Nguồn gốc, lịch sử của Giáo Hội (Phần 4 - Kết thúc)

 

Hiện Xuống và Giáo hội hoàn thành

 

 

 

Còn thiếu gì nữa ? Như đã thấy, Ðức Giêsu đã đoàn họp nhóm tông đồ ; đã lập một cộng đoàn cánh chung, đã khai mở Nước Chúa. Ấy là bao nhiêu yếu tố cấu thành Giáo hội; nhưng mầu nhiệm Giáo hội còn phong phú hơn nữa.

 (a) Giáo hội vốn phổ quát, công giáo; mà cho đến đây, chỉ mới thấy Giáo hội gồm có một nhóm người Do thái không thôi. (b) Giáo hội vốn mang bản chất truyền giáo (AG 2); mà đến đây, vẫn chưa thấy nhóm tông đồ đi giảng Tin mừng cho dân ngoại, chưa thấy động lực siêu việt thúc đẩy họ ra đi truyền giáo. (c) Hiện nay Giáo hội là một bộ tôn giáo tự lập khác với Do thái giáo. Nhưng sinh thời, Ðức Giêsu và các môn đồ vẫn giữ Luật và sống đạo Do thái; thế là vẫn còn thiếu một yếu tố cá biệt nào đó. (d) Giáo hội là một xã hội có phẩm trật, có tổ chức pháp luật, có cơ cấu siêu nhiên, v.v. và có lẽ nhóm tín hữu kitô sơ khai ấy có tiềm năng từng bước hình thành những yếu tố đó, nhưng trong thực tế trước mắt, chưa thấy có gì là cụ thể, là rõ ràng... Nhóm của họ tựa như là thể xác không linh hoạt, chưa có hồn.

Hiến chế tín lý về Giáo hội của Vaticanô II (số 4-5) dạy rằng ý định của Chúa Cha thành tựu trọn vẹn khi Thánh Thần đến; vì thế, sau biến cố Hiện xuống mới có thể nói được là “Giáo hội phổ quát xuất hiện như ‘một dân tộc được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (LG 4b). Cũng vậy, khi Thần Khí được đổ tràn trên nhóm tông đồ , thì “Giáo hội đã nhận lãnh sứ mạng rao truyền và thiết lập Nước của Ðức Kitô và của Thiên Chúa trong mọi dân tộc” (LG 5b).

Ðể thấy được là chính Chúa Thánh Linh đã hoàn chỉnh Giáo hội, thì nên chú ý đến những điểm sau đây:

1. Văn bản cơ bản là Cv 2:1-13

Hai chú cước: 1) về các tiếng lạ, 2) về danh sách các dân tộc. [45]

a. Các tiếng lạ.– Khi Thần Khí xuống, mọi người trong cộng đoàn hiện diện đã “bắt đầu nói các thứ tiếng khác...” (Cv 2: 4), khiến những người đến từ nhiều nước khác nhau, phải ngạc nhiên, vì mỗi người nghe các tông đồ nói tiếng quê mình. Ðó là hiện tượng glossolalia (nói tiếng lạ, nói huyên thuyên), như đã xẩy ra trong nhiều cộng đoàn do thánh Phaolô thành lập (x. 1Cr 14), và như vẫn còn gặp thấy hiện nay. [46] Hiện tượng ấy cũng xẩy ra khi Cornêliô nghe Phêrô giảng (x. Cv 10: 44-46), hoặc khi người Êphêsô chịu phép rửa (x. Cv 19: 6).

Thánh Luca muốn rút tỉa một bài: như xưa, vì tội lỗi mà loài người không hiểu được ngôn ngữ của nhau và phải phân tán tách biệt nhau (x. St 11: 1-9), thì nay, Thánh Thần đến thống nhất mọi loại trong cùng một ơn cứu độ duy nhất. Xưa, người Do thái có câu truyện kể rằng: nguyên thủy, con người con vật đều nói cùng một thứ tiếng; nhưng vì tội muốn “chọc trời” với tháp Babel, Thiên Chúa đã phạt làm cho họ không còn hiểu nhau được nữa; tuy nhiên, vào thời Thiên sai nhân loại sẽ được nói chung cùng một tiếng. [47] Xin được lưu ý là niềm hy vọng ấy quả đã thành hiện thực, vì Thánh Thần đã hoạt động qua các tông đồ . Thánh Phêrô giải nghĩa như vậy (x. Cv 2: 14-21).

