
"Chính Ngài sẽ dạy các ngươi mọi sự, sẽ nhắc cho các ngươi nhớ lại mọi điều Ta đã nói với các ngươi" (Ga 14, 26).
Chúa Thánh Thần còn đưa dẫn các môn đệ vào trong toàn bộ chân lý. Chân lý, chính là Đức Kitô Mạc Khải trọn vẹn Thiên Chúa. Chân lý ấy, không ai có thể thấu triệt, không ai có thể đi vào để nhận lấy sự sống đời đời, nếu không được Thánh Thần hướng dẫn. "Ngài sẽ đưa các ngươi vào tất cả sự thật" (Ga 16, 13).
c. Thánh Thần còn là Đấng Bầu chữa, Đấng An ủi khác mà Đức Kitô ban cho các môn đệ, cũng như Đức Kitô đã là Đấng Bầu chữa và An ủi (Ga 14, 16. 26 ; 15, 26 ; 16, 7).
Thánh Thần ở bên người kitô-hữu mọi nơi mọi lúc, để khích lệ, an ủi và hướng dẫn.
d. Thánh Thần còn được Đức Kitô Phục Sinh ban cho các môn đệ như là nguồn ơn tha tội :
"Hãy chịu lấy Thánh Thần. Các ngươi tha tội cho ai, thì tội họ được tha ; các ngươi cầm giữ tội ai, thì tội họ bị cầm giữ" (Ga 20, 22-23).
III. CHÚA THÁNH THẦN TRONG SÁCH CÔNG VỤ CÁC TÔNG ĐỔ.
Tác giả sách Công Vụ tường thuật việc khai sinh Giáo Hội dưới tác động của Chúa Thánh Thần, và việc Rao Giảng Tin Mừng khắp nơi do các Tông đồ và môn đệ.
Tác phẩm được coi là sách Công Vụ các Tông Đồ, nhưng trong thực tế tác giả chỉ tường thuật công việc của một số Tông Đồ, mà đặc biệt hơn cả là Phêrô và Phaolô. Hơn nữa, tác giả còn có ý làm nổi bật sự hiện diện tác động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội. Do đó sách Công Vụ các Tông Đồ còn được gọi là Công Vụ của Chúa Thánh Thần.
A. TRƯỚC LỄ NGŨ TUẦN.
Theo sách Công Vụ, khi chưa đến ngày Lễ Ngũ Tuần, mặc dù Đức Kitô đã phục sinh và hiện ra với các môn đệ, đàm đạo với các ông về Nước Thiên Chúa, giảng giải lời Kinh Thánh, các ông vui mừng vì có Chúa nhưng não trạng của các ông vẫn chưa thay đổi. Các ông vẫn còn quan điểm Messia trần thế (Cv 1, 6-7).
Con người các ông chưa được đổi mới, vì chưa được thanh tẩy bằng Thánh Thần, chưa được tái sinh.
Vì thế, trước khi lên trời, Chúa Giêsu nhắc lại điều Người đã nói trước lúc ra đi chịu chết : Chúa Cha hứa ban Thánh Thần, và yêu cầu họ phải đợi Thánh Thần : Chắc chắn Thánh Thần mà Chúa Cha sai sẽ đến trên họ, nhờ đó họ mới có khả năng làm chứng cho mầu nhiệm Khổ Nạn - Phục Sinh của Đức Kitô (Cv 1, 8).
B. THÁNH THẦN VÀO NGÀY LỄ NGŨ TUẦN.
1. Văn thể.
Văn thể được dùng để mô tả biến cố Hiện Xuống là văn thể "thần hiển" : tiếng rào rào như cuồng phong vang dậy là dấu chỉ thiên nhiên báo hiệu sự có mặt của Thần Linh (Cv 2, 2).
Thánh Thần đến như một cơn gió lớn, bất ngờ và không thể cưỡng lại. Thánh Thần phủ trên cả nhóm Tông Đồ đang tụ họp nhưng cũng được ban phát cho từng người dưới hình lưỡi lửa, phân tán và đậu lại trên đầu mỗi người (Cv 2,3).
Kết quả thấy được của tác động Thánh Thần là hiện tượng các Tông Đồ nói tiếng lạ (Cv 2 5-11).
2. Ý nghĩa.
Có người giải thích theo nghĩa xấu các hiện tượng vừa xảy ra, họ cho rằng các Tông Đồ say rượu. Cùng với các Tông Đồ khác, Phêrô đứng lên giải thích cho họ và nhân dịp đó ngài rao giảng Đức Kitô Tử Nạn - Phục Sinh.
Phêrô dùng lời sấm ngôn của tiên tri Giôel (3, 1-5) để giải thích : biến cố Hiện Xuống, với tất cả những điều đã xảy ra mà nhiều người chứng kiến, hoàn tất lời tiên tri Giôel về ngày Messia cánh chung, ngày mà Thiên Chúa đổ tràn Thần Khí của Người trên mọi xác phàm, ngày khai sinh một Dân Tộc và toàn thể dân ấy sẽ là Dân Ngôn Sứ (Cv 2, 16-18). Ngày ấy chỉ xảy ra sau khi Đức Giêsu Kitô đã chết và sống lại, là điều mà các ông giờ đây công bố (Cv 2, 22-36).
Vì Thánh Thần đã xuống, mọi người mới có thể hiểu đúng lời Kinh Thánh, mới hiểu được chứng từ của Kinh Thánh về Đức Giêsu Kitô, về cuộc Khổ Nạn và sự Phục Sinh của Người. Cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu không những là một sự kiện, mà còn là mầu nhiệm cứu thế, nên chỉ có thể loan báo đúng đắn và hữu hiệu dựa vào Lời Kinh Thánh và sức mạnh của Thánh Thần.
Biến cố Hiện Xuống mang rất nhiều ý nghĩa, nhưng tựu trung gồm một số nét cốt yếu :
a. Tin Mừng phổ quát.
Bài tường thuật Hiện Xuống làm nổi bật chiều kích đại đồng của Tin Mừng. Những người lắng nghe Tin Mừng đầu tiên, tuy là những người Do Thái, nhưng đến từ muôn phương, nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Cách liệt kê các dân rõ ràng có tính tiêu biểu, ám chỉ toàn thể nhân loại (từ đông qua tây, từ bắc chí nam) (Cv 2, 9-11).
Hiện tượng nói tiếng lạ của các Tông Đồ còn được tác giả giải thích thêm : những người tiếng nói khác nhau đều nghe theo tiếng của họ (Cv 2, 11). Rõ ràng tác giả liên tưởng đến câu chuyện tháp Babel. Nếu việc xây dựng tháp Babel làm cho con người tản mác, vì không còn hiểu nhau bằng ngôn ngữ (St 11, 1-9), thì biến cố Hiện Xuống làm cho những con người hoàn toàn khác nhau ấy cùng hiểu một Tin Mừng. Tiếng nói hay ngôn ngữ ở đây tượng trưng cho nền văn hoá của từng dân tộc. Mỗi dân tộc đều đón nhận một Tin Mừng cứu độ trong nền văn hoá của mình.
Biến cố Hiện Xuống biểu lộ rõ ràng đường lối hoạt động của Thánh Thần và con đường mà Thánh Thần muốn cho các Tông Đồ phải theo.
b. Quyền năng của Thánh Thần.
Biến cố Hiện Xuống cũng là lúc Chúa biểu lộ Quyền Năng Cứu Thế của Ngài qua tác động của Thánh Thần.
