Nguồn gốc, lịch sử của Giáo Hội (Phần 3)

 

Giáo hội và Mầu nhiệm Phục sinh

 

 

 

Ðức Giêsu đã sáng lập Giáo hội trong suốt đời sống dương thế của Ngài. [35] Nhưng trong cuộc đời ấy, trọng tâm là mầu nhiệm Phục sinh. Thần học gọi “mầu nhiệm Phục sinh” – những biến cố lịch sử và ý nghĩa của chúng – là giai đoạn cuối cùng cuộc đời trần thế của Ðức Giêsu, khi Ngài “vượt qua” (paskha) từ cõi đời này để về với Cha Ngài (x. Ga 13: 1t). Nhờ cuộc “vượt qua” ấy, Ngài đã hoàn tất công cuộc cứu độ. Truyền thống kitô bao giờ cũng hiểu rằng Giáo hội đã phát sinh từ mầu nhiệm Phục sinh. Sau đây, xin thử bàn đến các biến cố Phuc sinh ấy.

1. Bữa Tiệc ly và việc thành lập Giáo hội

Bữa tiệc ly của Ðức Giêsu với các tông đồ trước lúc Ngài chịu tử nạn, là một thời điểm quan trọng trong quá trình sáng lập Hội thánh. Nhà chú giải A. Feuillet viết: “Như nhiều nhà chú giải thường nhận xét, thiết tưởng phải nhận là trong bữa tiệc ly có một biến cố gì khác hơn là việc đơn thuần thiết lập một bí tích; chính thế, trong dịp này Ðức Giêsu đã khai sinh một tôn giáo mới và đã thành lập Giáo hội.” [36] Lý do là vì, tại đó, Ðức Giêsu đã lập một giao ước mới, một chức tư tế mới và một bữa tiệc cánh chung.

Giao ước mới.– Theo Mt 26: 28 và Mc 14: 24, Ðức Giêsu đã giải nghĩa các cử chỉ Ngài làm trong bữa ăn ấy, coi đó là “giao ước;” còn theo Lc 22: 20 và 1Cr 11: 25 thì đó là “giao ước mới.” Cả hai truyền thống ấy đều nêu rõ mối liên hệ giữa “giao ước” và “máu” cũng như ám chỉ rõ đến Cựu Ước: “Ba đoạn văn Cựu Ước có liên hệ với việc thiết lập Thánh Thể là (1) cuộc hiến tế trên núi Sinai lúc giao ước được kết lập; (2) sấm ngôn của Giêrêmia 31: 31; và (3) các bài thơ của Isaia. Cả ba đoạn văn này đều nêu bật yếu tố nguyên thủy và căn bản trong bữa ăn Thánh Thể; yếu tố đó là: khái niệm hiệp ước. Vì thế, bữa tiệc ly trước hết là một hy tế và một bữa ăn giao ước. Theo các văn bản Cựu Ước, thì giao ước này chỉ có thể được quan niệm trong mối tương quan ấy, nghĩa là một giao ước tất yếu hàm ngụ việc tạo thành một xã hội tôn giáo mới, một dân mới của Thiên Chúa. Nói cách khác, đó là lý chứng hết sức xác đáng cho phép khẳng quyết là trong bữa ăn cuối cùng, Ðức Giêsu đã thật sự thiết lập Giáo hội của Ngài, và Ngài đã lập Giáo hội ấy theo tư chất của một cộng đoàn tế tự (Kultgemeinschaft).” [37]

Khi Ðức Giêsu nói: “máu sẽ đổ ra” hoặc “máu của giao ước mới,” là Ngài muốn ám chỉ đến sự việc Ngài chịu chết trên thập giá “để cứu chuộc nhiều người,” (Mt 20: 28) tức là “để tha tội” (Mt 26: 28).

