CHƯƠNG 7: CỬ HÀNH THÁNH THỂ
Nếu chúng ta đọc lại 4 bản văn Tân ước tường thuật việc Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, xét về bản văn, dù bốn bài tường thuật thuộc hai truyền thống khác nhau, nhưng ta thấy chúng có cùng một cấu trúc chuyển động nhờ 4 động từ liên tiếp nhau. Động từ cuối cùng thật ra không có trong bản văn của Phaolô, nhưng được hiểu ngầm trong văn mạch.
- Chúa Giêsu cầm lấy bánh, rồi cầm lấy chén
- Ngài tạ ơn, đọc lời chúc tụng
- Ngài bẻ ra
- Ngài trao cho các môn đệ
Chính cử chỉ cuối cùng này (trao) gắn liền với lời tuyên bố : “ Này là Mình Thầy … Này là Máu Thầy”
Cấu trúc 4 động từ này ta cũng gặp thấy trong các bài tường thuật về phép lạ hóa bánh ra nhiều (x. Mc 6,31-34 ; Mt 14,13-21 ; Lc 9,10-17 ; Ga 6,1-13). Bốn động từ này đã tạo thành diễn tiến của phần II trong cử hành Thánh Thể với phần dâng lễ, kinh tạ ơn, bẻ bánh và hiệp lễ.
I TƯỜNG THUẬT CỦA LUCA 24, 13-25 : EMMAU
Chỉ một mình Luca tường thuật lại câu chuyện hai môn đệ trở về làng Emmau vào buổi chiều Phục sinh. Trên đường đi với Chúa, vì không nhận ra Ngài, khi chiều đến, hai môn đệ đã giữ người khách lạ này lại nhà mình và cùng ăn bữa tối :
“Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 24,30).
Câu này gợi lên cho chúng ta phần Phụng Vụ Thánh Thể. Nhưng sự hiện diện của Đức Kitô còn dựa trên một yếu tố khác mà chính Ngài đã chuẩn bị lúc còn trên đường với hai môn đệ :
“Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách thánh” (Lc 24,27).
Luca cho thấy mối dây liên hệ giữa lúc đi đường và buổi tối tại bàn ăn nhờ chính lời của hai môn đệ nói sau khi họ đã nhận ra người khách là ai : “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?” (Lc 24,32) Những câu này làm ta liên tưởng đến Phụng Vụ được cử hành tại các hội đường của người Do Thái mỗi ngày Sabat, khi mà cộng đoàn lắng nghe việc đọc sách Luật và sách các Ngôn sứ. Từ đó, chúng ta có thể nói Phụng Vụ hội đường của người Do Thái là “nguồn gợi hứng” cho việc cử hành Lời Chúa trong Thánh Lễ. Mỗi lần Giáo Hội tập họp để tưởng nhớ đến Chúa, đến việc mà Ngài đã làm “tối hôm trước ngày chịu khổ hình”, bằng việc đọc sách Thánh, Giáo Hội loan báo Lời Hứa của Thiên Chúa đang được “hiện tại hoá”.
Trong tường thuật của Luca về câu chuyện Emmau, ta thấy dáng dấp cấu trúc hai phần của cử hành Thánh Lễ. Nhưng có lẽ cấu trúc này còn phải được hình thành tiệm tiến trong thời gian.
II DIỄN TIẾN CỬ HÀNH THÁNH LỄ
Didachè, chương 14, 1, để lại cho chúng ta chứng từ về ngày của Chúa là để “bẻ bánh” và “tạ ơn” :
“Ngày của Chúa, anh em hãy tụ họp lại để bẻ bánh và để tạ ơn “
Nhưng chỉ với thánh Justinô trong tác phẩm 1Hộ giáo (1Apologie) chương 67, 3-7, viết vào khoảng năm 155 tại Rôma mà ngài gửi cho hoàng đế Antoniô le Pieux (138-161), lần đầu tiên, chúng ta mới có được chứng từ về diễn tiến của việc tập họp ngày Chúa Nhật của các Kitô hữu :
3.“Trong ngày
mà người ta gọi là ngày của Mặt Trời,
những người thuộc nhóm chúng tôi,
dù ở thành thị hay thôn quê,
đều hội họp lại ở một nơi.
Người ta đọc lại hồi ký của các tông đồ
và sách các ngôn sứ, tùy theo thời giờ cho phép.
4. Đọc sách xong,
vị chủ sự lên tiếng nhắn nhủ và khuyến khích
những người hiện diện sống theo các giáo huấn
và gương lành tốt đẹp này.
5. Sau đó chúng tôi đứng lên,
dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa
cho chính chúng tôi
và cho mọi người khắp trên thế giới,
để xứng đáng trở thành những người công chính
và trung thành tuân giữ lề luật ngay trong cuộc sống hầu đạt được ơn cứu độ vĩnh cửu.
Sau lời nguyện,
chúng tôi hôn và chúc bình an cho nhau
Rồi như chúng tôi đã nói,
khi đã cầu nguyện xong,
một tín hữu mang bánh
và một chén rượu có pha nước
cho vị chủ sự.
Vị chủ sự cầm lấy bánh ruợu,
nhân danh Chúa Con và Thánh Thần,
dâng lời chúc tụng và tôn vinh Chúa Cha
là Chúa tể càn khôn.
Ông đọc một lời tạ ơn dài
về việc Thiên Chúa cho chúng ta xứng đáng lãnh nhận các hồng ân.
Khi vị chủ sự kết thúc lời nguyện và kinh tạ ơn,
mọi người hiện diện đều đồng thanh đáp : Amen
Sau khi vị chủ sự hoàn tất nghi thức tạ ơn
và toàn dân thưa Amen,
các vị mà chúng tôi gọi là phó tế
phân phát bánh
và ruợu có pha nước đã “trở thành Thánh Thể”
(La distribution des choses eucharistiés)
cho mọi người hiện diện hưởng dùng
và đem về cho những người vắng mặt.
6. Những người dư giả sẽ ban phát
cho kẻ khác tùy nhu cầu.
Tất cả những gì được thu nhận
đều được đem đến cho vị chủ tọa ;
ngài sẽ cứu giúp các trẻ mồ côi
và các bà goá bụa
và những ai cần thiết như đang bệnh hoạn
hay vì nhiều lý do khác ;
tắt một lời, ngài giúp đỡ cho những ai cần thiết.
7. Chúng tôi họp nhau vào mỗi ngày Mặt trời,
bởi vì đó là ngày thứ nhất,
Thiên Chúa rút chất liệu từ bóng tối sáng tạo vũ trụ và cũng là ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi,
đã sống lại từ cõi chết”
Thánh Justinô đã mô tả lại diễn tiến việc cử hành Thánh Thể vào ngày Chúa nhật và nói lên lý do cử hành trong ngày này vì ngày Chúa nhật là ngày của sáng tạo và ngày Chúa sống lại. Ngài cũng nhắc đến việc đọc “hồi ký của các tông đồ” (Mémoires des apôtres) có nghĩa là các “Phúc âm” (x. 1Hộ giáo 66,3) và sách các ngôn sứ (Ecrits des prophètes) có nghĩa là Cựu ước. Qua việc đọc Cựu ước, Giáo Hội thuở ban đầu muốn loan báo “ngày hôm nay” của việc hoàn tất lời hứa nhờ Đức Kitô, trong Mầu nhiệm Vượt qua của Ngài.
Buổi hội họp mà Justinô vừa mô tả vẫn là cấu trúc cơ bản của việc cử hành Thánh Lễ cho tới ngày nay. Thánh Lễ chia làm hai phần, nhưng là một toàn thể thống nhất :
- Tập họp, phụng vụ Lời Chúa với các bài đọc, bài giảng và lời nguyện chung
- Phụng vụ Thánh Thể với việc hiến dâng bánh rượu, truyền phép với lời kinh tạ ơn và hiệp lễ.
Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể là “một hành vi phượng tự duy nhất” (PV 56). Bàn tiệc Thánh Thể vừa là bàn tiệc Lời Chúa vừa là bàn tiệc Mình Chúa Kitô (x. MK 21).
III KINH TẠ ƠN
Trong cử hành Thánh Thể, kinh Tạ ơn đóng một vai trò chính yếu. Quy chế tổng quát Sách Lễ Rôma số 54 nói như sau :
“Bây giờ bắt đầu điểm trung tâm và cao nhất của toàn bộ việc cử hành nghĩa là chính kinh tạ ơn, gồm việc tạ ơn và thánh hoá, linh mục mời giáo dân hướng tâm hồn lên để cầu nguyện và tạ ơn Thiên Chúa, đồng thời liên kết họ với mình trong lời cầu nguyện, để nhân danh tất cả cộng đoàn dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha, qua Đức Giêsu Kitô. Ý nghĩa của lời cầu nguyện này là toàn thể cộng đoàn tín hữu kết hiệp với Đức Kitô mà tuyên xưng những kỳ công của Thiên Chúa và hiến dâng hy lễ”.
A NGUỒN GỐC CỦA KINH TẠ ƠN
1 Sách Didachè
Didachè hay “giáo lý của 12 tông đồ” là một cuốn sưu tập nhỏ của “giáo lý Do Thái – Kitô giáo” gồm 16 chương. Có nguồn gốc từ các cộng đoàn tại Antiokia Syria, được viết cho các Kitô hữu gốc dân ngoại vào cuối thế kỷ I hay đầu thế kỷ II. Tác phẩm này được khám phá vào năm 1873 tại Constantinople. Didachè để lại cho chúng ta chứng từ đầu tiên liên quan đến những kinh để “tạ ơn” (eucharistia) trong hai chương 9 và 10. Còn chương 14, 1 thì cho chúng ta chứng từ về ngày Chúa Nhật, ngày Hội Thánh quy tụ lại để bẻ bánh và tạ ơn
+ Didachè 9,1-5 :
“Về vấn đề Lễ tạ ơn (eucharistia),
hãy tạ ơn như thế này :
Trước hết vì ly rượu :
lạy Cha, chúng con tạ ơn Cha
vì cội nho thánh thiện của Đavít, tôi tớ Cha
mà Cha đã mạc khải cho chúng con,
nhờ Đức Giêsu, tôi tớ Cha !
Chúc tụng Cha vinh hiển đến muôn đời ! Amen !
Rồi vì tấm bánh đã được bẻ ra :
Lạy Cha, chúng con tạ ơn Cha,
vì sự sống và sự hiểu biết
mà Cha đã mạc khải cho chúng con,
nhờ Đức Giêsu, tôi tớ Cha !
Chúc tụng Cha vinh hiển đến muôn đời ! Amen !
Cũng như tấm bánh được bẻ ra đây,
Trước tiên được gieo vãi trên khắp ruộng đồng,
giờ được thu lượm và trở thành một tấm bánh
thì xin cho Hội thánh Cha từ muôn phương
được tụ họp về trong nước Cha,
Chúc tụng Cha vinh hiển
và uy quyền đến muôn đời ! Amen !
Bởi vì vinh quang và quyền năng thuộc về Chúa
Những ai chưa được rửa tội trong Danh Chúa,
thì không được ăn
và uống trong bữa tiệc tạ ơn của anh em.
Đây là điều mà Chúa đã phán :
“Không được đưa của thánh cho chó” (Mt 7,6).
Trong chương 9 này, Didachè nhắc tới bữa tiệc tạ ơn chỉ dành cho những người đã chịu Phép Rửa nhân danh Chúa Giêsu. Tiệc tạ ơn này là “sự thánh”, do đó chỉ dành cho những “người thánh” (Sancta sanctis). Sự hiệp nhất trong đức tin Phép Rửa là điều kiện cần thiết để “ăn và uống trong bữa tiệc tạ ơn”. Tấm bánh được bẻ ra trong bữa tiệc tạ ơn là dấu chỉ sự hiệp nhất của Hội Thánh.
+ Didachè 10,1-7
“Sau khi ăn uống xong,
hãytạ ơn như sau :
Lạy Cha chí thánh,
chúng con tạ ơn Cha,
vì Danh thánh Cha đã ghi vào lòng chúng con
và tạ ơn Cha vì sự hiểu biết, niềm tin và ơn bất tử
mà Cha đã mạc khải cho chúng con,
nhờ Đức Giêsu, tôi tớ Cha !
Chúc tụng Cha vinh hiển đến muôn đời ! Amen !
Kính lạy Cha là Chúa cả toàn năng,
Cha đã tạo thành vũ trụ, vì Danh thánh Cha
Chính Cha đã ban cho con cái loài người
của ăn thức uống để họ tạ ơn Cha
Nhưng với chúng con,
Cha đã ưu đãi bằng của ăn thức uống thần linh
của sự sống đời dời, nhờ Đức Giêsu, tôi tớ của Cha !
Chúng con tạ ơn Cha
vì quyền năng Cha trổi vượt trên tất cả,
Chúc tụng Cha vinh hiển đến muôn đời ! Amen !
Lạy Cha, xin nhớ đến Hội Thánh Chúa
Xin giải thoát Hội Thánh khỏi mọi sự dữ,
và kiện toàn trong tình thương của Chúa.
xin quy tụ Hội Thánh từ bốn phương trời
vào trong Nước Chúa
mà Chúa đã chuẩn bị sẵn cho,
Vì Chúa là uy quyền
và vinh hiển đến muôn đời ! Amen !
Ước gì ân sủng của Chúa mau đến
và trần gian này qua đi ! Amen !
Hosanna, con nhà Đavít !
Xin Đấng Thánh mau đến !
Ai chưa nên thánh, hãy sám hối !
Maranan-tha ! Amen !
Hãy để các ngôn sứ tùy nghi đọc lời chúc lành”
Trong chương 10 này, chúng ta thấy niềm tin của tác giả sách Didachè vào Thánh Thể : Thánh Thể thực sự là của ăn của uống thần linh, đem lại sự sống vĩnh cửu cho những ai lãnh nhận. Ngoài ra, chúng ta thấy cấu trúc căn bản của lời kinh tạ ơn trong Didachè như sau : chúc tụng, tạ ơn và cầu xin. Cấu trúc này rất gần với lời chúc tụng sau bữa ăn của người Do Thái được gọi là Birkat ha- Mazon.
+ Didachè 14,1 :
“Ngày của Chúa, anh em hãy tụ họp lại để bẻ bánh và để tạ ơn”
Trong câu này, chúng ta có được chứng từ về ngày Chúa nhật. Ngày Chúa nhật là ngày Giáo Hội tụ họp lại để cử hành bẻ bánh và tạ ơn, tên gọi của Thánh Thể
2 Birkat ha-Mazon :
+ Lời chúc tụng Đấng nuôi dưỡng :
Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng tôi,
xin chúc tụng Ngài, Vua vũ trụ,
vì Ngài nuôi dưỡng tất cả thế giới
với lòng nhân hậu, ân sủng và từ bi.
Lạy Chúa, chúc tụng Ngài
vì Ngài ban lương thực cho mọi người.
+ Lời chúc tụng về trái đất :
Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng tôi,
chúng tôi tạ ơn Chúa,
vì Chúa đã ban trái đất tốt lành và dễ chịu
cho chúng tôi làm gia sản,
và đã ban giao ước, lề luật, sự sống và lương thực.
Chúng tôi cảm tạ Chúa vì tất cả mọi ân huệ này
Chúng tôi ca tụng Danh Chúa đến muôn ngàn đời !