Theo một cách giải thích khác, biến cố Hiện xuống lặp lại sự việc đã xẩy ra tại Sinai, khi Thiên Chúa công bố Lề Luật. Theo một truyền thống Do thái, Giavê đã nói 70 thứ tiếng (tức mọi thứ tiếng nói trong thế giới) nhưng chỉ Ítraen mới nghe ra được thôi. Bây giờ ngôn ngữ Hy bá không còn gọi là “tiếng thánh” – tiếng nói lên Tin mừng – vì mọi thứ tiếng đều đang nói lên Tin mừng, và các tông đồ đã trở thành sứ giả phổ quát.

b. Danh sách các dân tộc.– Cv 2: 9-11 kể ra một danh sách các nước chung quanh, có nhiều người kiều cư Do thái; chưa ai giải thích cho rõ ràng và chắc chắn được ý nghĩa của danh sách ấy. Nhưng ít là có thể thấy rõ được một điều: thánh Luca đã nhấn mạnh đến tính cách phổ quát, quốc tế của sứ điệp kitô; đồng thời còn muốn nói lên sự việc Chúa Thánh Thần giới thiệu Giáo hội với muôn dân, và biến đổi các tông đồ thành chứng nhân phổ quát.

2. Giáo hội là cộng đoàn cánh chung

Bài giảng của Phêrô (x. Cv 2: 14-36) đã làm cho nhiều người trở lại và đón nhận phép rửa, tức là gia nhập Giáo hội. Sấm ngôn của tiên tri Giôen ứng nghiệm, bởi cộng đồng cánh chung đã xuất hiện; Luca nhấn mạnh: “hết những ai kêu cầu danh Ðức Chúa, sẽ được ơn cứu độ” (Cv 2: 21), chứ không riêng gì người Do thái, vì Thần Khí xuống “trên hết thảy người phàm” (Cv 2: 17); thật ra, Thiên Chúa đã hứa ban ơn ấy “cho tất cả những người ở xa” (Cv 2 :39), chứ không chỉ dành riêng cho những người ở gần như dân Do thái mà thôi. Ðó là lời ám chỉ tới Is 57: 19, như sau này Ep 2: 13-18 sẽ có dịp giải thích. Như thế, có thể có được một định nghĩa mới về các tín hữu: họ là “ hết thảy những ai kêu cầu danh Ðức Chúa” (Cv 2: 21; x. 9: 14.21; 22: 16; 1Cr 1: 2; 2Tm 2: 22). Tuy nhiên, cần lưu ý là: đối với Giôen “Chúa” là Giavê, còn bây giờ là Ðức Kitô. Cuối cùng, đoạn trình thuật cho biết là đã có chừng ba ngàn người chịu phép rửa (x. Cv 2: 41); nghĩa là Giáo hội hữu hình, Giáo hội của các bí tích đã thực sự khai thủ.

3. Chúa Thánh Thần kiện toàn Giáo hội

Nhóm môn đồ của Ðức Giêsu đã trở thành một cộng đồng đặc thù: họ tin vào Ðức Kitô sống lại, có nghi thức đặc biệt là phép rửa và lễ nghi “bẻ bánh;” họ sống theo một cách thức riêng như đọc thấy qua các đoạn trình thuật trong sách Công Vụ Tông Ðồ (x. Cv 2: 42-47; 4: 32-35; 5: 12-16). Các đoạn này cho biết về một số chi tiết: họ chân thành sống theo giáo huấn của các tông đồ : “giáo huấn” đây là điđakhế tức là giáo lý trình bày cho các tín hữu, chứ không phải kếrygma tức là sứ điệp căn bản; họ sống thông công, nghĩa là đồng ý để chung của cải; họ gặp nhau để bẻ bánh, tức là để dùng bữa chung trong đó có cử hành Lễ Tạ ơn; họ cầu nguyện cùng với nhau, hoặc là trong Ðền thờ (x. Cv 3: 1) hoặc là tại nhà riêng (x. Cv 4: 24-31).

Như thế là đã có thể thấy được những đặc nét của Giáo hội: cộng đoàn do các tông đồ hướng dẫn; cộng đồng tương ái tương trợ. Các tín hữu là “anh chị em” của nhau và được gọi là “thánh” (x. Cv 9: 13.32.41,...): “thánh” có nghĩa là “tách biệt,” “dành riêng” cho Chúa. Ðó là tước hiệu của dân Chúa, là hoa quả của Thánh Thần. Như thế, với Thánh Thần Giáo hội là Hội thánh, tựa như thân thể kết hợp với “linh hồn” vậy. Thánh Luca nêu bật sự hiệp nhất ấy, cũng do Thần Khí tác tạo nên. Trình thuật về Anania và Saphira (x. Cv 5: 3-9) cho thấy tội phạm đến cộng đoàn là phạm đến Thánh Thần. Có lãnh nhận Thần Khí, thì Giáo hội mới có được nguyên lý hoạt động (hằng tồn tại ở trong cộng đoàn: Ga 14: 17), nghĩa là nguyên ủy các nhiệm vụ trong đời sống đối nội và đối ngoại, như thánh Phaolô đã trình bày (x. 1Cr 12: 4-11). [48]

Tắt một lời: Thánh Thần biến đổi cộng đồng Do thái [49] thành Giáo hội, biến đổi các môn đồ thành tông đồ , biến đổi tín đồ Do thái giáo thành tín hữu kitô.