Ðã lập giao ước mới tất phải có dân mới: khi Giavê kết ước với Ítraen, thì đã có máu, đã có lời (x. Xh 24: 8), rồi Ítra-en đã trở thành dân của Chúa (x. Xh 19: 5-6; Ðnl 7: 6; 26: 16-17). Nên lưu ý là theo truyền thống Giavít, giao ước được ký kết bằng bữa ăn (x. Xh 24: 11); phải ăn xong con chiên vượt qua, rồi dân Do thái mới xuất hành ra sa mạc để đoan kết giao ước với Giavê và trở thành dân Thiên Chúa. Trong Tân Ước, Ðức Giêsu cũng “ăn tiệc vượt qua,” rồi chính Ngài cũng đã “vượt qua” để đi về với Chúa Cha, dẫn đường cho nhóm “Mười hai” (Ítraen mới) đi cùng với Ngài (Ga 14: 2-3). Theo truyền thống Êlôhít, giao ước được đoan kết bằng máu (x. Xh 24: 6-8). Trong bữa tiệc ly của Ðức Giêsu đã có cả hai yếu tố ấy. Trong thời của Ðấng Thiên sai, Thiên Chúa sẽ ban cho Ítraen một giao ước mới (x. Gr 31: 31-42 [38] ; Ed 34: 23-25), giao ước hòa bình (x. Ed 37: 26; Is 54: 10). Tôi tớ Giavê cũng sẽ là một giao ước (x. Is 42: 6). Ðó là giao ước thật sự chung quyết, vì là vĩnh cửu, không còn cần đến một giao ước nào khác (x. Is 54: 10; 59: 21; 61: 8; v.v.).

Vậy, trong bữa tiệc ly Ðức Giêsu đã thực sự mặc lấy thân phận của người “Tôi tớ Giavê.” Thành ngữ “đổ máu” hoặc “máu của Tân Ước” ám chỉ đến Is 52: 13–53:12, là sấm ngôn quan trọng nhất trong Cựu Ước. Thế nên, nhà chú giải X. Léon-Dufour kết luận rằng: “Ðức Giêsu đã lập một giao ước mới bằng máu Ngài... Ítraen ‘vượt qua’ hội nhập vào dân mới này: Giáo hội của Ðức Giêsu được thiết lập ở dưới đất để chuẩn bị cho vương quốc tương lai ở trên trời.” [39]

Tế tự mới.– Khi Ðức Giêsu cử hành lễ vượt qua mới, thì đã tự dâng mình làm lễ vật “cho nhiều người được tha tội;” đó là chức năng của một vị tư tế (x. Dt 9: 14). Quả thế, Thư Do thái viết rằng Ðức Kitô là Thượng tế, là Thượng tế duy nhất của Tân Ước (x. Dt 3: 11; 4: 14; 6: 20,v.v.). Nhưng Ngài đã truyền cho các tông đồ phải tiếp tục tái thi nghi lễ ấy “để nhớ đến Ngài” (Lc 22: 19; 1Cr 11: 24-25). Truyền thống kitô đã nhận ra đó chính là hành động thiết lập một chức tư tế mới, khác hẳn với các dạng tư tế thời xưa. Thư Do thái kết luận: “Quả thế, một khi chức tư tế thay đổi, thì nhất thiết phải thay đổi Lề Luật” (Dt 7: 12); “Lề Luật” ở đây, mang ý nghĩa tương tự như “Hiến chương” của một quốc gia. Một khi đã đón nhận Luật Chúa tại Sinai, thì Ítraen trở thành “dân Chúa”; vì thế, một khi đã đổi Luật, thì “dân Chúa” cũng phải đổi: đã có Luật mới, Giao ước mới, tất phải có “dân mới của Chúa.

Bữa tiệc cánh chung.– Nước Thiên Chúa được so sánh với một bữa tiệc (x. Mt 22: 1-14ss; x. 8: 11-12), như các ngôn sứ đã báo trước (x. Is 25: 6). Như Ðức Giêsu đã sai hai môn đồ đi chuẩn bị cuộc khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem (x. Mc 11: 1-5), thì cũng thế Ngài đã sai hai môn đồ đi sửa soạn phòng Tiệc ly (x. Mc. 14: 12-16): đó là những hành động nói lên phong thái của vị thiên sai.

Khách dự tiệc là nhóm Mười hai, tượng trưng vừa cho 12 chi tộc Ítraen vừa cho “số sót,” tức là mầm giống Ítraen mới: vương quyền thuộc về họ (x. Lc 12: 32; 22: 29). Giờ phút long trọng đã điểm (x. Ga 13: 1ss): một giai đoạn lịch sử cứu độ chấm dứt, một giai đoạn mới bắt đầu. Ðức Giêsu triệu tập các tông đồ và ăn uống với họ, như sau này Ngài sẽ làm một khi Nước Chúa đã sung mãn đạt tới tình trạng quang vinh (x. Mc 14: 25ss; Lc 22: 30). Tức là trong bữa Tiệc ly, Ðức Giê-su ý thức Nước Chúa còn ở trong vị lai, nhưng đồng thời cũng đang được khánh tựu: yếu tố cốt lõi của Nước Thiên Chúa là được mật thiết ngồi vào cùng bàn dự tiệc với Người.