+ Lời chúc tụng trên Giêrusalem :
Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng tôi,
xin thương đến dân Israel của Ngài,
Giêrusalem thánh đô của Ngài,
Đền thờ của Ngài, nơi Ngài cư ngụ,
Sion nơi an nghỉ của Ngài,
cung thánh vĩ đại và tôn thánh,
nơi kêu cầu thánh danh Ngài…”
Chúng ta ghi nhận rằng kinh chúc tụng sau bữa ăn của người Do Thái có cùng một cấu trúc ba thì : chúc tụng, tạ ơn và cầu xin. Nhưng trong các kinh “tạ ơn” của Didachè thì Thiên Chúa trở thành Ba Ngôi, Giêrusalem trở thành Giáo Hội, và những điều cầu xin mang tính thiêng liêng hơn là vật chất.
3 Các kinh tạ ơn cổ xưa của Đông phương
Các gia đình Phụng vụ Đông phương đều có những kinh Tạ ơn riêng gọi là “anaphora” nghĩa là dâng hiến lễ (oblation). Đây là một kho tàng phong phú. Gia đình Phụng vụ Đông Syria sử dụng kinh Addaĩ và Mari. Ai-cập dùng kinh được gán cho thánh Marcô, Giêrusalem dùng kinh thánh Giacôbê. Phụng vụ Byzantin dùng hai kinh tạ ơn : một được gán cho thánh Basiliô và một được gán cho thánh Gioan Kim Khẩu. Gia đình Phụng vụ Maronite dùng kinh được gán cho thánh Phêrô. Nghi thức Arménien thì dùng kinh được gán cho thánh Grégoire de l’Illuminateur. Trong khi đó nghi thức Chalđê thì dùng kinh được gán cho Théodore de Mopsueste.
4 Các kinh tạ ơn cổ xưa của Tây phương
- Kinh tạ ơn trong Truyền thống tông đồ (Tradition apostolique). Kinh này được gán cho Hippolyte thành Rôma viết vào khoảng năm 215.
Sau khi nói đến nghi thức tấn phong cho một giám mục (x. số 2-3), tác phẩm này cho chúng ta một mô hình kinh tạ ơn mà vị tân giám mục sẽ đọc để cử hành Thánh Thể (x. số 4) :
“Sau khi đã thành giám mục, mọi người hãy dâng ngài cái hôn bình an, chào ngài vì ngài đã trở nên cao trọng. Các phó tế hãy đưa lên cho ngài lễ vật: ngài đặt tay trên lễ vật cùng với linh mục đoàn và tạ ơn như sau :
Chúa ở cùng anh chị em
Đ/ Và ở cùng thần trí Cha
Hãy nâng tâm hồn lên
Đ/ Chúng ta đang hướng về Chúa
Hãy tạ ơn Chúa
Đ/ Thật là chính đáng.
Rồi ngài tiếp tục như sau :
Lạy Cha, chúng con tạ ơn Cha,
nhờ Đức Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Cha
Đấng Cha cử đến trần gian làm Đấng Cứu chuộc
và làm Sứ Giả đem mệnh lệnh của Cha
cho chúng con
Người là Lời, không bao giờ lìa xa Cha
Nhờ Người, Cha đã sáng tạo muôn loài,
và do thánh ý của Cha,
Người là Đấng Cha đã từ trời cử đến
nhập thể trong lòng một trinh nữ,
Người đã tỏ mình là Con Cha
sinh bởi Chúa Thánh Thần do lòng trinh nữ.
Người đã chu toàn thánh ý Cha
và đã gầy dựng cho Cha một dân tộc thánh thiện,
đã dang tay ra, chịu khổ hình
để giải thoát những ai tin vào Cha khỏi mọi đau khổ
Khi tự ý nộp mình chịu khổ hình
để phá hủy sự chết,
bẻ gãy xiềng xích ma quỷ, đạp nát địa ngục,
đưa người công chính tới ánh sáng,
thiết định giới luật và biểu dương sự sống lại,
Người cầm lấy bánh, tạ ơn Cha và nói :
“Hãy cầm lấy mà ăn,
Này là Mình Thầy được bẻ ra cho anh em !”.
Cùng một thể thức ấy,
Người cầm lấy chén và nói :
“Này là Máu Thầy đổ ra vì anh em !
Khi anh em làm việc này,
hãy làm để tưởng nhớ đến Thầy !”
Vậy giờ đây, khi chúng con tưởng nhớ đến sự chết và sự sống lại của Người,
chúng con dâng lên Cha bánh và chén này
để tạ ơn Cha
vì Cha đã cho chúng con xứng đáng
đứng trước tôn nhan Cha và phụng sự Cha
Chúng con nài xin Cha cử Thánh Thần
xuống trên lễ vật của Hội thánh.
Xin Cha ban cho những người tham dự
vào mầu nhiệm thánh và tham dự bàn thánh
được kết hợp với nhau
để họ được đầy tràn Thánh Thần,
mà vững tin chân lý,
hầu chúng con được chúc tụng và tôn vinh Cha,
nhờ Đức Giêsu-Kitô, Con Cha
Nhờ Người,
Mọi vinh quang và danh dự đều quy về Cha
cùng với Chúa Thánh Thần,
bây giờ và cho đến muôn đời. Amen.”
Trong bản văn này, Giáo Hội (le nous ecclésial) được nhắc đến nhiều lần, như để cho thấy giữa Giáo Hội và Thánh Thể có một mối dây liên kết bất khả phân ly. Sau lời truyền phép, Giáo Hội cầu xin Chúa Cha cử Chúa Thánh Thần đến trên lễ vật của Hội Thánh để làm cho Hội Thánh xứng đáng dâng lễ vật lên Chúa Cha.
Kinh này có cấu trúc Ba ngôi. Tạ ơn Chúa Cha vì công cuộc cứu độ của Đức Giêsu, trong Chúa Thánh Thần. Và lời khẩn cầu Thánh Thần được hình thành theo hai nhịp, liên hệ mật thiết với nhau : vừa trên lễ vật vừa trên cộng đoàn Thánh Thể. Thánh Thể là để cho Giáo Hội, cho Giáo Hội được đầy tràn Thánh Thần.
Kinh tạ ơn truyền thống các tông đồ đi theo cái nhìn Kitô trung tâm, lý do để tạ ơn Chúa Cha là vì Đức Giêsu Kitô. Trong kinh này, ta thấy vắng mặt Sanctus, vì thực sự, phần Sanctus chỉ có mặt trong các kinh tạ ơn kể từ thế kỷ IV, và cũng không có phần cầu xin.
Kinh này có cấu trúc Ba ngôi, tạ ơn Cha vì công cuộc cứu độ của Đức Giêsu, trong Chúa Thánh Thần. Và lời khẩn cầu Thánh Thần được hình thành theo hai nhịp, liên hệ mật thiết với nhau : vừa trên lễ vật vừa trên cộng đoàn Thánh Thể. Thánh Thể là để cho Giáo Hội, cho Giáo Hội được đầy tràn Thánh Thần.
So sánh với các kinh tạ ơn trong sách lễ Rôma ngày nay, chúng ta dễ dàng nhận ra kinh này là cội nguồn của kinh tạ ơn II. Như thế chúng ta thấy kinh tạ ơn II là một trong những hoa trái của sự trở về nguồn do Vatican II thực hiện.
- Lễ quy Rôma
Vào khoảng năm 380, thánh Ambrôsiô, giám mục Milan cho chúng ta biết đến phần trung tâm của lễ quy Rôma trong cuốn “Về các Bí rích” (De sacramentis IV, 5. 21-27). Bản văn này được dứt khoát ấn định bởi Đức Grêgôriô (+604). Đây là kinh tạ ơn duy nhất của Tây phương cho tới 1968 và từ đây trở thành kinh tạ ơn I.