Quyền năng của Thánh Thần tác động sâu xa trên kẻ tin cũng như người chưa tin. Tác động quan trọng và sâu sắc hơn cả là soi sáng tâm hồn các Tông Đồ, để các ông hiểu được Lời Kinh Thánh Cựu Ước, hiểu được cách sâu xa biến cố Tử Nạn - Phục Sinh, hiểu được thời đại mới sinh ra từ biến cố ấy.
Quyền năng của Thánh Thần biểu lộ qua Lời Rao Giảng tiên khởi của các Tông Đồ. Lời rao giảng có tác dụng khơi dậy đức tin và sự hoán cải nơi những người nghe. Con số ba ngàn người tin vào Đức Giêsu Kitô ngay từ bài giảng đầu tiên của Phêrô có ý làm nổi bật tác động của Thánh Thần qua Lời Rao Giảng (Cv 2, 37-41). Các Tông Đồ không dùng quyền năng hay tài hùng biện riêng để thuyết phục người khác, nhưng các ông nói tới điều mà các ông đã chứng kiến, điều mà các ông hiểu cách đơn sơ và sâu sắc về Đức Giêsu Kitô nhờ tác động của Thánh Thần.
Quyền năng của Thánh Thần còn được biểu lộ qua sự biến đổi hữu hiệu con người các Tông Đồ, mà tiêu biểu là Phêrô : Từ nhát đảm trở nên mạnh dạn ; từ mê muội trở thành những con người sáng suốt, khôn ngoan. Và đặc biệt hơn cả là quan điểm trần tục của các ông không còn, thay vào đó là một cái nhìn hoàn toàn siêu nhiên.
Quyền năng của Thánh Thần củng cố và xây dựng Tông-Đồ-đoàn, làm cho họ trở thành một cộng đoàn vững chắc, nền móng của Giáo Hội mới khai sinh. Quyền năng của Thánh Thần cũng khơi dậy lòng yêu mến và nhiệt thành nơi cộng đoàn kitô-hữu tiên khởi.
c. Thánh Thần và sự khai sinh Giáo Hội.
Ngày Hiện Xuống quả thực là ngày khai sinh Giáo Hội. Cùng với Thánh Thần, Phêrô đã khởi đầu việc xây dựng Hội Thánh. Ông đã rao giảng, nhiều người đã tin nhận và đã chịu thanh tẩy. Các kẻ tin đã hợp nhau lại thành một Cộng Đồng Mới, một Dân Tộc Mới. Và Thánh Thần xuống trên họ như đã xuống trên các Tông Đồ. Khác thời Cựu Ước, Dân Mới đã lãnh nhận Thánh Thần một cách viên mãn. Và Thánh Thần đã đến với mọi người chứ không phải chỉ với một thiểu số ưu tuyển. Từ nay Thánh Thần hiện diện thường trực, Giáo Hội không bao giờ mất Thánh Thần, và các kitô-hữu trở nên những tạo vật mới mang trong mình Thánh Thần.
d. Thánh Thần và sự Siêu Thăng của Đức Kitô.
Như Lời của Đức Kitô đã hứa, Thánh Thần chỉ được ban khi Ngài được tôn vinh (về cùng Cha). Từ nay, việc Thánh Thần đến vào ngày Lễ Ngũ Tuần là dấu chỉ Đức Kitô được tôn vinh, Ngài được Ngồi Bên Hữu Chúa Cha, được đặt làm "Chúa".
Thánh Thần đến là Chúa Cha đã nhận Lời Đức Kitô khẩn cầu cho nhân loại (Cv 2, 32-36). Chúa Cha nhận Lễ Hy Sinh của Đức Kitô trên thập giá và từ nay, thập giá không còn là thất bại, nhưng là chiến thắng vinh quang, đưa tới ơn cứu độ và đem lại hạnh phúc cho con người.
C. CHÚA THÁNH THẦN SAU NGÀY LỄ NGŨ TUẦN.
1. Thánh Thần là Hồng Ân.
Thánh Thần là Hồng Ân lớn nhất mà Thiên Chúa ban cho nhân loại qua Đức Kitô Phục Sinh.
a. Hồng Ân vô giá.
Thánh Thần vừa là Hồng Ân nhưng không, vừa là Hồng Ân vô giá. Thiên Chúa ban cho những kẻ tin vào Đức Giêsu Kitô ơn Thánh Thần, không do công trạng gì của họ. Không ai, ngoại trừ Đức Giêsu Kitô, xứng đáng lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa Cha ban Thánh Thần cho Giáo Hội hoàn toàn vì tình thương, vì công trạng của Đức Giêsu Kitô, Con của Người (Cv 2, 38).
Các Tông Đồ tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu Kitô, cũng có quyền ban Thánh Thần, khi đặt tay trên người tín hữu. Nhưng các Tông Đồ không là tác giả, mà chỉ có Chúa Cha và Chúa Kitô là Tác Giả. Do đó, không ai có thể mua chuộc quyền ban Thánh Thần. Simon, một người đã chịu phép Rửa và đã tuyên xưng đức tin ; nhưng vì đức tin không tinh tuyền, nên ông nghĩ rằng có thể mua được quyền ban Thánh Thần. Simon đã đề nghị các Tông Đồ trao cho ông quyền đặt tay để ban Thánh Thần, và ông sẽ trả tiền cho các vị. Nhưng Phêrô đã cho ông thấy đề nghị đó là một xúc phạm trầm trọng đến Thánh Thần (Cv 8, 18-24).
Tội của Simon được sách Công Vụ tường thuật rõ ràng có một ý nghĩa rất sâu xa và rất thực tế đối với lịch sử Hội Thánh: Thánh Thần luôn cư ngụ dồi dào trong Hội Thánh, nhưng Hội Thánh không bao giờ làm chủ Thánh Thần, mà chính Thánh Thần làm chủ Hội Thánh.
b. Các điều kiện để lãnh nhận Thánh Thần.
Hồng ân Thánh Thần không thể mua chuộc, nhưng Thánh Thần đến nơi tâm hồn kitô-hữu với một số điều kiện :
Điều kiện đầu tiên là sự thống hối : Thánh Thần không thể nào ngự vào một tâm hồn chưa tái sinh, chưa hoán cải ; tâm hồn ấy không thể là đền thờ của Người (Cv 2, 28). Hoán cải là một trong những chủ đề nổi bật của sách Công Vụ (Cv 3, 19 ; 5, 31 ; 20, 21). Sau khi rao giảng, bao giờ các Tông Đồ cũng mời gọi người nghe ăn năn hối cải.
Điều kiện thứ hai là muốn lãnh nhận Thánh Thần phải lắng nghe Lời Chúa và tin Đức Giêsu Kitô là Chúa. Bất cứ ai nghe Lời Rao Giảng và tin vào Đức Kitô, đều được nhận lãnh Thánh Thần, không phân biệt Do Thái hay ngoại đạo (Cv 10, 44-48). Trường hợp của Cornêliô và gia đình ông tiêu biểu cho tính phổ quát của ơn Thánh Thần (Cv 11, 15-18).
Thánh Thần còn được ban cho những ai vâng phục Thiên Chúa và Đức Kitô của Người. Các Tông Đồ đều tự coi mình là tôi tớ của Thiên Chúa, luôn luôn phải vâng phục Thiên Chúa hơn là vâng phục loài người (Cv 5, 29-32). Bất cứ kitô-hữu nào cũng là bạn hữu của Đức Kitô đồng thời là tôi tớ của Ngài.