Cộng đoàn kitô sơ khai quả đã hiểu như vậy: vâng theo ý muốn của Ðức Kitô, họ đã tụ họp để dự tiệc tạ ơn, và làm lại những cử chỉ của Ngài. Bữa ăn Tạ ơn (eukharistía) là tâm điểm của cộng đoàn; là trung tâm của thời gian cứu độ: họ hồi tưởng lại cuộc Chúa chịu chết (quá khứ), và loan báo Tin mừng (hiện đại), cho tới khi Chúa lại đến (tương lai); là trung tâm không gian: các anh chị em tản mác nhiều nơi cùng tụ họp lại chung quanh bàn tiệc Mình Máu Chúa, và dù có gián cách về nơi chốn, địa vị, chủng tộc hay văn hóa, thì họ vẫn ăn cùng một tấm bánh uống cùng một chén rượu để trở nên cùng một thân thể (x. 1Cr 10: 17). Nghĩa là trong bữa tiệc Tạ ơn, Giáo hội kín múc ra được sức sống cho mình và ý thức được sứ mạng của mình.

Tóm lại: qua bữa tiệc ly, Ðức Giêsu đã khai mở một giai đoạn mới trong kế hoạch cứu độ: giai đoạn thể hiện trong một cộng đoàn mới, với một nghi thức mới, với một giao ước mới... cộng đoàn mà sau này những người tham dự vào đã gọi là “Giáo hội.” Nếu nhờ Hy lễ Tạ ơn, “Giáo hội Thiên Chúa được xây dựng và tăng trưởng” (UR 15a), thì chính qua bữa Tiệc ly, Ðức Giêsu đã đặt móng, đã sáng lập Giáo hội của Ngài.

2. Giáo hội sinh ra từ trên thập giá

Vaticanô II đã mượn lời thánh Augustinô để khẳng định rằng: “chính từ cạnh sườn Ðức Kitô yên nghỉ trên thập giá, đã phát sinh bí tích huyền diệu là Giáo hội toàn thể” (SC 5b). Ðó cũng chính là xác tín của Truyền thống kitô, thường so sánh Giáo hội với Evà, sinh ra từ cạnh sườn của Ađam (DS 901; xem SC 5 cuối). Ðức Kitô quả là Ađam mới (x. 1Cr 15: 45). Phụng vụ đã tóm kết ý tưởng này trong một bài thánh thi ngày lễ Thánh Tâm:

 “Ex corde scisso Ecclesia Christo jugata nascitur

(Từ trái tim rạn vỡ, Giáo hội quả sinh ra, làm Hiền Thê Ðức Kitô)

Giáo hội là một thực thể phức tạp, bao gồm nhiều yếu tố. Trong cuộc đời công khai rao giảng, Ðức Giêsu đã đoàn họp những thành phần và thành tố cho xã hội mới này: đã có “dấu chỉ,” nhưng chưa có “ý nghĩa,” chưa có “nội dung” của bí tích, tức là ân sủng. Trên thập giá là chính lúc Ðức Kitô đem lại “ơn cứu độ” và hoàn tất công trình xây dựng thân thể của Ngài là Giáo hội: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19: 30). Trong thông điệp Mystici corporis , Ðức Piô XII , dạy rằng: “Nhờ máu Ngài đổ ra trên thập giá, Ðức Kitô đã sáng lập, thánh hiến và vĩnh viễn xây dựng Giáo hội.”

Ðó cũng là giáo thuyết đã được các giáo phụ cả bên Ðông lẫn bên Tây đề xuất: bên Ðông phương thì có chẳng hạn như Clêmentê Alêxanđria (PG 8.300-301), Cyrillô Alêxandria (PG 71.928); còn bên Tây phương, thì khi giải thích về việc lưỡi đòng đâm thủng cạnh sườn Chúa, thánh Ambrôsiô đã viết: “Giờ đây tòa nhà thiêng liêng được xây cất, giờ đây nó được thiết lập, được tạo dựng... giờ đây nó trở thành dòng tộc tư tế thánh thiện” (PL 15.1585). [40]