Một trong những đặc điểm của lễ quy Rôma là có nhiều kinh tiền tụng khác nhau cho những lễ lớn. Nhưng cũng vì vậy mà ta có cảm tưởng kinh tạ ơn chỉ bắt đầu sau Sanctus. Trong cơ cấu của kinh tạ ơn, kinhSanctus thuộc vào kinh tạ ơn như một lời tung hô.
B CẤU TRÚC KINH TẠ ƠN
Cấu trúc cơ bản của kinh tạ ơn gồm đối thoại mở đầu, chúc tụng tạ ơn, khẩn cầu Thánh Thần (Epiclèse), tường thuật việc thành lập Thánh Thể, tưởng niệm (anamnèse), chuyển cầu (intercession) và vinh tụng ca (doxologie).
Kinh tạ ơn, trong mọi truyền thống Phụng vụ, Đông cũng như Tây, đều bắt đầu bằng một đối thoại, gợi hứng từ cách thế của người Do Thái, giữa chủ toạ và cộng đoàn và được kết thúc với lời chúc tụng trước kinh Lạy Cha.
Tìm hiểu cấu trúc của kinh tạ ơn sẽ giúp ta thấy, trước hết, kinh tạ ơn là một kinh, có nghĩa là lời cầu nguyện, một lời cầu nguyện mang tính thống nhất, một lời cầu nguyện của toàn thể Giáo Hội dâng lên Chúa Cha để tạ ơn Người vì Đức Giêsu, trong Chúa Thánh Thần.
Thứ đến, qua cấu trúc cơ bản của kinh tạ ơn, chúng ta thấy lời kinh này mang sức năng động : chuyển động từ tạ ơn (lời đối thoại mở đầu) đến tung hô (Sanctus), tưởng niệm. Chính trong tưởng niệm theo nghĩa hiện-tại-hoá mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa Kitô mà Giáo Hội tiến dâng lên Chúa Cha của lễ tinh tuyền là chính Đức Giêsu, và trong Chúa Thánh Thần mà hiến dâng chính bản thân của mình.
Ngoài ra, cấu trúc của kinh tạ ơn nối kết quá khứ với hiện tại và từ hiện tại hướng về tương lai với viễn ảnh cánh chung. Kinh tạ ơn nhắc lại quá khứ khi nêu ra những lý do để mà tạ ơn Thiên Chúa Cha. Những lý do này khởi đi từ sáng tạo, từ lịch sử cứu độ, mà cao điểm là mầu nhiệm chết và sống lại của Đức Giêsu. Chính trong cái nhìn này mà kinh tạ ơn có phần tường thuật lại việc lập Thánh Thể, nhắc lại : “đêm mà Người bị trao nộp” khởi đầu thường bằng câu “khi bị nộp và tự hiến chịu khổ hình” (x. Kinh tạ ơn II).
Kinh tạ ơn IV còn nói lên tình yêu tột cùng của Đức Giêsu cho các môn đệ trong đêm đó khi trích lại Tin Mừng Gioan 13,1 : “Lạy Cha chí thánh, khi đến giờ Người được Cha tôn vinh và vì yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở trần gian, Người đã yêu thương họ đến cùng”.
Thì “hiện tại” được sử dụng trong kinh tạ ơn như thì chính của việc tưởng nhớ (anamnèse) : “giờ đây tưởng nhớ” ; của việc tiến dâng : “Chúng con dâng lên Cha…” ; của việc cầu xin : “xin Cha nhớ đến”
Tương lai trong kinh tạ ơn xuất hiện như một sự mong chờ, một niềm hy vọng nuôi dưỡng Giáo Hội lữ hành. Kinh tạ ơn hướng Thánh Thể về cánh chung, về sự hoàn tất của mầu nhiệm cứu độ của Đức Giêsu, về sự giải thoát hoàn toàn của một nhân loại mới trong Chúa Ba Ngôi.
Con người mang trong mình thời gian hay nói theo triết học của Heideigger “con người là hữu thể thời gian” thì ta thấy kinh tạ ơn mang chiều kích nhân học.
Với những lời cầu xin, kinh tạ ơn hướng về Giáo Hội. Ở đây chúng ta cũng tìm thấy sự thống nhất và sức năng động của kinh tạ ơn. Kinh tạ ơn bắt đầu bằng sự hiệp thông giữa Giáo hội dưới đất và Giáo hội trên trời (x. lời tung hô Sanctus : “hiệp với các thiên thần và các thánh…”) để rồi trong phần cầu xin, kinh tạ ơn mở ra toàn thể Giáo Hội : Giáo Hội lữ hành, Giáo Hội đang chịu thanh luyện và Giáo Hội khải hoàn.
Cuối cùng, chính trong sự nối kết giữa tạ ơn và chúc tụng, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, trong tưởng nhớ và tiến dâng mà kinh tạ ơn lại trở về với lời vinh tụng ca (doxologie). Lời kinh tán tụng này cũng mang chiều kích Ba Ngôi.
Kinh tạ ơn là lời kinh của toàn thể Giáo hội. Chủ thể của kinh tạ ơn là Giáo Hội (le nous ecclésial). Không bao giờ kinh này sử dụng đại danh từ ngôi thứ nhất số ít (je - tôi) nhưng luôn dùng ở số nhiều (nous - chúng tôi). Như thế, kinh tạ ơn không bao giờ là kinh của riêng linh mục, mặc dù được kết cấu cho một mình linh mục đọc. Cũng vậy, cử hành Thánh Thể là việc cử hành của toàn thể Giáo hội mặc dù chỉ một người chủ sự (tous célèbrent, un seul préside). Trong kinh này, Giáo Hội nói với Chúa Cha, nhờ Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần.
IV CỬ HÀNH NHƯ THẾ NÀO ?
Chính Đức Kitô là chủ tế của việc cử hành Thánh Thể và là Chúa của cuộc lễ. Ngài là Thượng tế của Giao ước mới. Dù ẩn dạng, nhưng chính Ngài chủ sự mọi Thánh Lễ. Nhưng lễ Vượt Qua của Ngài là một mầu nhiệm hiệp thông, vì thế, các Kitô-hữu được mời gọi tham gia vào cuộc lễ, kết hiệp với Ngài và với hy tế của Ngài.
Thánh Thể được cử hành trong bầu khí hân hoan đón nhận, sống cuộc gặp gỡ với Đức Kitô vượt qua. Chúng ta cần tái khám phá khía cạnh lễ hội của Thánh Thể. Chúng ta không giản lược Thánh Thể chỉ trong bữa ăn huynh đệ của cộng đoàn hay vào một hành động phụng vụ gồm những lời kinh tiếng hát, âm nhạc sống động, nhưng là cuộc gặp gỡ Đức Kitô đang đến để hiện diện giữa Giáo Hội cử hành.
Thánh Thể là một bí tích-ngôi vị và chỉ là bữa ăn huynh đệ nhờ hiệp thông với Đức Kitô. Bỏ qua sự hiện diện của Chúa sẽ đưa đến cằn cỗi. Tất cả ân sủng của bí tích này hệ tại việc gặp gỡ liên-chủ-vị, trong tình thân thiết, trước hết của Đức Kitô và với Đức Kitô.