Thánh Thần được ban qua trung gian của Hội Thánh. Sách Công Vụ có nhắc tới việc các Tông Đồ đặt tay và ban Thánh Thần (8, 14-18 ; 19 2-7).
2. Sứ vụ của Thánh Thần.
a. Sứ vụ làm chứng.
Ngay trước khi ra đi chịu chết, Đức Giêsu đã nói về Chúa Thánh Thần là Đấng "sẽ làm chứng về Ta. Và các ngươi cũng làm chứng, vì từ ban đầu các ngươi hằng ở với Ta" (Ga 15, 26-27).
Sứ vụ làm chứng ấy, từ khi Đức Kitô Phục Sinh, Chúa Thánh Thần đã thi hành cách hữu hiệu và lạ lùng. Các Tông Đồ cũng làm chứng như lệnh truyền của Đức Kitô trước khi lên trời (Cv 1, 8). Nhưng chứng từ của các Tông Đồ là chứng từ với quyền lực của Thánh Thần. Khi rao giảng Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh, các Tông Đồ luôn khẳng định : "Thánh Thần và chúng tôi làm chứng" (Cv 5, 32).
Thánh Thần làm chứng bằng lời, hay chính Thánh Thần nói nơi môi miệng các Tông Đồ, như Đức Giêsu đã hứa (Mc 13, 11). Thánh Thần còn nói nơi môi miệng bất cứ ai mạnh dạn làm chứng cho Đức Kitô. Trường hợp Phó tế Stêphanô là tiêu biểu cho sứ vụ làm chứng của Thánh Thần qua chứng từ của con người (Cv 1, 8-10 ; 7, 51. 55).
b. Sứ vụ an ủi và khích lệ.
Giống như Đức Giêsu, Giáo Hội thời sơ khai cũng phải trải qua cuộc khổ nạn, bắt đầu với cái chết tử đạo của Stêphanô. Nhưng rồi sau đó, Thiên Chúa lại để cho Giáo Hội được bình an, được tràn trề sự an ủi của Thánh Thần. Từ ngữ "Đấng An Ủi" trước đây được gán cho Đức Giêsu (1Ga 2, 1) là Đấng không ngừng an ủi và khích lệ các Tông Đồ, nay được gán cho Thánh Thần. Giáo Hội không ngừng cảm nghiệm sự an ủi của Thánh Thần mà Đức Kitô đã hứa ban. Thánh Thần không ngừng khích lệ Giáo Hội tiến bước trên con đường của Đức Giêsu Kitô.
c. Sứ vụ tiên tri.
Trong Giáo Hội sơ khai, nhiều người được Thánh Thần ban cho ơn tiên tri. Ơn tiên tri hay ngôn sứ là ơn xây dựng Cộng Đoàn bằng lời nói và việc làm. Cũng có vài người được ơn báo trước điều sẽ xảy ra, như trường hợp Agabô tiên báo nạn đói (Cv 11, 27-28) và báo việc Phaolô sẽ bị bắt (Cv 20, 10-11).
Thánh Thần ngôn sứ không những báo trước, mà còn cho người tông đồ thấy rõ những gian nan trong cuộc đời của họ (Cv 20, 22-23). Thánh Thần còn nói qua các tín hữu có lòng yêu mến các Tông Đồ (Cv 21, 4). Sứ vụ tiên tri của Thánh Thần rất cần thiết trong giai đoạn đầu của Hội Thánh, vì sách Tân Ước chưa được viết ra.
Sứ vụ tiên tri của Thánh Thần còn là sự soi sáng trí khôn của người kitô-hữu, để họ hiểu Cựu Ước theo một nghĩa mới, ý nghĩa mà những người Do Thái cứng lòng không thể nhận ra (Cv 4, 23-30).
d. Sứ vụ hướng dẫn.
Như Đức Giêsu đã hứa, Thánh Thần sẽ đưa dẫn các môn đệ vào trong toàn bộ sự thật, nghĩa là toàn bộ Mạc Khải, toàn bộ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa (Ga 16,13).
Thánh Thần còn hướng dẫn các thừa tác viên trong Giáo Hội thi hành kế hoạch ấy. Tiêu biểu hơn cả là câu chuyện Thánh Thần thúc đẩy Philíp đến với quan thái giám xứ Ethiopie (Cv 8, 29-39). Thánh Thần cũng thúc đẩy Phêrô đến nhà Cornêliô để rửa tội cho ông và gia đình (Cv 10, 1-9.20 ; 11, 12).
Chính Thánh Thần, qua Giáo Hội, đã chọn người và sai đi truyền giáo cho dân ngoại (Cv 13, 2-4). Thánh Thần quy định vùng truyền giáo cho các Tông Đồ (Cv 16, 6-9).
Thánh Thần còn giúp cho các Tông Đồ đề ra những quy định sáng suốt và hợp lý để giải quyết các khủng hoảng hay các vấn đề nan giải trong Hội Thánh (Cv 15, 28) như trường hợp Công Đồng Giêrusalem.
Cuối cùng, Thánh Thần giúp Giáo Hội đặt hàng Giám Mục và Niên Trưởng cai trị Hội Thánh (Cv 20, 28). Các Thừa tác viên khác như phó tế ... cũng được lựa chọn dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần (Cv 3, 7).
IV. THÁNH THẦN VÀ HỘI THÁNH (Theo Phaolô)
A. THÁNH THẦN XÂY DỰNG VÀ LÀM CHO GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH.
Nếu Thánh Thần đã tác động để cho con người Đức Giêsu được hình thành trong cung lòng Trinh Nữ Maria, thì Người cũng hoạt động để hình thành Thân Thể huyền nhiệm của Đức Giêsu Kitô là Giáo Hội (1Cr 12, 27t). Mọi người đều nhờ Thần Khí độc nhất mà gia nhập Thân Mình độc nhất là Giáo Hội (1Cr 12, 13). Sự tái sinh bởi Thần Khí là điều kiện phải có để nên chi thể của Đức Kitô.
Thánh Thần hoạt động cách kỳ diệu để luôn tái sinh những chi thể mới cho Hội Thánh, cho đến ngày Đức Kitô trở lại.
B. THÁNH THẦN CƯ NGỤ TRONG GIÁO HỘI.
Việc Thánh Thần cư ngụ trong Giáo Hội có thể nhìn trên hai bình diện :
Bình diện cá nhân : Mỗi cá nhân được tái sinh đều trở nên chi thể của Giáo Hội Chúa Kitô và đền thờ của Chúa Thánh Thần (1Cr 3, 16-17 ; 6, 19).
Bình diện tập thể : Toàn thể Giáo Hội là Dân Israel Mới, là Nhiệm Thể Chúa Kitô, là Ngôi Nhà Vĩnh Cửu của Thiên Chúa nhờ Thánh Thần (Ep 2, 19-22).
C. THÁNH THẦN TRANG BỊ GIÁO HỘI.
- Lời Chúa : Thánh Thần trang bị Giáo Hội bằng Lời Chúa, từ đó Giáo Hội có thể rút ra những điều phải tin và phải thực hành. Giáo Hội dựa vào Lời Chúa để giáo huấn, để suy nghĩ về thực tại con người, xã hội và lịch sử. Thánh Thần giúp Hội Thánh hiểu và ứng dụng Lời Chúa trong những hoàn cảnh lịch sử và môi trường khác nhau. Giáo lý đức tin tiến triển là do ơn soi sáng của Thánh Thần dựa vào Lời Chúa. Hành trình của Giáo Hội lữ thứ trải qua các giai đoạn khác nhau, hướng về ngày Cánh Chung, đi theo con đường mà Thánh Thần mở ra dựa vào Lời Chúa.