Các giáo phụ thường so sánh Giáo hội, “mẹ thật của các sinh linh,” với Êvà, tức Giáo hội là “Êvà mới ” phát sinh từ “Ađam mới” (Ðức Kitô) yên nghỉ trên thập giá. [41] Ðó cũng là những gì đọc thấy trong Kinh Thánh: Thư Êphêsô 3: 13-16 cho thấy là nhờ đổ máu ra trên thập giá, Ðức Kitô đã hòa giải và đã qui tụ mọi người thành một dân duy nhất (x. Gl 3: 28). Sách Khải huyền tán tụng Con Chiên vì “đã lấy máu đào mà chuộc về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi dân mọi nước,... và làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế cho Thiên Chúa chúng ta” (Kh 5: 9); đó là “Hội thánh mà Ngài đã mua bằng máu của chính Ngài” (Cv 20: 28). Dùng một dạng của phép ẩn dụ phụng vụ, thư Do thái cũng dạy cùng một giáo lý ấy: “Ngài đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Ngài vào chỉ một lần, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (Dt 9: 12).

Ðặc biệt, thánh Gioan chuyển đạt một cách sống động ý niệm và hình ảnh trên đây. Ðức Giêsu nói rằng khi được nâng lên cao (trên thập giá), Ngài sẽ kéo mọi người đến cùng Ngài (x. Ga 12: 32); và tác giả cắt nghĩa là Thần Khí không thể lan tràn lai láng trước cuộc khổ nạn của Ðức Kitô (x. Ga 7: 37-39). Dựa vào văn đoạn này, thánh truyền đã luôn luôn coi nước và máu vọt ra từ trái tim Ðức Giêsu trên thập giá là dấu ứng nghiệm Kinh Thánh, tức là nước chảy ra chan hòa ở bên hữu Ðền thờ cánh chung, theo thị kiến của Êdêkien 47, hoặc là nước phun ra từ tảng đá ở sa mạc khi Môsê đập vào với chiếc gậy thần kỳ (x. Xh 17: 1-7). Nước và máu tượng trưng cho các bí tích Thánh Thể và Thánh tẩy là những bí tích nền tảng của Giáo hội. [42] Các giáo phụ còn dùng một ẩn dụ khác: lưỡi đòng đã mở cánh cửa của trái tim Ðức Giêsu, ngõ hầu Thần Khí lan tràn trên mọi nhục thể; Thần Khí làm cho Giáo hội sống. [43]

Tắt một lời: trên thập giá, Ðức Giêsu làm trung gian để ký kết giao ước mới bằng máu của Ngài. Như vậy, Ngài đã thành lập Ítraen mới. Theo một dạng ẩn dụ khác: là “dư số trung thành” của dân cũ, Ðức Giêsu đã chết mục như hạt lúa giống (x. Ga 12: 24), để sống lại biến thành dân mới. Trên thập giá, Ðức Giêsu là tiếng “” tuyệt đối về những lời hứa của Thiên Chúa (x. 2Cr 1: 19-20), và như vậy, nơi Ngài những hoài bão và niềm hy vọng của Cựu Ước được hoàn tất ứng nghiệm về dân mới, lề luật mới, giao ước mới, giao ước vĩnh cửu, v.v., nghĩa là thời gian cánh chung khai mào, và đó là thời gian của Giáo hội.

3. Giáo hội phát sinh từ biến cố sống lại

Thần học cũng coi ngày phục sinh như là ngày Giáo hội hình thành. [44] Thật ra, Giáo hội là thân thể của Ðức Kitô, của Ðức Kitô phục sinh. Khi làm cho Ðức Giêsu từ cõi chết sống lại, Chúa Cha “đã đặt tất cả dưới chân Ngài và đặt Ngài làm đầu toàn thể Hội thánh, là thân thể Ðức Kitô...” (Ep 1: 19-23). Và dù Ngài là “trưởng tử mọi tạo vật,” nhưng Ngài là đầu của Hội thánh với tính cách “là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại” (x. Cl 1: 1-20).