Quá trình biến đổi ấy phức tạp: Trước hết, Nhóm 12 được hồi phục; họ bầu Mátthia thay thế Giuđa (x. Cv 1: 15-26). Sự việc này cho thấy là Nhóm 12 đóng giữ một tầm trọng yếu đặc biệt ở trong cộng đoàn, và có thế chỉ là vì Ðức Giê-su đã muốn như vậy. Thứ hai: Nhóm 12 có trách nhiệm đối với đời sống cộng đoàn, nhưng lại muốn chia sẻ nhiệm vụ cho một nhóm khác; vì thế, cùng với cộng đoàn Nhóm 12 đã chọn bảy môn đồ làm thành nhóm Bảy, và các Tông đồ đã đặt tay trên họ (x. Cv 6:1-6). Thứ ba: cộng đoàn kitô đã bắt đầu hình thành như một tôn phái trong Ítraen; tín hữu kitô được coi là thuộc về một “đạo” (một lối sống trong Ítraen: Cv 9: 2; 19: 9.23; 22: 4; 24: 14), hay một phái (“phái Nadarét”: Cv 24: 5.14) chẳng hạn như phái Xađốc (x. Cv 5: 17), hoặc là biệt phái (x. Cv 15: 5); họ không muốn tách rời khỏi Ítraen.

Thánh Thần dùng những biến cố để làm cho cộng đoàn kitô buổi đầu ý thức về các “đặc tính” của mình. Các môn đồ có văn hóa Hy lạp (với tinh thần cởi mở hơn) đã không ngần ngại đón nhận những người tân tòng gốc dân ngoại đã theo Do thái giáo, như Nicôla, chẳng hạn (x. Cv 6: 5). Họ ý thức mình là Ítraen mới, bởi đã tin theo Ðấng Thiên sai thật (Stêphanô: Cv 7: 52; Phaolô: Cv 9: 23). Vì thế, khi bị dân Do thái bách hại, họ mở tung biên giới đi ra ngoài lãnh thổ Ítra-en: Philippê rao giảng ở Samaria, là xứ dân lai giống và bị coi như lạc giáo (x. Cv 8: 4ss), và ban phép rửa cho viên thái giám Êthiốp, tức không phải là người Do thái (x. Cv 8: 26tt); có người thì đi Ðamát (ngoại quốc) và đến tận cả Liban, đảo Síp và thành Antiôkhia. Lúc đầu họ chỉ rao giảng cho người Do thái kiều cư, nhưng sau đó cũng rao giảng lời Chúa cho cả lương dân; đã có nhiều người trở lại và tin vào Ðức Kitô (x. Cv 11: 19). Bấy giờ, “Giáo hội địa phương” tuyển chọn và chính thức phái gửi thừa sai đi đến các nước xa hơn (x. Cv 13: 3).

Còn ở Giêrusalem thì các tín hữu kitô nghĩ sao ? Thần Khí thúc đẩy Phêrô đi với dân ngoại và rửa tội cho viên sĩ quan Rôma là Cornêliô và các gia nhân (x. Cv 10); cộng đoàn bỡ ngỡ không hiểu (x. Cv 11). Dù sao thì họ cũng tưởng là phải buộc các người tân tòng ấy giữ Luật Do thái, đặc biệt là việc cắt bì. Song, họ thấy Thánh Thần cũng hiện xuống trên dân ngoại, và chứng kiến sự việc dân ngoại được hưởng nhiều đặc sủng cùng sốt sắng sống “đạo Kitô,” đặc biệt là tại Antiôkhia. Ðể giải quyết các vấn nạn gặp phải, “công đồng” Giêrusalem đã được triệu tập (khoảng vào năm 49) và nhận định: các tín hữu (mà được gọi là “anh chị em”) gốc dân ngoại, không cần phải giữ Luật Môsê (x. Cv 15). Trong thư Galata, thánh Phaolô đã đưa ra những kết luận thần học xác đáng về điểm này.