- Các đặc sủng : Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô và mọi kitô-hữu đều là chi thể được cùng một Thánh Thần ban cho các đặc sủng khác nhau nhằm xây dựng lợi ích chung của cả Nhiệm Thể. Thánh Thần ban ơn cho các chi thể tuỳ theo ý muốn của Người. Người hoàn toàn tự do phân phát các đặc sủng chứ không lệ thuộc vào bất cứ một ai (1Cr 12, 4-11).
Không ai có thể tự hào về những ơn thiêng mình lãnh nhận. Và cũng không ai hoàn toàn không có đặc sủng. Mỗi đặc sủng, dù nhỏ nhất, đều quan trọng, nếu xét trong toàn bộ. Các chi thể không được ganh ghét hay coi thường nhau, dựa trên sự khác biệt của các đặc sủng. Mọi người đều cần đến nhau, tuy mỗi người có một chức năng riêng với đặc sủng riêng. Không phải ai cũng là tông đồ, tiên tri hay tiến sĩ, nhưng có một hồng ân rất lớn mà mọi người đều có ngang nhau là "lòng mến" (1Cr 12, 14-31).
D. THÁNH THẦN GIÚP GIÁO HỘI TÔN THỜ, PHỤNG SỰ CHÚA KITÔ VÀ THIÊN CHÚA.
Khi tụ họp với nhau hay khi làm việc thờ phượng cách riêng rẽ, các kitô-hữu đều được Thánh Thần trợ giúp để có thể cầu nguyện, ngợi khen, thờ phượng, cảm tạ, tuyên xưng Chúa Kitô và Thiên Chúa (Ep 5, 18-20 ; 6, 18 ; Rm 8, 26-27 ; Cl 3, 16-17).
Là chi thể Đức Kitô, mỗi kitô-hữu đều là tư tế vì mang trong mình Thánh Thần, là tư tế ngay cả trong những việc không thuần túy tôn giáo, nhằm đẹp lòng Thiên Chúa (Dt 13, 15t).
V. TÁC ĐỘNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN NƠI NGƯỜI TÍN HỮU.
A. THẦN KHÍ TÁI SINH.
1. Trạng thái hư mất.
Vì tội Ađam, con người đã trở thành nô lệ tội lỗi và Satan (Cv 26, 18 ; Cl 1, 13 ; 2Pr 2, 14-22), trở nên thù địch của Thiên Chúa (Rm 1, 30 ; 3, 9-18 ; 8, 7). Là con cái bất tuân (Ep 2, 2 ; 5, 6) phải chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa (Ga 3, 36). Con người trần ai là con người hư mất không có Thánh Thần (Gđ 19 ; 1Cr 2, 12). Trong thư Rôma, Phaolô mô tả tình trạng hư mất của con người rõ ràng và sống động hơn cả. Trạng thái ấy là một trạng thái vô vọng (1,23 ; 3, 9, 18). Con người không thể thay đổi tình trạng đó. Thiên Chúa phải can thiệp để cứu chữa và thay đổi tận gốc lòng dạ con người.
2. Thần Khí tái sinh.
Sự thay đổi tận gốc tâm hồn con người là sự thay đổi sâu xa và toàn diện, giống như tái sinh cho một đời sống mới. Sự tái sinh này do tác động của Chúa Thánh Thần , Thánh Thần cấy vào con người mầm giống của Thiên Chúa (1Ga 3,9), mầm giống ấy sẽ nảy nở và trở nên sự sống thần linh (2Pr 1, 4). Công việc của Chúa Thánh Thần là chuẩn bị và hoàn tất tiến trình tái sinh.
Công việc chuẩn bị của Chúa Thánh Thần là soi sáng và thuyết phục để con người nhận ra mình là kẻ có tội. Không ai có thể được cứu độ, nếu không nhận ra thân phận tội lỗi của mình. Nhờ Thánh Thần, con người nhận ra mình cần ơn cứu độ, và tin tưởng hướng tâm hồn lên Đức Kitô Cứu Thế. Niềm tin vào Đức Giêsu Kitô là điều kiện cần thiết để được cứu, và niềm tin ấy là hoa quả của Thánh Thần (Ga 5, 22 ; 1Cr 1, 9). Con người có niềm tin viên mãn cũng là con người đầy Thánh Thần (Cv 6, 5 ; 11, 24). Sứ vụ của Thánh Thần là củng cố, làm cho niềm tin phát triển và trở nên viên mãn.
Khởi điểm của lòng tin là sự hoán cải. Con người chỉ có thể hoán cải nhờ sự thúc giục và soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Hoán cải rồi, con người mới có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, bởi sức mạnh của Thánh Thần (1Cr 12, 3).
Nhờ Thánh Thần, chúng ta mới có thể cởi bỏ con người cũ, để mặc lấy con người mới, trở nên "tạo thành" mới trong Đức Kitô (2Cr 5, 17). Tạo vật mới được Chúa Thánh Thần hun đúc, như Người đã hun đúc thân xác Đức Giêsu trong lòng Trinh Nữ Maria.
Tiến trình tái sinh cũng là tiến trình canh tân đổi mới của Chúa Thánh Thần (Tt 3, 5). Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là Con Thiên Chúa và là Ađam mới.
B. THẦN KHÍ THÁNH HOÁ.
1. Nhận lãnh Thánh Thần.
Theo mạc khải Tân Ước, mọi kitô-hữu đều có Thánh Thần , đó là điều khác biệt căn bản giữa người tái sinh và người chưa tái sinh (Gd 19). Kitô-hữu tự mình không có Thánh Thần, không làm chủ Thánh Thần, vì Thánh Thần như gió muốn thổi đâu thì thổi. Kitô-hữu có Thánh Thần, vì Thánh Thần đến. Kinh Thánh dùng rất nhiều từ ngữ khác nhau để diễn tả việc Thánh Thần đến. Ngài dùng rất nhiều cách hay nhiều con đường khác nhau để đến với chúng ta, và ban cho chúng ta sự sống thần linh.
2. Thần Khí thánh hóa.
Thánh hoá hay nuôi dưỡng và phát triển là công việc của Thánh Thần. Mỗi người kitô-hữu được mời gọi lớn lên trong ân sủng và hiểu biết hơn về Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta và là Đấng Cứu Thế (2Pr 3, 18).
Sự lớn lên hay triển nở chưa hoàn tất khi chúng ta còn ở trần gian. Theo đà lôi kéo của Chúa Thánh Thần chúng ta cần phải vươn lên không ngừng, không được lãng phí các hồng ân của Thiên Chúa và của Đức Giêsu Kitô .
Thánh Thần làm cho chúng ta triển nở về nhiều phương diện. Trước hết Ngài thiết lập quan hệ phụ tử giữa Thiên Chúa và chúng ta, cho chúng ta trở nên đồng thừa tự với Đức Giêsu Kitô (Rm 8, 14-17 ; Gl 4, 6-7).
Thánh Thần làm chứng chúng ta là con Thiên Chúa . Nhờ Ngài mà chúng ta chắc chắn rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và nhận chúng ta làm con trong Con Yêu Dấu của Người. Nhờ Thánh Thần mà chúng ta dám gọi Thiên Chúa là Cha như Đức Giêsu Kitô đã dạy. Chứng từ của Ngài không là chứng từ bên ngoài, mà là chứng từ nội tâm. Bình an và lòng mến là hai dấu chỉ quan trọng nhất của chứng từ thần linh (Rm 5, 1-5). Sự thay đổi con người cụ thể của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày là kết quả hoạt động của Chúa Thánh Thần bên trong.