Thánh Thể là một bữa tiệc theo nghĩa “cho dự phần và được dự phần”, cho nên, tương quan “Người mời – khách dự tiệc” là yếu tố quyết định trong Bữa tiệc Thánh Thể. Bởi vì đây là bữa tiệc theo lệnh truyền của Đức Kitô, cho nên cơ cấu cộng đoàn của Đức Kitô, cộng đoàn lưu giữ lệnh truyền đó qua các giai đoạn lịch sử, nghĩa là cả thừa tác vụ trong cộng đoàn nữa, đều là cơ sở trên đó thể hiện tương quan giữa chủ tiệc và khách dự tiệc. Nhưng ở đây có một điều ta phải chú ý, đó là người chủ sự buổi lễ có chức năng là đứng dưới vị Chủ tiệc thực sự là Đức Kitô, do đó, người có chức vụ cũng ở trong cộng đoàn, cũng đứng giữa các khách dự tiệc, bởi vì cả vị đó cũng được Đức Kitô mời dự tiệc, cả vị đó cũng là khách mời của Đức Kitô trong bữa tiệc. Mọi chức năng trong cử hành Thánh Lễ, kể cả chức năng chủ tọa, đều nhằm một mục đích duy nhất là để Đức Kitô, vị chủ tiệc thực sự, hướng về cộng đoàn của Người trong bữa tiệc, ban cho cộng đoàn được thông phần vào bản thân và sự sống của Người, nghĩa là tặng ban cho cộng đoàn lời hứa hiện thực về “Bữa tiệc tương lai trong Nước Thiên Chúa”, về ngày con người sẽ được hiệp thông vĩnh viễn với Thiên Chúa.
Mặc dù được định vị trong thế giới này do biểu tượng, sự hiện diện Thánh Thể mang tính cánh chung. Con người trần gian không thể nào gặp gỡ Đức Chúa vinh quang, vì thế, không có hiện diện đối với kẻ không tin. Phải có một cây cầu bắc qua từ cõi vĩnh hằng sang thế giới này để có sự hiện diện hỗ tương giữa Đức Kitô và con người, đó là đức tin. Thánh Thể là một cuộc lễ trong đức tin. Cuộc gặp gỡ với Thánh Thể diễn ra trên bình diện tình thân hữu. Thánh Thể là bí tích mời gọi hiệp thông với Chúa Con (1Cr 1,9). Nhờ bữa ăn này, Đức Kitô đến trợ giúp sự yếu đuối của chúng ta và chuẩn bị cho sự hiệp thông sau hết.
V CỬ HÀNH TRONG BA NGÔI VÀ HƯỚNG VỀ BA NGÔI
Công đồng Vaticanô II đã nhìn Bí tích Thánh Thể như trung tâm, nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô giáo (PV 10, GH 11). Là Bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái (T. Augustinô, In Johannis Evangelium tractatus XXVI, ch. VI, s. 13 : PL 35, 1613), Bí tích Thánh Thể đưa người tín hữu hiệp thông với Mình và Máu Chúa Kitô nhận lãnh tràn đầy sức sống của Người trong Chúa Thánh Thần để tôn vinh Thiên Chúa Cha. Nơi bàn tiệc Tạ ơn, các tín hữu biểu lộ một cách cụ thể mối dây hiệp nhất của Dân Thiên Chúa, họ trở nên Thân thể-Giáo Hội của Chúa Kitô và xây dựng Giáo Hội thành Đền thờ Chúa Thánh Thần.
Cử hành Thánh Thể là cử hành trong “Ân sủng Chúa Kitô, Tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần” (2Cr 13,13 ; x. Nghi thức Thánh lễ).
Cử hành Thánh Thể là hành vi tạ ơn và tôn vinh của Giáo Hội hướng về Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần. Trong mầu nhiệm hiệp lễ, người tín hữu nhận được sự sống của Chúa Kitô tràn đầy Thánh Thần để tôn vinh Chúa Cha và khi được Chúa Kitô nuôi dưỡng, người tín hữu hiệp nhất với nhau trong một Chúa Thánh Thần để đi về Nhà Cha.
A BÍ TÍCH THÁNH THỂ : MỘT VẬN HÀNH HAI CHIỀU
Về phía Giáo Hội, Thánh Thể là lời chúc tụng tạ ơn của Giáo Hội hướng lên Ba Ngôi. Về phía Thiên Chúa, Thánh Thể là Hồng ân và lời chúc phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa cho Giáo Hội.
Giáo phụ Irênêô đã mô tả vận hành từ dưới lên trên của mầu nhiệm Thánh Thể như hành trình của con người hướng lên Thiên Chúa và gặp gỡ Thiên Chúa, hành trình này bắt đầu trong Chúa Thánh Thần, “bước đi của những người được cứu rỗi và bước đi lên của họ. Nhờ Chúa Thánh Thần, họ đi lên với Chúa Con và nhờ Chúa Con, họ đến với Chúa Cha và rồi Chúa Con giao lại công trình của Người cho Chúa Cha” (Contre les hérésies V, 36, 2).
Giáo phụ Basiliô lại diễn tả mầu nhiệm này trong vận hành từ trên xuống dưới như hành trình Thiên Chúa đến với con người. Chúa Cha là Khởi điểm của hành trình này. Thiên Chúa trao ban và con người đón nhận “sự tốt lành, thánh thiện và vinh dự thuộc hàng vương đế chảy xuống từ Chúa Cha, qua Con duy nhất đến Chúa Thánh Thần” (Traité du Sanit-Esprit, 18,47). Và ta có thể thêm : nhờ Chúa Thánh Thần xuống trên tất cả tạo vật.
Như thế, vận hành hai chiều này được thực hiện nơi cử hành Thánh Thể : Thiên Chúa gặp gỡ con người để chúc lành và thánh hóa ; con người gặp gỡ Thiên Chúa để tôn vinh và đón nhận sự sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa đến với con người để cho con người được ơn cứu độ và con người đi lên với Thiên Chúa như người con đến với Cha. Nơi bàn tiệc Tạ ơn, Thiên Chúa ban cho con người sự sống của Chúa Con trong sức mạnh thánh hóa của Chúa Thánh Thần mà Chúa Cha sai đến.
Từ đó, chúng ta sẽ hiểu rằng cử hành Thánh Thể là cử hành một mầu nhiệm, Giáo Hội cử hành trong Ba Ngôi và hướng về Ba Ngôi. Hệ lụy thần học đầu tiên mời gọi chúng ta vượt ra khỏi cái nhìn duy-nghi thức khi cử hành Thánh Thể. Chúng ta xác tín rằng các giai đoạn làm nên Thánh Thể vượt ra ngoài phạm vi thuần nghi thức. Đây là công việc “khôn tả” của Ba Ngôi.
B THÁNH THỂ, PHƯỢNG TỰ TRONG BA NGÔI VÀ HƯỚNG VỀ BA NGÔI
Cử hành Tạ ơn là hành vi phụng vụ của Giáo Hội được thực hiện trong Ba Ngôi và hướng về Ba Ngôi. Là bí tích của ơn cứu độ và của Giao ước mới, Thánh Thể biểu lộ rõ rệt nhất căn tính thiêng liêng của Giáo Hội, một Giáo Hội sinh ra từ mầu nhiệm Vượt qua của Đức Giêsu, được xây dựng theo khuôn mẫu của mầu nhiệm hiệp thông nơi Ba Ngôi Thiên Chúa. Nơi Hiến Lễ Tạ ơn, Giáo Hội chúc tụng, tôn vinh và tạ ơn Chúa Cha (x. kinh tiền tụng). Nơi bàn tiệc Thánh Thể, Giáo Hội tưởng nhớ công trình cứu rỗi của Chúa Con mà cao điểm là Mầu nhiệm Vượt qua của Người được thực hiện trong sự vâng phục Chúa Cha đồng thời dâng lên Chúa Cha lễ tế của chính Con Một của Người trong quyền năng Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Kitô hiện diện. Thánh Thể là “nơi” ưu tiên mà Giáo Hội cầu xin với Chúa Cha nhờ hiến tế của Chúa Kitô trong mối hiệp thông của Chúa Thánh Thần. Như thế, Mầu nhiệm Thánh Thể đưa Giáo Hội vào trong tương quan hiệp thông với Ba Ngôi vĩnh cửu.