Tuy nhiên Giáo hội Giêrusalem vẫn còn giữ một tư thế ưu tiên nào đó, và vì vậy mà đã gây ra một vài trục trặc hiểu lầm cho các Giáo hội không Do thái (x. Gl 2: 11-14). Bên ngoài xứ Palêttin, thần học triển phát theo hướng phổ quát, và các Giáo hội không giữ liên lạc với những người Do thái địa phương nữa. Năm 64, khi Nêrô bách hại Giáo hội, người Rôma đã coi Kitô giáo là một tôn giáo khác với Do thái giáo. Ở Giêrusalem, Giáo hội tiếp tục sống theo lối sống Do thái; nhưng khi thành phố bị tàn phá (năm 70), cộng đồng phải di tản và rồi tan biến dần. Ðàng khác, vào cuối thế kỷ I, Do thái giáo tuyệt thông các tín hữu kitô. Trong xã hội, Giáo hội Kitô đã có được thế đứng của một tôn giáo độc lập.

Ðể kết luận về quá trình sáng lập Giáo hội, xin được ghi đây cách phân chia theo mười giai đoạn  do Uỷ ban Thần học Quốc tế đã đề ra: [50]

–– Những lời hứa trong Cựu Ước về dân Thiên Chúa; khi Ðức Giêsu rao giảng, Ngài hiểu là những lời hứa ấy vẫn còn giữ nguyên giá trị cứu độ tiềm dung trong chúng.

–– Ðức Giêsu kêu gọi mọi người trở lại và mời gọi họ tin vào Ngài.

–– Ðức Giêsu kêu gọi và thành lập nhóm Mười hai như là dấu hiệu để hồi phục tòan thể Itraên trong tương lai.

–– Ðức Giêsu đặt cho Simon một tên mới là Phêrô; ông có một chỗ đứng ưu tiên trong nhóm môn đồ, với một sứ mạng đặt thù.

–– Dân Ítraên không chịu tiếp nhận Ðức Giêsu, và dứt hẳn quan hệ với các môn đồ.

–– Nếu, dù thiết lập hy lễ qua bữa Tiệc ly và phải chịu khổ nạn và chịu chết, Ðức Giêsu vẫn tiếp tục tuyên giảng là mình có tối thượng quyền của Thiên Chúa, thì chính là vì Ngài ban sự sống cho tất cả.

–– Nhờ Chúa sống lại, cộng đoàn từng bị phân rẽ – do sự việc phân cách giữa Chúa Giêsu và các môn đồ – đã được xây lại và, sau biến cố Phục sinh, đã được dẫn vào một đời sống đích thực giáo hội.

–– Thánh thần được phái gửi xuống và Ngài làm Giáo hội thành “một tạo vật của Thiên Chúa” (xin xem cảm nghĩ của thánh Luca về lễ Ngũ tuần).

–– Truyền giáo cho lương dân, và Giáo hội của các dân ngọai.

— Ðoạn tuyệt tận rễ giữa “Ítraên thật” và Do thái giáo.

Tựu trung: giáo hội bởi toàn thể biến cố Ðức Kitô mọc lên. Trong lịch sử, những cơ cấu đặc thù sẽ xuất hiện ngày càng cụ thể hơn, do ảnh hưởng của tình trạng văn hóa và nhờ ơn phụ trợ của Thần khí Ðức Kitô.

 

(Trích http://www.htth.org/)

______________________________

 

 [45] Xin xem Cerfaux, L., “La composition de la première partie du livre des Actes,” Ephem.Théol.Lovan. 13 (1936) 667-691; idem. “Le symbolisme attaché au miracle des langues,” ibid. trg. 256-259.

 [46] Xem Mills, W.E., Speaking in Tongues: A Guide to Research on Glossolalia, Grand Rapids: Eedermans, 1986; xem cuốn Charismes dans l’Église et le monde, Paris: Mediaspaul 1994; Hébrard, M., Les charismatiques, Paris: Cerf 1991.

 [47] Xem, Philo Alexanđria, De confusione linguarum, 3; Testam. duodecim Patriarcharum: Juda 28.3.

 [48] Xem Congar, Y., “Le Saint-Esprit et le Corps apostolique, réalisateurs de l’oeuvre du Christ,” trong Esquisse du Mystère de l’Église, Paris: Cerf 1953, trg. 129-179.

 [49] Cộng đồng 120 người (Cv 1:16) là số cần thiết để làm một “hội đường” (synagogue), nghĩa là một hội giáo dân Do thái, tương tự như “hội đường những người được giải phóng” (Cv 6:9).

 [50] Commission Théologique International, “Thèmes choisis d’ecclésiologie,” trong Doc. Cathol. 83 (1986) 57-73, trg. 59

 

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com