Chúng ta còn được Chúa Thánh Thần bảo đảm về đức tin, về trí tri hay ơn hiểu biết Đức Giêsu Kitô và về niềm hy vọng. Về đức tin, vì Tin Mừng mà chúng ta đón nhận được loan báo bằng sức mạnh của Thánh Thần (1Tx 1, 5). Về trí tri, vì chúng ta được soi sáng cho am tường Mầu Nhiệm của Thiên Chúa, tức là Đức Giêsu Kitô (Cl 2, 2). Về lòng trông cậy không lay chuyển, vì Thiên Chúa đã hứa và thề với chúng ta qua Abraham (Dt 6, 11-19). Nhờ Thánh Thần, chúng ta kiên trì chờ đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày trở lại của Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng Cứu Thế (Tt 2, 11).
3. Chiến thắng con người cũ.
Kitô-hữu là Đền Thờ Thiên Chúa, nơi có Thần Khí Thiên Chúa cư ngụ (1Cr 3, 16-17). Đền Thờ ấy phải là Đền Thánh.
Thánh Thần được ví như Lửa, vì Người sưởi ấm tâm hồn chúng ta, làm cho trái tim chúng ta bừng cháy lửa yêu mến Thiên Chúa. Người soi sáng tâm trí chúng ta, xoá tan bóng tối do tội lỗi và ác thần. Người thanh tẩy đền thờ, làm cho sạch mọi rác rưởi và nhơ bẩn của con người cũ : Người trang hoàng và làm cho đền thờ xinh đẹp, xứng đáng là nơi thờ phượng Thiên Chúa. Người như ngọn lửa toàn thiêu, lan rộng và đốt cháy mọi nơi mọi chỗ trong con người chúng ta. Nhờ Thánh Thần, chúng ta thiêu huỷ, giết chết việc vàn của xác thịt (Rm 8, 13).
Hằng ngày chúng ta phải chiến thắng các mãnh lực của con người cũ ; và chỉ có Chúa Thánh Thần mới bảo đảm chiến thắng trong từng ngày sống.
Trong thư Galat, Phaolô kê khai các việc của xác thịt, mà chúng ta không chiến thắng được, nếu không nhờ Thần Khí (5, 19-21), và sau chiến thắng đó, chúng ta sẽ thu lượm được những hoa quả dồi dào của Thần Khí (5, 22-23).
C. CHÚA THÁNH THẦN LÀM CHO TA ĐƯỢC VINH HIỂN.
Ngoài việc tái sinh và thánh hoá chúng ta, Chúa Thánh Thần còn làm cho chúng ta được hưởng vinh quang bất diệt. Kinh Thánh diễn tả hoạt động này của Chúa Thánh Thần bằng nhiều thành ngữ khác nhau :
1. Chúng ta được niêm ấn bởi Thánh Thần (Ep 1, 13-14 ; 2Cr 1, 21-22).
Ấn tín là dấu hiệu bảo đảm được ghi khắc trên con người chúng ta, khiến Thiên Chúa Cha nhận chúng ta làm con cái, đồng thừa tự với Đức Giêsu. Ấn tín ấy là Chúa Thánh Thần trong tâm hồn chúng ta. Ai có Chúa Thánh Thần, chắc chắn được cứu độ, vì không có quyền lực nào, kể cả Satan, có thể bẻ gảy ấn tín Thiên Chúa nơi chúng ta.
2. Chúa Thánh Thần phục sinh thân xác chúng ta.
Chúa Thánh Thần là nguồn mạch sự sống. Người là Thần Khí Tác Sinh (Ga 6, 63). Người làm cho các bộ xương khô được phục hồi sự sống (Ed 37, 1-14). Như Người đã phục sinh thân xác Đức Giêsu, Người sẽ phục sinh thân xác chúng ta (Rm 8, 11).
Ngày Đức Kitô trở lại, Chúa Thánh Thần sẽ lôi kéo chúng ta ra khỏi sự chết, phục sinh toàn diện con người chúng ta.
3. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được vinh hiển.
Như đã làm cho Đức Kitô được phục sinh vinh hiển, Chúa Thánh Thần cũng sẽ làm cho chúng ta được sống lại vinh quang. Con người và thân xác chúng ta không còn nô lệ sự hư nát, nhưng sẽ sáng láng vinh hiển, thông phần sự sống bất diệt của Thiên Chúa Ba Ngôi (1Cr 15, 42-45).
D. CÁC TỘI PHẠM ĐẾN THÁNH THẦN .
Theo Tân Ước có bốn loại tội chống lại hoạt động của Chúa Thánh Thần :
* Lộng ngôn chống lại Thánh Thần (Mt 12, 31-32)
- Cưỡng lại, đối địch với Chúa Thánh Thần (Cv 7, 51).
- Lăng mạ Thần Khí (Dt 10, 29).
* Dập tắt Thánh Thần (1Tx 5, 19-22).
* Đối đầu với Thánh Thần (Ga 5, 16-24).
* Làm phiền lòng Thánh Thần (Ep 4, 30).
- “Lộng ngôn chống lại Thánh Thần”. Theo các sách Tin Mừng, lộng ngôn phạm thượng chống lại Thánh Thần là tội "cứng tin", không chấp nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần trong công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Nhiều người Do Thái cứng lòng đã khước từ Đức Giêsu, họ phạm thượng chống lại Thánh Thần.
- "Dập tắt Thần Khí" thường được giải thích theo nghĩa "không biết tôn trọng các đặc sủng" mà Thánh Thần ban cho để xây dựng Hội Thánh. Những người cai trị độc đoán trong Hội Thánh hay mắc phải tội này. Trên bình diện tu đức, đây là tội không nghe theo những gợi ý, thúc giục của Thánh Thần trong nội tâm. Hoạt động của Thánh Thần ví như ngọn lửa vừa khơi dậy, thì bị sự ươn lười hay khô khan nguội lạnh làm tắt đi.
- "Đối đầu với Thánh Thần": Nơi người kitô-hữu, có hai động lực đối đầu nhau : động lực xác phàm và động lực Thần Khí. Hai động lực này không thể đi đôi với nhau, vì hoàn toàn đối nghịch nhau. Hoạt động của xác phàm dẫn tới sự chết, chỉ có hoạt động của Thần Khí mới đưa tới sự sống.
Nhưng quyền lực của Thần Khí bao giờ cũng mạnh hơn, và nếu hứng theo Thần Khí, thì nhờ Thần Khí, chúng ta sẽ chiến thắng và giết chết việc vàn của xác thịt và chúng ta sẽ sống. Kinh Thánh Tân Ước không ngừng thúc giục chúng ta sống theo Thần Khí, đừng chiều theo xác thịt.
Đối đầu với Thánh Thần là chiều theo xác thịt, để cho các khuynh hướng xấu đưa tới hành vi xấu, nghĩa là phạm tội thực sự. Mỗi lần để cho xác thịt làm động lực chi phối hay làm chủ cuộc sống là một lần đối đầu lại với Thánh Thần.
- "Làm phiền lòng Chúa Thánh Thần". Vì Thánh Thần là một Ngôi Vị, nên cách cư xử hay hành động của chúng ta có thể làm cho Người phiền lòng. Theo thư Phaolô, thì mọi hành vi và cách cư xử không phù hợp với cương vị của người kitô-hữu đều làm mất lòng Thiên Chúa làm phiền lòng Thánh Thần.