Phượng tự của Giáo Hội, tự bản chất, luôn hướng về Ba ngôi. Thiên Chúa Ba Ngôi là đối tượng của lời ngợi khen. Thiên Chúa Ba Ngôi là Đích điểm của hành trình gặp gỡ này và là “Quê hương” của Giáo Hội. Chiêm ngắm Thiên Chúa Ba Ngôi là chiêm ngắm sự hiệp thông tình yêu giữa Ba Ngôi vị, vận hành vô biên và vĩnh cửu của Tình yêu và của sự chia sẻ giữa Ba Ngôi vị. Nơi Mầu nhiệm Thánh Thể, người tín hữu được sống trong tình hiệp thông thâm sâu của Ba Ngôi và được mời gọi để khám phá rằng các mối tương quan giữa Thiên Chúa Ba Ngôi có liên quan đến ơn cứu độ của thế giới và con người. Nơi bàn tiệc Tạ ơn, Giáo Hội được dìm sâu trong Tình yêu của Chúa Cha nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần.
Sống mối dây hiệp thông Ba Ngôi của Thánh Thể là khám phá và loan báo rằng hiện hữu của con người là hiện hữu trong Ba Ngôi “vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Hiện hữu trong Tình yêu Ba Ngôi được tiếp nối và được biểu lộ trong đời sống Giáo Hội qua sự hiệp nhất (Cv 1,14), nhờ Chúa Thánh Thần.
Lời cầu xin trong kinh tạ ơn sẽ cho ta khám phá ra rằng Ba Ngôi không chỉ cùng hiện diện trong chính cử hành tạ ơn của Giáo Hội mà còn trong chính lời cầu xin của Giáo Hội hướng về tương lai : “chúng con cúi xin Cha cho Thánh Thần liên kết chúng con nên một khi chúng con dự tiệc Mình và Máu Đức Kitô” (Kinh tạ ơn II) ; “Và khi chúng con được Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng, được đầy tràn Thánh Thần của Người, xin cho chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô” (Kinh tạ ơn III) ; “xin thương cho tất cả những ai cùng chia sẻ một tấm bánh và một chén rượu này, được Chúa Thánh Thần liên kết thành một thân thể” (Kinh tạ ơn IV). Lời cầu xin cho Giáo Hội và cho thế giới hướng về Chúa Cha là nguồn mạch của mọi hồng ân, Chúa Con là Hồng ân của Chúa Cha được trao ban trong Thánh Thể và Chúa Thánh Thần là mối dây hiệp thông liên kết những người đón nhận Hồng ân của Chúa Cha và làm cho họ trở nên một thân thể-Giáo Hội của Chúa Kitô.
Nói tóm lại, Lễ Tạ ơn được cử hành trong mầu nhiệm Ba Ngôi. Giáo Hội hướng về Chúa Cha để tạ ơn Người trong khi tưởng nhớ Chúa Con và xin Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần đến làm cho Chúa Kitô được hiện diện, một sự hiện diện cần thiết cho Giáo Hội.
Cử hành Thánh Thể là tạ ơn (eucharistia) Chúa Cha, Chủ tể càn khôn “Lạy Cha, Cha thật là Đấng Thánh, và muôn vật Cha đã tạo thành đều phải ca ngợi Cha” (Kinh tạ ơn III), Nguồn mạch mọi hồng ân “Cha rộng ban mọi ơn lành cho thế gian” (Kinh tạ ơn III), Nguồn mạch sự sống (Kinh tạ ơn IV), Nguyên lý của ơn cứu độ. Đấng ban sự sống và thánh hóa (Kinh tạ ơn III, IV). Tiếp nối lời kinh chúc tụng Do-thái-giáo, Giáo Hội kể ra những kỳ công của Thiên Chúa qua ý định tạo dựng và cứu chuộc của Người (x. Kinh tiền tụng Kinh tạ ơn II, IV). Trong “hy tế ngợi khen” (sacrificium laudis) này, Giáo Hội nói với Chúa Cha nhân danh toàn thể vũ trụ được tạo thành, bánh và rượu, hoa quả của ruộng đất và công lao vất vả của con người được dâng lên Chúa Cha trong đức tin như một lời tạ ơn và một hy lễ. Hy lễ mà Giáo Hội dâng lên Chúa Cha vừa là hy lễ của chính Chúa Con vừa là hy lễ của Giáo Hội “Nguyện xin Cha đoái nhìn hiến lễ của Hội Thánh và nhận đây chính là hy lễ Con Cha đã dâng tiến” (Kinh tạ ơn III). Giáo Hội hướng về Chúa Cha và xin Người sai Chúa Thánh Thần đến để làm cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu Đức Kitô.
Chúng ta sẽ tiếp tục thấy mối tương quan gắn bó này trong cấu trúc của kinh tạ ơn, kinh làm nên Thánh Thể.
C CHIỀU KÍCH BA NGÔI TRONG KINH TẠ ƠN
Một trong những nét cơ bản của các kinh phụng vụ cổ xưa nhất là lời kinh luôn hướng về Chúa Cha và nói với Chúa Cha. Cấu trúc của kinh tạ ơn từ những thế kỷ đầu đã đáp trả lại quy luật này của kinh phụng vụ. Giáo Hội tạ ơn Chúa Cha nhờ Đức Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần. Kinh tạ ơn luôn mang một cấu trúc Ba Ngôi.
1 Chúa Cha, đối tượng của lời tạ ơn (eucharistie).
Kinh tạ ơn hướng về Chúa Cha. Chúa Cha là đối tượng của lời kinh tạ ơn. Trong kinh tạ ơn, Giáo Hội nói với Chúa Cha. Tiếp nối lời cầu nguyện “tế hiến” của Đức Giêsu (x. Ga 17), Giáo Hội hướng về Chúa Cha để tôn vinh và tạ ơn Người. Chính nơi Chúa Cha mà Giáo Hội cầu xin. Và từ Chúa Cha mà Giáo Hội đón nhận ân sủng của đời sống mới, “Lạy Cha chí thánh, chúng con tạ ơn Cha mọi lúc, nhờ Đức Giêsu Kitô, Con yêu quý của Cha, thật là chính đáng, phải đạo, và sinh ơn cứu độ cho chúng con” (x. lời mở đầu của các kinh tiền tụng).
Lời cầu khẩn Thánh Thần (Epiclèse) cũng được thưa với Chúa Cha, “chúng con tha thiết nài xin Cha cũng nhờ Chúa Thánh Thần mà thánh hóa của lễ chúng con dâng tiến Cha đây, để biến thành Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, Con Cha, Chúa chúng con” (Kinh tạ ơn III). Trong phụng vụ Byzantin, cả hai lời cầu khẩn Thánh Thần đều được thưa với Chúa Cha : lời cầu khẩn thánh hiến (Epiclèse de consécration) trong kinh tạ ơn và lời cầu khẩn hiệp thông trước kinh lạy Cha (Epiclèse de communion).
Chúa Cha là đối tượng của lời kinh tạ ơn vì Người là Cội Nguồn của tất cả. Người là nguồn mạch của sự thánh thiện (Kinh tạ ơn II, III), là Cha rất nhân từ (Kinh tạ ơn I), là Chủ tể càn khôn, là Đấng Sáng tạo và Thánh Hóa, Đấng ban sự sống và quy tụ Dân Thiên Chúa (Kinh tạ ơn III), Đấng duy nhất tốt lành, Đấng ban mọi ân phúc, là Ánh Sáng, là Nguồn mạch ơn cứu độ và hòa giải (Kinh tạ ơn IV).
Lời tạ ơn và ca ngợi hướng về Chúa Cha nhưng đồng thời Chúa Cha cũng là đối tượng mà Giáo Hội dâng lên lễ vật, lễ vật của Đức Giêsu Kitô và lễ vật của Giáo Hội : “chúng con dâng lên Cha bánh trường sinh và chén cứu độ” (Kinh tạ ơn II), “chúng con dâng lên Cha hy lễ hằng sống và thánh thiện này” (Kinh tạ ơn III) ; “chúng con dâng lên trước tôn nhan Mình và Máu Thánh Người làm hy lễ đẹp lòng Cha và sinh ơn cứu độ cho toàn thế giới” (Kinh tạ ơn IV) ; “chúng con dâng lên Cha lễ tế ca tụng này” (sacrificium laudis) (Kinh tạ ơn I).