 Khi Ðức Giêsu sống lại, Ngài đã hoàn tất chính mình, tức là trở nên Ðấng mà Thiên Chúa đã dự kiến từ đời đời; những tiềm năng của Ngài đã thành hiện thực: thái trạng tự hủy (kênosis) giờ đây đã chấm dứt, và Ngài đã chiếm hữu hết “mọi quyền bính dưới đất cũng như trên trời” (Mt 28: 18). Chính Ngài đã trở nên “con người mới,” trở nên “thần khí ban sự sống” (1Cr 15: 45), nghĩa là Ngài có thể đổi thay con người, tức là công chính hóa các tính hữu (x. Rm 4: 25). Ðức Kitô phục sinh có thể sáp nhập mọi người vào trong Ngài, nghĩa là vừa cấu tạo Nhiệm thể vừa làm cho nó sống động, vì đã được làm cho “trở nên một tinh thần với Ngài” (1Cr 6: 17). Nếu hết những ai “đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí đều trở nên một thân thể” (1Cr 12:13), thì cũng nên lưu ý là chính Ðức Kitô phục sinh đã ban phát Thần Khí ấy (x. Ga 20: 22-23): một việc không thể xẩy ra trước khi Ngài ra đi (x. Ga 16: 7).

Ngày Ðức Giêsu chịu tử nạn, giai đoạn cũ trong kế hoạch cứu độ đã kết thúc: màn đền thờ bị xé ra làm đôi, tối tăm bao trùm bầu trời, đất rung chuyển, các mồ mả mở ra... (x. Mt 27: 51t); đó là những biểu tượng chỉ về “tận thế.” Nhưng, ngày thứ nhất trong tuần, tạo vật mới lại nẩy sinh từ vực thẳm và Ítraen cánh chung xuất hiện, vương quyền Thiên Chúa được khai mở. Dưới một dạng biểu trình tinh tế, thánh Luca đã kể lại là: Ðức Giêsu báo Ngài sẽ “không uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Nước Thiên Chúa đến” (Lc 22: 18), và Ngài đã thực hiện đúng lời Ngài đã nói (x. Lc 24: 43; Cv 10: 41). Còn thánh Gioan thì dùng hình bóng đền thờ cánh chung: người Do thái phá hủy đền thờ ấy, nhưng ba ngày sau Ðức Giêsu đã xây dựng lại (x. Ga 2: 19-22); đó là dấu hiệu cho thấy sấm ngôn của Êdêkien 40-43 quả đã ứng nghiệm, nghĩa là nay là thời đại Thiên Chúa đã hứa và đã chuẩn bị suốt trong lịch sử cứu độ. Một ẩn dụ khác cũng đã được dùng đến: tảng đá thợ xây loại bỏ đã trở nên đá góc... ấy là Nước Thiên Chúa đã được ban cho dân khác... (x. Mt 21: 42-43). Các dấu chứng hùng hồn như thế đã làm cho ngày Phục sinh được gọi là dies natalis Ecclesiae, ngày sinh nhật của Hội thánh, Nhiệm thể Ðức Kitô.

(còn tiếp)

 

(Trích http://www.htth.org/)

_____________________________

 [35] Xem Giáo lý Công Giáo, số 766.

 [36] Feuillet, A., Les grandes étapes de la fondation de l’Église... tr. 14.

 [37] Coppens, J., L’Eucharistie, sacrement et sacrifice de la nouvelle Alliance, fondement de l’Église, DDB 1965, 156-157.

 [38]   Bản văn này đã ảnh hưởng nhiều trên các tác giả của Tân Ước; xem Rm 11: 27; 1Cr 11: 25; 2Cr 3: 6; Dt 8: 8-13; 9: 15; 1Ga 5: 20.

 [39] Léon-Dufour, Xavier, Les Évangiles et l’histoire de Jésus, Paris: Cerf 1963, trg 437.

 [40] Muốn biết thêm, xin xem Tromp, S., “De nativitate Ecclesiae ex corde Jesu in Cruce,” Gregorianum 13 (1932) 489-527

 [41] Xem Tertullianus , PL 2.723; Ambrosiô, PL 15.1585; Augustino â, PL 36.461; 38.1475; Hiêrônimô, PL 26.509, vv.

 [42] Xem Heer, J., Der Durchbohrte, Roma 1966; Rahner, K., “Flumina de ventre Christi,” Biblica 66 (1941) 269-302, 367-403; Cullmann, O., Les sacrements dans l’évangile johannique, Paris 1951.

 [43] Về Thần khí xem Irênêô, Ad.Haer. 5.1.1., PG 7.1121; tác phẩm vô danh ở PL 4.916; Zênô, ở PL 11.252; Cêsariô, PL 39.1850, vv.

 [44] Xem Durrwell, F.X., La Résurrection de Jésus, mystère de salut, (8e éd.), Le Puy 1965, ch.5


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com