VI. CON NGƯỜI ĐẦY THẦN KHÍ.
A. NHỮNG CON NGƯỜI ĐẦY THẦN KHÍ.
1. Thời Cựu Ước.
Người đầu tiên trong Cựu Ước được coi là "đầy Thần Khí" là Bơxalêel, người thợ cất Trướng Tao Phùng (Xh 31, 3 ; 35, 31). Giôsua được coi như người có Thần Khí nơi mình, xứng đáng kế vị Môsê (Ds 27, 18). Sách Thứ Luật cho rằng Giôsua đầy Thần Khí vì được Môsê đặt tay trên ông (34, 9).
Ngôn sứ Mica tự coi mình là người đầy sức mạnh, đầy Thần Khí Giavê (Mk 3, 8). Eâdêkiel thì cho rằng Thần Khí nhập vào ông, lôi ông đứng dậy, giao cho ông sứ vụ phải thi hành hay những điều cụ thể phải làm (Ed 2, 2 ; 3, 24).
2. Các nhân vật đầy Thần Khí trong Tân Ước.
Trong số những người nghèo của Giavê ngóng chờ ơn cứu độ có một số người, cả nam lẫn nữ, được Tin Mừng Luca gọi là đầy Thần Khí (Lc 4, 1), ngay lúc khởi đầu sứ vụ (Lc 4, 18-19).
Trong sách Công Vụ các Tông Đồ, có nhiều ví dụ về những kẻ đầy Thánh Thần. Trước hết là các Tông Đồ trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống (Cv 2, 4). Phêrô được xem như một người đầy Thánh Thần khi đối diện với Công Nghị Do Thái (Cv 4, 8). Nhóm tín hữu tụ họp cầu nguyện cho Phêrô và Gioan cũng đầy Thánh Thần (Cv 4, 31). Trong số các phó tế, Stêphanô được mô tả là người đầy Thánh Thần và được thị kiến vinh quang Thiên Chúa và Đức Giêsu ngự bên hữu Ngài (Cv 7, 55).
Phaolô, sau khi trở lại và được Hananya đặt tay, được tràn đầy Thánh Thần (Cv 9, 17 ; 13, 9). Barnaba cũng được tác giả sách Công Vụ coi là người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin (Cv 11, 24).
Tuy Tân Ước đề cập đến nhiều nhân vật được coi là đầy Thánh Thần, nhưng Thánh Thần không chỉ dành riêng cho họ. Mọi kitô-hữu đều được mời gọi trở nên con người đầy Thánh Thần (Ep 5, 18).
B. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA CON NGƯỜI ĐẦY THÁNH THẦN.
1. Người đầy Thánh Thần là người hoàn toàn để cho Thánh Thần hướng dẫn (Gl 5, 8).
Người đầy Thánh Thần biết chắc rằng Thánh Thần sẽ dẫn đưa mình đi trên những con đường phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa. Người ấy tức khắc đi theo Thánh Thần khi vừa nhận ra Thánh Thần đang mở đường cho mình và cương quyết không đi vào những con đường mà Thánh Thần ngăn cản.
Thánh Thần mong mỏi tất cả chúng ta đi theo Người. Bất cứ nhà hướng đạo nào đều có thể làm cho chúng ta lạc đường. Chỉ có Thánh Thần biết rõ con đường dẫn tới Thiên Chúa và biết rõ từng người chúng ta.
2. Người đầy Thánh Thần là người hành trình trong Thánh Thần (Gl 5, 6. 18).
Cuộc sống của người kitô-hữu là cuộc hành trình theo tiếng gọi của Thiên Chúa (Ep 4, 1). Người có tinh thần thế tục thì sống theo tiếng gọi của thế gian. Họ thuộc về thế gian, vì thế gian lôi cuốn và chi phối cuộc đời họ.
Cuộc sống kitô-hữu không thể rập theo cuộc sống trần tục, Cuộc đời của họ phải giống như bức thư của Chúa Kitô viết bằng mực Thần Khí, gửi đến những người chung quanh (2Cr 3, 3).
Con đường của kitô-hữu là con đường Tử Nạn - Phục Sinh của Đức Kitô, không phải con đường tiện nghi dễ dãi. Nhưng Thánh Thần luôn hiện diện để nâng đỡ và khích lệ, mỗi khi chúng ta tiến tới từng bước, rời bỏ thế giới gian tà, hướng về Quê Hương Đích Thực của chúng ta là Nước Trời.
3. Người đầy Thánh Thần là người có não trạng thiêng liêng (Rm 8, 5 ; 1Cr 10, 15).
Người thường xuyên nghĩ đến những thực tại thần thiêng (Cl 3, 1-4), thích những điều thuộc về Thiên Chúa (Thánh Ý Thiên Chúa).
Người đầy Thánh Thần thì sống bằng Lời Chúa, giống như thức ăn cứng dành cho người trưởng thành, vì người ấy đã trưởng thành trong Đức Kitô (Dt 5, 13-14). Người đầy Thánh Thần ham mê đọc Kinh Thánh để rút ra từ đó những giáo huấn xây dựng cho bản thân và tha nhân.
Người đầy Thánh Thần thì tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã (Mt 6, 33) và vì đó mọi thứ khác trở nên phụ thuộc. Công việc chủ yếu của người đầy Thánh Thần là loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho đến tận cùng trái đất.
4. Người đầy Thánh Thần là người mang hoa trái của Thánh Thần (Gl 5, 22-23).
Như nhựa sống trong thân cây mang lại hoa quả đúng mùa, Thần Khí hoạt động trong tâm hồn kitô-hữu cũng mang đến mùa gặt thiêng liêng với nhiều hoa trái. Các hoa trái ấy đều cùng do một Thánh Thần và chỉ đối nghịch với hoa quả xấu của thế gian. Luật của Thiên Chúa không bao giờ đi ngược với những ân sủng ấy và chỉ chống lại những việc của xác thịt. Đối với con người đầy Thần Khí, thì luật của Thiên Chúa là luật của tình yêu và tự do, vì đâu có Thánh Thần, đó có tự do.
Đời sống kitô-hữu phải là đời sống sinh nhiều hoa quả thánh thiện. Nhiều chỗ trong Tân Ước, khi đề cập đến đời sống kitô-hữu, đều nói tới hoa quả công chính mà đời sống ấy mang lại (Ga 15, 2 ; Ep 5, 9 ; Pl 1, 11 ; Cl 3, 12 ; Gc 3, 17). Chỉ có người kitô-hữu đầy Thánh Thần mới có thể sáng ngời vẻ đẹp của hoa quả công chính. Ai để cho Thần Khí hướng dẫn, sống và hành động trong Thần Khí, thì mới trở thành cây tốt sinh nhiều trái tốt. Hoa trái của Thánh Thần là kết quả siêu nhiên của cuộc đời sống theo Thần Khí. Thần Khí giống như môi sinh tuyệt hảo; hạt giống nào được gieo trong đó, thì chắc chắn sẽ sinh sôi nảy nở đúng mùa và sẽ gặt được sự sống đời đời (Gl 6, 8-9).