Giáo Hội dâng lên Chúa Cha lễ tế là chính Con Một của Người trong quyền năng Chúa Thánh Thần và vì thế Chúa Cha cũng là Đấng mà Giáo Hội hướng về trong lời cầu xin (intercession) ; “Xin Cha nhớ đến …”.
2 Tưởng nhớ Chúa Con (Anamnèse)
Trong kinh tạ ơn, Giáo Hội tạ ơn Chúa Cha và trong khi tạ ơn Chúa Cha thì Giáo Hội tưởng nhớ Chúa Con. Nói khác đi, lý do tạ ơn là vì Đức Giêsu Kitô.
Đối tượng của tưởng nhớ là công trình cứu rỗi do Chúa Con thực hiện, nhưng trong sự sung mãn của Chúa Thánh Thần và trong sự vâng phục Chúa Cha.
Thánh Thể là bí tích Vượt qua, bí tích của Hy tế Đức Giêsu. Thánh Thể hiện tại hóa biến cố chết và sống lại của Người, được thực hiện một lần vì nhân loại. Trong Chúa Thánh Thần, Giáo Hội tưởng nhớ lại tất cả công trình cứu chuộc của Đấng Cứu Thế và nhìn lịch sử cứu độ dưới ánh sáng của mầu nhiệm Chúa Kitô. Trong cái nhìn này, lịch sử và nhân loại có một hướng đi. Lịch sử nhân loại hướng tới Chúa Kitô là “Alpha và Omega, là Đầu và Cuối, là Khởi nguyên và Tận cùng” (Kh 22,13), được tái tạo và được thu tóm trong Người. Mầu nhiệm Phục sinh, đối tượng của việc tưởng nhớ (anamnèse) là trung tâm điểm của lịch sử thế giới và là tương lai cho định mệnh đích thực nhất của con người.
Giáo Hội tạ ơn Chúa Cha vì Đức Giêsu khi nhớ đến Người, một cách đặc biệt “trong đêm Người bị nộp” để vâng phục Chúa Cha. Trong quyền năng Chúa Thánh Thần, việc tưởng nhớ này của Giáo Hội vượt thời gian và không gian, quá khứ của “tưởng nhớ” trở thành hiện tại của ơn cứu độ cho Giáo Hội.
Việc tưởng nhớ Đức Kitô còn lan rộng tới việc tưởng nhớ các thánh, những người đã qua đời, những người đau khổ, những người sống và tất cả mọi chi thể trong Thân Thể Chúa Kitô. Và sau cùng việc tưởng nhớ Đức Kitô đạt tới cao điểm trong hiệp lễ (communion). Hiệp lễ đưa chúng ta kết hiệp với Đấng Phục sinh, Ngài hiện diện sâu thẳm hơn chính cõi thẳm sâu của chúng ta và hướng tới tình huynh đệ, hướng tới một đời sống chung và chia sẻ với mọi chi thể trong Thân Thể Chúa Kitô là Giáo Hội.
Trong việc tưởng nhớ, Giáo Hội nhớ đến Chúa Kitô đang hiện diện, đã đến và đang đến. Vinh tụng ca (doxologie) bắt đầu trong thì hiện tại. Thiên Chúa luôn luôn có mặt trong hiện tại, Chúa Kitô đang hiện diện và qua hiện tại này chúng ta có thể nói tới quá khứ và tương lai, Mầu nhiệm Thánh Thể nhắc chúng ta rằng “bây giờ chúng ta không còn biết Chúa Kitô theo xác thịt nữa” (2Cr 5,16). Nơi bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể, Chúa Kitô đang hành động, Chúa Kitô đang nói, Chúa Kitô đang cầu nguyện. Và chính nơi lời cầu nguyện trong hiện tại mà đôi mắt và tâm lòng chúng ta khai mở ra trước Mầu nhiệm Khôn dò của Ba Ngôi, mầu nhiệm cứu độ do kế hoạch yêu thương của Chúa Cha được thực hiện trong Chúa Con trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần (x. Eph 1,3-14).
Hy tế thập giá của Chúa Kitô, của lễ dâng cho Chúa Cha vì sự sống của nhân loại trở thành lời cầu bầu liên tục cho Giáo Hội, cho con người và cho thế giới.
Chúng ta không thể giới hạn ý nghĩa của Thánh Thể vào tương quan một chiều giữa Thánh Thể–Thập giá hay Thánh Thể–Phục sinh. Tương quan này là một toàn thể thống nhất toàn bộ công trình của Chúa Kitô, của tất cả nhiệm cục cứu độ đang được hiện tại hóa trong việc tưởng nhớ của mầu nhiệm Thánh Thể.
Chúng ta cũng nhớ rằng, cộng đoàn Thánh Thể không chỉ nhớ lại quá khứ hay hiện tại, mà còn hướng về tương lai, nhớ rằng Chúa Kitô đang đến ở phía trước. Nhờ Thánh Thể, Giáo Hội hướng về Chúa Kitô, Người luôn là “tương lai” cho Giáo Hội và của Giáo Hội.
Bên cạnh những lời cầu khẩn hướng tới Chúa Thánh Thần (Epiclèses pneumatologiques), Giáo Hội tiên khởi đã biết đến ngay từ thời các tông đồ, từ lễ Ngũ Tuần, những lời cầu khẩn hướng về Chúa Kitô (Epiclèses christologiques).
Đọc lại các bản văn Tân Ước và các phụng vụ tiên khởi, ta thấy rằng sự chờ đợi Đức Giêsu đến rất là sâu xa và mãnh liệt, đặc biệt trong một số lời nói, một số lời tung hô mà ta gặp thấy nơi Kinh Thánh cũng như nơi những phụng vụ cổ xưa, chẳng hạn từ Maranatha. Từ này vừa có nghĩa là một lời kêu cầu “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”, vừa có nghĩa là một lời tung hô : “Vâng, Chúa đang đến”, một sự mong đợi và một lời loan báo : “Chúa sẽ đến”.
Như thế, Maranatha diễn tả lời cầu khẩn, sự tùy thuộc, lòng vâng phục của Giáo Hội đối với Chúa Kitô và cũng là niềm xác tín, lời loan báo của Giáo Hội cho thế giới rằng Chúa Kitô đang có mặt, Người đang đến như Chúa Phục sinh (Kyrios) để cứu độ loài người, ban cho loài người sự sống mới, kéo con người ra khỏi sự dữ, cái chết, nỗi đau khổ, cảnh nô lệ và những vong thân.
3 Lời cầu khẩn Thánh Thần (Epiclèse).
Lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần (Epiclèse) được nói với Chúa Cha nhưng là để biến đổi của lễ dâng tiến (bánh và rượu) thành Mình và Máu Chúa Kitô. Như thế, hoa quả của Chúa Thánh Thần là sự hiện diện của Chúa Kitô và sự thân mật với Chúa Cha.
“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).
Mục đích của lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần trong Thánh Thể đi đôi với hiệp lễ. Giáo Hội khẩn nài Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần đến trên lễ vật để biến thành Mình và Máu Chúa Kitô cho những ai hiệp lễ thì được ơn cứu độ.
Lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần không chỉ diễn tả một sự chờ đợi nhưng còn là một lời khẩn nài tha thiết và mãnh liệt bởi vì Giáo Hội xác tín rằng lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần (Epiclèse) và lời cầu xin (intercession) của Giáo Hội trong cử hành Thánh Thể liên kết mật thiết với lời cầu nguyện của Đức Giêsu Thượng Tế, đang ngự bên hữu Chúa Cha.
Thần học Đông phương cho rằng lời cầu khẩn Thánh Thần làm nên Thánh Thể. Giáo Hội kêu cầu Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần xuống trên bánh và rượu để biến thành Mình và Máu Chúa Kitô. Trong thực tế, vai trò của Chúa Thánh Thần trong Mầu nhiệm Thánh Thể vượt lên trên phạm vi của một công thức. Thánh Thể được cử hành vừa như một lời cầu khẩn Thánh Thần vừa như một tưởng nhớ Chúa Kitô. Hành động của Chúa Thánh Thần không thể bị giản lược vào một thời điểm của Lễ Ngũ Tuần, nhưng bao hàm cả lịch sử. Trong cử hành Thánh Thể, Chúa Thánh Thần không là đối tượng của việc tưởng nhớ, nhưng nhờ sức mạnh của Người, Chúa Kitô trở nên hiện diện trong Giáo Hội và cho con người. Như thế, lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần không chỉ nằm một công thức nhưng còn trải rộng ra toàn bộ cử hành Thánh Thể.
Trong phụng vụ Rôma, lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần đi trước tường thuật việc thành lập Thánh Thể. Dẫu sao trong thần học, thời điểm thánh hiến vẫn còn là một thực tế khác biệt giữa Đông và Tây.
Nicolas Cabasilas đã chú ý tới ý nghĩa của Thánh Thể như một lễ Ngũ tuần liên tục. Cử hành Thánh Thể mang tính chất của một lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần. Nhờ hơi thở của Chúa Thánh Thần mà Giáo Hội, trong mầu nhiệm Thánh Thể, có thể tưởng nhớ, kêu cầu, khẩn nài, loan báo Chúa Kitô. Dưới quyền năng sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà Giáo Hội có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa của mình. Tuy nhiên, lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần diễn tả một sự lệ thuộc và vâng phục hoàn toàn vào Chúa Kitô và Chúa Cha.
Đối với lời cầu khẩn xin Chúa Thánh Thần ngự đến, ta gặp thấy trong Tân Ước, đặc biệt trong diễn từ ly biệt của Chúa Giêsu với các môn đệ trước cuộc khổ hình (Ga 14,16). Nội dung của lời nguyện này rõ ràng là một lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần đến (Epiclèse) : “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ gửi đến cho anh em một Đấng Phù trợ khác” (Ga 14,16). Do đó, lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần chỉ thực hiện được trong Giáo Hội nhờ Chúa Kitô.
Trong những cuộc tranh luận về thời điểm làm nên Thánh Thể giữa Đông và Tây : tranh luận giữa Lời và lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần (parole et épiclèse), ta thấy dường như chúng không cần thiết. Thánh Thể được làm nên do những lời đọc trong tường thuật lập Thánh Thể hay do lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần ? Ta chọn Chúa Kitô hay là Chúa Thánh Thần ? Chọn sự hiện diện của Chúa Kitô hay là tác động của Chúa Thánh Thần ? Chúng ta phải thấy rằng sự hiện diện của Chúa Kitô thì khác sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong mầu nhiệm Thánh Thể. Chúa Kitô hiện diện trong các yếu tố Thánh Thể, nhờ đó Người làm cho ta nên một với Người. Chúa Thánh Thần hiện diện một cách thế khác, Người là sức mạnh thánh hóa làm cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Người là Ánh sáng trong đó chúng ta nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Kitô.
Thánh hiến bánh rượu và thánh hóa các tín hữu làm nên hai góc cạnh của thực tại Thánh Thể và cả hai đều có liên hệ mật thiết với Chúa Thánh Thần.
Cử hành Thánh Thể là cử hành trong Ba Ngôi. Vì thế, ta có thể nói, cử hành Thánh Thể là lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần hướng về Chúa Cha để làm cho Chúa Kitô hiện diện. Linh mục và cộng đoàn không phải là những “ông chủ” của hành động Thánh Thể, nhưng chính Chúa Thánh Thần là Tác Nhân đích thực của Thánh Thể cũng như của các bí tích. Khi chúng ta nói rằng tất cả Thánh Thể là lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần thì chúng ta sẽ thấy một sự lệ thuộc của Giáo Hội vào Chúa Kitô và Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Giáo Hội chỉ là người tôi tớ, Giáo Hội chỉ có thể làm chứng và loan báo Đấng vượt lên trên Giáo Hội.
Trong hai nghi thức Phụng vụ Thánh Thể Đông phương được gán cho Gioan Kim Khẩu và Basiliô, kinh tạ ơn bắt đầu sau lời nguyện chúc mang cấu trúc ba ngôi của 2Cr 13,13 : “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” và kết thúc bằng lời vinh tụng ca hướng tới việc chúc tụng Ba Ngôi.
Như thế, Kinh tạ ơn nói với Chúa Cha trong sự duy nhất với Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
KẾT LUẬN
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đi xuyên suốt việc cử hành Mầu nhiệm Thánh Thể mà cao điểm là kinh tạ ơn, kinh Lạy Cha và sự hiệp lễ. Trong Mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa Thánh Thần đưa ta vào trong sự thân mật của đời sống Ba Ngôi, nhờ Chúa Kitô, đến với Chúa Cha.
Nơi Mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa Thánh Thần như vị Tiền hô vĩ đại của Đức Giêsu khi chuẩn bị cho Người đến trong tâm hồn chúng ta. Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta (Gl 4,6 ; Rm 8,26) và chúng ta cầu nguyện trong Người (Rm 8,15), Người tạo nên nơi chiều sâu của hữu thể chúng ta một không gian lớn dần cho Nước của Chúa Giêsu, nơi mà “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Tương quan giữa Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần trong Thánh Thể là ân huệ hỗ tương liên tục cho Giáo Hội, ân huệ này luôn gìn giữ Giáo Hội trong hiện hữu, sứ mạng và trong đời sống của Giáo Hội (Cv 17,28). Chúa Thánh Thần đào sâu nơi chúng ta một không gian vô biên của sự đón nhận, thiết lập trong chúng ta một đền thờ thiêng liêng, chính Người kêu lên trong chúng ta “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến” (Maranatha) ; Cha ơi (Abba) ; để đến lượt Chúa Kitô Phục sinh lại thông ban cho chúng ta Thánh Thần của Người như lúc tạo dựng và phục sinh : “Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” (Ga 20,22).
Lời kinh duy nhất mà Chúa Giêsu thốt lên trong Chúa Thánh Thần và lời kinh của Chúa Thánh Thần trong Chúa Giêsu đó là lời thưa Abba, Cha ơi, hướng về Chúa Cha như Cội nguồn.
Thánh Thể là nơi mà Cội nguồn Ba Ngôi được diễn tả luôn luôn mới mẻ. Thiên Chúa Ba Ngôi thúc bách và nuôi dưỡng Giáo Hội như mầu nhiệm hiệp thông trong sự khác biệt và hướng về sự hiệp nhất cuối cùng của Nước Trời. Ta có thể nói rằng cử hành Thánh Thể là nơi gặp gỡ cụ thể giữa Thiên Chúa Ba Ngôi và Giáo Hội. Nơi đây Cội nguồn và Quê hương của Giáo Hội gặp nhau để khai sinh Giáo Hội một cách mới mẻ trong hiện tại. Mối liên hệ mật thiết giữa mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và Thánh Thể được tìm thấy ngay trong cấu trúc kinh tạ ơn. Lời tạ ơn Chúa Cha, Nguồn mạch của mọi sự thánh thiện liên kết chặt chẽ với lời kêu cầu Chúa Thánh Thần, nhờ đó mà việc tưởng nhớ mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Con được hiện tại hóa.
LM An-tôn Nguyễn Đức Khiết
(Kết thúc - Chương 8: Thánh Thể và Giáo Hội)