VII. CƯƠNG VỊ CỦA THÁNH THẦN TRONG LỊCH SỬ CỨU ĐỘ.
A. THIÊN CHÚA HIỆN HỮU VỚI TƯ CÁCH LÀ BA NGÔI.
Mạc Khải Tân Ước dạy rõ ràng về Thiên Chúa Ba Ngôi (Lc 1, 35 ; 2, 21-22 ; Mt 28, 19 ; 1Cr 12, 4-6 ; 1Pr 1, 2). Dĩ nhiên chỉ có một Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa có Ba Ngôi và là Ba Ngôi : Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần. Mỗi Ngôi Vị đều là Thiên Chúa, dù vậy vẫn có một Thiên Chúa mà thôi. Mỗi Ngôi Vị đều bằng nhau về thần tính cũng như về ưu phẩm, nhưng không có ba Thiên Chúa ngang nhau, mà chỉ có một Thiên Chúa. Mỗi Ngôi Vị có vai trò riêng, dù vậy vẫn có một Thiên Chúa. Mỗi Ngôi Vị đều có trọn vẹn sự sống thần linh trong mình, dù chỉ có một sự sống thần linh duy nhất.
Mầu Nhiệm Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi, là một mầu nhiệm vĩ đại sâu thẳm, mà trí tuệ con người không thể nào hiểu hết, nhưng chỉ có thể đón nhận bằng đức tin. Thực tại Ba Ngôi không là một điều nghịch lý, nhưng là nghịch thường và siêu lý. Mầu Nhiệm Ba Ngôi là ánh sáng chói loà rạng rỡ, ánh sáng ban sự sống cho những ai khiêm nhường đón nhận, và là bóng tối dày đặc, đầy mâu thuẩn đối với những kẻ kiêu căng, muốn dùng lý trí mà làm thước đo Siêu Việt.
B. CÁC TÁC ĐỘNG ĐẶC BIỆT DÀNH RIÊNG CHO CHÚA THÁNH THẦN.
Mỗi Ngôi Vị đều có hành động riêng. Trong Kinh Thánh và thần học, một số công trình thường được gán riêng cho Chúa Cha, số khác được gán cho Chúa Con, và một số khác nữa dành riêng cho Chúa Thánh Thần, dù thực ra cả Ba Ngôi Vị đều cùng chia sẻ những công trình ấy.
Trong lịch sử cứu độ, Chúa Con được Chúa Cha chỉ định làm người và chịu chết để chuộc tội nhân loại. Một vài công việc được trao cho Chúa Thánh Thần.
1. Làm Tác Giả của Sự Sống.
Trong thế giới thần linh, Chúa Thánh Thần vẫn được coi như Tác Giả Sự Sống ; Người là Thần Khí Tác Sinh (Ga 6, 63).
Hoạt động của Người được biểu lộ ngay từ lúc tạo dựng (St 1, 2). Người còn là tác giả việc Đức Kitô thành thai trong lòng Trinh Nữ Maria (Lc 1, 35 ; Mt 1, 18-20). Người là tác giả tái sinh những con người đã chết chôn trong tội (Ga 3, 8 ; Ep 2, 1-2). Cuối cùng, tác động sáng tạo (ban sự sống) của Người biểu lộ trong sự phục sinh thân xác Đức Kitô và sau này trong sự Phục Sinh Cánh Chung của mọi người kitô-hữu (Rm 8, 11).
2. Đấng ban Ánh Sáng (Soi Sáng).
Thánh Thần cũng được coi như là Đấng ban ánh sáng. Sự chiếu sáng thần thiêng này tiên vàn biểu lộ qua việc Người linh hứng lời Kinh Thánh. Người cũng soi sáng trí tuệ và trái tim của những người chưa được tái sinh, còn bị Satan cầm buộc trong bóng tối.
Người là tác giả sự giác ngộ trí tuệ và tâm hồn của các kitô-hữu (Ga 16, 13 ; Ep 1, 17-18).
C. SỰ TÙY THUỘC CỦA CHÚA THÁNH THẦN.
Trong Ba Ngôi, Mỗi Ngôi Vị đều là Thiên Chúa, đồng bản tính, quyền năng và vinh dự. Nhưng trên bình diện mạc khải hay chức năng, có sự tùy thuộc lẫn nhau. Thánh Thần tuỳ thuộc Chúa Cha và Chúa Con.
1. Chúa Thánh Thần phát xuất từ Cha và Con.
Cũng dựa vào Tin Mừng Ga 15, 26, Giáo Hội Latinh khẳng định Thánh Thần bởi Cha và Con mà ra. Giáo Hội Hy Lạp quả quyết Thánh Thần bởi Cha qua Con.
Tranh luận này trước đây rất gay gắt và đã đưa đến cuộc ly giáo lớn nhất vào năm 1054. Ngày hôm nay, các thần học gia cởi mở của cả hai bên đều cho rằng hai lập trường này có thể bổ sung cho nhau.
Nhưng có một điều chắc chắn phải tin là Thánh Thần bởi Cha, xuất phát từ Cha, được Cha sai đến do sự can thiệp của Đức Kitô Phục Sinh. Không thể nói ngược lại là Cha bởi Thánh Thần hay Con bởi Thánh Thần.
Cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều nhất mực làm chứng cho chân lý này, và có nhiều cách nói khác nhau để diễn tả:
- Thiên Chúa ban Thánh Thần (Lc 11, 13 ; Ga 3, 34).
- Thánh Thần là Hồng Ân đến từ nơi Thiên Chúa (Cv 2, 38 ; 10, 45 ; 11, 17).
- Thiên Chúa sai Thánh Thần (Tv 103/104 ; 30 ; Ga 14, 260).
- Đức Kitô thông phần vào việc sai Thánh Thần (Ga 15, 26 ; 16, 7 ; Cv 2, 33).
- Thiên Chúa đổ Thần Khí xuống trên con người (Ed 39, 29 ; Ge 2, 28 ; Cv 2, 17 ; 10, 45).
2. Danh xưng hay các tên của Thánh Thần.
Mạc khải còn biểu lộ sự tùy thuộc của Thánh Thần qua những danh xưng gán cho Người, làm nổi bật quan hệ của Chúa Thánh Thần với các Ngôi Vị khác. Người thường xuyên được gọi là Thánh Thần của Thiên Chúa (Rm 8,9 ; 1Cr 2,10-11)
Điều đó không có nghĩa là chúng ta được quyền đồng hoá Chúa Thánh Thần với Chúa Cha, hay coi Thánh Thần thuần túy chỉ là năng lực của Cha. Thánh Thần là một Ngôi Vị như những Ngôi Vị khác, nhưng Người tùy thuộc vào Cha đến nỗi có thể gọi Người là "Thánh Thần của Thiên Chúa".
Thánh Thần còn được coi là Thánh Thần của Đức Kitô, hay Thánh Thần của Đức Giêsu (Gl 4, 6 ; Pl 1, 19 ; 1Pr 1, 11). Danh xưng này không ám chỉ phần tinh thần của con người Giêsu, cũng không là tinh thần theo một nghĩa trừu tượng hơn như "tinh thần khó nghèo", "tinh thần hy sinh". Người được gọi là Thánh Thần của Đức Kitô, vì Người đến từ Đức Kitô, làm chứng cho Đức Kitô và làm cho Đức Kitô được vinh hiển.
Các Danh Xưng của Thánh Thần biểu lộ cách chắc chắn và rõ ràng sự tùy thuộc của Thánh Thần đối với Chúa Cha và Chúa Con. Kinh Thánh Tân Ước không bao giờ dùng những thành ngữ như "Đức Kitô của Thánh Thần" hay "Thiên Chúa của Thánh Thần".
3. Chức năng.
Chúa Thánh Thần là Đấng hoàn tất các quyết định của Thiên Chúa Ba Ngôi. Người có sứ mạng hoàn thành lịch sử Cứu Độ. Người đưa ơn Cứu Độ của Đức Kitô đến cho các kitô-hữu, làm cho ơn ấy thấm vào linh hồn và cuộc đời họ.
4. Thời đại.
Trật tự thời gian Mạc Khải Thiên Chúa Ba Ngôi là : Cha - Con - Thánh Thần.
Thời Cựu Ước được coi là thời mạc khải Chúa Cha, mặc dù Chúa Cha chỉ được mạc khải trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô trong thời Tân Ước. Chính xác hơn, Chúa Cha là Đấng được mạc khải đầu tiên. Đức Kitô chỉ được tiên báo cách tiềm tàng trong các sấm ngôn của ngôn sứ. Và Thánh Thần, tuy đã hoạt đông thời Cựu Ước, nhưng chưa được nhận biết như một Ngôi Vị.
Mạc Khải Cựu Ước đã chứa những mầm mống về mầu nhiệm Ba Ngôi, nhưng chủ yều là mạc khải về Thiên Chúa Duy Nhất. Trong giai đoạn đầu của Mạc Khải, con người cần phải nắm vững niềm tin độc thần trước đã. Đó là tín điều lớn nhất của Cựu Ước (Đnl 6, 4-5). Điều này hết sức cần thiết cho bối cảnh đa thần giáo ở vùng Trung Đông thời bấy giờ . Dựa vào Cựu Ước, chúng ta phải nhận rằng không phải Chúa Con hay Chúa Thánh Thần, mà chính Chúa Cha là Thiên Chúa Độc Nhất của Mạc Khải Cựu Ước.
Đến giai đoạn Tân Ước, chúng ta thấy Chủ Vị nổi bật là Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Cả bốn Phúc Âm đều nói rất nhiều về Ngài, về giáo lý, về cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Ngài. Ngài là Vị Thiên Chúa trở thành xác phàm, trung tâm điểm của Mạc Khải Tân Ước.
Khi Đức Kitô được siêu tôn vinh hiển, đến lượt Chúa Thánh Thần đóng vai trò nổi bật, đặc biệt từ lúc Người Hiện Xuống, vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Thời đại chúng ta đang sống là thời đại của Chúa Thánh Thần. Điều này không có nghĩa là Chúa Cha và Chúa Con không có vai trò nào trong giai đoạn này. Thời gian này là thời đại mà Chúa Thánh Thần hoạt động để cho nhân loại hưởng nhờ tất cả những hồng ân mà Đức Kitô mang đến trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Ngài.
Chính Chúa Kitô đã sai Thánh Thần đến cư ngụ giữa chúng ta trong thời gian Ngài vắng mặt, cho tới khi Ngài trở lại trong vinh quang. Trong giai đoạn này, Thánh Thần là Đấng An ủi và Bầu chữa thay cho Chúa Kitô (Ga 14, 16-18. 25-27 ; 15, 26 ; 16, 5-15).
Hơn nữa, Giao Ước Mới mà Đức Kitô đã ký kết bằng Máu của Ngài, bằng Hy Tế Thập Giá được gọi là Giao Ước trong Thần Khí. Thừa tác vụ hiện nay là thừa tác vụ của Thần Khí (2Cr 3, 8). Thánh Thần làm cho Giao Ước Mới trở nên hữu hiệu. Người đưa dẫn mọi kẻ tin Đức Giêsu Kitô vào trong lòng Giao Ước Mới.
Tất cả những gì Thiên Chúa làm trong thời gian này, Ngài làm qua Thánh Thần, nhờ Thánh Thần và trong Thánh Thần. Thánh Thần tái sinh, thánh hoá, giáo huấn, hướng dẫn và thậm chí làm cho những ai tin vào Đức Giêsu Kitô được hạnh phúc và vinh hiển.
Tội chống lại Thánh Thần vẫn là tội lớn nhất trong giai đoạn này (Mt 12, 32 ; Lc 12, 10). Trong kỷ nguyên mới đã được Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô mở ra, không ai còn được phép hứng theo xác thịt, mà phải hứng theo Thần Khí.
D. PHẦN CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG VIỆC THI HÀNH CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA.
Nói theo từ ngữ thần học của Công Đồng Vatican II, sáng kiến cứu độ là của Chúa Cha. Chúa Cha chia sẻ và bàn bạc về sáng kiến ấy với Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Và việc thực hiện sáng kiến giống như một bản trường ca gồm hai phần chính : Chúa Con nhận lãnh thực hiện phần đầu, và phần hai là của Chúa Thánh Thần.
Trong phần đầu, nhờ Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã đến với loài người, ở giữa loài người cách trọn vẹn. Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa đến gần con người cách tối đa, đến nỗi trở thành người như mọi người ngoại trừ tội lỗi.
Đức Kitô đến với loài người để mạc khải tình thương của Chúa Cha cho họ. Hơn thế nữa, Ngài còn đến với loài người để chịu chết vì họ, cho họ, để cùng họ dâng lên Chúa Cha Hy Tế Duy Nhất đẹp lòng Người, và đó là Hy Tế Tình Yêu trọn vẹn : Tình Yêu đối với Chúa Cha và Tình Yêu đối với loài người (Dt 10, 9-18). Tình Yêu của Chúa Kitô là tình yêu cứu chuộc đã tẩy xoá muôn vàn tội lỗi (Rm 5, 6). Công việc cứu thế của Đức Kitô là phần một.
Phần thứ hai là dựa vào Công Trình ấy mà nâng con người lên, đưa con người trở về cùng Thiên Chúa, giúp con người vượt qua thế gian về cùng Cha giống như Đức Kitô đã làm. Phần này là phần của Chúa Thánh Thần. Thánh Thần làm cho loài người nhận biết họ là tội nhân, họ cần ơn cứu độ của Đức Giêsu Kitô ; Đức Giêsu Kitô là Đấng đã chết vì họ và cho họ, nên họ phải tin vào Ngài ; tin vào Ngài, họ sẽ được hạnh phúc và sự sống đời đời.
Nếu trong phần một, việc phục vụ khiêm tốn và đầy yêu thương nổi bật nơi Đức Giêsu Kitô, thì trong phần hai, việc phục vụ này nổi bật trong công việc của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần đến để phục vụ Chúa Kitô và các kitô-hữu. Người phục vụ cho niềm tin và tình yêu của kitô-hữu đối với Chúa Kitô và phục vụ cho Chân lý mạc khải nơi Đức Kitô.
Cả hai phần này được nói đến rõ ràng trong Tân Ước, nhưng một phần nào đã được tiên báo trong Cựu Ước, qua Gương Mặt Người Tôi Tớ Đau Khổ của Giavê trong II Isaia, và sấm ngôn của tiên tri Giôel về Thần Khí mà Thiên Chúa đổ tràn trên nhân loại vào ngày Messia cánh chung (Is 53 ; Tv 22 ; Ge 3, 1-5). Dù phân biệt làm hai phần, chúng ta không được phép tách rời hai phần ấy, trái lại cần phải nhấn mạnh sự gắn bó mật thiết giữa sứ vụ của Chúa Kitô và sứ vụ của Chúa Thánh Thần, mà thần học hôm nay gọi là "sứ vụ liên kết" (missions conjointes).
TGM Phaolô Bùi Văn Đọc
(Trích simonhoadalat.com)